Chúng tôi tạm hiểu thế hệ như tập hợp một lớp người cùng lứa tuổi và cùng sống trong một khoảng thời gian, không gian, điều kiện xã hội, kinh tế nào đó. Nói chung, họ có chung một thế giới khách thể, cùng chia sẻ phần nào thế giới nghĩa thể, với những cảm nghĩ, thao thức, trăn trở trước cuộc sống. Vì cùng sống, phát triển và chịu ảnh hưởng của thời đại, mỗi thế hệ có những biểu lộ độc đáo về cuộc đời, lối sống, nếp nghĩ, thái độ, hành vi ứng xử, cách thế nhìn đời ... Dĩ nhiên, chẳng có thể tìm thấy nơi các thế hệ này những tâm tình, xu hướng, thái độ đồng nhất. Thế hệ nào cũng có một số tâm tình chung, những khuynh hướng chủ đạo, nhưng chẳng dễ gì biến thành nét đồng nhất, đồng loạt và đồng thuận hoàn toàn.
Mỗi thế hệ cũng có một quá trình tiến hóa, một thế giới khách thể và nghĩa thể riêng biệt, tùy thuộc hoàn cảnh lịch sử, địa dư, hoàn cảnh kinh tế, hoàn cảnh văn hóa và tôn giáo. Nếu không để ý đúng mức đến yếu tố lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị và điều kiện khoa học kỹ thuật của từng thế hệ, chúng ta khó tránh khỏi những cái nhìn phiến diện, những lời phê phán giáo điều, thiếu xác thực và bất công.
Ý thức sự đa diện, phong phú và phức tạp của vấn đề, cũng như giới hạn của người viết, những dòng dưới đây chỉ là một vài nét chấm phá mộc mạc. Tạm coi là phần dẫn nhập hữu ích để tìm hiểu và nhận diện người trẻ Việt Nam hôm nay[1].
1- Bước đột biến: từ bao cấp đến A - Còng...
Người quan sát tinh ý sẽ nhận thấy ngay thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay khác biệt rất nhiều với thế hệ các đàn anh, đàn chị ngày trước. Sự khác biệt này trước hết do yếu tố chính trị, điều kiện kinh tế, môi trường xã hội và nhất là những biến đổi sâu xa về khoa học kỹ thuật. Nhìn một cách tổng quát, những khác biệt này đang được biểu lộ qua lối sống, nếp nghĩ, tâm trạng, não trạng, thái độ trước cuộc đời, cũng như điều kiện phát triển bản thân, cơ hội hưởng thụ, v.v. của người trẻ.
Sau biến cố 1975, tại Miền Nam Việt Nam, cái gọi là "lý tưởng quốc gia" hoàn toàn bị phá sản. Chế độ chủ nghĩa xã hội được áp dụng cho cả hai miền đất nước. Nhưng từ khi bức tường Bá Linh sụp đổ, thử hỏi còn bao nhiêu người tiếp tục đặt hy vọng nơi lý tưởng xã hội chủ nghĩa? Tại khắp nơi trên thế giới, chủ nghĩa tân tư bản đã trở thành mô hình kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sau mấy năm đầu lạc quan và hồ hởi, hôm nay hồ dễ còn bao nhiêu người ngây thơ nghĩ rằng kinh tế thị trường tự nó sẽ giải quyết mọi vấn đề và đem lại hạnh phúc cho mọi người!
Đối diện với sự phá sản thê thảm của các chủ nghĩa và các ý thức hệ từng hướng dẫn nhân loại trong nhiều thập niên, nhiều người trẻ Việt Nam đang chao đảo trong cảnh "tranh tối tranh sáng" của một xã hội vàng thau lẫn lộn. Cái đau nhức và bi đát nhất của nhiều người trẻ là hầu như chẳng còn lý tưởng để tranh đấu và để sống! Là nạn nhân của buổi giao thời, họ đang phải lần mò, quờ quạng trong bóng đêm để tìm một ý nghĩa và một hướng đi cho cuộc sống. Cũng có những người muốn lấp đầy sự trống vắng về tinh thần và lý tưởng này bằng cách cố gắng làm giàu, kiếm thật nhiều tiền và hưởng thụ bao nhiêu có thể để bù lại những năm dài gian khổ của thời kỳ chiến tranh, cũng như giai đoạn quá bi đát của thời hậu chiến.
So với thế hệ đàn anh đàn chị ngày trước, giới trẻ Việt Nam hôm nay không còn những "nỗi buồn chiến tranh", những mất mát do bom đạn hay những ám ảnh bởi phận người bèo bọt trong thời loạn li. Tuy nhiên, người trẻ hôm nay có những khó khăn, thách đố và đau nhức khác. Cổ nhân ta thường nói: "Đất có Thổ công, sông có Hà bá" hay "vào chùa mới biết sân chùa lắm rêu" hoặc "ở trong chăn mới biết chăn lắm rận". Dù đồng ý hay không, chẳng ai có thể phủ nhận cái thực tế phũ phàng của cuộc sống: "rừng nào cọp nấy".
Một trong những thay đổi sâu sắc nhất là thay đổi trong quan hệ giữa giới trẻ hiện nay và các thế hệ đi trước. Phải công nhận rằng chưa bao giờ tuổi trẻ đã có thể thay thế kinh nghiệm của người đi trước một cách nhanh chóng và đương nhiên như ở thời đại chúng ta. Rất nhiều kinh nghiệm sống của ông bà đã mất giá trị, bởi vì các vị không thể hiểu được công việc giới trẻ đang làm, không nói được thứ ngôn ngữ riêng biệt của giới trẻ hiện đại và chẳng bao giờ hình dung nổi những phương trời tương lai đang chờ đợi giới trẻ.
Đây là thế hệ trẻ Việt Nam sinh ra vào khoảng cuối thập niên 70' và đầu thập niên 80', giữa một đất nước thống nhất và thanh bình. Đây là thế hệ trẻ Việt Nam đầu tiên được chứng kiến những biến đổi bất ngờ và những bước nhảy vọt thần kỳ, chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc: từ giai đoạn ăn bo bo đến thời hiện đại hóa. Về mặt kinh tế, thế hệ này được mệnh danh là thế hệ chuyển hướng từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, trong lãnh vực công nghệ thông tin, đây là một thế hệ đột biến từ một xã hội khép kín sang một xã hội mở của thời toàn cầu hóa. Sử dụng ký hiệu Internet, chúng ta tạm gọi thế hệ này là thế hệ A Còng, A móc.
Lần đầu tiên, sau những thập niên đằng đẵng chiến tranh khói lửa, người trẻ thực sự được sống tuổi trẻ của mình và không phải tiêu huỷ những năm tháng đẹp nhất đời người trong rừng rậm, dưới hầm trú ẩn hay trên bệ pháo. Họ cũng chẳng còn sợ bị cạo đầu khi để tóc dài, hoặc bị rạch quần ống rộng, hay bị kiểm điểm khi công khai hôn nhau. Ít nhất ở thành phố, bây giờ họ ăn ngon mặc đẹp: không những nhu cầu sinh tồn tạm được giải quyết, mà còn có chút son phấn trên môi và có điều kiện để nghĩ đến các giá trị khác của cuộc sống. Và giống như giai đoạn tiền bán thế kỷ XX, con cháu của tầng lớp trung lưu Việt Nam lại thu xếp vali lên đường đi du học ở Bắc Mỹ, Úc, Âu châu, Nhật Bản hay Singapore[2] .
Chính toàn cầu hóa và những biến đổi của khoa học kỹ thuật đã để lại những dấu ấn độc nhất vô nhị trên giới trẻ hôm nay. Chiếc máy vi tính cho phép họ nối kết với thế giới đại đồng, đối thoại trực tiếp, công khai và bình đẳng với những người đồng lứa tuổi ở bất cứ góc bể chân trời nào. Sự "bình đẳng trên mạng" này gây ấn tượng tự tin, tự khẳng định và tạo nhiều ước mơ nơi người trẻ hôm nay.
Theo thống kê, Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp với khoảng hơn 70% dân số sinh sống bằng nghề nông. Đại đa số người Việt Nam vẫn chân lấm tay bùn và chưa có cơ hội tiếp xúc với những phương tiện tối tân của xã hội tin học. Trung tâm Internet, thuộc Bộ Bưu chính - Viễn thông, cho biết số người sử dụng Internet ở Việt Nam hiện nay là 7,7 triệu người, khoảng 9,35% dân số. Con số thuê bao ở Hà Nội và Tp HCM chiếm gần 73% tổng số thuê bao cả nước[3]. Công nghệ Thông tin Việt Nam tuy tăng trưởng khá nhanh trong khu vực nhưng so với thế giới vẫn ở mức thấp: chỉ số xã hội thông tin được xếp thứ 53/53, chỉ số chính phủ điện tử xếp thứ 97/173 nước, chỉ số truy cập số (IDA) đứng thứ 122/178, nhưng tỷ lệ vi phạm bản quyền đứng cuối bảng 86/86[4].
Việt Nam đã trải qua những ngỡ ngàng, chập chững ban đầu và đang có tiến trình phát triển thông tin ở tỉ lệ cao. Dịch vụ Internet tràn làn khắp nơi, rất tiện lợi và với giá sử dụng rất rẻ. Con số người trẻ tiếp cận với công nghệ thông tin và mạng toàn cầu, ngày càng gia tăng. Trong thế giới thông tin đó, nhiều người trẻ Việt Nam có thể học tập, tìm tài liệu, nghiên cứu, làm việc, kết bạn bốn phương và giải trí cùng một lúc. Đây là một cơ may mà các thế hệ trước chưa từng biết tới. Một số người trẻ Việt Nam biết nắm bắt thời cơ, nên đã thành công trong việc hội nhập vào toàn cầu hóa và đã thực hiện được một vài ước vọng để đưa đất nước đi lên, ngang tầm thời đại[5].
Sức cám dỗ của màn hình, bàn phím ngày càng mạnh. Bên cạnh một thiểu số người trẻ đã thành công trong công nghệ thông tin, đại đa số giới trẻ đến các cà-phê Internet là để tán gẫu hay chạy trốn thực tế. Họ lãng phí thời gian trên mạng, có nguy cơ ngủ mê trong thế giới ảo hay bị hỏng chân thực tế. Theo cuộc điều tra do Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Đoàn tổ chức tại Hà Nội, ngày 17-4-2005, trong tổng số 80% học sinh THPT truy cập Internet có tới 92% để nghe nhạc, chỉ có 5% truy cập để học tập[6]. Nhiều dịch vụ có những phòng VIP hạng sang và một số nơi chiều khách hàng bằng cách truyền những phim ảnh đồi trụy từ máy chủ sang máy con. Ông Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, cảnh báo: "Trong các hoạt động dịch vụ văn hóa: Karaoke, vũ trường, quán Bar, Internet công cộng ... không ít cơ sở đã biến thành môi giới cho hoạt động mua dâm, bán dâm, ăn chơi xa hoa, trụy lạc của một bộ phận xã hội (...) làm băng hoại đạo đức, lối sống thuần phong, mỹ tục tốt đẹp của dân tộc, làm ô nhiễm môi trường văn hóa - xã hội"[7].
Tuổi trẻ muôn đời vẫn là tuổi hy vọng, đầy mộng mơ và lý tưởng. Người trẻ cũng rất nhạy cảm đối với cái mới, thích thay đổi và nhiều sáng tạo. Có điều là trong thời đại toàn cầu hóa này, mọi sự thay đổi quá nhanh và quá triệt để[8]. Ngay cả các "thần tượng", "thời thượng" và "thời trang" ... bây giờ cũng có tuổi thọ rất ngắn. Sáng tạo, mới mẻ và khác biệt được coi là điều kiện để thành công[9]. Để giữ vững vị thế trên thị trường thế giới hay ít nhất để không bị tụt hậu, con người hôm nay phải làm việc nhiều hơn, nhanh hơn và chất lượng hơn: nếu các thế hệ trước kia tiếp thu một kinh nghiệm trong vòng 2 năm hoặc lâu hơn nữa thì bây giờ giới trẻ phải thực hiện nó chỉ trong vòng hai tháng, thậm chí ngắn hơn nữa.
Giới trẻ bị cuốn hút trong vòng xoáy nghiệt ngã của thời đại, nên ngày càng trở thành bất nhất: thay đổi như chong chóng, từ cực tả nhảy sang cực hữu và ngược lại, vui đó rồi buồn đó, hăng say nhiệt thành thật nhưng cũng dễ nản chí, bất mãn, chán nản, buông xuôi hoặc quậy phá ... Một số bạn trẻ khác bị áp lực của công việc, khó khăn của cuộc sống đô thị, sự căng thẳng của học tập, của gia đình ... làm cho mắc phải căn bệnh mới của xã hội công nghiệp: bệnh "stress", suy nhược tâm thần, đãng trí.
Nhìn chung, giới trẻ thời "A còng" có nhiều thông tin, nhiều cơ hội phát triển và mặt bằng tri thức cao hơn các thế hệ trước, nhưng ý chí và sức chịu đựng xem ra lại thấp hơn. Một điều lạ lùng khác là mặc dù giới trẻ hôm nay được học tập nhiều hơn và có kiến thức cao hơn, nhưng đồng thời lại có những lỗ hổng thê thảm về kiến thức đại cương và nhất là lịch sử. Người ta đã kể không biết bao nhiêu câu chuyện thật, mà tưởng chừng như tiếu lâm, về những lỗ hổng kiến thức của giới trẻ thời "A còng" này.
Điểm độc đáo của tiếng Việt là dấu. Thế nhưng ở thời @ này, khi "chat" trên mạng hay khi gởi Email, người ta cũng thường viết tiếng Việt không dấu[10]. Ngôn ngữ nói của một số bạn trẻ thế hệ @ cũng rất hiện đại và quái đản. Một sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội kể: "Có lần sau khi dẫn bạn gái đi ăn cùng bố mẹ, tôi hỏi khéo mẫu thân: "Mẹ thấy bạn con có ... vệ sinh không? (ý muốn hỏi xinh không). Trông hơi bị "Nétti" (Nestea) đấy mẹ nhỉ?". Các cụ cứ tròn cả mắt lên hình như chả hiểu gì cả, rồi phán: "Cả mày lẫn nó ăn nói cứ như ... dở người ấy, ai lại con gái con lứa gì mẹ nhờ gọi người phục vụ tính tiền, nó buông ngay một câu: "Chị ơi, chị tổng vệ sinh xem bàn này hết bao nhiêu tiền để bác gái còn ... "củ chi"[11].
2- Khuynh hướng thực dụng
Tuổi trẻ muôn đời vẫn là tuổi của ước mơ, hy vọng và quảng đại. Nhưng khác với các thế hệ trẻ ngày xưa, giới trẻ hôm nay thực tiễn và thực dụng hơn. Đôi khi cũng khá lý tưởng và quảng đại, nhưng đồng thời lại chăm sóc quá kỹ cho bộ lông, bộ cánh của mình. Đòi hỏi yêu thương và thông cảm, nhưng lại quá gay gắt và khắc nghiệt với thế hệ đi trước. Hiếu thắng, hăm hở lao mình vào cuộc chạy đua của kinh tế thị trường và khoa học kỹ thuật, nhưng cũng rất dễ chao đảo trước những khó khăn của cuộc sống, những thất bại trong nghề nghiệp hay một chút lận đận về tình duyên. Không thiếu những người trẻ đã nản chí, buông xuôi và tìm cách giải quyết vấn đề bằng ma túy, tình dục, băng đảng hay bằng chính cái chết...
Hầu như họ chẳng hồ hởi chút nào trước những "ý thức hệ chói ngời", những danh từ đẹp đẽ, những khẩu hiệu chóang ngợp và ngay cả quan niệm dấn thân phục vụ. Thay vì những lý tưởng chóang ngợp, họ chú tâm kiếm tìm thành công cá nhân, bằng lòng với cuộc sống hiện tại, với những nguồn vui nho nhỏ, vừa tầm tay, chẳng hạn như: có bằng cấp, có nghề nghiệp, có kiến thức, có người yêu, có xe mới, thêm vật dụng cần thiết, thêm bạn bè, tương giao, vui chơi, giải trí ...
Sau những đổ vỡ của các ý thức hệ lớn và cảnh tang thương do cuộc chiến bi thảm - mà nhiều khi cha mẹ họ vừa là tác nhân, vừa là nạn nhân - giới trẻ hôm nay nhìn đời với cặp mắt thực tế, tinh khôn và ranh mãnh hơn. Nhiều người lớn thường trách họ quá ích kỷ, quá thờ ơ với những biến chuyển chính trị, những vấn đề xã hội sôi bỏng. Nhiều khi họ sống bên lề những biến cố lịch sử và chẳng có tham vọng can thiệp hay đóng góp ý kiến. Nỗi ưu tư lớn nhất của nhiều người trẻ hiện nay không phải là thay đổi thế giới, cải cách xã hội, mà chính là làm sao thăng tiến bản thân và đảm bảo đời sống với những việc làm ổn định. Ra như họ đã quá bận rộn trong việc học hành và mưu sinh, nên không còn thời giờ, tâm trí cho những hoạt động mà họ cho rằng ít cần thiết.
Nếu chính trị từng là một đề tài thời thượng và một lý tưởng tranh đấu của biết bao thế hệ trẻ ngày xưa, thì đối với giới trẻ hôm nay nó cũng lạ lẫm như phía bên kia của mặt trăng. Suốt mấy thập niên qua, chúng ta chẳng còn thấy những bức tâm thư, các kiến nghị, các cuộc hội thảo, biểu tình của giới sinh viên để phản kháng những tệ nạn xã hội, để tranh đấu cho một lý tưởng nhân bản hay để đưa ra một đề nghị cải cách. Xem ra, một đôi khi họ cũng nổi loạn, nhưng khốn nỗi, những cuộc nổi loạn này thường xẩy ra vào ban đêm: cà phê nhạc sống, karaoke, bia ôm, đua xe, heroin, thuốc lắc ... "Văn hóa tốc độ" được coi là "vũ khí phản kháng" của những tay đua đêm, trong đầu đầy thuốc lắc, và đằng sau là bạn gái tóc nhuộm hung, quần ngáp hở lưng, áo thun tụt trần tới rốn[12].
Tuổi trẻ muôn đời vẫn là tuổi của đấu tranh, phản kháng và nổi loạn, nhưng những hình thức nổi loạn ở trên hay những lần kéo nhau chạy đầy đường, la ó vang trời ... sau một trận bóng đá ... có mang một ý nghĩa tiến bộ hoặc khai mở nào không? Phải chăng đây là sự cộng hưởng của Thế hệ Thực dụng, Thế hệ Thờ ơ và Thế hệ Bạo lực? Nhiều người âu lo đặt câu hỏi: liệu chúng ta có bao nhiêu hy vọng là những thanh niên say mê tốc độ vào đêm khuya, dùng thuốc lắc để tìm cảm giác trong các khách sạn hạng sang, ngây ngất với các nàng tiên trắng hay chạy theo đám đông la hò, đâp phá sau một trận bóng đá thắng ... có thể biến Việt Nam trở thành một xã hội lý tưởng, một chốn tốt đẹp hơn để sống?[13]
Về lãnh vực tính dục, giới trẻ hôm nay là những đại diện đầu tiên của "con người hưởng thụ" ở Việt Nam, những người đầu tiên có sự tự chủ với đầu tóc, quần áo, thân thể và cuộc sống tính dục của mình. Quan niệm của họ về phái tính hoàn toàn khác biệt với quan niệm của các thế hệ trước. Đối với nhiều người trẻ hôm nay, về phương diện dục tính, cha mẹ họ sống quá câu thúc, gò bó, cố chấp, giả tạo, hầu như khước từ một cách vô lý mọi thú vui và thực sự không có hạnh phúc. Còn họ, họ không thể chấp nhận quan niệm sống câu thúc đó. Họ muốn sống trung thực với lòng mình, sống hạnh phúc thực sự, dám yêu ào ạt và lập tức. Đối với nhiều người, hạnh phúc lứa đôi chủ yếu là tình theo cái nhìn Tây phương, bao hàm trước tiên là tình yêu và tình dục... Việc nối kết chặt chẽ giữa tình yêu, tình duyên và tình nghĩa trong hôn nhân truyền thống Việt Nam bị coi nhẹ, chính vì vậy thiếu hẳn sức mạnh yêu thương, hi sinh, gắn bó.
Cho đến nay những người làm giáo dục ở Việt Nam vẫn loay hoay mãi về nội dung và cách thức đưa giáo dục giới tính vào chương trình chính khóa hay ngoại khóa. Ngoài ra, khoảng 73% giáo viên giảng dạy giáo dục giới tính vẫn chưa được đào tạo chuyên môn. Trong khi đó, độ tuổi quan hệ tình dục đầu tiên của giới trẻ Việt Nam ngày càng hạ thấp và con số trẻ gái nạo phá thai đã tăng gấp ba lần so với năm 1990.
Ủy ban "Dân số - Gia đình & Trẻ em" thú nhận độ tuổi quan hệ tình dục đầu tiên của giới trẻ Việt Nam bây giờ là 14,2 tuổi thay vì 19 tuổi như trước kia. Như vậy, những cô cậu bé lớp 8, lớp 9, những "mầm non" cần được chăm sóc và bảo vệ đã bước vào "thế giới tính dục" của người lớn![14]. Tỉ lệ công nhân có quan hệ tình dục trước hôn nhân đang tăng cao: nếu năm 1997 mới chỉ có 8,6% (nam giới 24,8% và nữ giới vỏn vẹn 2,4%) thì năm 2005 đã tăng lên 37,8% (nam giới: 45,8% và nữ giới: 30,1%)[15]
Tài liệu thống kê trong mấy năm gần đây cho thấy hiện nay sinh viên tự do hơn trước trong lãnh vực dục tính. Kết quả cuộc thăm dò tại một số trường Đại học Sư phạm cho thấy: trong bốn năm đại học có tới 72,4% nữ sinh viên đã có quan hệ "dục tính". Một số nữ sinh viên có học vấn và trẻ đẹp còn chấp nhận làm "sân sau" cho những người đã có gia đình, học vấn thấp, tuổi tác chênh lệch ... để có tiền ăn tiêu, may sắm theo sở thích. Tệ hơn nữa, con số nữ sinh làm "dịch vụ tình cảm" theo nhu cầu của khách, nghĩa là một hình thức mại dâm cao cấp, ngày càng gia tăng[16].
Đã qua rồi hình ảnh những "nàng Tô Thị" ôm con chờ chồng để rồi hóa đá như trong ca dao tục ngữ, hay u uẩn ngồi đan áo gởi ra tiền tuyến như trong các bản nhạc tiền chiến, hoặc những người con gái Việt Nam da vàng, yêu quê hương như yêu đồng lúa chín trong nhạc Trịnh Công Sơn. Tuổi trẻ bây giờ thực tế, thực dụng, có học và có lối lập luận riêng. Nguyễn Thúy Quỳnh hé mở cho ta thấy một cái gì đang cựa mình, đang biến đổi, trăn trở thao thức và dám đặt nghi vấn về một số giá trị cũ ... nơi người trẻ hôm nay:
Có một chút em không là Tô Thị
Vò võ đợi chờ, mòn mỏi tình chung
Nơi cuối đất, anh thành người xứ lạ
Người xưa ơi, ai thương hộ má hồng!
Dưới chân núi, nửa mùa xuân sắp cạn
Em hóa đá đợi người, xuân có đợi em không?
Qua ngòi bút tả chân, Phạm Thị Hoài vẽ cho ta một bức tranh khác, trần trụi và đau nhức hơn: đó là những "con bé nhà hàng xóm bên phải đang cầm chặt chiếc tích-kê trong tay chờ nạo thai lần thứ ba trong vòng một năm rưỡi. Bạn đừng hình dung nó là đứa con gái trơ tráo nhảy tót lên bàn nạo xong rồi phủi đít trèo xuống. Lần nào nó cũng khóc mùi mẫm đủ ba mươi phút tiêu chuẩn trước khi phải nhường giường cho người tiếp theo. Đáng lẽ phải khóc cho cái tình yêu vừa bị vét ra bằng hết thì nó lại chỉ khóc vì bị bác sĩ chửi mắng, làm như nếu được đối xử nhẹ nhàng hơn thì nó còn năng lui tới đây hơn"[17]. Có lẽ chính vì vậy Việt Nam hiện là một trong ba nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới!
3- Trách nhiệm của gia đình và xã hội
Có người trách giới trẻ hôm nay lý tưởng thấp, tầm thường, ích kỷ, thích hưởng thụ, quá so đo mặc cả với đời, chăm lo quá đáng cho bộ lông, bộ cánh của mình. Người khác lại coi đây là một lối sống thực tiễn, khôn ranh và không ảo tưởng. Có thể đưa ra rất nhiều câu trả lời và lý giải cho hiện tượng phức tạp này. Nhưng phải chăng thế hệ trẻ hôm nay đang gánh chịu hậu quả của những tính toán ích kỷ và sai lầm của người lớn? Phim ảnh xấu ai phổ biến, sách báo xấu ai sản xuất, tệ nạn xã hội ai gây ra, tham nhũng ai dung túng? Nếu người lớn chúng ta có đủ khả năng và trí tưởng tượng cần thiết để giải quyết những vấn đề của thời đại chúng ta, chắc chắn thế hệ trẻ hôm nay sẽ đỡ khổ và ít trăn trở hơn.
Nhiều thanh thiếu niên hư đốn vì bố mẹ không chu toàn trách vụ giáo dục con cái. Hầu như họ khóan trắng công tác giáo dục cho nhà trường, nhưng nhà trường tại Việt Nam hôm nay "dạy chữ" chưa xong, nói gì đến chuyện "dạy người"!. Chuyên gia Phan Mai Hương, Viện Tâm lý, cung cấp cho chúng ta những con số đáng lo ngại về vai trò của cha mẹ đối với trẻ em hư hỏng. Sau khi nghiên cứu 104 đối tượng nghiền ma tuý ở tuổi thanh thiêú niên, tác giả đã cho biết dữ kiện liên quan đến việc thiếu trách nhiệm của cha mẹ :
* 59,2% cha mẹ không bao giờ trò chuyện riêng tư với con cái.
* 40% trong số họ không biết hoàn cảnh học tập và hành động của con cái mình.
* 53,1% không quan tâm đến những gì xẩy ra đối với con cái.
* 69,4% không biết con cái có thể đi đâu hay ở đâu khi chúng vắng nhà.
* 67,3% chẳng hề biết con cái đang làm gì, đang quan tâm đến những gì.
* Khoảng 50% cha mẹ chẳng biết gì về bạn bè của con cái mình.
Một số thanh niên thác loạn là nạn nhân của những gia đình đổ vỡ. Nhiều thanh niên thác loạn thuộc gia đình có thu nhập cao, nhưng cha mẹ tập trung công chuyện làm ăn hoặc hưởng thụ, mà quên đi trách vụ giáo dục con cái. Một trong những cái cớ để họ nuông chiều con cái là : "Ngày xưa mình khổ sở quá rồi, bây giờ có điều kiện tội gì không để chúng nó sướng". Nhiều tiểu thư thời @ chỉ biết ăn, học, ngủ, chơi ... mà chẳng hề biết nấu ăn hay chăm lo việc nhà. Một số ông bố và bà mẹ khác chưa bao giờ được đào tạo để làm bố, làm mẹ. Nhờ thời cơ làm ăn phất lên và như bị ném vào vòng quay của xã hội mới. Mỗi người một nỗi lo, một thế giới, một kiếm chác, phó mặc đám trẻ sống chết mặc bay.
Mấy năm gần đây, người ta nói nhiều đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, khu phố văn hóa, xã hội văn minh, nếp sống mới!!! Nhưng tất cả vẫn còn nằm ở dạng khẩu hiệu. Chưa xuất hiện những loại hình sinh hoạt văn hóa mới đáp ứng sự phát triển của xã hội và nhu cầu của thanh niên. Nhiều người ngạc nhiên về sự thiếu vắng kinh hoàng về các phương tiện giải trí lành mạnh cho giới trẻ: chưa có một phong trào thể thao hay văn hóa đại chúng, các công viên nghèo nàn không đủ sức níu kéo người trẻ, các nhà văn hóa vắng ngắt, rạp chiếu phim lèo tèo và thiếu chất lượng[18].
Ngay tại các thành phố lớn, hầu như cũng không thể theo dõi và thưởng thức các phim có giá trị nghệ thuật. Nói chung, phim ảnh Việt Nam còn yếu cả về mặt nội dung lẫn nghệ thuật. Khán giả Việt Nam rất quan tâm đến phim Việt Nam, nhưng đã quay lưng lại với phim tuyên truyền[19]. Cũng có một số rất ít phim có giá trị của các tác giả Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, được giải thưởng và trình diễn thành công ở nước ngoài, như "Mùa len trâu", "Thời xa vắng", "Mùa ổi chín", "Mê thảo"...Thời điểm phim đoạt giải và được nhắc đến nhiều nhất thì khán giả Việt Nam chẳng nhìn thấy phim, đến khi được phát hành thì lại diễn ra âm thầm lặng lẽ. rất tiếc người trong nước lại ít khi có cơ hội thưởng thức.
Vì không được chăm sóc giáo dục đầy đủ, hụt hẫng về tình cảm, thiếu vắng tâm linh và trống rỗng văn hóa, giải trí lành mạnh ... hầu như giới trẻ chỉ còn biết lượn xe máy trên các đường phố hay giết thời giờ trong các quán cà phê đèn mờ, các tụ điểm karaoke, các động thuốc lắc. Đám trẻ hầu như sống với bạn bè. Giữa bạn bè với nhau họ sống thật sự và thật tình : giúp đỡ nhau, cho nhau vay mượn tiền bạc, xài đồ chung. Đôi khi còn lấy của gia đình để giúp những người bạn đang gặp khó khăn và coi đó như một điều hợp lý, phải làm. Có người nhờ bạn bè đã thăng tiến cuộc sống, khám phá ra ý nghĩa của cuộc đời, giá trị của tình người..., nhưng cũng có kẻ vì bạn bè mà trở nên hư hỏng, bắt đầu hút xách, nghiện ngập, trác táng, băng đảng, trộm cắp... "Đi với bụt thì mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy", cổ nhân ta đã thấy rõ điều đó[20].
4- Ảnh hưởng tiêu cực của giáo dục hiện nay
So với các thế hệ trước đây, giới trẻ hôm nay được học nhiều năm hơn, mặt bằng kiến thức nói chung cao hơn và nhất là được tiếp xúc thẳng với nền tri thức của nhân lọai qua hệ thống Internet. Cái bất hạnh lớn nhất của họ là đang làm "vật tế thần" cho một chương trình giáo dục giáo điều, lạc hậu và thối nát. Cho dù quan điểm và phương pháp giáo dục của mỗi người có thể rất khác nhau, nhưng có lẽ mọi người đều âu lo về thảm họa giáo dục hiện nay. Thật vậy, tài nguyên tương lai của một quốc gia hoàn toàn tùy thuộc nguồn nhân lực: óc sáng tạo, khả năng nhận diện xu hướng của thế giới, kỹ năng khai thác tiềm năng của bộ não, tốc độ và tài sử dụng thông tin để tạo thêm giá trị gia tăng. Chính vì vậy, sự xuống dốc về y tế và giáo dục là nguy cơ trầm trọng nhất cho tương lai của đất nước[21].
Các nhà giáo dục và nhà khoa học tham dự hội thảo khoa học về giáo dục Việt Nam do Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức (tháng 11 năm 1999) công nhận là trong những năm qua Việt Nam đã đạt được một số thành tựu về giáo dục, nhưng so sánh với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cũng như trình độ kiến thức của các nước trong khu vực và trên thế giới, thì tình trạng giáo dục của ta quá lạc hậu và bất cập[22].
Nhiều người quy trách tình trạng tụt hậu này cho bộ máy quản lý yếu kém. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa không nằm ở những sai lầm cục bộ về điều hành quản lý, mà do những sai lầm căn bản về tư duy, mục đích, định hướng và thiết kế giáo dục. Để có thể thay đổi nội dung, phương pháp và tổ chức quản lý giáo dục cần phải thay đổi triết lý, quan điểm và mục tiêu giáo dục. Một khi đã thay đổi cơ sở nền tảng đó, mới có thể đưa ra định hướng, xác định nội dung và chọn lựa phương pháp giáo dục.
Khi lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố những con số liên quan đến cuộc thi vào Đại học và Cao đẳng (năm 2002), cả nước hoảng hốt: trong số 823.854 thí sinh dự thi chỉ vỏn vẹn 3 thí sinh đậu thủ khoa với số điểm 29,5/30, nhưng lại có tới 713.352 thí sinh (tức 86,6%) với số điểm dưới mức trung bình (14,5/30), trong khi đó số thí sinh có dưới 10/30 lên tới 556.533 em, nghĩa là chiếm 67,5% thí sinh.
Nhiều người đã đau đớn kêu lên: "Những con số nhức nhối", "khủng khiếp", "nguy kịch", "bi thảm", "một sự thật đáng phải rùng mình"[23]. Những từ ngữ nặng nề ở trên không phải là ý kiến hàm hồ, vô căn cứ, mà là những nhận định có nền tảng, dựa trên dữ kiện khách quan. Nhiều phụ huynh băn khoăn tự hỏi: tại sao trong một kỳ thi mà đề thi được đánh giá là "bám sát nội dung sách giáo khoa và nói chung là dễ" thế mà số thí sinh bị loại lại khủng khiếp như vậy? Tại sao chỉ khoảng trên 10% thí sinh đạt điểm từ trung bình trở lên với một đề thi được đánh giá "bám sát sách giáo khoa lớp 12", thế mà chỉ một tháng trước đó, cả nước thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đậu trên 90%, thậm chí có nơi đến 99%? Không biết giới trẻ hôm nay quá dốt hay cách dạy của ta đã làm cho các em ra u mê?
Những con số "khủng khiếp" trên đây phản ánh quá rõ ràng tình trạng giáo dục thiếu định hướng, với căn bệnh trầm kha thi đua "đạt chỉ tiêu", được hỗ trợ bởi phương pháp dạy nhồi nhét, học vẹt, học tủ, quay cóp... Phải chăng từ mấy chục năm qua chúng ta đã bị ru ngủ với lối học dỏm, thi cử dỏm và bằng cấp dỏm?
Kết quả cuộc thi Đại học những năm kế tiếp cũng kiểm chứng tình trạng ảm đạm nói trên. Nhưng vấn đề quan trọng và đau nhức nhất không phải chỉ ở nhưng con số khủng khiết nói trên mà ở tình trạng suy đồi trầm kha của nền giáo dục: dạy nhồi nhét, "đọc - chép", học vẹt, học tủ, thi cử gian lận, tổ chức thi hộ, thi thuê, thi kèm, buôn bán luận văn tốt nghiệp, điểm giả, mua điểm, bằng cấp giả và tệ hơn nữa bằng thật kiến thức giả!
Người xưa thường nói: "dạy chữ để dạy người". Nhưng cách dạy "nhồi nhét", "đọc - chép", học vẹt, chạy theo thành tích, buôn bán bằng cấp ... "dạy chữ" đã dở, mong gì đạt được mục đích "dạy người"! Tâm Mạc liệt kê "thập nạn" trong giới sinh viên như sau: "Tiêu cực trong thi cử, cờ bạc, quan hệ tình dục phóng túng, mê tín dị đoan, uống rượu say, nghiện hút, cắm quán, trộm cướp, ham mê văn hóa phẩm đồi trụy, vô kỷ luật, mất trật tự vệ sinh, đua đòi, chạy theo lối sống tiêu dùng"[24]
Cuộc hội thảo "Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục" do báo Nhân Dân và Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức tại Hà Nội, vào cuối tháng 12 năm 2004, công khai nhìn nhận tình trạng nguy kịch hệ thống giáo dục. Chính ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo khi ra điều trần trước Quốc hội cũng cảm thấy bối rối trước những câu hỏi hóc búa của các vị Đại biểu cử tri.
Bà Trần Thị Tâm Đan, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết kết quả thẩm tra của Uỷ ban về chất lượng giáo dục như sau: "Trong hầu hết các cuộc thi trí tuệ thế giới, học sinh Việt Nam luôn đạt các giải cao mang vinh quang về cho Tổ quốc mà ngay cả một số nước trong khu vực cũng muốn học tập kinh nghiệm. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục nhìn chung còn yếu kém, bất cập; lối học khoa cử vẫn còn nặng nề, giáo dục chỉ chú ý đến truyền đạt kiến thức nhằm ứng phó với các kỳ thi, chưa chú trọng đến việc xây dựng tư duy sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu, kiến thức chuyên ngành ít được cập nhật, trình độ ngoại ngữ, tin học yếu, kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế, chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống, động cơ học tập cho học sinh, sinh viên".
Trầm trọng và thê thảm hơn là hiện tượng gian dối trong học tập và thi cử. Bản Phúc trình viết tiếp: "Các hiện tượng chạy điểm, chạy thầy, quay cóp, mua bán sử dụng phao thi... trước đây rất ít và người học cảm thấy xấu hổ khi bị phát hiện thì bây giờ không ít người học coi đó là chuyện bình thường. Cha mẹ mua bằng cho mình thì việc mua điểm cho con là dễ hiểu. Nhưng hậu quả của việc làm đó lại làm cho các em học sinh trong lớp nhận ra sự bất công do người lớn mang lại, niềm tin của các em vào cha mẹ, thầy cô bị tổn thương và ảnh hưởng xấu đến nhân cách của các em đến mức nào thật khó lường.
Khi có chủ trương tiêu chuẩn hóa cán bộ, công chức, đã dấy lên một phong trào học tập trong cán bộ, công chức, trong lực lượng lao động trẻ. Nhưng rất đáng tiếc, có một bộ phận người lớn đi học với động cơ không đúng đắn, không học tập nghiêm túc, chỉ cần có một tấm bằng mà không quan tâm đến kiến thức. Vì vậy, tình hình học giả bằng thật, hiện tượng sao chép luận văn thạc sĩ, tiến sĩ xảy ra không phải ít.
Trong lịch sử giáo dục nước nhà, chưa bao giờ các dịch vụ làm luận văn, luận án lại được quảng cáo xung quanh các trường đại học như hiện nay. Những tiêu cực của người học, đứng về mặt giá trị kinh tế thì không lớn và không đáng kể so với tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế nhưng sự tổn thất về đạo đức xã hội, phẩm chất con người thì vô cùng nghiêm trọng và hậu quả của nó làm mất đi niềm tin và sự tôn trọng của lớp trẻ đối với các bậc làm cha mẹ, đàn anh của mình mà họ thường ngưỡng mộ noi theo..."[25].
Giáo sư Hoàng Tụy ví von so sánh nền giáo dục hiện tại của chúng ta với các khu nhà tập thể xây dựng từ thời bao cấp. "Thực chất vẫn là cái nhà cổ lỗ ấy xây dựng từ ba bốn mươi năm trước, càng sửa chữa, cơi nới càng dị dạng, bỏ thì thương vương thì tội. Giáo dục của ta cũng giống như cái nhà ấy, nó rất khác mọi nền giáo dục bình thường ở các nước. Được xây dựng và quản lý theo quan niệm cũ, nó không giống ai, không theo qui củ thông thường, cho nên rốt cục rất tốn kém, càng phát triển càng đòi hỏi đầu tư phi lý vì qui mô và chất lượng hầu như đã đạt đến mức giới hạn trong điều kiện vật chất cho phép của đất nước hiện nay. Đã như vậy mà cứ loay hoay sửa chữa và cơi nới thì tất yếu phải gặt hái những kết quả như đã thấy mấy năm vừa qua"[26].
Người xưa thường nói: "dạy chữ để dạy người". Nhưng cách dạy "nhồi nhét", đọc - chép, học tủ, học vẹt, gian lận, chạy theo thành tích hiện nay ... dạy chữ đã dở, mong gì đạt được mục đích dạy người!
Nếu thực sự muốn đổi mới giáo dục ở nước ta nhất định phải chuyển đổi từ cấp vĩ mô, từ quan niệm, mục đích, định hướng và thiết kế giáo dục. Để đào tạo một giới trẻ có óc phê phán, tư duy độc lập, tinh thần sáng tạo, tính trung thực, can đảm dấn thân, biết lãnh trách nhiệm, có lòng khoan dung, nhân ái ... thiết tưởng cần áp dụng thông điệp của UNESCO về giáo dục trong thế kỷ 21: "Học để biết, học để làm, học để làm người và học để sống với nhau".
----------------------------
[1] Chia Sẻ, nội san Thần học - Mục vụ - Tu đức của Liên Tu sĩ thành phố đã dành cả một số báo để thảo luận về "Giới trẻ: thách đố của thời đại", số 46, tháng 6 năm 2005.
[2] Đỗ Khanh, Thế hệ của quần ngáp, quần hở mông và quần xệ, (17.3.03); Song Anh, Tuyên ngôn của Thanh niên thế hệ Mới (26.3.03); Thế hệ @ còn chung tiếng nói (26.5.03); Poplar Ngô, Thở dài và thương cảm về thế hệ không có lý tưởng (5.6.03); Nguyễn Hữu Hồng Minh, Một góc nhìn vào Việt Nam từ một thế hệ, (19.9.03), Đình Thắng - Vũ Kiên Chinh, Tin vào thế hệ @, Tuổi trẻ Chủ nhât, 5.10.03, tr. 14-15; Phan Huyền Thư, Tin vào thế hệ @, Tuổi Trẻ CN., 4-10-2003.
[3] Báo Tuổi Trẻ, ngày 31-8-2005, tr.1.
[4] x. Người Lao Động, số 3349, ngày 6-7-2005, tr. 1.
[5] Người ta thường trích dẫn sự thành công của một người trẻ về các cuộc thi tin hoc, sáng tạo Robot, kiến trúc hay doanh nghiệp.
[6] Xc. Tuổi Trẻ, 18-4-2005, tr.1.
[7] Webside Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 10-3-2005. Theo tạp chí Forbes, trong năm 2004, doanh thu các hoạt động khiêu dâm trên mạng Internet toàn cầu lên tới 58 tỷ Mỹ kim.
[8] Nếu tại Việt Nam cũng như ở nhiều nước đang phát triển trên thế giới người ta vẫn coi @ như biểu tượng của giới trẻ thì tại một số nước đã bắt đầu sử dụng biểu tượng iPod. Đây không phải chỉ đơn thuần là chiếc máy để nghe nhạc, mà còn có chức năng liên lạc với các trung tâm của Đại học, ghi lại bài giảng của giáo sư ở giảng đường để nghe lại vào những lúc rảnh rỗi như khi đi bộ, lái xe hay ngồi trên xe bus. Trong mấy năm vừa qua, iPod ngày càng được nâng cấp và phổ biến rộng rãi.
[9] Xem Jack Trout, Khác biệt hay là chết, NXB Trẻ, Tp HCM, 2004; Vũ Trọng Lâm (Chủ biên), Kinh tế tri thức ở Việt Nam, NXB Khoa học, 2004.
[10]Xin trích dẫn một đoạn đối thọai trong một truyện ngắn không dấu mang tựa đề "Nham!" của Hồ Anh Thái:
"thucphamoan: ... Ten em la Nguyen Thi Giac, goi tat la Thi Giac, tuc la co quan de nhin, tuc la lien quan den doi mat. Vay em lay ten la thucphamoan, ai moi nhin cung tuong em ten la Thuc (dau gi khong quan trong) va rat pham an (an rat nhieu, pham phu tuc tu). Thuc ra, thucphamoan la « thuc pham khong an duoc », khong phai la thuc pham bi oi thiu, ma boi vi doi voi doi mat, thuc pham chi de nhin, khong su dung duoc (ten em la Thi Giac ma). Con ten anh ? Galacdan nhin nhu ten Tay, nhung nguoi ta co quyen hieu la « con ga di lac dan », 1 con ga lac, di lac vao vuon nha ai, nha ay bat de thit. Mot cai ten co ve giong cai, mot co Kieu luu lac.
galacdan : Nham ! Dung la tieng Viet khong dau ! No rat la dan ong day em oi. Ga (dau nga), chi mot dua con trai o ngoi thu 3, chu khong phai la ga (dau huyen). Con chu lac dan thi em hoan toan dung. Mot loai nguoi ngu ngo di lac" (Văn Mới 2004 -2005, Hồ Anh Thái tuyển, NXB Hội Nhà Văn, 2005, tr. 380-381).
[11] Lê Thanh Bình - Phạm Thế Hà, Ngôn ngữ @ phẩy, Tuổi Trẻ, 15-12-2004, tr. 9.
[12] Xem Cù Mai Công, Sàigòn by night. Những hồi chuông cảnh báo từ màn đêm, 3 tập, NXB Trẻ, Tp HCM, 1997-1999; xem loạt bài phóng sự về các động thuốc lắc đăng trên báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động.
[13] Xem Cù Mai Công, Sàigòn by night, 3 tập, NXB Trẻ,
[14] Vietnamnet, ngày 23-6-2005.
[15] Tuổi Trẻ, ngày 22-9-2005, tr. 1.
[16] Xem Nguyễn Xuân Yêm (chủ biên), Phòng ngừa Thanh, Thiếu niên phạm tội. Trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 596-600. Xem lọat bài của Lê Anh Đủ - Yến Trinh - Thi Ngôn, Nạo phá thai trong giới trẻ: SOS, Tuổi Trẻ, ngày 22 đến 27 -9-2005.
[17] Phạm Thị Hoài, "Những Con Búp Bê của Bà Cụ" trong Từ Man Nương đến AK và những Tiểu Luận, nxb Hợp Lưu, Hoa Kỳ, 1993, tr. 95.
[18] Đa số phim chiếu ở Việt Nam thuộc lọai phim thuyết minh, nghĩa là một dạng thức phim câm: các diễn viên không diễn xuất thực sự , mà trở thành người câm, và đàn ông, đàn bà, ông già, trẻ con ... đều nói một giọng và một kiểu như nhau, giọng của người thuyết minh. Giọng thuyết minh này đôi khi quá to, lấn át cả tiếng nhạc và âm thanh độc đáo của phim. Có người nhận định: ở Việt Nam hầu như chỉ được xem phim câm có tiếng nói từ bên ngòai, chưa có điện ảnh.
[19] Phim "Sàigòn giải phóng", kinh phí sản xuất phim lên tới 12,5 tỉ đồng, thời gian thực hiện kéo dài 10 năm, nhưng chỉ chiếu nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng ..., rồi được cất vô kho. Phim "Người đàn bà mộng du" chiếu duy nhất một buổi, bán được 14 vé. Phim "Ký ức Điện Biên", kinh phí sản xuất hơn 10 tỉ đồng, trung bình mỗi suất chiếu 4 người xem (Hà Giang, Phim Việt Nam, đông vẫn đông, vắng vẫn vắng ...", SGGP, ngày 9-10-2005, tr.2.
[20] Chỉ trong vòng hơn nửa tháng (9 và 27-3-2005), Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) liên tiếp triệt phá hai ổ "ăn chơi thác loạn" với hơn một nửa trong số 200 bạn trẻ đó qua kiểm tra có sử dụng thuốc lắc, ma túy.
Về khía cạnh tâm lý, tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn (ĐH Sư phạm TP.HCM) nghĩ rằng đây là "hội chứng" của một bộ phận giới trẻ hôm nay. Nhiều người trong số họ cảm thấy cô đơn, một số khác có điều kiện kinh tế ... lại phung phí, tìm đến những thú vui ảo qua ma túy, quan hệ tình dục. Theo ông, "đây cũng là biểu hiện của hội chứng dễ lây lan trong giới trẻ mọi thời: tính thích chơi trội. Không ít bạn trẻ có ý muốn cạnh tranh nhau bằng cách phải chơi nổi hơn người kia và rõ ràng người tự kiềm chế kém nhất thường "giựt nổi" nhất.
Nếu xét về con số, 148 và 54 chẳng là gì so với hàng triệu bạn trẻ đang sống ở thành phố này. Tuy nhiên, nếu xét về phương diện xã hội, đây là vấn đề rất cần được quan tâm. Phải định hướng giá trị cho giới trẻ một lối sống lành mạnh! Chỉ có sự định hướng chắc chắn cho một lối sống lành mạnh sẽ giúp người trẻ tự kiềm chế được trước hội chứng dễ lây lan này".
[21] Xem Hoàng Tụy, "Mấy giải pháp cấp bách về giáo dục", Diễn Đàn, số 89, tháng 10.2000, tr. 12-14; "Chấn hưng, cải cách, hiện đại hóa nền giáo dục", Diễn Đàn, số 97, tháng 6.2000, tr. 14-16; loạt bài của Mai Lan về "Giáo dục Việt Nam trước ngưỡng cửa năm 2000", báo Sàigòn Giải phóng, từ ngày 29.11 đến 1.12.1999; Bùi Trọng Liễu, Giáo dục Đại học, Diễn Đàn, 138, tháng 3-2004; Lê Hạnh, Đổi mới giáo dục đại học và hội nhập quốc tế, Lao Đông, ngày 23-6-2004; Nguyên Ngọc, Triết lý giáo dục ở Việt Nam, Diễn Đàn, 141, tháng 6 -2004; Lê Ngọc Trà, Học để làm người và học để sống với nhau, Tuổi Trẻ, 22-10-2004.
[22] Xem Mai Lan, "Cần một chiến lược giáo dục cho tương lai", Sàigòn Giải phóng, thứ tư 1-12-1999.
[23] Xem "Một sự thật đáng phải rùng mình", Tuổi Trẻ, 8-10-2002, tr. 10; Gs. Tương lai, Một hồi chuông cảnh báo dù hơi muộn nhưng thật cần thiết, Tuổi Trẻ Chủ nhật, 13-10-02, tr. 4 & 42; Hương Giang, Một kỳ thi tú tài trung thực hay một kỳ thi tú tài dỏm + một kỳ thi tuyển thật, Ibidem, tr. 9; Trần Mạnh Hảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn tiếp tục nói dối đến bao giờ?, Văn Nghệ Trẻ, số 43, 20-10-2002, tr. 7 & 15; Nguyễn Gia Phong, Tại sao chỉ 30% học sinh trung bình nhưng phải cho 90% tốt nghiệp?, Tuổi Trẻ, 26-10-2002, tr.10.
[24] Tâm Mạc, Làm gì để khắc phục "thập nạn" trong sinh viên, Tạp chí Phát triển giáo dục, 1- 1995.
[25] Bà Trần Thị Tâm Đan, Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, tường trình ngày 15-11-2004.
[26] Hoàng Tụy , "Ba biện pháp cấp bách đưa giáo dục ra khỏi nguy kịch", Tuổi Trẻ Chủ nhật, 28.12.2003, tr.8.
Nguyễn Thái Hợp