Thứ Ba, 16 tháng 12, 2008

31. Hãy Sẵn Sàng

Vì vậy, các ngươi phải luôn sẵn sàng, bởi vì
Con Người sẽ đến vào giờ các ngươi không ngờ.
Mt 24:44
Hoặc sớm hoặc muộn, trong tâm hồn mọi người sẽ xuất hiện một khát vọng đối với sự thánh thiện, sự linh thánh, Thiên Chúa, hoặc bạn có thể tùy ý gọi Ngài bằng một danh xưng nào đó. Chúng ta nghe các nhà thần bí nói về một siêu linh nào đó bao quanh chúng ta, trong tầm với của chúng ta, và làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên ý nghĩa, tốt đẹp, và phong phú, nếu như chúng ta có thể tìm ra siêu linh ấy.
Người ta chỉ có một ý tưởng mơ hồ về điều này, nên họ tìm tòi các sách vở, tìm hỏi các nhà pháp sư, cốt sao cho tìm ra một thực thể duy nhất được gọi là thánh thiện mà họ phải tìm cách đạt cho bằng được kia là gì. Họ áp dụng đủ mọi phuơng pháp, kỹ thuật, thực tập tâm linh, công thức. Thế rồi sau nhiều năm trời xoay sở không hiệu quả, họ đâm ra chán nản, bối rối, và tự hỏi điều gì đã sai lầm. Chủ yếu là họ tự trách bản thân của họ. Nếu như họ đã thực tập các kỹ thuật kia một cách đều đặn, nếu như họ đã sốt sắng hơn, quảng đại hơn, có lẽ họ đã thành công. Nhưng thành công là gì ờ đây? Họ không có một ý tưởng rõ rệt nào về sự thánh thiện mà họ tìm kiếm, nhưng họ biết chắc cuộc sống của họ vẫn còn hỗn độn, họ vẫn còn đầy ưu tư, bất an, sợ hãi, uất ức, căm hận, chiếm đoạt, tham vọng, và lạm dụng người khác. Vì thế, một lần nữa, họ lại ráng sức phấn đấu và lao nhọc vì nghĩ rằng họ cần phải đạt cho bằng được mục tiêu của mình.
Họ chưa bao giờ dừng lại để suy nghĩ về sự thật đơn giản này: Những nỗ lực của họ sẽ chẳng đưa họ đến đâu cả. Những nỗ lực của họ chỉ làm tình hình tệ hại hơn, giống như khi bạn dùng lửa để dập tắt lửa. Nỗ lực không đưa đến thăng tiến. Nỗ lực, dù thế nào đi nữa, dù là năng lực ý chí hay tập quán, dù là kỹ thuật hoặc thực tập tâm linh, cũng chẳng đưa đến biến đổi. Cùng lắm nỗ lực chỉ đưa đến sự ức chế dồn nén và một cái nắp đậy trên căn bệnh gốc rễ.
Nỗ lực có thể làm thay đổi lối sống nhưng không thể thay đổi con người. Bạn thử nghĩ xem tâm trí của bạn thế nào khi bạn tự hỏi, "Tôi phải làm gì để đạt được sự thánh thiện?" Như thế chẳng khác nào bạn hỏi, "Tôi phải tốn bao nhiêu để mua một vật gì đó? Tôi phải thực hiện những hy sinh nào? Tôi phải sống theo kỷ luật nào? Tôi phải thực tập loại suy nguyện nào để đạt được điều ấy?" Bạn thử nghĩ về một thanh niên muốn chiếm đoạt tình yêu của một thiếu nữ nọ nên cố gắng cải thiện ngoại hình của mình. Anh đã luyện tập thể hình, thay đổi lối sống và thực tập nhiều kỹ thuật để hấp dẫn thiếu nữ kia.
Bạn thực sự đạt được tình yêu của người khác không phải bằng cách thực tập các kỹ thuật, nhưng bằng cách trở nên một loại người khác nào đó. Tuy nhiên, điều ấy không bao giờ có thể đạt được bằng nỗ lực hoặc kỹ thuật. Sự thánh thiện cũng vậy. Nó không phải là một thứ hàng hóa người ta có thể mua được, cũng không phải là một phần thưởng người ta có thể cố gắng mà đạt được. Điều quan trọng chính là bạn là gì, bạn trở thành một con người như thế nào.
Sự thánh thiện không phải là một thành tựu, nhưng là một ân sủng. Một ân sủng được gọi là Nhận Thức, một ân sủng có tên là Nhìn Xem, Quan Sát, Hiểu Biết. Nếu bạn chỉ cần thắp nên ánh sáng sự nhận thức và quan sát bản thân và mọi sự chung quanh bạn suốt ngày sống, nếu bạn nhìn mình được phản chiếu trên tấm gương sự nhận thức như bạn nhìn thấy khuôn mặt của bạn được phản chiếu trên tấm gương thủy tinh, tức là một cách chính xác, rõ ràng, sắc nét, không chút méo dạng hay thêm bớt, và nếu bạn quan sát hình ảnh phản chiếu ấy mà không có một phán đoán hay kết án nào, thì bạn sẽ cảm nghiệm tất cả những sự biến đổi kỳ diệu xẩy ra trong bạn. Chỉ cần bạn đừng chèn ép hoặc dự định những thay đổi ấy từ trước, đừng quyết định cho chúng xẩy ra bằng cách nào hoặc khi nào. Chính sự nhận thức mà không phê phán này cũng đủ sức chữa lành, biến đổi, và làm cho chúng ta thăng tiến, nhưng thăng tiến theo cách thức của riêng nó và vào thời điểm của nó.
Bạn cần phải nhận thức một cách đặc biệt về những điều gì? Về những phản ứng và những mối tương quan của bạn. Mỗi lần ở trước sự hiện diện của một người, bất cứ người nào, hoặc với Tự Nhiên, hoặc với bất kỳ một hoàn cảnh nào, bạn có tất cả những hình thức phản ứng, tích cực và tiêu cực. Bạn hãy xét kỹ những phản ứng ấy, quan sát xem chúng đích xác là gì và phát sinh từ đâu, nhưng đừng có bất kỳ quở trách, hoặc tội lỗi hoặc bất kỳ khát vọng gì, nhất là đừng nỗ lực biến đổi chúng. Đó là tất cả những gì chúng ta cần thiết để sự thánh thiện xuất hiện.
Nhưng phải chăng sự nhận thức tự nó cũng là mọt nỗ lực? Nếu như bạn đã từng nếm thử nó dù chỉ một lần, bạn sẽ thấy sự nhận thức không phải là một nỗ lực. Bởi vì khi ấy, bạn sẽ hiểu rằng sự nhận thức là một niềm vui, niềm vui của một đứa trẻ dò dẫm đi khám phá thế giới. Bởi vì ngay cả khi sự nhận thức phát hiện ra những điều không vui nơi bạn, nó cũng luôn luôn đem đến sự giải thoát và niềm vui. Khi ấy, bạn sẽ biết rằng cuộc sống không nhận thức là một cuộc sống không đáng sống, đầy những tối tăm và đau đớn.
Nếu như lúc đầu có một sự trì trọng trong công việc luyện tập ý thức, bạn cũng đừng cưỡng bức bản thân. Vì đó lại là một nỗ lực. Bạn chỉ cần nhận thức về sự trì trệ của bạn mà đừng phán xét và kết án gì cả. Khi ấy bạn sẽ hiểu rằng sự nhận thức liên quan đến nhiều nỗ lực cũng như một khách si tình phải tìm đến người mình yêu, hoặc một người đói phải ăn uống, hoặc một nhà leo núi phải chinh phục ngọn núi mình yêu thích; vì thế, phải có nhiều sức lực, thậm chí còn nhiều gian nan, nhưng không phải là nỗ lực, đó là niềm vui! Nói một cách khác, sự nhận thức là một hoạt động không nỗ lực.
Sự nhận thức có đem lại sự thánh thiện mà bạn hằng khao khát không?
Có mà cũng không. Vấn đề là bạn không bao giờ biết được. Bởi sự thánh thiện thật không phải đạt được bằng những kỹ thuật, những sự nỗ lực và sự cưỡng đặt, sự thánh thiện thật hoàn toàn là sự nhận-thức-vô-ngã. Bạn sẽ không có một sự ý thức sơ sài nhất về sự hiện diện của nó nơi bạn. Ngoài ra, bạn cũng chẳng quan tâm, bởi vì ngay cả tham vọng muốn trở nên thánh thiện cũng đã rơi mất khi bạn sống từ phút giây này sang phút giây khác đầy tràn những hạnh phúc, sung mãn, và trong suốt nhờ chính sự nhận thức. Bạn chỉ cần cảnh giác và tỉnh thức. Bởi vì trong tình trạng này, mắt bạn sẽ nhìn thấy Đấng Cứu Độ. Không một gì khác, tuyệt đối không một gì khác. Không phải sự an toàn, không phải tình yêu, không phải tài sản, không phải vẻ đẹp, không phải quyền lực, không phải sự thánh thiện - không có gì khác ngoài Đấng Cứu Độ là quan trọng cả.
Nguyên tác: The Way To Love
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét