Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Con Ngỗng

Chuyện kể, có một người nông dân kia không tin gì về màu nhiệm nhập thể hay ý nghĩa thuộc linh của lễ Giáng Sinh, và nghi ngờ cả Đức Chúa Trời. Gia đình anh sống ở một nông trại. Vợ anh là một tín đồ ngoan đạo, chị cẩn thận nuôi dạy các con trong đức tin Cơ Đốc. Có lúc anh gây khó khăn cho chị vì niềm tin của chị và châm chọc khi chị đi nhà thờ đêm Giáng Sinh.

Một đêm Giáng Sinh giá đầy tuyết, chị dẫn các con đi nhà thờ như thường lệ. Chị nài khuyên anh cùng đi, nhưng anh nhất định từ chối. Anh còn nhạo báng ý tưởng Đấng Cứu Thế nhập thể, xem đó là chuyện tầm phào. "Sao Đức Chúa Trời lại hạ mình xuống làm người như chúng ta? Thật là chuyện buồn cười", anh nói. Thế là chị với các con đi một mình, còn anh ở lại nhà.

Họ đi được ít lâu thì gió thổi mạnh hơn và có một cơn bão tuyết. Khi nhìn ra cửa sổ, anh chỉ thấy toàn là tuyết. Anh ngồi xuống nghỉ bên ngọn lửa đêm. Bỗng anh nghe một tiếng "thịch" thật lớn. Có vật gì đập vào cửa sổ. Anh nhìn ra nhưng chẳng thấy gì. Thế là anh ra ngoài xem thử. Ở cánh đồng gần nhà, anh thấy, ôi lạ quá, cả một đàn ngỗng! Chắc là chúng di cư xuống miền nam ấm áp nhưng giữa đường gặp phải bão tuyết. Bão đen nghịt và thổi mạnh làm lũ ngỗng không bay được và cũng không thấy đường đi. Chúng bị lạc và đáp xuống trang trại của anh, nhưng không có chút gì để ăn hay nơi nào để trú thân. Chúng chỉ biết đập cánh, bay vòng vòng trên cánh đồng một cách mù quáng và không có mục đích. Anh thấy tội nghiệp và muốn giúp đỡ. Anh thầm nghĩ:
"Kho lúa là chỗ tốt nhất cho chúng trú ngụ. Ở đó ấm áp và an toàn; chắc chắn chúng có thể nghỉ qua đêm và đợi cho cơn bão qua đi".

Thế là anh tiến lại chỗ kho lúa, mở cửa cho chúng. Anh chờ đợi, nhìn xem, hy vọng chúng nhận ra kho lúa mở cửa và bay vào trong. Nhưng lũ ngỗng chỉ bay lòng vòng mà chẳng để ý gì đến kho lúa hay hiểu được ý nghĩa của kho lúa đối với chúng như thế nào. Anh tiến lại gần lũ ngỗng ra dấu cho chúng, nhưng chúng sợ hãi bay tản ra. Anh vào nhà lấy ra vài mẩu bánh mì, xé nhỏ, và rải dọc trên đường hướng về phía kho lúa. Nhưng chúng cũng chẳng hiểu biết gì hết.

Bắt đầu bực mình, anh tiến lại và cố lùa chúng vào kho lúa. Nhưng chúng lại càng sợ hãi hơn, và bay tứ tán khắp mọi hướng ngoại trừ hướng vào kho lúa. Tất cả mọi việc anh làm đều không đưa được chúng vào kho lúa, nơi có sự ấm áp, và chỗ trú ẩn an toàn. Bực mình quá, anh than thở, "Sao chúng không chịu theo mình nhỉ? Chúng không thấy đó là nơi duy nhất có thể giúp chúng sống sót qua cơn bão hay sao? Làm thế nào mình có thể đưa chúng đến nơi duy nhất có thể cứu được chúng đây?" Anh suy nghĩ một lát rồi chợt hiểu là chúng không chịu theo con người. Anh tự nhủ:
"Mình làm gì để cứu chúng đây? Cách hay nhất là mình phải trở thành ngỗng như chúng. Giá mà mình thành ngỗng được nhỉ! Khi đó mình sẽ cứu được chúng! Chúng sẽ theo mình và mình sẽ dẫn chúng đến nơi an toàn!"

Anh  bỗng thừ người ra vì những lời anh vừa nói đó vang vọng lại tâm trí anh: "Giá mà mình trở nên như chúng - thì mình sẽ có thể cứu được chúng". Anh suy nghĩ về những lời ấy và nhớ lại lời anh nói với vợ khi nãy: "Sao Đức Chúa Trời lại hạ mình xuống làm người như chúng ta? Thật là buồn cười!" Một cái gì đó liên kết ý tưởng trong anh, như một khải thị, và anh chợt hiểu sự mầu nhiệm nhập thể.

Chúng ta cũng như đàn ngỗng vậy, đui mù, đi lạc, sắp chết. Đức Chúa Trời trở thành người như chúng ta để chỉ đường, mở một con đường cứu rỗi cho chúng ta. Đó chính là ý nghĩa của Giáng Sinh - trong lòng anh chợt hiểu như thế.

Khi tuyết đã tan, lòng anh yên tĩnh và tiếp tục suy gẫm về ý tưởng đó. Anh đã hiểu Giáng Sinh là gì. Anh biết tại sao Đấng Cứu Thế đã đến thế gian. Bao năm nghi ngờ, vô tín của anh bị xóa tan. Anh hạ mình quì gối và khóc trong tuyết, trong lòng kinh nghiệm ý nghĩa ngày lễ Giáng Sinh.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét