1. Đạo và Đức:
Để thực hiện một cuộc sống lòng dạ nên trống vắng những tham lam, và tâm tư được hoà nhịp với lẽ thường hằng của thiên nhiên vạn vật, Lão Tử đã chủ trương trở về với Đạo và sức sống kỳ diệu của Đạo là Đức.
a. Đạo:
Chữ Đạo đã có từ thời cổ đại Trung Hoa với những Kinh Điển như Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch... xuyên qua những tác phẩm cổ điển là Tứ Thư như Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử... và thường xuyên được dùng trong ngôn ngữ và cuộc sống dân gian. Chữ Đạo diễn tả rất nhiều nghĩa, từ những nghĩa vật chất, luân lý, tri thức, siêu hình cho đến tôn giáo. Ngoài ý nghĩa Đạo là đường, Đạo cũng còn có những ý nghĩa: phương tiện để đạt mục đích, con đường phải đi theo, con đường đức hạnh, cơ sở của khôn ngoan trí huệ, ý lực ngay thẳng đúng đắn, giáo lý, nguyên tắc, luật lệ, ý nghĩa của hiện hữu hay của một sự vật, tác động, ảnh hưởng, nói, giải thích, lèo lái, dẫn dắt.Ta có thể đúc kết các nghĩa của chữ Đạo trong 3 loại: siêu việt, hiện trần và con đường sống.
* Với nghĩa siêu việt, Đạo chính là thực tại tối hậu: Đạo trong nghĩa này vượt quá tầm mức hiểu biết của con người. Ngay câu đầu trong Đạo Đức Kinh đã nói: "Đạo khả đạo phi thường Đạo" (Đạo mà nói ra được thì không phải là Đạo thường hằng). Dẫu thế, Đạo "không diễn tả nên lời này" lại là cơ sở, là gốc, là ngọn nguồn và là cùng đích của mọi sự vật. Bên trên, đàng sau và phía dưới mọi sự là cung lòng Đạo, từ đây mọi sự sống được vươn lên và nơi đây mọi sự sống được trở về. Tác giả Đạo Đức Kinh đã đầy tôn kính và ngưỡng mộ, chỉ biết thốt lên lời hoan ca khi được giáp mặt với huyền bí nguyên thuỷ của sự sống, huyền bí của mọi huyền bí: Thật là cao sáng! Thật là tĩnh lặng! Phải là cái gì vô thuỷ vô chung, không có bắt đầu, không có cùng tận! Trong mọi vật lớn, Đạo phải là cái lớn nhất: Gượng cho là lớn, lớn là tràn khắp, tràn khắp là đi xa, đi xa là trở về; thật đây là cửa ra vào của mọi huyền diệu trong trời đất! (Đạo Đức Kinh, câu: 1, 14, 16, 21, 25). Sự bất khả diễn tả đã là điều quá rõ rệt, ta sẽ chỉ còn là rơi vào lời cảnh giác bao hàm chế riễu: "Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri" (Kẻ biết thì không nói, kẻ nói thì không biết) - (ĐĐK, c. 56).
* Mặc dầu siêu việt như thế, Đạo đồng thời cũng là hiện trần. Trong nghĩa này, Đạo dùng để chỉ cái Đạo Thiên Nhiên, là chuẩn mực, tiết nhịp, sinh lực của trời đất, nguyên lý của trật tự điều hành phía sau mọi sự sống. Phía sau mọi sự sống, mà cũng là bên trong mọi sự sống; trong nghĩa này, Đạo đã "thành xác thể", điều động mọi sự vật, thích nghi với sự vật, hoà đồng với sự vật: "làm nhụt bén nhọn, tháo gỡ rối răm, điều hoà ánh sáng, đồng cùng bụi bặm: "đồng kỳ trần" (ĐĐK, c. 4, 56).
* Đạo trong nghĩa con đường sống: Vì Đạo theo nguyên lý là tinh thần hơn vật chất, nên Đạo không hề vơi cạn, càng được mong cầu, càng nhiều ban cho, vì Đạo là giếng nguồn không khô cạn. Đạo cũng mang dấu ấn "tàn nhẫn bất tất", vì với mùa thu đến, không một chiếc lá nào vì lẽ nó đẹp, không một bông hoa nào vì lẽ nó thơm, mà lại được châm chước thứ tha không phải tàn lụi. Nhưng thực chất cuối cùng, Đạo là lành là tốt; thay vì bức bóc đi, nay Đạo lại ban cho, sức mạnh can trường, sự sống dẻo dai, và là đầy tràn, vì Đạo cũng là "mẹ thiên hạ" (ĐĐK, c. 25). Là năng lực của thiên nhiên, Đạo giống như khái niệm "sinh lực" (énergic vitale) của truyền thống Phi châu, như quan niệm "đà sống" (élan vital) của Bergson. Là chuẩn lực của vạn vật, Đạo giống như khái niệm "luật vĩnh hằng" (lex aeterna) của thời cổ đại kinh điển, luật trường cửu gây tạo cơ chế cho vũ trụ thiên nhiên. Đạo hiểu như thế cũng giống như là "nguyên lý dung hội chủ toàn", một nguyên lý kết hợp và chuyển hoá các thành tố nên một để phục dịch toàn thể (principe integrant pour la totalité) của George Romanes, bạn đồng nghiệp của Charles Darwin, nhà khoa học chủ trương Thuyết tiến hoá.
b. Đức:
Chữ Đức thường được hiểu trong một nghĩa luân lý, như đức hạnh, đạo hạnh, kèm theo một chút ít màu sắc tôn giáo, lễ nghi, phong tục, giới tính như khiêm nhu, trinh bạch. Đức còn có nghĩa là khả năng thích ứng, giỏi giang, quả cảm, đáng giá, như khi nói về một con dao có khả năng cắt xén tốt. Đức còn là khả năng linh thiêng, là linh lực, sinh lực thần thiêng. Tiến thêm một bước nữa, Đức là toàn thể nhân cách một con người cùng với linh lực phân xuất ra từ con người đó.Đức trong Đạo Đức Kinh lại mang một nghĩa đặc biệt: Đức là sinh lực, sinh lực cấp dưỡng, nuôi nấng, đùm bọc, bồi bổ, chở che. "Đạo sanh, Đức dục" (Đạo sinh ra, Đức nuôi dưỡng) - (ĐĐK, c.51). Đạo là nguyên lý vô hình, Đức là nguyên lý hữu hình, Đạo là không tên, Đức là có tên. Đức làm cho con người có thể trở nên như con đỏ (ĐĐK, c. 55), trở về với đơn phác, cùng với những đức tính như chính Đạo đã có (ĐĐK, c. 25); Đức cao mà như trũng thấp, Đức giầu mà như không đủ, Đức vững mạnh mà như cẩu thả (ĐĐK, c. 41). Đức là thiện, là trung thực (ĐĐK, c.49), là trung tín (ĐĐK, c. 79), là không tranh chấp (ĐĐK, c. 68, 73), sanh mà không chiếm là của mình, làm mà không cậy công, là bậc trên mà không làm chủ, đó gọi là Huyền Đức (ĐĐK, c. 51). Những ai thật theo Đạo thì tích được nhiều Đức, tích được nhiều Đức thì không gì khắc phục được, không gì khắc phục được thì năng lực mình không biết tới đâu là cùng, năng lực không biết tới đâu là cùng thì trị được nước, nắm được gốc mẹ của đạo trị nước thì có thể tồn tại được lâu dài, đó gọi là rễ sâu, gốc vững, là nắm được cái Đạo thường tồn (ĐĐK, c. 59). Đức trong Đạo Đức Kinh có thể tóm kết vào ba điểm sau đây:
-như là vật thuộc về Đạo và không thể phân lìa khỏi Đạo,
-bao gồm những đặc tính mà chỉ Đạo mới có,
-Đạo và Đức cùng bảo trợ và nuôi dưỡng thế giới hiện tượng.
2. Nhu mềm - nước trũng - tính nữ - lòng từ:
Điều mà trong Đạo Đức Kinh có lẽ đánh động độc giả hơn cả là tính nhu mềm, tính nữ: nhu mềm và tính nữ trong Đạo, trong Đức, trong thế giới. Một điều đáng lưu ý là tính nữ ở đây có phần nào tương tự như tính âm, nhưng lại vượt hẳn âm tính. Trong thuyết âm dương, dương và âm thay đổi nhau để tác động; còn trong Đạo Đức Kinh thì tính nữ, tính nhu mềm luôn thắng tính nam, tính cường mạnh (ĐĐK, c. 36, 61, 78). Đó là điều khác biệt, và là một điều khác biệt lớn.
a. Nhu mềm: "Mềm yếu thắng cứng mạnh" (ĐĐK, c. 36, 78); "Cứng mạnh cùng loài với sự chết, mềm yếu là bạn của sự sống" (ĐĐK, c. 76), đó là câu Đạo Đức Kinh thường được trích dẫn và trích dẫn nhiều nhất, là tư tuởng phổ biến nhất của Lão Tử. Ngay những người duy vật cũng thích dùng câu này, áp dụng cho trường hợp những người yếu hèn và bị áp bức sẽ thắng những người hùng mạnh đàn áp. Đó là tư tưởng nằm trong truyền thống Trung Hoa, được ghi lại rất nhiều trong kho tàng văn học, triết lý, tôn giáo, nghệ thuật, y khoa và cả đến trong các môn võ thuật.
b. Nước trũng và khe lạch: Nước tượng trưng cho sự ban cho mà không đòi hỏi đáp trả, làm lợi ích cho vạn vật mà không tranh dành. Nước tìm đến chỗ trũng thấp, nơi mà người ta thường xa tránh; nhưng chính vì thấp mà nước có lợi, nhờ thế mà nước trở nên mạnh, mạnh nhất, mặc dầu nước là mềm yếu nhất trong mọi vật : Dưới trời mềm yếu, không gì hơn nước / Thắng được vật cứng, không gì bằng nước / Không gì thay thế nó được, (ĐĐK, c. 8, 78).
c. Lòng Từ: Nhu mềm, nước trũng, khe lạch, tính nữ... là những tư tưởng tiên phong dự báo cho một đức tính lớn lao hơn nữa, đó là lòng từ. Lòng từ là báu vật thứ nhất trong 3 vật báu mà Lão Tử hằng ôm ấp nắm giữ và muốn trao đổi lại (hai báu vật kia là lòng kiệm và khiêm - ĐĐK, c. 67). Lòng từ của Lão Tử nhắm trở nên hữu ích cho muôn loài (ĐĐK, c. 8, 34), giúp cho chúng nhân hối cải mà trở về (ĐĐK, c. 64), lấy cái lòng của trăm họ làm lòng của mình (ĐĐK, c. 49); nếu có phải tranh đấu, thì cũng tranh đấu bằng lòng từ: như thế mới thật thắng, mớigiữ vững. Lòng từ quan trọng đến nỗi, nếu Trời muốn cứu ai, thì cũng cứu bằng lòng từ (ĐĐK, c. 67). Điều ngỡ ngàng, cảm kích và đáng tôn quý nữa là, Lão Tử chủ trương một lòng từ với tất cả mọi người không chút phân biệt: cả người lành lẫn người dữ, không một ai bị loại bỏ (ĐĐK, c. 27, 49, 62). Lão Tử hỏi: Với kẻ không lành, tại sao lại bỏ chúng? (ĐĐK, c. 62). Không phải đây là chiến thuật dụ người: Với kẻ chẳng lành, cũng lấy lành mà ở, để được lành; với kẻ không thành tín, cũng lấy thành tín mà ở, để được thành tín (ĐĐK, c. 49); Lão Tử cho biết lý do: Người theo Đạo thì xem tất cả mọi người như con mình (ĐĐK, c. 49), và nhất là lấy chính Đạo làm mẫu mực; mà Đạo thì không những là chỗ ẩn náu sâu kín cho vạn vật, là của chân châu cho người lành, mà còn là nơi nương dựa cho kẻ không lành. Đến nỗi Đạo còn ban ơn cho mọi kẻ cầu xin và tha thứ cho kẻ có lỗi; cũng vì thế mà Đạo là "vật quý của thiên hạ" (ĐĐK, c. 62). Những ai không biết được điều đó, chỉ quý người lành mà không biết quý người chẳng lành, thì dẫu họ được gọi là bậc trí, thì thực ra họ cũng chỉ là kẻ mê lầm to. Đó quả thật là điều "huyền diệu" (ĐĐK, c.27).
***
Thế giới Đạo và Đức của Lão Tử không phải chỉ biết quan sát thiên nhiên vũ trụ. Mục đích của Đạo Đức Kinh là cuộc sống, cuộc sống của con người, thiên nhiên và xã hội. Đối với Lão Tử, Đạo là thực tại thâm sâu cuối cùng làm cơ sở cho mọi sự vật trong thế giới hiện tượng; sinh lực nuôi dưỡng, điều hoà và phát triển vạn vật là Đức được quan niệm như một thuộc tính của Đạo. Điều rất quan trọng và đặc sắc là, sinh lực của Đức hoạt động mãnh liệt nhưng âm thầm, từ tốn, khiêm nhu giống như nước, như con mái, như người nữ, như ngườimẹ. Đạo Đức Kinh đã trình bày một khái niệm rất mới, rất độc đáo và rất an nhiên về Đạo. Có thể nói, tác giả của Đạo Đức Kinh phải đã có được một cái nhìn siêu hình rất mới và rất thâm viễn về Đạo mà các văn triết nhân trước đó chưa có được. Tác giả đã đem lại cho Đạo một nộidung mới mà trước đó trong tư duy triết học chưa hề có và sau đó chưa có ai đã vượt xa hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét