Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2009

Ánh Sáng Bừng Lên Trong Đêm Tối

1.Thánh Lễ đêm
Thánh Lễ chính của Lễ Giáng sinh thường được cử hành ban đêm. Phải chăng vì đó là thời gian thuận tiện cho mọi người dự lễ? Phải chăng vì bầu khí ban đêm làm cho cuộc lễ thêm phần huyền diệu và thánh thiện (như lời ca đêm thánh vô cùng)? Phải chăng để cho đúng với sự kiện lịch sử ngày xưa Chúa Giêsu sinh ra ban đêm?Các lý do trên đều có phần đúng. Nhưng lý do chính là: Chúa Giêsu là ánh sáng, Ngài sinh xuống trần gian như ánh sáng bừng lên trong đêm tối.
Đêm tối tượng trưng cho tội lỗi, bất hạnh, buồn sầu; ánh sáng tượng trưng cho ân sủng, hạnh phúc, mừng vui.
Khi sinh xuống trần gian, Chúa Giêsu mang lấy trên mình tất cả tăm tối của loài người với bao tội lỗi, bất hạnh và buồn sầu, nhưng để: ban lại cho loài người ánh sáng của Thiên Chúa bao gồm mọi ân sủng, hạnh phúc và mừng vui.
Các sử gia đến nay vẫn còn chưa xác định được Chúa Giêsu sinh ra vào ngày nào tháng nào. Các Giáo hội Cơ Đốc giáo chọn ngày 25 tháng 12 để cử hành Lễ sinh nhật của Ngài vì hai lý do: a/ Đây là ngày mà mặt trời chiếu sáng nhất và là ngày dài nhất trong năm; b/ xưa kia ngày này là lễ mừng Thần Mặt trời của người Rôma ngoại giáo. Với những lý do đó người Cơ Đốc giáo muốn truyền tải một thông điệp: Chúa Giêsu chính là Mặt Trời đích thực đánh tan tối tăm của tội lỗi và sự gian tà.

2. Lễ của người giàu hay của người nghèo?
Trong dịp Lễ Giáng sinh, người ta chi tiêu rất nhiều: trang hoàng, tiệc mừng, thiệp chúc, quà tặng... Xem ra đây là lễ của người giàu.
Nhưng Đấng mà người ta mừng sinh nhật thì rất nghèo: cỏ rơm, hang súc vật, tã lót sơ sài... Những khách mời ưu tiên cũng là những người chăn chiên nghèo... Dấu chỉ mà thiên thần cho những người chăn chiên ấy dựa vào để nhận ra Chúa cũng là dấu hiệu nghèo: "Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Ngài: các ngươi sẽ thấy một Hài nhi mới sinh bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ". Vậy đây phải là lễ của người nghèo mới đúng.
Để cho Lễ Giáng sinh có ý nghĩa nghèo, người ta tổ chức thăm viếng, tặng quà, khám bệnh, phát thuốc cho người nghèo.
Thực ra tất cả những việc ấy chỉ mặc cho lễ Giáng sinh một chút dáng vẻ nghèo mà thôi. Tinh thần nghèo của Lễ Giáng sinh và của Đấng giáng sinh phải thấm sâu vào và thể hiện ra:
-Bằng một lối sống không thượng tôn tiền bạc như chúa tể.
-Bằng một thái độ đối xử tôn trọng và yêu thương người nghèo.
-Bằng một cách nhìn mới hẳn, thấy chính Chúa trong người nghèo: "Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Ngài: các ngươi sẽ thấy một Hài nhi mới sinh bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ".

3. Khởi đầu của một cuộc cách mạng
Những cuộc cách mạng thường khởi đầu một cách rất rầm rộ. Biến cố Chúa Giêsu giáng sinh khởi đầu cho một cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong tất cả các cuộc cách mạng. Tuy nhiên sự khởi đầu này rất im lìm, nhỏ bé, bình thường: một đứa trẻ con nhà nghèo, sinh ra trong thiếu thốn, vào thời điểm âm thầm giữa đêm khuya, tại một nơi hẻo lánh hiu quạnh.
Nhưng suy cho kỹ thì sẽ thấy khởi đầu như vậy mới đúng hướng và vững chắc, vì điều mà Thiên Chúa muốn làm cách mạng thay đổi chính là cách sống ồn ào, vật chất, cao ngạo, tham lam.
Rồi đây, nhà cách mạng Giêsu sẽ tiếp tục lớn lên trong khiêm hạ, sẽ chiêu mộ những đệ tử khiêm hạ, rao giảng một Tin Mừng khiêm hạ... Cuộc cách mạng của Ngài sẽ biến đổi cả thế giới.

4. Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta
Một người kia không thể nào tin được việc Ngôi Hai Thiên Chúa cao sang mà xuống thế mang lấy thân phận con người hèn hạ. Vì thế, đêm lễ Giáng sinh ông không cùng vợ con đi nhà thờ dự lễ, mà ở lại nhà.
Sau khi vợ con đã ra đi được ít lâu thì gió thổi mạnh và có một cơn bão tuyết. Khi nhìn ra cửa sổ, ông chỉ thấy toàn là tuyết. Bỗng một tiếng "thịch" thật lớn, rồi tiếp theo là một tiếng nữa, và nhiều tiếng nữa, giống như có ai đó ném tuyết vào cửa sổ. Ông mở cửa nhà bước ra xem. Thì ra là một đàn chim đang lao đao trong mưa tuyết muốn bay vào cửa sổ nhà ông để tìm chỗ trú.
-"Tội nghiệp những chú chim nhỏ bé. Mình phải tìm cách giúp chúng mới được''. Ông chợt nghĩ đến nhà kho của mình. Ông mặc áo ấm vào, đi ra cái kho sau nhà, mở cửa và gọi chúng vào. Nhưng bầy chim vẫn đứng im.
-"Hay là chúng không thấy lối". Ông bật đèn nhà kho lên rồi trở ra gọi chúng. Chúng vẫn đứng im.
-"Lạ thế! Hay mình đi lùa chúng vào". Thế là ông đi đến chỗ cửa sổ, đưa tay lùa. Lũ chim chẳng những không bay theo hướng ông lùa, mà còn bay trốn tán loạn.
Cuối cùng ông mới hiểu ra: "Chúng sợ mình, vì chúng lạ với mình. Phải chi mình giống như chúng thì khi mình đến gần chúng sẽ không sợ nữa".
Đúng lúc đó, một lời Tin Mừng từ nhà thờ vọng đến tai ông: "Ngôi Lời đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta". Ông quỳ gối xuống và thưa: "Lạy Chúa, bây giờ con đã hiểu tại sao Chúa giáng sinh làm người như chúng con".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét