Thứ Năm, 23 tháng 10, 2008

14. Những Người Mạnh Mẽ

Nước Trời phải chịu cưỡng bách, và chỉ những
người mạnh mẽ mới chiếm được mà thôi.
Mt 11: 12
Bạn hãy so sánh vẻ rạng ngời êm đềm và bình dị của một nụ hồng đang tươi nở với cuộc đời đầy những căng thẳng và bất an của bạn. Nụ hồng được hưởng một tặng ân mà bạn không được: nó hoàn toàn bằng lòng với chính mình. Nó không bị lập trình từ bẩm sinh như bạn, không bất mãn với chính mình, thành ra nó không hối hả để trở nên một thứ gì khác với chính nó. Vì vậy, nụ hồng sớm sở hữu một vẻ đẹp duyên dáng hồn nhiên mà không chịu sự giằng co nội tâm nào như toàn thể nhân loại, trừ những con trẻ và những nhà thần bí.
Bạn hãy xem lại tình trạng thê thảm của bạn. Lúc nào bạn cũng bất mãn với bản thân, lúc nào cũng muốn thay đổi con người của bạn. Vì thế, bạn đầy ắp bạo lực và bất nhẫn với bản thân là những thứ chỉ lớn lên được nhờ những nỗ lực bạn thực hiện để biến đổi bản thân. Vì vậy, bất kỳ biến đổi nào bạn đạt được luôn luôn đi kèm sự chiến đấu nội tâm. Bạn đau khổ khi nhìn thấy người khác đã đạt được điều mà bạn chưa đạt được, hoặc họ đã đạt đến một bậc nào đó mà bạn chưa đạt đến.
Liệu bạn còn bị dằn vặt vì tính ghen tương và tị hiềm, nếu như nụ hồng, bạn cũng hài lòng với bản thân và không bao giờ thèm khát những gì không phải là bạn nữa không? Nhưng bạn vẫn bị thôi thúc để trở nên một bậc nào đó với nhiều tri thức hơn, ngoại hình lý tưởng hơn, danh giá rạng rỡ hơn, hoặc thành công hơn hiện nay. Bạn muốn trở nên nhân đức hơn, đáng yêu hơn, trầm tư hơn; bạn muốn nhìn thấy Thiên Chúa tức thì, muốn đến gần những lý tưởng của bạn hơn.Bạn hãy nghĩ lại lịch sử u buồn của những nỗ lực của bạn khi tự vươn lên, hoặc sẽ kết thúc ở thất bại hoặc thành công, nhưng sau một cái giá phải trả thật đắt đỏ và đau đớn.
Giờ đây, giả sử bạn bỏ ngang tất cả những nỗ lực tự biến đổi và tất cả những gì bất mãn với bản thân, khi ấy, bạn có thể đi ngủ sau khi đã chấp nhận một cách tiêu cực tất cả những gì nơi bạn và chung quanh bạn hay không? Vẫn còn một cách khác ngoài cách một đàng tự thôi thúc và một đàng đành chịu vậy. Đó là con đường biết mình. Điều này không dễ dàng chút nào, bởi vì việc hiểu biết đích thực về bản thân bạn đòi hỏi một sự tự do hoàn toàn khỏi mọi ước vọng muốn biến đổi bạn thành một con người khác. Bạn sẽ nhìn ra điều này, nếu như bạn so sánh thái độ của một nhà khoa học nghiên cứu những đàn kiến mà không muốn thay đổi chúng, với thái độ của một người huấn luyện chó nghiên cứu thói quen của một con chó vì muốn cưỡng ép nó học biết một điều gì đó. Nếu điều bạn cố gắng không phải là biến đổi bản thân bạn, nhưng là quan sát bạn, nghiên cứu từng phản ứng của bạn đối với những người và những vật chung quanh, mà không phán đoán hoặc kết án, hoặc ước muốn biến đổi bản thân, sự quan sát của bạn sẽ khách quan, toàn diện, không bao giờ dính đét vào những kết luận cố định, nhưng luôn luôn rộng mở và mới mẻ trong từng giây phút. Khi ấy bạn sẽ nhận ra một điều kỳ diệu đang xảy ra trong bạn: Bạn sẽ được tràn ngập thứ ánh sáng nhận thức, bạn sẽ trở nên trong suốt và được biến đổi.
Khi ấy, phải chăng sự biến đổi sẽ xẩy đến? Đúng vậy. Sự biến đổi sẽ xẩy đến nơi bạn và chung quanh bạn. Nhưng sự biến đổi sẽ không được thực hiện do cái tôi khôn lanh và bất an của bạn là cái muôn đời vẫn tranh cạnh, so sánh, miễn cưỡng, lên lớp, mánh khóe trong bất nhẫn và những tham vọng của nó, và qua đó, tạo ra sự căng thẳng, mâu thuẫn, và chống đối nhau giữa bạn và Tự Nhiên - một quá trình mệt nhoài, tự hại mình giống như vừa tăng ga vừa đạp thắng. Không, ánh sáng có sức biến đổi của sự nhận thức xô giạt cái tôi mưu mô, tự tìm mình của bạn để nhường cho Tự Nhiên toàn quyền thực hiện thứ biến đổi mà Tự Nhiên đã tạo ra nơi nụ hồng: hồn nhiên, duyên dáng, vô tư, lành mạnh, không vướng mắc vì cuộc giằng co nội tâm.
Vì mọi biến đổi đều là bạo lực, nên Tự Nhiên cũng có bạo lực. Nhưng phẩm chất kỳ diệu của bạo lực nơi Tự Nhiên không giống như bạo lực của cái tôi, vì nó không phát xuất từ sự bất nhẫn và tự ghét mình. Vì thế, không có sự tức giận trong cơn giông tố quét sạch những vật cản, con cá lớn nuốt con cá nhỏ hơn vì vâng theo những quy luật về sinh thái mà chúng ta không biết; các tế bào cơ thể hủy diệt lẫn nhau nhằm tạo ra một điều hữu ích hơn. Khi Tự Nhiên hủy diệt, điều này không phát sinh từ thói tham vọng hặc tham lam hoặc tự nâng mình lên, nhưng chỉ vâng theo những quy luật nhiệm màu, mưu ích cho toàn thể vũ trụ hơn là sự sống còn hoặc lợi ích của một vài cá thể.
Chính đó là thứ bạo lực xuất hiện nơi những nhà thần bí, những người đã thịnh nộ chống lại các ý tưởng và các cơ cấu đã ăn sâu vào xã hội và nền văn hóa khi sự ý thức làm các ngài thức tỉnh trước những sự dữ mà những người đương thời của các ngài mù quáng không nhận ra được. Đó chính là thứ bạo lực làm cho nụ hồng nở hoa, bất chấp những thế lực thù nghịch với nó. Và cũng chính với bạo lực này, nụ hồng, cũng như nhà thần bí, sẽ từ tốn chấp nhận sau khi đã nở ra những đài hoa trước ánh nắng mặt trời và sống một cách mảnh mai, khả ái, không quan tâm đến việc đòi sống thêm một giây phút nào ngoài quãng thời gian dành cho nó. Và như thế, nụ hồng sống trong sự chúc phúc và vẻ đẹp như những cánh chim bay lượn trên bầu trời và những bông hoa dại ngoài đồng nội, không một chút day dứt hoặc bất mãn, không ganh tị và ưu tư hoặc tranh cạnh là những điều đặc trưng cho thế giới con người, những kẻ tìm kiếm sự kiểm soát, cưỡng đặt hơn là bằng lòng lớn lên tron sự ý thức, phó mặc đổi dời cho sức mạnh quyền năng Thiên Chúa trong Tự Nhiên.
Nguyên tác: The Way To Love
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét