Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2008

17. Trở Nên Như Con Trẻ

Quả thật, Thầy bảo thật các con, nếu các con
không trở nên như con trẻ,
các con sẽ không được vào Nước Trời.
Mt 18: 3
Đặc điểm đầu tiên ai cũng nhận thấy khi nhìn vào đôi mắt của một con trẻ là vẻ hồn nhiên: con trẻ thật đáng yêu, không biết nói dối, không biết đeo mặt nạ hoặc giả vờ ra bộ làm một cái gì đó không phải là mình. Ở điểm này, con trẻ thực sự giống như những gì khác trong Tự Nhiên. Một con chó là một con chó; một nụ hồng là một nụ hồng; một ngôi sao là một ngôi sao, mọi sự đều là chính nó, một cách đơn giản. Chỉ có người lớn mới có khả năng làm một đàng và giả vờ một nẻo. Khi người lớn trừng phạt đứa trẻ vì đã nói thật, vì nó đã nói toạc ra điều nó suy nghĩ và cảm nhận, khi ấy đứa trẻ mới học biết cách che đậy, và sự hồn nhiên của nó bị hủy hoại. Ngay khi ấy, đứa trẻ gia nhập vào hàng ngũ của vô số người đã thú nhận một cách tuyệt vọng, "Tôi không biết mình là ai nữa." Bởi vì sau khi đã che đậy sự thật của mình quá lâu trước mắt người khác, rốt cuộc họ cũng che đậy con người của họ với bản thân họ. Bạn vẫn còn giữ lại được bao nhiêu nét hồn nhiên tuổi thơ của bạn? Hôm nay, bạn còn dám là mình một cách đơn thành và hoàn toàn là mình trước mắt một ai hay không? Bạn dám cởi mở tất cả và sống vô tư như một con trẻ hay không?
Còn một cách đánh mất sự hồn nhiên của con trẻ tế nhị nữa: đó là khi đứa trẻ bị tiêm nhiễm khát vọng muốn trở thành một người nào đó. Bạn hãy nhìn những đám đông, họ đang cố gắng hết sức để trở thành một người nổi tiếng, thành công, quyền thế. Họ không muốn trở nên người như Tự Nhiên muốn cho họ trở thành - nhạc sĩ, đầu bếp, kỹ sư, thợ mộc, nông gia, nhà phát minh - nhưng trở nên một ông nọ bà kia, để đem đến không phải tâm trạng an phận thủ thường, nhưng là thói tự tôn, tự đại. Bạn đang nhìn thấy những con người đã đánh mất nét hồn nhiên, vì họ không muốn làm chính họ, nhưng muốn đề cao, muốn phô trương bản thân, cho dù chỉ trước con mắt của chính họ. Bạn hãy nhìn vào cuộc sống thường nhật của bạn. Có một ý nghĩ nào, lời nói nào, hành vi nào của bạn lại không bị tiêm nhiễm khát vọng trở thành một nhân vật nào đó, mặc dù tất cả những gì bạn mưu tìm là sự thành đạt trên đường thiêng liêng hoặc để trở thành một vị thánh mai danh ẩn tích không ai biết đến, ngoại trừ chính bản thân bạn? Con trẻ, giống như một con vật hồn nhiên, phó mình cho Tự Nhiên và trở thành chính nó một cách đơn thành. Những người lớn nào còn giữ được sự hồn nhiên đơn sơ cũng phó mình như con trẻ cho sự thúc đẩy của Tự Nhiên hoặc Phận Phúc mà không chút suy nghĩ đến việc trở thành một nhân vật nào đó hoặc để gây ấn tượng với thiên hạ. Tuy nhiên, những người lớn này khác với con trẻ ở chỗ họ không cậy dựa vào bản năng, nhưng vào một nhận thức liên lỉ về tất cả những gì nơi bản thân và quanh quanh. Nhận thức ấy che chở họ khỏi sự dữ và thực hiện sự thăng tiến mà Tự Nhiên muốn cho họ, chứ không phải do cái tôi đầy tham vọng của họ phác họa ra.
Và đây là một cách nữa mà người lớn đã dùng để hủy hoại sự hồn nhiên của trẻ thơ: Họ dạy trẻ con bắt chước một người nào đó. Ngay khi bạn bắt một đứa trẻ khác trở thành một tờ giấy than có khả năng đồ lại, bạn đã dập tắt tia lửa nguyên tuyền đồng hành với đứa trẻ khi nó bước vào hiện hữu. Ngay khi bạn muốn trở thành một người khác không phải là chính bạn, cho dù vĩ đại và thánh thiện đến đâu, thì bạn đã ngoại tình và phản bội với chính hữu thể của bạn. Bạn hãy buồn và nghĩ về tia lửa thần linh của nét cá biệt tiềm ẩn trong bạn, bị chôn vùi dưới những nỗi sợ hãi tầng tầng lớp lớp. Bạn sợ bị chê cười hoặc bị khước từ nếu như bạn dám sống đúng là mình và không theo người khác một cách máy móc trong cách ăn mặc, hành động, và suy nghĩ. Bạn hãy nhìn xem mình bắt chước không những trong hành động, tư tưởng mà còn cả trong những phản ứng, những cảm xúc, những thái độ, và cả những giá trị của bạn nữa. Bạn không dám cương quyết với tình trạng ngoại tình này để đòi lại sự hồn nhiên thuở ban đầu của bạn. Đó là cái giá bạn phải trả để đánh đổi tấm hộ chiếu mà xã hội hoặc tổ chức chấp nhận bạn. Bạn gia nhập thế giới của những kẻ quanh quéo và những kẻ bị kiểm soát như vậy đó, và bạn bị đẩy khỏi vương quốc dành cho tuổi thơ ngây dại hồn nhiên.
Cách tinh tế sau cùng bạn đã dùng để hủy hoại sự ngây thơ của bạn là khi bạn tranh cạnh và sánh mình với người khác. Khi làm như thế, bạn đánh đổi sự đơn sơ của bạn để lấy tham vọng muốn trở nên đẹp tốt cho bằng hoặc vượt trên một ai đó. Bạn hãy nghĩ coi: Lý do một đứa trẻ vẫn giữ được sự hồn nhiên và sống như vạn vật giữa hạnh phúc của Nước Chúa là vì nó chưa bị cuốn hút vào cái mà chúng ta gọi là thế gian - tức là miền tăm tối, nơi những người lớn đang sống. Những người này có cuộc đời không phải để sống, nhưng để mồi chài lời tán tụng và thán phục. Họ không sống đúng là mình một cách thỏa nguyện, nhưng trong sự điên rồ so sánh và tranh cạnh, chạy theo những điều rỗng tuếch được gọi là thành công và danh giá, mặc dù phải trả giá bằng việc hạ gục, làm nhục, và hủy diệt những người xung quanh. Nếu bạn để mình thực sự phải chịu những đớn đau của cái hỏa ngục ấy ngay ở đời này, tức là cái rỗng tuếch cùng cực do nó đem đến, bạn sẽ cảm nghiệm nơi mình một cuộc phản kháng, một sự kinh tởm mãnh liệt, đến độ sẽ bẻ gẫy những xiềng xích lệ thuộc và lừa dối được tạo nên chung quanh tâm hồn bạn. Bạn sẽ cất bước đi vào vương quốc của sự hồn nhiên, nơi cư ngụ của những linh hồn thần bí và các trẻ thơ.
Nguyên tác: The Way To Love
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét