Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2011

Trăm Năm Có Nghĩa Gì Đâu


Vũ trụ cũng như các ngôi sao già nhất, những nguyên tử cổ xưa nhất và các dải ngân hà đều cùng một tuổi, khoảng 15 tỉ năm. Từ giữa giải ngân hà đó, cách đây khoảng 5 tỉ năm, Thái dương hệ và các hành tinh phụ thuộc của nó đã xuất hiện. Trái đất thân yêu của chúng ta, nằm khiêm tốn trong một góc của ngân hà, xuất hiện cách đây khoảng 4,6 tỉ năm. Dấu vết sự sống đầu tiên có trên mặt đất cách chúng ta khoảng 3500 triệu năm...

Giải Ngân hà của chúng ta có dạng có dạng một đĩa có đường kính 90.000 năm ánh sáng. Đĩa này rất mỏng, với bề dầy chỉ bằng một phần trăm đường kính của nó, và chứa khoảng vài trăm tỉ ngôi sao xoay quanh tâm đĩa, tức là tâm thiên hà. Mặt trời ở cách mép thiên hà khoảng 2/3 bán kính, tức là cách tâm thiên hà 30.000 năm ánh sáng. Nó cùng với hệ mặt trời chu du quanh tâm thiên hà với vận tốc 230km/s và sau 250 triệu năm mới quay trọn một vòng. Từ khi sinh ra, mặt trời đã quay được cả thẩy 18 vòng quanh ngân hà. Nhưng dải ngân hà của chúng ta cũng chỉ là một dải ngân hà thuộc loại trung bình, trong muôn vàn giải ngân hà đang lấp lánh trên bầu trời. Người ta ước tính có tới 50 triệu giải ngân hà, mặc dù hiện nay mới có thể liệt kê khoảng 200.000 ngân hà mà thôi.

Nhiều lý chứng cho thấy vũ trụ đang mở rộng thêm nữa. Các dải ngân hà và các ngôi sao ngày càng xa nhau hơn. Có những vì sao ánh sáng của nó vẫn chưa tới trái đất của chúng ta. Đó là một trong những lý chứng giải thích tại sao giải ngân hà và các vì sao nhiều như vậy, mà đêm vẫn đen mà bầu trời vẫn tối. Giữa vũ trụ bao la đó, trái đất chẳng qua chỉ là một hạt bụi! Đã qua rồi cái thời huy hoàng, cứ lầm tưởng trái đất là "cái rốn" của vũ trụ. So với vũ trụ bao la, trái đất thực chẳng đáng kể gì! Nó khiêm tốn nép mình ở một góc khuất trong vũ trụ bao la.

Nhìn lại lịch sử nhân loại, bao nhiêu nền văn minh, triều đại và chế độ đã lần lượt kế tiếp nhau. Có những nền văn hóa thật hùng mạnh và lâu dài. Có những chế độ chợt bùng lên, rồi vụt tắt! Nhưng, dù dài hay ngắn, oai hùng hiển hách hay đen tối bi thảm, cuối cùng tất cả đã lần lượt theo nhau vào dĩ vãng!

Những khám phá của thiên văn học càng cho thấy vị trí quá nhỏ nhoi và vô thường của con người trước vũ trụ bao la! Trăm năm có nghĩa gì so với chiều dài của lịch sử và của vũ trụ? Những cuồng vọng "đội đá vá trời" hay "thay đổi trời đất, sắp đặt lại giang sơn" rốt cuộc đi đến đâu? Hay chỉ gây thêm đổ vỡ và khổ đau? Bao nhiêu người nuôi mộng thành Thần, thành Phật, thành Trời, theo gương Promethée, bây giờ ra sao? Hay đã thành tro bụi?

Có nhiều cách trả lời khác nhau. Và mỗi cách trả lời giả thiết một quan niệm sống hay một thái độ tin. Đây là chân trời nghĩa thể, là vấn đề sống chết của mỗi con người. Thật thiết thân và bi đát, nhưng nhiều khi lại chẳng dính dáng gì tới chuyện khoa học.

Càng lớn tuổi, con người càng cảm thấy cô đơn, nhiều tiếc nuối với những nỗi buồn vu vơ. Mộng ước và dự phóng của tuổi trẻ đang dần dần vượt khỏi tầm tay. Tuổi đời càng cao, cuộc sống càng bị rút ngắn, trong khi đó tương lai càng xa mờ, thăm thẳm, vô thường, vô biên. Rồi một ngày nào đó, tôi sẽ phải nói lời vĩnh biệt với cuộc sống này... như trăm triệu người trước và sau tôi. Và cũng chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát lên câu hát định mệnh ấy, thâm thúy và nghiêm trang như một triết lý sống:

"Bao nhiêu năm làm kiếp con người,
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét