Thứ Hai, 20 tháng 10, 2008

11. Không Còn Hòn Đá Nào Trên Hòn Đá Nào

Khi các môn đệ của Ngài lại gần và chỉ cho Ngài
xem công trình kiến trúc Đền Thờ, nhưng Ngài phán,
"Các con nhìn thấy tất cả những cái đó phải không?
Thầy bảo thật các con: tại đây, sẽ không còn hòn đá
nào trên hòn đá nào, tất cả đều sẽ bị phá đổ."
Mt 24: 1- 2
Bạn hãy tưởng tượng một người phục phịch, nung nẩy những lớp mỡ. Đó là hình ảnh mà tâm trí của bạn có thể trở nên - phì nộm, bọc đầy những lớp mỡ cho đến khi trở nên đần độn, biếng suy nghĩ, lười quan sát, nản tìm tòi, chán khám phá. Nó mất hết sự nhanh nhạy, linh hoạt, uyển chuyển, và đi đến chỗ ngủ mê. Bạn hãy nhìn chung quanh và bạn sẽ thấy hầu như tâm trí mọi người cũng đều như thế: đần độn, mê ngủ, ù lì, bị những lớp mỡ dày phủ bọc, không muốn bị quấy rầy, không muốn bị chất vấn để thức tỉnh.
Những lớp mỡ kia là gì? Chúng là tất cả những điều yên trí mà bạn đang có, mọi kết luận mà bạn đang giữ chặt về những con người và sự vật, chúng ta tất cả những thói quen và những dính bén. Trong những tháng năm được đào luyện, chắc chắn bạn đã được giúp sức để loại bỏ các lớp mỡ và giải thoát tâm trí của bạn. Ngược lại, xã hội của bạn, nền văn hóa của bạn, tức là những tác nhân đầu tiên đã phủ bọc những lớp mỡ này quanh tâm trí của bạn, đã dạy cho bạn đừng lưu tâm đến chúng, hãy cứ ngủ đi, và để những người khác - những chuyên gia, những nhà chính trị, những nhà lãnh đạo văn hóa và tôn giáo - làm công việc suy nghĩ thay cho bạn. Do đó bạn quằn lưng thần phục quyền lực và tập tục của thói không thèm suy tư, không cần đặt câu hỏi.
Chúng ta hãy xem lại những lớp mỡ này, từng lớp một. Trước tiên là những điều yên trí. Nếu bạn kinh nghiệm cuộc sống như một người vô sản hay một nhà tư sản, như một tín đồ Hồi Giáo hoặc như một người Do Thái, tức là bạn đang kinh nghiệm cuộc sống một cách thành kiến, thiên lệch. Có một hàng rào cản, một lớp mỡ phân cách Thực Tế và bạn, bởi vì bạn không nhìn thấy và chạm được thực tế một cách trực tiếp.
Lớp mỡ thứ hai: những tư tưởng của bạn. Nếu bạn giữ chặt một tư tưởng nào đó về một ai đó, khi ấy bạn không còn yêu con người ấy nữa, nhưng là yêu chính cái tư tưởng của bạn về con người đó. Bạn nhìn ông ấy hoặc bà ấy nói năng một lời gì đó, hoặc hành động và cư xử một cách nào đó, và bạn gán ngay cho họ một tấm nhãn: Mụ này ngớ ngẩn, lão kia đần độn, ông nọ dã man, bà này dịu dàng, v. v... Thế là giờ đây bạn đã có một tấm lá chắn, một lớp mỡ phân cách bạn và con người kia. Bởi vì lần tiếp sau đó khi bạn gặp họ, bạn sẽ nhìn họ trong khung tư tưởng kia của bạn, mặc dù họ đã thay đổi. Bạn hãy xem hầu như bạn đã thực hiện điều này với tất cả những người bạn đã từng gặp qua.
Lớp mỡ thứ ba: những thói quen. Thói quen là điều thiết yếu đối với con người. Chúng ta sẽ đi lại, nói năng, hoặc lái xe như thế nào nếu chúng ta không dựa vào thói quen? Nhưng thói quen phải được giới hạn trong phạm vi những gì là máy móc - chứ không được bao hàm cả tình yêu và cách nhìn. Có ai lại muốn được yêu thương theo thói quen hay không? Bạn có bao giờ đã từng ngồi bên bờ biển, đắm đuối trước vẻ uy nghi và màu nhiệm của đại dương chưa? Một ngư phủ ngày nào cũng nhìn thấy đại dương nhưng chẳng nhận ra được nét vĩ đại của đại dương. Tại sao? Đó là tác động gây đần độn của một lớp mỡ được gọi là thói quen. Bạn đã tạo ra những tư tưởng cứng nhắc về những sự vật bạn nhìn thấy, và khi gặp lại chúng, bạn không nhìn thấy chúng với tất cả nét mới mẻ của chúng nữa, nhưng chính bằng cái tư tưởng cũ rích, dầy cộp, và chán chường do thói quen tạo ra. Và đó lại là cung cách bạn đối xử với tất cả những con người và những sự vật, cho dù bạn liên hệ với họ như thế nào đi nữa: không còn gì nồng nhiệt, chẳng có gì mới mẻ, nhưng là những cung cách tẻ nhạt, sáo mòn, ngao ngán do thói quen tạo nên. Bạn không thể nhìn xem bằng những cách thức khác lạ và sáng tạo nữa, bởi vì sau khi đã có một thói quen trong việc đối xử với thế giới và với con người, bạn có thể giao tâm trí mình cho một chế độ điều khiển tự động, và rồi đi ngủ.
Lớp mỡ thứ tư: những dính bén và những sợ hãi của bạn. Lớp mỡ này dễ dàng được nhìn ra hơn cả. Bạn hãy phủ lớp áo dày cộp của sự dính bén, hoặc sợ hãi (và do đó, là không ưa thích) lên bất cứ vật nào hay người nào - ngay lúc ấy, bạn sẽ không còn nhìn thấy đích thực con người họ nữa. Bạn chỉ cần nhớ lại một người nào đó trong số những người bạn không ưa thích, hoặc sợ hãi, hoặc dính bén, và bạn sẽ nhận ra điều này chính xác như thế nào.
Bạn có thấy rằng hiện giờ bạn đang bị giam hãm trong một nhà tù được xây nên do những yên trí của bạn, những tập tục xã hội và văn hóa của bạn, những tư tưởng, những thành kiến, những dính bén, những sợ hãi từ những kinh nghiệm quá khứ của bạn hay không? Hết lớp tường này đến lớp tường kia bao phủ chung quanh xà lim của bạn, thành ra hầu như không bao giờ bạn có thể phá đổ tất cả và tiếp xúc được với sự phong phú của cuộc sống, của tình yêu, và tự do ở phía ngoài nhà tù của bạn.
Tuy nhiên, công việc này không phải là bất khả thi, trái lại rất dễ dàng và đầy hứng thú. Bạn có thể làm được những gì để phá vỡ và thoát ra? Bốn điều: Thứ nhất, bạn hãy nhìn nhận mình đang bị giam hãm trong những bức tường nhà tù, và tâm trí của bạn đã ngủ mê. Đa số người ta không nghĩ đến điều này, thành ra họ sống và chết như những người nội trú chung thân trong nhà tù. Rốt cuộc, đa số mọi người đều sống như nhau, sống theo lối nhà tù. Một ít người trở thành những nhà cải cách; đấu tranh vì những điều kiện sinh sống tốt hơn trong nhà tù, nhiều ánh sáng hơn, nhiều thông thoáng hơn. Nhưng hầu như chẳng mấy ai trở thành những người nổi dậy, những nhà cách mạng đứng lên phá đổ những bức tường nhà tù. Bạn chỉ có thể trở thành một nhà cách mạng nếu như trước tiên bạn phải nhìn thấy những bức tường nhà tù.
Thứ hai, bạn hãy nhìn thật kỹ những bức tường ấy, dùng nhiều thời giờ để xem lại những ý tưởng, những thói quen, những dính bén, và những sợ hãi của bạn mà đừng phán đoán hoặc kết án. Bạn hãy nhìn vào chúng, và chúng sẽ sụp đổ xuống.
Thứ ba, bạn hãy dành thời gian để xem lại những sự vật và những người chung quanh của bạn. Hãy nhìn, nhưng phải nhìn thực sự, nhìn như thể lần đầu tiên vào khuôn mặt người thân của bạn, một lá cây, một thân cây, một cánh chim đang bay lượn, thái độ và cách cư xử của những người chung quanh. Bạn hãy thực sự ngắm nhìn họ và hy vọng bạn sẽ thấy họ mới lạ như chính con người của họ, không bị ảnh hưởng vì những tư tưởng và thói quen cũ rích và sáo mòn của bạn.
Thứ tư và là bước quan trọng nhất: Bạn hãy ngồi xuống và xem lại tâm trí của bạn hoạt động như thế nào. Ở đó có một dòng những tư tưởng, những cảm nghĩ, và những phản ứng. Bạn hãy nhìn toàn bộ thật lâu như thể nhìn một dòng sông hay thưởng thức một bộ phim. Bạn sẽ thấy có nhiều điều còn lôi cuốn hơn một dòng sông hoặc một bộ phim, bởi vì chúng còn đem lại sinh lực và sức giải thoát hơn nữa.
Sau cùng, liệu có thể bạn vẫn đang sống hay không khi bạn không ý thức gì về những tư tưởng và những phản ứng của chính bạn? Người ta nói một cuộc sống không nhận thức là một cuộc sống không đáng sống. Nó không thể được gọi là cuộc sống; mà chỉ là dạng hiện hữu cơ khí như người máy mà thôi; nó là một giấc ngủ, một tình trạng vô thức, một cái chết; tuy nhiên, đó lại là cái mà người ta vẫn gọi là cuộc sống con người!
Vậy bạn hãy xem, hãy quan sát, hãy đặt câu hỏi, hãy dò tìm, và tâm trí của bạn sẽ sống động trở lại. Bạn hãy loại bỏ những lớp mỡ của tâm trí bạn và nó sẽ trở nên linh hoạt, sắc bén và năng động. Những bức tường nhà tù của bạn sẽ đổ xuống, không còn một hòn đá nào trên hòn đá nào, và bạn sẽ được chúc phúc bằng một cái nhìn không còn chướng ngại về vạn vật đúng như bản chất của chúng, một kinh nghiệm trực tiếp về Thực Tại.
Nguyên tác: The Way To Love
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét