Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2008

30. Đèn Của Thân Thể

Con mắt là đèn của thân thể; khi mắt các ngươi sáng,
toàn thân các ngươi được sáng; nhưng khi mắt các ngươi tối,
thì toàn thân các ngươi còn tối đến đâu.
Lc 11:34
Chúng ta nghĩ rằng thế giới sẽ được cứu vớt nếu như chúng ta có nhiều thiện chí và lòng khoan dung hơn. Đó là điều sai lầm. Thế giới được cứu thoát không phải nhờ thiện chí và lòng khoan dung, mà là sự suy nghĩ sáng suốt.
Khoan dung với tha nhân có ích lợi gì nếu như bạn tin rằng một mình bạn đúng, còn tất cả những ai không đồng ý với bạn đều sai? Đó không phải là thái độ khoan dung, mà là thái độ hạ cố. Việc đó không dẫn đến viễn cảnh đồng tâm nhất trí, mà là tình trạng chia rẽ, bởi vì bạn ở trên cao, còn người khác ở dưới thấp. Vị trí ấy đưa đến sự cao sang cho một mình bạn, còn sự bực dọc cho những người lân cận, và do đó, nuôi thêm thái độ bất khoan dung.
Lòng khoan dung thực sự chỉ xuất hiện từ sự nhận thức rõ ràng về tình trạng vô tri của mọi người đối với sự thật. Bởi vì sự thật thực chất là một màu nhiệm mà tâm trí có thể cảm nhận nhưng không thể nắm bắt, huống hồ làm sao có thể diễn đạt. Niềm tin của chúng ta có thể hướng về sự thật, nhưng không thể trình bày sự thật bằng ngôn từ.
Mặc dù thế, người ta vẫn hăng say nói về giá trị của đối thoại. Nhưng thứ đối thoại này thật tệ hại vì là một cố gắng trá hình nhằm thuyết phục thiên hạ tin vào sự chính đáng của vị trí của bạn. Tốt nhất thì thứ đối thoại ấy cũng chỉ ngăn không cho bạn trở thành một con ếch ngồi dưới đáy giếng, tưởng rằng cái giếng của mình là thế giới duy nhất hiện hữu.
Điều gì xẩy ra khi những con ếch từ cái giếng khác nhau qui tụ lại để đối thoại về những điều yên trí và những kinh nghiệm của chúng? Những chân trời của bầy ếch mở rộng thêm để gồm chứa những cái giếng khác, cùng với cái giếng của riêng chúng. Nhưng chúng vẫn không chút nghi ngờ về sự hiện hữu của một đại dương sự thật không thể bị giới hạn trong những bức vách của những cái giếng tưởng tượng của chúng. Và những con ếch tội nghiệp của chúng ta cứ tiếp tục chia rẽ, nói về những cái giếng của anh, của tôi, kinh nghiệm của anh, niềm tin của tôi, ý thức hệ của anh. Việc chia sẻ các công thức không làm giầu thêm cho các người chia sẻ, bởi vì các công thức giống như những bức vách của những cái giếng chia cắt, phân rẽ; chỉ có đại dương không giới hạn là kết hợp mà thôi. Nhưng để đạt đến đại dương sự thật, tức là không bị ràng buộc bởi những công thức, điều chính yếu là phải biết suy nghĩ sáng suốt.
Suy nghĩ sáng suốt là gì và làm cách nào để đạt được điều đó?
Điều trước tiên bạn cần phải biết là việc này không đòi học cao biết rộng. Nó đơn giản đến độ nằm trong tầm với của một đứa trẻ mười tuổi. Điều cần thiết không phải là học thức, mà là vô học, không phải tài năng, mà là can đảm. Bạn sẽ hiểu điều này nếu như bạn nghĩ đến một em nhỏ trong vòng tay một bà vú già hom hem. Đứa trẻ còn quá nhỏ nên chưa bị cuốn hút theo những thiên kiến của người lớn. Vì thế khi nép vào vòng tay của bà vú, nó không làm theo những chiếc nhãn trong đầu của nó. Những chiếc nhãn bảo rằng người đàn bà trắng trẻo, người đàn bà đen đúa, xấu xí, đẹp đẽ, già cả, trẻ trung, mẹ nó, hay bà vú già. Đứa trẻ không làm theo những tấm nhãn, nhưng theo thực tại. Người đàn bà ấy đáp ứng nhu cầu cần được yêu thương của đứa trẻ, và đó là thực tại mà đứa trẻ làm theo, chứ không phải tên tuổi của bà, vóc dáng của bà, tôn giáo, chủng tộc, giáo hệ của bà. Tất cả những điều này hoàn toàn và tuyệt đối không liên quan đến nó. Đứa trẻ chưa có những điều yên trí và những thiên kiến. Đây là môi trường để suy nghĩ sáng suốt có thể nẩy sinh. Để đạt được điều ấy, ta phải từ bỏ tất cả những gì ta đã học biết và hãy có một tâm trí như con trẻ, hồn nhiên trước những kinh nghiệm và chương trình quá khứ là những thứ che khuất con đường để nhìn vào thực tại.
Bạn hãy nhìn vào bản thân, xét lại những phản ứng của bạn với tha nhân và với những hoàn cảnh. Bạn sẽ kinh ngạc vì phát hiện ra lối suy nghĩ thiên kiến ẩn sau những phản ứng của bạn. Hầu như bạn không bao giờ phản ứng với thực tại cụ thể của người này vật nọ. Bạn phản ứng theo những nguyên tắc, những ý thức hệ, những hệ thống tư tưởng, những hệ thống kinh tế, chính trị, tôn giáo, tâm lý. Bạn còn phản ứng theo những ý tưởng và những thành kiến sẵn có, dù tích cực hay tiêu cực.
Bạn hãy lần lượt đưa từng người, từng vật, từng hoàn cảnh ra trước mắt bạn, ngay tại đây, và hãy tìm sự phân biệt thiên vị do những cách cảm nhận và những dự phóng đã được lập trình sẵn của bạn. Việc này sẽ đem lại cho bạn một mặc khải rất quý báu.
Những thiên kiến và những điều yên trí không phải là những kẻ thù duy nhất đối với việc suy nghĩ sáng suốt. Còn hai kẻ thù khác nữa là sự thèm khát và sợ hãi. Muốn cho suy nghĩ không bị chi phối bởi xúc cảm, tức là sự thèm khát và sợ hãi, cũng như sự vị kỷ, đòi phải có một sự khổ chế thật kinh sợ.
Người ta thường lầm tưởng việc suy nghĩ là do đầu óc thực hiện. Thực ra việc suy nghĩ được thực hiện bằng con tim. Con tim là tác nhân thứ nhất định hướng cho kết luận, và sau đó, nó mới truyền lệnh cho đầu óc đi tìm lý lẽ để biện minh cho kết luận ấy. Vì thế, đây lại là một mặc khải nữa. Bạn hãy xét lại một số những kết luận mà bạn đã đạt đến và xem chúng đã bị chi phối vì tính vị kỷ như thế nào. Điều này luôn đúng cho mọi kết luận, trừ khi bạn phải phòng ngừa từ trước. Chẳng hạn, bạn hãy nghĩ xem bạn đã giữ chặt các kết luận của mình về những người khác như thế nào. Và những phán đoán của bạn có hoàn toàn không bị xúc cảm chi phối hay không? Nếu bạn cho rằng không, thì có lẽ bạn đã chưa xét cho thật kỹ lưỡng.
Đây là nguyên nhân chính yếu của những bất hòa và chia rẽ giữa các quốc gia và các cá nhân với nhau. Các quyền lợi của bạn không đồng nhất với các quyền lợi của tôi, vì thế lối suy nghĩ của bạn và những kết luận của bạn không phù hợp với lối suy nghĩ và những kết luận của tôi. Bạn thử nghĩ bao nhiêu người thỉnh thoảng có được sự suy nghĩ đối lại với tính vị kỷ của họ? Bạn có thể nhớ được bao nhiêu lần bạn cũng có một lối suy nghĩ như thế hay không? Bao nhiêu lần bạn đã thành công trong công việc đặt một rào cản không thể vượt qua giữa sự suy nghĩ vẫn tiếp diến trong đầu óc của bạn với những nỗi sợ hãi và thèm khát đang kích động tâm hồn của bạn? Mỗi lần cố gắng thực hiện công việc ấy, bạn sẽ hiểu rằng việc suy nghĩ sáng suốt không đòi hỏi phải có sự thông minh - vì đây là điều dễ dàng xẩy ra - nhưng là lòng can đảm, một lòng can đảm đã thành công trong việc đối đầu với nỗi sợ hãi và thèm khát của bạn, bởi vì ngay khi bạn khát khao hoặc sợ hãi một điều gì, thì - một cách ý thức hoặc vô thức - con tim của bạn sẽ đi vào suy nghĩ của bạn.
Đây là một suy tư dành cho những người vĩ đại trong thế giới siêu nhiên, những người đã đến chỗ nhận ra rằng: để tìm được chân lý, họ không cần những công thức giáo lý, nhưng là một con tim biết tự giải thoát khỏi cái lập trình và tính vị kỷ của nó mỗi khi suy nghĩ. Một tâm hồn không có gì cần bảo vệ và không có tham vọng sẽ để cho tâm trí được thảnh thơi, không bị xiềng xích, mạnh dạn, và tự do trong cuộc tìm kiếm sự thật. Tâm hồn ấy lúc nào cũng sẵn sàng chấp nhận bằng chứng mới mẻ và thay đổi quan điểm của mình. Một tâm hồn như thế đã trở thành một ngọn đèn soi sáng cho sự tăm tối của toàn thể nhân loại. Nếu nhân loại có những tâm hồn như thế, người ta sẽ không còn nghĩ mình là cộng sản hay tư sản, Hồi giáo hay Phật giáo nữa. Chính sự suy nghĩ sáng suốt của họ sẽ chỉ cho họ thấy rằng tất cả sự suy nghĩ, tất cả những ý tưởng, tất cả những niềm tin đều là ngọn đèn soi sáng cho cõi tăm tối, là dấu chỉ về sự vô tri của họ. Và trong sự nhận thức ấy, những bức vách của những cái giếng phân cách giữa họ sẽ sụp đổ và họ sẽ được một đại dương tràn vào, nối kết toàn thể nhân loại trong chân lý.
Nguyên tác: The Way To Love
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét