Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

10 Nhà Thờ Tráng Lệ Nhất Thế Giới

1. Nhà thờ St Patrick tại Melbourne, Australia, nổi danh thế giới là tòa nhà tiên phong xây dựng theo phong cách kiến trúc Gothic thời Phục hưng. Được khởi công xây dựng vào năm 1858 nhưng phải đến năm 1939, thánh đường cao nhất xứ sở kangaroo này mới được hoàn tất do trì hoãn nhiều lần về lý do tài chính.


2. Thánh đường "Our Lady of the Pillar" tại Zaragoza, Tây Ban Nha được xây dựng trên bờ sông Ebro khoảng thế kỷ 1-2 sau Công nguyên. Kiến trúc nguyên thủy của nó mang phong cách nghệ thuật Barốc, còn phần lớn tòa nhà hiện tại đã được xây dựng lại từ năm 1681 đến 1872.


3. Nhà thờ Đức Bà Paris tại thành phố Paris, Pháp, là thánh đường thuộc quyền cai quản của Đức Giám mục Paris. Xây dựng hoàn tất vào khoảng năm 1345, nhà thờ được xem là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất cho phong cách kiến trúc Gothic Pháp và cũng là một trong những công trình đầu tiên sử dụng tường chắn kiểu vòm.


4. "Đền thờ quốc gia Đức Mẹ về trời" tọa lạc tại thành phố Baltimore, Mỹ. Xây dựng từ năm 1806, thánh đường Baltimore được thiết kế theo phong cách tân cổ điển, kết hợp giữa kiến trúc nhà thờ kiểu Mỹ thời xưa nhưng vẫn giữ những thiết kế truyền thống của các giáo đường lâu đời ở châu Âu.


5. St Mark là nhà thờ nổi tiếng nhất tại thành phố Venice, Italy, và cũng là một trong những ví dụ điển hình nhất của phong cách kiến trúc thời đế chế Byzantine.


6. Thánh đường Đức Mẹ Dolours tọa lạc tại thành phố Thrissur miền nam Ấn Độ là một trong những nhà thờ cao lớn nhất châu Á. Thánh đường được xây dựng theo phong cách Indo-Gothic với ba tháp lớn, trong đó tòa tháp cao nhất lên đến 79 m.


7. Nhà thờ Đức Bà Bảo Vệ được xây theo phong cách Byzantine mới, tọa lạc ở địa điểm cao nhất của thành phố Marseille, Pháp.


8. Thánh đường Đức Mẹ Licheń nằm trong khu làng Licheń Stary gần thành phố Konin, Phần Lan. Với gian giữa giáo đường cao 98 m, dài 120 m, rộng 77 m và một tòa tháp cao 141,5 m, đây là nhà thờ lớn nhất Phần Lan và cũng nằm trong số những nhà thờ lớn nhất thế giới.


9. Thánh đường Las Lajas theo phong cách kiến trúc Gothic thời Phục hưng từ năm 1916-1949 được xây bên trong hẻm núi của con sông Guaitara thuộc thành phố tự trị Ipiales, Colombia.


10. Nhà thờ St Peter tại Vatican, Rome, Italy, được xem là công trình mang tính tôn giáo lớn nhất thế giới với sức chứa 60.000 người. Ngôi thánh đường hiện tại được xây dựng lại từ một thánh đường Constantin cổ trong thế kỷ 16 với thiết kế của những nghệ sĩ bậc thầy thời Phục hưng, nổi bật nhất trong số đó là nhà điêu khắc kiêm họa sĩ Michelangelo.


Thánh đường thứ 11 chưa hoàn tất mang tên Sagrada Família. Đây là một đền thờ Cơ đốc giáo La Mã do tư nhân xây dựng tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, vào năm 1882 và dự tính còn kéo dài ít nhất đến năm 2026 mới hoàn thành. Được xem là một tuyệt tác kiến trúc của kiến trúc sư trứ danh người Catalan, Antoni Gaudí, Sagrada Família đã trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch hàng đầu của Barcelona trong nhiều năm qua.

 

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Giọt Yêu Thương

   
alt  


Tiếng chuông
Chiều thinh không
Đưa hồn về chốn cũ.
Thập tự nghiêng, máu đổ
Vì tôi Chúa vỡ tim nồng.

Từng giọt đỏ
Yêu thương
Quyền quyện hồn sâu lắng
Xóa tan đem miên trường.

Giọt đỏ từ cây gỗ
Rơi vào hồn ngu ngơ
Giọt yêu thương tuôn đổ
Lòng hoang sơ
Hạnh phúc vô bờ.

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Ánh Sáng

Thời gian
Lọc mầu ánh sáng
Tung tăng cách đồng tự do

Ánh sáng đến tôi không phải quanh co
(mặc dù hàng tỷ năm mới tới)
Tôi đến tôi
Cớ sao phải hỏi
"Ta là ai giữa cuộc đời này"

Ánh sáng chia đều cho mỗi bàn tay
Hãy nhận lấy mà vui chơi, lam lũ
Tôi nhận phần mình và...
                                           xin đủ
Ung dung
                     thư thái
                                       trên đường...

                                Hoàng Khôi

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Chuỗi Mân Côi Chỗi Cuộc Đời


   
    


Mân Côi
là chuỗi cuộc đời
Tuổi thơ - thơ đẹp
          chim trời Mùa Vui.
Yêu thương
          giận dỗi
                    ngậm ngùi
ấp đầy Sự Sống
          một thời học sinh.
Vào đời
chèo lái nhọc nhằn
Nỗi ám ảnh
          khi lăn tăn Thương Buồn.
Họa vô đơn chí: lẽ thường
Sóng gió qua khỏi
          Sự Mừng dâng cao.
Bốn mùa nối tiếp sít sao
Cuộc đời Thập Giá dẫn vào Phục Sinh.

                         Hà Hải

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

Những Biểu Tượng Và Ý Nghĩa Mùa Phục Sinh

alt

Nguồn gốc Lễ Phục sinh

Theo phong tục và dân tộc tính ở các nước Trung Âu châu (Đức, Pháp, Áo, Hòa Lan, Bỉ, Lúc Xăm Bua, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha.. ) sau mùa đông giá lạnh, xuân về có ánh nắng mặt trời ấm áp làm đời sống vui tươi hơn. Mùa Phục sinh bắt đầu vào ngày rằm tháng đầu của mùa xuân.

Lễ Phục sinh bắt nguồn từ ngày Chuá Jesus bị đóng đinh trên Thập tự giá giá và sống lại, biểu tượng cho sự sống và sự phì nhiêu phong phú. Thời xa xưa người ta gọi lễ hội mùa xuân (Frühlingsfest / spring festival) hay "Ostarum" người Đức gọi là "Ostara" và danh từ "Ostern/ Easter" nguồn gốc từ chữ "Ost/ East" hướng về phương đông mùa xuân mặt trời sắp lên, người Do Thái gọi ngày lễ này là "Paschafest" Người Ai Cập (Ägypter) gọi là "Osterlamm/ paschal lamb)" cũng nhằm ngày rằm đầu tiên mùa xuân, họ giết cừu ăn mừng được giải phóng khỏi sự đàn áp, thoát khỏi thân phận nô lệ.

Hội nghị về Tôn giáo ở Niazäa năm 325 công nhận lễ hội mùa xuân, là ngày Lễ Phục sinh sau khi Chúa sống lại cho đến năm 1094 Oster Fest vui chơi 4 ngày rồi sau đó 3 ngày, nhưng đến nay chỉ còn lại 2 ngày.

Lửa Phục sinh

Người ở vùng quê sống đời nông nghiệp vui mừng mùa đông giá lạnh đi qua, xuân đến bắt đầu gieo trồng rồi gặt hái, nguồn gốc lửa phục sinh ngày xưa được đốt lên từ những cánh đồng trong đêm đầu tiên phục sinh, từ đó sẽ thắp lên ánh nến phục sinh. Ngọn lửa sưởi ấm mùa đông dài lạnh lẽo vì thời xa xưa không đủ tiện nghi như ngày nay có lò sưởi điện.. Người Ai Cập từng tôn thờ thần mặt trời xem ánh lửa như thần thiêng. Miền bắc Na Uy không có mặt trời, mặt trời tái xuất hiện vào cuối tháng giêng khoảng 4 phút, học sinh ở Trombo nghỉ học một ngày để chào mừng ánh mặt trời, ngược lại mùa hè đêm 23 tháng 7 thì mặt trời không hề lặn, không có mặt trời thì trên trái đất nầy sẽ không có sự sống, vì thế ánh lửa phục sinh cũng là nguồn sống của con người, lửa phục sinh tượng trưng cho ánh sáng mới mà Chúa đã mang đến cho con người. Từ năm 750 ở Pháp đã có phong tục đốt lửa phục sinh. Đến thế kỷ thứ 11 ở Đức đã dùng ánh lửa như một sự dâng hiến trong các nghi lễ về Tôn giáo.

Nến Phục sinh

Cơ Đốc giáo từ xa xưa đã sử dụng nến đốt sáng trên bàn thờ. Năm 384 lần đầu tiên ở Piacenca thánh Hieronymus (347- 419) viết trong thư Tôn đồ về ý nghiã biểu tượng của nến phục sinh là sự sống, đến năm 417 Giáo Hoàng Zosimus cùng công nhận biểu tượng đó là sự chết và sống lại của Chúa Jesus. Từ thế kỷ thứ 7 Giáo hội La Mã công nhận và sử dụng nến phục sinh cho đến thế kỷ thứ 10 được hầu khắp các quốc gia theo Cơ Đốc giáo sử dụng cho đến thế giới ngày nay .

Nến Phục sinh được đốt lên từ đống lửa trước nhà thờ trong đêm Phục sinh được thánh hóa theo phong tục lâu đời. Nến đốt sáng được rước vào nhà thờ, tín đồ sẽ thắp nến của mình từ cây nến phục sinh cả nhà thờ được rực sáng bởi ánh nến là dấu hiệu của sự sống, chiến thắng được tội lỗi và sự chết. Mọi người reo mừng "Christus ist das Licht- Gott sei ewig Dank". Ngày phục sinh cây nến có ghi hình thánh giá hay khắc tia ánh sáng mặt trời hay dòng nước.. Trên nến có cắm 5 dấu đinh, phía trên ghi mẫu tự Alpha và bên dưới mẫu tự Omega với ý nghiã đầu tiên và cuối cùng của tiếng Hy Lạp, tượng trưng cho Chúa Jesus là khởi đầu và cuối cùng, chung quanh cây nến ghi năm để nói lên " Chúa Jesus là Đấng Cứu độ từ khởi đầu, hôm nay và mãi mãi.

Trứng Phục sinh

Từ thế kỷ thứ 12, thứ Bảy Tuần thánh Ostersamstag người ta nấu trứng gà chín và sơn màu sắc sặc sở với những ý nghiã đẹp : màu đỏ tượng trưng cho may mắn, màu xanh cho hy vọng, trẻ trung vô tội, màu vàng cho sự khôn ngoan, màu trắng cho thanh bạch màu cam cho sức mạnh... bỏ trứng trong giỏ với những thức ăn khác mang đến nhà thờ. Trứng còn biểu tượng cho sự khởi nguyên của sự sống, bởi vậy theo truyền thuyết người chết được tẩm liệm người ta để trong quan tài một cái trứng biểu tượng cho cứu chuộc và sự sống đời sau, trên quan tài người chết thường cúng cơm có trứng gà. Người ta quan niệm con gà con tự mổ vỏ trứng chui ra, Chúa Jesus bị hành hạ đánh đập qua những đoạn đường dài khổ cực vác thập giá rồi bị đóng đinh chết an táng trong ngôi mộ đá đã đập vỡ cửa mồ và sống lại.

Thỏ Phục sinh

Các chuyện thần thoại hay trong dân gian đều có chuyện vui giúp đời như con thỏ là con vật hiền lành không làm hại sinh vật nào. Thỏ không có khả năng tấn công hoặc gây nguy hại cho các loài động vật khác, nhưng lại thường xuyên bị những con như sói, báo, chim ưng, cú... uy hiếp. Chính vì vậy, thỏ thường xuyên phải vểnh tai để chú ý xem bốn phía chung quanh có động tĩnh gì không, nhằm đề phòng bất trắc. Trong hoàn cảnh khắp nơi là kẻ địch như vậy, nên đôi tai của thỏ đặc biệt to dài nghe rất thính để chạy trốn khi nghe tìếng động trước sự tấn công.

Nữ thần ái tình Hy Lạp "Liebesgưttin Aphrodite" cho đến Nữ Thổ Thần Nhật Nhĩ Nam "Erdgưttin Holda" đều yêu chuộng thỏ. Ở Byzanz Tây Ban Nha các nhà biểu tượng học xem biểu tượng con thỏ là một Thiên sứ... Thỏ phục sinh xuất hiện từ năm 1678 do một giáo sư y khoa Von Georg Franck ở Franckenau dạy đại học Heidelberg công nhận thỏ là biểu tượng của sự sinh nở phong phú.

Hoa Phục sinh

Người Đức thường dùng cành cây tươi, treo những cái vỏ trứng gà, sơn nhiều màu và những con thỏ nhỏ bằng schocolat cho trẻ em, và các loại hoa thường dùng như Thủy tiên Osterglocken/daffodil; Uất kim cương Tulpen/Tulip; Phong tín tử Hyazinthen/hyacinth; Cúc đồng Gaenebluemchen/ dasiy; Bồ công anh Loewenzahn/ dandetion; Mao cấn Hahnenfuss/ buttercup..

***

Mùa Phục sinh ở Việt Nam thời tiết thường nắng mát rất dễ chịu (dịp cuối xuân sang hè), không giống như thời tiết bên Âu châu (ngày rằm tháng đầu của mùa xuân). Thời tiết mỗi lục địa khác nhau, sắc thái Mùa Phục sinh cũng như biểu tượng Phục sinh nơi này nơi kia không hoàn toàn giống nhau nhưng ý nghĩa những mùa Lễ Phục sinh đều giống nhau.

Chúa Jesus sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng hy vọng sẽ được sống lại như Chúa sau khi phải trải qua cái chết của thân xác...

Mừng Lễ Chúa Phục sinh để nhắc nhớ chúng ta thêm niềm tin. Thánh đồ Phaolô đã nói: "Nếu Chúa không phục sinh, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả niềm tin của anh em cũng trống rỗng" (1 Cr 15, 14)

 

Tài liệu tham khảo

Ostergeschichte- Quelle Johannes Ver 20 & 21

Nach den Evangelisten Johannes

Universal Lexion Faktum

  

NGÔI MỘ CHÚA GIÊSU Ở JERUSALEM

   
   
Ngôi mộ trống của Chúa Giêsu Phục Sinh trong Holy Sepulchre - Jerusalem   
   

Nhìn từ trên cao 
 
 
 

Nhìn gần
 
   

Từ trên nhìn xuống - nơi đám đông là chỗ xem lễ vào buổi sáng -
phía sau là nơi cử hành các nghi thức của Chính Thống Giáo
 
 
 
 

Mái vòm nhà thờ Mộ Chúa 
 
   

Ngay trên cửa vào bên trong có gắn hình
Chúa Giêsu và 12 Thánh Tông Đồ
 
 
   

Bên trong nhà nguyện Thiên Thần -
Mộ Chúa phía bên trong.
 
   

Phía trong là Mộ Chúa Giêsu - Bàn thờ ngay trên Mộ Chúa -
Nơi thắp nến đánh dấu hướng đầu của Chúa. Chổ đứng chỉ
rộng khoảng 1m x 2m - Không thể chụp hết cảnh bên trong!
 
            

Từ trên nhìn xuống - nơi đám đông là chỗ dự lễ vào buổi sáng -
phía sau là nơi cử hành các nghi thức của Chính Thống Giáo
 
 
             

 Halelugia! Mừng Chúa Phục Sinh!

 

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Khi Chúa Không Đáp Trả

(Thư gửi Mai Khôi)

Trong buổi hội thảo "Sống Đạo Hôm Nay" của Giới trẻ Hải Phòng, Mai Khôi có nói rằng bạn đã từng cầu nguyện xin Chúa đừng để cho chiến tranh Irắc xẩy ra, nhưng Chúa đã không can thiệp. Từ đó, bạn thấy thất vọng và hoài nghi về Chúa.

Mai Khôi thân mến! Nhà văn Pháp Victo Hugô đã có một nhận định rất xác đáng rằng: "Nếu như ngay từ thuở ban đầu Thiên Chúa đã dựng lên con người theo hình ảnh của Ngài, thì suốt dòng lịch sử con người lại vẽ Thiên Chúa theo hình ảnh và quan niệm của riêng mình."

   
   

Đối diện trước một Đấng toàn năng, toàn tri là Thiên Chúa, thì mọi tri thức của con người đều trở nên hết sức nhỏ bé. Trí hiểu chật hẹp của con người không đủ khả năng để vươn tới đến tận cùng và lý giải đến tận cùng mọi vấn đề đang chi phối và tể trị trên đời sống của con người cũng như trong mọi sự kỳ bí và huyền nhiệm của toàn cõi vũ trụ bao la này.

Cùng với lịch sử loài người từ buổi sơ khai cho đến tất cả mọi nền văn minh của mọi thời đại, con người vẫn không ngừng khám phá về nguyên lý sự sống và ý nghĩa của cuộc sống. Tâm linh đã giải quyết những vấn đề mà đôi mắt phàm trần của con người không thể nhìn thấu được. Khái niệm Thiên Chúa xuất phát từ cõi tâm linh của con người. Nếu như chỉ bằng lý trí đơn thuần, chúng ta không thể hiểu được về Chúa. Chúng ta không thể  cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trên đời sống mỗi chúng ta. Và chúng ta cũng không thể nhìn thấy được những ân sủng của Chúa đến với chúng ta.

Đứng trước một nỗi đau lớn lao nhất, ví dụ như là trước cái chết của những người thân yêu, chúng ta sẽ nghĩ gì về Chúa nếu như không có can đảm để tin rằng mọi việc trong trời đất này đều thuộc về Chúa, đều nằm trong quyền tể trị của Ngài? Chúa có những sự sắp xếp và điều khiển để duy trì một trật tự mà nhiều khi con người hoặc không hiểu được, hoặc không có cam đảm để dám hiểu.

Xin trở lại nỗi thất vọng và sự hoài nghi của Mai Khôi về Chúa. Rất có thể Chúa đã nói điều gì với bạn rồi đó mà bạn không nhận ra thôi. Hoặc cũng có thể Chúa hoàn toàn im lặng trước lời cầu nguyện của bạn. Nhưng Mai Khôi à, ngay chính cả sự im lặng cũng có tiếng nói riêng đấy. Quả thật, tôi không được biết bạn hiểu về Chúa như thế nào, nhưng chẳng lẽ bạn chỉ có thể nuôi dưỡng niềm tin bằng sự đáp ứng của Chúa ngay tức thì thôi sao? Cũng chẳng lẽ bạn chỉ chịu tin trước một phép lạ được thể hiện ngay ra trước mắt bạn thôi sao?

Trên Thập giá chắc hẳn Đức Giêsu cũng nghe được những tiếng la gào: "Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá xem nào!" (Mt. 27:40). Chúa đã không bước xuống vì Chúa không muốn nô dịch con người bởi những phép lạ. Thiên Chúa của Đức Giêsu là Thiên Chúa của sự bình an trong mỗi con người đến với Chúa, chứ không phải là Thiên Chúa của những con người bị khất phục bởi những nỗi sợ hãi trước một uy lực. Hơn hai ngàn năm đã trôi qua, sứ điệp của Đức Giêsu vẫn mời gọi mọi con người đến với Ngài trong sự trông cậy và biết sống yêu thương. Đức tin giúp cho chúng ta có được một nhân sinh quan, một lẽ sống, một thái độ sống. Và qua đó chúng ta nhìn nhận mọi sự và đánh giá mọi sự. Đức tin Cơ đốc giáo cho chúng ta niềm hy vọng tốt đẹp về cuộc sống không phải chỉ ngày hôm nay, ngày mai, mà còn về cả một tương lai rất xa nữa.

Chiến tranh và hòa bình là hai đối cực. Nó không chỉ hiện diện trên bình diện một quốc gia, một cộng đồng, một dân tộc, mà còn hiện diện trên đời sống riêng lẻ của mỗi gia đình. Nó tiềm ẩn ngay trong lối suy nghĩ và hành động của mỗi chúng ta. Đức Giêsu chịu chết trên Thập giá để mang lại mối giao hòa giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với con người. Đức tin Cơ đốc giáo cho chúng ta chiếc chìa khóa để mở ra các cánh của của hòa bình ngay trong lối suy nghĩ và hành động của mỗi chúng ta. Chiếc chìa khóa đó là: Tình Yêu Thương.

Dù cho Mai Khôi có hoài nghi về Chúa đi nữa, nhưng bằng lời cầu nguyện của bạn cho hòa bình ở Irắc, tôi xin xác tín với bạn rằng: Bạn đã bước chân vào đồng cỏ xanh tươi của vị Mục Tử Nhân Lành là Chúa Giêsu rồi đó. Và tôi cũng đoan chắc bạn đã nghe được gọi Tình Yêu Thương của Chúa rồi. Chỉ cần gạt bỏ một vật cản đang che mắt bạn là bạn có thể nhìn thấy sự hiện diện của Chúa, và bạn cũng sẽ nhận ra được ý nghĩa và sự mầu nhiệm sau những lời cầu nguyện. Vật cản mà bạn cần phải gạt bỏ đó là: Chúa luôn làm thay cho con người tất cả. Một khi cái vật cản ấy không còn che mắt bạn nữa, thì chắc chắn bạn cũng sẽ nhìn thấy một ân sủng đang đi đến với bạn. Đó là: Bạn sẽ hiểu Chúa hơn!

ntt, 2004

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

Đọc Con Người Một Cách Độ Lượng

Một con người chính là một cuốn sách. Đọc một con người, còn khó hơn nhiều so với đọc một cuốn sách bằng chữ viết. Tôi rất chăm chú đọc, đọc suốt nửa đời người rồi mà đến nay vẫn chưa đọc hiểu "Cuốn sách về con người" này.

Có người, sẵn sàng đưa cho bạn chiếc ô vào ngày đẹp trời ánh nắng chan hoà, nhưng đến khi trời mưa, thì họ lại lặng lẽ giương ô đi trước rồi.

--- Khi bạn đọc họ, đừng nên có chút oán trách họ. Bởi vì họ không muốn bị nước mưa làm ướt thân mình, hơn nữa chiếc ô ấy họ mượn của người khác, họ cũng không muốn gách vác khó khăn cho người khác, bạn có thể nói gì được họ? Chi bằng bạn tự chuẩn bị chiếc ô của mình thì hơn.

Có người, khi bạn có quyền có thế, họ thường vây quanh lấy bạn, một khi bạn rời khỏi chức vị, hoặc hết quyền hết thế rồi, thì họ lại tránh bạn thật xa.

--- Khi bạn đọc họ, nhất thiết phải cảm thông cho họ. Bởi vì trước kia họ khen bạn là vì họ có việc gì đó cần đến bạn giúp đỡ, nhưng bây giờ bạn không có khả năng giúp họ nữa rồi, thì họ không cần phải ca ngợi bạn nữa. Lúc này, bạn phải bình tâm lại, trước hết hãy nghĩ xem rằng trước đây phải chăng mình đã quá cả tin người khác?

Có người, khi họ dốc bầu tâm sự với bạn, những lời lẽ của họ như mặt dòng sông ngọt ngào trong vắt chảy qua, thế nhưng ở dưới lòng sông, lại là dòng chảy ngầm vẩn đục bẩn thỉu.

--- Khi bạn đọc họ, tuyệt đối đừng nên căm ghét họ. Bởi vì những ai lừa dối người khác bằng chiếc mặt nạ gian trá, thì họ cũng sống rất khó nhọc trước mặt hay sau lưng người khác, nếu không khéo còn sẽ phải chịu sự trừng phạt của kẻ cùng lứa dối trá với họ, bạn cần phải cảm thông với phương thức sống của loại người này, chờ đợi sẽ có ngày nhân tính trở về với họ và rồi họ sẽ phản tỉnh.

Có thứ người, khi bạn vất vả gieo hạt giống, họ lại khoanh tay ngồi nhìn, không chịu nhỏ một hạt mồ hôi nào cả, nhưng đến khi bạn thu hoạch, thì họ lại không cảm thấy áy náy chút nào cả mà đến chia sẻ thành quả của bạn bằng đủ lý do.

--- Khi bạn đọc họ, đừng nên có chút ác cảm nào. Bởi vì có người họ sẵn sàng chung hưởng ngọt bùi trong thu hoạch của bạn, mặc cho họ mang trong lòng tâm lý như thế nào, bạn cũng nên có thái độ hoan nghênh họ. Bạn bỏ ra một chút hy sinh, nhưng lại toại nguyện vọng muốn làm nên sự nghiệp của người khác, dần dần rồi thì họ cũng biết được một chút lòng tự trọng và tự tin.

Có người, họ chú trọng thu vén bề ngoài, họ ăn vận có vẻ sang trọng, trong đáy lòng lại hết sức trống rỗng, đầy những ngu xuẩn và vô tri, hình thức tu dưỡng như vậy của họ, thường bất giác thể hiện trong lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành động của họ.

--- Khi đọc loại người này, bạn tuyệt đối đừng nên miệt thị họ. Bởi vì họ không biết rằng, trang phục họ mặc trên mình là do thợ may làm nên, cho rằng chẳng qua chỉ là do tiền bạc mua về, thế nhưng, kiến thức, phẩm chất đạo đức và chất khí của con người, mới là giá trị nhân sinh thật sự của con người. Đối với người ngu xuẩn, bạn nên đối chiếu lại hành động lối làm của mình.

Đọc người khác, thực ra cũng là đọc bản chính thân mình, trong khi đọc cái thật, cái thiện, cái đẹp của mình, cũng là lúc đọc cái giả cái thật ở đằng sau cái vẻ nghiêm chỉnh, cũng là lúc đọc cái xấu cái ác ở đằng sau vẻ đẹp, cũng là lúc đọc cái gian trá ở đằng sau nụ cười v v ...

Đọc con người, điều quan trọng là đọc hiểu loại người nào.

Đọc con người, là để làm một con người thật sự.

Bởi vậy, khi đọc con người, phải học biết cách khoan dung, phải biết cách độ lượng, có như vậy mới đọc được những thứ có ích cho mình, mới có thể đọc được cao thượng, mới có thể đọc được niềm vui, mới có thể đọc được hạnh phúc.

Mặc dù tôi chưa đọc hết "cuốn sách con người", song tôi sẽ cố gắng đọc cuốn sách này từ các góc độ khác nhau.

Trích: Tâm Linh Vào Đời


Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

Thánh Nữ Têrêsa Calcutta

Tin hay không tin, Công Giáo hay không Công Giáo, tất cả những người thành tâm thiện chí đều đón nhận gia sản tinh thần của Mẹ Têrêsa Calcutta đã để lại cho thế giới. Gia sản đó chính là người ta không thể giải quyết mọi vấn đề khổ đau của nhân loại duy chỉ bằng tài trí, kỹ thuật hay tiền của mà trước tiên bằng trái tim rộng mở, tâm hồn quảng đại, đôi tay biết chia sẻ.

Qua cuộc sống tận hiến cho những người cùng khổ, những kẻ bị xã hội đẩy ra bên lề, Mẹ Têrêsa Calcutta nhắc nhở đến thế giới một sứ điệp vô cùng đơn giản: "Hãy sống tử tế với nhau". Đó là chìa khóa giúp giải quyết được mọi vấn đề của nhân loại ngày nay.

Cảnh tượng linh cữu của Mẹ Têrêsa được đặt trên chiếc xe chờ đại bác và di chuyển qua những con đường của thành phố Calcutta, Ấn Độ hôm thứ bẩy ngày 19/5/1997, quả không phải là chuyện bình thường. Cảnh tượng này không những không bình thường mà còn là một nghịch lý, bởi vì những nữ tu suốt đời hy sinh phục vụ xã hội cũng như không ngừng kêu gọi hòa bình, lại được đặt trên một thứ khí cụ chỉ gợi lên quyền lực, nhất là hận thù và chết chóc.

Nhưng nhìn dưới một góc cạnh khác, thì đây không phải là danh dự của một lễ quốc tang mà chính phủ Ấn Độ muốn dành cho Mẹ, hình ảnh của Mẹ nằm trên một chiếc xe chở đại bác hẳn phải mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Chiếc xe chở đại bác này là một tàn tích của thời thực dân mà người Anh để lại cho Ấn Độ sau khi đã trao trả độc lập cho nước này. Người đầu tiên được chở trên chiếc xe lịch sự này là Mahatma Gandi, người cha già của dân tộc đã dùng phương pháp bất bạo động để tranh đấu và mang lại độc lập cho sứ sở. Với hình ảnh của con người yêu chuộng hòa bình nằm trên biểu tượng của hận thù và chết chóc, người Ấn Độ muốn nhắn gửi đến thế giới sứ điệp của Mahatma Gandi, đó là: "chỉ có tình yêu thương mới bẻ gẫy được xiềng xích của hận thù và chiến tranh". Lập lại cử chỉ này với người đàn bà suốt đời hy sinh để phục vụ người nghèo, có lẽ chính phủ Ấn Độ cũng muốn gửi gắm đến thế giới cùng một sứ điệp ấy.

Một thân xác mỏng manh, yếu đuối và câm lặng nằm trên một thứ khí giới biểu tượng của quyền lực, hình ảnh này còn muốn nói lên một sứ điệp khác mà Mẹ Têrêsa Calcutta đã nhắn gửi cho tất cả những người đang nắm giữ quyền lực trên trần thế này. Sứ điệp đó là để giải quyết vấn đề nghèo đói và bao nhiêu tội trạng của xã hội, con người cần phải có một trái tim trong sạch và quảng đại. Mẹ không ngừng muốn nói rằng ngừoi ta không thể giải quyết vấn đề nghèo đói và xã hội chỉ bằng những chương trình vĩ đại hay những phương tiện kỹ thuật tối tân, mà bằng tấm lòng rộng mở và đôi tay quảng đại.

Với tất cả danh dự dành cho Mẹ, thế giới đã phải nhìn nhận rằng không kèn, không trống, không cần một chương trình vĩ đại nào Mẹ đã có thể xoa dịu được vết thương của biết bao nhiêu người đau khổ trên thế giới. Đó là công trình mà không một chính quyền nào, không một xã hội nào có thể làm được. Bí quyết duy nhất chỉ đơn giản là một trái tim luôn biết nhạy trước nỗi khổ của con người đồng loại, và đôi tay luôn sẵn sàng đưa ra để trao ban, săn sóc, nang đỡ, ủi an. Khi mới thành lập một bệnh xá để chăm sóc các thơ nhi bị bỏ rơi ngoài đường phố Calcutta, Mẹ đã xin 150 chiếc gường cũi, Mẹ đã không xin một số tiền để mua những chiếc gường cũi mới, mà chỉ xin nhận được những chiếc gường cũ từng được những cha mẹ giầu có sử dụng cho con cái họ. Mẹ làm như thế để cho mọi người hiểu được rằng điều Mẹ trước tiên cần không phải là một phương tiện dù là một phương tiện tối tân đến đâu, mà chính là tình thương. Mẹ muốn nhắn gửi đến những ai từng làm cha mẹ hiểu rằng tình thương mà họ dành cho con cái của họ qua những chiếc gường cũi ấy, giờ đây cũng cần được chia sẻ cho những đứa trẻ bất hạnh bị chính cha mẹ và xã hội đẩy ra bên lề.

Mẹ Têrêsa xác tín rằng với tình thương, con người có thể giải quyết được mọi vấn đề, nói như Mahatma Gandi, tình thương là sức mạnh vạn năng nhất trong tay nhân loại. Với tình thương, Mẹ xem thường tất cả những chương trình vĩ đại, những ủy ban hành động và nhất là những cuộc thảo luận dài dòng. Đối với Mẹ, ngoại giao là việc mất thời giờ và mất tiền vô ích, điều này đã được xác minh một cách hùng hồn qua công tác cứu trợ của Mẹ tại Libăng. Vào giữ lúc quân đội Isarael dội bom xối xả xuống thủ đô Bay Rut, Mẹ đã đứng giữa những làn đạn để điều khiển một cuộc di tản các em chậm trí ra khỏi một bệnh viện. Một sự can đảm mà chỉ có tình thương mới có thể khơi dậy như thế, đã có giá trị hơn bất cứ một cuộc thương thuyết ngoại giao nào. Trong khi tất cả các cuộc thương thuyết của các nhà ngoại giao đã không đạt được kết quả nào, thì sự hiện diện của người đàn bà bé nhỏ nhưng được thúc đẩy bởi một tình thương vượt mọi biên giới đã chấm dứt được cuộc oanh tạc của quân đội Israel.

Trên màn truyền hình mọi người đều chứng kiến được hiệu năng của tình thương, bồng trẻ em trên tay. Mẹ Têrêsa điều khiển cuộc di tản các em chậm trí ra khỏi bệnh viện, mọi sự đã diễn ra trong trật tự và êm thắm. Chỉ có tình thương không biên giới mới có được một hiệu năng như thế. Tiếng bom chấm dứt, cuộc di tản đã được hoàn thành một cách tốt đẹp mà không cần phải có bất cứ một kế hoạch nào. Đây là một bằng chứng hùng hồn về sức mạnh vĩ đại của tình thương. Chỉ có tình thương mới có thể giúp giải quyết được mọi vấn đề của xã hội, giúp con người xích lại gần nhau, hiểu biết nhau và sống tử tế với nhau như những con người.

ntt & Lm. Antôn

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

Thơ Têrêsa Calcutta

LẠY CHÚA GIÊSU XIN GIẢI THOÁT CON

Khỏi thèm khát được ca ngợi
Khỏi thèm khát được vinh danh
Khỏi thèm khát được chúc tụng
Khỏi thèm khát được hỏi ý kiến
Khỏi thèm khát được nổi tiếng

Khỏi sợ hãi bị lăng nhục
Khỏi sợ hãi bị khinh miệt
Khỏi sợ hãi bị vu oan
Khỏi sợ hãi bị quên lãng
Khỏi sợ hãi bị sai lầm
Khỏi sợ hãi bị nhạo cười
Khỏi sợ hãi bị chất vấn.

 

DÙ GÌ ĐI NỮA

Con người vô lý, sai lầm và ích kỷ
Hãy yêu thương họ dù gì đi nữa...

Nếu bạn làm điều tốt, họ sẽ lên án,
Là bạn làm cho chính bạn với nhiều ẩn ý
Hãy làm tốt cho họ dù gì đi nữa...

Nếu bạn thành công,
Sẽ có người giả dối đến với bạn
Cũng như có thêm kẻ thù ghét bạn
Hãy thành công, dù gì đi nữa...

Điều bạn làm sẽ rơi vào quên lãng.
Hãy làm điều tốt dù gì đi nữa...

Sự thành thật và thẳng thắn
Khiến bạn dễ bị mích lòng
Hãy thành thật và thẳng thắn, dù gì đi nữa...

Những gì bạn bỏ công xây dựng cả năm,
Có thể tan biến sau một đêm
Hãy xây dựng, dù gì đi nữa...

Con người thật sự cần được giúp đỡ
Nhưng họ có thể tấn công bạn
Nếu bạn giúp đỡ họ.
Hãy giúp đỡ họ, dù gì đi nữa...

Bạn hãy hết mình xây dựng thế giới
Và chỉ nhận được đắng cay.
Hãy cho thế giới hết sức, dù gì đi nữa...

 

CUỘC SỐNG

Cuộc sống là cơ hội, hãy nắm bắt
Cuộc sống là hương sắc, hãy thưởng thức
Cuộc sống là hân hoan, hãy tận hưởng
Cuộc sống là ước mơ, hãy biến thành hiện thực
Cuộc sống là thách thức, hãy đối diện
Cuộc sống là trách nhiệm, hãy chu toàn
Cuộc sống là đa đoan, hãy thừa nhận
Cuộc sống là vốn quý, hãy chăm chút
Cuộc sống là hạnh phúc, hãy xứng đáng
Cuộc sống là bí ẩn, hãy xuyên thấu
Cuộc sống là giầu có, hãy giữ gìn
Cuộc sống là tình yêu, hãy thụ hưởng
Cuộc sống là lời hứa, hãy thực hiện
Cuộc sống là tụng ca, hãy hát lên
Cuộc sống là đấu tranh, hãy dấn bước
Cuộc sống là bi kịch, hãy vượt qua
Cuộc sống là mạo hiểm, hãy phiên lưu
Cuộc sống là sự sống, hãy bảo vệ.

              Tác giả: Thánh nữ Têrêsa Calcutta

 

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

Nắng Đầu Xuân Ấm Hẳn Lên Rồi

Nắng đầu Xuân ấm hẳn lên rồi
sau một mùa đông rất dài và rất lạnh,
nay những cây táo cây mận cây mơ rừng
cả những cây gai cây hồng dại
bỗng thấy mộng trào dâng lên nhựa sống
lá non xanh và nụ hoa trắng tuyền
điểm màu hồng đỏ
hoặc những hoa forxixie bốn cánh vàng rực lên
mà những ngày trước đây
chúng hãy còn xơ xác khô cằn tiều tụy.

Nhưng chính vì cây cỏ xơ xác khô cằn và tiều tụy
nên chúng mới lại cần mưa mát và nắng ấm
để đua nhau đâm chồi nẩy mộng thật tràn trề sức sống;
cũng chính vì con người hẹp hòi, gian dối và đồi trụy
nên họ mới lại càng cần nước mưa cam lộ của hiểu biết
và nắng ấm đầu xuân của yêu thương
để được rạng rỡ lên lòng chân thành, tình giao cảm và nghĩa nhân ái.

St


Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

Ý Nghĩa Của Niềm Tin

Tin không phải là biết, vì biết thuộc lĩnh vực khoa học, có quan sát, lý luận và thực nghiệm. Cái biết này, dù là biết khoa học, cũng không bao giờ tuyệt đối và cố định, mà được xây dựng trên những giả thuyết đã được chứng minh và luôn luôn phải kiểm chứng lại, thậm chí bị loại bỏ, khi có những sự kiện mới chứng minh ngược lại. Khi thuyết tương đối của Einstein xuất hiện, thiên hạ phải bỏ mô hình cũ của Newton để xây dựng một vũ trụ quan mới. Nhưng chính Einstein đã thẳng thắn công nhận là thuyết tương đối của ông cũng chỉ có giá trị tương đối thôi. Rất có thể sau này một hậu sinh nào đó sẽ phi bác nó, như Einstein đã từng phi bác quan niệm cơ học của Newton.

Đức tin không thuộc lãnh vực tri thức khoa học như thế. Tuy nhiên tin không hoàn toàn mù quáng, phi lý. Lòng tin đích thực luôn đòi hỏi những dấu chỉ khả tín, đúng như châm ngôn của thánh Augustino: "Tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin". Ân sủng của đức tin mở "mắt tâm hồn" (Ep. 1:18) giúp người tín hữu hiểu sâu sắc hơn về những điều đã được mặc khải. Dù rằng không bao giờ chúng ta có thể hiểu mầu nhiệm của đức tin, nhưng chắc chắn tin không hoàn toàn đồng nghĩa với phi lý và mù quáng, đến độ thánh Augustino có thể xác quyết: "Tôi sẽ không tin nếu tôi không nhận thấy rằng tôi phải tin".

Tuy nhiên, thông thường đã gọi là đức tin tất nhiên vượt trên lý trí và phải từ bỏ một phần nào đòi hỏi chính đáng của lý trí, bởi vì tôi tin không thể đồng nghĩa với tôi thấy hay tôi biết. Chính thánh Toma cũng công nhận là đứng trên quan điểm tri thức, đức tin bao giờ cũng kém khoa học. Thật thế, tin không thể rõ ràng như thấy, như biết rõ rệt hai với hai là bốn, vì đã biết, đã thấy thì đâu con gọi là tin.

Trong một mức độ nào đó ta có thể nói: tin chính là hy vọng trong khi không còn hy vọng, là chọn những gì không thể quan niệm làm nền tảng cho hành động và cho lẽ sống, chết. Người ta kể câu chuyện sau đây về một vụ cháy nhà. Khi ngọn lửa bốc cao, khói tỏa mù mịt khắp cả nhà. Mọi người hoảng hốt tông của chạy ra ngoài. Khi đã hoàn hồn, cha mẹ kiểm điểm lại các con mới hay còn thiếu đứa út. Nó sợ lửa nên không dám chạy ra ngoài như các anh chị, trái lại đã leo lên lầu. Nhưng lửa và khói bắt đầu bốc lên tới lầu trên. Cha mẹ lớn tiếng gọi nó. Đứa bé mở cửa nhìn xuống, nhưng vì khói mù mịt nên chẳng trông thấy gì, chỉ nghe tiếng gọi của người cha mà thôi. Cha nó giục: "Con cứ nhẩy xuống, cha sẽ đỡ con". Thằng bé mếu máo khóc: "Con không dám nhẩy đâu, vì con chẳng trông thấy cha!". Người cha vội trấn an: "Nhưng cha trông thấy con, con cứ nhẩy xuống đi, cha sẽ ẵm con". Cuối cùng mặc dù chẳng trông thấy gì, nhưng thằng bé hoàn toàn tin tưởng và hy vọng và lời hứa của người cha... nên nhắm mắt nhẩy xuống.

Như đứa bé trong câu chuyện, có những trường hợp người tín hữu cũng trải qua đêm đen dầy đặc, chẳng trông thấy gì và rất có thể cũng chẳng cảm nghiệm gì. Tuy nhiên, tin tưởng nơi lời mời gọi và tình thương của Thiên Chúa... vẫn nhất quyết bước đi.

Theo nghĩa rộng, tin là chấp nhận một các tự do lời nói, ý kiến, quan điểm, lời mời gọi hay hứa hẹn của một ai đó. Cuộc sống thường nhật của chúng ta được xây dựng trên một sự tin tưởng nào đó nơi cuộc đời và con người. Chẳng ai có thể sống và làm việc nếu triệt để không tin vào ai cả. Rất nhiều kiến thức và thông tin của chúng ta được xây dựng trên yếu tố niềm tin: chẳng hạn tin ở tính chính xác của thông tin và thái độ chuyên nghiệp của người đưa tin. Dĩ nhiên, có những trường hợp người đưa tin hiểu sai, hoặc tệ hơn nữa đã bóp méo sự thật hay bịa đặt một nguồn tin nào đó. Chính vì vậy, không thể ngây thơ đặt niềm tin vào bất cứ ai, nhất là ở thời đại chúng ta. Tuy nhiên, một xã hội lành mạnh không thể triệt để xây dựng trên nghi ngờ và dối trá.

Trong phạm vi tôn giáo, không bao giờ có thể đồng hóa niềm tin với sản phẩm của suy tư triết học hay thành quả của công trình nghiên cứu, thí nghiệm khoa học. Niềm tin tôn giáo biểu thị mối tương quan ân tình và tín thác giữa Thiên Chúa với người tín hữu. Niềm tin tôn giáo giúp người tín hữu gặp gỡ Thiên Chúa và đặt trọn vận mệnh của mình trong bàn tay nhân ái của Ngài. Tin là cái gật đầu chấp nhận tiếng gọi xa hơn, cao hơn chính bản thân... để can đảm bước đi xa hơn lãnh vực khả tri, khả giác và khả nghiệm.

Có thể đặt vấn đề về những lý do để tin và cũng có quyền không tin. Tuy nhiên, nói một cách nghiêm chỉnh không thể đồng hóa niềm tin tôn giáo với những hình thức mê tín, hay đặt ngang hàng việc tin vào một Thiên Chúa toàn năng với chuyện ông Táo chầu trời hay chú Cuội ngồi gốc cây đa. Tin là một thái độ của con người toàn diện quyết định vượt xa mọi thực tại hữu hình, mọi lý luận phàm trần để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, để bước theo Ngài. Chính niềm tin này cho phép tín hữu tham dự vào huyền nhiệm của Ngài, giúp họ biết nhìn vạn sự theo nhãn quan của Ngài, dạy họ biết mở rộng lòng mình để đón nhận chân lý mạc khải và can đảm sống trung thực với niềm tin của mình. Trong ý nghĩ đó tin luôn đòi hỏi con người phải đi tới, phải vượt ra khỏi phạm vi chật hẹp của lý trí để bước vào tương quan huyền nhiệm với Đấng Tuyệt Đối.

Kiến thức khoa học là một thứ biết thuộc loại thời thượng ở xã hội hôm nay, nhưng không phải là cái biết duy nhất và độc nhất. Còn nhiều cách thế nhận thức khác nữa. Paul Valéry dám nói "mơ mộng cũng là nhận thức" (le songe est savoir). Pascal cho rằng trái tim có lý lẽ riêng mà lý trí không hiểu nổi. Trên đời này có nhiều điều chỉ có thể cảm nghiệm chứ đâu có thể đo lường bằng tiêu chuẩn khoa học. Làm sao đo đếm được tình yêu và tình bạn? Biết lấy gì để thẩm định tình mẫu tử? Trong ý nghĩa đó, dù rằng tin không đồng nghĩa với tri thức khao học, nhưng tin cũng bao hàm một cách thế nhận thức, ở bình diện khác, vì "sự chắc chắn do ánh sáng của Thiên Chúa ban thì lớn lao hơn sự chắc chắn do ánh sáng tự nhiên của lý trí" (Tôma Aquinô).


Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

Nghĩ Về Người Trẻ Hôm Nay

Chúng tôi tạm hiểu thế hệ như tập hợp một lớp người cùng lứa tuổi và cùng sống trong một khoảng thời gian, không gian, điều kiện xã hội, kinh tế nào đó. Nói chung, họ có chung một thế giới khách thể, cùng chia sẻ phần nào thế giới nghĩa thể, với những cảm nghĩ, thao thức, trăn trở trước cuộc sống. Vì cùng sống, phát triển và chịu ảnh hưởng của thời đại, mỗi thế hệ có những biểu lộ độc đáo về cuộc đời, lối sống, nếp nghĩ, thái độ, hành vi ứng xử, cách thế nhìn đời ... Dĩ nhiên, chẳng có thể tìm thấy nơi các thế hệ này những tâm tình, xu hướng, thái độ đồng nhất. Thế hệ nào cũng có một số tâm tình chung, những khuynh hướng chủ đạo, nhưng chẳng dễ gì biến thành nét đồng nhất, đồng loạt và đồng thuận hoàn toàn.
Mỗi thế hệ cũng có một quá trình tiến hóa, một thế giới khách thể và nghĩa thể riêng biệt, tùy thuộc hoàn cảnh lịch sử, địa dư, hoàn cảnh kinh tế, hoàn cảnh văn hóa và tôn giáo. Nếu không để ý đúng mức đến yếu tố lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị và điều kiện khoa học kỹ thuật của từng thế hệ, chúng ta khó tránh khỏi những cái nhìn phiến diện, những lời phê phán giáo điều, thiếu xác thực và bất công.
Ý thức sự đa diện, phong phú và phức tạp của vấn đề, cũng như giới hạn của người viết, những dòng dưới đây chỉ là một vài nét chấm phá mộc mạc. Tạm coi là phần dẫn nhập hữu ích để tìm hiểu và nhận diện người trẻ Việt Nam hôm nay[1].

1- Bước đột biến: từ bao cấp đến A - Còng...
Người quan sát tinh ý sẽ nhận thấy ngay thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay khác biệt rất nhiều với thế hệ các đàn anh, đàn chị ngày trước. Sự khác biệt này trước hết do yếu tố chính trị, điều kiện kinh tế, môi trường xã hội và nhất là những biến đổi sâu xa về khoa học kỹ thuật. Nhìn một cách tổng quát, những khác biệt này đang được biểu lộ qua lối sống, nếp nghĩ, tâm trạng, não trạng, thái độ trước cuộc đời, cũng như điều kiện phát triển bản thân, cơ hội hưởng thụ, v.v. của người trẻ.
Sau biến cố 1975, tại Miền Nam Việt Nam, cái gọi là "lý tưởng quốc gia" hoàn toàn bị phá sản. Chế độ chủ nghĩa xã hội được áp dụng cho cả hai miền đất nước. Nhưng từ khi bức tường Bá Linh sụp đổ, thử hỏi còn bao nhiêu người tiếp tục đặt hy vọng nơi lý tưởng xã hội chủ nghĩa? Tại khắp nơi trên thế giới, chủ nghĩa tân tư bản đã trở thành mô hình kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sau mấy năm đầu lạc quan và hồ hởi, hôm nay hồ dễ còn bao nhiêu người ngây thơ nghĩ rằng kinh tế thị trường tự nó sẽ giải quyết mọi vấn đề và đem lại hạnh phúc cho mọi người!
Đối diện với sự phá sản thê thảm của các chủ nghĩa và các ý thức hệ từng hướng dẫn nhân loại trong nhiều thập niên, nhiều người trẻ Việt Nam đang chao đảo trong cảnh "tranh tối tranh sáng" của một xã hội vàng thau lẫn lộn. Cái đau nhức và bi đát nhất của nhiều người trẻ là hầu như chẳng còn lý tưởng để tranh đấu và để sống! Là nạn nhân của buổi giao thời, họ đang phải lần mò, quờ quạng trong bóng đêm để tìm một ý nghĩa và một hướng đi cho cuộc sống. Cũng có những người muốn lấp đầy sự trống vắng về tinh thần và lý tưởng này bằng cách cố gắng làm giàu, kiếm thật nhiều tiền và hưởng thụ bao nhiêu có thể để bù lại những năm dài gian khổ của thời kỳ chiến tranh, cũng như giai đoạn quá bi đát của thời hậu chiến.
So với thế hệ đàn anh đàn chị ngày trước, giới trẻ Việt Nam hôm nay không còn những "nỗi buồn chiến tranh", những mất mát do bom đạn hay những ám ảnh bởi phận người bèo bọt trong thời loạn li. Tuy nhiên, người trẻ hôm nay có những khó khăn, thách đố và đau nhức khác. Cổ nhân ta thường nói: "Đất có Thổ công, sông có Hà bá" hay "vào chùa mới biết sân chùa lắm rêu" hoặc "ở trong chăn mới biết chăn lắm rận". Dù đồng ý hay không, chẳng ai có thể phủ nhận cái thực tế phũ phàng của cuộc sống: "rừng nào cọp nấy".
Một trong những thay đổi sâu sắc nhất là thay đổi trong quan hệ giữa giới trẻ hiện nay và các thế hệ đi trước. Phải công nhận rằng chưa bao giờ tuổi trẻ đã có thể thay thế kinh nghiệm của người đi trước một cách nhanh chóng và đương nhiên như ở thời đại chúng ta. Rất nhiều kinh nghiệm sống của ông bà đã mất giá trị, bởi vì các vị không thể hiểu được công việc giới trẻ đang làm, không nói được thứ ngôn ngữ riêng biệt của giới trẻ hiện đại và chẳng bao giờ hình dung nổi những phương trời tương lai đang chờ đợi giới trẻ.
Đây là thế hệ trẻ Việt Nam sinh ra vào khoảng cuối thập niên 70' và đầu thập niên 80', giữa một đất nước thống nhất và thanh bình. Đây là thế hệ trẻ Việt Nam đầu tiên được chứng kiến những biến đổi bất ngờ và những bước nhảy vọt thần kỳ, chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc: từ giai đoạn ăn bo bo đến thời hiện đại hóa. Về mặt kinh tế, thế hệ này được mệnh danh là thế hệ chuyển hướng từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, trong lãnh vực công nghệ thông tin, đây là một thế hệ đột biến từ một xã hội khép kín sang một xã hội mở của thời toàn cầu hóa. Sử dụng ký hiệu Internet, chúng ta tạm gọi thế hệ này là thế hệ A Còng, A móc.
Lần đầu tiên, sau những thập niên đằng đẵng chiến tranh khói lửa, người trẻ thực sự được sống tuổi trẻ của mình và không phải tiêu huỷ những năm tháng đẹp nhất đời người trong rừng rậm, dưới hầm trú ẩn hay trên bệ pháo. Họ cũng chẳng còn sợ bị cạo đầu khi để tóc dài, hoặc bị rạch quần ống rộng, hay bị kiểm điểm khi công khai hôn nhau. Ít nhất ở thành phố, bây giờ họ ăn ngon mặc đẹp: không những nhu cầu sinh tồn tạm được giải quyết, mà còn có chút son phấn trên môi và có điều kiện để nghĩ đến các giá trị khác của cuộc sống. Và giống như giai đoạn tiền bán thế kỷ XX, con cháu của tầng lớp trung lưu Việt Nam lại thu xếp vali lên đường đi du học ở Bắc Mỹ, Úc, Âu châu, Nhật Bản hay Singapore[2] .
Chính toàn cầu hóa và những biến đổi của khoa học kỹ thuật đã để lại những dấu ấn độc nhất vô nhị trên giới trẻ hôm nay. Chiếc máy vi tính cho phép họ nối kết với thế giới đại đồng, đối thoại trực tiếp, công khai và bình đẳng với những người đồng lứa tuổi ở bất cứ góc bể chân trời nào. Sự "bình đẳng trên mạng" này gây ấn tượng tự tin, tự khẳng định và tạo nhiều ước mơ nơi người trẻ hôm nay.
Theo thống kê, Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp với khoảng hơn 70% dân số sinh sống bằng nghề nông. Đại đa số người Việt Nam vẫn chân lấm tay bùn và chưa có cơ hội tiếp xúc với những phương tiện tối tân của xã hội tin học. Trung tâm Internet, thuộc Bộ Bưu chính - Viễn thông, cho biết số người sử dụng Internet ở Việt Nam hiện nay là 7,7 triệu người, khoảng 9,35% dân số. Con số thuê bao ở Hà Nội và Tp HCM chiếm gần 73% tổng số thuê bao cả nước[3]. Công nghệ Thông tin Việt Nam tuy tăng trưởng khá nhanh trong khu vực nhưng so với thế giới vẫn ở mức thấp: chỉ số xã hội thông tin được xếp thứ 53/53, chỉ số chính phủ điện tử xếp thứ 97/173 nước, chỉ số truy cập số (IDA) đứng thứ 122/178, nhưng tỷ lệ vi phạm bản quyền đứng cuối bảng 86/86[4].
Việt Nam đã trải qua những ngỡ ngàng, chập chững ban đầu và đang có tiến trình phát triển thông tin ở tỉ lệ cao. Dịch vụ Internet tràn làn khắp nơi, rất tiện lợi và với giá sử dụng rất rẻ. Con số người trẻ tiếp cận với công nghệ thông tin và mạng toàn cầu, ngày càng gia tăng. Trong thế giới thông tin đó, nhiều người trẻ Việt Nam có thể học tập, tìm tài liệu, nghiên cứu, làm việc, kết bạn bốn phương và giải trí cùng một lúc. Đây là một cơ may mà các thế hệ trước chưa từng biết tới. Một số người trẻ Việt Nam biết nắm bắt thời cơ, nên đã thành công trong việc hội nhập vào toàn cầu hóa và đã thực hiện được một vài ước vọng để đưa đất nước đi lên, ngang tầm thời đại[5].
Sức cám dỗ của màn hình, bàn phím ngày càng mạnh. Bên cạnh một thiểu số người trẻ đã thành công trong công nghệ thông tin, đại đa số giới trẻ đến các cà-phê Internet là để tán gẫu hay chạy trốn thực tế. Họ lãng phí thời gian trên mạng, có nguy cơ ngủ mê trong thế giới ảo hay bị hỏng chân thực tế. Theo cuộc điều tra do Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Đoàn tổ chức tại Hà Nội, ngày 17-4-2005, trong tổng số 80% học sinh THPT truy cập Internet có tới 92% để nghe nhạc, chỉ có 5% truy cập để học tập[6]. Nhiều dịch vụ có những phòng VIP hạng sang và một số nơi chiều khách hàng bằng cách truyền những phim ảnh đồi trụy từ máy chủ sang máy con. Ông Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, cảnh báo: "Trong các hoạt động dịch vụ văn hóa: Karaoke, vũ trường, quán Bar, Internet công cộng ... không ít cơ sở đã biến thành môi giới cho hoạt động mua dâm, bán dâm, ăn chơi xa hoa, trụy lạc của một bộ phận xã hội (...) làm băng hoại đạo đức, lối sống thuần phong, mỹ tục tốt đẹp của dân tộc, làm ô nhiễm môi trường văn hóa - xã hội"[7].
Tuổi trẻ muôn đời vẫn là tuổi hy vọng, đầy mộng mơ và lý tưởng. Người trẻ cũng rất nhạy cảm đối với cái mới, thích thay đổi và nhiều sáng tạo. Có điều là trong thời đại toàn cầu hóa này, mọi sự thay đổi quá nhanh và quá triệt để[8]. Ngay cả các "thần tượng", "thời thượng" và "thời trang" ... bây giờ cũng có tuổi thọ rất ngắn. Sáng tạo, mới mẻ và khác biệt được coi là điều kiện để thành công[9]. Để giữ vững vị thế trên thị trường thế giới hay ít nhất để không bị tụt hậu, con người hôm nay phải làm việc nhiều hơn, nhanh hơn và chất lượng hơn: nếu các thế hệ trước kia tiếp thu một kinh nghiệm trong vòng 2 năm hoặc lâu hơn nữa thì bây giờ giới trẻ phải thực hiện nó chỉ trong vòng hai tháng, thậm chí ngắn hơn nữa.
Giới trẻ bị cuốn hút trong vòng xoáy nghiệt ngã của thời đại, nên ngày càng trở thành bất nhất: thay đổi như chong chóng, từ cực tả nhảy sang cực hữu và ngược lại, vui đó rồi buồn đó, hăng say nhiệt thành thật nhưng cũng dễ nản chí, bất mãn, chán nản, buông xuôi hoặc quậy phá ... Một số bạn trẻ khác bị áp lực của công việc, khó khăn của cuộc sống đô thị, sự căng thẳng của học tập, của gia đình ... làm cho mắc phải căn bệnh mới của xã hội công nghiệp: bệnh "stress", suy nhược tâm thần, đãng trí.
Nhìn chung, giới trẻ thời "A còng" có nhiều thông tin, nhiều cơ hội phát triển và mặt bằng tri thức cao hơn các thế hệ trước, nhưng ý chí và sức chịu đựng xem ra lại thấp hơn. Một điều lạ lùng khác là mặc dù giới trẻ hôm nay được học tập nhiều hơn và có kiến thức cao hơn, nhưng đồng thời lại có những lỗ hổng thê thảm về kiến thức đại cương và nhất là lịch sử. Người ta đã kể không biết bao nhiêu câu chuyện thật, mà tưởng chừng như tiếu lâm, về những lỗ hổng kiến thức của giới trẻ thời "A còng" này.
Điểm độc đáo của tiếng Việt là dấu. Thế nhưng ở thời @ này, khi "chat" trên mạng hay khi gởi Email, người ta cũng thường viết tiếng Việt không dấu[10]. Ngôn ngữ nói của một số bạn trẻ thế hệ @ cũng rất hiện đại và quái đản. Một sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội kể: "Có lần sau khi dẫn bạn gái đi ăn cùng bố mẹ, tôi hỏi khéo mẫu thân: "Mẹ thấy bạn con có ... vệ sinh không? (ý muốn hỏi xinh không). Trông hơi bị "Nétti" (Nestea) đấy mẹ nhỉ?". Các cụ cứ tròn cả mắt lên hình như chả hiểu gì cả, rồi phán: "Cả mày lẫn nó ăn nói cứ như ... dở người ấy, ai lại con gái con lứa gì mẹ nhờ gọi người phục vụ tính tiền, nó buông ngay một câu: "Chị ơi, chị tổng vệ sinh xem bàn này hết bao nhiêu tiền để bác gái còn ... "củ chi"[11].

2- Khuynh hướng thực dụng
Tuổi trẻ muôn đời vẫn là tuổi của ước mơ, hy vọng và quảng đại. Nhưng khác với các thế hệ trẻ ngày xưa, giới trẻ hôm nay thực tiễn và thực dụng hơn. Đôi khi cũng khá lý tưởng và quảng đại, nhưng đồng thời lại chăm sóc quá kỹ cho bộ lông, bộ cánh của mình. Đòi hỏi yêu thương và thông cảm, nhưng lại quá gay gắt và khắc nghiệt với thế hệ đi trước. Hiếu thắng, hăm hở lao mình vào cuộc chạy đua của kinh tế thị trường và khoa học kỹ thuật, nhưng cũng rất dễ chao đảo trước những khó khăn của cuộc sống, những thất bại trong nghề nghiệp hay một chút lận đận về tình duyên. Không thiếu những người trẻ đã nản chí, buông xuôi và tìm cách giải quyết vấn đề bằng ma túy, tình dục, băng đảng hay bằng chính cái chết...
Hầu như họ chẳng hồ hởi chút nào trước những "ý thức hệ chói ngời", những danh từ đẹp đẽ, những khẩu hiệu chóang ngợp và ngay cả quan niệm dấn thân phục vụ. Thay vì những lý tưởng chóang ngợp, họ chú tâm kiếm tìm thành công cá nhân, bằng lòng với cuộc sống hiện tại, với những nguồn vui nho nhỏ, vừa tầm tay, chẳng hạn như: có bằng cấp, có nghề nghiệp, có kiến thức, có người yêu, có xe mới, thêm vật dụng cần thiết, thêm bạn bè, tương giao, vui chơi, giải trí ...
Sau những đổ vỡ của các ý thức hệ lớn và cảnh tang thương do cuộc chiến bi thảm - mà nhiều khi cha mẹ họ vừa là tác nhân, vừa là nạn nhân - giới trẻ hôm nay nhìn đời với cặp mắt thực tế, tinh khôn và ranh mãnh hơn. Nhiều người lớn thường trách họ quá ích kỷ, quá thờ ơ với những biến chuyển chính trị, những vấn đề xã hội sôi bỏng. Nhiều khi họ sống bên lề những biến cố lịch sử và chẳng có tham vọng can thiệp hay đóng góp ý kiến. Nỗi ưu tư lớn nhất của nhiều người trẻ hiện nay không phải là thay đổi thế giới, cải cách xã hội, mà chính là làm sao thăng tiến bản thân và đảm bảo đời sống với những việc làm ổn định. Ra như họ đã quá bận rộn trong việc học hành và mưu sinh, nên không còn thời giờ, tâm trí cho những hoạt động mà họ cho rằng ít cần thiết.
Nếu chính trị từng là một đề tài thời thượng và một lý tưởng tranh đấu của biết bao thế hệ trẻ ngày xưa, thì đối với giới trẻ hôm nay nó cũng lạ lẫm như phía bên kia của mặt trăng. Suốt mấy thập niên qua, chúng ta chẳng còn thấy những bức tâm thư, các kiến nghị, các cuộc hội thảo, biểu tình của giới sinh viên để phản kháng những tệ nạn xã hội, để tranh đấu cho một lý tưởng nhân bản hay để đưa ra một đề nghị cải cách. Xem ra, một đôi khi họ cũng nổi loạn, nhưng khốn nỗi, những cuộc nổi loạn này thường xẩy ra vào ban đêm: cà phê nhạc sống, karaoke, bia ôm, đua xe, heroin, thuốc lắc ... "Văn hóa tốc độ" được coi là "vũ khí phản kháng" của những tay đua đêm, trong đầu đầy thuốc lắc, và đằng sau là bạn gái tóc nhuộm hung, quần ngáp hở lưng, áo thun tụt trần tới rốn[12].
Tuổi trẻ muôn đời vẫn là tuổi của đấu tranh, phản kháng và nổi loạn, nhưng những hình thức nổi loạn ở trên hay những lần kéo nhau chạy đầy đường, la ó vang trời ... sau một trận bóng đá ... có mang một ý nghĩa tiến bộ hoặc khai mở nào không? Phải chăng đây là sự cộng hưởng của Thế hệ Thực dụng, Thế hệ Thờ ơ và Thế hệ Bạo lực? Nhiều người âu lo đặt câu hỏi: liệu chúng ta có bao nhiêu hy vọng là những thanh niên say mê tốc độ vào đêm khuya, dùng thuốc lắc để tìm cảm giác trong các khách sạn hạng sang, ngây ngất với các nàng tiên trắng hay chạy theo đám đông la hò, đâp phá sau một trận bóng đá thắng ... có thể biến Việt Nam trở thành một xã hội lý tưởng, một chốn tốt đẹp hơn để sống?[13]
Về lãnh vực tính dục, giới trẻ hôm nay là những đại diện đầu tiên của "con người hưởng thụ" ở Việt Nam, những người đầu tiên có sự tự chủ với đầu tóc, quần áo, thân thể và cuộc sống tính dục của mình. Quan niệm của họ về phái tính hoàn toàn khác biệt với quan niệm của các thế hệ trước. Đối với nhiều người trẻ hôm nay, về phương diện dục tính, cha mẹ họ sống quá câu thúc, gò bó, cố chấp, giả tạo, hầu như khước từ một cách vô lý mọi thú vui và thực sự không có hạnh phúc. Còn họ, họ không thể chấp nhận quan niệm sống câu thúc đó. Họ muốn sống trung thực với lòng mình, sống hạnh phúc thực sự, dám yêu ào ạt và lập tức. Đối với nhiều người, hạnh phúc lứa đôi chủ yếu là tình theo cái nhìn Tây phương, bao hàm trước tiên là tình yêu và tình dục... Việc nối kết chặt chẽ giữa tình yêu, tình duyên và tình nghĩa trong hôn nhân truyền thống Việt Nam bị coi nhẹ, chính vì vậy thiếu hẳn sức mạnh yêu thương, hi sinh, gắn bó.
Cho đến nay những người làm giáo dục ở Việt Nam vẫn loay hoay mãi về nội dung và cách thức đưa giáo dục giới tính vào chương trình chính khóa hay ngoại khóa. Ngoài ra, khoảng 73% giáo viên giảng dạy giáo dục giới tính vẫn chưa được đào tạo chuyên môn. Trong khi đó, độ tuổi quan hệ tình dục đầu tiên của giới trẻ Việt Nam ngày càng hạ thấp và con số trẻ gái nạo phá thai đã tăng gấp ba lần so với năm 1990.
Ủy ban "Dân số - Gia đình & Trẻ em" thú nhận độ tuổi quan hệ tình dục đầu tiên của giới trẻ Việt Nam bây giờ là 14,2 tuổi thay vì 19 tuổi như trước kia. Như vậy, những cô cậu bé lớp 8, lớp 9, những "mầm non" cần được chăm sóc và bảo vệ đã bước vào "thế giới tính dục" của người lớn![14]. Tỉ lệ công nhân có quan hệ tình dục trước hôn nhân đang tăng cao: nếu năm 1997 mới chỉ có 8,6% (nam giới 24,8% và nữ giới vỏn vẹn 2,4%) thì năm 2005 đã tăng lên 37,8% (nam giới: 45,8% và nữ giới: 30,1%)[15]
Tài liệu thống kê trong mấy năm gần đây cho thấy hiện nay sinh viên tự do hơn trước trong lãnh vực dục tính. Kết quả cuộc thăm dò tại một số trường Đại học Sư phạm cho thấy: trong bốn năm đại học có tới 72,4% nữ sinh viên đã có quan hệ "dục tính". Một số nữ sinh viên có học vấn và trẻ đẹp còn chấp nhận làm "sân sau" cho những người đã có gia đình, học vấn thấp, tuổi tác chênh lệch ... để có tiền ăn tiêu, may sắm theo sở thích. Tệ hơn nữa, con số nữ sinh làm "dịch vụ tình cảm" theo nhu cầu của khách, nghĩa là một hình thức mại dâm cao cấp, ngày càng gia tăng[16].
Đã qua rồi hình ảnh những "nàng Tô Thị" ôm con chờ chồng để rồi hóa đá như trong ca dao tục ngữ, hay u uẩn ngồi đan áo gởi ra tiền tuyến như trong các bản nhạc tiền chiến, hoặc những người con gái Việt Nam da vàng, yêu quê hương như yêu đồng lúa chín trong nhạc Trịnh Công Sơn. Tuổi trẻ bây giờ thực tế, thực dụng, có học và có lối lập luận riêng. Nguyễn Thúy Quỳnh hé mở cho ta thấy một cái gì đang cựa mình, đang biến đổi, trăn trở thao thức và dám đặt nghi vấn về một số giá trị cũ ... nơi người trẻ hôm nay:
Có một chút em không là Tô Thị
Vò võ đợi chờ, mòn mỏi tình chung
Nơi cuối đất, anh thành người xứ lạ
Người xưa ơi, ai thương hộ má hồng!
Dưới chân núi, nửa mùa xuân sắp cạn
Em hóa đá đợi người, xuân có đợi em không?
Qua ngòi bút tả chân, Phạm Thị Hoài vẽ cho ta một bức tranh khác, trần trụi và đau nhức hơn: đó là những "con bé nhà hàng xóm bên phải đang cầm chặt chiếc tích-kê trong tay chờ nạo thai lần thứ ba trong vòng một năm rưỡi. Bạn đừng hình dung nó là đứa con gái trơ tráo nhảy tót lên bàn nạo xong rồi phủi đít trèo xuống. Lần nào nó cũng khóc mùi mẫm đủ ba mươi phút tiêu chuẩn trước khi phải nhường giường cho người tiếp theo. Đáng lẽ phải khóc cho cái tình yêu vừa bị vét ra bằng hết thì nó lại chỉ khóc vì bị bác sĩ chửi mắng, làm như nếu được đối xử nhẹ nhàng hơn thì nó còn năng lui tới đây hơn"[17]. Có lẽ chính vì vậy Việt Nam hiện là một trong ba nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới!

3- Trách nhiệm của gia đình và xã hội
Có người trách giới trẻ hôm nay lý tưởng thấp, tầm thường, ích kỷ, thích hưởng thụ, quá so đo mặc cả với đời, chăm lo quá đáng cho bộ lông, bộ cánh của mình. Người khác lại coi đây là một lối sống thực tiễn, khôn ranh và không ảo tưởng. Có thể đưa ra rất nhiều câu trả lời và lý giải cho hiện tượng phức tạp này. Nhưng phải chăng thế hệ trẻ hôm nay đang gánh chịu hậu quả của những tính toán ích kỷ và sai lầm của người lớn? Phim ảnh xấu ai phổ biến, sách báo xấu ai sản xuất, tệ nạn xã hội ai gây ra, tham nhũng ai dung túng? Nếu người lớn chúng ta có đủ khả năng và trí tưởng tượng cần thiết để giải quyết những vấn đề của thời đại chúng ta, chắc chắn thế hệ trẻ hôm nay sẽ đỡ khổ và ít trăn trở hơn.
Nhiều thanh thiếu niên hư đốn vì bố mẹ không chu toàn trách vụ giáo dục con cái. Hầu như họ khóan trắng công tác giáo dục cho nhà trường, nhưng nhà trường tại Việt Nam hôm nay "dạy chữ" chưa xong, nói gì đến chuyện "dạy người"!. Chuyên gia Phan Mai Hương, Viện Tâm lý, cung cấp cho chúng ta những con số đáng lo ngại về vai trò của cha mẹ đối với trẻ em hư hỏng. Sau khi nghiên cứu 104 đối tượng nghiền ma tuý ở tuổi thanh thiêú niên, tác giả đã cho biết dữ kiện liên quan đến việc thiếu trách nhiệm của cha mẹ :
* 59,2% cha mẹ không bao giờ trò chuyện riêng tư với con cái.
* 40% trong số họ không biết hoàn cảnh học tập và hành động của con cái mình.
* 53,1% không quan tâm đến những gì xẩy ra đối với con cái.
* 69,4% không biết con cái có thể đi đâu hay ở đâu khi chúng vắng nhà.
* 67,3% chẳng hề biết con cái đang làm gì, đang quan tâm đến những gì.
* Khoảng 50% cha mẹ chẳng biết gì về bạn bè của con cái mình.
Một số thanh niên thác loạn là nạn nhân của những gia đình đổ vỡ. Nhiều thanh niên thác loạn thuộc gia đình có thu nhập cao, nhưng cha mẹ tập trung công chuyện làm ăn hoặc hưởng thụ, mà quên đi trách vụ giáo dục con cái. Một trong những cái cớ để họ nuông chiều con cái là : "Ngày xưa mình khổ sở quá rồi, bây giờ có điều kiện tội gì không để chúng nó sướng". Nhiều tiểu thư thời @ chỉ biết ăn, học, ngủ, chơi ... mà chẳng hề biết nấu ăn hay chăm lo việc nhà. Một số ông bố và bà mẹ khác chưa bao giờ được đào tạo để làm bố, làm mẹ. Nhờ thời cơ làm ăn phất lên và như bị ném vào vòng quay của xã hội mới. Mỗi người một nỗi lo, một thế giới, một kiếm chác, phó mặc đám trẻ sống chết mặc bay.
Mấy năm gần đây, người ta nói nhiều đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, khu phố văn hóa, xã hội văn minh, nếp sống mới!!! Nhưng tất cả vẫn còn nằm ở dạng khẩu hiệu. Chưa xuất hiện những loại hình sinh hoạt văn hóa mới đáp ứng sự phát triển của xã hội và nhu cầu của thanh niên. Nhiều người ngạc nhiên về sự thiếu vắng kinh hoàng về các phương tiện giải trí lành mạnh cho giới trẻ: chưa có một phong trào thể thao hay văn hóa đại chúng, các công viên nghèo nàn không đủ sức níu kéo người trẻ, các nhà văn hóa vắng ngắt, rạp chiếu phim lèo tèo và thiếu chất lượng[18].
Ngay tại các thành phố lớn, hầu như cũng không thể theo dõi và thưởng thức các phim có giá trị nghệ thuật. Nói chung, phim ảnh Việt Nam còn yếu cả về mặt nội dung lẫn nghệ thuật. Khán giả Việt Nam rất quan tâm đến phim Việt Nam, nhưng đã quay lưng lại với phim tuyên truyền[19]. Cũng có một số rất ít phim có giá trị của các tác giả Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, được giải thưởng và trình diễn thành công ở nước ngoài, như "Mùa len trâu", "Thời xa vắng", "Mùa ổi chín", "Mê thảo"...Thời điểm phim đoạt giải và được nhắc đến nhiều nhất thì khán giả Việt Nam chẳng nhìn thấy phim, đến khi được phát hành thì lại diễn ra âm thầm lặng lẽ. rất tiếc người trong nước lại ít khi có cơ hội thưởng thức.
Vì không được chăm sóc giáo dục đầy đủ, hụt hẫng về tình cảm, thiếu vắng tâm linh và trống rỗng văn hóa, giải trí lành mạnh ... hầu như giới trẻ chỉ còn biết lượn xe máy trên các đường phố hay giết thời giờ trong các quán cà phê đèn mờ, các tụ điểm karaoke, các động thuốc lắc. Đám trẻ hầu như sống với bạn bè. Giữa bạn bè với nhau họ sống thật sự và thật tình : giúp đỡ nhau, cho nhau vay mượn tiền bạc, xài đồ chung. Đôi khi còn lấy của gia đình để giúp những người bạn đang gặp khó khăn và coi đó như một điều hợp lý, phải làm. Có người nhờ bạn bè đã thăng tiến cuộc sống, khám phá ra ý nghĩa của cuộc đời, giá trị của tình người..., nhưng cũng có kẻ vì bạn bè mà trở nên hư hỏng, bắt đầu hút xách, nghiện ngập, trác táng, băng đảng, trộm cắp... "Đi với bụt thì mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy", cổ nhân ta đã thấy rõ điều đó[20].

4- Ảnh hưởng tiêu cực của giáo dục hiện nay
So với các thế hệ trước đây, giới trẻ hôm nay được học nhiều năm hơn, mặt bằng kiến thức nói chung cao hơn và nhất là được tiếp xúc thẳng với nền tri thức của nhân lọai qua hệ thống Internet. Cái bất hạnh lớn nhất của họ là đang làm "vật tế thần" cho một chương trình giáo dục giáo điều, lạc hậu và thối nát. Cho dù quan điểm và phương pháp giáo dục của mỗi người có thể rất khác nhau, nhưng có lẽ mọi người đều âu lo về thảm họa giáo dục hiện nay. Thật vậy, tài nguyên tương lai của một quốc gia hoàn toàn tùy thuộc nguồn nhân lực: óc sáng tạo, khả năng nhận diện xu hướng của thế giới, kỹ năng khai thác tiềm năng của bộ não, tốc độ và tài sử dụng thông tin để tạo thêm giá trị gia tăng. Chính vì vậy, sự xuống dốc về y tế và giáo dục là nguy cơ trầm trọng nhất cho tương lai của đất nước[21].
Các nhà giáo dục và nhà khoa học tham dự hội thảo khoa học về giáo dục Việt Nam do Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức (tháng 11 năm 1999) công nhận là trong những năm qua Việt Nam đã đạt được một số thành tựu về giáo dục, nhưng so sánh với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cũng như trình độ kiến thức của các nước trong khu vực và trên thế giới, thì tình trạng giáo dục của ta quá lạc hậu và bất cập[22].
Nhiều người quy trách tình trạng tụt hậu này cho bộ máy quản lý yếu kém. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa không nằm ở những sai lầm cục bộ về điều hành quản lý, mà do những sai lầm căn bản về tư duy, mục đích, định hướng và thiết kế giáo dục. Để có thể thay đổi nội dung, phương pháp và tổ chức quản lý giáo dục cần phải thay đổi triết lý, quan điểm và mục tiêu giáo dục. Một khi đã thay đổi cơ sở nền tảng đó, mới có thể đưa ra định hướng, xác định nội dung và chọn lựa phương pháp giáo dục.
Khi lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố những con số liên quan đến cuộc thi vào Đại học và Cao đẳng (năm 2002), cả nước hoảng hốt: trong số 823.854 thí sinh dự thi chỉ vỏn vẹn 3 thí sinh đậu thủ khoa với số điểm 29,5/30, nhưng lại có tới 713.352 thí sinh (tức 86,6%) với số điểm dưới mức trung bình (14,5/30), trong khi đó số thí sinh có dưới 10/30 lên tới 556.533 em, nghĩa là chiếm 67,5% thí sinh.
Nhiều người đã đau đớn kêu lên: "Những con số nhức nhối", "khủng khiếp", "nguy kịch", "bi thảm", "một sự thật đáng phải rùng mình"[23]. Những từ ngữ nặng nề ở trên không phải là ý kiến hàm hồ, vô căn cứ, mà là những nhận định có nền tảng, dựa trên dữ kiện khách quan. Nhiều phụ huynh băn khoăn tự hỏi: tại sao trong một kỳ thi mà đề thi được đánh giá là "bám sát nội dung sách giáo khoa và nói chung là dễ" thế mà số thí sinh bị loại lại khủng khiếp như vậy? Tại sao chỉ khoảng trên 10% thí sinh đạt điểm từ trung bình trở lên với một đề thi được đánh giá "bám sát sách giáo khoa lớp 12", thế mà chỉ một tháng trước đó, cả nước thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đậu trên 90%, thậm chí có nơi đến 99%? Không biết giới trẻ hôm nay quá dốt hay cách dạy của ta đã làm cho các em ra u mê?
Những con số "khủng khiếp" trên đây phản ánh quá rõ ràng tình trạng giáo dục thiếu định hướng, với căn bệnh trầm kha thi đua "đạt chỉ tiêu", được hỗ trợ bởi phương pháp dạy nhồi nhét, học vẹt, học tủ, quay cóp... Phải chăng từ mấy chục năm qua chúng ta đã bị ru ngủ với lối học dỏm, thi cử dỏm và bằng cấp dỏm?
Kết quả cuộc thi Đại học những năm kế tiếp cũng kiểm chứng tình trạng ảm đạm nói trên. Nhưng vấn đề quan trọng và đau nhức nhất không phải chỉ ở nhưng con số khủng khiết nói trên mà ở tình trạng suy đồi trầm kha của nền giáo dục: dạy nhồi nhét, "đọc - chép", học vẹt, học tủ, thi cử gian lận, tổ chức thi hộ, thi thuê, thi kèm, buôn bán luận văn tốt nghiệp, điểm giả, mua điểm, bằng cấp giả và tệ hơn nữa bằng thật kiến thức giả!
Người xưa thường nói: "dạy chữ để dạy người". Nhưng cách dạy "nhồi nhét", "đọc - chép", học vẹt, chạy theo thành tích, buôn bán bằng cấp ... "dạy chữ" đã dở, mong gì đạt được mục đích "dạy người"! Tâm Mạc liệt kê "thập nạn" trong giới sinh viên như sau: "Tiêu cực trong thi cử, cờ bạc, quan hệ tình dục phóng túng, mê tín dị đoan, uống rượu say, nghiện hút, cắm quán, trộm cướp, ham mê văn hóa phẩm đồi trụy, vô kỷ luật, mất trật tự vệ sinh, đua đòi, chạy theo lối sống tiêu dùng"[24]
Cuộc hội thảo "Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục" do báo Nhân Dân và Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức tại Hà Nội, vào cuối tháng 12 năm 2004, công khai nhìn nhận tình trạng nguy kịch hệ thống giáo dục. Chính ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo khi ra điều trần trước Quốc hội cũng cảm thấy bối rối trước những câu hỏi hóc búa của các vị Đại biểu cử tri.
Bà Trần Thị Tâm Đan, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết kết quả thẩm tra của Uỷ ban về chất lượng giáo dục như sau: "Trong hầu hết các cuộc thi trí tuệ thế giới, học sinh Việt Nam luôn đạt các giải cao mang vinh quang về cho Tổ quốc mà ngay cả một số nước trong khu vực cũng muốn học tập kinh nghiệm. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục nhìn chung còn yếu kém, bất cập; lối học khoa cử vẫn còn nặng nề, giáo dục chỉ chú ý đến truyền đạt kiến thức nhằm ứng phó với các kỳ thi, chưa chú trọng đến việc xây dựng tư duy sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu, kiến thức chuyên ngành ít được cập nhật, trình độ ngoại ngữ, tin học yếu, kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế, chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống, động cơ học tập cho học sinh, sinh viên".
Trầm trọng và thê thảm hơn là hiện tượng gian dối trong học tập và thi cử. Bản Phúc trình viết tiếp: "Các hiện tượng chạy điểm, chạy thầy, quay cóp, mua bán sử dụng phao thi... trước đây rất ít và người học cảm thấy xấu hổ khi bị phát hiện thì bây giờ không ít người học coi đó là chuyện bình thường. Cha mẹ mua bằng cho mình thì việc mua điểm cho con là dễ hiểu. Nhưng hậu quả của việc làm đó lại làm cho các em học sinh trong lớp nhận ra sự bất công do người lớn mang lại, niềm tin của các em vào cha mẹ, thầy cô bị tổn thương và ảnh hưởng xấu đến nhân cách của các em đến mức nào thật khó lường.
Khi có chủ trương tiêu chuẩn hóa cán bộ, công chức, đã dấy lên một phong trào học tập trong cán bộ, công chức, trong lực lượng lao động trẻ. Nhưng rất đáng tiếc, có một bộ phận người lớn đi học với động cơ không đúng đắn, không học tập nghiêm túc, chỉ cần có một tấm bằng mà không quan tâm đến kiến thức. Vì vậy, tình hình học giả bằng thật, hiện tượng sao chép luận văn thạc sĩ, tiến sĩ xảy ra không phải ít.
Trong lịch sử giáo dục nước nhà, chưa bao giờ các dịch vụ làm luận văn, luận án lại được quảng cáo xung quanh các trường đại học như hiện nay. Những tiêu cực của người học, đứng về mặt giá trị kinh tế thì không lớn và không đáng kể so với tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế nhưng sự tổn thất về đạo đức xã hội, phẩm chất con người thì vô cùng nghiêm trọng và hậu quả của nó làm mất đi niềm tin và sự tôn trọng của lớp trẻ đối với các bậc làm cha mẹ, đàn anh của mình mà họ thường ngưỡng mộ noi theo..."[25].
Giáo sư Hoàng Tụy ví von so sánh nền giáo dục hiện tại của chúng ta với các khu nhà tập thể xây dựng từ thời bao cấp. "Thực chất vẫn là cái nhà cổ lỗ ấy xây dựng từ ba bốn mươi năm trước, càng sửa chữa, cơi nới càng dị dạng, bỏ thì thương vương thì tội. Giáo dục của ta cũng giống như cái nhà ấy, nó rất khác mọi nền giáo dục bình thường ở các nước. Được xây dựng và quản lý theo quan niệm cũ, nó không giống ai, không theo qui củ thông thường, cho nên rốt cục rất tốn kém, càng phát triển càng đòi hỏi đầu tư phi lý vì qui mô và chất lượng hầu như đã đạt đến mức giới hạn trong điều kiện vật chất cho phép của đất nước hiện nay. Đã như vậy mà cứ loay hoay sửa chữa và cơi nới thì tất yếu phải gặt hái những kết quả như đã thấy mấy năm vừa qua"[26].
Người xưa thường nói: "dạy chữ để dạy người". Nhưng cách dạy "nhồi nhét", đọc - chép, học tủ, học vẹt, gian lận, chạy theo thành tích hiện nay ... dạy chữ đã dở, mong gì đạt được mục đích dạy người!
Nếu thực sự muốn đổi mới giáo dục ở nước ta nhất định phải chuyển đổi từ cấp vĩ mô, từ quan niệm, mục đích, định hướng và thiết kế giáo dục. Để đào tạo một giới trẻ có óc phê phán, tư duy độc lập, tinh thần sáng tạo, tính trung thực, can đảm dấn thân, biết lãnh trách nhiệm, có lòng khoan dung, nhân ái ... thiết tưởng cần áp dụng thông điệp của UNESCO về giáo dục trong thế kỷ 21: "Học để biết, học để làm, học để làm người và học để sống với nhau".
----------------------------
[1] Chia Sẻ, nội san Thần học - Mục vụ - Tu đức của Liên Tu sĩ thành phố đã dành cả một số báo để thảo luận về "Giới trẻ: thách đố của thời đại", số 46, tháng 6 năm 2005.
[2]
Đỗ Khanh, Thế hệ của quần ngáp, quần hở mông và quần xệ, (17.3.03); Song Anh, Tuyên ngôn của Thanh niên thế hệ Mới (26.3.03); Thế hệ @ còn chung tiếng nói (26.5.03); Poplar Ngô, Thở dài và thương cảm về thế hệ không có lý tưởng (5.6.03); Nguyễn Hữu Hồng Minh, Một góc nhìn vào Việt Nam từ một thế hệ, (19.9.03), Đình Thắng - Vũ Kiên Chinh, Tin vào thế hệ @, Tuổi trẻ Chủ nhât, 5.10.03, tr. 14-15; Phan Huyền Thư, Tin vào thế hệ @, Tuổi Trẻ CN., 4-10-2003.
[3] Báo Tuổi Trẻ, ngày 31-8-2005, tr.1.
[4] x. Người Lao Động, số 3349, ngày 6-7-2005, tr. 1.
[5] Người ta thường trích dẫn sự thành công của một người trẻ về các cuộc thi tin hoc, sáng tạo Robot, kiến trúc hay doanh nghiệp.
[6] Xc. Tuổi Trẻ, 18-4-2005, tr.1.
[7] Webside Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 10-3-2005. Theo tạp chí Forbes, trong năm 2004, doanh thu các hoạt động khiêu dâm trên mạng Internet toàn cầu lên tới 58 tỷ Mỹ kim.
[8] Nếu tại Việt Nam cũng như ở nhiều nước đang phát triển trên thế giới người ta vẫn coi @ như biểu tượng của giới trẻ thì tại một số nước đã bắt đầu sử dụng biểu tượng iPod. Đây không phải chỉ đơn thuần là chiếc máy để nghe nhạc, mà còn có chức năng liên lạc với các trung tâm của Đại học, ghi lại bài giảng của giáo sư ở giảng đường để nghe lại vào những lúc rảnh rỗi như khi đi bộ, lái xe hay ngồi trên xe bus. Trong mấy năm vừa qua, iPod ngày càng được nâng cấp và phổ biến rộng rãi.
[9] Xem Jack Trout, Khác biệt hay là chết, NXB Trẻ, Tp HCM, 2004; Vũ Trọng Lâm (Chủ biên), Kinh tế tri thức ở Việt Nam, NXB Khoa học, 2004.
[10]Xin trích dẫn một đoạn đối thọai trong một truyện ngắn không dấu mang tựa đề "Nham!" của Hồ Anh Thái:
"thucphamoan: ... Ten em la Nguyen Thi Giac, goi tat la Thi Giac, tuc la co quan de nhin, tuc la lien quan den doi mat. Vay em lay ten la thucphamoan, ai moi nhin cung tuong em ten la Thuc (dau gi khong quan trong) va rat pham an (an rat nhieu, pham phu tuc tu). Thuc ra, thucphamoan la « thuc pham khong an duoc », khong phai la thuc pham bi oi thiu, ma boi vi doi voi doi mat, thuc pham chi de nhin, khong su dung duoc (ten em la Thi Giac ma). Con ten anh ? Galacdan nhin nhu ten Tay, nhung nguoi ta co quyen hieu la « con ga di lac dan », 1 con ga lac, di lac vao vuon nha ai, nha ay bat de thit. Mot cai ten co ve giong cai, mot co Kieu luu lac.
galacdan : Nham ! Dung la tieng Viet khong dau ! No rat la dan ong day em oi. Ga (dau nga), chi mot dua con trai o ngoi thu 3, chu khong phai la ga (dau huyen). Con chu lac dan thi em hoan toan dung. Mot loai nguoi ngu ngo di lac" (Văn Mới 2004 -2005, Hồ Anh Thái tuyển, NXB Hội Nhà Văn, 2005, tr. 380-381).
[11] Lê Thanh Bình - Phạm Thế Hà, Ngôn ngữ @ phẩy, Tuổi Trẻ, 15-12-2004, tr. 9.
[12] Xem Cù Mai Công, Sàigòn by night. Những hồi chuông cảnh báo từ màn đêm, 3 tập, NXB Trẻ, Tp HCM, 1997-1999; xem loạt bài phóng sự về các động thuốc lắc đăng trên báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động.
[13] Xem Cù Mai Công, Sàigòn by night, 3 tập, NXB Trẻ,
[14] Vietnamnet, ngày 23-6-2005.
[15] Tuổi Trẻ, ngày 22-9-2005, tr. 1.
[16] Xem Nguyễn Xuân Yêm (chủ biên), Phòng ngừa Thanh, Thiếu niên phạm tội. Trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 596-600. Xem lọat bài của Lê Anh Đủ - Yến Trinh - Thi Ngôn, Nạo phá thai trong giới trẻ: SOS, Tuổi Trẻ, ngày 22 đến 27 -9-2005.
[17] Phạm Thị Hoài, "Những Con Búp Bê của Bà Cụ" trong Từ Man Nương đến AK và những Tiểu Luận, nxb Hợp Lưu, Hoa Kỳ, 1993, tr. 95.
[18] Đa số phim chiếu ở Việt Nam thuộc lọai phim thuyết minh, nghĩa là một dạng thức phim câm: các diễn viên không diễn xuất thực sự , mà trở thành người câm, và đàn ông, đàn bà, ông già, trẻ con ... đều nói một giọng và một kiểu như nhau, giọng của người thuyết minh. Giọng thuyết minh này đôi khi quá to, lấn át cả tiếng nhạc và âm thanh độc đáo của phim. Có người nhận định: ở Việt Nam hầu như chỉ được xem phim câm có tiếng nói từ bên ngòai, chưa có điện ảnh.
[19] Phim "Sàigòn giải phóng", kinh phí sản xuất phim lên tới 12,5 tỉ đồng, thời gian thực hiện kéo dài 10 năm, nhưng chỉ chiếu nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng ..., rồi được cất vô kho. Phim "Người đàn bà mộng du" chiếu duy nhất một buổi, bán được 14 vé. Phim "Ký ức Điện Biên", kinh phí sản xuất hơn 10 tỉ đồng, trung bình mỗi suất chiếu 4 người xem (Hà Giang, Phim Việt Nam, đông vẫn đông, vắng vẫn vắng ...", SGGP, ngày 9-10-2005, tr.2.
[20] Chỉ trong vòng hơn nửa tháng (9 và 27-3-2005), Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) liên tiếp triệt phá hai ổ "ăn chơi thác loạn" với hơn một nửa trong số 200 bạn trẻ đó qua kiểm tra có sử dụng thuốc lắc, ma túy.
Về khía cạnh tâm lý, tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn (ĐH Sư phạm TP.HCM) nghĩ rằng đây là "hội chứng" của một bộ phận giới trẻ hôm nay. Nhiều người trong số họ cảm thấy cô đơn, một số khác có điều kiện kinh tế ... lại phung phí, tìm đến những thú vui ảo qua ma túy, quan hệ tình dục. Theo ông, "đây cũng là biểu hiện của hội chứng dễ lây lan trong giới trẻ mọi thời: tính thích chơi trội. Không ít bạn trẻ có ý muốn cạnh tranh nhau bằng cách phải chơi nổi hơn người kia và rõ ràng người tự kiềm chế kém nhất thường "giựt nổi" nhất.
Nếu xét về con số, 148 và 54 chẳng là gì so với hàng triệu bạn trẻ đang sống ở thành phố này. Tuy nhiên, nếu xét về phương diện xã hội, đây là vấn đề rất cần được quan tâm. Phải định hướng giá trị cho giới trẻ một lối sống lành mạnh! Chỉ có sự định hướng chắc chắn cho một lối sống lành mạnh sẽ giúp người trẻ tự kiềm chế được trước hội chứng dễ lây lan này".
[21] Xem Hoàng Tụy, "Mấy giải pháp cấp bách về giáo dục", Diễn Đàn, số 89, tháng 10.2000, tr. 12-14; "Chấn hưng, cải cách, hiện đại hóa nền giáo dục", Diễn Đàn, số 97, tháng 6.2000, tr. 14-16; loạt bài của Mai Lan về "Giáo dục Việt Nam trước ngưỡng cửa năm 2000", báo Sàigòn Giải phóng, từ ngày 29.11 đến 1.12.1999; Bùi Trọng Liễu, Giáo dục Đại học, Diễn Đàn, 138, tháng 3-2004; Lê Hạnh, Đổi mới giáo dục đại học và hội nhập quốc tế, Lao Đông, ngày 23-6-2004; Nguyên Ngọc, Triết lý giáo dục ở Việt Nam, Diễn Đàn, 141, tháng 6 -2004; Lê Ngọc Trà, Học để làm người và học để sống với nhau, Tuổi Trẻ, 22-10-2004.
[22] Xem Mai Lan, "Cần một chiến lược giáo dục cho tương lai", Sàigòn Giải phóng, thứ tư 1-12-1999.
[23] Xem "Một sự thật đáng phải rùng mình", Tuổi Trẻ, 8-10-2002, tr. 10; Gs. Tương lai, Một hồi chuông cảnh báo dù hơi muộn nhưng thật cần thiết, Tuổi Trẻ Chủ nhật, 13-10-02, tr. 4 & 42; Hương Giang, Một kỳ thi tú tài trung thực hay một kỳ thi tú tài dỏm + một kỳ thi tuyển thật, Ibidem, tr. 9; Trần Mạnh Hảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn tiếp tục nói dối đến bao giờ?, Văn Nghệ Trẻ, số 43, 20-10-2002, tr. 7 & 15; Nguyễn Gia Phong, Tại sao chỉ 30% học sinh trung bình nhưng phải cho 90% tốt nghiệp?, Tuổi Trẻ, 26-10-2002, tr.10.
[24] Tâm Mạc, Làm gì để khắc phục "thập nạn" trong sinh viên, Tạp chí Phát triển giáo dục, 1- 1995.
[25] Bà Trần Thị Tâm Đan, Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, tường trình ngày 15-11-2004.
[26] Hoàng Tụy , "Ba biện pháp cấp bách đưa giáo dục ra khỏi nguy kịch", Tuổi Trẻ Chủ nhật, 28.12.2003, tr.8.
 

Nguyễn Thái Hợp