Chắc chắn Thượng Đế không thể là đối tượng khảo sát và nghiên cứu của khoa học. Ngài vượt trên thế giới khả nghiệm và khả tri. Tuy nhiên Ngài rất gần gũi và luôn sát cánh với con người. Suốt dọc lịch sử nhân loại, Ngài vẫn không ngừng khuyến khích, mời gọi và thôi thúc con người kiếm tìm chân, thiện, mỹ. Rất nhiều lần và bằng nhiều cách thế khác nhau, Ngài đã soi sáng và hướng dẫn các chính nhân đi vào mối tương quan mật thiết và yêu thương với Ngài.
Mặt khác con người vốn là một sinh vật có tôn giáo, luôn tìm cách biểu lộ chiều kích tâm linh qua những hình thức rất đa dạng và phong phú như chiêm niệm thần bí, lễ nghi tế tự, suy tư triết học, và dấn thân phục vụ. Tuy nhiên nếu như con người có thể hiểu biết chút gì Thiên Chúa, qua vũ trụ hay bằng chính kinh nghiệm tâm linh, nói cho cùng tất cả những kiến thức đó cuối cùng có lẽ cũng chỉ là "suy diễn dựa trên những kinh nghiệm thuộc thế giới hữu hình và thế giới tâm linh của con người"[1].
Vì vậy chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy quan niệm về Thượng Đế của các triết gia và trí giả không những không đồng nhất, mà nhiều khi còn khác biệt, mâu thuẫn nhau. Điều đó không có nghĩa là có nhiều Thượng Đế, mà là có nhiều cách quan niệm và trình bày về Ngài. Câu trả lời đúng đắn nhất ở đây có lẽ là câu kinh Veda: "Thực tại chỉ là Một, nhưng các trí giả gọi Ngài bằng nhiều tên khác nhau". Nói một cách giản dị và bình dân hơn, những cố gắng của con người để trình bày Thượng Đế phần nào cũng tương tự như câu chuyện của những anh mù sờ voi.
1. Những anh mù sờ voi
Phật kinh kể chuyện xưa bên Ấn-độ có quốc vương kia sai dắt một thớt voi ra, rồi truyền cho một đám người mù đến nhận diện con voi bằng cách lấy tay sờ, nhưng mỗi người chỉ được sờ một phần của voi thôi. Người thứ nhất sờ trúng cái chân, liền nói: "Con voi giống như cái cột trụ". Người thứ hai mó phải cái vòi, lập tức đính chính: "Đâu phải, nó giống như cái chùy". Người thứ ba sờ trúng cái bụng, vuốt ve và suy nghĩ một lúc rồi tuyên bố: "Theo tôi, nó giống như cái chum đựng nước". Người thứ tư nắm phải cái tai, lập tức cãi lại: "Các anh nói sai bét. Nó giống như cái nia". Thế rồi bốn anh mù cãi nhau om sòm, mỗi người khư khư với xác quyết của mình. Chẳng ai đồng ý hay nhượng bộ ai. Phải, làm sao có thể nhượng bộ được khi chính mình đã nắm bắt, sờ mó, cầm chắc trong tay (!).
Ở mỗi mức độ nghiên cứu, mọi người đều xác định Thượng Đế là "một thực tại tuyệt đối, duy nhất và siêu việt", nhưng mỗi trí giả, triết gia, thần học gia... chỉ kinh nghiệm và trình bày một khía cạnh nào đó của vấn đề. Đó là một thực tế đau lòng, nhưng lại là hệ luận tất nhiên của con người hữu hạn trước Thực tại Siêu việt. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên và cũng chẳng có thể trách cứ ai, vì đối diện với Thực tại tuyệt đối, mọi khả năng tri thức của lý trí đều hữu hạn và tương đối.
Thật ra, cái bi đát nhất của con người trong hành trình truy tầm chân lý và trình bày Thượng Đế không hẳn do sự hữu hạn của lý trí cho bằng đã quên mất tính hữu hạn và tương đối của nó. Lịch sử triết học và thần học Tây phương là một dẫn chứng rõ rệt và đau thương nhất. Rất nhiều lần người ta đã đưa ra một cách thế quan niệm Thượng Đế, tự cho đó là chân lý tuyệt đối, rồi độc đoán gạt bỏ và kết án tất cả những cái nhìn khác, để biến quan niệm của mình thành tri thức tuyệt đối, độc nhất vô nhị trong thiên hạ.
Một tư tưởng gia nào đó đã nói rất có lý: nếu như thủa ban sơ Thượng Đế đã dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài, thì suốt dòng lịch sử con người lại vẽ Ngài theo hình ảnh và quan niệm của riêng mình. Tất cả mọi người, kể cả người đang viết những dòng này, có lẽ cũng đã vẽ Ngài bằng những nét chủ quan và ngớ ngẩn riêng biệt, với những cây cọ phàm trần. Nhưng điều đáng sợ và bi thảm nhất là nhiều lần người ta dám nhân danh lương tâm hay một thế giá thần thánh nào khác để "thần thánh hóa" nét vẽ của chính mình.
Con người là một hữu thể ngã vị, nên dễ dàng quan niệm một Thượng Đế ngôi vị. Điều đó dễ hiểu và cũng chẳng có chi đáng trách. Cái đáng trách nằm ở chỗ ta dám xác quyết Thượng đế chỉ có thế hay chỉ là thế, theo một số khuôn thức cứng ngắc, làm như thể người ta đã thấu hiểu bản thể của Ngài. Một vài trường hợp người ta còn dám cụ thể hóa Thượng Đế, kéo ghì Ngài xuống sà sà ngang tầm hiểu biết của đại chúng, gán cho Ngài những phẩm tính của con người. Tệ hơn nữa, một đôi khi, Thượng Đế còn bị sử dụng để biện minh cho cơ cấu xã hội và chế độ chính trị. Một Thượng Đế hữu ngã, bình dân hóa và chính trị hóa như thế có thể gần gũi quần chúng(?). Tuy nhiên một khi đã bị phàm trần hóa và chính trị hóa như vậy, Ngài cũng rất dễ liên lụy và mang họa với những khuyết điểm của con người ở đời.
2. Có chăng một nhận thức về Thượng Đế bất khả tri?
Cố Hồng y Charles Journet đã bộc lộ một cách ngắn gọn và sâu sắc thách đố bi đát của Kitô giáo: đúng ra không ai có thể nói gì về Thiên Chúa, nhưng mặt khác cũng không thể không nói về Ngài. Thật vậy, chúng ta không thể đề cập đến những vấn đề căn bản về con người, thế giới, sự dữ .... mà không hiểu ngầm một quan niệm nào đó về Thiên Chúa. Nói khác đi, cái bi đát của thần học là làm sao tìm ra phương thế thích hợp để trình bày một Thiên Chúa vô thủy vô chung, bất khả tri bất khả giác[2].
Ước vọng thâm sâu của nhân loại suốt dòng lịch sử là làm sao trả lời cho câu hỏi căn bản: Thượng Đế, Ngài là ai? Có lẽ Ngài phần nào đã thỏa mãn yêu sách chính đáng trên qua cuộc đàm thoại với Mô-sê được ghi lại trong sách Xuất hành : “Mô-sê thưa với Chúa : Bây giờ con đến gặp con cái Israel rằng Thiên Chúa của cha ông các ngươi đã sai tôi đến với các ngươi và nếu họ hỏi con : “Tên Ngài là gì?”, con sẽ biết trả lời ra sao ? Thiên Chúa trả lời Mô-sê : “Ngươi sẽ nói với con cái Israel thế này : “Đấng Hiện Hữu” đã sai tôi đến với các ngươi!”. Thiên Chúa còn nói thêm với Mô-sê : “Ngươi sẽ nói với con cái Israel thế này : Yahvê Thiên Chúa của cha ông các ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Yacob đã sai tôi đến với các ngươi. Đó là tên Ta mang mãi mãi”[3].
Các nhà chuyên môn đã tranh luận nhiều về ý nghĩa của đoạn văn trên. Phải chăng Thượng Đế không muốn mạc khải Danh Ngài, hay vì Danh Ngài không thể diễn tả bằng ngôn ngữ nhân loại, nên Ngài đã nói một cách lấp lửng như vậy? Hay phải chăng Ngài đã vén mở cho Mô-sê biết Danh Ngài một cách nào đó theo não trạng người Do Thái thời đó ?
Vì không thể thấu hiểu huyền nhiệm của Thiên Chúa, nhưng lại không thể không nói về Ngài, nên con người đã diễn tả Ngài qua vẻ hoàn hảo khác nhau của tạo vật hay qua cảm nghiệm tâm linh. Nhưng ngôn ngữ hữu hạn làm sao diễn tả nổi tính đơn thuần và siêu việt của Thiên Chúa ? Tất cả những gì ta có thể nói về Ngài phải chăng chỉ là những biểu tượng, ẩn dụ và loại suy, dựa trên những hình ảnh rất mờ nhạt được mạc khải trong Thánh kinh ?
Suốt chiều dài lịch sử, người ta đã sử dụng nhiều danh hiệu và biểu tượng để diễn tả Thiên Chúa, Đấng siêu việt vô thủy vô chung. Nhưng vấn đề thần học đích thực và cam go được đặt ra là khi Do thái giáo và Kitô giáo giới thiệu một Thiên Chúa ngôi vị, phải chăng đó là một hình thức diễn tả, một loại biểu tượng hay đã bao hàm một mạc khải đích thực về Thiên Chúa? Từ căn bản, truyền thống Do thái – Kitô giáo đã đặc biệt lưu tâm đến mối tương quan ngôi vị ? Phải chăng tương quan ngôi vị là nét độc đáo của Kitô giáo và đây cũng là đường lối Thiên Chúa sử dụng để chuyển thông ơn cứu độ cho nhân loại ?
Tuyên ngôn « Dominus Jesus » của Thánh bộ Đức tin quả quyết có sự khác biệt sâu xa giữa Thiên Chúa ngôi vị trong Kitô giáo với những hình ảnh biểu tượng về Thực Tại Siêu việt nơi một số tôn giáo Đông phương. Tuyên ngôn tái khẳng định vai trò chung cuộc và trọn vẹn nơi mạc khải của Đức Giêsu về Thiên Chúa, bất chấp những hạn chế tất nhiên của nhân loại. Tuyên ngôn cũng phủ nhận quan điểm cho rằng chân lý về Thiên Chúa không thể lãnh hội và diễn tả được, ngay cả khi được Đức Kitô mạc khải : « Chân lý về Thiên Chúa không bị xóa bỏ hay giảm thiểu vì được diễn tả qua ngôn ngữ con người. Trái lại, chân lý này vẫn duy nhất, trọn vẹn và quyết định, bởi vì Đấng nói và hành động chính là Con Thiên Chúa Nhập thể»[4].
Có lẽ thánh Tôma là một trong những thần học gia đã xây dựng quan niệm thần học về Thiên Chúa dựa trên những dữ kiện Ngài đã mạc khải qua Maisen và nhất là qua Đức Giêsu Kitô. Điểm khởi sắc của thánh Tôma, xét về phương diện tư tưởng, là khả năng tổng hợp các chân lý, hệ thống hóa chúng trong một cơ cấu chặt chẽ và đặt chúng vào đúng vị trí của mình.
Dưới ánh sáng mạc khải, Tôma đã sử dụng một cách linh động triết học của Aristote và phái tân Platon để xây dựng một nền thần học như một “khoa học”, có phương pháp khảo cứu nghiêm túc và khách quan[5]. Tất cả cố gắng trí thức của thánh nhân là cốt minh chứng không có xung khắc giữa Thiên Chúa của đức tin và Thiên Chúa mà lý trí có thể vươn tới. Giữa lý trí và đức tin có một tương quan hầu như liên tục, do đó có thể quả quyết sự hợp lý của thần học tích cực, dựa trên quan niệm “loại suy hữu thể”. Chẳng hạn chúng ta có thể xác quyết rằng Thiên Chúa nhân từ và công chính, với hai điều kiện sau đây : trước hết, chúng ta phải phủ nhận tất cả những tương đồng giữa Thiên Chúa và thụ tạo, vì nếu Thiên Chúa tốt lành, chắc chắn Ngài không tốt lành như chúng ta nghĩ và theo cách thế của loài người chúng ta. Sau đó có thể giữ lại ý nghĩa tương tự của các phẩm tính nhân loại. Chẳng hạn, nếu con người tốt lành thì Thiên Chúa cũng tốt lành, nhưng ở một mức độ và bình diện siêu việt.
Với phương pháp loại suy, thánh Tôma đã khai thác tối đa tính chất «nước đôi» của ngôn ngữ, vừa hữu hạn, vừa ra như có cái gì vô hạn. Có thể coi ngôn ngữ như bức bình phong ngăn cách những gì ta cho là hữu hạn với cái vô hạn. Bức vách này không cho phép chúng ta vượt sang bên kia bờ của vô cùng vô tận. Tuy nhiên chính những giới hạn tự nhiên của ngôn ngữ lại làm lóe lên một ánh sáng và một cửa ngõ dẫn vào cõi vô biên. Như vậy, qua phương pháp loại suy hữu thể, chúng ta có thể đi từ thực tại hữu hình để tiếp cận và cảm nhận huyền nhiệm của Thiên Chúa.
Tuy nhiên thánh Tôma không bao giờ để quan niệm siêu hình về « Hữu thể tự tại » lấn át quan niệm Thiên Chúa của mạc khải, trái lại luôn cố gắng giữ thế quân bình nào đó giữa thần học khẳng định và thần học phủ định. Theo chiều hướng của Dionisiô Areopagita, Tôma nhìn nhận sự bất lực của lý trí trong việc hiểu biết và cảm nhận Thiên Chúa. Chính thánh nhân đã viết một câu thật sâu sắc và thâm thúy, có thể coi như một định nghĩa của thần học phủ định: “Khi đi đến tận cùng con đường tri thức nhân loại, chúng ta gặp thấy một Thiên Chúa bất khả tri, điều đó có nghĩa là trên phương diện tri thức về Thiên Chúa lý trí đạt đến điểm cao nhất khi nhận ra rằng bản tính của Ngài vượt trên tất cả những gì mà lý trí có thể hiểu biết được. Như vậy, dù rằng chúng ta không biết điều mà Thiên Chúa là, chúng ta có thể biết được Ngài hiện hữu”[6].
Ngoài ra, khi nghiên cứu thần học của thánh Tôma, chúng ta đừng quên câu chuyện xảy ra vào cuối đời của ngài. Sau một đời miệt mài nghiên cứu để xây dựng nền tảng cho khoa thần học, có lẽ nhờ một cảm nghiêm tâm linh nào đó, thánh nhân đã “ngộ” và thú nhận : “Tất cả những gì tôi đã viết đều là rơm rác hết”. Từ đó nhất định gác bút. Không những không chịu viết tiếp, mà còn yêu cầu thiêu hủy tất cả những gì đã viết. Tuy nhiên, tác phẩm của thánh nhân đã được duy trì và hậu thế đã tuyệt đối khai thác khuynh hướng chủ yếu của thần học suy lý, muốn giải thích mầu nhiệm khởi đi từ quan niệm một Thiên Chúa được hiểu như một ngôi vị, nguyên nhân và nền tảng của tất cả hiện hữu. Hơn thế nữa, đã triệt để khai thác phương pháp loại suy để rút ra những phẩm tính của Thiên Chúa, được xây dựng trên một số đức tính và giá trị nhân loại thuộc một thời đại và một nền văn hóa riêng biệt.
Tuyên ngôn « Dominus Jesus » của thánh bộ Đức tin phủ nhận sự đối nghịch giữa não trạng duy lý của Tây phương và chiều hướng biểu tượng của Đông phương, đồng thời đề cao thần học tích cực và đánh giá rất thấp thần học tiêu cực, vì lo ngại nó cản trở công cuộc rao giảng Tin Mừng ở Á châu. Quan điểm này hiện đang gây nhiều tranh luận và phản ứng từ nhiều phía.
Mặt khác con người vốn là một sinh vật có tôn giáo, luôn tìm cách biểu lộ chiều kích tâm linh qua những hình thức rất đa dạng và phong phú như chiêm niệm thần bí, lễ nghi tế tự, suy tư triết học, và dấn thân phục vụ. Tuy nhiên nếu như con người có thể hiểu biết chút gì Thiên Chúa, qua vũ trụ hay bằng chính kinh nghiệm tâm linh, nói cho cùng tất cả những kiến thức đó cuối cùng có lẽ cũng chỉ là "suy diễn dựa trên những kinh nghiệm thuộc thế giới hữu hình và thế giới tâm linh của con người"[1].
Vì vậy chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy quan niệm về Thượng Đế của các triết gia và trí giả không những không đồng nhất, mà nhiều khi còn khác biệt, mâu thuẫn nhau. Điều đó không có nghĩa là có nhiều Thượng Đế, mà là có nhiều cách quan niệm và trình bày về Ngài. Câu trả lời đúng đắn nhất ở đây có lẽ là câu kinh Veda: "Thực tại chỉ là Một, nhưng các trí giả gọi Ngài bằng nhiều tên khác nhau". Nói một cách giản dị và bình dân hơn, những cố gắng của con người để trình bày Thượng Đế phần nào cũng tương tự như câu chuyện của những anh mù sờ voi.
1. Những anh mù sờ voi
Phật kinh kể chuyện xưa bên Ấn-độ có quốc vương kia sai dắt một thớt voi ra, rồi truyền cho một đám người mù đến nhận diện con voi bằng cách lấy tay sờ, nhưng mỗi người chỉ được sờ một phần của voi thôi. Người thứ nhất sờ trúng cái chân, liền nói: "Con voi giống như cái cột trụ". Người thứ hai mó phải cái vòi, lập tức đính chính: "Đâu phải, nó giống như cái chùy". Người thứ ba sờ trúng cái bụng, vuốt ve và suy nghĩ một lúc rồi tuyên bố: "Theo tôi, nó giống như cái chum đựng nước". Người thứ tư nắm phải cái tai, lập tức cãi lại: "Các anh nói sai bét. Nó giống như cái nia". Thế rồi bốn anh mù cãi nhau om sòm, mỗi người khư khư với xác quyết của mình. Chẳng ai đồng ý hay nhượng bộ ai. Phải, làm sao có thể nhượng bộ được khi chính mình đã nắm bắt, sờ mó, cầm chắc trong tay (!).
Ở mỗi mức độ nghiên cứu, mọi người đều xác định Thượng Đế là "một thực tại tuyệt đối, duy nhất và siêu việt", nhưng mỗi trí giả, triết gia, thần học gia... chỉ kinh nghiệm và trình bày một khía cạnh nào đó của vấn đề. Đó là một thực tế đau lòng, nhưng lại là hệ luận tất nhiên của con người hữu hạn trước Thực tại Siêu việt. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên và cũng chẳng có thể trách cứ ai, vì đối diện với Thực tại tuyệt đối, mọi khả năng tri thức của lý trí đều hữu hạn và tương đối.
Thật ra, cái bi đát nhất của con người trong hành trình truy tầm chân lý và trình bày Thượng Đế không hẳn do sự hữu hạn của lý trí cho bằng đã quên mất tính hữu hạn và tương đối của nó. Lịch sử triết học và thần học Tây phương là một dẫn chứng rõ rệt và đau thương nhất. Rất nhiều lần người ta đã đưa ra một cách thế quan niệm Thượng Đế, tự cho đó là chân lý tuyệt đối, rồi độc đoán gạt bỏ và kết án tất cả những cái nhìn khác, để biến quan niệm của mình thành tri thức tuyệt đối, độc nhất vô nhị trong thiên hạ.
Một tư tưởng gia nào đó đã nói rất có lý: nếu như thủa ban sơ Thượng Đế đã dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài, thì suốt dòng lịch sử con người lại vẽ Ngài theo hình ảnh và quan niệm của riêng mình. Tất cả mọi người, kể cả người đang viết những dòng này, có lẽ cũng đã vẽ Ngài bằng những nét chủ quan và ngớ ngẩn riêng biệt, với những cây cọ phàm trần. Nhưng điều đáng sợ và bi thảm nhất là nhiều lần người ta dám nhân danh lương tâm hay một thế giá thần thánh nào khác để "thần thánh hóa" nét vẽ của chính mình.
Con người là một hữu thể ngã vị, nên dễ dàng quan niệm một Thượng Đế ngôi vị. Điều đó dễ hiểu và cũng chẳng có chi đáng trách. Cái đáng trách nằm ở chỗ ta dám xác quyết Thượng đế chỉ có thế hay chỉ là thế, theo một số khuôn thức cứng ngắc, làm như thể người ta đã thấu hiểu bản thể của Ngài. Một vài trường hợp người ta còn dám cụ thể hóa Thượng Đế, kéo ghì Ngài xuống sà sà ngang tầm hiểu biết của đại chúng, gán cho Ngài những phẩm tính của con người. Tệ hơn nữa, một đôi khi, Thượng Đế còn bị sử dụng để biện minh cho cơ cấu xã hội và chế độ chính trị. Một Thượng Đế hữu ngã, bình dân hóa và chính trị hóa như thế có thể gần gũi quần chúng(?). Tuy nhiên một khi đã bị phàm trần hóa và chính trị hóa như vậy, Ngài cũng rất dễ liên lụy và mang họa với những khuyết điểm của con người ở đời.
2. Có chăng một nhận thức về Thượng Đế bất khả tri?
Cố Hồng y Charles Journet đã bộc lộ một cách ngắn gọn và sâu sắc thách đố bi đát của Kitô giáo: đúng ra không ai có thể nói gì về Thiên Chúa, nhưng mặt khác cũng không thể không nói về Ngài. Thật vậy, chúng ta không thể đề cập đến những vấn đề căn bản về con người, thế giới, sự dữ .... mà không hiểu ngầm một quan niệm nào đó về Thiên Chúa. Nói khác đi, cái bi đát của thần học là làm sao tìm ra phương thế thích hợp để trình bày một Thiên Chúa vô thủy vô chung, bất khả tri bất khả giác[2].
Ước vọng thâm sâu của nhân loại suốt dòng lịch sử là làm sao trả lời cho câu hỏi căn bản: Thượng Đế, Ngài là ai? Có lẽ Ngài phần nào đã thỏa mãn yêu sách chính đáng trên qua cuộc đàm thoại với Mô-sê được ghi lại trong sách Xuất hành : “Mô-sê thưa với Chúa : Bây giờ con đến gặp con cái Israel rằng Thiên Chúa của cha ông các ngươi đã sai tôi đến với các ngươi và nếu họ hỏi con : “Tên Ngài là gì?”, con sẽ biết trả lời ra sao ? Thiên Chúa trả lời Mô-sê : “Ngươi sẽ nói với con cái Israel thế này : “Đấng Hiện Hữu” đã sai tôi đến với các ngươi!”. Thiên Chúa còn nói thêm với Mô-sê : “Ngươi sẽ nói với con cái Israel thế này : Yahvê Thiên Chúa của cha ông các ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Yacob đã sai tôi đến với các ngươi. Đó là tên Ta mang mãi mãi”[3].
Các nhà chuyên môn đã tranh luận nhiều về ý nghĩa của đoạn văn trên. Phải chăng Thượng Đế không muốn mạc khải Danh Ngài, hay vì Danh Ngài không thể diễn tả bằng ngôn ngữ nhân loại, nên Ngài đã nói một cách lấp lửng như vậy? Hay phải chăng Ngài đã vén mở cho Mô-sê biết Danh Ngài một cách nào đó theo não trạng người Do Thái thời đó ?
Vì không thể thấu hiểu huyền nhiệm của Thiên Chúa, nhưng lại không thể không nói về Ngài, nên con người đã diễn tả Ngài qua vẻ hoàn hảo khác nhau của tạo vật hay qua cảm nghiệm tâm linh. Nhưng ngôn ngữ hữu hạn làm sao diễn tả nổi tính đơn thuần và siêu việt của Thiên Chúa ? Tất cả những gì ta có thể nói về Ngài phải chăng chỉ là những biểu tượng, ẩn dụ và loại suy, dựa trên những hình ảnh rất mờ nhạt được mạc khải trong Thánh kinh ?
Suốt chiều dài lịch sử, người ta đã sử dụng nhiều danh hiệu và biểu tượng để diễn tả Thiên Chúa, Đấng siêu việt vô thủy vô chung. Nhưng vấn đề thần học đích thực và cam go được đặt ra là khi Do thái giáo và Kitô giáo giới thiệu một Thiên Chúa ngôi vị, phải chăng đó là một hình thức diễn tả, một loại biểu tượng hay đã bao hàm một mạc khải đích thực về Thiên Chúa? Từ căn bản, truyền thống Do thái – Kitô giáo đã đặc biệt lưu tâm đến mối tương quan ngôi vị ? Phải chăng tương quan ngôi vị là nét độc đáo của Kitô giáo và đây cũng là đường lối Thiên Chúa sử dụng để chuyển thông ơn cứu độ cho nhân loại ?
Tuyên ngôn « Dominus Jesus » của Thánh bộ Đức tin quả quyết có sự khác biệt sâu xa giữa Thiên Chúa ngôi vị trong Kitô giáo với những hình ảnh biểu tượng về Thực Tại Siêu việt nơi một số tôn giáo Đông phương. Tuyên ngôn tái khẳng định vai trò chung cuộc và trọn vẹn nơi mạc khải của Đức Giêsu về Thiên Chúa, bất chấp những hạn chế tất nhiên của nhân loại. Tuyên ngôn cũng phủ nhận quan điểm cho rằng chân lý về Thiên Chúa không thể lãnh hội và diễn tả được, ngay cả khi được Đức Kitô mạc khải : « Chân lý về Thiên Chúa không bị xóa bỏ hay giảm thiểu vì được diễn tả qua ngôn ngữ con người. Trái lại, chân lý này vẫn duy nhất, trọn vẹn và quyết định, bởi vì Đấng nói và hành động chính là Con Thiên Chúa Nhập thể»[4].
Có lẽ thánh Tôma là một trong những thần học gia đã xây dựng quan niệm thần học về Thiên Chúa dựa trên những dữ kiện Ngài đã mạc khải qua Maisen và nhất là qua Đức Giêsu Kitô. Điểm khởi sắc của thánh Tôma, xét về phương diện tư tưởng, là khả năng tổng hợp các chân lý, hệ thống hóa chúng trong một cơ cấu chặt chẽ và đặt chúng vào đúng vị trí của mình.
Dưới ánh sáng mạc khải, Tôma đã sử dụng một cách linh động triết học của Aristote và phái tân Platon để xây dựng một nền thần học như một “khoa học”, có phương pháp khảo cứu nghiêm túc và khách quan[5]. Tất cả cố gắng trí thức của thánh nhân là cốt minh chứng không có xung khắc giữa Thiên Chúa của đức tin và Thiên Chúa mà lý trí có thể vươn tới. Giữa lý trí và đức tin có một tương quan hầu như liên tục, do đó có thể quả quyết sự hợp lý của thần học tích cực, dựa trên quan niệm “loại suy hữu thể”. Chẳng hạn chúng ta có thể xác quyết rằng Thiên Chúa nhân từ và công chính, với hai điều kiện sau đây : trước hết, chúng ta phải phủ nhận tất cả những tương đồng giữa Thiên Chúa và thụ tạo, vì nếu Thiên Chúa tốt lành, chắc chắn Ngài không tốt lành như chúng ta nghĩ và theo cách thế của loài người chúng ta. Sau đó có thể giữ lại ý nghĩa tương tự của các phẩm tính nhân loại. Chẳng hạn, nếu con người tốt lành thì Thiên Chúa cũng tốt lành, nhưng ở một mức độ và bình diện siêu việt.
Với phương pháp loại suy, thánh Tôma đã khai thác tối đa tính chất «nước đôi» của ngôn ngữ, vừa hữu hạn, vừa ra như có cái gì vô hạn. Có thể coi ngôn ngữ như bức bình phong ngăn cách những gì ta cho là hữu hạn với cái vô hạn. Bức vách này không cho phép chúng ta vượt sang bên kia bờ của vô cùng vô tận. Tuy nhiên chính những giới hạn tự nhiên của ngôn ngữ lại làm lóe lên một ánh sáng và một cửa ngõ dẫn vào cõi vô biên. Như vậy, qua phương pháp loại suy hữu thể, chúng ta có thể đi từ thực tại hữu hình để tiếp cận và cảm nhận huyền nhiệm của Thiên Chúa.
Tuy nhiên thánh Tôma không bao giờ để quan niệm siêu hình về « Hữu thể tự tại » lấn át quan niệm Thiên Chúa của mạc khải, trái lại luôn cố gắng giữ thế quân bình nào đó giữa thần học khẳng định và thần học phủ định. Theo chiều hướng của Dionisiô Areopagita, Tôma nhìn nhận sự bất lực của lý trí trong việc hiểu biết và cảm nhận Thiên Chúa. Chính thánh nhân đã viết một câu thật sâu sắc và thâm thúy, có thể coi như một định nghĩa của thần học phủ định: “Khi đi đến tận cùng con đường tri thức nhân loại, chúng ta gặp thấy một Thiên Chúa bất khả tri, điều đó có nghĩa là trên phương diện tri thức về Thiên Chúa lý trí đạt đến điểm cao nhất khi nhận ra rằng bản tính của Ngài vượt trên tất cả những gì mà lý trí có thể hiểu biết được. Như vậy, dù rằng chúng ta không biết điều mà Thiên Chúa là, chúng ta có thể biết được Ngài hiện hữu”[6].
Ngoài ra, khi nghiên cứu thần học của thánh Tôma, chúng ta đừng quên câu chuyện xảy ra vào cuối đời của ngài. Sau một đời miệt mài nghiên cứu để xây dựng nền tảng cho khoa thần học, có lẽ nhờ một cảm nghiêm tâm linh nào đó, thánh nhân đã “ngộ” và thú nhận : “Tất cả những gì tôi đã viết đều là rơm rác hết”. Từ đó nhất định gác bút. Không những không chịu viết tiếp, mà còn yêu cầu thiêu hủy tất cả những gì đã viết. Tuy nhiên, tác phẩm của thánh nhân đã được duy trì và hậu thế đã tuyệt đối khai thác khuynh hướng chủ yếu của thần học suy lý, muốn giải thích mầu nhiệm khởi đi từ quan niệm một Thiên Chúa được hiểu như một ngôi vị, nguyên nhân và nền tảng của tất cả hiện hữu. Hơn thế nữa, đã triệt để khai thác phương pháp loại suy để rút ra những phẩm tính của Thiên Chúa, được xây dựng trên một số đức tính và giá trị nhân loại thuộc một thời đại và một nền văn hóa riêng biệt.
Tuyên ngôn « Dominus Jesus » của thánh bộ Đức tin phủ nhận sự đối nghịch giữa não trạng duy lý của Tây phương và chiều hướng biểu tượng của Đông phương, đồng thời đề cao thần học tích cực và đánh giá rất thấp thần học tiêu cực, vì lo ngại nó cản trở công cuộc rao giảng Tin Mừng ở Á châu. Quan điểm này hiện đang gây nhiều tranh luận và phản ứng từ nhiều phía.
3. Con đường của hiền giả Đông phương
Nói chung các triết gia và thần học gia suy lý Tây phương thường chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế bằng những lý chứng dựa trên sách vở, tài liệu, luận chứng khách quan của trí tuệ, trong khi đó các thần bí gia và hiền triết Đông phương thường hướng về trực giác và cảm nghiệm tâm linh. Thật vậy đối với các thần bí gia, Đông cũng như Tây, không có chuyện biết để mà biết. Cái biết mà họ truy tầm phải là cái trí huệ có sức giải thoát con người. Tri và hành ở đây phải là một. Thành ra vấn đề Thượng Đế hay Thực tại tối hậu không thể chỉ là một tri thức suông, mà phải là một kinh nghiệm sống, một thực nghiệm tâm linh, nhằm dẫn đưa con người huyền đồng với Chân Lý tối hậu.
Với khuynh hướng thực nghiệm tâm linh đó, họ không chú trọng đến việc tra hỏi về hiện hữu và bản thể của Thượng Đế. Ưu tiên số một ở đây là làm sao hội nhập cái ngã nhỏ bé của mình trong cái Đại Ngã vô biên. Kabir, một thần bí gia Ấn-độ ở thế kỷ 15, đã viết lên những vần thơ nghe như muốn chọc tức các thần học gia và triết gia duy lý:
Học hành mà làm chi, suy nghĩ để làm gì?
Nghe có ích gì? Hát Thánh Kinh có lợi gì?
Đọc mà làm chi? Nghe để làm chi?
Nếu anh chưa kinh nghiệm về Tuyệt Đối?
Hỡi người ngu xuẩn,
nếu anh không gọi tên Thượng Đế
thì suy nghĩ làm gì cho uổng công?
...Anh sẽ không bao giờ thấy rừng,
nếu anh không biết cây là gì.
Cũng thế, anh sẽ không bao giờ gặp Thượng Đế,
nếu anh tìm Ngài trong những ý niệm trừu tượng.
Hành trình kiếm tìm chân lý thật xa xăm, diệu vợi. Thượng Đế quả siêu việt vô cùng, vì Ngài là Đấng mà "cái nhìn không thể thấu tới, ngôn ngữ và tư tưởng không thể diễn tả nổi" (Kena Up.1). Tuy nhiên các thần bí gia luôn thâm tín rằng họ có thể gặp gỡ Ngài : Với các Risis Ấn-độ, họ chính là Brahman (aham Brama asmi), theo Khổng Tử “Đạo bất viễn nhân”, còn Phật giáo kêu mời con người trở về với “Chân tâm”.
Một khác biệt nữa là khi bó buộc phải diễn tả Thượng Đế, các thần bí gia thường không dùng những công thức định tín, những quan niệm trừu tượng, những danh từ khúc chiết, rõ rệt... mà dùng phương pháp ám thị, biểu tượng, gợi ý qua các châm ngôn, ẩn dụ hay ngụ ngôn. So với tác phẩm của các triết gia và thần học gia suy lý, trước tác và ngôn ngữ của các thần bí gia có vẻ tối nghĩa, thiếu mặch lạc và nhiều khi còn mâu thuẫn, nhưng khả năng gợi ý và diễn đạt của nó thật vô cùng phong phú.
Trang Tử bảo rằng khi hai vị thánh gặp nhau, chỉ cần "mắt họ gặp nhau, Đạo đã hiển hiện rồi", chẳng cần nhiều lời. Và ông ước mong tìm được người biết quên lời để cùng nhau đàm đạo. Theo Lão tử không thể dùng suy luận của lý trí để hiểu Đạo, mà chỉ có thể hiểu được bằng chính thực nghiệm nơi bản thân. Đạo cũng không thể diễn tả bằng những danh từ thuộc giới tương đối nhị nguyên. Nếu như Đạo mà có thể diễn tả được bằng ngôn ngữ tương đối thì chắc hẳn sẽ không còn là Đạo vĩnh hằng, tuyệt đối, vô thường: "Đạo khả Đạo, phi thường Đạo, danh hữu danh, phi thường danh" (Đạo đức kinh, thiên I).
Truyền thống triết học Ấn-độ cũng chủ trương rằng nếu chỉ dùng suy tư của trí tuệ thì không bao giờ hy vọng nhận thức được Thượng Đế. Con đường thích hợp nhất phải là thực nghiệm tâm linh. Katha Upanishad quả quyết: "Tự Ngã không thể đạt tới được do học vấn, trí tuệ hay kiến thức. Ngài chỉ có thể đạt được bởi người nào mà Ngài chọn lựa. Đối với người ấy, Tự Ngã tự thể hiện bản tính của mình" (Katha Up.I.2,23). Nói cách khác, nếu chúng ta biết chút gì về Thượng Đế, điều đó chẳng qua là nhờ hoạt động của Ngài ở trong ta, chứ hoàn toàn không do khả năng riêng của lý trí. Những giây phút xuất thần là những lúc con người cảm nghiệm được Thực-Tại cao cả, lớn lao trong đáy sâu của tâm hồn, mặc dù không thể nào diễn tả nổi[7].
Brihad-aranyaka Upanishad đã đưa một diễn ngữ thật đắc ý để diễn tả Thực-Tại Vô- biên: "Neti Neti", Ngài chẳng phải thế này, cũng không phải thế nọ. Đối với tầm hiểu biết của chúng ta, Ngài quả là "diệc hữu - diệc vô, phi hữu - phi vô, phi phi hữu - phi phi vô, bất thường - bất đoạn". Ngài "không lớn, không nhỏ, không ngắn, không dài, không rực rỡ, không tối tăm, không mùi không vị, không mắt không tai, không tiếng nói, không hơi thở, không trong, không ngoài, không tiêu hủy và cũng không bị tiêu hủy" (III.8,8). Thành ra càng cố gắng diễn tả Ngài bao nhiêu, càng bộc lộ rõ rệt cái lố bịch, kịch cỡm và vô nghĩa:
"Ai không bắt gặp Ngài, thì bắt gặp Ngài.
Ai bắt gặp Ngài thì không bắt gặp Ngài.
Ai (tưởng) hiểu biết Ngài thì không hiểu biết gì
Ai (tưởng) không hiểu biết Ngài thì hiểu biết" (III.9,26).
4- Cảm nghiệm của thần bí gia.
Bên trời Tây, những quan niệm về siêu việt, tuyệt đối, bất nhất- bất nhị, bất khả tri - bất khả giác... thật sự cũng khá quen thuộc trong ngôn ngữ huyền bí. Nói như Plotin, khi linh hồn đã đi trọn con đường huyền bí, nghĩa là đạt tới trạng thái xuất thần, thì "không còn biết đến chính cái mà nó chiêm ngưỡng nữa. Nó cũng không suy tưởng về Thượng Đế, bởi vì nó chẳng còn suy tưởng chi nữa" (Ennéades, VI,9,7).
Trong thế giới Kitô giáo, khoảng đầu thế kỷ IV, phong trào đan tu xuất hiện với thật nhiều khởi sắc trong kinh nghiệm tu trì và thần bí. Thánh Basilio, thánh Gregorio de Nisa và thánh Gregorio Naziano có những đóng góp tích cực cho con đường thần bí. Theo Gregorio de Nisa, đối với con người hữu hạn, tính bất khả tri của Thiên Chúa là hệ luận tất nhiên của bản tính siêu việt và vô cùng của Ngài. Xin ghi lại nơi đây một bài thơ của Gregorio, trong đó tác giả làm nổi bật tính vi diệu, bất nhất bất nhị, bất lai bất khứ, bất thường bất đoạn của Thiên Chúa:
Hỡi Ngài ở bên kia vạn sự!
Phải chăng đó là tất cả những gì có thể ca ngợi Ngài
Ngôn ngữ sẽ hát tặng Ngài bài ca nào?
không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả được.
Tinh thần sẽ bám víu vào đâu?
Ngài siêu việt trên mọi trí tuệ.
Một mình Ngài khôn tả,
bởi vì tất cả những gì có thể diễn tả đều bởi Ngài
Chỉ duy Ngài không ai tri thức nổi,
bởi vì tất cả những gì có thể suy niệm đều bởi Ngài
Ngài là cứu cánh vạn sự,
Ngài là tất cả hữu thể và là phi hữu thể,
Ngài không phải là một hữu thể nào,
Ngài cũng chẳng phải là toàn bộ mọi hữu thể.
Ngài có mọi tên, nhưng tôi sẽ gọi Ngài là gì?
Duy mình Ngài không ai có thể gọi tên được.
Hỡi Ngài ở bên kia vạn sự!
Nếu như “Thiên Chúa không ai có thể thấy bao giờ”, như vậy phải chăng ngõ mở để dẫn đưa con người hữu hạn gặp gỡ Đấng vô biên là con đường thần bí ? Có lẽ Gregorio là tác giả Kitô giáo đầu tiên đề cập đến một tiến trình tâm linh có khả năng biến đổi thực sự con người hữu hạn và cho phép nó tiếp cận, tham dự vào thực tại thần linh. Dường như nơi thẳm sâu của con người hữu hạn đã tiềm ẩn một khả năng “vô hạn”, cho phép vươn lên không ngừng để tiếp cận với Thiên Chúa vô hạn.
Pseudo-Dionisiô, một tác giả ẩn danh ở thời cổ đại của Kitô giáo, mà cho đến thời Trung cổ người ta vẫn nghĩ rằng là một môn đệ của thánh Phaolô, nhưng đúng hơn có lẽ sống vào cuối thế kỷ V hay đầu thế kỷ VI, đã đóng vai rất quan trọng trong việc phát triển thần học phủ định và thần bí Kitô giáo. Ông ý thức rất rõ rệt giới hạn tất nhiên của ngôn ngữ và tri thức nhân loại : cho dù cao đẹp và sâu sắc đến đâu chăng nữa, ngôn ngữ phàm trần không bao giờ diễn tả được bản tính của Thiên Chúa. Ông đưa ra bốn cách thế nhận thức và trình bày Thiên Chúa:
Con đường biểu tượng xây dựng trên những biểu tượng của mầu nhiệm đức tin;
Con đường khẳng định chủ ý khai thác nguyên nhân tính của Thiên Chúa ;
Con đường tiêu cực đặt nổi sức mạnh “phủ định của phủ định” ngõ hầu vươn tới thực thể siêu việt;
Và cuối cùng là con đường thần bí như muốn Chọc Thủng Bức Màn Huyền Nhiệm Bằng Thực Nghiệm Tâm Linh[8].
Theo ông, tri thức nhỏ bé của chúng ta về Thực Tại Siêu Việt trở thành vô nghĩa, nếu so sánh với cái vô tri mênh mông và sâu thẳm của ta về Ngài. Chính vì thế ông khuyên đồ đệ yêu quý "cố gắng giải thoát mọi cảm giác, mọi hoạt động tâm linh và tất cả những gì có thể cảm giác hay hiểu biết...để lần mò theo con đường vô tri, vươn mình bao nhiêu có thể, ngõ hầu đạt tới sự kết hợp với Đấng ở trên tất cả hữu thể và tất cả hiểu biết" (Theol. Myst. I,3).
Đối với tôn sư Eckhart, người khai sáng trường phái thần bí Đa-minh ở Đức, thì "trong đáy sâu của tâm hồn, cái sâu thẳm của Thiên Chúa và cái sâu thẳm của con người chỉ còn là một". Thiên Chúa là Thực-Tại Tối-Cao nên đồng thời vừa tuyệt đối siêu việt vừa tuyệt đối nội tại, vượt trên mọi tri thức của nhân loại, mà lại rất tiếp cận, nằm nơi thẳm sâu của con người. Thành ra chúng ta chỉ có thể gặp gỡ, cảm nghiệm được sự hiện diện vô biên của Ngài bằng con đường thực nghiệm tâm linh, đi vào hố thẳm yên lặng của lòng mình để gặp gỡ sự thẳm sâu của Ngài.
Eckhart cũng không ngừng nhấn mạnh đến siêu việt tính của Thiên Chúa. Chúng ta không hiểu biết bản tính siêu việt của Thiên Chúa và cũng chẳng có thể gọi tên Ngài[9]. Trong bài thuyết giáo "Renovamini spiritu mentis nostrae", Eckhart khẳng định: "Thiên Chúa không có tên gọi, bởi vì không ai có thể nói hay biết gì về Ngài. Nếu tôi nói Chúa tốt lành, điều đó không đúng, tôi tốt lành chứ Chúa đâu có tốt lành !... Nếu tôi nói Chúa khôn ngoan, điều đó cũng không đúng, tôi khôn ngoan hơn Ngài. Nếu tôi nói rằng Chúa là một hữu thể, điều đó cũng không đúng nữa, vì Ngài vừa là một hữu thể ở trên mọi hữu thể, vừa là một phủ định tối thiết yếu. Một tôn sư nói: nếu tôi có một Thượng Đế mà tôi có thể hiểu biết được, tôi sẽ không coi Ngài là Thượng Đế nữa... Anh phải yêu Ngài như Ngài là thế đó: chẳng phải Thượng Đế, chẳng phải tâm linh, chẳng phải ngôi vị, chẳng phải hình ảnh. Hơn thế nữa: Ngài là Đơn Nhất không pha trộn, thuần khiết, trong sáng"[10].
Dĩ nhiên ngôn từ và lối diễn tả thần bí, phi nhị nguyên và “phá chấp” này đã là một "cú sốc" cho các nhà thần học và giáo luật đương thời. Để trấn an họ và để tránh hiểm họa cho mình, tôn sư Eckhart biện bạch: "Khi tôi nói rằng: Thiên Chúa không phải là hữu thể và Ngài ở trên mọi hữu thể, tôi không có ý phủ nhận hữu thể nơi Ngài, trái lại tôi muốn nói Ngài là một Hữu Thể Siêu Việt"[11]. Thật vậy, con đường tiêu cực khai mở cho chúng ta một ngõ mở để đi vào huyền nhiệm vô thường, vô lượng của Thực tại siêu việt. Khi xác quyết Thiên Chúa không phải là hữu thể và cũng chẳng phải phi hữu thể, chúng ta đã đặt nổi một chân lý nền tảng : Ngài là một Hữu Thể Siêu Việt, ở bên trên và bên ngoài tất cả mọi phạm trù nhân loại[12].
Theo những nghiên cứu gần đây, thánh Gioan thánh gía chịu ảnh hưởng khá sâu đậm của Tauler và Eckhart về kinh nghiệm thần bí và thần học tiêu cực[13]. Trong một đoạn văn nửa huyền bí, nửa như thơ, thánh Gioan thánh giá nói lên sự bất lực của con người trong việc tri thức Thiên Chúa: "Càng gần Chúa bao nhiêu, linh hồn càng cảm thấy như rơi vào vực thẳm tăm tối, vì sự bất toàn và yếu đuối của mình. Nếu càng đến gần mặt trời bao nhiêu thì ánh sáng của nó càng làm cho ta chói mắt và nhức nhối, do sự yếu đuối và bất toàn của con mắt. Cũng thế ánh sáng siêu nhiên của Thiên Chúa mạnh mẽ tới mức ta không thể hiểu nổi, nên khi linh hồn tới gần thì mù quáng và rơi vào tăm tối. Thánh Phaolô đã nói: ánh sáng và huy hoàng của Thiên Chúa càng cao cả bao nhiêu thì càng trở nên tăm tối và sâu thẳm cho con người bấy nhiêu".
Đối với Gioan Thánh giá, giữa Thiên Chúa tuyệt đối và thụ tạo hữu hạn không thể tìm được một điểm gặp gỡ nào. Chẳng có gì thuộc thế giới cảm giác hay tri thức có thể dẫn đưa con người kết hợp với Thiên Chúa. Chỉ duy con đường thực nghiệm tâm linh giúp chúng ta trở về với chiều sâu của tâm hồn để gặp gỡ chiều sâu của Thiên Chúa.
5. Tiến tới một cái nhìn bao dung
Phạm vi giới hạn của chương này không cho phép chúng tôi trình bày mọi khía cạnh của vấn đề và cũng không có thể đi sâu vào chi tiết. Hy vọng mấy nét chấm phá ở trên –cho dù thiếu sót và quá giản lược– đã nói lên yêu cầu đặt lại một số cách quan niệm và trình bày về Thiên Chúa, hầu trả lời cho những thách đố và yêu cầu của thời đại.
Sở trường của thần học Tây phương là luôn đặt nổi “lý tính khoa học” và có khả năng biến thần học thành một môn học được nghiên cứu và giảng dạy nghiêm túc như bất cứ môn học nào tại các Đại học. Tuy nhiên chính cái “lý tính khoa học” này đã giết chết “thần học”, đóng khung nó trong những định tín, ý niệm, công thức, từ ngữ… ngoại tại, chai cứng, lạnh lùng và thiếu sinh khí. Thái độ duy lý này cũng dễ dẫn đến một thứ “đức tin công thức”, cố chấp, giáo điều, bất bao dung về tôn giáo, vì cho rằng mình độc quyền chân lý.
Chính Jean Guitton, một triết gia Công giáo và được coi là truyền thống, đã thú nhận : “Ngày xưa, người ta hạ giá qúa đáng các bậc thầy không theo đường lối của Giáo hội. Người ta coi những người ngoài Công giáo và những người vô thần như những thứ quái vật. Trong rất nhiều sách giáo khoa, lịch sử của các học thuyết hoặc các giáo phái được coi như một thứ quái-vật-học của thần học (la téralogie de la théologie)”[14].
Đối với anh em đồng đạo, rất nhiều lần người ta cũng làm khổ, hành hạ, kết án và tuyệt thông nhau, chỉ vì bất đồng quan điểm về vài vấn đề, vài câu hay vài chữ hiểu chưa sát ý, mặc dù cùng chung một niềm tin. Bao nhiêu triết gia, thần học gia và thần bí gia đã bị điều tra, kết án và khai trừ ? Bao nhiêu nước mắt và máu đã đổ ra, nhiều khi chỉ vì một vài bản văn được hiểu hay giải thích hơi khác.
Ngày 13 tháng 12 năm 1996, giáo chủ Gioan Phaolô II và thượng phụ Karekin I đã công bố một bản tuyên tín chung, chấm dứt những bất đồng quan điểm giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Armenia về vấn đề bản tính của Đức Giêsu Kitô. Hai vị xác tín rằng “một khi cùng chung một niềm tin căn bản nơi Thiên Chúa và nơi Đức Giêsu Kitô, thì những cuộc tranh luận và những việc chia rẽ đáng tiếc nhiều khi chỉ vì sử dụng ngôn ngữ khác nhau để diễn tả đức tin, không thể tiếp tục hiện hữu để gây ảnh hưởng xấu trên đời sống và chứng từ của Giáo hội hôm nay”.
Hai vị cũng khiêm tốn bộc lộ trước Thiên Chúa “nỗi đau xót vì những cuộc tranh luận và chia rẽ này, đồng thời quyết tâm bứng khỏi tâm trí và ký ức những hậm hực cay đắng, phỉ báng nhau và ngay cả hận thù đã ngự trị trong qúa khứ và rất có thể hôm nay vẫn làm mờ nhạt mối tương quan huynh đệ giữa hai Giáo hội”[15].
Nhân dịp Năm Thánh 2000, Giáo hội Công giáo đã chính thức xám hối về những lỗi lầm trong quá khứ. Một trong bảy lỗi lầm được nêu lên chính là các tội đã phạm bởi “những người của Giáo hội, nhân danh đức tin và luân lý, đã sử dụng những phương tiện không phù hợp với Tin Mừng khi thực thi trọng trách bảo vệ chân lý”. Chẳng hạn: thái độ bất khoan dung và bạo động chống lại những người ly khai, chiến tranh tôn giáo, dùng vũ lực trong các chiến dịch của nghĩa binh thánh giá, những biện pháp tra tấn phi nhân của “Tòa tra”.
Có thể nói đây là một dấu chỉ tích cực, khởi đầu cho niềm hy vọng lớn lao tiến tới hiệp nhất Kitô giáo. Tuy nhiên, đứng trên bình diện đức tin tôn giáo, nhiều người ngày nay vẫn thắc mắc : tại sao có thể xảy ra những chuyện phi lý như vậy? Hơn nữa, tại sao phải đợi đến bây giờ mới can đảm sửa sai?
Ngay từ giữa thế kỷ IV, trong bầu khí tranh luận rất gay gắt với phái Ario, thánh Hilario đã khẩn khoản van xin các đồng nghiệp của mình đừng vội lên án tuyệt thông nhau vì vài diễn ngữ và danh từ, khi còn chia sẻ một niềm tin : “Đối diện với những nguy cơ lớn lao và trầm trọng cho đức tin, cần biết linh động giải thích các danh từ cứng ngắc(...). Tại sao chúng ta nghi ngờ và kết án nhau vì những bất đồng vụn vặt về danh từ, trong khi không khác biệt về quan niệm sự vật?(...). Tôi van xin anh em, đừng ngờ vực nhau, đừng tạo thêm cơ hội (...). Tôi không thể chịu nổi diễn ngữ của các anh [hợp nhất trong bản thể], nếu điều đó có nghĩa rằng bất cứ ai tuyên xưng một hình thức tương đồng về bản thể lập tức bị vạ tuyệt thông. Người ta không thể lên án một danh từ khi nó không làm biến đổi ý nghĩa của tôn giáo”[16]. Rất tiếc quan điểm bao dung này chỉ là một tiếng kêu trong sa mạc Tây phương...
Tất cả những cách trình bày tượng hình, ẩn dụ, ví von và nhiều khi có vẻ mâu thuẫn ở trên, chỉ nhằm diễn tả một chân lý duy nhất: Thượng Đế là một Thực tại Siêu việt, là Cha nhân lành, là Đấng tạo thành vũ trụ. Không thể dùng ngôn ngữ hay quan niệm nhân loại để diễn tả bản thể của Ngài, vì Ngài siêu việt trên hữu-thể lẫn phi-hữu-thể. Nếu vì một lý do nào đó chúng ta phải dùng ngôn ngữ và hình ảnh để giới thiệu Ngài, đừng bao giờ quên tính cách hữu hạn của những phương tiện nhân loại mà chúng ta đã sử dụng. Cũng đừng quên rằng hành trình tâm linh rất nhiêu khê, phức tạp và đa dạng, không thể công-thức-hóa, đồng-nhất-hóa hay có thể diễn tả một cách rõ ràng minh bạch.
Sách “Giáo lý của Giáo hội Công giáo” nhắc lại rằng “trong khi bênh vực khả năng lý trí của con người có thể nhận biết Thiên Chúa, Giáo hội nói lên xác tín của mình có thể nói về Thiên Chúa cho mọi người và với mọi người”[17]. Tuy nhiên, cũng chân thành công nhận rằng “vì sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa bị giới hạn, cho nên ngôn ngữ của chúng ta về Thiên Chúa cũng giới hạn. Chúng ta chỉ có thể gọi tên Thiên Chúa nhờ vào các tạo vật và theo cách hiểu biết và suy tưởng có giới hạn của con người” (số 40). Do đó chúng ta cần ý thức để “đừng đồng hóa Thiên Chúa vô hình vô tượng, không thể hiểu được, không thể diễn tả với những biểu tượng loài người của chúng ta” (số 42).
Chúng tôi xin kết thúc chương này bằng câu chuyện “Sửa kinh”, một câu chuyện biến ngôn được Anthony de Mello trình bày một cách thật dí dỏm và rất dễ thương:
Một học giả đến gặp Đức Phật và thưa: “Thưa thầy, những điều thầy dạy không thấy ghi trong sách kinh”.
Đức Phật ôn tồn trả lời: “Vậy thì ngươi hãy viết thêm vào”.
Sau vài tháng suy nghĩ, học giả đó lại trình Đức Phật: “Xin thầy cho phép con được liều lĩnh thưa với thầy một điều nữa: một vài điều thầy dạy xem ra mâu thuẫn với kinh sách”.
Đức Phật bảo: “Vậy cần phải sửa kinh sách đó”.
Tại Liên Hiệp Quốc, có người đưa ra đề nghị là cần sửa đổi tất cả mọi kinh sách của các tôn giáo. Nên cắt bỏ những gì có thể gây ra tinh thần thiếu bao dung, tàn nhẫn, cuồng tín. Cần phải hủy bỏ những gì có thể, một cách trực tiếp hay gián tiếp, chống lại phẩm giá hay hạnh phúc của con người.
“Khi biết người đưa ra đề nghị đó chính là Đức Giêsu Kitô, tất cả các phóng viên đổ dồn đến phỏng vấn Ngài về lý do của lời đề nghị trên.
Câu trả lời của Ngài thật giản dị: “Kinh sách cũng tương tựa như ngày sabát, nó vì con người chứ không phải con người vì nó”.
________________
[1] Gioan Phaolô II, Bước qua ngưỡng cửa hy vọng, Arnoldo Mondadori, Milano, 1994, tr.36.
[2] Xc. Charles Journet, Connaissance et inconnaissance de Dieu, Fribourg, 1943 ; J.-H. Nicolas, Dieu connu comme inconnu, Paris, 1966.
[3] Xuất hành, III,13-15.
[4] Thánh bộ Đức tin, Dominus Jesus, số 6.
[5] Đương nhiên chữ “khoa học” ở đây được hiểu theo quan niệm của Aristote. Với sự xuất hiện của khoa học thực nghiệm, hôm nay không ai có thể qủa quyết thần học là một khoa học theo nghĩa hiện đại. Xin xem D. Chenu, La théologie comme science au XIIIe siècle, Paris, Vrin, 1957 ; A.Walz, Saint Thomas d’Aquin, Louvain-Paris,1962 ; M. Corbin, Le chemin de la théologie chez Thomas d’Aquin, Paris,1974 ; J.A. Weisheipl, Friar Thomas d’Aquino. His Life, Thought and Works, Washington, 1983 ; Nguyễn Thái Hợp, Tômas de Aquino, teólogo comprometido,Lima,1988 ; P. Torrell, Initiation à saint Thomas d’Aquin, Fribourg-Paris, 1993.
[6] Tommaso d’Aquino, In B. de Tr., q.1, a.3 ad 1 : “Secundum hoc dicimur in fine nostrae cognitionis Deum tanquam ignotum cognoscere, quia tunc maxime mens in Dei cognitione perfectissime invenitur quando cognoscitur ejus essentiam esse supra omne id quod apprehendere potest in statu hujus viae ; et sic quamvis maneat ignotum quid est, scitur tamen quia est”.
[7]Cf. Radharkrisnan, The principal Up., Allen and Unwin, London,1953,tr.53.
[8] Cf. Denys L’Aréopagite, Mystica theologia, PG 3, tr.1031-1034.
[9] Deus est nobis innominabilis, propter infinitatem omnis esse in ipso (Sermo 7, Meister Eckhart, Die lateinischen Werke, Stuttgart, 1936, tr.80). Chính thánh Phaolô đã xác quyết: “Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và ban tặng danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”(Phil.2,9).
[10] M.Eckhart, Predigt. 42, Renovamini spiritu mentis vestroe.
[11]M. Eckhart, Quasi stella matutina, dẫn theo Jeanne Ancelet-Hustache, Maitre Eckhart et la Mystique Rhénane, Paris, 1966, tr.55.
[12] Xin coi E. Zum Brunn & Alain de Libera, Maỵtre Eckhart, Métaphysique du Verbe et théologie négative, Paris, 1984 ; V.Lossky, “Théologie négative et connaisance de Dieu chez Maỵtre Eckhart”, in Études de Philosophie Médiévale 48, Paris 1960; Alain de Libera, Eckhart, Suso, Tauler hay là việc thần linh hóa con người, Tp.HCM, 2000.
[13] Chúng ta cũng gặp thấy nơi Gioan Thánh giá những tư tưởng như : “A Dios el alma antes le ha de ir conociendo por lo que no es que por lo que es”(Subida del Monte Carmelo, 1.III, cap.2,3 ).
[14] Observatore Romano, ngày 1 tháng 9 năm 1967. Triết gia Karl Jaspers cũng kể lại kinh nghiệm bản thân : “Tôi đã đến gặp một số thần học gia để học hỏi về chân lý, nhưng chỉ mang về những buồn chán : Tôi thấy không thể đối thoại với họ được. Họ chỉ lặp di lặp lại mấy công thức không ai hiểu nổi. Nhất là họ chỉ đưa ra những lời khuyên răn. Đàng khác, họ tỏ ra xác tín một cách đáng sợ : vì họ chỉ biết khư khư nắm giữ xác tín của mình, cho nên tôi nghĩ rằng những người nắm chặt chân lý một cách chung thẩm như vậy không thể đối thoại với ai được”(Foi et Philosophie, tr.105-106).
[15] L’Osservatore Romano, ngày 14 tháng 12 năm 1996, tr.5.
[16] Thánh Hilario, Sur les synodes, 69, 71, 91.
[17] Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, tập I, Thời Điểm, California, Hoa Kỳ,1995, n.39.
[2] Xc. Charles Journet, Connaissance et inconnaissance de Dieu, Fribourg, 1943 ; J.-H. Nicolas, Dieu connu comme inconnu, Paris, 1966.
[3] Xuất hành, III,13-15.
[4] Thánh bộ Đức tin, Dominus Jesus, số 6.
[5] Đương nhiên chữ “khoa học” ở đây được hiểu theo quan niệm của Aristote. Với sự xuất hiện của khoa học thực nghiệm, hôm nay không ai có thể qủa quyết thần học là một khoa học theo nghĩa hiện đại. Xin xem D. Chenu, La théologie comme science au XIIIe siècle, Paris, Vrin, 1957 ; A.Walz, Saint Thomas d’Aquin, Louvain-Paris,1962 ; M. Corbin, Le chemin de la théologie chez Thomas d’Aquin, Paris,1974 ; J.A. Weisheipl, Friar Thomas d’Aquino. His Life, Thought and Works, Washington, 1983 ; Nguyễn Thái Hợp, Tômas de Aquino, teólogo comprometido,Lima,1988 ; P. Torrell, Initiation à saint Thomas d’Aquin, Fribourg-Paris, 1993.
[6] Tommaso d’Aquino, In B. de Tr., q.1, a.3 ad 1 : “Secundum hoc dicimur in fine nostrae cognitionis Deum tanquam ignotum cognoscere, quia tunc maxime mens in Dei cognitione perfectissime invenitur quando cognoscitur ejus essentiam esse supra omne id quod apprehendere potest in statu hujus viae ; et sic quamvis maneat ignotum quid est, scitur tamen quia est”.
[7]Cf. Radharkrisnan, The principal Up., Allen and Unwin, London,1953,tr.53.
[8] Cf. Denys L’Aréopagite, Mystica theologia, PG 3, tr.1031-1034.
[9] Deus est nobis innominabilis, propter infinitatem omnis esse in ipso (Sermo 7, Meister Eckhart, Die lateinischen Werke, Stuttgart, 1936, tr.80). Chính thánh Phaolô đã xác quyết: “Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và ban tặng danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”(Phil.2,9).
[10] M.Eckhart, Predigt. 42, Renovamini spiritu mentis vestroe.
[11]M. Eckhart, Quasi stella matutina, dẫn theo Jeanne Ancelet-Hustache, Maitre Eckhart et la Mystique Rhénane, Paris, 1966, tr.55.
[12] Xin coi E. Zum Brunn & Alain de Libera, Maỵtre Eckhart, Métaphysique du Verbe et théologie négative, Paris, 1984 ; V.Lossky, “Théologie négative et connaisance de Dieu chez Maỵtre Eckhart”, in Études de Philosophie Médiévale 48, Paris 1960; Alain de Libera, Eckhart, Suso, Tauler hay là việc thần linh hóa con người, Tp.HCM, 2000.
[13] Chúng ta cũng gặp thấy nơi Gioan Thánh giá những tư tưởng như : “A Dios el alma antes le ha de ir conociendo por lo que no es que por lo que es”(Subida del Monte Carmelo, 1.III, cap.2,3 ).
[14] Observatore Romano, ngày 1 tháng 9 năm 1967. Triết gia Karl Jaspers cũng kể lại kinh nghiệm bản thân : “Tôi đã đến gặp một số thần học gia để học hỏi về chân lý, nhưng chỉ mang về những buồn chán : Tôi thấy không thể đối thoại với họ được. Họ chỉ lặp di lặp lại mấy công thức không ai hiểu nổi. Nhất là họ chỉ đưa ra những lời khuyên răn. Đàng khác, họ tỏ ra xác tín một cách đáng sợ : vì họ chỉ biết khư khư nắm giữ xác tín của mình, cho nên tôi nghĩ rằng những người nắm chặt chân lý một cách chung thẩm như vậy không thể đối thoại với ai được”(Foi et Philosophie, tr.105-106).
[15] L’Osservatore Romano, ngày 14 tháng 12 năm 1996, tr.5.
[16] Thánh Hilario, Sur les synodes, 69, 71, 91.
[17] Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, tập I, Thời Điểm, California, Hoa Kỳ,1995, n.39.
Tác giả: Nguyễn Thái Hợp, op
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét