Thứ Tư, 24 tháng 12, 2008
Thứ Hai, 22 tháng 12, 2008
Nguồn Gốc Máng Cỏ, Hang Đá Và Cây Giáng Sinh
Máng cỏ, hang đá
Thật khó có thể nói một cách chính xác về sự ra đời của máng cỏ, hang đá như thế nào. Có thể lịch sử máng cỏ được bắt đầu từ thế kỷ thứ 2 dưới hình thức những bức họa trong các hầm mộ ở Rôma và các bức chạm trổ trên các mộ. Theo các tài liệu cổ, đầu tháng 12 năm 1233, thánh Phanxico Atxidi và ông Gioan Vilate đã làm một máng cỏ trong một hang động ở Ghetxion vùng Omrime miền trung nước Ý. Ông đã chọn một hang động lớn để tín đồ đến dự lễ. Ông lấy cây dựng chuồng bò, lấy bùn xây với đá như căn phòng kín của các tu sĩ trên núi. Tại đây, ông đã dựng một bàn thờ và đặt một máng cỏ ở phía dưới. Chiều áp lễ, ông dắt một con bò và một con lừa đến để chúng ngủ hai bên máng cỏ. Chỉ còn thiếu một hài nhi đóng vai Chúa Hài Đồng là không bà mẹ nào muốn cho mượn con mình đặt vào máng cỏ. Đêm đó, dân chúng xách đuốc lên dự lễ sáng rực cả vùng xung quanh, miệng luôn hát thánh ca đánh tan đêm tối tĩnh mịch. Thầy cả Phanxico cử hành Đại lễ khi giờ đã đến. Đúng lúc dàn hợp xướng hân hoan cất vang bài ca Vinh Danh Chúa thì bỗng dưng có tiếng hài nhi khóc ré lên. Lúc ấy mọi người mắt đẫm lệ, lòng rộn ràng sống lại Đêm Cực Thánh này. Bà mẹ nào đó đã thật dũng cảm cho con mình được đóng vai Chúa Hài Đồng. Thánh Phanxico hết sức vui mừng trước sự việc bất ngờ này. Ngài lại bên máng cỏ, xúc động ẵm Chúa Hài Đồng trên tay...
Từ đó, các nhà điêu khắc, hội họa thường vẽ hay chạm Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ hay trên tay thánh nhân. Tại các Nhà thờ, các gia đình, các công sở, và các nhà hàng, mỗi khi mùa Giáng Sinh về, mọi người đều đua nhau trang hoàng Máng cỏ Bêlem. Nhiều nhà điêu khắc đủ mọi trình độ, ở khắp mọi nơi đã trình bày các máng cỏ với muôn sắc thái khác nhau, từ tầm thường đến cao siêu. Có điều, khi trình bày các máng cỏ, các quốc gia thường xây dựng theo ý riêng của dân tộc mình.
Cây Giáng sinh
Nói đến lễ Giáng Sinh, không thể không nhắc đến cây Giáng Sinh, thường là cây thông, tùng Balsam hay tùng Douglas có trang hoàng đèn màu và các vật trang trí khác. Ý nghĩa biểu trưng cho sự trường thọ của các loài cây tùng, bách bắt nguồn từ phong tục cổ truyền của người Ai Cập, Trung Quốc và Do Thái. Tục thời ấy đã thịnh hành ở châu Âu từ trước, sau đó biến thành tục lệ của dân bán đảo Scandinavia: trang trí nhà cửa bằng cây thông vào dịp đầu năm mới để xua đuổi ma quỷ, hay trồng cây cho chim chóc ở vào dịp lễ Giáng Sinh. Ngoài ra ở Scandinavia và Đức còn có tục lệ đặt cây Noel ở cửa ra vào hay ở trong nhà vào dịp nghỉ đông.
Tuy vậy, như cây Noel ta thường thấy ngày nay lại bắt nguồn từ miền Tây nước Đức. Đạo cụ chính của một vở kịch phổ biến thời Trung cổ về Ađam và Eva là một cây tùng có treo mấy quả táo (biểu tượng cho Vườn Địa Đàng). Trong nhà người Đức nào cũng có một "cây Thiên Đàng" vào dịp 24 tháng 12. Trên cây có treo một loại bánh biểu tượng cho bánh Thánh và về sau người ta thay bằng bánh sữa có hình thể đa dạng. Nến nhiều khi cũng được coi là biểu tượng của Chúa Giêsu. Ngoài ra, trong mùa Giáng Sinh, người ta còn trưng một "kim tự tháp" Noel. Một khối gỗ hình tam giác có ngăn bày tượng Giáng Sinh và được trang trí bằng cây thông, nến và một ngôi sao. Đến thế kỷ 16, kim tự tháp Noel và cây Thiên Đàng đã hòa vào nhau làm một, trở thành cây Giáng Sinh ngày nay.
Tục lệ cây thông Giáng Sinh rất phổ biến trong tín đồ Cơ Đốc giáo ở Đức vào thế kỷ 18, nhưng phải một thế kỷ sau đó cây thông Giáng Sinh mới thực sự trở thành tục lệ cổ truyền của người Đức. Cây thông Giáng Sinh được du nhập vào Anh khoảng đầu thế kỷ 19 và được phổ biến vào giữa thế kỷ 19 bởi ông hoàng Albert, chồng của nữ hoàng Anh Victoria. Cây thông dưới triều đại Victoria được trang hoàng nến, kẹo và bánh giả mắc vào cành. Được dân Đức di cư du nhập vào Mĩ khoảng thế kỷ 17, cây Giáng Sinh dần dần trở thành một thời thượng vào thế kỷ 19. Ngoài ra cây Giáng Sinh còn phổ biến ở Áo, Thụy Sĩ, Ba Lan và Hà Lan. Còn ở Nhật và Trung Quốc, cây Giáng Sinh được các quân nhân Mĩ đem đến vào thế kỷ 19 và 20 thì được trang trí bằng những mẫu mã giấy rất tinh xảo.
Thứ Ba, 16 tháng 12, 2008
31. Hãy Sẵn Sàng
Vì vậy, các ngươi phải luôn sẵn sàng, bởi vì
Con Người sẽ đến vào giờ các ngươi không ngờ.
Mt 24:44
Hoặc sớm hoặc muộn, trong tâm hồn mọi người sẽ xuất hiện một khát vọng đối với sự thánh thiện, sự linh thánh, Thiên Chúa, hoặc bạn có thể tùy ý gọi Ngài bằng một danh xưng nào đó. Chúng ta nghe các nhà thần bí nói về một siêu linh nào đó bao quanh chúng ta, trong tầm với của chúng ta, và làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên ý nghĩa, tốt đẹp, và phong phú, nếu như chúng ta có thể tìm ra siêu linh ấy.
Người ta chỉ có một ý tưởng mơ hồ về điều này, nên họ tìm tòi các sách vở, tìm hỏi các nhà pháp sư, cốt sao cho tìm ra một thực thể duy nhất được gọi là thánh thiện mà họ phải tìm cách đạt cho bằng được kia là gì. Họ áp dụng đủ mọi phuơng pháp, kỹ thuật, thực tập tâm linh, công thức. Thế rồi sau nhiều năm trời xoay sở không hiệu quả, họ đâm ra chán nản, bối rối, và tự hỏi điều gì đã sai lầm. Chủ yếu là họ tự trách bản thân của họ. Nếu như họ đã thực tập các kỹ thuật kia một cách đều đặn, nếu như họ đã sốt sắng hơn, quảng đại hơn, có lẽ họ đã thành công. Nhưng thành công là gì ờ đây? Họ không có một ý tưởng rõ rệt nào về sự thánh thiện mà họ tìm kiếm, nhưng họ biết chắc cuộc sống của họ vẫn còn hỗn độn, họ vẫn còn đầy ưu tư, bất an, sợ hãi, uất ức, căm hận, chiếm đoạt, tham vọng, và lạm dụng người khác. Vì thế, một lần nữa, họ lại ráng sức phấn đấu và lao nhọc vì nghĩ rằng họ cần phải đạt cho bằng được mục tiêu của mình.
Họ chưa bao giờ dừng lại để suy nghĩ về sự thật đơn giản này: Những nỗ lực của họ sẽ chẳng đưa họ đến đâu cả. Những nỗ lực của họ chỉ làm tình hình tệ hại hơn, giống như khi bạn dùng lửa để dập tắt lửa. Nỗ lực không đưa đến thăng tiến. Nỗ lực, dù thế nào đi nữa, dù là năng lực ý chí hay tập quán, dù là kỹ thuật hoặc thực tập tâm linh, cũng chẳng đưa đến biến đổi. Cùng lắm nỗ lực chỉ đưa đến sự ức chế dồn nén và một cái nắp đậy trên căn bệnh gốc rễ.
Nỗ lực có thể làm thay đổi lối sống nhưng không thể thay đổi con người. Bạn thử nghĩ xem tâm trí của bạn thế nào khi bạn tự hỏi, "Tôi phải làm gì để đạt được sự thánh thiện?" Như thế chẳng khác nào bạn hỏi, "Tôi phải tốn bao nhiêu để mua một vật gì đó? Tôi phải thực hiện những hy sinh nào? Tôi phải sống theo kỷ luật nào? Tôi phải thực tập loại suy nguyện nào để đạt được điều ấy?" Bạn thử nghĩ về một thanh niên muốn chiếm đoạt tình yêu của một thiếu nữ nọ nên cố gắng cải thiện ngoại hình của mình. Anh đã luyện tập thể hình, thay đổi lối sống và thực tập nhiều kỹ thuật để hấp dẫn thiếu nữ kia.
Bạn thực sự đạt được tình yêu của người khác không phải bằng cách thực tập các kỹ thuật, nhưng bằng cách trở nên một loại người khác nào đó. Tuy nhiên, điều ấy không bao giờ có thể đạt được bằng nỗ lực hoặc kỹ thuật. Sự thánh thiện cũng vậy. Nó không phải là một thứ hàng hóa người ta có thể mua được, cũng không phải là một phần thưởng người ta có thể cố gắng mà đạt được. Điều quan trọng chính là bạn là gì, bạn trở thành một con người như thế nào.
Sự thánh thiện không phải là một thành tựu, nhưng là một ân sủng. Một ân sủng được gọi là Nhận Thức, một ân sủng có tên là Nhìn Xem, Quan Sát, Hiểu Biết. Nếu bạn chỉ cần thắp nên ánh sáng sự nhận thức và quan sát bản thân và mọi sự chung quanh bạn suốt ngày sống, nếu bạn nhìn mình được phản chiếu trên tấm gương sự nhận thức như bạn nhìn thấy khuôn mặt của bạn được phản chiếu trên tấm gương thủy tinh, tức là một cách chính xác, rõ ràng, sắc nét, không chút méo dạng hay thêm bớt, và nếu bạn quan sát hình ảnh phản chiếu ấy mà không có một phán đoán hay kết án nào, thì bạn sẽ cảm nghiệm tất cả những sự biến đổi kỳ diệu xẩy ra trong bạn. Chỉ cần bạn đừng chèn ép hoặc dự định những thay đổi ấy từ trước, đừng quyết định cho chúng xẩy ra bằng cách nào hoặc khi nào. Chính sự nhận thức mà không phê phán này cũng đủ sức chữa lành, biến đổi, và làm cho chúng ta thăng tiến, nhưng thăng tiến theo cách thức của riêng nó và vào thời điểm của nó.
Bạn cần phải nhận thức một cách đặc biệt về những điều gì? Về những phản ứng và những mối tương quan của bạn. Mỗi lần ở trước sự hiện diện của một người, bất cứ người nào, hoặc với Tự Nhiên, hoặc với bất kỳ một hoàn cảnh nào, bạn có tất cả những hình thức phản ứng, tích cực và tiêu cực. Bạn hãy xét kỹ những phản ứng ấy, quan sát xem chúng đích xác là gì và phát sinh từ đâu, nhưng đừng có bất kỳ quở trách, hoặc tội lỗi hoặc bất kỳ khát vọng gì, nhất là đừng nỗ lực biến đổi chúng. Đó là tất cả những gì chúng ta cần thiết để sự thánh thiện xuất hiện.
Nhưng phải chăng sự nhận thức tự nó cũng là mọt nỗ lực? Nếu như bạn đã từng nếm thử nó dù chỉ một lần, bạn sẽ thấy sự nhận thức không phải là một nỗ lực. Bởi vì khi ấy, bạn sẽ hiểu rằng sự nhận thức là một niềm vui, niềm vui của một đứa trẻ dò dẫm đi khám phá thế giới. Bởi vì ngay cả khi sự nhận thức phát hiện ra những điều không vui nơi bạn, nó cũng luôn luôn đem đến sự giải thoát và niềm vui. Khi ấy, bạn sẽ biết rằng cuộc sống không nhận thức là một cuộc sống không đáng sống, đầy những tối tăm và đau đớn.
Nếu như lúc đầu có một sự trì trọng trong công việc luyện tập ý thức, bạn cũng đừng cưỡng bức bản thân. Vì đó lại là một nỗ lực. Bạn chỉ cần nhận thức về sự trì trệ của bạn mà đừng phán xét và kết án gì cả. Khi ấy bạn sẽ hiểu rằng sự nhận thức liên quan đến nhiều nỗ lực cũng như một khách si tình phải tìm đến người mình yêu, hoặc một người đói phải ăn uống, hoặc một nhà leo núi phải chinh phục ngọn núi mình yêu thích; vì thế, phải có nhiều sức lực, thậm chí còn nhiều gian nan, nhưng không phải là nỗ lực, đó là niềm vui! Nói một cách khác, sự nhận thức là một hoạt động không nỗ lực.
Sự nhận thức có đem lại sự thánh thiện mà bạn hằng khao khát không?
Có mà cũng không. Vấn đề là bạn không bao giờ biết được. Bởi sự thánh thiện thật không phải đạt được bằng những kỹ thuật, những sự nỗ lực và sự cưỡng đặt, sự thánh thiện thật hoàn toàn là sự nhận-thức-vô-ngã. Bạn sẽ không có một sự ý thức sơ sài nhất về sự hiện diện của nó nơi bạn. Ngoài ra, bạn cũng chẳng quan tâm, bởi vì ngay cả tham vọng muốn trở nên thánh thiện cũng đã rơi mất khi bạn sống từ phút giây này sang phút giây khác đầy tràn những hạnh phúc, sung mãn, và trong suốt nhờ chính sự nhận thức. Bạn chỉ cần cảnh giác và tỉnh thức. Bởi vì trong tình trạng này, mắt bạn sẽ nhìn thấy Đấng Cứu Độ. Không một gì khác, tuyệt đối không một gì khác. Không phải sự an toàn, không phải tình yêu, không phải tài sản, không phải vẻ đẹp, không phải quyền lực, không phải sự thánh thiện - không có gì khác ngoài Đấng Cứu Độ là quan trọng cả.
Nguyên tác: The Way To Love
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.
Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2008
30. Đèn Của Thân Thể
Con mắt là đèn của thân thể; khi mắt các ngươi sáng,
toàn thân các ngươi được sáng; nhưng khi mắt các ngươi tối,
thì toàn thân các ngươi còn tối đến đâu.
Lc 11:34
Chúng ta nghĩ rằng thế giới sẽ được cứu vớt nếu như chúng ta có nhiều thiện chí và lòng khoan dung hơn. Đó là điều sai lầm. Thế giới được cứu thoát không phải nhờ thiện chí và lòng khoan dung, mà là sự suy nghĩ sáng suốt.
Khoan dung với tha nhân có ích lợi gì nếu như bạn tin rằng một mình bạn đúng, còn tất cả những ai không đồng ý với bạn đều sai? Đó không phải là thái độ khoan dung, mà là thái độ hạ cố. Việc đó không dẫn đến viễn cảnh đồng tâm nhất trí, mà là tình trạng chia rẽ, bởi vì bạn ở trên cao, còn người khác ở dưới thấp. Vị trí ấy đưa đến sự cao sang cho một mình bạn, còn sự bực dọc cho những người lân cận, và do đó, nuôi thêm thái độ bất khoan dung.
Lòng khoan dung thực sự chỉ xuất hiện từ sự nhận thức rõ ràng về tình trạng vô tri của mọi người đối với sự thật. Bởi vì sự thật thực chất là một màu nhiệm mà tâm trí có thể cảm nhận nhưng không thể nắm bắt, huống hồ làm sao có thể diễn đạt. Niềm tin của chúng ta có thể hướng về sự thật, nhưng không thể trình bày sự thật bằng ngôn từ.
Mặc dù thế, người ta vẫn hăng say nói về giá trị của đối thoại. Nhưng thứ đối thoại này thật tệ hại vì là một cố gắng trá hình nhằm thuyết phục thiên hạ tin vào sự chính đáng của vị trí của bạn. Tốt nhất thì thứ đối thoại ấy cũng chỉ ngăn không cho bạn trở thành một con ếch ngồi dưới đáy giếng, tưởng rằng cái giếng của mình là thế giới duy nhất hiện hữu.
Điều gì xẩy ra khi những con ếch từ cái giếng khác nhau qui tụ lại để đối thoại về những điều yên trí và những kinh nghiệm của chúng? Những chân trời của bầy ếch mở rộng thêm để gồm chứa những cái giếng khác, cùng với cái giếng của riêng chúng. Nhưng chúng vẫn không chút nghi ngờ về sự hiện hữu của một đại dương sự thật không thể bị giới hạn trong những bức vách của những cái giếng tưởng tượng của chúng. Và những con ếch tội nghiệp của chúng ta cứ tiếp tục chia rẽ, nói về những cái giếng của anh, của tôi, kinh nghiệm của anh, niềm tin của tôi, ý thức hệ của anh. Việc chia sẻ các công thức không làm giầu thêm cho các người chia sẻ, bởi vì các công thức giống như những bức vách của những cái giếng chia cắt, phân rẽ; chỉ có đại dương không giới hạn là kết hợp mà thôi. Nhưng để đạt đến đại dương sự thật, tức là không bị ràng buộc bởi những công thức, điều chính yếu là phải biết suy nghĩ sáng suốt.
Suy nghĩ sáng suốt là gì và làm cách nào để đạt được điều đó?
Điều trước tiên bạn cần phải biết là việc này không đòi học cao biết rộng. Nó đơn giản đến độ nằm trong tầm với của một đứa trẻ mười tuổi. Điều cần thiết không phải là học thức, mà là vô học, không phải tài năng, mà là can đảm. Bạn sẽ hiểu điều này nếu như bạn nghĩ đến một em nhỏ trong vòng tay một bà vú già hom hem. Đứa trẻ còn quá nhỏ nên chưa bị cuốn hút theo những thiên kiến của người lớn. Vì thế khi nép vào vòng tay của bà vú, nó không làm theo những chiếc nhãn trong đầu của nó. Những chiếc nhãn bảo rằng người đàn bà trắng trẻo, người đàn bà đen đúa, xấu xí, đẹp đẽ, già cả, trẻ trung, mẹ nó, hay bà vú già. Đứa trẻ không làm theo những tấm nhãn, nhưng theo thực tại. Người đàn bà ấy đáp ứng nhu cầu cần được yêu thương của đứa trẻ, và đó là thực tại mà đứa trẻ làm theo, chứ không phải tên tuổi của bà, vóc dáng của bà, tôn giáo, chủng tộc, giáo hệ của bà. Tất cả những điều này hoàn toàn và tuyệt đối không liên quan đến nó. Đứa trẻ chưa có những điều yên trí và những thiên kiến. Đây là môi trường để suy nghĩ sáng suốt có thể nẩy sinh. Để đạt được điều ấy, ta phải từ bỏ tất cả những gì ta đã học biết và hãy có một tâm trí như con trẻ, hồn nhiên trước những kinh nghiệm và chương trình quá khứ là những thứ che khuất con đường để nhìn vào thực tại.
Bạn hãy nhìn vào bản thân, xét lại những phản ứng của bạn với tha nhân và với những hoàn cảnh. Bạn sẽ kinh ngạc vì phát hiện ra lối suy nghĩ thiên kiến ẩn sau những phản ứng của bạn. Hầu như bạn không bao giờ phản ứng với thực tại cụ thể của người này vật nọ. Bạn phản ứng theo những nguyên tắc, những ý thức hệ, những hệ thống tư tưởng, những hệ thống kinh tế, chính trị, tôn giáo, tâm lý. Bạn còn phản ứng theo những ý tưởng và những thành kiến sẵn có, dù tích cực hay tiêu cực.
Bạn hãy lần lượt đưa từng người, từng vật, từng hoàn cảnh ra trước mắt bạn, ngay tại đây, và hãy tìm sự phân biệt thiên vị do những cách cảm nhận và những dự phóng đã được lập trình sẵn của bạn. Việc này sẽ đem lại cho bạn một mặc khải rất quý báu.
Những thiên kiến và những điều yên trí không phải là những kẻ thù duy nhất đối với việc suy nghĩ sáng suốt. Còn hai kẻ thù khác nữa là sự thèm khát và sợ hãi. Muốn cho suy nghĩ không bị chi phối bởi xúc cảm, tức là sự thèm khát và sợ hãi, cũng như sự vị kỷ, đòi phải có một sự khổ chế thật kinh sợ.
Người ta thường lầm tưởng việc suy nghĩ là do đầu óc thực hiện. Thực ra việc suy nghĩ được thực hiện bằng con tim. Con tim là tác nhân thứ nhất định hướng cho kết luận, và sau đó, nó mới truyền lệnh cho đầu óc đi tìm lý lẽ để biện minh cho kết luận ấy. Vì thế, đây lại là một mặc khải nữa. Bạn hãy xét lại một số những kết luận mà bạn đã đạt đến và xem chúng đã bị chi phối vì tính vị kỷ như thế nào. Điều này luôn đúng cho mọi kết luận, trừ khi bạn phải phòng ngừa từ trước. Chẳng hạn, bạn hãy nghĩ xem bạn đã giữ chặt các kết luận của mình về những người khác như thế nào. Và những phán đoán của bạn có hoàn toàn không bị xúc cảm chi phối hay không? Nếu bạn cho rằng không, thì có lẽ bạn đã chưa xét cho thật kỹ lưỡng.
Đây là nguyên nhân chính yếu của những bất hòa và chia rẽ giữa các quốc gia và các cá nhân với nhau. Các quyền lợi của bạn không đồng nhất với các quyền lợi của tôi, vì thế lối suy nghĩ của bạn và những kết luận của bạn không phù hợp với lối suy nghĩ và những kết luận của tôi. Bạn thử nghĩ bao nhiêu người thỉnh thoảng có được sự suy nghĩ đối lại với tính vị kỷ của họ? Bạn có thể nhớ được bao nhiêu lần bạn cũng có một lối suy nghĩ như thế hay không? Bao nhiêu lần bạn đã thành công trong công việc đặt một rào cản không thể vượt qua giữa sự suy nghĩ vẫn tiếp diến trong đầu óc của bạn với những nỗi sợ hãi và thèm khát đang kích động tâm hồn của bạn? Mỗi lần cố gắng thực hiện công việc ấy, bạn sẽ hiểu rằng việc suy nghĩ sáng suốt không đòi hỏi phải có sự thông minh - vì đây là điều dễ dàng xẩy ra - nhưng là lòng can đảm, một lòng can đảm đã thành công trong việc đối đầu với nỗi sợ hãi và thèm khát của bạn, bởi vì ngay khi bạn khát khao hoặc sợ hãi một điều gì, thì - một cách ý thức hoặc vô thức - con tim của bạn sẽ đi vào suy nghĩ của bạn.
Đây là một suy tư dành cho những người vĩ đại trong thế giới siêu nhiên, những người đã đến chỗ nhận ra rằng: để tìm được chân lý, họ không cần những công thức giáo lý, nhưng là một con tim biết tự giải thoát khỏi cái lập trình và tính vị kỷ của nó mỗi khi suy nghĩ. Một tâm hồn không có gì cần bảo vệ và không có tham vọng sẽ để cho tâm trí được thảnh thơi, không bị xiềng xích, mạnh dạn, và tự do trong cuộc tìm kiếm sự thật. Tâm hồn ấy lúc nào cũng sẵn sàng chấp nhận bằng chứng mới mẻ và thay đổi quan điểm của mình. Một tâm hồn như thế đã trở thành một ngọn đèn soi sáng cho sự tăm tối của toàn thể nhân loại. Nếu nhân loại có những tâm hồn như thế, người ta sẽ không còn nghĩ mình là cộng sản hay tư sản, Hồi giáo hay Phật giáo nữa. Chính sự suy nghĩ sáng suốt của họ sẽ chỉ cho họ thấy rằng tất cả sự suy nghĩ, tất cả những ý tưởng, tất cả những niềm tin đều là ngọn đèn soi sáng cho cõi tăm tối, là dấu chỉ về sự vô tri của họ. Và trong sự nhận thức ấy, những bức vách của những cái giếng phân cách giữa họ sẽ sụp đổ và họ sẽ được một đại dương tràn vào, nối kết toàn thể nhân loại trong chân lý.
Nguyên tác: The Way To Love
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.
Thứ Năm, 4 tháng 12, 2008
29. Mất Và Tìm Lại Được
Ai tìm mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai
đánh mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được nó.
Mt 10:39
Đã có bao giờ bạn nghĩ rằng những người sợ chết nhất chính là những người sợ sống nhất hay không? Và khi chúng ta né tránh cái chết là chúng ta đang né tránh sự sống hay không?
Đã có bao giờ bạn nghĩ rằng những người sợ chết nhất chính là những người sợ sống nhất hay không? Và khi chúng ta né tránh cái chết là chúng ta đang né tránh sự sống hay không?
Bạn thử nghĩ về một người sống trên một căn gác nhỏ, với một cái lỗ nhỏ, không có ánh sáng và chỉ có một chút không khí. Ông ta sợ không dám xuống cầu thang bởi vị nghe nói có những người đã té cầu thang và gãy cổ. Ông ta không dám băng qua đường bởi vì nghe nói có hàng ngàn người đã gặp tai nạn khi băng qua đường. Và dĩ nhiên, vì không dám băng qua đường, ông ấy làm sao dám vượt một đại dương hoặc một đại lục hoặc một thế giới tư tưởng để băng sang một thế giới tư tưởng khác? Con người này bám riết lấy cái lỗ trên căn gác của mình để cố gắng cản ngăn sự chết đến, và khi làm như thế, đồng thời ông ấy đã cản trở sự sống của chính ông.
Chết là gì? Đó là một sự mất mát, một sự biến tan, một sự ra đi, một câu chào giã biệt. Khi bạn bám chặt, bạn từ chối ra đi, bạn từ chối nói lời giã biệt, là bạn chống lại cái chết. Và mặc dù bạn có thể không nhận ra điều ấy, thì khi đó, bạn cũng đang chống lại sự sống.
Bởi vì sống là chuyển động, nhưng bạn lại dính đét vào một chỗ. Đời sống thì thông chuyển, còn bạn lại tù đọng. Cuộc sống thì linh hoạt, tự do, còn bạn thì cứng nhắc và đông cứng. Cuộc sống mang đi tất cả, thế nhưng bạn lại thèm muốn sự cố định và yên ổn.
Bạn sợ sống và bạn sợ chết bởi vì bạn đeo bám. Khi bạn không đeo bám vào bất cứ sự gì, khi bạn không sợ mất mát sự gì, khi ấy bạn mới được tự do trôi chẩy như một con suối trên triền núi lúc nào cũng tươi mát, ngời sáng và sinh động.
Có những người không dám nghĩ đến việc mất một người thân hay một người bạn, họ thích thà không nghĩ đến điều ấy còn hơn. Họ sợ sự thách đố, sợ đánh mất một lý thuyết, hoặc một ý thức hệ, hoặc một điều yên trí của họ. Họ tin rằng họ không bao giờ có thể sống được nếu thiếu người này người kia, hoặc nơi này nơi khác, hoặc vật nọ vật kia.
Bạn có muốn tìm ra một cách thức để đo lường mức độ cứng nhắc và trơ lì của bạn hay không? Bạn hãy quan sát những đau đớn bạn đã từng kinh nghiệm khi đánh mất một ý tưởng, một người thân, hoặc một vật nào đó. Phải chăng nỗi đau đớn và đắng cay ấy nói lên sự dính bén của bạn? Tại sao bạn lại quá đau đớn trước cái chết của một người thân yêu hoặc sự giã từ của một người bạn? Bạn chưa bao giờ nghiêm chỉnh dùng thời giờ để suy tư rằng: mọi vật đều đổi thay, sẽ qua đi, và sẽ chết.
Vì vậy cái chết, sự mất mát, và cách biệt làm cho bạn ngạc nhiên. Bạn muốn sống trên một căn gác nhỏ những ảo tưởng của bạn, giả vờ tưởng rằng mọi vật sẽ không bao giờ đổi thay, chúng sẽ luôn luôn bất biến. Vì vậy, khi cuộc đời bắt đầu nổ tung và làm vỡ vụn những ảo tưởng của bạn, bạn sẽ nghiệm thấy một sự đau đớn khôn tả.
Để sống, bạn phải nhìn trực diện vào thực tại, và sau đó, bạn sẽ không còn sợ hãi vì mất mát người thân. Bạn sẽ cảm hưởng được sự mới mẻ, thay đổi và bấp bênh. Bạn sẽ không còn nỗi sợ hãi phải mất mát những người quen thân, sẵn sàng đợi chờ và đón tiếp những gì lạ lẫm và không quen biết. Nếu đó là cuộc sống bạn tìm kiếm, thì ngay tại đây là một cuộc luyện tập có thể gian nan, nhưng sẽ đem lại một niềm tự do hân hoan nếu như bạn có thể làm được điều đó.
Bạn hãy tự hỏi xem có một vật gì, một người nào đó mất đi sẽ làm cho bạn đau đớn hay không. Bạn có thể là một trong số những người không thể chịu nổi ngay cả việc nghĩ đến cái chết của cha mẹ hoặc sự mất mát một người bạn, một người thân yêu. Nếu thế, và đến mức độ ấy thì bạn đã chết. Điều bạn phải làm ngay từ bây giờ là phải đối diện ngay với cái chết, với sự cách biệt những người thân yêu, những vật quý giá.
Bạn hãy nghĩ đến từng người thân, từng vật quý và tưởng tượng họ đã chết, đã mất mát hoặc đã xa cách bạn mãi mãi, và trong lòng bạn, bạn hãy giã biệt họ. Với từng người một trong số đó, bạn hãy nói lên lời cảm tạ và vĩnh biệt họ.
Bạn sẽ cảm nghiệm sự đau đớn và nghiệm được sự tan biến của sự quyến luyến; và sau đó một điều gì khác sẽ xuất hiện trong ý thức của bạn, đó là một nỗi cô đơn và sự lẻ loi, man mác và trở nên mênh mông như bầu trời. Trong nỗi cô đơn ấy là sự tự do. Trong sự lẻ loi ấy là sự sống. Trong tình trạng không dính bén ấy là trạng thái sẵn sàng để tuôn chẩy, vui hưởng, nếm cảm, thưởng thức từng giây phút mới mẻ của cuộc sống mà giờ đây đang trở lên càng lúc càng ngọt ngào hơn. Cuộc sống đã được giải thoát khỏi những ưu tư, căng thẳng, và bất an, được giải thoát khỏi nỗi sợ hãi đối với sự mất mát và sự chết lúc nào cũng đi liền với khát vọng muốn cố định và đeo bám.
Nguyên tác: The Way To Love
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.
Thứ Tư, 3 tháng 12, 2008
Hãy Dành Một Chỗ Cho Hài Nhi Giêsu
Thế giới hiện đại ngày hôm nay dường như đẩy con người vào một guồng máy vội vã. Câu nói đùa của một số năm về trước giờ đây đã thành hiện thực của lối sống con người hôm nay : "Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm đêm không hết, làm thêm giờ nghỉ". Ai ở những thành phố lớn, thì chỉ cần bước chân ra đường cũng cảm nhận được cuộc sống con người hối hả. Những giờ cao điểm, đoàn xe, đoàn người hối thúc nhau về mọi nẻo đường, mọi ngõ ngách nào đó. Nhiều lúc không nghĩ đến kẻ ở bên mình, nên người ta luồn lách, chen lấn nhau, thậm chí từng nửa bánh xe.
Cứ tưởng con người sống trong thời đại văn minh sẽ được sung sướng, hạnh phúc, nào ngờ quá vất vả và khốn khổ. Con người lúc này cần phải ăn tranh thủ, ngủ cấp tốc, làm thật gấp, xài tới tấp... rồi chết.
Triết gia Emmanuel Kant (1724 - 1840) cho rằng, con người ta thật sự là người không hẳn ở việc "làm ra" (làm ra sản phẩm) mà phải là "làm người", tức sống cho ra người. Khi làm người, chúng ta biết làm chủ những sản phẩm do ta làm ra, biết sử dụng chúng đúng mục đích đem lại hữu ích nhất và ý nghĩa nhất cho con người. Bằng không chúng ta chỉ biết làm ra những sản phẩm, rồi nô lệ cho những sản phẩm ấy, bằng việc cố lo hưởng thụ như tính chất bù trừ, lúc đó chúng ta trở thành con vật không hồn. Lúc này ta chỉ biết: Cố làm - cố ăn - rồi chết.
Noel về, lại một dịp để kinh doanh, buôn bán, và tiêu xài. Các bài Thánh ca Giáng Sinh cũng được các nhà hàng, quán xá mở lên. Những cây thông Noel hay hang đá, ngày hôm nay không chỉ hiện diện nơi các nhà Thờ mà còn nơi các đường xá, các rạp hát, các nhà hàng, các công ty hay những nơi công cộng. Nhưng trong bầu không khí Giáng Sinh mang tính chất đầy "lễ hội" ấy, thử hỏi còn có gì đọng lại trong tâm hồn mỗi người! Một tâm hồn trống rỗng, hay ngập tràn niềm vui vì đã nhận ra một ánh sao nào soi rọi?
Noel về lại là một dịp Thiên Chúa đi ngang qua mỗi người chúng ta. Nhưng lòng chúng ta còn dành một chỗ trống nào cho Hài Nhi Giêsu ngự đến? Thử nhìn lại lòng mình, có phải chúng ta chất chứa quá nỗi lo toan, quá bận bịu biết bao công việc... Lòng chúng ta như nhà trọ không còn chỗ trống và Hài Nhi đi qua không tìm được nơi trú ngụ.
Ngày xưa Thiên Chúa đi ngang qua nhà ông bà Ápraham, ông bà mời Thiên Chúa ghé thăm, Thiên Chúa đã ở lại và chúc phúc cho ông bà có người con nối dõi. Dân tộc Do Thái cũng được Thiên Chúa đi ngang qua khi họ kêu cầu Người và Thiên Chúa đã giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Cuộc đời Trinh Nữ Maria cũng được Thiên Chúa đi ngang qua, Mẹ đã đón nhận và vâng phục thánh ý Người. Thiên Chúa đã thực hiện trên cuộc đời của Mẹ những điều kỳ diệu lớn lao.
Noel về, Thiên Chúa đang đi ngang qua cuộc đời bạn và tôi. Bạn và tôi có mở rộng lòng ra, niềm nở đón tiếp Ngài, hay Ngài phải ra đi vì không tìm thấy một chỗ trọ?
Nguyễn Văn Quý
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)