Thứ Hai, 22 tháng 12, 2008

Nguồn Gốc Máng Cỏ, Hang Đá Và Cây Giáng Sinh

Máng cỏ, hang đá
Thật khó có thể nói một cách chính xác về sự ra đời của máng cỏ, hang đá như thế nào. Có thể lịch sử máng cỏ được bắt đầu từ thế kỷ thứ 2 dưới hình thức những bức họa trong các hầm mộ ở Rôma và các bức chạm trổ trên các mộ. Theo các tài liệu cổ, đầu tháng 12 năm 1233, thánh Phanxico Atxidi và ông Gioan Vilate đã làm một máng cỏ trong một hang động ở Ghetxion vùng Omrime miền trung nước Ý. Ông đã chọn một hang động lớn để tín đồ đến dự lễ. Ông lấy cây dựng chuồng bò, lấy bùn xây với đá như căn phòng kín của các tu sĩ trên núi. Tại đây, ông đã dựng một bàn thờ và đặt một máng cỏ ở phía dưới. Chiều áp lễ, ông dắt một con bò và một con lừa đến để chúng ngủ hai bên máng cỏ. Chỉ còn thiếu một hài nhi đóng vai Chúa Hài Đồng là không bà mẹ nào muốn cho mượn con mình đặt vào máng cỏ. Đêm đó, dân chúng xách đuốc lên dự lễ sáng rực cả vùng xung quanh, miệng luôn hát thánh ca đánh tan đêm tối tĩnh mịch. Thầy cả Phanxico cử hành Đại lễ khi giờ đã đến. Đúng lúc dàn hợp xướng hân hoan cất vang bài ca Vinh Danh Chúa thì bỗng dưng có tiếng hài nhi khóc ré lên. Lúc ấy mọi người mắt đẫm lệ, lòng rộn ràng sống lại Đêm Cực Thánh này. Bà mẹ nào đó đã thật dũng cảm cho con mình được đóng vai Chúa Hài Đồng. Thánh Phanxico hết sức vui mừng trước sự việc bất ngờ này. Ngài lại bên máng cỏ, xúc động ẵm Chúa Hài Đồng trên tay...
Từ đó, các nhà điêu khắc, hội họa thường vẽ hay chạm Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ hay trên tay thánh nhân. Tại các Nhà thờ, các gia đình, các công sở, và các nhà hàng, mỗi khi mùa Giáng Sinh về, mọi người đều đua nhau trang hoàng Máng cỏ Bêlem. Nhiều nhà điêu khắc đủ mọi trình độ, ở khắp mọi nơi đã trình bày các máng cỏ với muôn sắc thái khác nhau, từ tầm thường đến cao siêu. Có điều, khi trình bày các máng cỏ, các quốc gia thường xây dựng theo ý riêng của dân tộc mình.
Cây Giáng sinh
Nói đến lễ Giáng Sinh, không thể không nhắc đến cây Giáng Sinh, thường là cây thông, tùng Balsam hay tùng Douglas có trang hoàng đèn màu và các vật trang trí khác. Ý nghĩa biểu trưng cho sự trường thọ của các loài cây tùng, bách bắt nguồn từ phong tục cổ truyền của người Ai Cập, Trung Quốc và Do Thái. Tục thời ấy đã thịnh hành ở châu Âu từ trước, sau đó biến thành tục lệ của dân bán đảo Scandinavia: trang trí nhà cửa bằng cây thông vào dịp đầu năm mới để xua đuổi ma quỷ, hay trồng cây cho chim chóc ở vào dịp lễ Giáng Sinh. Ngoài ra ở Scandinavia và Đức còn có tục lệ đặt cây Noel ở cửa ra vào hay ở trong nhà vào dịp nghỉ đông.
Tuy vậy, như cây Noel ta thường thấy ngày nay lại bắt nguồn từ miền Tây nước Đức. Đạo cụ chính của một vở kịch phổ biến thời Trung cổ về Ađam và Eva là một cây tùng có treo mấy quả táo (biểu tượng cho Vườn Địa Đàng). Trong nhà người Đức nào cũng có một "cây Thiên Đàng" vào dịp 24 tháng 12. Trên cây có treo một loại bánh biểu tượng cho bánh Thánh và về sau người ta thay bằng bánh sữa có hình thể đa dạng. Nến nhiều khi cũng được coi là biểu tượng của Chúa Giêsu. Ngoài ra, trong mùa Giáng Sinh, người ta còn trưng một "kim tự tháp" Noel. Một khối gỗ hình tam giác có ngăn bày tượng Giáng Sinh và được trang trí bằng cây thông, nến và một ngôi sao. Đến thế kỷ 16, kim tự tháp Noel và cây Thiên Đàng đã hòa vào nhau làm một, trở thành cây Giáng Sinh ngày nay.
Tục lệ cây thông Giáng Sinh rất phổ biến trong tín đồ Cơ Đốc giáo ở Đức vào thế kỷ 18, nhưng phải một thế kỷ sau đó cây thông Giáng Sinh mới thực sự trở thành tục lệ cổ truyền của người Đức. Cây thông Giáng Sinh được du nhập vào Anh khoảng đầu thế kỷ 19 và được phổ biến vào giữa thế kỷ 19 bởi ông hoàng Albert, chồng của nữ hoàng Anh Victoria. Cây thông dưới triều đại Victoria được trang hoàng nến, kẹo và bánh giả mắc vào cành. Được dân Đức di cư du nhập vào Mĩ khoảng thế kỷ 17, cây Giáng Sinh dần dần trở thành một thời thượng vào thế kỷ 19. Ngoài ra cây Giáng Sinh còn phổ biến ở Áo, Thụy Sĩ, Ba Lan và Hà Lan. Còn ở Nhật và Trung Quốc, cây Giáng Sinh được các quân nhân Mĩ đem đến vào thế kỷ 19 và 20 thì được trang trí bằng những mẫu mã giấy rất tinh xảo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét