Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2008

10. Tôi Phải Làm Gì?

"Lạy Thầy, tôi phải làm gì
để được sống đời đời?"
Mt 19: 16
Hãy tưởng tượng bạn đang thưởng thức những giai điệu du dương trong một gian phòng hòa nhạc, thì bỗng nhiên chợt nhớ ra bạn đã quên khóa xe hơi bên ngoài. Bạn lo lắng cho chiếc xe hơi của bạn, bạn không thể đi ra khỏi gian phòng hòa nhạc, mà cũng chẳng còn lòng dạ nào để thưởng thức âm nhạc. Đó, bạn có một bức tranh thể hiện chính xác cuộc sống mà hầu hết mọi người đang sống.
Đối với những người có tai để nghe thì cuộc sống là một bản nhạc hòa tấu; nhưng có rất hiếm, cực kỳ hiếm những người thực sự nghe được tiếng nhạc. Tại sao vậy? Bởi vì họ bận rộn nghe theo những tiếng ồn ào của tình trạng điều kiện hóa và chương trình đã được nạp sẵn trong đầu óc họ.
Ngoài ra, còn thêm một điều khác nữa - đó là các dính bén của họ. Sự dính bén là một tên đồ tể đáng sợ đối với cuộc sống. Để thực sự nghe được tiếng nhạc, bạn phải hòa hợp được với mọi nhạc cụ trong dàn nhạc. Nếu chỉ biết say sưa với một mình tiếng trống, bạn sẽ không còn thưởng thức được bản nhạc hòa tấu, bởi vì âm thanh của trống đã át hết thanh âm của tất cả những nhạc cụ khác. Bạn có thể ưa chuộng tiếng trống, hoặc tiếng vĩ cầm, hoặc tiếng dương cầm. Điều ấy chẳng hại gì, bởi vì việc ưa chuộng ấy không làm phương hại khả năng nghe và thưởng thức những nhạc cụ khác. Nhưng ngay khi sự ưa chuộng của bạn trở thành một dính bén, lập tức nó sẽ làm cho bạn trở nên trơ lì với những thanh âm khác, và bạn đột nhiên hạ thấp giá trị của chúng. Sự dính bén với thanh âm của một nhạc cụ trống đã làm cho bạn trở nên điếc đặc, bởi vì bạn đã gán cho nó một giá trị vượt quá công trạng của nó.
Giờ đây, bạn hãy nhìn vào người hoặc sự vật bạn đang dính bén: bạn đã dâng cho họ một năng lực có thể làm cho bạn hạnh phúc hoặc bất hạnh. Bạn hãy xem, bởi vì bạn quá tập trung vào việc đạt cho bằng được con người hoặc sự vật này, bạn bám riết vào họ, thích thú chỉ một mình họ đến độ khước từ tất cả những người khác và sự vật khác. Vì bạn quá mê mẩn với người này hoặc sự vật này, nên bạn suy giảm cảm thức đối với thế giới còn lại. Bạn đã trở nên trơ lì, điếc đặc, mù quáng. Vậy bạn hãy can đảm để nhìn xem bạn đã ra mù quáng và thiên lệch như thế nào trước sự hiện diện của đối tượng lòng bạn say mê.
Khi nhìn ra điều này, chắc bạn sẽ cảm thấy khao khát được giải thoát khỏi tất cả những dính bén. Vấn đề là phải làm như thế nào? Khước từ và né tránh sẽ không đem lại hiệu quả, bởi vì việc làm át đi thanh âm của nhạc cụ trống sẽ đẩy bạn đến chỗ khó khăn và trở nên trơ lì một lần nữa mà thôi, cũng giống như khi bạn chỉ chú ý vào tiếng trống và trơ lì với những gì khác.
Điều bạn cần không phải là sự khước từ, nhưng là sự hiểu biết, sự nhận thức. Nếu những dính bén của bạn đã từng gây đau khổ cho bạn, đó là một trợ lực giúp bạn hiểu biết. Nếu bạn đã từng một lần được cảm hưởng hương vị ngọt ngào của tự do và niềm vui trong cuộc sống siêu thoát, đó cũng là một trợ lực. Những điều ấy giúp bạn ý thức nhận ra thanh âm của những nhạc cụ khác trong dàn nhạc. Tuy nhiên, không có gì có thể thay thế được sự nhận thức chứng tỏ cho bạn biết về điều thiệt thòi bạn đã phải chịu vì bạn đã quá đề cao giá trị của tiếng trống và bịt tai với phần còn lại của dàn nhạc.
Sẽ có ngày sự dính bén với tiếng trống của bạn không còn nữa, bạn sẽ không còn nói với bằng hữu của mình, "Anh đã làm cho tôi hạnh phúc biết bao." Bởi vì khi nói thế, bạn đã tâng bốc cái tôi của họ và điều khiển họ đến chỗ ráng sức làm thỏa lòng bạn, đồng thời bạn cũng lầm tưởng rằng sự hạnh phúc của bạn tùy thộc vào họ. Thay vào đó, bạn hãy nói, "Khi anh và tôi gặp nhau, niềm hạnh phúc đã trào dâng." Lời này không làm cho sự hạnh phúc bị vấy bẩn vì cái tôi của người bạn kia cũng như cái tôi của chính bạn. Không ai trong hai người có thể nhận đó là công lao của riêng mình. Và như thế hai người có thể ra đi mà không quyến luyến gì nhau, cũng không dính bén với kinh nghiệm mà cuộc gặp gỡ đã làm nẩy sinh, bởi vì mỗi người đều đã vui hưởng, không phải lẫn nhau, nhưng là bản hòa tấu đã trổi lên trong cuộc gặp gỡ của hai người. Rồi khi bạn tiếp tục bước sang một hoàn cảnh khác, hoặc gặp gỡ những người khác, bạn cũng làm như thế mà không phải nặng lòng cảm xúc. Và khi ấy, bạn thực hiện được một cuộc khám phá vui tươi, vì rằng bản hòa tấu cũng trổi lên tại đó, với một giai điệu mới trong một hoàn cảnh mới, và cứ tiếp tục, tiếp tục mãi như thế.
Giờ đây, bạn sẽ sống từng giây phút này sang giây phút khác của cuộc sống, hoàn toàn chú tâm vào giây phút hiện tại, mang theo với bạn rất ít từ quá khứ, để linh hồn bạn có thể chui lọt qua lỗ kim. Bạn không bị chia trí bao nhiêu vì những lo lắng về tương lai, giống như những cánh chim trên bầu trời và những bông hoa ngoài đồng nội. Bạn không bị vương vấn vào một người nào hay vật nào, bởi vì bạn đã cảm hưởng được trọn vẹn bản hòa tấu cuộc sống. Và bạn sẽ yêu cuộc sống bằng một bầu nhiệt huyết của toàn bộ con tim của bạn, toàn bộ linh hồn của bạn, toàn bộ tâm trí của bạn, toàn bộ sức lực của bạn. Bạn sẽ thấy mình đang bước đi thanh thoát và tự do như một cánh chim tung bay giữa khoảng trời bao la, luôn luôn sống trong Cái Hiện Tại Vĩnh Hằng. Và bạn đã tìm được trong con tim mình lời đáp cho câu hỏi, "Lạy Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời?"
Nguyên tác: The Way To Love
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét