Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2010

Nụ Hôn Với Quỷ

Truyện dân gian Do TháiNguyễn Ước
dịch và chú thích
____________________


Thuở đó có một người nghèo chẳng giúp đỡ được gì cho con cái. Suốt ngày dài, y ngồi học sách Tô-ra* (Torah) trong hội đường*, và từ trước tới nay trong cuộc đời mình, y chưa bao giờ đặt chân ra khỏi thành phố nơi y sinh sống. Ngày nọ, bà vợ của y nói với chồng:
- Ông còn ăn không ngồi rồi cho tới bao lâu nữa? Tại sao ông không đi tìm một công việc nào đó mà làm, gần hay xa cũng được, miễn sao cứu cho chúng ta khỏi chết đói.
Người Do Thái ấy trả lời:
- Tôi biết làm gì bây giờ? Từ trước tới nay, tôi chưa hề đi quá cổng thành. Tôi sẽ lạc mất ở chặng đường đầu tiên. Thà là chết ở trong nhà còn hơn chết ở ngoài đồng!
Vợ của y nói:
- Ông đừng lo. Một khi đã ra khỏi cổng thành, ông chỉ việc hỏi bất cứ người nào ông gặp trên đường về phương hướng mà thôi.
Ngày nào bà vợ cũng nói hoài nói mãi chuyện đó cho tới khi người chồng hết chịu nổi. Y cầm lên cây gậy, ứa nước mắt nói lời từ biệt gia đình và lên đường, bước chân ra khỏi cổng thành.
Khi đi dọc đường vạn dặm, y gặp một kẻ dung mạo xấu xí, da ngăm ngăm đen. Người chồng và là Do Thái ngoan đạo ấy cất tiếng:
- Thưa ông, chúc ông một ngày tốt lành.
Kẻ da ngăm ngăm đen ấy trả lời:
- Còn ông, thưa ông, ông đang đi đâu vậy?
Người Do Thái ngoan đạo kể tên một thành phố nào đó. Kẻ da ngăm ngăm đen nói:
- Ông hãy đi với tôi; tôi sẽ chỉ đường cho ông.
Và như thế cả hai cùng đi bên nhau cho tới khi đến một nơi đổ nát, hoang tàn và cổ lổ. Đi qua khỏi nơi đó, cả hai vào một thành phố rộng lớn; ở đó, người Do Thái ngoan đạo nghe từ khắp mọi góc thành phố vang lên giọng đọc sách Tô-ra. Trấn tĩnh lại, y gõ lên cửa một ngôi nhà. Cửa mở và y được nghênh đón vào bên trong, tiếp đãi ăn uống như một ông hoàng và đối xử cực kỳ vinh dự.
Người Do Thái ngoan đạo ở lại đó cho tới đêm Thứ bảy* y cùng đi với gia đình tới hội đường. Người trưởng ca đoàn bắt đầu giờ phụng vụ buổi tối, và mọi kẻ trong cộng đoàn cùng cầu nguyện với y. Nhưng khi tới phần nghi thức kết thúc và y bắt đầu đọc lên lớn tiếng những lời rằng: “Cầu cho niềm hoan lạc của Thiên Chúa, Thượng đế của chúng ta, tràn đầy trên chúng ta”, thì mọi kẻ có mặt tại đó đều bỏ đi, để lại y trơ trọi một mình. Sự cố đó làm y ngạc nhiên tột độ vì toàn thể cộng đoàn ấy biến mất trong làn không khí mỏng manh, không để lại một dấu vết. Và trong khi ngồi ở đó suy nghĩ ủ ê, người Do Thái ngoan đạo chợt nhân ra rằng bọn chúng đều là quỉ sứ.
Ba giờ đồng hồ sau, chúng quay lại hội đường. Chúng hỏi:
- Ngươi làm như vậy nghĩa là gì? Có phải đó là cách ngươi báo đáp lòng tử tế của chúng ta? Tại sao như thế? Ngươi đã khiến cho chúng ta phải bỏ chạy xa tới bốn trăm ngàn lý!
Y nói:
- Xin đừng nổi giận với tôi. Tôi đã không nhận ra các ngươi là ai. Tôi van xin các ngươi tha thứ cho tôi.
Lũ quỉ nói:
- Chúng ta sẽ tha thứ cho ngươi với điều kiện ngươi đừng làm điều đó nữa.
Người ấy nói:
- Nếu phải như vậy thì xin vui lòng đối xử tử tế với tôi bằng cách dẫn tôi về nhà với gia đình mình vì nơi này không phải là chỗ dành cho tôi.
Lũ quỉ nói:
- Dứt khoát là không. Ngươi sẽ ở lại đây với chúng ta, lấy một kẻ trong chúng ta làm vợ, sinh con đẻ cái rồi cùng chúng ta nuôi dưỡng chúng tại nơi này. Chúng ta cũng sẽ chu cấp cho ngươi nhiều của cải và bất cứ thứ gì khác mà tâm hồn ngươi ao ước. Ở đây, ngươi sẽ chẳng thiếu một thứ gì.
Người Do Thái năn nỉ:
- Đừng khiến cho tôi phải làm như thế. Xin các ngươi vui lòng để cho tôi ra đi vì tôi có vợ có con ở nhà.
- Tại sao chúng ta phải màng tới chuyện đó?
Lũ quỉ hỏi ngược lại như thế, và chúng buộc người Do Thái ấy phải lấy một con quỉ cái làm vợ, làm hôn lễ với nó, ngủ với nó và có nhiều con trai con gái với nó.
Ngày nọ, người ấy nói với con quỉ vợ mình rằng:
- Anh van xin em hãy để cho anh về nhà gặp lại vợ con của anh.
Quỉ cái trả lời:
- Nếu anh hứa sẽ quay lại với em ngay, đừng ở lại đó dù chỉ một đêm, thì em sẽ đồng ý cho anh đi và còn cho anh một số tiền rất lớn, mang về cho họ để họ không cần phải lo âu tằn tiện nữa. Em cũng sẽ cấp cho anh một con ngựa đặc biệt; nó chỉ mất có nửa ngày là chở anh tới nơi đó. Nhưng chỉ với một điều kiện là anh đừng làm em thất vọng.
Người Do Thái trả lời:
- Em muốn nói sao cũng được, miễn là làm cho anh tới đó và anh sẽ theo đúng bất cứ điều kiện nào em đòi hỏi.
Như thế, y đưa lời hứa với con quỉ cái. Nó mang tới cho y một con ngựa, đằng sau yên có hai cái túi chứa đầy vàng bạc và đủ loại đá quí. Y leo lên ngựa ra đi, và chỉ chốc lát sau, thấy mình đứng trước ngôi nhà của mình.
Khi thấy y, vợ con của y liền chạy lại ôm hôn thắm thiết. Lũ con vừa chảy nước mắt vui mừng vừa nói:
- Cha ơi cha, chúng con cám ơn cha đã về nhà. Bấy lâu nay cha ở chỗ nào vậy?
Người ấy không kể cho các con nghe nơi mình đã ở mà chỉ cho chúng tiền bạc và những gì còn lại trong tất cả mọi thứ y mang về. Sau đó, y nằm xuống bên cạnh vợ suốt đêm. Tuy thế, y ăn năn hối hận ghê gớm và khóc lóc đầm đìa nước mắt tới độ không thể nào chợp mắt được một chút. Vợ của y hỏi:
- Chồng của tôi ơi, ông khóc lóc chuyện gì vậy? Tại sao ông lại sầu khổ đến thế? Sau một thời gian dài dằng dặc xa nhà mới về lại với vợ con mà ông chẳng làm gì cả, chỉ có khóc lóc thôi, thế thì ông là loại đàn ông nào vậy?
Người đàn ông không trả lời. Khi người vợ thấy chồng đang giấu diếm chuyện gì đó với mình, bà nói:
- Nếu ông không kể cho tôi nghe đó là chuyện gì, tôi sẽ tự sát cho mà xem!
Nói xong, bà liền lấy sợi dây thắt lưng cột quanh cổ mình và bắt đầu siết chặt cho nghẹt thở. Thấy vậy, người chồng vội vàng chạy tới và thét lên với vợ:
- Bà ơi, hãy tới đây nằm với tôi, và tôi sẽ kể hết cho bà nghe mọi sự đã xảy ra.
Như thế người đàn bà bỏ sợi dây thắt lưng xuống, tới nằm với y. Và y kể cho bà nghe hết tất cả những gì đã xảy ra. Bà nói:
- Chồng của tôi ơi, xin hãy lắng nghe tôi. Ông hãy tới hội đường rồi ở lại trong đó học sách Tô-ra suốt ngày suốt đêm, và ông sẽ được bảo vệ chống lại mọi sự làm hại mình.
Y trả lời:
- Ý tưởng ấy của bà thật hay ho; tôi sẽ làm theo lời bà.
Tới sáng hôm sau, người Do Thái thức dậy rất sớm. Y đi tới hội đường và ngồi ở đó học sách Tô-ra suốt mấy ngày liền.
Khi con quỉ cái thấy chồng mình không trở về, nó sai một con quỉ khác giả dạng làm một thanh niên tuấn tú. Gã thanh niên này tới gần người Do Thái ấy trong hội đường và nói:
- Anh tới đây, tôi có việc muốn nói riêng với anh.
Người ngoan đạo ấy trả lời:
- Ngươi có thể nói cho ta biết ngươi muốn cái gì nhưng ta sẽ tiếp tục việc học ngay.
Khi con quỉ thấy người ấy không ngưng việc học dù chỉ một giây, nó liền bỏ đi không nói một tiếng và quay về gặp con quỉ cái, kể cho nó nghe chuyện đó. Lúc ấy, con quỉ cái đích thân đi. Nó giả dạng làm một phụ nữ xinh đẹp tới gặp thầy giảng* của hội đường ấy và nói với ông rằng:
- Thưa thầy, xin hãy lắng nghe tôi. Tôi muốn đưa đơn khiếu kiện một người đàn ông đang ở trong hội đường.
Nghe vậy, người Do Thái ngoan đạo nói:
- Ngươi chẳng có điều gì để khiếu nại cả.
Con quỉ nói:
- Nhưng em là vợ của anh. Anh đã cưới em đúng theo lề luật, có làm hôn lễ trước bàn thờ, và em đã có con cái với anh. Trước khi rời em lên đường, anh đã hứa với em sẽ quay về ngay hôm sau, và em còn cho anh cả vàng lẫn bạc. Anh đã không giữ lời hứa - và như thế em tới đây để đòi hỏi anh phải hoàn thành các nhiệm vụ của mình đúng với lề luật Do Thái.
Người ấy nói:
- Nhưng ngươi không phải là đàn bà Do Thái mà là một con quỉ. Ngươi chẳng có chút quyền nào ở đây. Hỡi Xa-tan*, hãy đi cho khuất mắt ta!
Khi thấy mình không cách gì có thể thuyết phục hay hăm dọa hay năn nỉ ỉ ôi nữa, con quỉ cái nói với y:
- Thế thì em có một đòi hỏi sau cùng đối với anh, và anh chỉ có việc chấp nhận nó để vứt bỏ em. Nó là điều cuối cùng mà em yêu cầu anh, một lần rồi thôi.
Người ấy nói:
- Cứ việc yêu cầu và ngươi sẽ có nó.
Nó nói:
- Hãy hôn em một cái, và em sẽ chẳng bao giờ làm phiền anh nữa.
Như thế, người Do Thái ngoan đạo bước tới bên con quỉ và hôn nó. Và với cái hôn ấy, con quỉ hút lấy linh hồn của y ra khỏi người y, và rồi nó biến mất mãi mãi.
***
Chú thích:


* Torah. Trong tiếng Híp-ri, Torah có nghĩa là những lời giảng dạy hay học hỏi. Torah gồm năm cuốn sách được qui cho Mô-sê, gọi là Luật Mô-sê hay năm cuốn sách đầu của Kinh thánh (Ngũ kinh), gồm sách Sáng thế, sách Xuất hành, sách Lê-vi, sách Dân số và sách Đệ nhị luật. Người Do Thái giáo chính thống tin rằng nội dung sách Torah được Thượng đế truyền trực tiếp cho Mô-sê trên núi Xi-nai, và liền đó ông chuyển giao cho dân Is-ra-el. Sách Torah được dùng làm căn bản các lề luật về đạo đức và hướng dẫn thể lý. Nó bắt đầu với sự mô tả nguồn gốc của vũ trụ và kết thúc với chữ Is-ra-en, ngay sau câu chuyện cái chết của Mô-sê và trước cuộc xâm chiếm của người Is-ra-en vào đất Ca-na-an. Theo ý nghĩa rộng lớn hơn, sách Torah bao gồm mọi lời giảng dạy của Do Thái giáo, toàn bộ Kinh thánh và sách Talmud.
* Hội đường: Hội đường không chỉ là nhà thờ phượng của Do Thái giáo mà còn là nơi tập trung sinh hoạt của cộng đồng - trường học, trung tâm tôn giáo, phòng họp và phòng xử án. Tuy thế, hội đường không thể thay thế hoặc mô phỏng chức năng cao cấp của Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Nó không có tư tế và không cử hành lễ tế.
Các hội đường ban sơ có lẽ chỉ gồm một phòng đơn giản. Đó là nơi có mười người nam hoặc hơn của một cộng đoàn Do Thái tụ tập để dâng lời cầu nguyện và trao đổi những khái niệm về sách Torah và các cuốn còn lại của Kinh thánh, và các tài liệu giảng huấn khác như Mishnah, Midrash. Về sau, các cộng đoàn dựng lên một toà nhà đặc biệt, thường là toà nhà cao nhất cộng đồng. Theo thời gian, kiểu mẫu kiến trúc thay đổi dù mọi hội đường đều có chung một số đặc điểm. Dứt khoát, cửa sổ là tất nhiên vì sách Torah phải đọc ở chỗ có đủ ánh sáng. Mặt tiền có ba cửa lớn, tiếp cận một hàng hiên có vòm, hoặc tiền sảnh, nơi tín đồ chuẩn bị tư thế trước khi đi vào. Bên trong, đặt các băng ghế thành dãy theo ba mặt, đối diện với bục thuyết giảng, dành cho người đứng nói.
Trong một số trường hợp, toà nhà hội đường được định vị sao cho mặt của cộng đoàn nhìn về hướng của Hòm bia đựng sách Torah và hướng của Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Có thể có dãy ghế dành cố định cho Hội đồng kỳ mục (trưởng lão). Nền nhà hầu hết bằng đá bằng phẳng nhưng các cộng đoàn giàu có thường gắn đá đa sắc để trang trí.
Trong mấy chục năm đầu thời Kitô giáo sơ khai, các tông đồ và môn đệ cũng thường rao giảng trong hội đường Do Thái giáo.
* Đêm Thứ bảy. Ở đây, có lẽ người kể có chủ ý vì ngày Sa-bát bắt đầu vào lúc mặt trời lặn chiều Thứ sáu, cũng là lúc người Do Thái tới hội đường để kinh nguyện, bắt đầu một ngày nghỉ việc, chay tịnh và sẽ kéo dài cho tới lúc mặt trời lặn ngày Thứ bảy.
* Lý. Leave. Dài khoảng 4 cây số.
* Thầy giảng. Rabbi. Còn có thể gọi là tôn sư, hoặc thầy cả. Để trở thành thầy giảng, một thanh niên phải theo học với một tôn sư, trong một khoảng thời gian không nhất định, cho tới khi được vị thầy ấy công nhận là người ấy có thể tự mình đưa quyết định chính xác về khía cạnh tôn giáo của một vấn đề. Lúc đó, vị thầy sẽ tuyên bố môn sinh ấy là một học giả được phong chức và là kẻ có thể tự xưng mình là một thầy giảng. Cho tới thế kỷ 13, thầy giảng không nhận lương bổng. Nhiệm vụ của thầy giảng trong Do Thái giáo chính thống bao gồm quyết định về mọi vấn đề liên quan tới lễ nhập đạo (cắt bì), điểm đạo lúc đủ 13 tuổi, hôn nhân, li dị và lề luật, v.v. Thầy giảng không phụ trách tế lễ, vì đó là công việc của giới tư tế.
Trong sách Phúc âm, có chỗ Đức Giê-su cũng được gọi là rabbi.
* Xa-tan. Quỉ vương hay quỉ sứ (Satan, Ashmodai, Asmodeus). Theo niềm tin của nhiều tôn giáo, nó là một tác nhân độc dữ và siêu nhiên, ảnh hưởng lên động thái của con người. Theo truyền thống Thiên Chúa giáo (gồm Do Thái giáo và Kitô giáo), Xa-tan là là một bộ mặt nguy hiểm cực độ, thủ lãnh của các thần linh độc dữ hoặc của các thiên thần sa đọa. Chúng vốn là phẩm (cơ binh) thứ nhất trong 10 cơ binh thiên thần, bị Thượng đế trừng phạt vì dám kiêu ngạo, thách đố quyền năng của Thượng đế. Vì thế, ngày nay, các cơ binh thiên thần còn lại được gọi là chin phẩm thiên thần.
Cũng trong Kinh thánh, Xa-tan có đầy đủ quyền năng chẳng kém Thượng đế, ngoại trừ việc làm con người sống lại, được hiểu như khả năng làm điều thiện. Trong văn học tôn giáo, Xa-tan xuất hiện với nhiều hóa trang khác nhau, mang lốt con người hay loài vật, và nhiều danh xưng khác nhau như Beelzebul, Belial, v.v. Cũng theo truyền thống Thiên Chúa giáo, người bị chứng quỉ ám là bị Xa-tan chiếm hữu. Tuy thế, vẫn có tín ngưỡng thờ phượng Xa-tan, gọi là Satanism, liên quan tới phép phù thủy, ma thuật của pháp sư, v.v. Tín ngưỡng này vẫn dai dẳng thịnh hành bất chấp sự chống đối trong suốt lịch sử của Thiên Chúa giáo.
* Văn bản của truyển này được ước lượng là có từ bản chép tay vào thế kỷ 13, được xuất bản lần đầu trong Révue des Etudes Juives.
* Trích từ “Kho tàng truyện dân gian Do Thái”, Nguyễn Ước sưu tầm và chú giải, sẽ xuất bản.

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

Một Sự Khởi Đầu

Trái đất của chúng ta được đặt trên một quỹ đạo thích đáng.
Trái đất cách xa mặt trời khoảng 91 triệu dặm (khoảng 146 triệu km). Nếu trái đất cách xa mặt trời, giả sử 120 triệu dặm (192 triệu km), mọi vật sẽ bị đông lạnh. Ngược lại, nếu đem nó đến gần mặt trời khoảng 60 triệu dặm (96 triệu km) thì mọi vật sẽ bị đốt cháy.
Nếu mặt trời nóng gấp đôi thì sẽ nướng hết mọi vật trên đất. Ngược lại, nếu nó chỉ nóng bằng phân nửa sức nóng hiện tại, mọi vật sẽ bị đông đá.
Trái đất xoay chung quanh nó khoảng 1000 dặm một giờ, tính tại đường xích đạo. Nếu tốc độ đó giảm xuống còn 100 dặm một giờ, thì ngày và đêm dài hơn 10 lần, tức là một ngày và đêm sẽ có 240 giờ. Ban ngày cây cối sẽ bị đốt cháy hết, và ban đêm hạt giống sẽ bị đông lạnh mà chết.
Trái đất nghiêng trên trục Nam- Bắc khoảng 23,5 độ. Nếu không có độ nghiêng này, hơi nước bốc lên từ biển sẽ bay đến vùng địa cực, và tạo ra những núi tuyết khổng lồ. Chúng ta sẽ không có bốn mùa, và khí hậu sẽ không thay đổi. Nếu trái đất nghiêng khoảng 47 độ, chúng ta sẽ không chịu được hơi nóng vào mùa hè, và mùa đông sẽ vô cùng lạnh lẽo.
Khoảng cách giữa mặt trăng và trái đất là 200 ngàn dặm (khoảng 320 ngàn km). Nếu mặt trăng chỉ cách trái đất khoảng 50 ngàn dặm (80 ngàn km) thì thủy triều dâng lên sẽ ngập lụt cả những dẫy núi cao. Và nếu nước đại dương sâu hơn, nước biển sẽ hút hết thán khí (CO2) và dưỡng khí (O2), như vậy cây cối và con người sẽ bị hủy diệt.
Các khoa học gia không hiểu tại sao số lượng của những chất ga trong bầu khí quyển vừa đúng tỷ lệ với nhau để duy trì sự sống trên đất. Bầu khí quyển chúng ta thở mỗi ngày chứa trung bình khoảng 21% chất dưỡng khí. Nếu số lượng dưỡng khí nhiều hơn sẽ ô-xít hóa hết đá sỏi và kim loại, nếu ít hơn thì chúng ta sẽ không đủ để thở.
Số lượng chất thán khí trong khí quyển là 0,3%, nếu nhiều hơn một chút sẽ làm cho nhiệt độ trong không khí nóng hơn. Ít hơn một chút sẽ làm cho cây cỏ chết dần (cây cối dùng CO2 để tạo ra chất dinh dưỡng qua phương pháp photosynthesis).
Nếu bầu khí quyển mỏng hơn một chút, thì hàng triệu vẫn thạch từ không gian rơi vào trái đất sẽ đè bẹp con người trên đất, vì những vẫn thạch này không được đốt ra tro trước khi rơi xuống mặt đất.
Làm sao những sự huyền diệu như thế tự nó có thể xẩy ra được? Làm sao trái đất có thể tự nó hiện hữu được? Phải có một Đấng Sáng Tạo. Phải có một sự khởi đầu cho muôn vật, mà tất cả những điều kỳ diệu chung quanh chúng ta là bằng chứng của sự sáng tạo đầy quyền phép đó.
Những người tin ở thuyết tiến hóa đả phá ý tưởng vũ trụ được tạo nên bởi Thượng Đế. Họ cho rằng sự hình thành của mọi vật trên thế gian, trong vũ trụ chỉ là kết quả của một quá trình diễn tiến. Bắt đầu là những tinh thể gọi là quark, kết tụ lại và tăng trưởng biến hóa từ từ thành vật thể. Cũng như con người là một quá trình tiến hóa từ con khỉ mà ra. Họ không tin con người được tạo nên bởi chính bàn tay Thượng Đế, và là một tuyệt phẩm do chính Thượng Đế làm ra đểt cai quản muôn loài, muôn vật trên thế gian.
Có biết bao điều thuyết tiến hóa không thể giải thích được. Nhưng ở đây xin chỉ nói về những điểm kỳ diệu của con người. Trước hết hãy nói về óc sáng tạo của nhân loại trong cuộc hành trình từ một thời đại ăn lông, ở lỗ tiến đến thời đại nguyên tử, văn minh vệ tinh, văn minh điện toán như ngày hôm nay.
Loài ong mấy ngàn năm vẫn xây tổ theo một kiểu. Loài chim từ thuở khởi đầu, vẫn một cách di tản sang xứ khác để tránh mùa lạnh hàng năm. Loài nai qua hàng bao thế hệ vẫn chỉ biết trốn chạy để tránh nguy hiểm. Và loài khỉ qua hàng ngàn năm nữa, cũng chỉ biết leo cây hái trái, trần truồng bắt chấy rận cho nhau.
Nhân loại thì khác, nhân loại tiến triển qua thời gian. Óc sáng tạo giúp con người vượt qua khó khăn trở ngại, chinh phục thời tiết, chinh phục không gian, chinh phục bệnh hoạn, chinh phục mọi loài, mọi vật chung quanh. Sự sáng tạo không những giúp nhân loại sinh tồn, mà còn giúp vào sự tiến hóa, giải đáp những ưu tư, thắc mắc, những tò mò, thúc đẩy con người khám phá và tăng trưởng khả năng mình.
Sáng tạo là một sự ban cho của Thượng Đế, không tự nó có được, và chắc chắn không được lưu truyền từ loài khỉ.
Loài vật trên trời, dưới biển, trên đất, tất cả những loài được xem là thông minh nhất, kể cả laòi khỉ là giống được người ta cho là thủy tổ của loài người, cũng không giống nào có nhu cầu cần thiết thờ phượng ai. Loài vật sống bằng năng lực cảu chính nó, hoặc tấn công hoặc chạy trốn để sinh tồn. Loài vật không biết đến sự cầu khẩn, thờ phượng vào một quyền năng, một Đấng mà nó không hề biết, không hề thấy.
Con người không phải như vậy. Hãy đi tìm những tài liệu khảo cổ về loài người từ thời thượng cổ, hay là những bộ lạc man rợ còn sót lại ở dọc sông Amazon, hay những giống người ở ngoài hoang đảo, hay ở tận rừng núi Phi châu. Những con người chưa hề biết đến một nền văn minh nào cả. Những con người còn sinh hoạt như loài thú. Nhưng tất cả họ đều có một nhu cầu thờ phượng giống nhau. Họ thờ một cây cổ thụ, một ngọn thác, một con suối, một miếng gỗ, một cái hang. Họ thờ bất cứ cái gì có vẻ không bình thường. Họ sợ hãi, kính cẩn gọi những vật đó là Thần của họ. Vị Thần họ tin có thể bảo vệ và cũng có thể huỷ diệt họ.
Chúng ta cho rằng những người này là ngu muội, mê tín dị đoan, bị các tên phù thuỷ, buôn thánh bán thần lợi dụng để thủ lợi. Thế thì chúng ta hãy trở lại một nơi chốn văn minh. Thử tìm ở Pháp, thủ đô văn hoá thế giới. Ở Anh, mấy ngàn năm văn minh, tiến bộ. Ở Hoa Kỳ, đệ nhất quốc gia về kỹ thuật khoa học. Đại đa số dân chúng, từ mọi tầng lớp trong xã hội đều thờ phượng một Đấng Thượng Đế nào đó. Những người này có phải cũng là những kẻ ngu muội, mê tín dị đoan chăng?
Nhà bác học Einstein, một kỳ tài toán học đã từng nói, "Khám phá vĩ đại nhất của tôi là Thượng Đế."
Thomas Edison, người phát minh ra đèn điện và máy hát, một bộ óc với hơn 2500 bằng sáng chế cũng đã nói, "Thượng Đế đã ban cho tôi tất cả."
Con người! Bất kể ở thời đại nào, nơi nào, xã hội nào, tầng lớp nào, cũng đồng chung một nhu cầu tín ngưỡng. Nhu cầu tín ngưỡng nằm trong tiềm thức của nhân loại, ấy là ước muốn được thờ phượng Đấng Tạo Hoá, Đấng đã tạo dựng lên vũ trụ và tạo dựng lên mình.
Thượng Đế vẫn còn đấy, là Đấng vẫn hiện hữu, hằng hữu bàng bạc qua khắp các sự vật do Ngài tạo ra, là Đấng vẫn ngự trị trên ngôi trời và điều khiển vạn vật bằng quyền phép vô biên, vô lượng.


Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2010

Thế Giới Đạo Và Đức Của Lão Tử

1. Đạo và Đức:

Để thực hiện một cuộc sống lòng dạ nên trống vắng những tham lam, và tâm tư được hoà nhịp với lẽ thường hằng của thiên nhiên vạn vật, Lão Tử đã chủ trương trở về với Đạo và sức sống kỳ diệu của Đạo là Đức.

a. Đạo:
Chữ Đạo đã có từ thời cổ đại Trung Hoa với những Kinh Điển như Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch... xuyên qua những tác phẩm cổ điển là Tứ Thư như Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử... và thường xuyên được dùng trong ngôn ngữ và cuộc sống dân gian. Chữ Đạo diễn tả rất nhiều nghĩa, từ những nghĩa vật chất, luân lý, tri thức, siêu hình cho đến tôn giáo. Ngoài ý nghĩa Đạo là đường, Đạo cũng còn có những ý nghĩa: phương tiện để đạt mục đích, con đường phải đi theo, con đường đức hạnh, cơ sở của khôn ngoan trí huệ, ý lực ngay thẳng đúng đắn, giáo lý, nguyên tắc, luật lệ, ý nghĩa của hiện hữu hay của một sự vật, tác động, ảnh hưởng, nói, giải thích, lèo lái, dẫn dắt.Ta có thể đúc kết các nghĩa của chữ Đạo trong 3 loại: siêu việt, hiện trần và con đường sống.

* Với nghĩa siêu việt, Đạo chính là thực tại tối hậu: Đạo trong nghĩa này vượt quá tầm mức hiểu biết của con người. Ngay câu đầu trong Đạo Đức Kinh đã nói: "Đạo khả đạo phi thường Đạo" (Đạo mà nói ra được thì không phải là Đạo thường hằng). Dẫu thế, Đạo "không diễn tả nên lời này" lại là cơ sở, là gốc, là ngọn nguồn và là cùng đích của mọi sự vật. Bên trên, đàng sau và phía dưới mọi sự là cung lòng Đạo, từ đây mọi sự sống được vươn lên và nơi đây mọi sự sống được trở về. Tác giả Đạo Đức Kinh đã đầy tôn kính và ngưỡng mộ, chỉ biết thốt lên lời hoan ca khi được giáp mặt với huyền bí nguyên thuỷ của sự sống, huyền bí của mọi huyền bí: Thật là cao sáng! Thật là tĩnh lặng! Phải là cái gì vô thuỷ vô chung, không có bắt đầu, không có cùng tận! Trong mọi vật lớn, Đạo phải là cái lớn nhất: Gượng cho là lớn, lớn là tràn khắp, tràn khắp là đi xa, đi xa là trở về; thật đây là cửa ra vào của mọi huyền diệu trong trời đất! (Đạo Đức Kinh, câu: 1, 14, 16, 21, 25). Sự bất khả diễn tả đã là điều quá rõ rệt, ta sẽ chỉ còn là rơi vào lời cảnh giác bao hàm chế riễu: "Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri" (Kẻ biết thì không nói, kẻ nói thì không biết) - (ĐĐK, c. 56).

* Mặc dầu siêu việt như thế, Đạo đồng thời cũng là hiện trần. Trong nghĩa này, Đạo dùng để chỉ cái Đạo Thiên Nhiên, là chuẩn mực, tiết nhịp, sinh lực của trời đất, nguyên lý của trật tự điều hành phía sau mọi sự sống. Phía sau mọi sự sống, mà cũng là bên trong mọi sự sống; trong nghĩa này, Đạo đã "thành xác thể", điều động mọi sự vật, thích nghi với sự vật, hoà đồng với sự vật: "làm nhụt bén nhọn, tháo gỡ rối răm, điều hoà ánh sáng, đồng cùng bụi bặm: "đồng kỳ trần" (ĐĐK, c. 4, 56).

* Đạo trong nghĩa con đường sống: Vì Đạo theo nguyên lý là tinh thần hơn vật chất, nên Đạo không hề vơi cạn, càng được mong cầu, càng nhiều ban cho, vì Đạo là giếng nguồn không khô cạn. Đạo cũng mang dấu ấn "tàn nhẫn bất tất", vì với mùa thu đến, không một chiếc lá nào vì lẽ nó đẹp, không một bông hoa nào vì lẽ nó thơm, mà lại được châm chước thứ tha không phải tàn lụi. Nhưng thực chất cuối cùng, Đạo là lành là tốt; thay vì bức bóc đi, nay Đạo lại ban cho, sức mạnh can trường, sự sống dẻo dai, và là đầy tràn, vì Đạo cũng là "mẹ thiên hạ" (ĐĐK, c. 25). Là năng lực của thiên nhiên, Đạo giống như khái niệm "sinh lực" (énergic vitale) của truyền thống Phi châu, như quan niệm "đà sống" (élan vital) của Bergson. Là chuẩn lực của vạn vật, Đạo giống như khái niệm "luật vĩnh hằng" (lex aeterna) của thời cổ đại kinh điển, luật trường cửu gây tạo cơ chế cho vũ trụ thiên nhiên. Đạo hiểu như thế cũng giống như là "nguyên lý dung hội chủ toàn", một nguyên lý kết hợp và chuyển hoá các thành tố nên một để phục dịch toàn thể (principe integrant pour la totalité) của George Romanes, bạn đồng nghiệp của Charles Darwin, nhà khoa học chủ trương Thuyết tiến hoá.

b. Đức:
Chữ Đức thường được hiểu trong một nghĩa luân lý, như đức hạnh, đạo hạnh, kèm theo một chút ít màu sắc tôn giáo, lễ nghi, phong tục, giới tính như khiêm nhu, trinh bạch. Đức còn có nghĩa là khả năng thích ứng, giỏi giang, quả cảm, đáng giá, như khi nói về một con dao có khả năng cắt xén tốt. Đức còn là khả năng linh thiêng, là linh lực, sinh lực thần thiêng. Tiến thêm một bước nữa, Đức là toàn thể nhân cách một con người cùng với linh lực phân xuất ra từ con người đó.Đức trong Đạo Đức Kinh lại mang một nghĩa đặc biệt: Đức là sinh lực, sinh lực cấp dưỡng, nuôi nấng, đùm bọc, bồi bổ, chở che. "Đạo sanh, Đức dục" (Đạo sinh ra, Đức nuôi dưỡng) - (ĐĐK, c.51). Đạo là nguyên lý vô hình, Đức là nguyên lý hữu hình, Đạo là không tên, Đức là có tên. Đức làm cho con người có thể trở nên như con đỏ (ĐĐK, c. 55), trở về với đơn phác, cùng với những đức tính như chính Đạo đã có (ĐĐK, c. 25); Đức cao mà như trũng thấp, Đức giầu mà như không đủ, Đức vững mạnh mà như cẩu thả (ĐĐK, c. 41). Đức là thiện, là trung thực (ĐĐK, c.49), là trung tín (ĐĐK, c. 79), là không tranh chấp (ĐĐK, c. 68, 73), sanh mà không chiếm là của mình, làm mà không cậy công, là bậc trên mà không làm chủ, đó gọi là Huyền Đức (ĐĐK, c. 51). Những ai thật theo Đạo thì tích được nhiều Đức, tích được nhiều Đức thì không gì khắc phục được, không gì khắc phục được thì năng lực mình không biết tới đâu là cùng, năng lực không biết tới đâu là cùng thì trị được nước, nắm được gốc mẹ của đạo trị nước thì có thể tồn tại được lâu dài, đó gọi là rễ sâu, gốc vững, là nắm được cái Đạo thường tồn (ĐĐK, c. 59). Đức trong Đạo Đức Kinh có thể tóm kết vào ba điểm sau đây:
-như là vật thuộc về Đạo và không thể phân lìa khỏi Đạo,
-bao gồm những đặc tính mà chỉ Đạo mới có,
-Đạo và Đức cùng bảo trợ và nuôi dưỡng thế giới hiện tượng.

2. Nhu mềm - nước trũng - tính nữ - lòng từ:
Điều mà trong Đạo Đức Kinh có lẽ đánh động độc giả hơn cả là tính nhu mềm, tính nữ: nhu mềm và tính nữ trong Đạo, trong Đức, trong thế giới. Một điều đáng lưu ý là tính nữ ở đây có phần nào tương tự như tính âm, nhưng lại vượt hẳn âm tính. Trong thuyết âm dương, dương và âm thay đổi nhau để tác động; còn trong Đạo Đức Kinh thì tính nữ, tính nhu mềm luôn thắng tính nam, tính cường mạnh (ĐĐK, c. 36, 61, 78). Đó là điều khác biệt, và là một điều khác biệt lớn.

a. Nhu mềm: "Mềm yếu thắng cứng mạnh" (ĐĐK, c. 36, 78); "Cứng mạnh cùng loài với sự chết, mềm yếu là bạn của sự sống" (ĐĐK, c. 76), đó là câu Đạo Đức Kinh thường được trích dẫn và trích dẫn nhiều nhất, là tư tuởng phổ biến nhất của Lão Tử. Ngay những người duy vật cũng thích dùng câu này, áp dụng cho trường hợp những người yếu hèn và bị áp bức sẽ thắng những người hùng mạnh đàn áp. Đó là tư tưởng nằm trong truyền thống Trung Hoa, được ghi lại rất nhiều trong kho tàng văn học, triết lý, tôn giáo, nghệ thuật, y khoa và cả đến trong các môn võ thuật.

b. Nước trũng và khe lạch: Nước tượng trưng cho sự ban cho mà không đòi hỏi đáp trả, làm lợi ích cho vạn vật mà không tranh dành. Nước tìm đến chỗ trũng thấp, nơi mà người ta thường xa tránh; nhưng chính vì thấp mà nước có lợi, nhờ thế mà nước trở nên mạnh, mạnh nhất, mặc dầu nước là mềm yếu nhất trong mọi vật : Dưới trời mềm yếu, không gì hơn nước / Thắng được vật cứng, không gì bằng nước / Không gì thay thế nó được, (ĐĐK, c. 8, 78).

c. Lòng Từ: Nhu mềm, nước trũng, khe lạch, tính nữ... là những tư tưởng tiên phong dự báo cho một đức tính lớn lao hơn nữa, đó là lòng từ. Lòng từ là báu vật thứ nhất trong 3 vật báu mà Lão Tử hằng ôm ấp nắm giữ và muốn trao đổi lại (hai báu vật kia là lòng kiệm và khiêm - ĐĐK, c. 67). Lòng từ của Lão Tử nhắm trở nên hữu ích cho muôn loài (ĐĐK, c. 8, 34), giúp cho chúng nhân hối cải mà trở về (ĐĐK, c. 64), lấy cái lòng của trăm họ làm lòng của mình (ĐĐK, c. 49); nếu có phải tranh đấu, thì cũng tranh đấu bằng lòng từ: như thế mới thật thắng, mớigiữ vững. Lòng từ quan trọng đến nỗi, nếu Trời muốn cứu ai, thì cũng cứu bằng lòng từ (ĐĐK, c. 67). Điều ngỡ ngàng, cảm kích và đáng tôn quý nữa là, Lão Tử chủ trương một lòng từ với tất cả mọi người không chút phân biệt: cả người lành lẫn người dữ, không một ai bị loại bỏ (ĐĐK, c. 27, 49, 62). Lão Tử hỏi: Với kẻ không lành, tại sao lại bỏ chúng? (ĐĐK, c. 62). Không phải đây là chiến thuật dụ người: Với kẻ chẳng lành, cũng lấy lành mà ở, để được lành; với kẻ không thành tín, cũng lấy thành tín mà ở, để được thành tín (ĐĐK, c. 49); Lão Tử cho biết lý do: Người theo Đạo thì xem tất cả mọi người như con mình (ĐĐK, c. 49), và nhất là lấy chính Đạo làm mẫu mực; mà Đạo thì không những là chỗ ẩn náu sâu kín cho vạn vật, là của chân châu cho người lành, mà còn là nơi nương dựa cho kẻ không lành. Đến nỗi Đạo còn ban ơn cho mọi kẻ cầu xin và tha thứ cho kẻ có lỗi; cũng vì thế mà Đạo là "vật quý của thiên hạ" (ĐĐK, c. 62). Những ai không biết được điều đó, chỉ quý người lành mà không biết quý người chẳng lành, thì dẫu họ được gọi là bậc trí, thì thực ra họ cũng chỉ là kẻ mê lầm to. Đó quả thật là điều "huyền diệu" (ĐĐK, c.27).

***
Thế giới Đạo và Đức của Lão Tử không phải chỉ biết quan sát thiên nhiên vũ trụ. Mục đích của Đạo Đức Kinh là cuộc sống, cuộc sống của con người, thiên nhiên và xã hội. Đối với Lão Tử, Đạo là thực tại thâm sâu cuối cùng làm cơ sở cho mọi sự vật trong thế giới hiện tượng; sinh lực nuôi dưỡng, điều hoà và phát triển vạn vật là Đức được quan niệm như một thuộc tính của Đạo. Điều rất quan trọng và đặc sắc là, sinh lực của Đức hoạt động mãnh liệt nhưng âm thầm, từ tốn, khiêm nhu giống như nước, như con mái, như người nữ, như ngườimẹ. Đạo Đức Kinh đã trình bày một khái niệm rất mới, rất độc đáo và rất an nhiên về Đạo. Có thể nói, tác giả của Đạo Đức Kinh phải đã có được một cái nhìn siêu hình rất mới và rất thâm viễn về Đạo mà các văn triết nhân trước đó chưa có được. Tác giả đã đem lại cho Đạo một nộidung mới mà trước đó trong tư duy triết học chưa hề có và sau đó chưa có ai đã vượt xa hơn.