Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2007

Ông Già Noel

Tặng quà nhau là phần quan trọng của sự vui vẻ trong dịp lễ Giáng sinh. Tập tục này hình như được khởi thuỷ từ thời cổ La mã, họ phát tặng phẩm trong dịp lễ giữa mùa đông của họ, nhất là vào dịp tết đón năm mới. Trong truyện Kinh thánh, các vị thông thái mang tặng phẩm đến tặng Chúa Giêsu Hài đồng vào ngày thứ 12 sau khi Chúa ra đời. Và vì vậy, tại các nước Tây Ban Nha, Ý và vài nước khác, trẻ em nhận tặng phẩm của cha mẹ chúng, không phải vào lễ Giáng sinh nhưng vào buổi chiều trước lễ Epifori, tức là 12 ngày sau.
Tại nhiều nước phương Bắc, tặng phẩm lễ Giáng sinh được gửi đến gần 3 tuần trước lễ Giáng sinh, vì nó được thánh Nicôla mang tới vào buổi chiều trước ngày lễ kỉ niệm ngài, tức là ngày 6 tháng Chạp. Ông già Nôel mà chúng ta hình dung là một ông già đẹp lão, tính tình vui vẻ, có chiếc mũ mầu hồng và bộ râu trắng dài, mặc bộ y phục mầu đỏ, quàng khăn trắng, đeo đai lưng mầu đen, vai mang nhiều quà - Đó chính là hình ảnh của vị thánh Giám mục Nicôla, thành Myra, xứ Lixia.
Thánh Nicôla sống vào thế kỉ thứ 4, viết nhiều tác phẩm nổi tiếng về tôn giáo, được nhiều người biết đến bởi lòng bác ái. Ngài được coi là người bạn đặc biệt và là vị thánh phù trợ nhi đồng.
Tương truyền, hằng năm vào lễ Giáng sinh, thánh Nicôla đều cỡi ngựa trắng đến thăm từng nhà, thấy đứa trẻ nhà nào ngoan ngoãn, liền tặng quà năm mới cho chúng. Câu truyện này được truyền sang Mĩ, rồi truyền đi khắp nơi, từ đó, hình ảnh thánh Nicôla xuất hiện trong các buổi lễ mừng Giáng sinh của người Mĩ. Từ đó đã ra đời tên gọi Santa Claus (tên mà người Anh, Mĩ gọi ông già Noel. Vì thế thánh Nicôla có thêm nhiều tên gọi khác, hình ảnh khác, thỉnh thoảng còn mang mang luôn cả hình ảnh của một người đàn ông có bầy quỷ dữ tháp tùng đi tìm kiếm và trừng phạt các trẻ em hư hỏng.
Vào năm 1812, một người Mĩ, tên là ông Cơlêment Cơlaccơ More, tác giả bài thơ bất hủ Avisit from St Nicholas, lại sửa đổi và làm cho hình tượng này thêm mới lạ: Trong đêm Noel, một ông già vui vẻ ngự trên xe tuyết do 8 con hươu trắng kéo. Ông đến thăm từng nhà, dừng xe lại, trèo lên ống khói và thả quà xuống. Rồi, ông lặng lẽ rời đi. Sang thế kỉ XX, vào năm 1931. hoạ sĩ người Thụy Điển Hadon Sumlom sáng tạo ra một hình ảnh mới lạ về Ông già Nôel: má đỏ, râu tóc bạc trắng, ánh mắt vui tươi, mặc quần áo lông đỏ có viền trắng. Hoạ sĩ đã lấy hình ảnh người bán hàng Lau Rentice, bạn thân của ông, để làm mẫu cho Ông già Nôel mới và cũng là hình ảnh quảng cáo cho một chiến dịch quảng cáo rầm rộ của hãng Coca Cola. Trong những thập niên sau đó, ông ta vẽ đến 44 hình ảnh Ông già Nôel khác nhau. Những Ông già Nôel này, cứ đến mùa Giáng sinh lại xuất hiện trên các lon nước ngọt Coca Cola ở mọi nơi trên thế giới.
Ngày nay, mỗi mùa Giáng sinh về, lại có thêm nhiều hình ảnh Ông già Nôel khác xuất hiện trên hầu khắp các lĩnh vực kinh doanh, buôn bán.

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2007

Lễ Giáng Sinh

Ngay sau ngày ngắn nhất trong năm, khi Bắc bán cầu của trái đất bắt đầu quay về phía mặt trời, thì quá nửa số các quốc gia trên hành tinh này mừng lễ Giáng sinh. Có lẽ không có một ngày lễ nào khác lại mang đến sự vui mừng nhiều như vậy cho số đông người đến thế, và cũng có lẽ không có một ngày lễ nào khác được tổ chức sâu rộng khắp thế giới như vậy.

Người ta không được biết chính xác về ngày sinh của Chúa Cứu Thế, và trên dưới 200 năm, trong thời gian các Kitô hữu sống dưới sự bách hại, Giáo hội thời đó không tổ chức lễ Giáng sinh. Ít lâu sau năm 200, lễ này mới được cử hành theo những nhật kì khác nhau - đặc biệt là ngày 6 tháng Giêng, 25 tháng Ba và 25 tháng Mười hai. Vào giữa thế kỉ thứ 4, Giáo hội Tây phương tổ chức lễ này tại hầu khắp mọi nơi vào ngày 25 tháng Mười hai. Về sau Giáo hội Đông phương cũng công nhận nhật kì này.

Tại nước Anh, ngày lễ này được gọi là Christes Masse (Lễ Misa của Chúa Cứu Thế), vì một lễ Misa đặc biệt đã được cử hành trong ngày này. Người Pháp đặt tên là Nôel, người Tây Ban Nha gọi là Nativdad, và người Ý lấy tên là Natab có nhĩa là "Sinh nhật". Người Đức gọi là Wehrachten, nghĩa là "Đêm Thánh".

"Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm" là khuyến chúc của ngày lễ này.

Theo một câu nói rất chí lí:"Lễ Giáng sinh không gì khác là một chiếc sàng vĩ đại, lọc lấy tất cả những gì là tinh hoa nhất, trọng yếu nhất, hiệu năng nhất, cả bên ngoài lẫn Kitô giáo, còn tất cả những gì là nhỏ nhen và vô nghĩa, còn sót lại, thì bị lọt xuống dưới sàng và bị cuốn đi. Lễ này đã trở thành ngày lễ lớn của cả một năm, ngày trọng đại nhất đã thu hết cả những nghi lễ và biểu tượng của tất cả các ngày hội".

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2007

Chúa Chẳng Ở Đâu Xa

Chúa chẳng ở đâu xa
Chúa ở ngay sát cuộc đời tôi,
Mỗi ban mai ngập tràn ánh nắng
Trông đợi những niềm vui
Là tôi biết Chúa đã đến thăm tôi,
Mỗi đêm về bình an giấc ngủ
Trong dịu dàng tôi biết Chúa đã đến thăm tôi,
Khi hết đi những lạnh lùng vô cảm
Khi lòng tôi tỉnh thức những yêu thương
Thật ngọt ngào tôi biết Chúa đang ở cùng tôi.

Nếu đôi lúc lòng tôi sa ngã
Nếu đôi lúc tâm tư tôi cay đắng
Chúa cũng chẳng ở đâu xa
Chúa ở ngay trong ước mơ, trong khát vọng nhân lành!

ntt, 2004