Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

Hãy Trả Lại Thơ Cho Bàng Bá Lân

Vào khoảng năm 1972, một anh bạn rủ tôi đến thăm nhà thơ Bàng Bá Lân ở một cái hẻm lớn trên đường Công Lý, Sài Gòn. Lúc chúng tôi đến, ông cũng vừa thức dậy sau giờ nghỉ trưa. Hôm ấy là chủ nhật, ông không phải lên lớp. Hồi ấy, ông dạy ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Thực ra trước khi gặp ông, tôi cũng đã biết đến ông, một nhà thơ Tiền chiến quê Bắc Giang, người đồng hương với tôi.

  


 
 
Ông có vóc người trung bình, nhanh nhẹn, trang phục bình dân, giản dị. Ông nói chuyện với chúng tôi về thời sự, kinh tế, rồi văn học, văn chương truyền miệng, thơ v. v... Ông thuộc rất nhiều thơ. Ông có giọng đọc thơ rất hay. Ông đọc từ thơ của những nhà thơ Tiền chiến cho đến thơ Đường, thơ Pháp. Nghe ông đọc thơ chúng tôi như bị thôi miên. Chờ khi ông ngừng nghỉ một lát, tôi mới nói chen vào. Tôi nói rằng trong ca dao Việt Nam tôi rất thích hai câu:

Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
      
Tức thì nhà thơ vội ngắt lời tôi. Ông bảo hai câu thơ đó là trích trong một bài thơ lục bát gồm 12 câu của ông. Rồi ông đọc liền một mạch cả bài thơ đó. Nhưng ông sửa lại câu 8 mà tôi vừa dẫn trên là:

Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi

Và ông giải thích như sau: Người ta không thể múc ánh trăng vàng được, mà là múc trăng vàng ở dưới nước. Khi cái gầu của cô gái dìm xuống nước thì mặt trăng tan vỡ ra trong nước, hòa với nước, sóng sánh cùng với nước. Thế là cô gái múc nước tát lên ruộng cao cũng đồng thời múc luôn cả vầng trăng tan vỡ trong đó. Trường hợp này cũng tương tự như trong bài thơ Nhớ Rừng của Thế Lữ. Bài thơ có câu: Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan. Ở đây con hổ không hề đứng ngửa mặt lên trời để uống ánh trăng trong không khí mà là uống ánh trăng tan trong dòng suối sau khi đã
say mồi.

Nghe nhà thơ giảng nghĩa như vậy, chúng tôi từ chỗ ngỡ ngàng đến khâm phục. Chúng tôi hoàn toàn tin:

- Một là, hai câu thơ trên là của nhà thơ Bắc Giang: Bàng Bá Lân.

- Hai là, nguyên văn của nó chắc chắn là: Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi chứ không phải
Múc ánh trăng vàng đổ đi.

Mãi về sau này cũng có một vài người lên tiếng công nhận hai câu ca dao trên là của Bàng Bá Lân, trong đó có Giáo sư Huyền Viêm có bài đăng trên Kiến Thức Ngày Nay. Tuy nhiên chưa có ai chỉ rõ sự khác nhau giữa Múc ánh trăng vàngLại múc trăng vàng như chúng tôi vừa nêu trên. Theo thiển nghĩ của chúng tôi, sở dĩ có sự lầm lẫn trên là do tam sao thất bản. Rằng quyển Ca dao tục ngữ Việt Nam của tác giả Vũ Ngọc Phan có in hai câu ca dao trên được xuất bản năm 1955 ở miền Bắc, còn tác giả của nó tức nhà thơ Bàng Bá Lân lại di cư vào Nam từ năm 1954. Vì thế nhà thơ không được đọc quyển sách biên khảo của Vũ Ngọc Phan, không thấy sự lầm lẫn đáng tiếc kể trên để lên tiếng cải chính.

Từ đó đến nay đã 35 năm, tôi chưa hề được gặp lại nhà thơ Bàng Bá Lân. Thỉnh thoảng gặp một vài người bạn cố tri có lòng yêu mến văn chương, tôi lại đem tâm sự trên kể cho họ nghe. Suốt thời gian dài ấy, tôi cứ lòng dặn lòng bất cứ khi nào có dịp là tôi sẽ đưa niềm tâm sự đó lên mặt báo. Rằng chưa làm được điều này thì tôi còn day dứt chưa yên. Rằng món nợ tinh thần với nhà thơ đồng hương vẫn chưa trả được.

Hoàng Chí Quang
(Số ĐT: 0986 706 489)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét