Thứ Tư, 29 tháng 10, 2008

Thử Nhận Diện Con Người Việt Nam

Một trong những câu hỏi nền tảng được nhiều người nêu lên và hầu như chưa ai tìm ra lời giải thoả đáng: Tại sao một dân tộc có truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm lại rất khó hợp tác với nhau để thực hiện mục tiêu dân giầu nước mạnh? Tại sao một dân tộc đã anh dũng đánh bại tất cả những mưu đồ xâm lược đến từ bên ngoài, nhưng xem ra lại quá nhẫn nhục trong thời bình và hơn nữa bước đi quá khó nhọc trên con đường công nghiệp hoá? Tính cách nào mang lại cho dân tộc Việt Nam một sức sống mãnh liệt đến thế, để vẫn tồn tại, vẫn chiến đấu và chiến thắng qua mọi cuộc xâm lăng bạo tàn?... Nhưng tính cách nào đã có, đang có "trong ta", để trở thành một lực cản, một sự níu kéo, làm ta bước khó khăn hơn trên con đường hiện đại hoá và công nghiệp hoá đất nước? Làm sao tạo ra trong xã hội một lối tư duy sáng tạo, một kiểu nghĩ nhất quán, dài hơi, chứ không chắp vá, "ăn xổi ở thì"?
Trong "Cơ hội của Thánh Gióng", tiến sĩ Vũ Minh Khương cũng thẳng thắn nói lên nỗi bức xúc của mình trước hiện tình của đát nước. Trả lời những câu hỏi của phóng viên báo Tuổi Trẻ về nguyên nhân của những tiêu cực trong xã hội ta và đâu là Thánh Gióng hôm nay, ông nói: "Theo tôi, trước hết chúng ta phải nhìn thẳng vào mình và phải biết xấu hổ, nếu cần. Ta hãy tự hỏi: tại sao một dân tộc giầu nhân văn, yêu cái đẹp như vậy mà tỉ lệ người bị HIV, nghiện ma tuý lại cao hơn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...? Tại sao người Việt vốn trọng tín nghĩa mà nay lại bị xếp hạng nạn tham nhũng cao nhất nhì Đông Á? Giới trẻ ngày nay sao không có Trần Quốc Toản, Lê Hồng Phong, Kim Đồng...? Tại sao trong các cán bộ nhà nước không còn ai nói: bệ hạ muốn hàng xin hãy chém đầu thần trước?
Chúng ta từng làm nên Điện Biên Phủ, mùa xuân đại thắng năm 1975, vậy mà 30 năm qua hoà bình độc lập ta làm được gì để không hổ thẹn với cha ông? Chúng ta hoan hỉ về xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là đúng. Nhưng hãy nhớ rằng cha ông chúng ta đã từng đạt được danh hiệu này từ hàng thế kỉ trước. Trong tình huống nào đó ta phải chấp nhận tạm thời, nhưng đừng quá vui vẻ về các chỉ số xuất khẩu lao động. Hãy luôn canh cánh về thể diện quốc gia, tự hào dân tộc".
Những dòng dưới đây không phải là những câu trả lời thoả đáng cho những câu hỏi hóc búa ở trên. Đây chỉ là đôi nét phác thảo để nhận diện con người Việt Nam qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, với hi vọng hiểu thêm đôi chút về con người Việt Nam hôm nay.

1- MẪU NGƯỜI CỦA NHO GIÁO
Suốt dọc nhiều thế kỉ dưới chế độ quân chủ theo ý thức hệ Nho giáo, quyền lãnh đạo đất nước được đặt vào tay vua, chúa, quan quyền. Ngoài giới thượng lưu đó, xã hội Việt Nam thời xưa được chia thành bốn giai tầng: sĩ, nông, công, thương. Trên thực tế, hai nhân vật chính của một nước nông nghiệp theo ý thức hệ Nho giáo vẫn là nhà Nho và nhà nông. Thật vậy, thủ công nghệ và thương nghiệp chưa có vai trò quan trọng trong xã hội, hơn nữa còn bị đánh giá thấp, nhất là đối với người buôn bán.
Giới sĩ phu, trái lại, được triều đình ưu đãi và nhân dân kính trọng. Tuy họ chưa thuộc thành phần quan lại, nên chưa được hưởng bổng lộc vua ban, nhưng giới sĩ phu cũng được Triều đình miễn tô thuế và miễn lao dịch. Trong làng xã, nhà nho có một thế lực tinh thần và đóng một vai trò đặc biệt. Họ sống dựa vào danh vị và uy tín, được dân làng và họ hàng vị nể, trọng vọng, biếu xén, giúp đỡ.
Nhà nông chiếm đại đa số dân chúng và và là lực lượng sản xuất nền tảng của quốc gia. Vì ruộng đất ít và phương tiện canh tác thô sơ, nên nông dân Việt Nam vừa thất học, vừa thiếu ăn, thiếu mặc, nhà cửa rách nát. Nhưng chính họ lại là lực lượng sản xuất và đóng góp kinh tế chủ yếu cho Nhà nước. Hàng năm họ phải nộp thuế bằng thóc, bằng tiền và bằng cả lao dịch (đi phu, đi xâu).
Vì điều kiện cụ thể của sinh hoạt nông nghiệp lệ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, nhà nông Việt Nam gắn bó mật thiết với thiên nhên và luôn hướng tới nếp sống hài hoà, nhưng có phần thiên về âm tính: lấy tĩnh làm gốc, cái vô hình trên cái hữu hình, tình nặng hơn lí, xu thế ổn định nổi trội hơn xu thế phát triển. Khuynh hướng hài hoà nặng âm tính này biểu hiện rõ rệt qua lối sống tình cảm, mềm dẻo, kín đáo, tế nhị, linh hoạt, du di, xuề xoà, tương đối, "chín bỏ làm mười".
Sinh hoạt nông nghiệp, đặc biệt nghề trồng lúa nước, với đặc tính thời vụ cao, đòi hỏi phải dựa vào nhau để sống. Chính vì vậy, tính cộng đồng, tinh thần tương thân tương trợ và tổ chức phường hội, giáp thôn, làng xã luôn được đặt nổi. Ngoài ra mỗi gia đình riêng lẻ cũng không đủ khả năng để đối phó một cách hữu hiệu với những bất trắc của môi trường tự nhiên, như thiên tai hay lụt lội, và điều kiện xã hội, như nạn trộm cướp chẳng hạn. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà ở Việt Nam tổ chức nông thôn như huyết thống thường được đặt căn bản trên yếu tố gia tộc. Các khái niệm truyền thống như "cửu tộc" (chín đời), "tộc trưởng" (trưởng họ); "từ đường" (nhà thờ họ), "gia phả"; "ruộng kị"; "giỗ họ": "giỗ tổ"... đều liên quan đến gia tộc chứ không phải gia đình.
Ca dao Việt Nam diễn tả thật sắc nét vai trò của gia tộc, với khả năng yêu thương, cưu mang và đùm bọc nhau: "Con người có tổ có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn". Hay "con có mẹ như măng ấp bẹ". Trái lại, "con không cha như nhà không nóc". Trong mọi trường hợp chắc chắn "máu loãng còn hơn nước lã".
Trong hệ thống đại gia tộc của Việt Nam, "chú là cha" và "anh em như thể tay chân, rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần". Nhờ vậy, dù có sa cơ thất thế thế nào đi chăng nữa, con người cũng không cảm thấy bơ vơ côi cút, vì "sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì". Gia tộc không những hỗ trợ về vật chất, mà còn là điểm tựa về tinh thần và xã hội. Người xưa thường nói: "Nó lú nhưng chú nó khôn", và vẫn đinh ninh rằng "một người làm quan cả họ được nhờ".
Theo truyền thống, tổ chức gia tộc là quan hệ theo hàng dọc, có tôn ti trật tự, có cấp bậc trên dưới, với vai trò rõ rệt của tộc trưởng và gia trưởng. Mệnh lệnh và kiến thức thường cũng được truyền đạt theo tương quan chiều dọc từ trên xuống. Ngoài họ nội, còn có họ ngoại, họ đàng vợ, đàng mẹ, đàng bà. Mỗi người đều nằm trong một mạng lưới rộng lớn và phức tạp về họ hàng. Giữa những người thân thuộc, nội cũng như ngoại, không những có liên hệ tình cảm, mà còn có trách nhiệm liên đới với nhau.
Nếu qui tắc xử thế của Tây phương là luật pháp, khách quan, rõ rệt nhưng cứng ngắc, thì qui tắc sử sự ở Việt Nam ngày xưa là tục lệ. Truyền thống thiên về tình cảm của người dân Việt đã làm "mềm đi" tính cứng ngắc của luật pháp bằng những tục lệ của làng xã. Vua được coi là Con Trời (Thiên tử), nắm trọn quyền sinh sát trong tay. Nhưng trong thực tại cuộc sống, có những lúc "phép vua thua lệ làng". Nhiều làng giống như một hòn đảo biệt lập, chung quanh có luỹ tre và ao hồ bao bọc. Sau luỹ tre và cổng làng là một cuộc sống riêng biệt và đóng kín đến độ nhiều khi mỗi làng trở thành một thế giới riêng, với hương ước, tục lệ, nếp sống tinh thần và ngay cả điều kiện vật chất.
Nho giáo chủ trương dùng đức để trị dân, nên phải giao phó công việc trị nước trong tay những người có đức, có tài. Lớp người này, nhà Nho gọi là quân tử. Theo nguyên nghĩa, chữ quân tử lúc đầu được sử dụng để diễn tả địa vị của tầng lớ sĩ phu, vua quan, đối lập với đám tiểu nhân là tầng lớp nông dân và thợ thuyền. Vì thế, quân tử thì tốt đẹp, cao quý, còn tiểu nhân chỉ là bọn "phàm phu tục tử, thất học, đê tiện, thấp hèn, lỗ mãng, vô lễ, nhỏ nhen, đáng khinh bỉ. Thành ra, sự so sánh rõ rệt trắng đen: quân tử thượng đạt, tiểu nhân hạ đạt (quân tử đạt về cái lý cao minh, tiểu nhân đạt về cái lý đê tiện); quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân (quân tử cầu ở mình, tiểu nhân cầu ở người); quân tử hoà nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hoà.
Bên cạnh nghĩa nguyên thuỷ đó, còn hai ý nghĩa chính nữa, theo đó "quân tử" thuần tuý ám chỉ tư cách, hoặc vừa địa vị vừa tư cách. Do đó theo Khổng Tử, quân tử phải là người có đức nhân, hiểu rõ điều nghĩa (quân tử dụ ư nghĩa), giữ vững khí tiết trong hoàn cảnh bần cùng (quân tử cố cùng), trọng trung tín (quân tử ... chủ trung tín), thận trọng trong lời nói mà hăng hái trong việc làm, biết thì nói là biết, không biết thì chịu là không biết (tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã), quân tử truy tầm đạo, không lo nghèo (quân tử ưu đạo bất ưu bần).
Dưới ý thức hệ Nho giáo và trong môi trường cụ thể "làng - họ", con người Việt Nam ngày xưa chỉ là một bộ phận phụ thuộc và hoàn toàn lệ thuộc vào tập thể. Cho đến cuối thế kỉ XIX, tại Việt Namchưa xuất hiện mô hình nhân cách và nhân vị của con người độc lập, tự do, tự tại với nếp sống và nếp nghĩ riêng. Con người Việt Nam lúc ấy là "con người của gia đình, của họ hàng, của làng nước. Bản thân họ không có gì là của mình: thân thể là của cha mẹ cho, phận vị là của vua cho, số mệnh là của Trời cho. Họ có được cái gì cũng là nhờ ơn vua, ơn Trời. Gía trị của nó được tính theo chỗ nó là con ai, thuộc họ nào, làng nào, có chức sắc gì, chứ không theo chỗ bản thân nó là gì. Trong xã hội tất cả là thần dân của vua, đều được xếp vào bậc thang tước vị, rồi lại chia thành hạng cha chú hay con cháu. Con người phải nhìn xuống, nhìn lên trong cái thang trật tự trên dưới đó, tự xác định vị trí của mình mà ăn mặc, nói năng, đi đứng cho phải phép. Đó là con người chức năng trong xã hội luân thường chứ không có nhân cách độc lập"
Thân phận người phụ nữ còn bi đát và thê thảm hơn, vì suốt đời bị trói buộc bởi "tam tòng": khi còn sống trong gia đình phục tùng cha, khi lấy chồng phục tùng chồng, chồng chết phải theo con, nghĩa là không được bước thêm bước nữa. Rút cục suốt đời phải quên hạnh phúc riêng tư và chính bản thân để tận tụy lo lắng, hi sinh cho chồng con. Hầu như những phụ nữ ấy không thể nghĩ đến chuyện phát triển bản thân, mà phải tận lực cho giang sơn nhà chồng, để rồi suốt đời luẩn quẩn bên cái cối xay sau luỹ tre làng,
Hẳn chúng ta chưa quên câu nói được người xưa lặp đi lặp lại như một điệp khúc, từ đời nọ sang đời kia: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" (một trai kể là có, mười gái vẫn kể là không). Lý do sâu xa của việc đối xử phân biệt này nằm ở quan điểm Khổng Mạnh về việc nối dõi tông đường, nghĩa là triệt để đặt lợi ích của gia đình và dòng họ trên quyền lợi của con người cụ thể. Do đó trong ba tội bất hiếu, tội lớn nhất vẫn là không có con trai để nối dõi tông đường, (bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại). Mẫu hình gia đình xây dựng theo tư tưởng Nho giáo là gia đình nề nếp. Trong gia đình này, mỗi thành viên đều biết và cố gắng thi hành cặn kẽ nhiệm vụ, lễ tiết và vị thế của mình. Giáo dục giữ một vai trò rất quan trọng và là trách vụ đặc biệt của người gia trưởng. Nguyên tắc nam tôn nữ ti, chồng chính vợ tuỳ, con cái phải có hiếu, anh em hoà thuận...là nguyên tắc căn bản. Riêng người con gái, phải gắn liền với "tam tòng tứ đức". Nhưng trong thực tế, ở những gia đình nề nếp không ai vì nguyên tắc nam tôn nữ ti mà khinh thường người phụ nữ, trái lại chồng luôn tôn trọng và nể vợ. Khổng giáo quy định đôi vợ chồng phải "tương kính như tân". Và cha mẹ dù tin yêu con ruột mình hơn, vẫn giao việc nhà cho con dâu, nghĩa là tôn trọng chức năng người chủ phụ.
Sau khi phân tích hai mẫu người cổ điển, giáo sư Trần Đình Hượi còn thêm một mẫu người thứ ba: "bên cạnh mô hình người quân tử, ta còn có một mô hình khác, cũng là người nông dân, nhưng không phải nhìn theo cách nhà Nho, mà tổng hợp từ thực tế cuộc sống của nền kinh tế cống nạp và tự túc, của đời sống gia đình, làng, họ, của trật tự trên dưới vua quan với dân, cha chú với con em...". Ông gọi rất đúng" con người đó là "tiểu kỉ"- cái tôi bé nhỏ- cam chịu thân phận hèn mọn, bị động, nhờ ân huệ, vun quén, xà xẻo, khôn khéo lẩn tránh... Con người đó cũng có quan niệm thế giới của họ, ý thức về bản thân và lựa chọn cho mình cả lí tưởng, cả cách ứng xử, cách đánh giá lợi hại, khôn dại..."
Dĩ nhiên "con người tiểu kỉ" này có lí do và vai trò của nó trong một số hoàn cảnh nhất định nào đó. Phải chăng đây là một hình thức tự vệ cần thiết, giúp người nông dân bảo toàn sinh mạng trong những giai đoạn lịch sử khắc nghiệt? Tuy nhiên, hôm nay khi đất nước đang nỗ lực đi vào dòng chẩy chung của nhân loại thì "con người tiểu kỉ" nói trên lại trở thành lực cản. Não trạng khép kín, luồn cúi, khúm lúm, an phận, phụ thuộc, manh mún, tiểu xảo, rình được một cơ hội nào đó thuận tiện thì tìm cách xoay sở, vun quén chút ít cho cái tôi nhỏ bé đang làm thui chột óc sáng tạo, tính khách quan, tinh thần tự lập, tự chủ của mô hình nhân cách mới.

2. DƯỚI THỜI PHÁP THUỘC
Vào cuối thế kỉ XIX, bộ máy cai trị của thực dân Pháp đã ổn định. Năm 1877, nghĩa quân của Mai Xuân Thưởng ở Bình Định- Phú Yên bị Trần Bá Lộc đánh tan tành. Tám năm sau 1895, Phan Đình Phùng bị bệnh lị và từ trần ở Hà Tĩnh. Nghĩa quân của ông, số tuẫn tiết, số chạy trốn ra nước ngoài, số còn lại ra đầu thú để mong được an thân, nhưng rồi cũng bị người Pháp giết gần hết. Hai năm sau, ở Bãi Sậy tiếng súng đã im bặt và Nguyễn Thiện Thuật phải trốn sang Tầu. Cũng vào cuối năm đó, Đề Thám tạm giảng hoà với Pháp để lập ấp ở gần Nhã Nam vào năm 1898.
Được rảnh tay với công việc bình định thuộc địa, nhà cầm quyền Pháp bắt đầu khai thác và phát triển Việt Nam. Một mô hình xã hội mới đang được hình thành với những thay đổi rõ rệt về cơ cấu chính trị, sinh hoạt thương mại, tổ chức xã hội, đường hướng giáo dục, nếp sống, lối nghĩ. Đường giao thông, cơ sở hành chánh, trường học, bệnh viện và thị trấn thi nhau mọc lên. Đô thị chiếm vai trò chủ yếu trong mọi sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Văn hoá Tây phương và nếp sống mới bắt đầu lan toả, thâm nhập ngay cả đàng sau luỹ tre làng và bên trong các gia đình.
Ngay cả nhà Nho yêu nước vào đầu thế kỉ XX như Phan Bội Châu, nhất là Phan Chu Trinh, Trần Cao Vân, Huỳnh Thúc Kháng... cũng chấp nhận sự thấp kém và bế tắc của chế độ quân chủ chuyên chế theo ý thức hệ Nho giáo, so với ưu thế của văn minh Tây phương. Thấm thía nỗi nhục của người dân mất nước, họ kịch liệt lên án chế độ phong kiến của ta và ca ngợi chế độ dân chủ của người. Các tư tưởng dân chủ của các tác giả nước ngoài như J. J. Rousseau, Voltaire, Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu được đề cao.
Thay vì giải pháp bạo động và vọng ngoại, Phan Chu Trinh đề nghị phát động phong trào duy tân nhằm mục đích "chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh". Ngược với quan điểm của đại đa số nhà cách mạng lúc đó muốn cầu viện Nhật hay Tầu, Phan Chu Trinh chủ trương "tự lựckhai hoá". Mấy dòng ngắn ngủi sau đây, viết tại Côn đảo, bộc lộ tâm huyết và chí hướng của ông: "Chưa có tư cách quốc dân độc lập, dẫu có nhờ sức nước ngoài chỉ diễn cái trò "đổi chủ làm đầy tớ lần thứ hai", không ích gì (...). Mình không tự lập, ai cũng là cừu địch của mình, Triều Tiên. Đài Loan, cái gương rõ ràng, người Nhật chắc gì hơn người Pháp".
Phong trào Duy tân chủ trương Âu hoá theo mô hình Nhật Bản và coi đó như đường cứu quốc khả thi nhất. Yêu cầu bãi bỏ lối học từ chương và con đường khoa cử ngày xưa để mở học đường theo kiểu phương Tây. Họ đề nghị lập hiệu buôn và phát triển thương nghiệp và khuyên quốc dân theo lối sống mới: cắt tóc ngắn, bỏ tục nhuôm răng, mặc Âu phục...
Vào khoảng cuối thập niên 20, chế độ thuộc địa đã khai sinh lớp người mới theo Tây học và làm biến đổi xã hội nho phong cũng như thôn ấp ngày xưa. Trước hết, việc khai thác kinh tế thuộc địa đã tạo ra một lớp doanh nhân bản xứ. Họ chính là lớp phú hào mới và hấp thụ nhanh chóng nếp sống Tây phương. Việc phát triển kinh tế, khuyếch trương thương mại và mở mang hay kiến thiết đô thị tạo nên nhiều việc làm: công chức, tiểu thương, công nhân, thủ công nghệ... Đông đảo quần chúng rời nông thôn để lên thành thị kiếm sống. Với thời gian, họ trở thành dân thành phố, với nếp sống, nếp nghĩ và tâm lí khác hẳn với quần chúng tại nông thôn. Đặc biệt, việc thay thế Hán học cổ truyền bằng chương trình Pháp đã tạo ra một lớp trí thức mới xuất thân từ trường Tây, thông thạo ngôn ngữ, hiểu rõ văn hoá, tư tưởng và nếp sống phương Tây hơn các nhà Nho yêu nước trước đây.
Ba thành phần này có điểm gặp gỡ chung là sống gần người Pháp, trong khung cảnh đô thị và đường lối sịnh hoạt do chính quyền thuộc địa tạo ra. Họ tiếp thu nhanh văn hoá phương Tây. Về kinh tế, nếp sống của họ tiện nghi và thoải mái hơn dân quê chân lấm tay bùn. Về văn hoá, đời sống thành thị văn minh, cởi mở, tự do và dân chủ hơn nếp sống u buồn sau luỹ tre xanh.
Từ khung cảnh văn hoá Tây phương và điều kiện sống mới ở thành thị, giới trí thức trẻ gắt gao đả phá xã hội nho phong cũ và hăng hái truyền bá lối sống mới. Họ cương quyết loại trừ mô hình đại gia đình "tứ đại đồng đường", với chế độ gia trưởng, với những bổn phận hiếu đễ, tam tòng, tứ đức. Theo họ, những tục lệ cũ như cúng tế lễ bái, kiêng kị huý nhật, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó... được coi là lạc hậu, cần phá vỡ để giải thoát con người. Cần tôn trọng nhân phẩm, hạnh phúc và quyền tự do lựa chọn của cá nhân trong hôn nhân.
Nhóm Tự Lực Văn Đoàn được thành lập với mục đích hô hào bỏ cũ theo mới. Văn đoàn triệt để chủ trương đổi mới và thẳng tay phá đổ tất cả những cái cũ cản trở bước tiến của họ. Trong cuộc chiến này, văn đoàn sử dụng nhiều thứ khí giới khác nhau, nhưng thứ khí giới lợi thế nhất vẫn là tiểu thuyết. Hai tác phẩm tiên phong là "Đoạn Tuyệt" của Nhất Linh và "Nửa Chừng Xuân" của Khái Hưng. Nhất Linh kịch liệt đả phá tất cả những tệ đoan, hủ tục, mê tín dị đoan... của xã hội cũ, để sau đó xây dựng một nếp sống tiến bộ hơn. Rất tiếc là hình ảnh xã hội mới còn rất mơ hồ và mung lung, ngay cả con đường cách mạng được giới thiệu qua nhân vật Dũng còn chưa có gì rõ nét.
Qua ngòi bút của Nguyễn Tường Long, tức Hoàng Đạo, được coi là nhà xã luận của nhóm, Tự Lực Văn Đoàn đã bắn thẳng vào Tam Giáo cổ truyền: ''Những lí tưởng của các cụ xưa không hợp với trình độ học thức của thiếu niên nữa. Nho giáo lung lay sắp đổ, sắp sửa theo mấy nhà thâm nho còn sót lại mà tiêu diệt với thời gian. Còn đạo Lão, đạo Phật chỉ đem lại cho thiếu niên những tư tưởng chán đời, ta không thể nương tựa vào đấy mà sống còn được".
Tạp chí Phong hoáNgày nay cũng lớn tiếng đòi cải cách hương thôn. Nguyễn Tường Long viết về nếp sống nông thôn như sau: "Ta phải thay thế cái mớ lễ nghi cũ rích nó phân đẳng cấp xằng, nó xướng lên một miếng giữa làng bằng một sàng trong xó bếp bằng một cái lễ nghi mới. Những điều lễ nghi mới ấy dạy cho dân quê rằng một người trong làng là một người công dân, có đủ quyền tự do làm một người công dân, dù là một bạch đinh hay một ông Lý ông Chánh, quý hồ mình góp đủ sưu thuế theo đúng luật lệ là không ai ức hiếp được mình, chớ không cần phải khoác cái chức nọ, chức kia".
Đối với nền luân lý cũ, Nguyễn Tường Long tuyên bố không úp mở: "Nền luân lý ấy bắt ta phải bái phục lời nói cổ nhân, dầu lời nói sai cũng mặc, không được đem lí luận ra mà bẻ bác. Cha mẹ đẻ ra ta thì những câu bảo ban, ta phải cúi đầu vâng theo dù những câu ấy trái với tư tưởng của ta. Mà kể thực ra thì dưới chế độ đó ta chẳng còn có tư tưởng gì nữa, mà ta là của gia đình. Chữ tự do cá nhân là một chữ từ xưa đến nay ta không biết nghĩa là gì. Ngày nay, cái óc biết suy xét của ta bắt ta không nhắm mắt như xưa, mà bắt ta đem lẽ phải, lương tri, ra mà suy nghĩ cứu cánh mọi sự ở đời".
Cũng chính Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long đã đưa ra "Mười điều tâm niệm" để kết hợp các phần tử trẻ tiến bộ hầu tạo một lực lượng cách mạng trong tiến trình đòi hỏi tự do và dân chủ: "Thanh niên nam nữ phải dứt khoát theo mới, phải tin ở sự tiến bộ, phải có lí tưởng dấn thân hành động, phải bỏ óc vị kỉ để góp sức xây dựng xã hội, phải cố gắng rèn luyện nghị lực và một thân thể cường tráng, phải loại trừ mê tín dị đoan, xây dựng tinh thần khoa học, bài trừ thói cẩu thả, học hỏi cách quản lí và tổ chức. Cuối cùng phải xem thường danh lợi nhỏ mọn của xã hội phong kiến và thực dân để lo xây dựng một sự nghiệp lớn lao cho ngày mai.
Những nhận xét của Hoàng Đạo khá sát với một thực tế xã hội đang bị chìm ngập dưới lớp bùn của Tống Nho thời đó. Một điều đáng tiếc là tác giả Mười điều tâm niệm chưa sáng suốt "gạn đục khơi trong", chắt lọc phần tinh hoa trong gia sản của dân tộc.
Cùng với phong trảo thể dục- thể thao, phong trào thẩm mĩ và cải cách y phục nữ ra đời. Năm 1934, hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường hô hào trên báo Phong Hoá: "Ngày xưa các cụ ăn mặc cốt để che khuất thân thể, nên làm ra một bề ngoài lụng thụng, bây giờ phải ăn mặc sao cho dáng điệu thân thể được tự nhiên phô bày. Hay có khi để chữa cái dáng điệu ấy được uyển chuyển thướt tha thêm". Trong bối cảnh đó, chiếc áo dài Cát Tường xuất hiện và chẳng bao lâu lan tràn từ Hà Nội về các tỉnh, từ Bắc vào Nam.
Nói chung giới trí thức Tây học đã ý thức về hạnh phúc cá nhân, tự do kết hôn, quyền bình đẳng nam nữ, nhân cách tự lập, sáng tạo, trách nhiệm... Dĩ nhiên, đây chỉ là một thiểu số tiểu tư sản rất ít ỏi sống ở thành thị. Đại đa số người Việt Nam vẫn cam chịu thân phận người dân bị trị, nghèo khổ và lạc hậu. Vì điều kiện nghiệt ngã của lịch sử Việt Nam vào giai đoạn đó, mô hình "người trí thức tự do" vừa ló dạng và chưa kịp phát triển đã bị đi vào quên lãng. Nó chỉ để lại một số dấu ấn mờ nhạt ở thành thị và chưa có ảnh hưởng quan trọng nào trên nếp sống, cũng như lối nghĩ thâm căn cố đế ở nông thôn.
Về phương diện kinh tế, Việt Nam lúc đó mới chập chững bắt đầu phát triển và bị chi phối nặng nề bởi chế độ thuộc địa. Trên tổng thể, Việt Nam lúc đó vẫn là một nước nghèo, chậm tiến và bị đô hộ. Nhưng đó là tình trạng chung của các nước Đông Nam Á, nên sự khác biệt giữa Việt Nam với các nước láng giềng hầu như không có. Bảng đối chiếu sau đây của tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương, cho chúng ta một ý niệm: "Nếu lấy mốc tính là năm 1950, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam bằng 80.5% của Thái Lan, thì năm 1999 chúng ta chỉ còn bằng 20%. So với Hàn Quốc thì năm 1950 ta bằng 85,5%, tức Hàn Quốc với Việt Nam lúc bấy giờ cũng đói như nhau, còn bây giờ ta chỉ còn bằng khoảng độ 11, 12% Hàn Quốc. Lúc bấy giờ ta giầu có hơn Trung Quốc, Trung Quốc lúc bấy giờ đói khổ hơn ta. Ta bây giờ thu nhập bình quân đầu người bằng khoảng 20% Trung Quốc mà thôi". Các con số trên đây cho thấy các nước láng giềng đã phát triển mạnh trong mấy thập niên vừa qua, còn Việt Nam đã dậm chân tại chỗ hay tiến quá chậm. Kết quả hiển nhiên là sau 50 năm, khoảng cách giữa họ và ta thay vì thu hẹp lại, đã nới rộng thêm.

3. ẢNH HƯỞNG THỜI BAO CẤP
Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 đã tạo nên một sự thay đổi lớn lao và triệt để trong mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội... Chính quyền cách mạng được thành lập để thay thế cơ cấu chính trị cũ. Hiến pháp mới được ban hành, nhiều đoàn thể cách mạng ra đời. Vai trò của Nhà nước và xã hội được đề cao, trong khi vị trí của gia đình trong cuộc sống toàn xã hội bị giảm nhẹ và thu hẹp. ''Chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa xây dựng trên cơ sở cộng đồng xã hội, coi cá nhân chỉ tồn tại trong xã hội, cộng đồng xã hội bằng hành động tập thể, bằng nhà nước tập quyền, hành động theo kế hoạch không gián đoạn để thực hiện một lí tưởng chung đã vạch sẵn là chủ nghĩa Cộng sản để đem lại tự do hạnh phúc cho mọi người".
Con người xã hội chủ nghĩa chủ yếu sống với xã hội và sống cho đoàn thể, chứ không phải sống trong gia đình. Hậu quả tất nhiên là con người có thói quen hành xử như một thành viên của tổ chức, một bộ phận phụ thuộc và phục vụ đoàn thể thay vì là một nhân vị tự tại, tự lập, có trách nhiệm và sáng tạo.
Trong giai đoạn đó, tất cả các tổ chức làng xã và quan hệ họ hàng được vận dụng tối đa để phục vụ kháng chiến. Có những lúc phải triệt để "tiêu thổ kháng chiến" và di tản tản tất cả về nông thôn. Dần dần đi đến chỗ nông thôn hoá đô thị, trường học và cả nếp sống. Nền kinh tế căn bẳn vẫn là nông nghiệp. Cơ cấu tổ chức khép kín và hình thức gia đình cũng rất đơn điệu. Theo giáo sư Trần Đình Hượi, trong thời bao cấp chủ yếu có hai loại gia đình tiêu biểu: gia đình xã viên và gia đình cán bộ.

a)- Gia đình xã viên: Vì nông thôn đã hợp tác hoá, nên mọi người phải gia nhập hợp tác xã và trâu bò nông cụ cũng tập trung ở hợp tác. Gìơ lao động theo kế hoạch và sản xuất theo hợp tác: làm chung và chia sản phẩm theo công điểm lao động.
Mô hình sản xuất này đã xoá bỏ được sự phân chia cố hữu giữa các loại gia đình địa chủ, phú nông, trung nông hay bần cố nông. Trên nguyên tắc, tất cả các xã viên sống giống nhau, nhưng thực tế lại nẩy sinh sự khác biệt sâu xa giữa cán bộ và xã viên. So với trước, điều kiện sống của các gia đình xã viên khá hơn gia đình bần cố nông, nhưng vẫn chưa bằng gia đình trung nông ngày xưa, mặc dù làm ăn tất bật, ít thoải mái và thiếu ấm cúng hơn. Môi trường mới tạo điều kiện để phát triển gia đình hạt nhân, nhưng thanh niên thoát li đi bộ đội, làm công nhân, làm cán bộ. đi học... chưa đủ khả năng để sống tự lập, nên trên thực tế vẫn phổ biến gia đình nhiều thế hệ. "Những đứa trẻ, phần lớn vắng mặt cha mẹ, ở với ông bà, cũng được thả rông, phó mặc cho xã hội. Khi lớn lên, chúng đã chán cuộc sống nông thôn, nếu không thoát li được thì ngả sang buôn bán để được đi đây đi đó, từ đó đâm ra đua đòi, sống bừa bãi, làm ăn phi pháp... Việc làm suy yếu gia đình và kinh tế gia đình, việc ào ạt đưa thanh niên vào biên chế, làm việc nhà nước đã làm cho nông thôn xơ xác, tiêu điều. Và hơn thế nữa đã làm cơ sở xã hội rệu rã, mất ổn định, làm phát sinh nhiều tiêu cực trong đời sống ở cả nông thôn, lẫn ở thành thị".
Về mặt tổ chức, " chính quyền và hợp tác quản lí hộ khẩu. quản lí lao động, không để làm ăn riêng lẻ và chạy ngoài. Việc đi lại khỏi làng: nhập ngũ, đi học nghề, làm công nhân hay viên chức phụ thuộc khá nhiều vào ý kiến nhận xét của xã. Người nông dân gắn chặt với xã, đóng kín chỉ có môi trường xã hội ở xã, khó năng động, linh hoạt trong việc kiếm sống và cũng trở lại tìm chỗ dựa ở quan hệ họ hàng". Vô hình trung đã nẩy sinh một thứ "luỹ tre làng mới", với "hương ước" và "tập tục" riêng, nhưng tựu trung vẫn trói buộc con người một cách khắt khe và nghiệt ngã như hay nhiều khi còn hơn "luỹ tre làng cũ".

b)- Gia đình cán bộ: Đây là gia điình của những viên chức làm công tác Nhà nước, Đảng, hay Đoàn thể và sống bằng lương tháng. Vì chế độ lương bổng thấp và bình quân nên đời sống của công nhân, công chức, sĩ quan, trí thức ít cách biệt nhau và tất cả đều chật vật. Gia đình cán bộ chủ yếu tập trung ở đô thị, nhưng vì đồng lương thấp nên phải làm thêm: nuôi lợn, nuôi gà, may vá, nhận làm đồ gia công. Xuất hiện một thứ gia đình nửa quê, nửa tỉnh.
Vì hậu quả khốc hại của chiến tranh, do những khuyến khiếm của chế độ bao cấp, nhất là do chủ trương xây dựng nhà nước, đoàn thể mà coi nhẹ gia đình, nên gia đình rệu rã, lộn xộn, chưa có nề nếp mới, chưa thành tổ ấm. "Ở thành phố, có rất nhiều vợ chồng là cán bộ ăn lương tháng, còn con cái được phụ cấp ăn theo, cả gia đình dựa dẫm, trông đợi nền kinh tế bao cấp của nhà nước. Công việc gia đình thành việc phụ, làm tranh thủ, làm cho nhanh để còn nghỉ ngơi, còn đi làm (...). Gia đình thành một thứ nhà tập thể tạm trú, lỏng lẻo. Chịu hậu quả nặng nề của tình trạng lỏng lẻo đó là trẻ con. Phần thì do cha mẹ đều bận việc xã hội, về đến nhà đã mệt phờ, pjần thì do quan niệm tôn trọng tự do, hạnh phúc "cho con được sướng hơn mình", nhiều gia đình thả lỏng, chiều chuộng, bỏ mặc con cái cho nhà trường và đoàn thể. Bố mẹ đi làm, người thì nhốt con lại, người thì đuổi con đi chơi để khoá cửa. Cả hai cách đều đẩy trẻ con đến chỗ ghét gia đình, thích la cà lang thang ngoài đường phố, mà đường phố thì có nhiều cái lôi kéo trẻ con vào con đường hư hỏng".
Đứng trên phương diện ý thức hệ, mô hình "người cán bộ cách mạng" xuất hiện và trở thành mẫu người lí tưởng thay thế cho mô hình nhân cách "người quân tử" của Nho giáo và mô hình "người trí thức tự do" dưới thời Pháp thuộc. Qua vận động quần chúng giành chính quyền, lập chính quyền cách mạng, kháng chiến, xây dựng chủ nghĩa xã hội, mô hình người cán bộ cách mạng hoàn chỉnh dần. Mô hình đó phủ định những mô hình có từ trước và cụ thể hoá trong quan niệm về người đảng viên, anh bộ đội Cụ Hồ, người phụ nữ mới,... Phải nói rằng, những nhân vật đó không khác nhau nhiều, mà chỉ là hình thức cụ thể của "người cán bộ cách mạng".
Đức tính căn bản của người cán bộ cách mạng là tính giai cấp, đấu tranh chống áp bức bóc lột, căm thù đế quốc thực dân, loại trừ phong kiến, tuyệt đối tin tưởng ở Đảng và có tinh thần cách mạng. Các giá trị đạo đức và các đức tính nhân bản bị giảm giá hay đặt xuống hàng thứ yếu. Cũng chẳng còn chủ ý rèn luyện tinh thần trách nhiệm , khát vọng dân chủ, tính tự lập, lòng tự trọng và tôn trọng kẻ khác. Kết quả là người cán bộ cách mạng trở thành con người "đơn nhất đồng loạt, lấy cái bất biến là yêu nước, giác ngộ cách mạng, ham lao động, có văn hoá, sẵn sàng phục tùng sự sắp xếp của tổ chức để ứng vạn biến".
Nhiều người lấy làm tiếc là đáng lẽ ra phải dồn tất cả năng lực để hiện đại hoá nông thôn và cải tạo con người tiểu kỉ, thì dưới thời bao cấp người ta lại nông thôn hoá đô thị và đề cao quá đáng tính cách của con người nông dân tiểu kỉ như cam phận hèn mọn, tính toán ích kỉ, sự phục tùng tuyệt đối, thái độ khôn ngoan vụn vặt. Hậu quả của nó là đã tái sinh nhiều mê tín dị đoan cũ và dẫn đến một thứ chủ nghĩa xã hội của nông dân công xã. "Nếu chủ nghĩa xã hội, hiểu là sở hữu công cộng với chính quyền chuyên chính vô sản chỉ huy cả kinh tế, sắp xếp cả công việc làm ăn cho từng người, lo chuyện tương cà mắm muối, và xây dựng bằng cách xác lập quan hệ sản xuất, đã dẫn đến quan liêu bao cấp, đến trói buộc cả xã hội, thì làng- họ, với nền sản xuất nông nghiệp tự túc và cống nạp, với tính cộng đồng, tính đóng kín của nó, cũng dẫn đến cách hiểu chủ nghĩa xã hội "trại lính" với bệnh viện địa phương, nạn phe phái, tệ cường hào".
Dưới cái nhìn của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, những cái gì đang trở thành nhược điểm của người Việt Nam hiện nay chủ yếu được hình thành trong thế kỉ 20 này. "Ở miền Bắc hình thành cơ chế quan liêu bao cấp- không có cơ chế đó chúng ta không thắng Mĩ được. Nhưng bao cấp, nhất là bao cấp kéo dài sau năm 1975 làm nẩy sinh hai đứa con tệ hại là thói đạo đức giả và thói vô trách nhiệm".
Chủ nghĩa xã hội đã đưa ra những ý tưởng cao vời nhằm đạt tới sự giải phóng con người khỏi mọi hình thức áp bức và vong thân, tạo điều kiện để mỗi người thực hiện chính mình. Theo lí thuyết, đây là một tiến trình cách mạng và phát triển kinh tế- xã hội ở mức cao. Vì thế , khó lòng thực hiện được mô hình lí tưởng này ở những nơi người dân còn nghèo về tri thức và vật chất, như nước ta trước đây. Tuy nhiên, do sức ép của chế độ và thái độ duy ý chí, người ta đã gồng mình đốt giai đoạn và nhất quyết thi đua đạt thành tích.
Trên thực tế, xã hội chủ nghĩa đó mang tính cách "hữu danh vô thực". Thời đó khi ở nơi công cộng, hầu như mọi người phải làm ra vẻ mình là người tiến bộ, phải lặp lại như vẹt tính ưu việt của lí tưởng xã hội chủ nghĩa và xác quyết tính khả thi của nó, nhưng trong chốn riêng tư lại nghĩ khác hẳn. Có một khoảng cách sâu thẳm giữa thực tại và khẩu hiệu, giữa việc làm và lời nói, giữa con người thật và con người xuất hiện trước đám đông. Hố phân cách thê thảm này nhiều khi chỉ được lấp đầy bằng những lời tuyên ngôn đẹp đẽ, khẩu hiệu choáng ngợp và những lời nói dối hoa mĩ. Báo "Ong Đất' của Bungari đã diễn tả giai đoạn đặc biệt này một cách sâu sác và hóm hỉnh qua sáu nghịch lí điển hình sau đây:
- Ai cũng có việc làm, nhưng không ai làm việc
- Ai cũng không làm việc, nhưng ai cũng có lương
- Ai cũng có lương, nhưng không ai sống đủ
- Ai cũng không sống đủ, nhưng ai cũng sống
- Ai cũng sống. nhưng không ai hài lòng
- Ai cũng không hài lòng, nhưng ai cũng giơ tay "đồng ý".
Vì quá đề cao xã hội tính và tập thể tính của con người đến độ lãng quên hay, tệ hơn nữa, phủ nhận nét độc đáo của mỗi nhân vị, chế độ bao cấp đã đi đến chỗ đoàn ngũ hoá và đoàn ngũ hoá con người bằng các đoàn thể, phong trào, những cuộc thi đua, bình bầu, xếp hạng, khen thưởng, đạt thành tích... ba giảm, bốn quyết tâm, năm thi đua, v. v... Mô hình này đã đúc khuôn và nhào nặn nên nhiều "chiến sĩ thi đua", nhiều "anh hùng lao động"... đáp ứng cho đòi hỏi của phong trào thi đua tập thể. Họ được dựng lên từ những phong trào thi đua và chỉ tìm được niềm hăng say phấn khởi trong bầu không khí thi đua, chạy theo thành tích, chạy theo đám đông và tìm cách khẳng định mình bằng những thành tích được khen thưởng.
Môi trường này ít tạo nên những con người có nội lực, có bản lãnh và tìm cách khẳng định mình bằng những giá trị đạo đức: sống chân thành với lương tâm, không chấp nhận tính đoàn lũ, không nịnh bợ, luồn cúi... Đây là những con người có nội lực, biết tìm thấy niềm tự hào khi thể hiện được giá trị nhân sinh trong đời thường hay cố gắng liêm chính vì lí tưởng đạo đức, chứ không vì chạy theo thành tích. Cố gắng trở nên tốt trong hành vi tốt và cái tốt này gắn liền với chính bản chất con người, chứ không phải để đạt thành tích thi đua.
Ngay từ thập niên 60' một vài thức giả đã cảm nhận được sự bế tắc của mô hình này. Nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi là một ví dụ. Nhân dịp kỉ niệm 10 năm từ trần của Từ Chi, nhà nghiên cứu Huệ Chi đã kể lại một nhận định sắc bén của người anh họ, mà gần như chưa ai đề cập đến: "Ông (Nguyễn Từ Chi) là một người sớm nhạy cảm với những bế tắc của con đường nghiên cứu khoa học xã hội chính thống ở Việt Nam. Sự nhạy cảm này bắt nguồn từ một năng khiếu cũng khá đặc biệt, ấy là nhận thức tỉnh táo của ông về mọi chuyển động âm thầm của thời cuộc, hay đúng hơn là một nhãn quan minh mẫn về chính trị. Kể từ năm 1963, sau hai năm làm chuyên gia giáo dục và mải mê điền dã dân tộc học ở Guinée và một số nước trên hai bờ con sông Niger của châu Phi, trên đường trở về ghé qua Moskova khoảng một tuần lễ, khi gặp lại người thân, ông đã có một nhận xét khiến nhiều người trong gia đình sửng sốt: "Mô hình xã hội chủ nghĩa xem ra không ổn rồi, vì nó sans humanifé (không người).

4- THỜI TRANH TỐI TRANH SÁNG
Nói chung nếp sống tinh thần của Nho, Lão, Phật, và Kitô giáo xây dựng trên đạo đức cá nhân, với sự tự chế bên trong và sự kiểm soát của lương tâm, cũng như của Trời, Phật, Chúa. Con người sống với nhau được ràng buộc bởi đạo đức cá nhân, tình liên đới và tình đồng bào.
Tự cổ chí kim, tiền tài, sắc dục, danh vọng, tiện nghi vật chất... luôn mời mọc và quyến rũ con người. Trước ma lực của chúng, không còn cách nào khác hơn là lựa chọn: buông thả sống theo xung lực sôi động của bản năng hay biết tự chế trước sức thúc đẩy của bản năng tự phát và thăng hoá dần những khuynh hướng xấu tiềm ẩn trong ta để tạo cho mình một nhân cách, một sự nghiệp, một thế đứng trong xã hội. Giá trị đạo đức cổ truyền đã góp phần tạo nên một lối sống, cách thế ứng xử và sức tự chế bên trong, giúp người dân sống ngay thẳng, cố gắng làm lành lánh dữ, biết sợ tội và gắn bó tình cảm với người thân, bạn bè, láng giềng, đồng loại.
Kể từ năm 1945 ở miền Bắc và năm 1975 ở miền Nam, các giá trị xã hội chủ nghĩa được sử dụng làm kim chỉ nam cho cuộc sống, thay thế các giá trị đạo đức cổ truyền. Dưới thời bao cấp, bộ máy tuyên truyền và những hình thức chế tài đã được Nhà nước sử dụng để thay thế những giá trị đạo đức cũ bằng đạo đức cách mạng và lí tưởng Cộng sản về một xã hội không giai cấp... Cho đến cuối thập niên 80', có thể nói các giá trị xã hội chủ nghĩa phần nào đã trở thành chuẩn mực cho cuộc sống và trở thành tư tưởng chủ đạo trong xã hội Việt Nam.
Nhưng từ khi bức tường Bá Linh sụp đổ và việc du nhập "kinh tế thị trường", các giá trị xã hội chủ nghĩa bị sói mòn. Không những về mặt kinh tế, chế độ bao cấp đã đưa đất nước đến bên bờ vực thẳm, mà ngay cả về mặt chính trị- xã hội cũng không còn đủ khả năng giải quyết các vấn đề thực tế và trả lời cho những khát vọng muôn mặt của con người. Xã hội Việt Nam đã rệu rạo, mất định hướng và rơi vào tình trạng tranh tối tranh sáng.
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích ví von việc "chuyển hướng từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường trong năm 1987 giống như một người điêu khắc, lúc đầu định khắc một hình kim tự tháp, được nửa chừng thì quyết định chuyển từ kim tự tháp sang hình cầu. Về mặt tri thức việc này khó. Phần nào của kim tự tháp phải cắt đi và cắt đi bao nhiêu, để- trong ngôn ngữ chính trị- vẫn đạt được sự phát triển kinh tế mà không phải hi sinh an ninh quốc gia cũng như các lí tưởng của Chủ nghĩa Xã hội. Về mặt vật chất, sự chuyển đổi kia giống như một chiếc xe buýt chở đầy khách và hàng hoá đang leo núi. Nửa chừng người ta khám phá ra chiếc xe không đủ nhiên liệu để đi lên đỉnh. Vì vậy, chiếc xe buýt phải quay ngang, không quay lại, nhưng rẽ sang trái tìm cách đi về hướng biển mà không thấy có một con đường mòn nào trước mặt. Vấp ngã, sa lầy, nghiêng ngả của chiếc xe trên con đường đi xuống là không thể tránh được. Việc hàng rơi, người ngã chỉ là hệ quả. Chiếc xe buýt tiêu biểu cho nền kinh tế thị trường định hướng, hàng rơi, người ngã tiêu biểu cho tư bản hoang dã. Chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường mà vẫn duy trì những giá trị xã hội chủ nghĩa là một điều chưa xẩy ra trước đây. Nó đòi hỏi chính phủ Việt Nam phải thực hiện nhiều công tác cùng một lúc từ việc chuyển những định chế hiện thời sang những cái phù hợp với nền kinh tế mới, trong khi phải chống lại những cách suy nghĩ đã tồn tại từ nền kinh tế cũ".
Đất nước càng mở cửa thì sức ép của chế độ trên đời sống của người dân ngày càng lỏng lẻo. Lí tưởng xã hội chủ nghĩa hầu như chỉ còn là những kí ức xa mờ hay những khẩu hiệu đẹp đẽ của một thời đã qua. Kinh tế thị trường được áp dụng ở Việt Nam thực ra chỉ là một thứ tư bản hoang dã và chế độ tự do ở Âu Mĩ nhiều khi bị đồng hoá với thứ tự do phóng túng. Các giá trị đạo đức cổ truyền bị phủ nhận dưới thời bao cấp vẫn chưa được phục hồi đúng mức. Trong khi đó, một số hình thức mê tín dị đoan và tục lệ trước đây bị nghiêm cấm lại bùng nổ, ngoài tầm kiểm soát của nhà nước.
Tình trạng tranh tối tranh sáng và vàng thau lẫn lộn này gây hoang mang cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Vì không được giáo dục theo tiêu chuẩn đạo đức cổ truyền, đồng thời cũng chẳng còn lí tưởng xã hội chủ nghĩa làm chuẩn mực cho cuộc sống, nhiều người đang chao đảo và mất định hướng tước cuộc sống mới. Thật vậy, nếu không cảm nghiệm được giá trị đạo đức của những tiêu chuẩn tự chế bên trong, mà cũng chẳng còn những hình thức chế tài bên ngoài của xã hội hay sức thuyết phục của đạo đức cách mạng, thì cái gì sẽ là qui tắc chủ đạo cho cuộc sống nói chung và sinh hoạt kinh tế nói riêng?
Từ đó, thiết tưởng chúng ta cũng không nên quá ngạc nhiên khi thấy một số người đã đồng hoá thị trường tự do với "tự do phóng túng", phi đạo đức và bất chấp luật pháp. Ngày xưa, người ta phủ nhận mọi giá trị tâm linh, chối từ Thượng Đế và đối xử tệ với khách hàng. Ngày nay, để kiếm tiền, nhiều người đã không ngần ngại phong cho khách hàng làm "thượng đế''! Một khi không còn giá trị đạo đức, vắng bóng lương tâm, thiếu vắng lí tưởng xã hội và tình tự quốc gia dân tộc... con người biết lấy gì để lấp đầy sự trống vắng kinh hoàng đó? Thôi thì ai muốn làm gì thì làm, miễn sao kiếm được nhiều tiền và có nhiều cơ hội để hưởng thụ. Trong hoàn cảnh đó, chúng ta hiểu được tại sao một số người trẻ đang choáng ngợp dưới vẻ quyến rũ của xã hội tiêu thụ, sống buông thả phó mặc cho sự hấp dẫn của tiền, tình, rượi, ma tuý!
Viết về con người và cuộc sống hôm nay cho thấu đáo, với sự hiểu biết cặn kẽ về những thay đổi kinh tế, tâm lí và xã hội, hầu như người ta chưa tìm được một cuốn sách đắc ý. Đa số cá tác giả vẫn viết tiếp tục về chiến tranh và những ngày qua. Một vài người đề cập đến vấn đề đương đại thì nội dung quanh quẩn, vụn vặt, chưa dám xông thẳng vào những bức xúc và vấn đề của con người trong thời mở cửa.
Ít nhất Nguyễn Việt Hà trong cuốn "Cơ hội của Chúa" đã diễn tả một phần cuộc sống ở Hà Nội vào cuối thập niên 80 và đầu 90, với cái bức xúc, sôi động, quay cuồng của một xã hội đang trải qua cơn sốt vỡ da. Trong một xã hội xuống dốc, đạo đức vắng bóng và khủng hoảng lí tưởng đó, dĩ nhiên tiền được phong thần, lên ngôi. Nguyễn Việt Hà viết thẳng thừng, không rào đón: "Muốn biết rõ về ai nên nhúng người ấy nhiều lần vào tiền. Cái thứ dung dịch siêu thặng này làm trôi đi tất cả những mầu mè bọc ngoài. Đạo mạo trở lên hau háu lỗ mãng. Dịu dàng trở nên chua ngoa cướp giật. Lịch sử nhân loại chứng kiến số người tự tử về tiền nhiều gấp mười tám lần số người tự tự vì tình. Có phải thế chăng mà đến thời kinh tế thị trường nền văn minh của chúng ta chết sạch những nhà đạo đức thật".
Tâm, nhân vật chính trong chuyện, là một thanh niên đang học cuối năm thứ tư ban Kinh tế kế hoạch, bỏ học để đi lao động hợp tác ở Đông Đức, nhưng kì thực là để buôn lậu. Về nước, Tâm xây nhà, cưới vợ và lập công ti sản xuất hàng nhựa. "Công ti kí được ba hợp đồng có lãi, cường độ sản xuất cao mà cung vẫn chưa đủ cầu. Nhưng cái gì đến phải đến. Không khí lạc quan phủ đầy ba tháng rồi tắt ngấm (...). Vấn đề đầu tiên vấp phải khá cổ điển: Nguồn vốn (...). Cú vấp thứ hai mang tính quyết định là mặt trái của nền kinh tế thị trường, 93% các công ti tư doanh chọn sự lừa đảo làm kim chỉ nam của hoạt động nghiệp vụ. Khoảng hai năm sau bằng sự dốt nát thượng thặng của các quan chức ngân hàng, hệ thống hợp tác xã tín dụng nhân dân ra đời. Nó chết yểu một cách logic để lại danh thơm là vụ bể bạc lớn nhất thế kỉ của nền tài chính. Nó xứng đáng là cú song phi cước, liên doanh giữa Ngân hàng và Quỹ tín dụng, đá đúng vào trung tâm dưới của các cụ về hưu. Các công ti, đặc biệt là những công ti hay làm từ thiện, lộ rõ bộ mặt bất thiện".
Tiểu thuyết "Hai nhà" của Lê Lựu diễn tả khá sắc nét bối cảnh xã hội và tâm lí của một số người trẻ ở giai đoạn tranh tối tranh sáng này. Trong lá thư tuyệt mệnh của Trần Địa gửi người em kết nghĩa Trần Thanh Tâm, chúng ta đọc thấy những dòng thật xót xa về một thế hệ từng được nuôi dưỡng bằng "hận thù" và đấu tranh, bỗng nhiên bây giờ lại ngụp lặn trong thứ "tự do phóng túng" cặn bã từ Âu Mĩ du nhập vào. Dưới đây là một đoạn tiêu biểu:
"Tôi và vợ tôi đều giống cô vợ chú, những kẻ sống suốt đời bằng lòng hận thù. Tất nhiên lòng hận thù của tôi là có mục đích, tôi sẽ kể sau, còn vợ tôi và cô ấy nhà chú thì lòng hận thù hồn nhiên và đơn giản lắm. Nó hồn nhiên như thói quen tự nhiên, như ta hút lấy khí trời mà sống. Vợ tôi và cô ấy nhà chú, những lứa tuổi "con, em" chúng ta âý (cả tôi và chú đều bằng tuổi bố vợ mình chứ còn gì) từ khi tập tễnh học nói và nghe hiểu được điều người khác nói là đã học căm thù chứ không học yêu thương, ít ai dạy lòng yêu thương thành thật. Căm thù bọn giặc cướp nước và bán nước là lẽ đương nhiên, hết sức cần thiết, nhưng căm thù giầu sang, có lúc lại căm thù đói nghèo, căm thù dốt nát lạc hậu, căm thù bố, mẹ, căm thù anh em, căm thù vợ, chồng, căm thù con cháu, nếu họ rơi vào cái khung địa chủ, phú nông (...). Sống căm thù nhiều quá thành ra, lúc yêu thương chân thật không quen. Thói quen "căm thù" của một cơ chế cũ cộng với không khí dân chủ lưu manh từ tây Âu và nước Mĩ đưa lại không phải chỉ phá tan tành lớp người như vợ tôi và vợ chú mà còn nhiều đổ vỡ tiếp theo nữa. Ai sống không đúng ý họ, căm thù. Ai hơn họ, căm thù. Ai bảo họ phải sống có "đất lề, quê thói", họ bảo mất nhân quyền. Ai khuyên họ: Phải sống "đói cho sạch, rách cho thơm, giấy rách phải giữ lấy lề". Họ bảo "mất tự do". Ai bắt họ phải kính trọng yêu thương và nghe lời bố, mẹ, họ bảo mất dân chủ. Cái dịch ''căm thù" và "mất" khiến loại người như vợ tôi và cô ấy nhà chú không thể yêu ai hơn chính bản thân họ. Mà họ thì cái gì cũng thấy mình mất, mất rất nhiều thứ, nên phải cố giật lại, chụp giật thật nhanh, thật nhiều thứ cũng chả thấm tháp gì. Bao giờ cho đủ khi lòng tham của đàn bà muôn đời vẫn là cái thùng không đáy. Giá như chú hiểu được như thế thì chú bớt đau khổ đi rất nhiều".
Bên cạnh "con người tiểu kỉ" ngày xưa, cùng với hai đứa con hư của thời bao cấp là "thói đạo đức giả" và "vô trách nhiệm", cơ chế thị trường hoang dã được áp dụng tại Việt Nam đã sinh thêm hai đứa con hư nữa: đó là "nóng ruột kiếm tiền" và "cắm đầu hưởng thụ". Mọi nhược điểm và tệ nạn khác của xã hội Việt Nam hôm nay có lẽ chỉ phát huy tác hại trong môi trường của mấy đứa con hư này. Nếu đất nước chúng ta còn đứng vững đến hôm nay, đó là nhờ ông bà ta cũng sinh được rất nhiều người con ngoan khác. Chúng ta cần tích cực cộng tác với những người con ngoan để chống lại ảnh hưởng tiêu cực của mấy đứa con hư nói trên.

Nguyễn Thái Hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét