Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

Những Hình Ảnh Tôn Vinh Chúa Mùa Giáng Sinh 2010 Tại Hải Phòng


Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao,
Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người!

Luca 2:14



Một khung cửa,

Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Cảm Nhận Đêm Giáng Sinh




CẢM NHẬN ĐÊM GIÁNG SINH
Diễn ngâm
: Hồng Vân


          Lòng đã thức một đêm đông
          đắp sẵn một máng cỏ
          ngắm ngôi sao vừa hé rạng bầu trời.

          Ôi phương Đông
          phương Đông trong lồng ngực
          tuyết không bay trong triết lí trái tim
          nhạc Thiên thần không hề cao sang lắm
          mà ở bên Hài nhi tã vải lạnh lùng.

          Tôi nhìn Người bằng xác thịt
          và kính cẩn bằng tri giác
          Hình hài là đường
          và tri giác là tình yêu.

          Người đã yêu tôi ư?
                                       từ tôi không hề biết!
          Nhưng tôi đã nghe từ vũ trụ nghiêng vào
          dòng suối nguồn thông tuệ
          bởi những đớn đau trong mỗi phận người.

          Đường Người là Phúc âm
          tôi là kẻ lãnh đầy ân sủng mặt trời
          như hạt muối kia
                                    rồi sẽ tan ra
          Nhưng đã đầy sáng láng.
          
         

Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Con Ngỗng

Chuyện kể, có một người nông dân kia không tin gì về màu nhiệm nhập thể hay ý nghĩa thuộc linh của lễ Giáng Sinh, và nghi ngờ cả Đức Chúa Trời. Gia đình anh sống ở một nông trại. Vợ anh là một tín đồ ngoan đạo, chị cẩn thận nuôi dạy các con trong đức tin Cơ Đốc. Có lúc anh gây khó khăn cho chị vì niềm tin của chị và châm chọc khi chị đi nhà thờ đêm Giáng Sinh.

Một đêm Giáng Sinh giá đầy tuyết, chị dẫn các con đi nhà thờ như thường lệ. Chị nài khuyên anh cùng đi, nhưng anh nhất định từ chối. Anh còn nhạo báng ý tưởng Đấng Cứu Thế nhập thể, xem đó là chuyện tầm phào. "Sao Đức Chúa Trời lại hạ mình xuống làm người như chúng ta? Thật là chuyện buồn cười", anh nói. Thế là chị với các con đi một mình, còn anh ở lại nhà.

Họ đi được ít lâu thì gió thổi mạnh hơn và có một cơn bão tuyết. Khi nhìn ra cửa sổ, anh chỉ thấy toàn là tuyết. Anh ngồi xuống nghỉ bên ngọn lửa đêm. Bỗng anh nghe một tiếng "thịch" thật lớn. Có vật gì đập vào cửa sổ. Anh nhìn ra nhưng chẳng thấy gì. Thế là anh ra ngoài xem thử. Ở cánh đồng gần nhà, anh thấy, ôi lạ quá, cả một đàn ngỗng! Chắc là chúng di cư xuống miền nam ấm áp nhưng giữa đường gặp phải bão tuyết. Bão đen nghịt và thổi mạnh làm lũ ngỗng không bay được và cũng không thấy đường đi. Chúng bị lạc và đáp xuống trang trại của anh, nhưng không có chút gì để ăn hay nơi nào để trú thân. Chúng chỉ biết đập cánh, bay vòng vòng trên cánh đồng một cách mù quáng và không có mục đích. Anh thấy tội nghiệp và muốn giúp đỡ. Anh thầm nghĩ:
"Kho lúa là chỗ tốt nhất cho chúng trú ngụ. Ở đó ấm áp và an toàn; chắc chắn chúng có thể nghỉ qua đêm và đợi cho cơn bão qua đi".

Thế là anh tiến lại chỗ kho lúa, mở cửa cho chúng. Anh chờ đợi, nhìn xem, hy vọng chúng nhận ra kho lúa mở cửa và bay vào trong. Nhưng lũ ngỗng chỉ bay lòng vòng mà chẳng để ý gì đến kho lúa hay hiểu được ý nghĩa của kho lúa đối với chúng như thế nào. Anh tiến lại gần lũ ngỗng ra dấu cho chúng, nhưng chúng sợ hãi bay tản ra. Anh vào nhà lấy ra vài mẩu bánh mì, xé nhỏ, và rải dọc trên đường hướng về phía kho lúa. Nhưng chúng cũng chẳng hiểu biết gì hết.

Bắt đầu bực mình, anh tiến lại và cố lùa chúng vào kho lúa. Nhưng chúng lại càng sợ hãi hơn, và bay tứ tán khắp mọi hướng ngoại trừ hướng vào kho lúa. Tất cả mọi việc anh làm đều không đưa được chúng vào kho lúa, nơi có sự ấm áp, và chỗ trú ẩn an toàn. Bực mình quá, anh than thở, "Sao chúng không chịu theo mình nhỉ? Chúng không thấy đó là nơi duy nhất có thể giúp chúng sống sót qua cơn bão hay sao? Làm thế nào mình có thể đưa chúng đến nơi duy nhất có thể cứu được chúng đây?" Anh suy nghĩ một lát rồi chợt hiểu là chúng không chịu theo con người. Anh tự nhủ:
"Mình làm gì để cứu chúng đây? Cách hay nhất là mình phải trở thành ngỗng như chúng. Giá mà mình thành ngỗng được nhỉ! Khi đó mình sẽ cứu được chúng! Chúng sẽ theo mình và mình sẽ dẫn chúng đến nơi an toàn!"

Anh  bỗng thừ người ra vì những lời anh vừa nói đó vang vọng lại tâm trí anh: "Giá mà mình trở nên như chúng - thì mình sẽ có thể cứu được chúng". Anh suy nghĩ về những lời ấy và nhớ lại lời anh nói với vợ khi nãy: "Sao Đức Chúa Trời lại hạ mình xuống làm người như chúng ta? Thật là buồn cười!" Một cái gì đó liên kết ý tưởng trong anh, như một khải thị, và anh chợt hiểu sự mầu nhiệm nhập thể.

Chúng ta cũng như đàn ngỗng vậy, đui mù, đi lạc, sắp chết. Đức Chúa Trời trở thành người như chúng ta để chỉ đường, mở một con đường cứu rỗi cho chúng ta. Đó chính là ý nghĩa của Giáng Sinh - trong lòng anh chợt hiểu như thế.

Khi tuyết đã tan, lòng anh yên tĩnh và tiếp tục suy gẫm về ý tưởng đó. Anh đã hiểu Giáng Sinh là gì. Anh biết tại sao Đấng Cứu Thế đã đến thế gian. Bao năm nghi ngờ, vô tín của anh bị xóa tan. Anh hạ mình quì gối và khóc trong tuyết, trong lòng kinh nghiệm ý nghĩa ngày lễ Giáng Sinh.



Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

Nụ Cười

    Giá một nụ cười rẻ hơn giá tiền điện, thế nhưng nụ cười lại tỏa sáng nhiều hơn hàng trăm bóng đèn điện. Không ai nghèo đến nỗi không thể mỉm một nụ cười, cũng không ai đủ giàu để sống mà không cần đến nụ cười của người khác. Một nụ cười - vốn liếng tuy nhỏ bé nhưng lại sinh hoa lợi nhiều, nó làm giàu cho kẻ đón nhận nó mà không hề làm kẻ trao tặng nó phải nghèo đi. Ngược lại, có khi người ta sẽ còn mãi mãi ghi nhớ.        

 

  Không ai đủ giàu mà bỏ qua không nhận lấy một nụ cười. Nụ cười tạo được hạnh phúc trong gia đình. Nụ cười là dấu hiệu của nhân ái. Nụ cười làm cho kẻ nhọc nhằn tìm được sự thoải mái dễ chịu. Nụ cười đem lại sự can đảm cho người nản chí, hoang mang.

Nếu có một lúc nào đó trong đời, bạn gặp một ai đó không cho bạn được một nụ cười như bạn đáng được nhận, thì bạn hãy quảng đại mà nở một nụ cười với người đó. Bởi vì không ai cần đến nụ cười cho bằng người không bao giờ biết cười.

Có một câu chuyện kể rằng: Saint Exupery từng là phi công tham gia chống phát xít trong Đệ nhị Thế chiến. Chính từ những năm tháng này ông đã viết ra tác phẩm "Nụ cười". Không biết đây là một tự truyện hay một truyện hư cấu, nhưng tôi tin rằng nó có thật. Trong truyện, Saint Exupery là một tù binh bị đối xử khắc nghiệt và ông biết nay mai có thể bị xử bắn như nhiều người khác. Ông viết: "Tôi trở nên quẫn trí. Bàn tay tôi giật giật, cố gắng rút trong túi áo một điếu thuốc. Nhưng tôi lại không có diêm. Qua hàng chấn song nhà giam, tôi trông thấy một người cai tù. Tôi gọi: "Xin lỗi, anh có lửa không?"... Anh ta nhún vai rồi tiến lại gần. Khi rút que diêm, tình cờ mắt anh nhìn vào mắt tôi. Tôi mỉm cười mà chẳng hiểu tại vì sao lại làm thế. Có lẽ vì khi muốn làm thân với ai đó, người ta dễ dàng nở một nụ cười. Lúc này dường như có một đốm lửa bùng cháy nhanh qua kẽ hở giữa hai tâm hồn chúng tôi, giữa hai trái tim con người. Tôi biết anh ta không muốn, nhưng do tôi đã mỉm cười nên anh ta phải mỉm cười đáp lại. Anh ta bật que diêm, đến gần tôi hơn, nhìn thẳng vào mắt tôi và miệng vẫn cười. Giờ đây trước mặt tôi không còn là viên cai ngục phát xít mà chỉ là một con người. Anh ta hỏi tôi: "Anh có con chứ?". Tôi đáp: "Có" và lôi từ trong ví ra tấm hình nhỏ của gia đình mình. Anh ta cũng vội rút trong túi áo ra hình những đứa con và bắt đầu kể lể về những kỳ vọng của anh đối với chúng. Đôi mắt tôi nhoà lệ. Tôi biết mình sắp chết và sẽ chẳng bao giờ gặp lại được người thân. Anh ta cũng bật khóc. Đột nhiên, không nói một lời, anh ta mở khoá và kéo tôi ra khỏi buồng giam. Anh lặng lẽ đưa tôi ra khỏi khu vực thị trấn chiếm đóng, thả tôi tự do rồi quay trở về. Thế đó, cuộc sống của tôi đã được cứu rỗi chỉ nhờ một nụ cười".

Từ khi đọc được câu chuyện này tôi nghiệm ra được nhiều điều. Tôi biết rằng bên dưới mọi thứ vỏ bọc chúng ta dùng để thủ thế, để bảo vệ phẩm giá và địa vị, vẫn còn đó một điều thật quý giá mà tôi gọi là tâm hồn. Tôi tin rằng: nếu tâm hồn bạn và tâm hồn tôi nhận ra nhau thì chúng ta chẳng còn gì phải sợ hãi hay căm thù oán ghét nhau. Nếu bạn từng có một khoảnh khắc gắn bó với đồng loại qua sức mạnh của nụ cười, thì tôi tin rằng bạn cũng đồng ý với tôi, đó là một phép lạ nho nhỏ, một món quà tuyệt vời mà chúng ta có thể dành cho nhau. Một nữ tu ở Calcutta đã cảm nhận được điều này trong cuộc sống, và bà đưa ra lời khuyên chân thành: "Hãy mỉm cười với nhau, mỉm cười với vợ, với chồng, với con cái bạn và với mọi người dù đó là ai đi nữa, vì điều này sẽ giúp bạn lớn lên trong tình yêu của nhau..." 
                                       
Triều Âm - St.  

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

Ngọc Lan & Những Bài Thánh Ca

Khởi nguồn tiếng hát Ngọc Lan là những bài Thánh ca cô hát ở nhà Thờ, ở những buổi sinh hoạt cộng đoàn Giáo xứ tại Nha Trang, nơi cô đã sinh ra và lớn lên.

Ngọc Lan hát thành công ở rất nhiều thể loại nhạc, dòng nhạc. Nhưng đi suốt cùng cô những năm tháng cuộc đời là những bài Thánh ca.

Ngọc Lan trình bày những nhạc phẩm Thánh ca với tất cả tâm tình sâu lắng. Nơi những bài Thánh ca ấy là sự giao cảm an hòa giữa con người với Đấng Tối Cao cũng như giữa con người với con người.

Chiêm ngắm hình ảnh cây Thánh giá: Thanh dọc là chiều kích nối con người với Thiên Chúa, thanh ngang: nối con người với con người. Tiếng hát Ngọc Lan mang cả hai chiều kích ấy.

Thứ Ba, 14 tháng 12, 2010

Người Con Gái Mang Tên Loài Hoa...

Người con gái ấy mang tên loài hoa.
Mắt biếc suối trong, mi cong ngọc ngà...

(Anh Bằng)

Đó là lời trong ca khúc "Vĩnh biệt một loài hoa" mà nhạc sĩ Anh Bằng đã viết lên với cả lòng ái mộ cùng niềm thương tiếc vô bờ trước sự ra đi mãi mãi của nữ ca sĩ Ngọc Lan hồi năm 2001.

Ngọc Lan không đi vào những sách viết về âm nhạc (xuất bản những năm gần đây) cùng cách một huyền thoại như "tiếng hát vượt thời gian" Thái Thanh hay "nữ hoàng chân đất" Khánh Ly, nhưng Ngọc Lan, đi sâu vào lòng người và ngự trị ở đó theo một cách rất khác: bằng sự tinh tế, bằng vẻ đẹp nhẹ nhàng ngát hương như chính loài hoa mang tên.

Tiếng hát Ngọc Lan nồng ấm, mượt mà, trong veo đến lạ, đi thẳng vào lòng người và có thể chạm đến ngay cả những sợi tơ mỏng mảnh nhất của tâm hồn.

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

Tản Mạn Thơ Đường Luật

Đường luật là thể thơ xuất hiện từ đời nhà Đường, Trung Quốc. Các nhà Văn học sử thường chia làm bốn giai đoạn là: Sơ Đường, Thịnh Đường, Trung Đường và Vãn Đường. Nhưng cũng có người chỉ chia làm ba giai đoạn: Sơ Đường, Trung Đường và Vãn Đường.
Trước nhà Đường,  cũng đã xuất hiện những thiên tài thi ca như Khuất Nguyên (thời Chiến Quốc), Kê Khang, Nguyễn Tịch (Triều Ngụy), Đào Uyên Minh (đời Tấn) v. v... Nhưng đó chỉ là những vì sao đơn độc, lẻ tẻ. Chỉ đến đời Đường mới xuất hiện một loạt nhà thơ (khoảng hơn hai ngàn) với số lượng thơ hàng chục ngàn bài. Đây là số lượng nhà thơ với với tác phẩm khổng lồ, vượt trội so vớ tất cả các thời đại trước và sau nó, và là một sự kiện không tiền, khoáng hậu. Nó  tạo nên một bầu trời thi ca một dải Ngân hà dầy đặc các vì tinh tú chói lọi: Sầm Than, Nguyên Kết, Trần Tử Ngang, Vi Ứng Vật, Hạ Tri Chương, Vuơng Xương Linh, Thôi Hộ v.v... Nhưng rực sáng hơn cả có Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu.
Thời đại nhà Đường kéo dài ngót 300 năm (từ năm 618 đến 907), có những giai đoạn thái bình, thịnh trị. Nhưng cũng có những giai đoạn nhiễu nhương, ly loạn. Bởi vậy nên thơ Đường ngoài những bài ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, tình bạn, tình yêu còn có những nỗi niềm chia ly, ai oán, những khúc bi thương của thời loạn lạc.
Ngôn ngữ thơ Đường rất cô đọng, súc tích. Không ít những bài thơ còn được gắn thên giai thoại. Ví dụ bài "Phong Kiều dạ bạc" của Trương Kế:
                    Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
                    Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
                    Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tụ
                    Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Tản Đà dịch:
                       ĐÊM ĐỖ THUYỀN Ở PHONG KIỀU 
                           Trăng tà tiếng quạ kêu sương
                    Lửa chài cây bến sầu vương giấc Hồ
                           Thuyền ai đậu bến Cô Tô
                    Nửa đêm nghe tiễng chuông chùa Hàn Sơn
Bài thơ này, khi Trương Kế mới làm đến câu thứ 3 "Thuyền ai đậu bến Cô Tô" thì phải dừng lại suy nghĩ làm tiếp câu thơ kết còn đang bế tắc. Cùng lúc ấy, tại chùa Hàn Sơn cũng có một nhà sư thi sĩ đang thao thức không ngủ, suy nghĩ mung lung để tìm lời tìm ý cho một bài thơ. Nhà sư, để giải tỏa tâm lý đang căng thẳng, liền gióng lên một hồi chuông. Thế là Truơng Kế, nhờ có hồi chuông này mà hoàn thành được câu kết: "Nửa đêm nhe tiếng chuông chùa Hàn Sơn".
Lại nữa, bài "Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu được Nghiêm Vũ, đời Tống ca ngợi là bài thơ hay nhất đời Đường:
                    Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc Khứ
                    Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu
                    Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
                    Bạch Vân thiên tải không du du
                    Tình xuyên lịch lịch Hán dưong thụ
                    Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
                    Nhật mộ hương quan hà xứ thị
                    Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Tản Đà dịch:
                              LẦU HOÀNG HẠC 
                           Hạc vàng ai cỡi đi đâu
                    Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
                           Hạc vàng đi mất từ xưa
                    Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
                           Hán Dương sông tạnh cây bầy
                    Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
                           Quê hương khuất bóng hoàng hôn
                    Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
Tương truyền khi Lý Bạch được người đời ca tụng là thi tiên, ông liền viết 2 câu thơ: Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc, Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu  (Trước mắt có cảnh đẹp mà không nói được thành lời, vì đã có thơ của Thôi Hiệu để ở trên đầu).
Một nhà thơ khác là Vuơng Duy. Ông rất có tài trong việc tả cảnh, tả tình. Ông còn là một họa sĩ. Bởi thế, nhà thơ Tô Đông Pha, đời Tống đã ca ngợi Vuơng Duy: Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi (Trong thơ có họa, trong họa có thơ).
Chuyện nhà sư, thi sĩ Giả Đảo làm thơ cũng là một bài học về tính dụng công, chuyên cẩn, tỉ mỉ trong việc tìm lời, tìm ý. Tương tryền trong một bài thơ ngũ ngôn của ông, mở đầu bằng 2 câu:
Điểu túc trì biên thụ
(Chim ngủ trên cành cây bờ ao)
Tăng sao nguyệt hạ môn
(Nhà sự gõ cửa dưới trăng)
Lúc đầu ông không dùng chữ "sao" (gõ) mà định dùng chữ "thôi" (đẩy). Trong lúc đang phân vân chưa biết chọn chữ nào, ông liền cỡi ngựa đui lang thang, vừa đi vừa giơ tay lên trời làm điệu bộ vừa gõ vừa đẩy. Ông đi lạc vào doanh quân của Hàn Dũ, lúc ấy là huyện lệnh Duơng Sơn. Giả Đảo bị bắt vì bị tưởng là người điên. Sau khi biết chuyện, Hàn Dũ khuyên dùng chữ "sao" hơn là dùng chữ "thôi" vì chữ "thôi" (đẩy) chỉ là chữ tượng hình, còn chữ "sao" (gõ) vừa tượng hình, vừa tượng thanh, nó gợi cho ta âm thanh "lộc cộc" của tiếng gõ cửa. Từ đó "thôi, sao" trở thành điển tích để chỉ sự khó nhọc của người làm thơ.
Cảm thụ thơ Đường từ nguyên bản không hề đơn giản. Không phải hễ có một vốn chữ Hán nhất định là đọc và hiểu được thơ Đường. Chẳng hạn như câu "Tây lục thiền thanh xướng" mà chỉ hiểu "Tây lục" là vùng đất phía Tây thì sai vì tác giả của nó là Lạc Tân Vuơng đã lấy ý câu: "Nhật hành tây lục vị chi thu" cho nên câu thơ trên được Tương Như dịch là: "Thu đến ve kêu tiếng". Ở đây "tây lục" có nghĩa là mùa thu.
Các điển tích trong thơ Đường rải rác bài nào cũng có. Trong mỗi bài đều nói lên tên núi, tên sông, các nhân vật và dữ kiện lịch sử. Bởi vậy, người đọc cũng cần có một số kiến thức căn bản về văn học, lịch sử, địa lý của Trung Quốc mới có thể lĩnh hội được cái hay, cái đẹp của thơ Đường.
Xin lướt qua các thể loại thơ Đường luật. Trước thơ Đường là thơ Cổ Phong, túc là loại thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn chỉ cần vần chứ không cần theo luật bằng, trắc. Câu thơ có thể dài (trường thiên) hoặc ngắn (đoản thiên). Số câu trong thơ Cổ Phong cũng không quy định cụ thể. Đó là loại thơ khá tự do.
Đến đời Đường, thơ luật ra đời, bắt buộc người làm thơ phải tuân thủ. Thơ Bát cú (tám câu) dù là Ngũ ngôn (năm chữ) hay Thất ngôn (bẩy chữ) đều có bố cục: câu đầu là phá đề, câu 2 là thừa đề, hai câu 3 và 4 là câu thực, câu 5 và 6 là câu luận, và 2 câu cuối cùng, 7 và 8 là câu kết.
Thơ Thất ngôn có hai loại: Bát cú và Tứ tuyệt. Tứ tuyệt là thể thơ 4 câu. Bát cú giống Tứ tuyệt ở chỗ đều có "niêm", nhưng Bát cú ở 2 cặp "thực" (câu 3 và câu 4) và "luận" (câu 5 và câu 6) phải đối nhau từng cặp, danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ,  tính từ đối với tính từ, trạng tự đối với trạng từ v. v... Chính cái tính chất "đối" này đã làm nên sự độc đáo của thể thơ thất ngôn, bát cú. "Niêm" nghĩa chữ Hán là dính. Tức là nó có nhiệm vụ dính kết các câu thơ với nhau một cách chặt chẽ. Niêm được quy định như sau: Nếu câu thứ nhất có chữ thứ hai là vần bằng thì đương nhiên chữ thứ sáu cũng vần bằng và "kẹp" chữ thứ tư ở giữa là vần trắc. Tiếp câu thứ hai thì chữ thứ hai phải là vần trắc, và đương nhiên chữ thứ sáu cũng vần trắc, "kẹp" chữ thứ tư là vần bằng.
Ví dụ bài "Tây Tái sơn hoài cổ" của Lưu Vũ Tích:
                    Vương Tuấn lâu thuyền há Ích Châu
                    Kim Lăng vương khí ảm nhiên thâu
                    Thiên tầm thiết tỏa trầm giang để
                    Nhất phiếm hàng phan xuất thạch đầu
                    Nhân thế kỷ hồi thương vãng sự
                    Song hình y cựu chẩm hàn lưu
                    Tổng kim tứ hải vi do nhật
                    Cổ lũy tiêu tiêu lô địch thu.
Ngô Văn Phú dịch:
                    Thuyền lầu Vuơng Tuấn xuống Châu Ích
                    Vuơng khí Kim Lăng ủ một trời
                    Xích sắt nghìn tầm chìm đáy nước
                    Cờ hàng một lá thạch đầu phơi
                    Người đời chuyện cũ bao lần xót
                    Sông lạnh kề bên núi vẫn ngồi
                    Bốn biển một nhà chinh chiến lặng
                    Quạnh hiu lũy cũ, sậy lau đầy.
Người làm thơ Đường còn có một thú chơi đặc biệt là họa thơ. Họa trong tiếng Hán còn có một âm nữa đọc là hòa. Họa thơ tức là từ một bài thơ đầu (bài xướng) để làm một bài thơ khác dựa vào nội dung, ý tứ của bài trước nhưng phải lặp lại tất cả các chữ cuối cùng có vần bằng theo thứ tự như bài xướng. Bài xướng và bài họa thường là cùng một chủ đề, nhưng cũng có thể khác chủ đề. Đã có không ít những cặp xướng, họa nổi tiếng như các cặp: Phan Văn Trị với Tôn Thọ Tường, Hồ Xuân Hương với Chiêu Hổ v. v...
Đây là một cặp xướng họa khác: Hàn Mặc Tử và Mộng Châu. Bài xướng của Mộng Châu, bài họa của Hàn Mặc Tử (Khi ấy Hàn Mặc Tử mới 15 tuổi).
Bài xướng của Mộng Châu:
                    Nhạn ơi tung cánh giữa vườn mây
                    Khéo léo đừng rơi gói buộc dây
                    Cái gánh tình si ai gửi đó
                    Là lời tâm sự nhạn đưa ngay
                    Đưa người tháng trước hòa thơ tiễn
                    Đến bến ngày xưa mấy tiệc bày
                    Hỏi nhớ cùng không người bốn mắt?
                    Bể dâu chưa thấy, thấy gì đây?
Bài họa của Hàn Mặc Tử
                    Vội vàng chi lắm nhạn lưng mây
                    Chầm chậm cho mình giữ mối dây
                    Về đến Thần Kinh khoan nghỉ đã
                    Ghé miền Gia Hội tỏ tình ngay
                    Suốt năm canh mộng hồn mê mỏi
                    Chỉ một lòng son muốn giãi bày
                    Này nhạn! ta còn quên chút nữa
                    Con tim non nớt tặng nàng đây.
Không có bất cứ một thể thơ nào có thể xướng, họa được như thơ Đường luật. Đó là một nét độc đáo và đặc sắc.
Và có thể nói mà không sợ ngoa ngôn rằng mỗi bài thơ Đường là một viên ngọc quý trong kho tàng thi ca của nhân loại.

Tháng 5/2009

Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

Hãy Trả Lại Thơ Cho Bàng Bá Lân

Vào khoảng năm 1972, một anh bạn rủ tôi đến thăm nhà thơ Bàng Bá Lân ở một cái hẻm lớn trên đường Công Lý, Sài Gòn. Lúc chúng tôi đến, ông cũng vừa thức dậy sau giờ nghỉ trưa. Hôm ấy là chủ nhật, ông không phải lên lớp. Hồi ấy, ông dạy ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Thực ra trước khi gặp ông, tôi cũng đã biết đến ông, một nhà thơ Tiền chiến quê Bắc Giang, người đồng hương với tôi.

  


 
 
Ông có vóc người trung bình, nhanh nhẹn, trang phục bình dân, giản dị. Ông nói chuyện với chúng tôi về thời sự, kinh tế, rồi văn học, văn chương truyền miệng, thơ v. v... Ông thuộc rất nhiều thơ. Ông có giọng đọc thơ rất hay. Ông đọc từ thơ của những nhà thơ Tiền chiến cho đến thơ Đường, thơ Pháp. Nghe ông đọc thơ chúng tôi như bị thôi miên. Chờ khi ông ngừng nghỉ một lát, tôi mới nói chen vào. Tôi nói rằng trong ca dao Việt Nam tôi rất thích hai câu:

Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
      
Tức thì nhà thơ vội ngắt lời tôi. Ông bảo hai câu thơ đó là trích trong một bài thơ lục bát gồm 12 câu của ông. Rồi ông đọc liền một mạch cả bài thơ đó. Nhưng ông sửa lại câu 8 mà tôi vừa dẫn trên là:

Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi

Và ông giải thích như sau: Người ta không thể múc ánh trăng vàng được, mà là múc trăng vàng ở dưới nước. Khi cái gầu của cô gái dìm xuống nước thì mặt trăng tan vỡ ra trong nước, hòa với nước, sóng sánh cùng với nước. Thế là cô gái múc nước tát lên ruộng cao cũng đồng thời múc luôn cả vầng trăng tan vỡ trong đó. Trường hợp này cũng tương tự như trong bài thơ Nhớ Rừng của Thế Lữ. Bài thơ có câu: Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan. Ở đây con hổ không hề đứng ngửa mặt lên trời để uống ánh trăng trong không khí mà là uống ánh trăng tan trong dòng suối sau khi đã
say mồi.

Nghe nhà thơ giảng nghĩa như vậy, chúng tôi từ chỗ ngỡ ngàng đến khâm phục. Chúng tôi hoàn toàn tin:

- Một là, hai câu thơ trên là của nhà thơ Bắc Giang: Bàng Bá Lân.

- Hai là, nguyên văn của nó chắc chắn là: Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi chứ không phải
Múc ánh trăng vàng đổ đi.

Mãi về sau này cũng có một vài người lên tiếng công nhận hai câu ca dao trên là của Bàng Bá Lân, trong đó có Giáo sư Huyền Viêm có bài đăng trên Kiến Thức Ngày Nay. Tuy nhiên chưa có ai chỉ rõ sự khác nhau giữa Múc ánh trăng vàngLại múc trăng vàng như chúng tôi vừa nêu trên. Theo thiển nghĩ của chúng tôi, sở dĩ có sự lầm lẫn trên là do tam sao thất bản. Rằng quyển Ca dao tục ngữ Việt Nam của tác giả Vũ Ngọc Phan có in hai câu ca dao trên được xuất bản năm 1955 ở miền Bắc, còn tác giả của nó tức nhà thơ Bàng Bá Lân lại di cư vào Nam từ năm 1954. Vì thế nhà thơ không được đọc quyển sách biên khảo của Vũ Ngọc Phan, không thấy sự lầm lẫn đáng tiếc kể trên để lên tiếng cải chính.

Từ đó đến nay đã 35 năm, tôi chưa hề được gặp lại nhà thơ Bàng Bá Lân. Thỉnh thoảng gặp một vài người bạn cố tri có lòng yêu mến văn chương, tôi lại đem tâm sự trên kể cho họ nghe. Suốt thời gian dài ấy, tôi cứ lòng dặn lòng bất cứ khi nào có dịp là tôi sẽ đưa niềm tâm sự đó lên mặt báo. Rằng chưa làm được điều này thì tôi còn day dứt chưa yên. Rằng món nợ tinh thần với nhà thơ đồng hương vẫn chưa trả được.

Hoàng Chí Quang
(Số ĐT: 0986 706 489)

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Cháy

  
  

               Đốt hết một lần
               Cháy từng que nhỏ
               yêu
               thương
               giận
               hờn
               bùng nhớ
               Que cuối cùng vụt sáng
               Em nhìn rõ anh...

                           Vũ Nguyên

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010

Tách Cafe Muối

 

Anh gặp nàng trong một bữa tiệc. Nàng vô cùng xinh xắn và dễ thương... Biết bao chàng trai theo đuổi nàng trong khi anh chỉ là một gã bình thường chẳng ai thèm để ý. Cuối bữa tiệc, lấy hết can đảm, anh mời nàng đi uống cafe. Hết sức ngạc nhiên, nhưng vì phép lịch sự nàng cũng nhận lời.

Họ ngồi im lặng trong một quán cafe. Anh quá run nên không nói được câu nào. Cô gái bắt đầu cảm thấy thật buồn tẻ và muốn đi về... Chàng trai thì cứ loay hoay mãi với cốc cafe, cầm lên lại đặt xuống... Đúng lúc cô gái định đứng lên và xin phép ra về thì bất chợt chàng trai gọi người phục vụ: "Làm ơn cho tôi ít muối vào tách cafe". Gần như tất cả những người trong quán nước đều quay lại nhìn anh... Cô gái cũng vô cùng ngạc nhiên. Nàng hỏi anh tại sao lại có sở thích kì lạ thế. Anh lúng túng một lát rồi nói: "Ngày trước nhà tôi gần biển. Tôi rất thích nô đùa với sóng biển, thích cái vị mặn và đắng của nước biển. Vâng, mặn và đắng - giống như cafe cho thêm muối vậy... Mỗi khi uống cafe muối như thế này, tôi lại nhớ quê hương và cha mẹ mình da diết...". Cô gái nhìn anh thông cảm và dường như nàng rất xúc động trước tình cảm chân thành của anh. Nàng thầm nghĩ một người yêu quê hương và cha mẹ mình như thế hẳn phải là người tốt và chắc chắn sau này sẽ là một người chồng, người cha tốt... Câu chuyện cởi mở hơn khi nàng cũng kể về tuổi thơ, về cha mẹ và gia đình mình...

Khi chia tay ra về, cả hai cùng cảm thấy thật dễ chịu và vui vẻ. Và qua những cuộc hẹn hò về sau, càng ngày cô gái càng nhận ra chàng trai có thật nhiều tính tốt. Anh rất chân thành, kiên nhẫn và luôn thông cảm với những khó khăn của cô. Và... như bao câu chuyện kết thúc có hậu khác, hai người lấy nhau. Họ đã sống rất hạnh phúc trong suốt cuộc đời. Sáng nào trước khi anh đi làm, nàng cũng pha cho anh một tách cafe muối...

Nhưng khác những câu chuyện cổ tích, câu chuyện này không dừng ở đó. Nhiều năm sau, đôi vợ chồng già đi, và người chồng là người ra đi trước... Sau khi anh chết, người vợ tìm thấy một lá thư anh để lại. Trong thư viết: "Gửi người con gái mà anh yêu thương nhất! Có một điều mà anh đã không đủ can đảm nói với em. Anh đã lừa dối em, một lần duy nhất trong cuộc đời... Thực sự là ngày đầu tiên mình gặp nhau, được nói chuyện với em là niềm sung sướng đối với anh. Anh đã rất run khi ngồi đối diện em... Lúc đó anh định gọi đường cho tách cafe nhưng anh nói nhầm thành muối. Nhìn đôi mắt em lúc đó, anh biết mình không thể rút lại lời vừa nói nên anh đã bịa ra câu chuyện về biển và cafe muối. Anh không hề thích và chưa bao giờ uống cafe muối trước đó! Rất nhiều lần anh muốn nói thật với em nhưng anh sợ... Anh đã tự hứa với mình đó là lần đầu và cũng là lần cuối anh nói dối em. Nếu được làm lại từ đầu, anh vẫn sẽ làm như vậy... để được có em và để được uống tách cafe muối em pha hàng ngày suốt cuộc đời anh... Anh yêu em!".

Mắt người vợ nhòa đi khi đọc đến những dòng cuối lá thư. Bà gấp bức thư lại và chầm chậm đứng lên, đi pha cho mình một tách cafe muối... Nếu bây giờ có ai hỏi bà cafe muối có vị như thế nào, bà sẽ nói cho họ biết: Nó rất ngọt!!!

Sưu tầm


Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

Âm Nhạc Với Sức Khỏe

Thưởng thức âm nhạc du dương, khiến con người cảm thấy vui vẻ thoải mái, có tác dụng tích cực đối với sức khỏe.

Hiện nay liệu pháp âm nhạc đã là một môn học mới của y học được nhiều người quan tâm. Dùng liệu pháp âm nhạc để điều trị người bị bệnh tâm thần mạn tính, người bệnh đều phản ảnh, sau khi được điều trị thấy tâm hồn rộng mở, tin tưởng sẽ chiến thắng bệnh tật, tinh thần không còn buồn chán. Sử dụng âm nhạc đối với người hiến máu, có thể loại trừ được tâm trạng căng thẳng khi hiến máu. Tại sao âm nhạc lại chữa được bệnh, điệu nhạc lại loại bỏ được u buồn? Công hiệu chữa bệnh thần kỳ đó của âm nhạc được thực hiện bằng hai kênh: tác dụng vật lý và tác dụng tâm lý. Cũng giống như một hòn đá nhỏ ném xuống mặt hồ gợn nên những nếp sóng lăn tăn, âm nhạc hài hòa êm dịu truyền vào cơ thể, có thể làm cho tâm lý vui vẻ, làm hòa nhịp cộng hưởng với tế bào tổ chức, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sóng điện não, nhịp tim, nhịp thở của cơ thể, làm cho nhịp điệu sinh lý trở lại bình thường. Cho nên có người nói "âm nhạc là chất dinh dưỡng không thể thiếu của con người". Mặt khác âm nhạc có thể làm hưng phấn tế bào thần kinh vỏ não, hoạt hóa và cải thiện tình trạng tinh thần, loại bỏ được tình trạng căng thẳng do những nhân tố tâm lý thần ngoại giới gây ra, nâng cao được sức đề kháng của cơ thể.

Sáng sớm ngủ dậy nghe bài nhạc có tiết tấu vui, nhanh, tràn đầy tình cảm, khiến cho bạn có tâm trạng vui vẻ khoan khoái. Sau một ngày làm việc mệt nhọc trở về nhà, chọn nghe một bản nhạc có tiết tấu êm dịu nhẹ nhàng, sẽ có lợi cho thư giãn tâm trạng căng thẳng, giảm bớt mệt nhọc. Nhưng tuyệt đối không nên nghe những bài nhạc kích động mạnh, có hại cho sức khỏe.


 
  

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

Kitaro - Hiện Tượng Âm Nhạc Châu Á

Đúng như một nhà văn đã viết nhạc Kitaro chính là "tính trung thực và kiên định". Yếu tố này giúp ông trở thành một trong những nhạc sỹ hàng đầu trong giới âm nhạc hiện đại của thế kỷ XX. Nhiều người cho rằng, những sáng tác của ông đã dệt nên "một khung cảnh bất tận của hàng ngàn gam màu, tất cả tạo nên một bức màn kỳ diệu của âm nhạc Á Đông".

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

Gọi Mùa Về Em

  
  
   
  GỌI MÙA VỀ EM - Diễn ngâm: Hồng Vân



          Về em.
          lặng sóng nguồn khơi
          Chiều chao mắt hẹn
                         buồn chơi vơi tình.
          Về em.
          đồi vắng Phục sinh.
          Ta như lá hát
                         lời kinh mùa đầu.
          Về em.
          khăn gói nhiệm mầu
          Đánh rơi dấu Thánh
                         ven cầu nhân gian.
          Về em.
          dốc cạn đời trăng
          Khuyết tròn ta mãi
                         ...mùa lang thang mùa.
          Về em, ru hời...
                         ngày xưa...
          Làm sao đúng hẹn cuộc chờ trăm năm!


Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010

Huế



Huế trong mưa, qua ô cửa kính từ lầu cao 11 tầng

Với quán cafe Vĩ Dạ Xưa

Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

Bản Lạ Nơi Thung Lũng Mai Châu

Tôi chọn thung lũng Mai Châu, bản Lác, một bản người Thái (Hòa Bình) cho chuyến du Xuân đầu năm. Những nếp nhà sàn xinh xắn lấm tấm nắng Xuân vàng đẹp như thơ, như tranh vẽ. Cô con gái của tôi vô cùng thích thú ngắm nghía những dẫy phố nhà sàn lạ mắt và tung tăng dạo chơi không biết mệt. (Bản Lác giống giống như một khu phố nhỏ).

IMG_2392 by you.

Là một địa danh du lịch khá nổi tiếng, và cả bản Lác này sống bằng nghề khai thác du lịch nhưng con người nơi đây rất đơn sơ, mộc mạc và ngay lành. Những ngôi nhà sàn khang trang được dựng lên để đón khách, để kinh doanh, rất nhiều những mặt hàng thổ cẩm và những đặc sản khác của vùng này được bày bán và (dĩ nhiên) mong được đắt hàng... Nhưng tuyệt nhiên không hề có một sự chèo kéo hay một lời mời mọc nào đeo bám du khách.
Không một barie, không một cửa soát vé, không một bóng "an ninh bản" (như kiểu an ninh xã, phường đeo cái băng đỏ đứng ra thu tiền này nọ thường thấy ở những nơi có thăm quan, du lịch).
Không có những dịch vụ "ăn theo" đáng ngờ và dễ gây phản cảm như gội đầu, xoa bóp, karaoke...
Du khách đến đây hoàn toàn có thể tận hưởng một không khí thật sự trong lành.

IMG_2540 IMG_2504 by thaithanhhf
IMG_2311 IMG_2309

Bản Lác không rộng, đường nội bản chỉ khoảng 1km chia thành nhiều nhánh từa tựa kiểu ô bàn cờ với những hộ gia đình rất gọn gàng, sạch sẽ. Khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ, dễ chịu.
Lác tiếng Thái nghĩa là lạ. Bản Lác: Bản Lạ! Cái lạ trong cảm nhận của tôi là cảnh sắc và con người đều mang chứa những nét nguyên sơ rất đẹp, rất xưa, và rất đỗi yên bình. (Có thể người khác hiểu khác và cảm nhận khác về từ lạ này).

IMG_2397 IMG_2496
IMG_2502 by t.hopthu IMG_2503

Bao quanh thung lũng Mai Châu là những cánh rừng xanh ngút ngàn miền Tây Bắc. Tôi cho con gái đi dạo chơi thỏa thích bên những bờ suối, bên những tảng đá và trên những đường mòn nho nhỏ... Ở đây có thể lang thang cả ngày trong rừng vắng mà không phải sợ có một thứ tai họa nào rình rập.
IMG_2427 by thaithanhhf.
IMG_2454 IMG_2448
IMG_2445 IMG_2429

Đêm vui lửa trại với rượi cần và với những điệu múa Xoan, múa Xòe của các cô gái Thái đã làm nên nét hấp dẫn du lịch rất riêng ở bản Lác này. Tôi nhớ câu thơ rừng rực cảm xúc của nhà thơ Quang Dũng trong bài "Tây Tiến": "...bừng lên hội đuốc hoa. Kìa em xiêm áo tự bao giờ". Các cô gái Thái nơi thung lũng Mai Châu này quả là rất đẹp, và đẹp cách rực rỡ trong những điệu múa truyền thống.

IMG_2324 by you.
IMG_2339 by you.

Nhớ đến "Tây Tiến" của nhà thơ Quang Dũng tôi lại nhớ đến một câu thơ rất hay khác: "Mai Châu mùa em cơm nếp xôi". Giờ đây giống lúa nương Mai Châu đã có phần mai một, người Thái ở Mai Châu mải làm du lịch nên không mấy chú tâm đến làm lúa nữa. Cũng hơi tiếc. Tôi nói điều này với một cô gái Thái, cô cười: "Anh không phải tiếc đâu, ở đây không bao giờ hết nếp nương. Bây giờ còn có thêm món cơm lam nữa, cũng được nấu từ những hạt nếp nương và cũng rất đặc sản Mai Châu. Đến Mai Châu mà anh không thưởng thức món cơm lam thì mới thật là đáng tiếc...". Tôi hơi ngạc nhiên bởi cách "quảng bá" nhanh nhạy và rất có cảm tình này! Là những người tiếp xúc thường xuyên với khách du lịch, các cô gái ở đây cũng rất khéo léo, nhưng là cái khéo léo hoàn toàn yên tâm chứ không hề ẩn chứa sự ranh ma, lọc lõi.


Tạm biệt thung lũng Mai Châu, tạm biệt bản Lác, tạm biệt những cánh rừng xanh ngút ngàn miền Tây Bắc, tôi mang về một cảm tình đặc biệt với lối làm du lịch ngay lành và rất thu hút du khách của người Thái. Cảnh sắc thanh bình cùng với lòng người lương thiện nơi bản Lạ xa xôi ấy đã cho tôi một chuyến du Xuân đầy ấn tượng.

Mùa Xuân 2010 - ntt