Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

Tản Mạn Thơ Đường Luật

Đường luật là thể thơ xuất hiện từ đời nhà Đường, Trung Quốc. Các nhà Văn học sử thường chia làm bốn giai đoạn là: Sơ Đường, Thịnh Đường, Trung Đường và Vãn Đường. Nhưng cũng có người chỉ chia làm ba giai đoạn: Sơ Đường, Trung Đường và Vãn Đường.
Trước nhà Đường,  cũng đã xuất hiện những thiên tài thi ca như Khuất Nguyên (thời Chiến Quốc), Kê Khang, Nguyễn Tịch (Triều Ngụy), Đào Uyên Minh (đời Tấn) v. v... Nhưng đó chỉ là những vì sao đơn độc, lẻ tẻ. Chỉ đến đời Đường mới xuất hiện một loạt nhà thơ (khoảng hơn hai ngàn) với số lượng thơ hàng chục ngàn bài. Đây là số lượng nhà thơ với với tác phẩm khổng lồ, vượt trội so vớ tất cả các thời đại trước và sau nó, và là một sự kiện không tiền, khoáng hậu. Nó  tạo nên một bầu trời thi ca một dải Ngân hà dầy đặc các vì tinh tú chói lọi: Sầm Than, Nguyên Kết, Trần Tử Ngang, Vi Ứng Vật, Hạ Tri Chương, Vuơng Xương Linh, Thôi Hộ v.v... Nhưng rực sáng hơn cả có Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu.
Thời đại nhà Đường kéo dài ngót 300 năm (từ năm 618 đến 907), có những giai đoạn thái bình, thịnh trị. Nhưng cũng có những giai đoạn nhiễu nhương, ly loạn. Bởi vậy nên thơ Đường ngoài những bài ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, tình bạn, tình yêu còn có những nỗi niềm chia ly, ai oán, những khúc bi thương của thời loạn lạc.
Ngôn ngữ thơ Đường rất cô đọng, súc tích. Không ít những bài thơ còn được gắn thên giai thoại. Ví dụ bài "Phong Kiều dạ bạc" của Trương Kế:
                    Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
                    Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
                    Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tụ
                    Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Tản Đà dịch:
                       ĐÊM ĐỖ THUYỀN Ở PHONG KIỀU 
                           Trăng tà tiếng quạ kêu sương
                    Lửa chài cây bến sầu vương giấc Hồ
                           Thuyền ai đậu bến Cô Tô
                    Nửa đêm nghe tiễng chuông chùa Hàn Sơn
Bài thơ này, khi Trương Kế mới làm đến câu thứ 3 "Thuyền ai đậu bến Cô Tô" thì phải dừng lại suy nghĩ làm tiếp câu thơ kết còn đang bế tắc. Cùng lúc ấy, tại chùa Hàn Sơn cũng có một nhà sư thi sĩ đang thao thức không ngủ, suy nghĩ mung lung để tìm lời tìm ý cho một bài thơ. Nhà sư, để giải tỏa tâm lý đang căng thẳng, liền gióng lên một hồi chuông. Thế là Truơng Kế, nhờ có hồi chuông này mà hoàn thành được câu kết: "Nửa đêm nhe tiếng chuông chùa Hàn Sơn".
Lại nữa, bài "Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu được Nghiêm Vũ, đời Tống ca ngợi là bài thơ hay nhất đời Đường:
                    Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc Khứ
                    Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu
                    Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
                    Bạch Vân thiên tải không du du
                    Tình xuyên lịch lịch Hán dưong thụ
                    Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
                    Nhật mộ hương quan hà xứ thị
                    Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Tản Đà dịch:
                              LẦU HOÀNG HẠC 
                           Hạc vàng ai cỡi đi đâu
                    Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
                           Hạc vàng đi mất từ xưa
                    Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
                           Hán Dương sông tạnh cây bầy
                    Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
                           Quê hương khuất bóng hoàng hôn
                    Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
Tương truyền khi Lý Bạch được người đời ca tụng là thi tiên, ông liền viết 2 câu thơ: Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc, Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu  (Trước mắt có cảnh đẹp mà không nói được thành lời, vì đã có thơ của Thôi Hiệu để ở trên đầu).
Một nhà thơ khác là Vuơng Duy. Ông rất có tài trong việc tả cảnh, tả tình. Ông còn là một họa sĩ. Bởi thế, nhà thơ Tô Đông Pha, đời Tống đã ca ngợi Vuơng Duy: Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi (Trong thơ có họa, trong họa có thơ).
Chuyện nhà sư, thi sĩ Giả Đảo làm thơ cũng là một bài học về tính dụng công, chuyên cẩn, tỉ mỉ trong việc tìm lời, tìm ý. Tương tryền trong một bài thơ ngũ ngôn của ông, mở đầu bằng 2 câu:
Điểu túc trì biên thụ
(Chim ngủ trên cành cây bờ ao)
Tăng sao nguyệt hạ môn
(Nhà sự gõ cửa dưới trăng)
Lúc đầu ông không dùng chữ "sao" (gõ) mà định dùng chữ "thôi" (đẩy). Trong lúc đang phân vân chưa biết chọn chữ nào, ông liền cỡi ngựa đui lang thang, vừa đi vừa giơ tay lên trời làm điệu bộ vừa gõ vừa đẩy. Ông đi lạc vào doanh quân của Hàn Dũ, lúc ấy là huyện lệnh Duơng Sơn. Giả Đảo bị bắt vì bị tưởng là người điên. Sau khi biết chuyện, Hàn Dũ khuyên dùng chữ "sao" hơn là dùng chữ "thôi" vì chữ "thôi" (đẩy) chỉ là chữ tượng hình, còn chữ "sao" (gõ) vừa tượng hình, vừa tượng thanh, nó gợi cho ta âm thanh "lộc cộc" của tiếng gõ cửa. Từ đó "thôi, sao" trở thành điển tích để chỉ sự khó nhọc của người làm thơ.
Cảm thụ thơ Đường từ nguyên bản không hề đơn giản. Không phải hễ có một vốn chữ Hán nhất định là đọc và hiểu được thơ Đường. Chẳng hạn như câu "Tây lục thiền thanh xướng" mà chỉ hiểu "Tây lục" là vùng đất phía Tây thì sai vì tác giả của nó là Lạc Tân Vuơng đã lấy ý câu: "Nhật hành tây lục vị chi thu" cho nên câu thơ trên được Tương Như dịch là: "Thu đến ve kêu tiếng". Ở đây "tây lục" có nghĩa là mùa thu.
Các điển tích trong thơ Đường rải rác bài nào cũng có. Trong mỗi bài đều nói lên tên núi, tên sông, các nhân vật và dữ kiện lịch sử. Bởi vậy, người đọc cũng cần có một số kiến thức căn bản về văn học, lịch sử, địa lý của Trung Quốc mới có thể lĩnh hội được cái hay, cái đẹp của thơ Đường.
Xin lướt qua các thể loại thơ Đường luật. Trước thơ Đường là thơ Cổ Phong, túc là loại thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn chỉ cần vần chứ không cần theo luật bằng, trắc. Câu thơ có thể dài (trường thiên) hoặc ngắn (đoản thiên). Số câu trong thơ Cổ Phong cũng không quy định cụ thể. Đó là loại thơ khá tự do.
Đến đời Đường, thơ luật ra đời, bắt buộc người làm thơ phải tuân thủ. Thơ Bát cú (tám câu) dù là Ngũ ngôn (năm chữ) hay Thất ngôn (bẩy chữ) đều có bố cục: câu đầu là phá đề, câu 2 là thừa đề, hai câu 3 và 4 là câu thực, câu 5 và 6 là câu luận, và 2 câu cuối cùng, 7 và 8 là câu kết.
Thơ Thất ngôn có hai loại: Bát cú và Tứ tuyệt. Tứ tuyệt là thể thơ 4 câu. Bát cú giống Tứ tuyệt ở chỗ đều có "niêm", nhưng Bát cú ở 2 cặp "thực" (câu 3 và câu 4) và "luận" (câu 5 và câu 6) phải đối nhau từng cặp, danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ,  tính từ đối với tính từ, trạng tự đối với trạng từ v. v... Chính cái tính chất "đối" này đã làm nên sự độc đáo của thể thơ thất ngôn, bát cú. "Niêm" nghĩa chữ Hán là dính. Tức là nó có nhiệm vụ dính kết các câu thơ với nhau một cách chặt chẽ. Niêm được quy định như sau: Nếu câu thứ nhất có chữ thứ hai là vần bằng thì đương nhiên chữ thứ sáu cũng vần bằng và "kẹp" chữ thứ tư ở giữa là vần trắc. Tiếp câu thứ hai thì chữ thứ hai phải là vần trắc, và đương nhiên chữ thứ sáu cũng vần trắc, "kẹp" chữ thứ tư là vần bằng.
Ví dụ bài "Tây Tái sơn hoài cổ" của Lưu Vũ Tích:
                    Vương Tuấn lâu thuyền há Ích Châu
                    Kim Lăng vương khí ảm nhiên thâu
                    Thiên tầm thiết tỏa trầm giang để
                    Nhất phiếm hàng phan xuất thạch đầu
                    Nhân thế kỷ hồi thương vãng sự
                    Song hình y cựu chẩm hàn lưu
                    Tổng kim tứ hải vi do nhật
                    Cổ lũy tiêu tiêu lô địch thu.
Ngô Văn Phú dịch:
                    Thuyền lầu Vuơng Tuấn xuống Châu Ích
                    Vuơng khí Kim Lăng ủ một trời
                    Xích sắt nghìn tầm chìm đáy nước
                    Cờ hàng một lá thạch đầu phơi
                    Người đời chuyện cũ bao lần xót
                    Sông lạnh kề bên núi vẫn ngồi
                    Bốn biển một nhà chinh chiến lặng
                    Quạnh hiu lũy cũ, sậy lau đầy.
Người làm thơ Đường còn có một thú chơi đặc biệt là họa thơ. Họa trong tiếng Hán còn có một âm nữa đọc là hòa. Họa thơ tức là từ một bài thơ đầu (bài xướng) để làm một bài thơ khác dựa vào nội dung, ý tứ của bài trước nhưng phải lặp lại tất cả các chữ cuối cùng có vần bằng theo thứ tự như bài xướng. Bài xướng và bài họa thường là cùng một chủ đề, nhưng cũng có thể khác chủ đề. Đã có không ít những cặp xướng, họa nổi tiếng như các cặp: Phan Văn Trị với Tôn Thọ Tường, Hồ Xuân Hương với Chiêu Hổ v. v...
Đây là một cặp xướng họa khác: Hàn Mặc Tử và Mộng Châu. Bài xướng của Mộng Châu, bài họa của Hàn Mặc Tử (Khi ấy Hàn Mặc Tử mới 15 tuổi).
Bài xướng của Mộng Châu:
                    Nhạn ơi tung cánh giữa vườn mây
                    Khéo léo đừng rơi gói buộc dây
                    Cái gánh tình si ai gửi đó
                    Là lời tâm sự nhạn đưa ngay
                    Đưa người tháng trước hòa thơ tiễn
                    Đến bến ngày xưa mấy tiệc bày
                    Hỏi nhớ cùng không người bốn mắt?
                    Bể dâu chưa thấy, thấy gì đây?
Bài họa của Hàn Mặc Tử
                    Vội vàng chi lắm nhạn lưng mây
                    Chầm chậm cho mình giữ mối dây
                    Về đến Thần Kinh khoan nghỉ đã
                    Ghé miền Gia Hội tỏ tình ngay
                    Suốt năm canh mộng hồn mê mỏi
                    Chỉ một lòng son muốn giãi bày
                    Này nhạn! ta còn quên chút nữa
                    Con tim non nớt tặng nàng đây.
Không có bất cứ một thể thơ nào có thể xướng, họa được như thơ Đường luật. Đó là một nét độc đáo và đặc sắc.
Và có thể nói mà không sợ ngoa ngôn rằng mỗi bài thơ Đường là một viên ngọc quý trong kho tàng thi ca của nhân loại.

Tháng 5/2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét