Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

Nếu Chúa Giêsu Không Đến

Trong các mẫu thiệp Giáng Sinh, người ta thấy có một mẫu với tựa đề như sau: "Nếu Chúa Giêsu không đến". Thiệp này kể lại câu chuyện của một vị Linh mục ngủ gục trên bàn làm việc của mình trong buổi lễ Giáng Sinh, rồi mơ mình đi vào một thế giới nơi Chúa Giêsu không bao giờ sinh ra.
Trong giấc mơ ông thấy mình đang đi qua ngôi nhà quen thuộc của ông, nhưng khi nhìn vào ông không thấy có cây Giáng Sinh, chẳng có hoa đèn và dĩ nhiên không có Chúa Giêsu để sưởi ấm tâm hồn và cứu độ chúng ta.
Ông đi dọc theo những con đường quen thuộc nhưng không thấy có bất cứ một ngôi giáo đường nào. Ông trở về văn phòng làm việc của ông và đi vào thư viện, ông không còn thấy bất cứ một quyển sách nào viết về Chúa Giêsu nữa.
Trong giấc mơ ông lại nghe tiếng chuông cửa reo lên. Có người mời ông đi thăm mẹ của người bạn đang hấp hối. Ông liền đi! Tại đây ông thấy người bạn của mình đang khóc, ông nói với bạn: "Tôi có mang theo điều mà tôi nghĩ là có thể an ủi cho ông".
Ông mở quyển Kinh Thánh ra để khả dĩ tìm thấy một lời an ủi nâng đỡ bạn; nhưng tuyệt nhiên không có Tân Ước nên không có bất cứ lời hứa hay niềm hy vọng nào. Trong giây phút ấy, tất cả những gì vị Linh mục có thể làm là cúi đầu cùng khóc với người bạn và người mẹ đang hấp hối trong thất vọng.
Hai ngày sau, ông thấy mình đứng bên cạnh quan tài của bà, ông chủ sự nghi lễ an táng nhưng không thể đọc bất cứ một lời an ủi nào. Không có niềm hy vọng sống lại, không có sự sống vĩnh cửu, không có Thiên đàng, chỉ còn lại câu nói quen thuộc: "Tro bụi trở về tro bụi" với một lời từ giã buồn bã và dài lê thê.
Cuối cùng ông biết rằng Chúa Giêsu đã không bao giờ đến. Trong cơn thất vọng ông đã khóc nức nở.
Thình lình ông choàng tỉnh dậy và trong phản ứng tự nhiên ông la hét vui mừng khi nghe ca đoàn trong nhà thờ cất tiếng hát: "Hỡi các tín hữu hãy đến thờ lạy Chúa Giêsu, Vua các Thiên Thần, người đã sinh ra tại Bê lem".
Bạn thân mến!Mùa Giáng Sinh đang đến gần, với bầu khí Giáng Sinh, tin hay không tin, tín hữu hay không tín hữu, khó có thể thờ ơ với niềm vui chung của mọi người; vui với niềm vui của đoàn tụ gặp gỡ, vui với niềm vui của chia sẻ và trao ban. Quả thật nhân loại không thể nào loại bỏ Chúa Giêsu ra khỏi lịch sử của mình. Muốn hay không muốn Ngài đã đến trong lịch sử ấy, mãi mãi ghi vào lịch sử ấy một dấu ấn không bao giờ tàn phai. Thế giới in dấu chân Ngài đi qua. Ngài đến để mang lại hòa bình, hy vọng và niềm vui đích thực cho con người. Dẫu thế giới có là một nghĩa trang, thì nghĩa trang ấy cũng toát lên sự thánh thiện, niềm an bình và hy vọng khi Thánh giá vẫn còn in bóng trên các ngôi mộ. Ngài không đến để đẩy lui những giới hạn của kiếp người, Ngài không đến để cất bỏ khổ đau; nhưng chính vì Ngài đã đến, mà dù có giới hạn và chồng chất khổ đau, cuộc sống con người vẫn có ý nghĩa.

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2009

Tiếng Chuông Giáng Sinh

 

  
  

       Hỡi Belem kinh thành bé nhỏ
       Ta thấy ngươi sao vẫn im lìm
       Trên giấc ngủ say sưa vô tận
       Những vì sao lặng lẽ trôi đi.

       Đêm Thánh, đêm thanh bình yên tịnh
       Hỡi sao lạ cho ta mượn ánh sáng
       Để cùng Thiên thần ta ca ngợi
       Tới Chúa ta:
Alleluia!
       Giêsu, Đấng Cứu Thế nơi đây.

       Ta nghe chuông đổ hồi ngày Giáng Sinh,
       Dạo những bản nhạc xưa quen thuộc
       Và dịu dàng và cuồng nhiệt
       Nhắc cho ta bao lời:
       "Bình an dưới thế cho người lòng ngay".

                                  St.




Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2009

Cảm Nhận Đêm Giáng Sinh

       Lòng đã thức một đêm đông
       đắp sẵn một máng cỏ
       ngắm ngôi sao vừa hé rạng bầu trời.

       Ôi phương Đôngphương Đông trong lồng ngực
       tuyết không bay trong triết lí trái tim
       nhạc Thiên thần không hề cao sang lắm
       mà ở bên Hài nhi tã vải lạnh lùng.

       Tôi nhìn Người bằng xác thịt
       và kính cẩn bằng tri giác
       Hình hài là đường
       và tri giác là tình yêu.

       Người đã yêu tôi ư?
       từ tôi không hề biết!
       Nhưng tôi đã nghe từ vũ trụ nghiêng vào
       dòng suối nguồn thông tuệ
       bởi những đớn đau trong mỗi phận người.

       Đường Người là Phúc âm
       tôi là kẻ lãnh đầy ân sủng mặt trời
       như hạt muối kia
       rồi sẽ ta ra
       Nhưng đã đầy sáng láng.

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2009

Ánh Sáng Bừng Lên Trong Đêm Tối

1.Thánh Lễ đêm
Thánh Lễ chính của Lễ Giáng sinh thường được cử hành ban đêm. Phải chăng vì đó là thời gian thuận tiện cho mọi người dự lễ? Phải chăng vì bầu khí ban đêm làm cho cuộc lễ thêm phần huyền diệu và thánh thiện (như lời ca đêm thánh vô cùng)? Phải chăng để cho đúng với sự kiện lịch sử ngày xưa Chúa Giêsu sinh ra ban đêm?Các lý do trên đều có phần đúng. Nhưng lý do chính là: Chúa Giêsu là ánh sáng, Ngài sinh xuống trần gian như ánh sáng bừng lên trong đêm tối.
Đêm tối tượng trưng cho tội lỗi, bất hạnh, buồn sầu; ánh sáng tượng trưng cho ân sủng, hạnh phúc, mừng vui.
Khi sinh xuống trần gian, Chúa Giêsu mang lấy trên mình tất cả tăm tối của loài người với bao tội lỗi, bất hạnh và buồn sầu, nhưng để: ban lại cho loài người ánh sáng của Thiên Chúa bao gồm mọi ân sủng, hạnh phúc và mừng vui.
Các sử gia đến nay vẫn còn chưa xác định được Chúa Giêsu sinh ra vào ngày nào tháng nào. Các Giáo hội Cơ Đốc giáo chọn ngày 25 tháng 12 để cử hành Lễ sinh nhật của Ngài vì hai lý do: a/ Đây là ngày mà mặt trời chiếu sáng nhất và là ngày dài nhất trong năm; b/ xưa kia ngày này là lễ mừng Thần Mặt trời của người Rôma ngoại giáo. Với những lý do đó người Cơ Đốc giáo muốn truyền tải một thông điệp: Chúa Giêsu chính là Mặt Trời đích thực đánh tan tối tăm của tội lỗi và sự gian tà.

2. Lễ của người giàu hay của người nghèo?
Trong dịp Lễ Giáng sinh, người ta chi tiêu rất nhiều: trang hoàng, tiệc mừng, thiệp chúc, quà tặng... Xem ra đây là lễ của người giàu.
Nhưng Đấng mà người ta mừng sinh nhật thì rất nghèo: cỏ rơm, hang súc vật, tã lót sơ sài... Những khách mời ưu tiên cũng là những người chăn chiên nghèo... Dấu chỉ mà thiên thần cho những người chăn chiên ấy dựa vào để nhận ra Chúa cũng là dấu hiệu nghèo: "Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Ngài: các ngươi sẽ thấy một Hài nhi mới sinh bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ". Vậy đây phải là lễ của người nghèo mới đúng.
Để cho Lễ Giáng sinh có ý nghĩa nghèo, người ta tổ chức thăm viếng, tặng quà, khám bệnh, phát thuốc cho người nghèo.
Thực ra tất cả những việc ấy chỉ mặc cho lễ Giáng sinh một chút dáng vẻ nghèo mà thôi. Tinh thần nghèo của Lễ Giáng sinh và của Đấng giáng sinh phải thấm sâu vào và thể hiện ra:
-Bằng một lối sống không thượng tôn tiền bạc như chúa tể.
-Bằng một thái độ đối xử tôn trọng và yêu thương người nghèo.
-Bằng một cách nhìn mới hẳn, thấy chính Chúa trong người nghèo: "Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Ngài: các ngươi sẽ thấy một Hài nhi mới sinh bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ".

3. Khởi đầu của một cuộc cách mạng
Những cuộc cách mạng thường khởi đầu một cách rất rầm rộ. Biến cố Chúa Giêsu giáng sinh khởi đầu cho một cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong tất cả các cuộc cách mạng. Tuy nhiên sự khởi đầu này rất im lìm, nhỏ bé, bình thường: một đứa trẻ con nhà nghèo, sinh ra trong thiếu thốn, vào thời điểm âm thầm giữa đêm khuya, tại một nơi hẻo lánh hiu quạnh.
Nhưng suy cho kỹ thì sẽ thấy khởi đầu như vậy mới đúng hướng và vững chắc, vì điều mà Thiên Chúa muốn làm cách mạng thay đổi chính là cách sống ồn ào, vật chất, cao ngạo, tham lam.
Rồi đây, nhà cách mạng Giêsu sẽ tiếp tục lớn lên trong khiêm hạ, sẽ chiêu mộ những đệ tử khiêm hạ, rao giảng một Tin Mừng khiêm hạ... Cuộc cách mạng của Ngài sẽ biến đổi cả thế giới.

4. Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta
Một người kia không thể nào tin được việc Ngôi Hai Thiên Chúa cao sang mà xuống thế mang lấy thân phận con người hèn hạ. Vì thế, đêm lễ Giáng sinh ông không cùng vợ con đi nhà thờ dự lễ, mà ở lại nhà.
Sau khi vợ con đã ra đi được ít lâu thì gió thổi mạnh và có một cơn bão tuyết. Khi nhìn ra cửa sổ, ông chỉ thấy toàn là tuyết. Bỗng một tiếng "thịch" thật lớn, rồi tiếp theo là một tiếng nữa, và nhiều tiếng nữa, giống như có ai đó ném tuyết vào cửa sổ. Ông mở cửa nhà bước ra xem. Thì ra là một đàn chim đang lao đao trong mưa tuyết muốn bay vào cửa sổ nhà ông để tìm chỗ trú.
-"Tội nghiệp những chú chim nhỏ bé. Mình phải tìm cách giúp chúng mới được''. Ông chợt nghĩ đến nhà kho của mình. Ông mặc áo ấm vào, đi ra cái kho sau nhà, mở cửa và gọi chúng vào. Nhưng bầy chim vẫn đứng im.
-"Hay là chúng không thấy lối". Ông bật đèn nhà kho lên rồi trở ra gọi chúng. Chúng vẫn đứng im.
-"Lạ thế! Hay mình đi lùa chúng vào". Thế là ông đi đến chỗ cửa sổ, đưa tay lùa. Lũ chim chẳng những không bay theo hướng ông lùa, mà còn bay trốn tán loạn.
Cuối cùng ông mới hiểu ra: "Chúng sợ mình, vì chúng lạ với mình. Phải chi mình giống như chúng thì khi mình đến gần chúng sẽ không sợ nữa".
Đúng lúc đó, một lời Tin Mừng từ nhà thờ vọng đến tai ông: "Ngôi Lời đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta". Ông quỳ gối xuống và thưa: "Lạy Chúa, bây giờ con đã hiểu tại sao Chúa giáng sinh làm người như chúng con".

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2009

Lịch Sử Cây Giáng Sinh

Truyền thuyết về thánh Boniface, một thầy tu người Anh, người đã sáng lập ra nhà thờ đạo Cơ Đốc ở Pháp và Đức kể rằng, một hôm trên đường hành hương ngài tình cờ bắt gặp một nhóm những kẻ ngoại đạo sùng bái đang tập trung quanh một cây sồi lớn, dùng một đứa trẻ để tế thần. Để dừng buổi tế thần và cứu đứa trẻ, Boniface đã hạ gục cây sồi chỉ bằng một quả đấm!. Tại nơi đó đã mọc lên một cây thông nhỏ. Vị thánh nói với những kẻ ngoại đạo rằng cây thông nhỏ là cây của sự sống và nó tượng trưng cho cuộc sống vĩnh hằng của Chúa cứu thế.
Theo một tương truyền khác cho rằng : Một lần kia Martin Luther, người sáng lập đạo Tin Lành dạo bước qua những cánh rừng vào một đêm Noel khoảng năm 1500. Trời quang và lạnh. Hàng triệu vì sao sáng lấp lánh qua kẽ lá. Ngài thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một loài cây nhỏ, trên cành cây tuyết trắng phủ đầy, lung linh dưới ánh trăng. Cảnh vật hôm đó đã làm Luther thực sự rung động. Vì thế, khi trở về ngài đã đặt một cây thông nhỏ trong nhà và kể lại câu chuyện này với lũ trẻ. Để tái tạo ánh sáng lấp lánh của muôn ngàn ánh sao ngài đã treo nến lên cành cây thông và thắp sáng những ngọn nến ấy với lòng tôn kính ngày Chúa giáng sinh.

Một truyền thuyết khác lại kể rằng, vào một đêm Noel đã rất lâu rồi có một người tiều phu nghèo khổ đang trên đường trở về nhà thì gặp một đứa trẻ bị lạc và lả đi vì đói. Mặc dù nghèo khó nhưng người tiều phu đã dành lại cho đứa trẻ chút thức ăn ít ỏi của mình và che chở cho nó yên giấc qua đêm. Vào buổi sáng khi thức dậy, ông nhìn thấy một cái cây đẹp lộng lẫy ngoài cửa. Hoá ra đứa trẻ đói khát tối hôm trước chính là Chúa cải trang. Chúa đã tạo ra cây để thưởng cho lòng nhân đức của người tiều phu tốt bụng.

Nguồn gốc thực của cây Giáng sinh có thể gắn liền với những vở kịch thiên đường. Vào thời Trung Cổ, những vở kịch về đạo đứcđược biểu diễn khắp Châu Âu, thông qua các vở kịch ấy người ta có thể truyền bá các bài Kinh thánh. Những vở kịch nói về nguồn gốc của loài người và sự dại dột của Adam và Eve ở vườn Eden, thường được diễn vào ngày 24 tháng 12 hàng năm. Cây táo là một đạo cụ trong vở kịch, nhưng vì các vở kịch được diễn vào mùa đông, các loài cây đều chưa kết trái nên các diễn viên phải treo những quả táo giả lên cành cây.

Phong tục cây Giáng sinh trở nên phổ biến ở Đức vào thế kỷ 16. Người theo đạo Cơ đốc mang cây xanh vào trong nhà và trang hoàng cho chúng trong dịp lễ Giáng sinh. Ở những vùng vắng bóng cây xanh, mọi người tạo ra các đồ vật hình chóp từ gỗ và trang trí cho nó các cành cây xanh và nến. Chẳng bao lâu sau, phong tục cây Giáng sinh đã trở nên phổ biến ở các nước Châu Âu.

Theo một truyền thuyết của nước Mỹ, một cuộc vui tổ chức xung quanh cây Giáng sinh vào một đêm Noel lạnh lẽo ở Trenton, New Jersey trong thời gian nội chiến đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến. Những người lính phe Liên Bang quá nhớ nhà, nhớ những ngọn nến được thắp sáng treo trên các cành thông Giáng sinh, đã bỏ nơi canh gác để ăn uống vui vẻ. Washington đã tấn công và đánh bại họ trong đêm đó.

Vào giữa thế kỷ 19, Hoàng tử Albert chồng tương lai của nữ hoàng Victoria ra đời. Chính ông đã phổ biến rộng rãi phong tục cây Giáng sinh vào nước Anh. Năm 1841, đôi vợ chồng Hoàng gia này đã trang hoàng cây Giáng sinh đầu tiên của nước Anh tại lâu đài Windson bằng nến cùng với rất nhiều loại kẹo, hoa quả và bánh mỳ gừng. Khi cây Giáng sinh trở thành thời thượng ở Anh thì những gia đình giàu có đã dùng tất cả những đồ vật quý giá để trang trí cho nó. Vào những năm 1850, theo sự mô tả của đại văn hào Charles Dickens thì cây Giáng sinh ở Anh được trang hoàng bằng búp bê, những vật dụng nhỏ bé, các thiết bị âm nhạc, đồ trang sức, súng và gươm đồ chơi, hoa quả và bánh kẹo. Sau khi đã tồn tại ở Anh thì phong tục cây Noel cũng trở nên phổ biến trên khắp các vùng thuộc địa của đế chế Anh, tới cả những vùng đất mới như Canada.

Cây Giáng sinh lần đầu tiên được dân chúng ở Mỹ biết đến là vào những năm 1830. Khi hầu hết người dân Mỹ đều coi cây Giáng sinh là một điều kỳ cục thì những người Đức nhập cư ở Pennsylvania thường mang cây Giáng sinh vào các buổi biểu diễn nhằm tăng tiền quyên góp cho nhà thờ. Năm 1851 một mục sư người Đức đặt một cây Giáng sinh trước nhà thờ của ông làm cho những người dân xứ đạo ở đó đã bị xúc phạm và buộc ông phải hạ nó xuống. Họ cảm thấy đó là một phong tục ngoại đạo.

Tuy nhiên vào những năm 1890 nhiều đồ trang trí bắt đầu được nhập từ Đức vào và từ đó tục lệ về cây Giáng sinh trở nên phổ biến tại Canada và Mỹ. Có một sự khác biệt lớn giữa cây Giáng sinh của Châu Âu và Bắc Mỹ, cây của Châu Âu nhỏ, hiếm khi cao hơn một mét rưỡi, chỉ khoảng 4 hoặc 5 feet trong khi cây của Bắc Mỹ cao tới trần nhà.

Năm 1900, cứ 5 gia đình ở Bắc Mỹ thì có một gia đình có cây Giáng sinh, và 20 năm sau phong tục này trở nên khá phổ biến. Vào những năm đầu thế kỷ 20, người dân Bắc Mỹ thường trang trí cây thông bằng đồ trang trí do chính tay họ làm ra. Đồ trang trí truyền thống của người Ca-na-đa và người Mỹ gốc Đức gồm có quả hạnh nhân, quả hạch, bánh hạnh nhân với nhiều hình dạng thú vị khác nhau. Những hạt bắp chiên nhiều màu sắc, được trang trí cùng những quả phúc bồn tử và các chuỗi hạt. Cũng vào thời gian này bắt đầu xuất hiện những dây đèn trang trí trên cây Giáng sinh, nhờ nó cây thông rực rỡ hơn nhiều lần. ánh sáng trang trí bằng đèn điện kéo dài hơn và an toàn hơn rất nhiều so với ánh sáng toả ra từ những ngọn nến.

Mỗi năm khi ngày Giáng sinh tới, một cây Giáng sinh lộng lẫy được đặt tại quảng trường trung tâm Bentall thành phố Vancouver, phía nam BritishColumbia. Và dân chúng tập trung xung quanh cây Giáng sinh đầu tiên vừa được dựng lên và chưa được trang hoàng lộng lẫy kia. rồi ở cuối thành phố cây thông sáng bỗng bừng lên với muôn vàn ánh đèn đầy màu sắc, cùng lúc đó đội hợp xướng nhà thờ ca vang bài hát mừng lễ Giáng sinh. Tại ngọn đồi Parliament ở Ottawa, một cây Giáng sinh rực rỡ ánh đèn màu được đặt cạnh ngọn đuốc thế kỷ của Canada cùng với âm vị ngọt ngào của giai điệu Giáng sinh tuyệt vời từ tháp Hoà Bình Carillon vang đến.

Hàng thủy tùng Ailen mười sáu cây toả sáng lung linh trước quảng trường Union của Prancisco.Tại trung tâm Rockefeller ở NewYork, một cây Giáng sinh khổng lồ luôn lấp lánh bên cửa ra vào trước sân trượt băng. Tại thủ phủ Wasington, chính tổng thống đã thắp sáng cây vân sam trên bãi cỏ trước cửa nhà Trắng, 50 quả bóng bay lớn nhiều màu sắc được trang hoàng trên cây tượng trưng cho 50 bang. Một cây thông Nauy cao lớn đã tôn thêm vẻ duyên dáng cho quảng trường Trafalgar ở London. Đối với dân trong các thành phố thì lễ trang hoàng cây thông Nô-en báo hiệu một mùa Giáng sinh đã đến.

Từ năm 1947, những người ở Oslo hàng năm thường tặng một cây vân sam Na-uy cho những công dân của London, đối với mọi người ở những thành phố này cũng như những thành phố khác thì lễ thắp đèn cho cây đánh giấu sự bắt đầu của một lễ Giáng sinh.

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2009

Mùa Vọng & Giáng Sinh

Theo một câu nói rất chí lí: Lễ Giáng sinh không gì khác là một chiếc sàng vĩ đại, lọc lấy tất cả những gì là tinh hoa nhất, trọng yếu nhất, hiệu năng nhất, cả bên ngoài lẫn Cơ đốc giáo, còn tất cả những gì là nhỏ nhen và vô nghĩa, còn sót lại, thì bị lọt xuống dưới sàng và bị cuốn đi. Lễ này đã trở thành ngày lễ lớn của cả một năm, ngày trọng đại nhất đã thu hết cả những nghi lễ và biểu tượng của tất cả các ngày hội.

Trước 2000 năm Chúa giáng sinh, các dân tộc trên thế giới đều có những ngày lễ khác nhau vào tháng 12. Ở Ägyptern/ Egypt mừng sinh nhật Horus, Ấn Độ mừng chúa Ánh sáng (Lichtgotte), người La Mã cổ mừng ngày hội Saturnalien. Các quốc gia có nhiều lễ lộng lẫy riêng biệt. Người ta không được biết chính xác về ngày sinh của Chúa Cứu Thế, và trên dưới 200 năm, trong thời gian các tín đồ Cơ đốc giáo sống dưới sự bách hại, Giáo hội thời đó không tổ chức lễ Giáng sinh. Ít lâu sau năm 200, lễ này mới được cử hành theo những nhật kì khác nhau: ngày 6/1, 25/3 và 25/12.
Năm 217 Giáo Hoàng Hyppolist chọn 25/12 làm ngày kỷ niệm Chúa giáng sinh, sau những ngày mùa Vọng.
Mùa Vọng, ngày xưa thường gọi là mùa Áp (theo tiếng Latinh là Adventus, ra tiếng Anh là Advent; từ động từ Advenire, có nghĩa là "đến gần"). Mùa Vọng với ý nghĩa là mùa "trông đợi", "mong chờ". Ngay từ thời Cựu Ước, nhân loại đã mong đợi Đấng Cứu Thế ra đời.

Vòng hoa mùa Vọng
Vòng hoa mùa Vọng là vòng tròn kết bằng cành lá xanh. Trên vòng lá đặt 4 cây nến: 3 cây màu tím tượng trưng cho sám hối và một cây màu hồng nói lên niềm vui, sự chờ đợi và hy vọng ngày Chúa đến.
Vòng lá hình tròn nói lên tính cách vĩnh hằng và tình yêu thương vô tận của Thiên Chúa. Màu xanh lá nói lên hi vọng rằng Đấng Cứu Thế sẽ đến cứu con người. Vòng hoa mùa Vọng với bốn cây nến cũng tượng trưng cho cuộc chiến chống lại bóng tối. Tục lệ này khởi xướng bởi các tín hữu Tin lành ở Đức vào thế kỷ 16. Thần học gia Tin lành Johann Wichern tại Hamburg vào năm 1838 đã thắp lên mỗi ngày trong mùa Vọng một cây nến và cắm trên một giá gỗ hình tròn.
Vào ngày Lễ Giáng sinh căn phòng rực sáng với ánh nến, ánh sáng nến tượng trưng cho Chúa Giêsu. Các năm sau đó người ta trang trí bức tường nhà bằng những nhánh thông xanh. Năm 1860 người ta cũng trang trí khung gỗ tròn bằng những cành thông, 28 cây nến gom lại còn 4 cây tượng trưng cho 4 tuần. Và thế là vòng hoa mùa Vọng được phát sinh. Đầu tiên phong tục này được các gia đình Tin lành thực hành,sau đó vòng hoa Mùa Vọng được treo trong nhà thờ Công giáo năm 1925 tại Köln. Phong tục này đã phổ biến từ miền Bắc nước Đức và ngày nay đã lan truyền đến nhiều nơi trên thế giới.

Ông già Giáng sinh Père de Noel /Nikolaus/ Santa Claus/Sinterklass/ Nikola
Hình ảnh rất quen thuộc trong mùa Giáng sinh là ông già Noel. Ông mặc quần áo đỏ, đội mũ đỏ kiểu xứ lạnh, đi giầy đen, tóc bạc phơ và râu trắng như tuyết, đeo đai lưng mầu đen, vai mang nhiều quà. Đó chính là hình ảnh của vị thánh Giám mục Nicôla, thành Myra, xứ Lixia.
Thánh Nicôla sống vào thế kỉ thứ 4, viết nhiều tác phẩm nổi tiếng về tôn giáo, được nhiều người biết đến bởi lòng bác ái. Ngài được coi là người bạn đặc biệt và là vị thánh phù trợ nhi đồng.
Ông già Noel theo tiếng Pháp Père de Noel, tiếng anh Santa Claus, tiếng Hòa-Lan Sinterklass.Theo tài liệu trước khi được phong thánh ông Nikolaus là người giầu có, nhân từ. Vào đêm Giáng sinh, ông được Thiên Chúa mặc khải, đem hết của cải riêng mình ban phát cho những người nghèo khổ và trẻ con. Ông biến những giấc mơ của họ thành sự thực, bằng cách mua quà bánh để biếu những kẻ nghèo khổ, mang lại cho họ những sung sướng bất ngờ.
Theo truyền thuyết, vào đêm Giáng sinh ông già Noel thường theo đường ống khói lò sưởi vào mỗi gia đình, để đồng tiền hay bánh kẹo vào trong chiếc vớ hay chiếc giày cho trẻ con treo gần giường ngủ hay lò sưởi, đem lại giấc mơ đẹp với tuổi thơ trong đêm Giáng sinh. Bởi thế cha mẹ thường mua qùa bỏ vào đôi vớ để cạnh lò sưởi, lúc trẻ con thức dậy vui mừng với món quà của ông già Noel tặng. Phong tục này khuyến khích trẻ em nên làm điều thiện để được ông già Noel tặng quà.

Ðêm Thánh vô cùng / Heiligabend /silent night
Lễ Giáng sinh thường giống nhau, nhưng có sự thay đổi chi tiết tùy mỗi địa phương trên thế giới. Tại Việt Nam, các thành phố hay giáo phận Công giáo thường cử hành Thánh lễ Giáng sinh vào đêm 24 tháng 12 hàng năm.
Tại nước Anh, ngày lễ này được gọi là Christes Masse (Lễ Misa của Chúa Cứu Thế), vì một lễ Misa đặc biệt đã được cử hành trong ngày này. Người Pháp đặt tên là Noel, người Tây Ban Nha gọi là Nativdad, và người Ý lấy tên là Natab có nhĩa là "Sinh nhật". Người Đức gọi là Wehrachten, nghĩa là "Đêm Thánh".
Bài thánh ca "Đêm Thánh Vô Cùng" của nhạc sĩ thiên tài người Áo Franz Xaver Grubert (1787-1863) là một trong số những bài thánh ca hay nhất và được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất. Năm 1840 nhạc sĩ Franz Grubert là người đệm dương cầm cho Giáo đường nằm cạnh bờ sông Danube. Grubert báo cho cha Sở Joseph biết rằng vào giờ chót đàn dương cầm hư, không thể sửa được, xin cha chọn bài hát khác không cần đệm dương cầm.
Cha Josep viết liền lời thánh ca và nhạc sĩ Grubert phổ nhạc ngay tại chỗ. Đêm Giáng sinh năm 1840, bài thánh ca Weihnachtslied "Silent Night/ Đêm Thánh Vô Cùng" ra đời và được hợp ca với một cây đàn nhỏ phụ họa. Đó là bài thánh ca bất hủ, lưu truyền đến bây giờ.
„ Đêm thánh vô cùng giây phút tưng bừng. Đất với trời xe chữ đông; Đêm nay Chúa Con thần thánh tôn thờ. Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa, ơn châu báu không bờ bến, Biết tìm kiếm của chi đến. Ôi Chúa Thiên đàng cam mến cơ hàn, nhấp chén phiền vương phong trần. Than ôi Chúa thương người đến quên mình, bỏ vô chốn quê nhà lúc sinh thành. Ai ham sống trong lạc thú. Nhớ rằng Chúa đang đền bù. Tinh tú trên trời. Sông núi trên đời với Thánh Thần mau kết lời, Cao rao Hóa công đã khéo an bài . Sai Con hiến thân mong cứu nhân loại. Hang chiên máng rêu tạm trú bốn bề tuyết sương mịt mù.. „
Người Tây phương mừng Giáng sinh vào đêm 24/12 nhưng mỗi quốc gia có phong tục văn hoá khác nhau. Xứ Đức thời tiết lạnh, tuyết rơi nên sinh hoạt Giáng sinh khác với Việt Nam. Đường phố từ chiều 24 yên lặng, tiệm quán đều đóng cửa đúng với nghiã đêm yên lặng (silent night). Từ thế kỷ thứ 8 người Ðức đã mừng Giáng sinh. Ngày 24 làm việc chỉ nửa ngày, 14 giờ các siêu thị đóng cửa, hãng xưởng nghỉ việc, chiều tối các nhà Thờ đều có Thánh lễ . Sau Thánh lễ họ về nhà gia đình vui chơi bên cây thông, hang đá nhấp nháy đèn màu, dưới gốc thông là những gói quà để tặng nhau .
Các bữa tiệc Giáng sinh hay ăn Reveillon thường có ngỗng quay, tiếng Đức gọi là Weihnachtsgans theo truyền thống (tradition) không ăn gà tây như lễ Tạ ơn Thanhsgiving của người Mỹ. Ngoài ra có các loại bánh Giáng sinh Weihnachtstollen, Lebkuchen, Weihnachtsplätzchen, Weihnachtgebäck rượu nho v. v... Giống như Tết của người Việt Nam phải có bánh chưng, bánh tét, các loại mứt, hạt dưa. Tuy nhiên sinh hoạt những vùng quê người Đức họ có tập quán riêng, dù tuyết rơi giá lạnh nhưng nhà Thờ vẫn làm lễ lúc 22 giờ cho đến khuya. Họ không ăn tiệc nửa đêm, nhưng ngày 25 đại gia đình, phải có mặt đầy đủ ăn tiệc không riêng gì ngỗng quay còn những món khác do các bà khéo tay trổ tài trong dịp này. Những người lớn tuổi như ông bà nội, bà ngoại phát quà cho các cháu (giống như tục lì xì cuả người Việt trong dịp đầu năm), sau đó mọi người trao quà cho nhau. Họ vui chơi ăn nhậu suốt ngày 25.
Miền New England dân chúng ăn tiệc mừng Giáng sinh theo người Anh. Trong bữa ăn "Réveillon" nửa đêm, luôn luôn tổ chức trọng thể có một loại rượu đặc biệt, chế bằng nước trái cây ép với vài hương liệu Đông phương như đinh hương đậu khấu và rượu nho. Thứ rượu đặc biệt trên phải hâm nóng, uống như rượu saké của Nhật, để chống lại cái lạnh bên ngoài. Tại Ðức cũng có loại rượu nho Gluehwein hâm nóng bán tại các chợ trong mùa Giáng sinh.
Người Island mùa Vọng từ ngày 12 đến 24, mỗi ngày thường bỏ những món quà nhỏ trong giày tượng trưng quà của Nikolaus dành cho trẻ con. Chiều 24 bắt đầu bữa tiệc mừng Giáng sinh, sau đó họ đi thăm nghiã trang mang đến những tràng hoa và đốt nến trên mộ phần người thân. Ở Ý người ta không dùng cây thông trang điểm cho mùa Giáng sinh, nhưng họ làm hang đá và ăn tiệc đêm 24./12 cho đến lễ Ba Vua 6/1 năm mới. Họ bỏ kẹo bánh vào chiếc vớ hay giày làm qùa cho trẻ con. Người Tây Ban Nha và Bồ Đồ Nha chỉ tặng qùa vào lễ Ba Vua.
Người Mỹ đoàn tụ gia đình ngày thứ năm cuối tháng 11 mừng Thanksgiving/ Danke schöne hàng năm, để tạ Thượng Đế, tạ ơn đời và ơn người. Trong đêm Giáng sinh mọi gia đình cũng tổ chức ăn uống, trao đổi quà tặng cùng những lời chúc tốt đẹp nhất cho Giáng sinh và Năm mới.
Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm là khuyến chúc của Ngày Lễ trọng đại nhất nhất hành tinh này.

(Tổng hợp từ những nguồn tư liệu & bài viết về Giáng sinh)

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2009

Trịnh Công Sơn - Một Nhà Thơ Lớn

Thế là trên bầu trời nghệ thuật Việt Nam một vì sao sáng đã tắt. Khoảng trống này không có gì lấp được.
Tôi ra tù năm 1976, nhưng còn bị quản thúc bằng lệnh miệng của nhà cầm quyền mãi cho tới mùa thu năm 1980 mới được phép vào Nam. Ở Sài Gòn người đầu tiên tôi tới thăm là Trịnh Công Sơn. Nhà thơ Dương Tường vào trước đã kể về tôi cho Sơn nghe, Sơn đã biết tôi là thế nào nên anh đón tôi không chút e dè. Chúng tôi nói chuyện với nhau cả một buổi sáng. Bên bàn trà, như một cuộc hàn huyên giữa hai người bạn sau thời gian dài xa cách, chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện, nhiều nhất là về sáng tác, về thiên chức của nghệ sĩ, chỗ đứng của anh ta trong lòng dân tộc... Giữa câu chuyện tôi hỏi Sơn tại sao anh không đi ra nước ngoài, mà ở lại để sống trong kìm kẹp? Sơn trầm ngâm:
- Mình có nghĩ tới chuyện đó chứ. Nhưng mình không thể đi. Người nghệ sĩ không thể sống xa quê hương. Xa nó, anh ta sẽ cạn nguồn cảm hứng, mà cái đó thì chẳng khác gì cái chết.
Sơn nghĩ đúng. Mặc dầu ở lại Sơn phải sống trong một thế giới xa lạ, ở đó không còn cách nào khác là hoặc tự nguyện nhập vào nó, hoặc tự tạo ra một thế giới tự do cho mình. Mà tạo ra cái thế giới đó, ai cũng biết, chẳng dễ gì. Cần phải có cái tâm của đạo sĩ mới có thể thiền giữa chợ.
Cũng trong lần gặp ấy, Sơn đọc cho tôi nghe một số bài thơ anh mới viết, mở băng cho tôi nghe một số ca khúc mới làm xong. Nhiều bài tôi được nghe hôm ấy, có bài rất hay, có bài không đặc sắc cho lắm, về sau tôi không thấy Sơn cho chúng ra đời. Ở Văn Cao cũng vậy. Số lượng những gì mà các nghệ sĩ mà chúng ta yêu mến đã sáng tác thường lớn hơn rất nhiều so với những gì mà chúng ta được biết. Có trời biết số phận chúng ra sao? Rất có thể chúng đã làm mồi cho lửa trong một cơn buồn cô quạnh, khi nghệ sĩ lấy rượu để dập tắt nó, và chán chường tất cả, không trừ chính mình. Người ta dễ biết con số người bị giết hơn là số những sáng tác bị bách hại, bị bức tử. Ở đâu tội ác vẫn cứ là tội ác.
Cũng hôm đó Sơn nói với tôi:
- Mình nhiều lúc ngã lòng, nhất là khi mình thấy người ta chẳng hiểu gì về mình, chửi bới mình, hành hạ mình. Ðến nỗi muốn thoả hiệp cho xong. Nhưng nghĩ lại thấy không được. Nghệ sĩ không thể thoả hiệp với cái Xấu, cái Ác. Có thể tạm lui bước, nhưng thoả hiệp thì không bao giờ.
Và Sơn đã không thoả hiệp. Anh sáng tác ít hơn. Những ca khúc mất dần tính triết lý. Sơn sợ những hiểu lầm. Rồi anh quay sang vẽ tranh. Những bức tranh siêu thực, tặng nhiều hơn bán. Và vùi nỗi buồn trong rượu. Bè bạn khuyên can, Sơn bỏ rượu, nhưng không ngừng uống bia. Rồi quay lại rượu lúc nào không biết.
Tôi yêu Trịnh Công Sơn - con người có dễ nhiều hơn Trịnh Công Sơn - nhạc sĩ. Nhưng là nói thế thôi, chứ ở anh ranh giới này gần như không có. Trường hợp tương tự không nhiều, khi con người nhân thế và con người nghệ sĩ nhập làm một.
Cha tôi cũng rất yêu Sơn. Một lần ra Hà Nội, nghe tin cha tôi lâm bệnh, Sơn đã vác đàn đến bên giường hát cho ông nghe. Cha tôi nói rằng ông cảm thấy hạnh phúc khi được nghe Sơn hát. Những ca khúc của Sơn hoá ra còn có tác dụng chữa bệnh. Bởi vì chúng là những lời chân thành của con người nói với con người, những lời tâm tình, những lời an ủi, những lời chia sẻ...
Có một sự nhất trí hình như không được đúng lắm, rằng nhạc Trịnh Công Sơn chỉ là nhạc phản chiến. Tôi nghĩ nhạc của anh là một cái gì hơn thế. Nó là lời chia sẻ những suy ngẫm về ý nghĩa nhân sinh, về tình thương yêu giữa con người và con người. Anh nói với mọi người những lời này vào mọi lúc, mọi nơi, chứ không phải chỉ trong chiến tranh để trở thành phản chiến.
Xét cho cùng, Trịnh Công Sơn là một nhà thơ. Một nhà thơ lớn. Nhạc là cái xe tải anh lắp lấy để chở thơ anh đến với chúng ta.
Khi tôi viết những dòng này thì Sơn đã an nhiên trở về với cát bụi, như anh đã nói trước. Mộ anh phủ đầy hoa của những người hiểu anh và yêu mến anh. Khi anh qua đời, có những kẻ đã coi thường anh, đã hành hạ anh khi anh còn sống, đến nghiêng mình trước linh cữu anh, và có cả những kẻ vẫn hát lời anh viết, bây giờ nhai nhải chửi anh là nhạc tặc, là tên phản quốc trên những bài báo không ai muốn đọc. Nhưng nếu Sơn còn biết những chuyện đó, anh cũng sẽ an nhiên mỉm cười. Và không nói gì hết.


Warszawa 4.2001 Vũ Thư Hiên

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2009

Khánh Ly Người Bạn Đặc Biệt

"Khánh Ly là một người bạn đặc biệt” đó là câu trả lời của Trịnh Công Sơn khi có ai hỏi về liên hệ thân thiết giữa anh và chị Mai . Năm 1975, chị Mai ôm con ra đi từ Vũng Tàu . Theo nhà báo Trường Kỳ đã viết: "Vào những ngày đầu tháng Năm 1975, nhiều tin đồn đã được tung ra và được truyền đi một cách nhanh chóng. Nào là xác Elvis Phương, Khánh Ly và một số nghệ sĩ khác trôi dạt về bãi trước Vũng Tàu. Ngoài ra còn đủ mọi thứ tin đồn vô căn cứ khác về giới nghệ sĩ. Những tin đồn này đã khiến những người yêu nhạc hoang mang rất nhiều để lo lắng cho số phận những tên tuổi họ ưa thích" .
Chưa có tin chị Mai mà cả Saigon thời đó đồn ầm là có người thấy xác chị trôi vào bãi biển Vũng Tàu làm hoang mang nhiều người và người hoang mang đau đớn hơn ai hết là anh Sơn, anh buồn da diết nhớ thương một người bạn thân thương đã bao năm chia ngọt xẻ bùi, đã đi bên anh suốt cả tuổi trẻ buồn nhiều hơn vui . Nỗi đau đớn nhớ thương này của anh Sơn đã được chị Lâm Thị Mỹ Dạ ghi lại trong bài " Những Kỷ Niệm Còn Mãi Trong Tôi” chị đã viết để nhớ về Trịnh Công Sơn . Hư Vô xin mạn phép trích một đoạn ngắn ra đây :
“ Năm 1976, …Tôi hăm hở bước lên cầu thang, phòng anh Sơn rất ít khi đóng cửa . Tôi bước vào nhà, cất tiếng gọi . Không ai trả lời . Tôi ngập ngừng đi tiếp vào phía trong - chỗ làm việc của anh . Anh Sơn đang ngồi trên tay cầm cây bút xạ, mũi vẫn còn hướng xuống mặt bàn, khuôn mặt thảng thốt như đang chìm vào một thế giới xa xăm . Trời ơi hai chữ Khánh Ly, Khánh Ly được viết đầy cả tấm giấy to gần kín cả mặt bàn . Có lẻ anh Sơn đã viết rất lâu nên nó mới nhiều đến thế . Anh Sơn ngồi lặng, rồi như chợt tỉnh, anh đứng dậy lấy ghế mời tôi ngồi . Và như không ngăn nổi tình cảm đang trào dâng trong lòng - nỗi nhớ Khánh Ly . Và như đang cần có một người bạn để chia sẻ đó là tôi . Trịnh Công Sơn liền tìm đưa cho tôi một tập ảnh .
- Này, Dạ xem đi .
Tôi xem chăm chú từng tấm ảnh . Khánh Ly đẹp quá . Cô có vẻ đẹp tự nhiên, vừa cổ điển vừa hiện đại – duyên dáng , nhu mì, mạnh mẽ . Hầu như toàn bộ tập ảnh đó là ảnh chụp chung của hai người . Tôi xem nhiều chiếc rồi dừng lại ở bức chân thật nhất – Khánh Ly đang ngồi trong lòng anh Sơn, trên hai bắp chân . Tôi nhin vào tấm ảnh rồi hồn nhiên hỏi anh:
- Chị Khánh Ly là người yêu của anh phải không ?
Anh cười thật hiền:
- Khánh Ly là một người bạn đặc biệt .
- Ở miền Bắc, ảnh chụp chung như vậy thường là hai người yêu nhau . Tôi nói .
- Dạ có biết ai chụp hình cho tụi mình không ? Anh hỏi .
Tôi lắc đầu .
- Chồng của Khánh Ly đấy, ở trong này, nam nữ chụp hình chung là chuyện bình thường, không có gì lạ .
Anh xếp lại tập ảnh rồi xếp vào cuốn sổ . Như để chuyển sang không khí khác, anh hỏi tôi:
- Ði chợ về có chi lạ không ?
- Dạ có mua cho anh một cái đầu cá tươi lắm . Tôi vui vẻ .
- Ồ. mình sẽ nấu cháo . Trưa nay có Ðinh Cường và Bửu Ý đến chơi.….
..…Tôi nhìn đồng hồ, đã gần trưa . Anh Sơn lặng lẽ đi đến ổ cắm điện với tay lấy chiếc máy Sony đã cũ, găm phích vào rồi tua qua một đoạn, bản Valse của Schubert . Bản Valse này tôi rất thích, nhất là đoạn điệp khúc . Anh Sơn biêt điều đó . Anh là người tinh tế và nhạy cảm . Bản Valse vừa ngừng . Tôi sắp sửa đứng lên thì chợt ngón tay trỏ của anh Sơn ấn vào máy tua lại băng nhạc . Và tài tình làm sao khi anh ấn nút, đoạn điệp khúc của bản Valse lại bắt đầu …
Ðó là cách lưu khách rất dễ thương của anh . Nhất là ngày hôm nay khi anh đang hẫng hụt trống vắng . Nỗi nhớ gan ruột một người bạn đã quá xa vời . Một người đã cùng anh qua bao thăng trầm – vinh quang, khổ đau, hạnh phúc – đó là ca sĩ Khánh Ly . Nếu tôi không đến thăm anh , làm cắt mạch tư duy, cảm xúc của anh thì trên mặt bàn ấy đã chồng chéo không biết bao nhiêu lớp tên của Khánh Ly . Và chắc cây bút xạ của anh đã cạn khô hết mực . Tôi có cảm giác dòng máu từ trái tim anh đổ ra để viết tên cô, Khánh Ly, Khánh Ly, Khánh Ly, Khánh Ly, Khánh Ly, Khánh Ly. Khánh Ly .
Không biết Trịnh Công Sơn đã gọi cái tên ấy bao nhiêu lần . Cái tên yêu quý đó, trong mơ cũng như trong đời thực, luôn luôn hiện hữu trong tâm hồn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn .…."


Lâm Thị Mỹ Dạ
Huế 20/04/01
(Trích từ tập " Trịnh Công Sơn - Người hát rong qua nhiều thế hệ "nxb Trẻ 3/2002)

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2009

Trịnh Công Sơn - Người Thơ Ca

Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ. Và bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc mẹ hiền.
Mãi hơn một năm sau ngày 30 tháng 4, chúng tôi mới thật sự mặt nhìn mặt tay cầm tay lần đầu, nhưng tôi có cảm giác như chúng tôi đã là bạn của nhau tự bao giờ, mặc dù giữa tôi và Sơn còn cả một thế hệ đệm. Nói cách nào đó, tôi đã gặp Sơn từ những ngày đất nước còn chia hai miền và còn chìm trong khói lửa. Tôi muốn nhắc đến ở đây một kỷ niệm không thể quên ở nhà một người bạn trẻ. Đêm ấy lần đầu tiên tôi nghe (cũng có nghĩa là gặp) Trịnh Công Sơn... Những bạn trẻ hát cho tôi nghe gần suốt đêm hàng loạt ca khúc Trịnh Công Sơn (không biết họ học ở đâu?) hát say sưa đến nỗi đứt cả dây của cây đàn ghi-ta duy nhất có trong nhà .
Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, người bạn già của tôi, "Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra". Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ chính là chỗ đó, ở chỗ không định tạo ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới. Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà cả bên ngoài biên giới nữa. Và nếu không lầm thì dấu ấn của Sơn đã ít nhiều in trên tác phẩm của một số nhạc sĩ thời kỳ sau 1975.
Có lẽ cũng không cần nghe lại nữa, dù bây giờ và sau này Sơn có in thêm, một lần là đủ, từ cái đêm chiến tranh ấy, tôi biết mình đã gặp một tâm-hồn-chị-em xẻ chia "Một cõi đi về". Và tôi viết lời bạt này cho tập nhạc Sơn như giữ một lời hẹn thầm chưa ngỏ, lời hẹn của một tri âm với tri âm ...


Văn Cao

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2009

Ca Khúc Là Nỗi Lòng Con Người

Đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, quá trình 40 năm sáng tác của ông là một cuộc hành trình dài vào bề sâu của âm thanh và ngôn ngữ. Ông coi ca khúc là một mô hình gần gũi, thiết thân và hoàn chỉnh; là cuộc hôn phối kỳ diệu giữa thi ca và âm nhạc. Công việc sáng tác ca khúc không chỉ cho phép ông giãi bày những niềm vui, nỗi buồn của mình, mà cao hơn, nó còn mang tình yêu, lòng nhân ái tới mỗi người.
Soi gương
Mỗi sáng nhìn vào mặt gương soi lại thấy thêm rất nhiều sợi tóc bạc.
Tôi là một đứa bé thích ca hát. Mười tuổi biết solfège, chép lại những bài hát yêu thích đóng thành tập, chơi đàn mandolin và sáo trúc. Mười hai tuổi có cây đàn guitar đầu tiên trong đời và từ đó sử dụng guitar như một phương tiện quen thuộc để đệm cho chính mình hát.
Tôi không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề. Tôi nhớ mình đã viết những ca khúc đầu tiên từ những đòi hỏi tự nhiên của tình cảm thôi thúc bên trong. Như những họa sĩ tập sự bắt đầu sự nghiệp mình bằng cách sao chép lại tác phẩm của những nhà danh họa, tôi cũng chọn một số mẫu mực âm nhạc mà tôi yêu thích và thay đổi giai điệu bên trong ở thời kỳ đầu. Đó là những năm 56 - 57, thời của những giấc mộng ngổn ngang, của những viễn tưởng phù phiếm non dại. Cái thời tuổi trẻ xanh mướt như trái quả đầu mùa ấy, tôi rất yêu âm nhạc nhưng tuyệt nhiên trong tôi không hề gợi lên ham muốn trở thành nhạc sĩ. Đối với cái bề mặt xã hội lúc bấy giờ, tương lai có nhiều tiếng gọi khác hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn cho một con người còn trẻ tuổi.
Dạo ấy ba tôi đã mất, mẹ tôi ở xa, tôi một mình giữa Sài Gòn phải tự quyết định mọi chuyện về đời mình. Cái gánh đời tuổi tác còn quá nhẹ. Có lúc tôi đã bỏ dở cái trò lãng mạn viết lách này với nỗi ám ảnh ngu ngốc "xướng ca vô loại". Tôi trằn trọc đêm này qua đêm khác, ray rứt ngày này qua tháng nọ. Nhưng càng cố quên lãng thì tiếng hát trong tôi càng vang lên rõ rệt, tràn ngập cả lúc đứng ngồi, cả trong giấc ngủ.
Dần dà những năm về sau, mới bắt đầu hình thành trong tôi một quan niệm rõ rệt: Sống là sống với người khác và muốn có cảm thông chúng ta phải luôn luôn tự diễn đạt mình. Trong những cách diễn đạt bằng tiếng nói, bằng chữ viết và nhiều phương tiện khác, tôi thấy tâm hồn mình có khuynh hướng nghiêng về phía ca khúc. Trên mảnh đất nghệ thuật nhỏ nhắn này, tôi tìm thấy tự do và tôi nghĩ rằng ở đây tôi có thể bày tỏ được với người khác về những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống.
Mấy mươi năm nhìn lại quãng đường mình đã đi, tôi cảm thấy không có gì phải ân hận. Tôi vẫn là đứa trẻ thơ trong nghệ thuật, lòng còn tràn đầy cảm hứng. Tôi vẫn còn ham mê học hỏi quanh mình và còn đủ hào hứng mở ra những cuộc đối thoại với cây cỏ thiên nhiên, với con người qua ca khúc dưới ánh sáng hiền hòa nhân hậu của những ngày tôi đang sống.
Phải chờ đến lúc soi gương nhìn thấy tóc không còn mang mầu xanh cũ nữa, mới nhận ra được hết nỗi khát khao được yêu thương mãi mãi con người và cuộc sống. Yêu thương con người cũng là yêu thương tiếng hát bởi vì tiếng hát mang trong nó tâm hồn của con người. Tiếng hát sẽ mọc lên xanh tươi trên cuộc đời này như những cây tử đinh hương mọc tràn thơm tho trên những cánh đồng vô tận.
Với ca khúc, tôi là người tình của thiên nhiên, là người bạn của những em bé. Qua ca khúc, tôi đã đến gần và đã đi xa những chuyện tình; đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng đã gánh nhẹ giùm những phiền muộn.
Ca khúc là đời sống thứ hai sau cái thân thể mà cha mẹ đã sinh thành.
Trái đầu mùa
Bài hát đầu tiên do Nhà xuất bản An Phú phát hành năm 1959 tại Sài Gòn. Đó là những cảm xúc được ghi lại từ những giọt nước mắt của một ca sĩ nữ sinh vừa rời ghế nhà trường. Cô hát để kiếm tiền nuôi mẹ đang hấp hối trên giường bệnh.
Dạo ấy, trong đầu hoàn toàn chưa có một khái niệm nào về tiền tác quyền. ở tuổi hai mươi, trong tâm trí đang còn phơi phới những ý đồ hiệp sĩ. Số tiền năm ngàn hồi ấy quá lớn đã được dùng một phần tặng người ca sĩ và phần còn lại chia đều cho các bạn cùng ở trọ. Mỗi tháng, tiền ăn ở cho một học sinh, sinh viên chỉ có năm, sáu trăm đồng.
Nguồn cảm hứng đầu tiên ấy đã làm cơ sở cho một loạt những cảm xúc khác thành hình. Như một khu rừng mùa thu yên tĩnh được một cơn gió thổi bùng lên đánh thức lớp lá vàng dậy, tâm hồn tôi đã bắt đầu biết xôn xao theo những tín hiệu, dù nhỏ nhất của cuộc sống. Tôi không còn nhìn ngắm cuộc sống một cách lơ đãng như trước nữa mà càng lúc càng thấy mình bị cuốn hút về phía những tình cảm phức tạp của con người.
Những trái cây đầu mùa ấy còn vụng về, chưa có vóc dáng riêng, nhưng nó mang đến niềm thích thú để từ đó sẵn lòng làm một cuộc hành trình dài lâu đi vào cái bề sâu của âm thanh và ngôn ngữ.
Gặp gỡ
Năm 64 - 65, tôi được các bạn tổ chức buổi ra mắt đầu tiên trước quần chúng tại khu đất trống sau lưng trường Văn Khoa Sài Gòn cũ (nay là Thư viện Quốc gia).
Với tôi, đây cũng là buổi thể nghiệm xem mình có thể tồn tại trong lòng quần chúng được không. Trước mặt đám đông đến mấy nghìn người gồm đủ thành phần văn nghệ sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên tôi cảm thấy mình quá trơ trọi và đầy lo âu trên bục gỗ với cây đàn guitar dưới ánh sáng đèn. Với một hành trang nhẹ nhàng bằng hai mươi ca khúc nói về quê hương, ước mơ hòa bình và những bài sau này được gọi là "phản chiến", tôi đã cố gắng hết sức để một mình đảm nhận vai trò đưa nỗi lòng của mình đến với quần chúng. Buổi hát đã để lại một ấn tượng khá tốt đẹp cho cả người trình bày lẫn người nghe.
Trong buổi diễn có một bài hát được yêu cầu hát đến lần thứ tám và cuối cùng mọi người tự động hát theo. Sau buổi diễn tôi đã được "bồi dưỡng" bằng một tiếng đồng hồ ngồi ký tên trên những trang giấy của tập bài hát quay roneo dành cho người nghe.
Đó là buổi gặp gỡ đầu tiên giữa người sáng tác và người nghe. Những buổi trình diễn nối tiếp ở các giảng đường đại học khác cũng được lặp lại trong một bầu không khí nồng nhiệt như thế. Trong tôi bắt đầu sáng lên một khái niệm: đó là ý thức về trách nhiệm của người sáng tác đối với công chúng.
Thuở ấy Nhị Xuân. Em ở nông trường. Em ra biên giới.
Đêm Nhị Xuân không còn thấy rõ mầu đất đỏ và những bãi mía, bãi dứa cùng lán trại cũng khoác một mầu áo khác. Mưa xuống. Hội trường dã chiến như một cái rá lọc nước thả xuống những giọt dài. Chúng tôi (Phạm Trọng Cầu, Trần Long ẩn và tôi...) cùng anh em thanh niên xung phong nam nữ hát với nhau dưới một bầu trời được trang trí lạ mắt như thế. Đêm cứ dài ra và những tiếng hát cứ dài ra. Nước ở con kênh dâng lên. Mặc kệ. Cứ đứng, cứ ngồi, cứ hát. Gần khuya có cô gái thanh niên xung phong nhanh nhẹn vui tươi mang cho chúng tôi những bát cháo gà trước khi chia tay. Những khuôn mặt ấy, tôi đã quen đã nhìn thấy nhiều lần. Một giờ khuya, lên xe giã từ Nhị Xuân, lòng còn âm vang tiếng cười, tiếng hát. Những bàn tay siết chặt, những cái vẫy tay trong đêm không nhìn thấy. Quá giờ giới nghiêm, xe nằm lại giữa đường, không được vào thành phố. Ngủ lại chờ sáng. Về lại thành phố, trở lại công việc thường ngày. Nhưng ở Nhị Xuân, có hai mươi người con gái thanh niên xung phong đi về phía khác. Mấy tháng sau, tôi được tin tất cả hai mươi khuôn mặt tôi đã nhìn, đã gặp trong đêm hôm nào ở Nhị Xuân cùng nhau ca hát, đã hy sinh ở biên giới Tây Nam. Những tiếng hát, giọng cười còn đó. Những cây mía, cây dứa các bạn trồng vẫn còn đó, vẫn lớn lên. Tôi bồi hồi nhìn ra quãng trời rộng và thấy lại trong trí nhớ những con người trẻ trung ấy. Trong những trái tim ấy có gì khác chúng ta không. Trong giấc ngủ ban đêm, trên những vầng trán khỏe mạnh ấy, đã có những cơn mơ nào. Chúng ta nói quá nhiều đến sự tròn đầy và chúng ta quên đi sự mất mát. Chúng ta vẽ ra lắm nụ cười mà quên đi những nỗi ngậm ngùi riêng tư. Những người bạn nhỏ ấy đã ra đi vĩnh viễn, nhưng nỗi nhớ thương về họ chưa được hát đủ như một nỗi đau. Còn thiếu sót biết bao nhiêu điều chưa nói hết lúc ở nông trường và càng chưa nói được một mảy may lúc ra biên giới. Làm một điều gì chưa đến nơi đến chốn với một người không còn nữa, có phải cũng là có lỗi với cuộc đời rồi hay không. Xin hãy tha thứ những dòng chữ óng mượt, những sắp xếp tinh khôn, những cân nhắc đong đo xuôi chèo thuận lái.
Thông điệp
Mỗi người đều có một cách riêng và một lý do riêng khi đến với nghệ thuật. Cánh cửa mở ra, chúng ta bước vào. Có những cánh cửa rộng hẹp không đều nhau. Có những cách nhìn và lòng đam mê không giống nhau. Và làm sao có thể giống nhau được khi bản chất của nghệ thuật là một đòi hỏi miên man cái muôn hình vạn trạng. Từ đó hình thành tính cách của mỗi con người muốn lân la kết tình bằng hữu với nghệ thuật.
Có một điều chắc chắn là không có ai làm nghệ thuật một cách không nghiêm túc. Con người còn lắm chỗ, lắm nơi để bày ra những trò phù phiếm. Tuy nhiên, cũng có không ít những người quan niệm rằng làm nghệ thuật không vì một mục đích nào cả nghĩa là muốn hoàn thành một thứ nghệ thuật không có cứu cánh.
Đã từ lâu tôi muốn qua ca khúc nói được thật nhiều điều. Tôi không chọn ca khúc như một chặng đường để rồi sau đó tu dưỡng hòng nhảy vào những thể loại to lớn hơn. Ca khúc đối với tôi là một mô hình gần gũi, thiết thân và hoàn chỉnh. Nó là một cuộc hôn phối kỳ diệu giữa thi ca và âm nhạc.
Ở nơi nào trên mặt đất này có con người, ở đó có tiếng hát. Con người có thể hát một mình ở bất kỳ nơi đâu. Ca khúc là nỗi lòng của một con người trong cuộc sống. Cuộc tình giữa âm nhạc và văn học này đã khiến ca khúc tự nó có thể chạm đến mọi bờ cõi tri thức của đời sống con người. Nó đủ khả năng hát về một cái chồi non vừa nhú cho đến cái chết của một con người. Nó chính là tiếng chim buổi sáng, tiếng gà gáy trưa bên đồi mang âm vang của một nỗi nhớ nhung. Nó là nắng, là mưa, là nụ cười, là tiếng khóc. Nó ở cùng với điều nhỏ nhất và đồng thời cũng sống chung với những cõi bờ bao la.
Tôi chưa bao giờ cảm thấy ca khúc bối rối trước những điều tưởng không nói được. Nó đã đi qua bao nhiêu mùa mang giữa lòng cuộc sống con người và thường nó có mặt bên cạnh con người như một lời an ủi. Cũng vì thế, tôi đã có lần nuôi tham vọng gán ghép cho ca khúc một cái gì đó lớn hơn, tràn đầy ra ngoài cái hình thể nhỏ nhắn và khiêm tốn của nó. Đó chính là sứ mệnh truyền đạt những âu lo, những chờ đợi của con người khi đối diện với chính mình trước cuộc sống. Nó có bổn phận phải cưu mang trong từng dòng nhạc dòng chữ cái phần tinh khiết nhất của hạnh phúc và bất hạnh. Như vậy, ca khúc ngoài cái vai trò mua vui cũng được một vài trống canh, nó còn phải đảm nhiệm cái sứ mệnh đẹp đẽ mà các anh chị em họ hàng nghệ thuật của nó đã và đang làm.
Tôi nghe một tiếng hát và tôi thấy lại cả một khoảng trời đầy kỷ niệm. Tiếng hát đi từ tôi đến anh bằng con đường ngắn nhất. Cái khả năng to lớn sau cùng của ca khúc là mang đến sự cảm thông giữa mọi người bằng tiếng hát. Tôi ước mơ một ngày nào đó trên hành tinh này tiếng hát sẽ được trả về với vẻ đẹp thuần khiết của nó. Đó là tiếng hát bay qua các lục địa, các đại dương, mang trong lòng nó tình yêu và tình nhân ái. Cái sứ mệnh huy hoàng nhất của nó là phải mang được cái thông điệp ấy đến với từng con tim. Không những chỉ với những tâm hồn vốn yêu chuộng hòa bình mà cả những con tim đang ngộ độc bởi những ngòi thuốc nổ.

Trịnh Công Sơn

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2009

Diễm Của Những Ngày Xưa

Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học văn khoa ở Huế.
Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não.
Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế người còn gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt.
Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.
Từ balcon nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Ði để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng, mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu.
Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kỹ. Ði để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một giòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn và một phần nào cũng cứu rỗi cho con người ta khỏi vành đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất như không có thực.
Nhưng thật sự thực và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời, khá dài lâu, những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm theo hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình.
Ðó cũng là thời gian mà mỗi sớm tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, chuyền đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay đang đóng kín cửa.
Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không bóng hình, không màu sắc. Chỉ có cái chết của những người già, vào mùa đông giá rét, mới làm sực tỉnh và bổng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh.
Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Ði đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Ðịnh hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoang lạc của giấc mơ.
Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn.
Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.
Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa.

Trịnh Công Sơn

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

Đôi Điều Suy Nghĩ

Chúa đem con vào đời, nhưng mục đích chính yếu của cuộc sống lại là chờ đợi một chuyến đi. Sân ga không phải là quê hương của con để con bám víu và xây đắp, nhưng chỉ là bến tạm để đợi chờ con tàu. Khi nào thì con tàu sẽ đến để đem con đi? Khi nào con từ giã cuộc sống? Con chẳng biết được thời giờ định mệnh này. Thưa Chúa, có điều con muốn nói là trong khi chờ đợi, trong lúc nhìn thời gian tiến về điểm mốc trọng đại ấy, con luôn luôn cần hạnh phúc.
* * *
Con đã cảm nghiệm được nhiều thứ hạnh phúc. Hạnh phúc khi nhận được tin vui. Hạnh phúc đến từ một tâm hồn biết thông cảm. Hạnh phúc đến từ sự thành công trong công ăn việc làm. Nhưng, những hạnh phúc ấy vẫn chẳng làm con an lòng. Con vẫn lo âu. Những hạnh phúc ấy vẫn là bấp bênh. Quá khứ minh chứng rằng nhiều lần con đã mất hạnh phúc ấy.
Vì những hạnh phúc ấy có thể mất nên cũng có những ngày tháng con sống không niềm vui, chung quanh con là sa mạc. Mà đời người thì chẳng thể sống không niềm vui. Nên con đi tìm niềm vui mới. Có khi con oán giận Chúa, bỏ đời sống đức tin để tìm bất cứ một an ủi nào đó. Trong những giây phút ấy con thường tìm hạnh phúc trong tội lỗi. Con không nhìn thấy những tàn phá của tội mà con chỉ thấy những hứa hẹn và bóng mát của tội mà thôi. Thật sự con chẳng muốn bỏ Chúa bằng con đường chủ tâm sống trong tội. Con vẫn biết con không thể sống thiếu Chúa, nhưng trong yếu đuối của đời mình, con đã thấy quyến rũ nơi tội mạnh hơn hạnh phúc do đời sống đức tin đem lại.
Hạnh phúc thật thì chỉ có một định nghĩa. Nếu con đi tìm bất cứ hạnh phúc nào ngoài thứ hạnh phúc thật đó, con sẽ hoang mang và hụt hẫng. Hạnh phúc thật đó chỉ có Chúa mới cho con được mà thôi. Chúa là nguyên ủy của tất cả, thì hạnh phúc cũng phải do Chúa là nguyên nhân. Bởi đấy, khi con đi tìm niềm vui ngoài nguyên nhân tối thượng là Chúa, con sẽ gặp thất vọng.
* * *
Khi con phạm tội, tội cũng cho con một chút "niềm vui". Nhưng tội làm con xa Chúa. Niềm vui hay hạnh phúc là lúc trầm mình thưởng thức trong dòng nước chảy của dòng sông. Mức độ và sắc thái khác nhau của hạnh phúc tùy thuộc vào nguồn gốc của dòng sông ấy. Chúa là nguyên nhân của một thứ hạnh phúc. Tội cũng sinh ra một dòng hoan lạc. Nguyên nhân khác nhau thì hạnh phúc hay hoan lạc đến từ các nguyên nhân đó phải khác nhau. Từ sự khác nhau ấy, con chọn lựa cho mình một dòng sông. Dòng sông hạnh phúc của Chúa hay đôi bờ hoan lạc của tội.
Con là một tạo vật hữu hạn. Thứ hạnh phúc của tội cũng là một sản phẩm hữu hạn, bởi vì chính con tạo nên nó. Vì con tạo nên nó, do đấy, nó chẳng bao giờ thỏa mãn con được. Hạnh phúc của con hệ tại bám vào hạnh phúc tự thể là Chúa. Nên khi con mất cái tự hữu để ký sinh thì con chênh vênh và hao hụt ngay.
Tội làm con xa Chúa. Chúa xa con không phải vì Chúa bực mình, ghen tức. Dù con thánh thiện tới đâu đi nữa thì cũng chẳng vì thế mà sự trọn hảo của Chúa thêm trọn hảo hơn. Dù con có cầu nguyện thiết tha đến đâu đi nữa thì chẳng vì thế mà Chúa được cao cả hơn. Tự Chúa đã tràn đầy tất cả. Chúa chẳng cần gì. Nếu con cầu nguyện là con bám vào sự trọn hảo của Chúa để được thương ban mà thôi.
Tội là thái độ tự do để lựa chọn một đối tượng ngoài Chúa. Khi phạm tội là con nghe theo một tiếng gọi khác, chấp nhận một đối tượng khác. Khi con chấp nhận một đối tượng khác rồi thì lẽ dĩ nhiên là Chúa phải xa con. Chúa không áp bức con bằng sức mạnh, bằng quyền năng, nhưng Chúa kính nể sự tự do của con. Khi con phạm tội, khi con lựa chọn một đối tượng rồi thì Chúa muốn ở với con cũng không được vì con đã dành khoảng trống của lòng mình cho một chủ khác rồi.
Khi con kiếm tìm niềm vui nơi tội là con tạo nên cơn bão táp cho chính vườn rau của mình. Càng để tội lỗi làm chủ con tim mình thì Chúa càng phải ở xa. Mà Chúa càng xa thì hạnh phúc thật càng mù tăm, khuất bóng. Lý tưởng cuộc đời con là kiếm tìm và quy về nguồn cõi hạnh phúc thật đó. Do vậy, càng xa nguồn hạnh phúc thật thì con càng đánh mất ý nghĩa cuộc sống. Mà không còn ý nghĩa thì cuộc sống trở nên man dại, tính toán, lo âu, giành giật, hận thù và chán chường.
* * *
Khi con phạm tội là con phá hủy hết tất cả tự do của con. Cơn bão táp ấy xóa nhòa nhân phẩm của con. Tội là điều xấu. Con không muốn để người khác biết những điều xấu xa của con. Từ đó, con có hai khuôn mặt. Một khuôn mặt thật và một khuôn mặt để "show up", trình diễn để tha nhân nhìn vào. Khi con giấu kín khuôn mặt thật tội lỗi để phô bày khuôn mặt giả cao thượng là con xây dựng giá trị của mình trên sự lầm lẫn của tha nhân. Con lừa dối kẻ đối diện. Nếu con còn may mắn để nhìn thấy rằng mình có hai khuôn mặt mỗi khi xét mình thì con còn lương tri để biết rằng mình chỉ lừa gạt người chứ không lừa dối mình. Nhưng ngày nào đó, con lẫn lộn giữa thực và hư. Ngày nào đó, con người để trình diễn kia rợp bóng đến nỗi con chỉ thấy nó là chính mình và con tin nó là khuôn mặt thật của mình, con không còn thấy bóng khuôn mặt thật của con đâu nữa thì ngày đó con chẳng còn gì. Con đã là nạn nhân của sự giả tạo. Gian dối với tha nhân đã nên lừa đảo chính mình.
Khi tha nhân tưởng con là gương mẫu của đời mà con không là gương mẫu thì con sẽ lo âu cho cái ngưỡng mộ kia bị đổ vỡ nếu tha nhân nhận ra con người thật tội lỗi của con, cho nên con lại càng phải cất giấu con người đó kỹ hơn. Bởi đấy, tội cướp mất tự do. Sống trong tội, con phải sống trong hồi hộp, gian dối, lo âu.
Chẳng có người cha nào không mủi lòng khi thấy đứa con mình sắp xuống tắm trong dòng sông ngầu vẩn rác đục. Vì kính trọng tự do Chúa đã ban cho con, nên Chúa biết con xa Chúa là đời con sẽ chán chường, Chúa cũng đau khổ, nhưng Chúa chẳng thể cưỡng bách con chọn Chúa được. Mà thật sự con cũng không muốn mất tự do. Hành vi chọn lựa là một thú vui chan chứa của tự do. Không có tự do sẽ là gỗ đá. Nếu con không phải là gỗ đá, nếu con có tự do, thì con phải biết lo âu biết bao về sự tự do của mình.
Nguyễn Tầm Thường

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

Hơn Cả Yêu Thương

Nếu là một người chăm chú theo dõi các tin tức giải trí, hẳn bạn đều biết đến việc nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng Hồng Kông Lê Tư lấy chồng - thương gia họ Mã và ông ấy là một người phải ngồi trên xe lăn. Khi công bố quyết định lấy chồng với mọi người, trước đó Lê Tư cũng đã thông báo với mọi người về việc rút lui khỏi làng giải trí.
Ban đầu khi đọc tin này mình thực sự ko hiểu. Mình cứ tự hỏi sao 1 diễn viên nổi tiếng và xinh đẹp đến thế, chị ấy hoàn toàn có thể lấy được một người chồng đại gia, đẹp trai và quan trọng hơn... hoàn toàn lành lặn. Vậy mà... Khi nhìn ảnh đám cưới, 1 cô dâu xinh đẹp bên cạnh 1 người đàn ông lớn tuổi hơn rất nhiều đang ngồi trên xe lăn, trong lòng mình lại thầm tiếc và dấy lên sự thắc mắc.
Nhưng đến giờ thì mình đã hiểu. Khi mình đọc những bài phỏng vấn Lê Tư.
Khi thương gia họ Mã nói với cô ấy rằng: Em nghỉ ngơi đi, đừng làm việc vất vả nữa, anh sẽ chăm sóc em suốt đời. Vì câu nói đó, Lê Tư rất xúc động và quyết định rút lui khỏi mọi cám dỗ phù hoa của làng giải trí để trở thành người phụ nữ đúng nghĩa. Lúc đó mình mới hiểu. Thật sự hiểu. Và rất thấm thía. Bởi đơn giản mình đã trải qua những cảm xúc đó. Với người phụ nữ, bề ngoài càng mạnh mẽ bao nhiêu thì bên trong càng yếu đuối bấy nhiêu. Họ luôn cần một chỗ dựa. Nhưng khi chưa tìm được chỗ dựa nào đó, họ cứ phải xù lông xù cánh lên để đối chọi với cuộc sống.
Bản thân mình trước đây khi yêu một anh giai, câu cửa miệng anh giai nói với mình là: Sau này em có nuôi được anh không? Lúc đó mình luôn gật đầu. Câu cửa miệng mình đáp lời luôn là: Anh cứ tin em đi, em hứa em sẽ nuôi được anh.
Sau này yêu tiếp, mình lại nói một câu gần tương tự như thế với một người đàn ông khác: Anh đừng làm việc nữa, em sẽ làm việc chăm chỉ để nuôi anh. Thực ra lúc đó nói câu đấy ko hề bị ảnh hưởng bởi bất kì bài báo hay gì cả. Nó đơn giản chỉ là một câu nói được phát ngôn từ cảm xúc dồn nén bất chợt của một tấm lòng. Khi bạn thực sự yêu ai đó, bạn luôn muốn làm mọi điều tốt đẹp nhất cho người ta. Mình cũng thế thôi. Dù mình chỉ là phụ nữ, và thốt ra 1 câu nói như 1 người đàn ông vậy.
Tuy nhiên, chưa có người đàn ông nào nói với mình câu đó. Họ luôn khuyên mình làm việc nữa đi, đừng nản lòng. Oke tốt thôi, có người động viên là tốt. Nhưng ngay cả với những người từng nói yêu mình sâu sắc, cũng chưa ai nói rằng sẽ chăm sóc mình suốt đời cả. Cho dù tương lai có thể không như lời người ta nói. Quan trọng là chưa ai nói với mình như thế cả. Thế thôi.
Vì vậy, mình hiểu được cảm giác của Lê Tư khi yêu người đàn ông hơn 14 tuổi và bị tật nguyền ở chân bởi câu nói đó. Mình hiểu được cảm giác xúc động thế nào của diễn viên này. Người phụ nữ luôn cần một chỗ dựa chân thành từ phía những người đàn ông. Nói như thế không phải để họ bắt đầu cuộc sống an phận, mà chỉ là cho họ thêm động lực tin yêu vào cuộc sống, vào con người. Cho họ thấy đời đẹp hơn, có tình hơn, và đáng sống hơn.
"Em đừng làm việc nữa, nghỉ ngơi đi, anh sẽ chăm sóc em suốt đời". Đó là câu nói của một người đàn ông chỉ thốt ra được khi họ có tình cảm hơn cả yêu thương dành cho người phụ nữ của cuộc đời họ.

Nguồn: xem blog.com

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2009

Chúa Ở Đâu?

Chuyện kể rằng, một thầy dòng nọ đọc đâu được trong bộ sách khôn ngoan cũ kỹ mách bảo cho biết rằng: "Tận cùng chân trời của trái đất là nơi trời với đất gặp gỡ nhau".
Phấn khởi vui mừng, thầy lên đường tìm kiếm nơi trời mới đất mới gặp nhau và sẽ không trở về nhà cho tới khi tìm được. Ngày tháng trôi qua, thầy vẫn kiên nhẫn rảo bước khắp nơi với hy vọng mãnh liệt trong tâm hồn, bất chấp mọi khó khăn gian khổ và thử thách, những lần phải chịu đói khát, giá rét và không gì có thể lay chuyển được ý định của thầy.
Trong bộ sách khôn ngoan cũ kỹ ấy chỉ có thêm rằng: "Khi tới chỗ đất với trời gặp nhau sẽ thấy có một cánh cửa, chỉ cần gõ nhẹ cánh cửa sẽ mở ra và người ấy sẽ gặp thấy Thiên Chúa".
Thật vậy, sau nhiều ngày tháng trời đi tìm kiếm đó đây khắp mặt đất, cuối cùng thầy dòng đã tới trước cánh cửa. Thầy vui mừng gõ cửa bước vào, lúc đó thầy dòng mới hoảng hồn nhận ra đó là Tu Viện cũ của thầy, là cửa của căn phòng mà thầy đã từng sống bao nhiêu năm qua.

***

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã hứa với dân chúng rằng: "Ai xin sẽ được, ai tìm sẽ thấy, ai gõ cửa sẽ mở cho". Ðời sống trần thế là thời gian tìm kiếm Chúa với hy vọng vững chắc là sẽ được gặp Ngài, nhưng cần phải tìm kiếm Chúa ở đâu?
Thật sự không cần phải đi tìm kiếm Chúa ở tận nơi xa xôi hoặc mãi nơi chân trời nào cả, Thiên Chúa hiện diện ngay trong tâm hồn mỗi người, cùng đồng hành với mỗi người trong mọi hoàn cảnh vui buồn, sướng khổ của cuộc sống. Vấn đề quan trọng là có biết nhận ra những giờ, những nơi hẹn mà Chúa đang chờ đợi ta hay không?
Chúng ta biết tỉnh táo và chuẩn bị sẵn sàng là thái độ của mỗi người đầy tớ trung tín, chứ không phải là thái độ cần thiết của những người gác cổng mà thôi. Tỉnh thức có nghĩa là các đầy tớ sẽ làm công việc khác nhau của mình một cách ý thức, là tiến hành công việc mà Thiên Chúa đã ủy thác cho họ thực hiện. Tỉnh thức là biết mình đang làm gì đến nỗi vừa làm việc, vừa có thể nghe được hơi thở của mình. Sự ý thức lựa chọn mà mỗi người làm trong giây phút hiện tại sẽ định đoạt số phận vĩnh hằng của mình sau này.
Giáo Hội như người mẹ hiền nhắc nhở con cái là những người có lòng tin sẵn sàng chờ đợi ngày trở lại sau cùng của Chúa Giêsu, ngày trở lại đó ai cũng biết là chắc chắn mặc dù không ai biết trước được khi nào ngày giờ đó sẽ xảy đến. Cũng là điều tốt cho chúng ta khi không biết chắc chắn lúc Chúa chúng ta có thể bị cám dỗ ỷ lại, lười biếng trong công việc của mình cho Chúa Kitô, hoặc tệ hại hơn nữa là tiếp tục ngồi lỳ trong con đường tội với hy vọng sẽ trở lại với Chúa trong giờ phút cuối cùng.
Tỉnh thức và sẵn sàng, tức là lúc nào cũng sẵn sàng chuẩn bị bất cứ lúc nào ông chủ về bất thình lình, Người vẫn thấy chúng ta có mặt thay vì ngủ mê hoặc lêu lổng với công việc bổn phận. Ðể được thế, chúng ta cần luyện tập, làm việc cách trung thành với công việc Chúa đã ban cho chúng ta trong giây phút hiện tại, cũng đừng để cho trí tuệ tinh thần của chúng ta ra u mê, sống buông thả hay sự mù quáng đuổi theo các đam mê điên rồ hoặc để cho các lo âu đời sống đè bẹp, trói buộc chúng ta mãi.

***

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã phán bảo chúng con hãy luôn tỉnh thức kẻo sa chước cám dỗ, xin ban ơn sức mạnh cho chúng con để chúng con luôn bền tâm trong công việc thiện, trong khi chờ ngày Chúa đến. Ước chi mỗi lần Chúa đến gõ cửa nhà tâm hồn chúng con, Chúa sẽ hài lòng thấy chúng con luôn tỉnh thức trong cầu nguyện, vui mừng ca tụng Chúa và nhiệt thành thực thi bác ái với mọi người. Amen!

R. Veritas

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2009

Ý Thức Tha Nhân

Cho đến nay, tất cả những thao luyện bạn thực hành đều đặt nền tảng trên ý thức của bản thân và ý thức Thiên Chúa ngang qua bản thân; bởi lẽ, với bạn, không thực thể nào gần gũi Ngài hơn chính bản thân bạn. Bạn sẽ cảm nghiệm không gì gần gũi Thiên Chúa hơn chính bạn. Bởi đó, thánh Augustinô có lý khi nhấn mạnh, chúng ta phải phục hồi con người cho chính nó, nghĩa là phải trở về chính mình; để rồi từ đó, mỗi người làm cho chính mình trở nên một lối bước dẫn đến Thiên Chúa. Thiên Chúa chính là nền tảng của hữu thể tôi, là Bản Thân của bản thân tôi, và tôi không thể đi sâu vào bản thân mình mà không chạm đến Ngài.

Ý thức về bản thân cũng là một tiềm lực cho việc triển nở ý thức về người khác. Vì chỉ khi nào tôi hoà hợp với những tình cảm của mình, tôi mới có thể ý thức đến tình cảm của những người khác. Vì chỉ khi nào tôi ý thức những phản ứng của mình đối với những người khác, tôi mới có thể đi đến với họ trong yêu thương mà không gây cho họ một tổn hại nào. Khi tôi ý thức bản thân tôi một cách nhạy bén, tôi cũng làm triển nở một ý thức tinh ròng về người anh em của tôi. Nếu tôi gặp khó khăn trong việc ý thức thực tại gần gũi tôi nhất, là bản thân tôi, làm sao tôi có thể tránh được khó khăn trong việc ý thức Thiên Chúa và người anh em của tôi?

Thao luyện ý thức về tha nhân mà tôi sắp đề nghị không đề cập đến việc ý thức anh em đồng loại của chúng ta như bạn có thể nghĩ. Tôi sắp lấy một điều gì đó vốn dễ dàng hơn: ý thức phần còn lại của thế giới các tạo vật. Từ đó, bạn tiến đến ý thức con người. Trong thao luyện này, tôi muốn bạn nhìn nhận một thái độ kính trọng và trân trọng đối với các vật vô tri vô giác, các đồ vật chung quanh. Một vài nhà thần nghiệm bậc thầy nói với chúng ta rằng, khi đạt đến trạng thái giác ngộ, một cách bí nhiệm, họ trở nên sung mãn với một cảm thức kính trọng sâu sắc. Kính trọng Thiên Chúa, kính trọng sự sống trong tất cả dạng thức của nó, kính trọng cả những vật vô tri vô giác. Và họ có khuynh hướng nhân cách hóa toàn thể tạo vật. Họ không còn coi người khác như những đồ vật. Họ không còn coi đồ vật như đồ vật – dường như đồ vật nay trở thành những ngôi vị đối với họ – và kết quả là, lòng kính trọng và tình yêu của họ đối với những con người ngày càng gia tăng.

Thánh Phanxicô Assisi là một trong những nhà thần nghiệm đó. Ngài nhận ra anh em, chị em của mình trong mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú, cây cối, chim chóc và muông thú. Chúng là những thành viên của gia đình ngài, và ngài trò chuyện với chúng một cách yêu thương. Đi xa hơn, thánh Antôn Pađua giảng cho cá! Dĩ nhiên, dưới cái nhìn duy lý của chúng ta, điều ấy thật điên rồ. Một cách sâu sắc, dưới cái nhìn thần nghiệm, điều đó lại thật khôn ngoan, nhân bản và thánh thiện.

Tôi ước ao bạn cảm nghiệm một vài điều này cho chính mình hơn là chỉ đọc qua nó. Vì lý do đó, chúng ta mới có thao luyện này. Nhưng trước hết, bạn hãy tạm quên mình là người lớn để trở nên một trẻ thơ sắp trò chuyện nghiêm túc với con búp bê của mình; hoặc như thánh Phanxicô Assisi đã làm điều tương tự với mặt trời, mặt trăng và các muông thú. Nếu bạn trở nên một em bé, ít nữa là tạm thời, bạn sẽ khám phá một vương quốc của Nước Trời – và học biết những bí nhiệm mà Thiên Chúa thường giấu kín với hạng khôn ngoan và thông thái.

Bạn hãy chọn một vài đồ vật quen dùng: một cây viết, một cái tách… tốt hơn là một vật mà bạn có thể dễ dàng nắm trong tay…

Để vật đó trong lòng hai bàn tay trên đôi tay duỗi thẳng của bạn. Bây giờ, hãy nhắm mắt và cảm nhận nó từ lòng hai bàn tay… Ý thức đến nó nhiều ngần nào có thể. Trước hết, ý thức trọng lượng của nó… tiếp đến là ý thức cảm giác nó tạo ra trên lòng bàn tay bạn…

Đoạn, bạn hãy khám phá nó với những ngón tay hoặc đôi tay mình. Điều quan trọng là hãy làm việc này một cách nhẹ nhàng và trân trọng. Khám phá cái sần sùi, cái nhẵn nhụi, độ cứng, độ mềm, độ ấm, độ lạnh của nó… Bây giờ, hãy chạm nó vào những phần khác trên cơ thể và xem coi có gì khác không. Hãy chạm nó vào môi… vào cổ… vào trán… vào mu bàn tay bạn…

Bạn đã làm quen với đồ vật của bạn qua cảm giác đụng chạm… Bây giờ hãy làm quen với nó, ý thức nó ngang qua thị giác. Bạn hãy mở mắt và nhìn nó từ nhiều góc độ khác nhau. Hãy nhìn thật kỹ từng chi tiết có thể nhìn thấy: màu sắc, hình dạng và những phần khác nhau của nó…


Hãy ngửi nó… nếm nó, nếu có thể… Hãy nghe nó, bằng cách đặt nó cạnh tai bạn…

Bây giờ, bạn hãy nhẹ nhàng đặt vật ấy trước mặt hay trên đùi và chuyện trò với nó… Hãy bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi với nó về chính nó… cuộc đời của nó, nguồn gốc của nó, tương lai của nó… Và lắng nghe nó tỏ bày cùng bạn bí mật tồn tại và vận mệnh của nó… Hãy lắng nghe đang khi nó giải thích cho bạn, với nó, đâu là ý nghĩa của hiện hữu…

Vật dụng của bạn vẫn có những khôn ngoan giấu ẩn để mặc khải cho bạn chính con người của bạn… Hãy tra hỏi và lắng nghe những gì nó phải nói… Có thể có một cái gì đó khiến bạn sẽ đem vật này tặng cho người khác… Đó sẽ là cái gì? Nó muốn gì ở bạn?…

Bây giờ, hãy đặt chính mình và vật này trước sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa; trong Người và cho Người, mọi sự được tác thành. Hãy lắng nghe những gì Người sẽ phải nói với bạn và với vật kia… Cả hai sẽ trả lời Người thế nào?… Bây giờ hãy nhìn vật kia một lần nữa… Thái độ của bạn đối với nó có thay đổi không?… Có thay đổi nào trong thái độ của bạn đối với những vật dụng khác chung quanh bạn?…

NHỮNG ÍCH LỢI CÁ NHÂN TỪ VIỆC Ý THỨC
Lần đầu tiên, khi bắt đầu đi vào loại hình chiêm niệm được gợi ý trong những thao luyện vừa qua, có thể bạn có một cái nhìn ngờ vực về giá trị của chúng. Xem ra, chúng không phải là suy niệm, cũng chẳng phải là cầu nguyện theo ý nghĩa truyền thống của các từ ngữ. Nếu cầu nguyện được hiểu là nói với Thiên Chúa, thì ở đây, nói rất ít hoặc không nói gì cả. Nếu suy niệm được coi là suy tư, chiếu soi, hiểu biết và quyết tâm, thì hầu như nó chẳng có một cơ hội nào trong những thao luyện này.

Bạn kết thúc những bài thao luyện mà chẳng thấy điều gì cụ thể cho những nỗ lực đã đặt vào đó. Không có gì để bạn ghi vào nhật ký thiêng liêng – không gì, ít nữa ngay lúc đầu và có lẽ, sẽ không bao giờ có. Bạn thường ra khỏi đó với cảm giác khó chịu là đã không làm gì và cũng chẳng đạt được gì. Hình thức cầu nguyện này nhọc nhằn cách riêng với người trẻ và với những ai đặt nặng vào thành quả – những người mà với họ, nỗ lực quan trọng hơn tư cách.

Tôi nhớ rất rõ một bạn trẻ, mà với anh ta, xem ra không đạt được gì từ những thao luyện này. Anh cảm thấy bực bội khi phải ngồi bất động và phó mình cho hư không, mặc dầu anh thừa nhận rằng, anh chỉ không suy nghĩ và không sử dụng lý trí trong bất cứ hình thức nào đang khi cầu nguyện. Anh tiêu tốn hầu hết thời giờ đã dành cho những thao luyện này hầu chỉ giải quyết những lo ra chia trí – cách chung, không thành công – và anh xin tôi chỉ cho anh một điều gì đó vốn làm cho thời giờ và nỗ lực của anh sinh ích hơn trong giờ cầu nguyện. May thay, anh đã kiên trì với những thao luyện xem ra chán ngắt này; và sau chừng sáu tháng, anh trở lại, kể cho tôi vô vàn ơn ích anh đã nhận được từ chúng – vượt quá những gì anh từng đạt được từ những giờ cầu nguyện và suy niệm, từ những giác ngộ và những quyết tâm của anh trước đây. Điều gì đã xảy ra? Chắc hẳn anh đã tìm được một sự bình an lớn lao trong những thao luyện này. Những lo ra chia trí của anh không giảm bớt, các thao luyện vẫn chán ngắt như trước. Không có gì thay đổi trong các thao luyện. Điều đã thay đổi, chính là cuộc sống của anh!

Chính nỗ lực liên lỉ, khó nhọc hầu loại bỏ lo ra chia trí này – mà anh đã cố gắng ngày này qua ngày khác để bộc lộ chính mình cho những gì xem ra không là gì cả và trống trơn hầu chỉ cố gắng làm lặng yên tâm trí và có được một vài thinh lặng mơ hồ qua việc tập trung vào những cảm xúc từ thân xác, hơi thở hoặc những âm thanh – đã mang lại cho anh một sức mạnh mới mẻ trong đời sống mỗi ngày, một sức mạnh mà anh chưa bao giờ nhận ra trong đời mình trước đây – và sức mạnh đó, ở một mức độ lớn lao đến nỗi sự hiện diện của nó thì không thể nhầm lẫn với một cái gì khác trong cuộc sống của anh được. Đây là một trong những ơn ích lớn nhất của hình thức cầu nguyện này: một sự thay đổi bên trong mỗi người, mà dường như không cần nỗ lực. Tất cả những nhân đức bạn đã cố gắng để đạt được trước đây qua việc vận dụng sức mạnh ý chí của bạn, giờ đây, xem ra đang đến với bạn mà không cần một nỗ lực nào – sự trung tín, sự đơn sơ, lòng nhân từ và sự nhẫn nại… Những xu hướng xấu xem ra đã rơi rụng mà chẳng cần đến những quyết tâm và nỗ lực về phía mỗi người: những nghiện ngập với thể chất như hút thuốc và lạm dụng rượu; mê muội với con người như những say đắm, cuồng si.

Một khi điều này xảy đến với bạn, bạn hãy biết rằng, việc đầu tư thời gian của bạn vào những thao luyện này đang trổ sinh hoa trái.


NHỮNG ÍCH LỢI CỦA NHÓM TỪ VIỆC Ý THỨC


Nếu thực hành những thao luyện này trong một nhóm, bạn cũng sẽ thấy những lợi ích của nhóm mà chúng mang lại. Một trong những lợi ích lớn nhất là gia tăng lòng mến giữa các thành viên. Ngày nay, bao nỗ lực đang được thực hiện cùng với những nỗ lực rất đáng ca ngợi để đem lại sự hiệp nhất đáng kể hơn giữa các tâm hồn của các thành viên trong các cộng đoàn tu sĩ và các gia đình ngang qua việc đối thoại, chia sẻ trong nhóm, và gặp gỡ huynh đệ. Bên cạnh đó, còn có một phương thế khác để đạt đến thành quả này: qua việc chiêm niệm cùng nhóm, khi tất cả thành viên ngồi với nhau ít là nửa giờ mỗi ngày, tốt nhất là thành một vòng tròn (tôi không hiểu tại sao điều này đem lại lợi ích, nhưng nó như thế) trong thinh lặng hoàn toàn. Điều quan trọng ở đây, là không chỉ thinh lặng bên ngoài – không di chuyển trong phòng, không nhúc nhích, không cầu nguyện lớn tiếng – nhưng cả bên trong, nghĩa là mọi thành viên của nhóm cố hết sức để tạo một sự im ắng ngôn từ và ý tưởng bên trong chính mình qua những thao luyện tương tự với những bài đã được đề nghị từ trước đến nay.

Một người đàn ông đã kết hôn tâm sự với tôi, ông và vợ ông dành mỗi ngày một giờ vào buổi sáng cho hình thức chiêm ngắm này bằng cách đối diện nhau, mắt nhắm nghiền. Như một kết quả, sau mỗi giờ, họ cảm nghiệm một sự hợp nhất của hai tâm hồn và một tình yêu dành cho nhau vốn vượt quá bất cứ điều gì mà họ đã từng cảm nhận trước đó, ngay cả khi họ yêu nhau một cách lãng mạn. Tôi phải nói thêm, đôi vợ chồng này đã trở thành những chuyên gia của nghệ thuật chiêm niệm và của việc làm lặng yên tâm trí.

Một linh mục – người được tôi hướng dẫn tĩnh tâm ba mươi ngày cùng bốn mươi linh mục khác, mà với họ, ngài hoàn toàn xa lạ, thậm chí cả tên gọi của ngài – đã tâm sự với tôi rằng, sau cuộc tĩnh tâm, ngài cảm thấy gần gũi với nhóm này hơn bất cứ nhóm nào khác mà ngài đã từng sống chung trong đời mình. Tất cả những gì xảy ra trong cuộc tĩnh tâm để làm cho ngài cảm nhận sự nên một này là: nhóm gặp nhau mỗi tối khoảng chừng bốn mươi lăm phút và cùng nhau chiêm niệm trong thinh lặng hoàn toàn.

Thinh lặng, một khi sâu lắng, có thể kiến tạo hiệp nhất. Ngôn từ, đôi khi, có thể cản trở thông hiệp! Một thiền sư bậc thầy – người hướng dẫn những cuộc tĩnh tâm, rất giống với những cuộc tĩnh tâm của phái Thiền, ở đó, những người tham dự cùng nhau trải qua hàng giờ trong thinh lặng hoàn toàn và trong việc làm rỗng tâm trí khỏi tất cả các nội dung ý tưởng – nói với tôi rằng, ông luôn luôn cho những người tĩnh tâm thực hành chiêm niệm chung trong một đại sảnh. Lý do, điều đó rất tiện lợi cho việc tập hợp tất cả những người này với nhau – có thể đến tám mươi, cách chung họ hoàn toàn không quen biết nhau – và cho họ một cảm nhận sâu sắc về việc hiệp nhất cùng nhau.


CHIÊM NIỆM TRỞ NÊN DỄ DÀNG HƠN TRONG MỘT NHÓM


Có lẽ bạn sẽ thấy dễ dàng hơn trong việc tập trung và thực hành hiệu quả những thao luyện này khi cùng làm với một nhóm gồm những người vốn cùng cố gắng đạt đến sự thinh lặng mà những thao luyện này mang lại.

Điều quan trọng là mọi thành viên của nhóm cùng nỗ lực nghiêm túc để thực hành hình thức chiêm niệm này. Sự biếng nhác hay uể oải tinh thần của một ai đó sẽ là một trở ngại cho cả nhóm, cũng như những nỗ lực của một vài “nhà chiêm niệm” trong nhóm sẽ là một trợ lực lớn lao cho những người khác. Rất nhiều lần, những người tham dự tĩnh tâm nói với tôi về hiệu quả khác biệt trong chiêm niệm khi họ cùng làm với một nhóm hơn là khi họ làm một mình trong phòng. Dĩ nhiên, đây không phải là quy luật chung mang tính tuyệt đối, nhưng chắc chắn tôi đã rất ấn tượng bởi sự kiện này: Tại một cuộc tĩnh tâm của những anh em Phật tử mà tôi tham dự, khi người này hay người kia trong nhóm thấy khó khăn cách riêng trong việc tập trung, vị thiền sư sẽ mời anh ta đến ngồi gần ông – và điều đó xem ra luôn luôn công hiệu!


Phải chăng có một vài loại thông hiệp vô thức nào khác đang hoạt động khi những cá nhân đạt đến thinh lặng sâu sắc đang lúc họ ở cạnh nhau? Hoặc phải chăng, có “những sự rung cảm” được tạo ra qua thao luyện vốn đem lại một tác động hữu ích cho những ai ở gần chúng đủ để mở lòng mình ra hầu đón nhận những rung cảm đó? Đó là lý thuyết của vị thiền sư hướng dẫn tĩnh tâm nhà Phật kia. Ông còn nóng lòng khuyến khích một thực hành khác mà tôi thấy cũng hữu ích: chừng nào có thể, bạn hãy thực hành việc chiêm niệm của mình mỗi lần trong cùng một chỗ, cùng một góc; một góc hay một căn phòng được dành riêng chỉ cho mục đích này mà thôi. Hoặc bạn thực hành việc chiêm niệm của mình ở một nơi đã được những người khác sử dụng cho việc cầu nguyện và chiêm niệm của họ. Lý do: một lần nữa, theo ông, những rung cảm tốt lành ấy vốn đã được tạo nên qua việc thực hành chiêm niệm và xem ra, chúng còn tiếp tục lưu lại ở đó sau khi buổi chiêm niệm kết thúc. Tôi không biết lý do ấy có chính xác không, nhưng theo kinh nghiệm của tôi và của nhiều người, điều đó lại hữu ích cho việc cầu nguyện, vì những nơi “thánh” đó đã được thánh hiến nhờ sự thực hành chiêm niệm thường xuyên.

GIÁ TRỊ ĐẶC BIỆT CỦA Ý THỨC TỪ THÂN XÁC

Tôi thường xuyên đề nghị bạn hãy chọn ý thức việc hít thở hay ý thức những âm thanh, hoặc những cảm giác từ thân xác cho buổi chiêm niệm của mình. Vậy thì tất cả những điều này có giá trị ngang nhau? Theo tôi, ý thức cảm giác từ thân xác lợi thế hơn so với ý thức những âm thanh hoặc việc hít thở. Bên cạnh những lợi ích tinh thần mà ý thức cảm giác từ thân xác mang lại, còn nhiều lợi ích tâm lý khác cho những ai thực hành ý thức này mãi đến khi chẳng phần nào trên cơ thể người ấy không đem lại những cảm giác cho ý thức của họ.

Có một sự liên hệ rất chặt chẽ giữa thể xác và tinh thần. Bất cứ tác hại nào gây cho thể xác, xem ra cũng ảnh hưởng tới tinh thần. Ngược lại, một sự gia tăng nào cho sức khoẻ thể xác, xem ra cũng tác động hữu ích cho tinh thần. Khi ý thức của bạn trên thân thể mình trở nên sắc bén, đến nỗi mọi phần của nó trở nên sống động với những cảm giác, thì những căng thẳng sẽ được giải toả rất nhiều – những căng thẳng thể lý và tình cảm. Vì thế, tôi biết nhiều người được giải toả khỏi những chứng bệnh thần kinh – như hen suyễn kinh niên và chứng đau nửa đầu, cả những ức chế tình cảm như giận dữ hay sợ hãi do rối loạn thần kinh – nhờ thực hành đều đặn thao luyện ý thức những cảm giác này.

Đôi khi, thao luyện này dẫn đến việc khai mở vô thức, và như thế, bạn có thể bị ngập tràn bởi những cảm xúc mạnh và những tưởng tượng phóng túng liên quan đến những gì đã bị ức chế, thông thường là những cảm xúc vàtưởng tượng liên quan đến nhục dục và giận dữ. Không có gì thật sự nguy hại ở đây, miễn là bạn cứ tiếp tục thao luyện ý thức của mình và đừng cho nó là quan trọng hay đặt chú ý vào những tưởng tượng và những cảm xúc đó. Chỉ nhớ một điều như tôi đã nói trước đây, bạn đừng để mất nhiều thời giờ cho việc ý thức hít thở, trừ phi ở đó có một người hướng dẫn đủ khả năng.


Vậy, nếu bạn ước ao cam kết thực hành những thao luyện này một cách nghiêm túc và có hệ thống, tôi khuyến khích bạn hãy khởi sự với thao luyện ý thức việc hít thở và những âm thanh trong vài phút đầu của mỗi bài; sau đó, chuyển sang ý thức những cảm giác từ thân xác. Hãy coi ý thức cảm giác từ thân xác là điều quan trọng đáng kể hơn. Hãy chuyển dịch đến mọi phần cơ thể cho đến khi toàn thân bạn trở nên một khối dẫy đầy những cảm giác. Sau đó, hãy nghỉ ngơi trong ý thức rằng, thân xác bạn là một toàn thể cho đến khi bạn thấy mình chia trí và cần chuyển ý thức từ chỗ này sang chỗ khác một lần nữa. Điều này sẽ mang cho bạn những ơn ích thiêng liêng trong việc mở rộng Con Tim mình ra cho Đấng Thần Linh, cùng với những lợi ích cho tinh thần và thể xác mà thao luyện này mang lại.

Một lời khích lệ cuối cùng: Bình an và niềm vui mà tôi đã hứa với bạn như một phần thưởng cho việc trung thành thực hành những thao luyện này là một tâm tình mà hầu như chắc chắn bạn chưa quen – một cái gì thoạt đầu quá tinh tế đến nỗi dường như nó không giống một cảm xúc hay một tình cảm nào. Nếu không nhận ra điều này, bạn cũng có thể nản chí một cách dễ dàng.

Việc vui hưởng bình an và niềm hân hoan này là một sở thích dần dần mới có. Khi một cậu bé nghe nói, uống bia thật thú vị, rất có khả năng nó sẽ tiếp cận cốc bia với kinh nghiệm riêng của nó về những gì mà thú vị muốn nói; rồi nó sẽ ngạc nhiên và thất vọng khi bia không chứa vị ngọt như các loại nước giải khát của nó. Nó nghe nói uống bia sẽ rất thú vị – ý niệm thú vị của nó giới hạn ở chỗ bia ngọt. Cũng vậy, bạn đừng đến với thao luyện chiêm niệm này với bất kỳ ý niệm nào đã có trước đây. Hãy tiếp cận nó và sẵn sàng khám phá những kinh nghiệm mới (mà buổi đầu chẳng giống “kinh nghiệm” nào cả) để thưởng thức những hương vị mới mẻ.


SADHANA - MỘT NẺO ĐƯỜNG DẪN TỚI THIÊN CHÚA