Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

Ý Nghĩa Của Niềm Tin

Tin không phải là biết, vì biết thuộc lĩnh vực khoa học, có quan sát, lý luận và thực nghiệm. Cái biết này, dù là biết khoa học, cũng không bao giờ tuyệt đối và cố định, mà được xây dựng trên những giả thuyết đã được chứng minh và luôn luôn phải kiểm chứng lại, thậm chí bị loại bỏ, khi có những sự kiện mới chứng minh ngược lại. Khi thuyết tương đối của Einstein xuất hiện, thiên hạ phải bỏ mô hình cũ của Newton để xây dựng một vũ trụ quan mới. Nhưng chính Einstein đã thẳng thắn công nhận là thuyết tương đối của ông cũng chỉ có giá trị tương đối thôi. Rất có thể sau này một hậu sinh nào đó sẽ phi bác nó, như Einstein đã từng phi bác quan niệm cơ học của Newton.

Đức tin không thuộc lãnh vực tri thức khoa học như thế. Tuy nhiên tin không hoàn toàn mù quáng, phi lý. Lòng tin đích thực luôn đòi hỏi những dấu chỉ khả tín, đúng như châm ngôn của thánh Augustino: "Tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin". Ân sủng của đức tin mở "mắt tâm hồn" (Ep. 1:18) giúp người tín hữu hiểu sâu sắc hơn về những điều đã được mặc khải. Dù rằng không bao giờ chúng ta có thể hiểu mầu nhiệm của đức tin, nhưng chắc chắn tin không hoàn toàn đồng nghĩa với phi lý và mù quáng, đến độ thánh Augustino có thể xác quyết: "Tôi sẽ không tin nếu tôi không nhận thấy rằng tôi phải tin".

Tuy nhiên, thông thường đã gọi là đức tin tất nhiên vượt trên lý trí và phải từ bỏ một phần nào đòi hỏi chính đáng của lý trí, bởi vì tôi tin không thể đồng nghĩa với tôi thấy hay tôi biết. Chính thánh Toma cũng công nhận là đứng trên quan điểm tri thức, đức tin bao giờ cũng kém khoa học. Thật thế, tin không thể rõ ràng như thấy, như biết rõ rệt hai với hai là bốn, vì đã biết, đã thấy thì đâu con gọi là tin.

Trong một mức độ nào đó ta có thể nói: tin chính là hy vọng trong khi không còn hy vọng, là chọn những gì không thể quan niệm làm nền tảng cho hành động và cho lẽ sống, chết. Người ta kể câu chuyện sau đây về một vụ cháy nhà. Khi ngọn lửa bốc cao, khói tỏa mù mịt khắp cả nhà. Mọi người hoảng hốt tông của chạy ra ngoài. Khi đã hoàn hồn, cha mẹ kiểm điểm lại các con mới hay còn thiếu đứa út. Nó sợ lửa nên không dám chạy ra ngoài như các anh chị, trái lại đã leo lên lầu. Nhưng lửa và khói bắt đầu bốc lên tới lầu trên. Cha mẹ lớn tiếng gọi nó. Đứa bé mở cửa nhìn xuống, nhưng vì khói mù mịt nên chẳng trông thấy gì, chỉ nghe tiếng gọi của người cha mà thôi. Cha nó giục: "Con cứ nhẩy xuống, cha sẽ đỡ con". Thằng bé mếu máo khóc: "Con không dám nhẩy đâu, vì con chẳng trông thấy cha!". Người cha vội trấn an: "Nhưng cha trông thấy con, con cứ nhẩy xuống đi, cha sẽ ẵm con". Cuối cùng mặc dù chẳng trông thấy gì, nhưng thằng bé hoàn toàn tin tưởng và hy vọng và lời hứa của người cha... nên nhắm mắt nhẩy xuống.

Như đứa bé trong câu chuyện, có những trường hợp người tín hữu cũng trải qua đêm đen dầy đặc, chẳng trông thấy gì và rất có thể cũng chẳng cảm nghiệm gì. Tuy nhiên, tin tưởng nơi lời mời gọi và tình thương của Thiên Chúa... vẫn nhất quyết bước đi.

Theo nghĩa rộng, tin là chấp nhận một các tự do lời nói, ý kiến, quan điểm, lời mời gọi hay hứa hẹn của một ai đó. Cuộc sống thường nhật của chúng ta được xây dựng trên một sự tin tưởng nào đó nơi cuộc đời và con người. Chẳng ai có thể sống và làm việc nếu triệt để không tin vào ai cả. Rất nhiều kiến thức và thông tin của chúng ta được xây dựng trên yếu tố niềm tin: chẳng hạn tin ở tính chính xác của thông tin và thái độ chuyên nghiệp của người đưa tin. Dĩ nhiên, có những trường hợp người đưa tin hiểu sai, hoặc tệ hơn nữa đã bóp méo sự thật hay bịa đặt một nguồn tin nào đó. Chính vì vậy, không thể ngây thơ đặt niềm tin vào bất cứ ai, nhất là ở thời đại chúng ta. Tuy nhiên, một xã hội lành mạnh không thể triệt để xây dựng trên nghi ngờ và dối trá.

Trong phạm vi tôn giáo, không bao giờ có thể đồng hóa niềm tin với sản phẩm của suy tư triết học hay thành quả của công trình nghiên cứu, thí nghiệm khoa học. Niềm tin tôn giáo biểu thị mối tương quan ân tình và tín thác giữa Thiên Chúa với người tín hữu. Niềm tin tôn giáo giúp người tín hữu gặp gỡ Thiên Chúa và đặt trọn vận mệnh của mình trong bàn tay nhân ái của Ngài. Tin là cái gật đầu chấp nhận tiếng gọi xa hơn, cao hơn chính bản thân... để can đảm bước đi xa hơn lãnh vực khả tri, khả giác và khả nghiệm.

Có thể đặt vấn đề về những lý do để tin và cũng có quyền không tin. Tuy nhiên, nói một cách nghiêm chỉnh không thể đồng hóa niềm tin tôn giáo với những hình thức mê tín, hay đặt ngang hàng việc tin vào một Thiên Chúa toàn năng với chuyện ông Táo chầu trời hay chú Cuội ngồi gốc cây đa. Tin là một thái độ của con người toàn diện quyết định vượt xa mọi thực tại hữu hình, mọi lý luận phàm trần để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, để bước theo Ngài. Chính niềm tin này cho phép tín hữu tham dự vào huyền nhiệm của Ngài, giúp họ biết nhìn vạn sự theo nhãn quan của Ngài, dạy họ biết mở rộng lòng mình để đón nhận chân lý mạc khải và can đảm sống trung thực với niềm tin của mình. Trong ý nghĩ đó tin luôn đòi hỏi con người phải đi tới, phải vượt ra khỏi phạm vi chật hẹp của lý trí để bước vào tương quan huyền nhiệm với Đấng Tuyệt Đối.

Kiến thức khoa học là một thứ biết thuộc loại thời thượng ở xã hội hôm nay, nhưng không phải là cái biết duy nhất và độc nhất. Còn nhiều cách thế nhận thức khác nữa. Paul Valéry dám nói "mơ mộng cũng là nhận thức" (le songe est savoir). Pascal cho rằng trái tim có lý lẽ riêng mà lý trí không hiểu nổi. Trên đời này có nhiều điều chỉ có thể cảm nghiệm chứ đâu có thể đo lường bằng tiêu chuẩn khoa học. Làm sao đo đếm được tình yêu và tình bạn? Biết lấy gì để thẩm định tình mẫu tử? Trong ý nghĩa đó, dù rằng tin không đồng nghĩa với tri thức khao học, nhưng tin cũng bao hàm một cách thế nhận thức, ở bình diện khác, vì "sự chắc chắn do ánh sáng của Thiên Chúa ban thì lớn lao hơn sự chắc chắn do ánh sáng tự nhiên của lý trí" (Tôma Aquinô).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét