Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2008

Anh Mù

Có một người sinh ra đã bị mù. Sống trong một gian phòng, nhưng bởi anh không thấy gì cả nên anh phủ nhận tất cả những gì người xung quanh quả quyết là có: "Tôi không tin, vì tôi không thấy."
Một vị lương y đem lòng thương hại, đi tìm cho được một thứ linh dược về trị lành bệnh, anh ta sung sướng tự phụ bảo: "Gìơ tôi thấy được tất cả sự thật chung quanh tôi rồi!"
Nhưng, có kẻ bảo với anh ta: "Này, bạn mới chỉ thấy được những vật chung quanh căn phòng này thôi. Ngoài kia, người ta còn thấy được mặt trời, mặt trăng cùng các vì tinh tú hằng hà sa số. Còn biết bao vật xấu, đẹp, lộng lẫy sắc mầu mà bạn chưa thấy.
Anh ta không tin: "Làm gì có được những cái đó! ... Tôi không tin, cái gì có thể thấy được tôi đã thấy cả rồi."
Một vị lương y khác lên tận núi cao tìm được một thứ linh dược khác, về giúp anh ta để cặp mắt sáng hơn và thấy những vật ở xa hơn.
Bấy giờ anh ta đã nhìn được mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú trên không trung. Mừng quá, và lòng tự phụ tự đắc lại tăng thêm: "Trước đây tôi không tin, nhưng bây giờ tôi thấy, tôi tin. Thế là từ đây không còn gì mà tôi chẳng biết... Còn ai hơn tôi được nữa!" ...
Nhưng, một nhà thông thái bảo anh ta: "Cậu ơi! cậu vừa hết mù mà đã quá tự phụ như thế?! Khi tầm mắt chưa vượt khỏi bốn bức tường, cậu không tin có vật gì ngoài căn phòng của cậu. Gìơ đây, tầm mắt vừa mới vượt khỏi bốn bức tường, thấy được nhiều vật xa hơn, nhưng với tầm mắt và lỗ tai của cậu, làm sao cậu có thể biết được những vật ngoài vạn dặm, mà tai và mắt cậu không thể nghe và thấy được?
Cậu có thấy những nguyên nhân nào đã tạo ra cậu khi cậu đang còn là bào thai trong lòng mẹ cậu chăng? Ngoài cái vũ trụ nhỏ bé mà cậu đang sống đây, còn không biết bao nhiêu vũ trụ khác vô cùng to lớn và nhiều như cát ở ven biển, vậy tại sao cậu dám tự phụ bảo rằng tôi thấy cả, tôi biết cả? Cậu vẫn còn là một anh mù; cậu vẫn còn lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối".

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2008

Đêm Vọng Phục Sinh

       Đêm vọng Phục sinh
       Trong thinh lặng
       Tôi nghĩ về Chúa
       Tôi nghĩ về Tình yêu
       Tôi nghĩ về sự trường tồn vĩnh cửu...

       Ngôi mộ trống
       Alleluia! Alleluia!
       Khúc hoan ca ngập tràn,
       Dây trói của sự chết
       Bị bứt tung!
       Tôi thấy hào quang nơi Chúa Giêsu
       Rực sáng vòng gai đau khổ,
       Tôi nhận ra gương mặt của Tình yêu
       Với những chiếc đinh nhọn hoắt...
       Có sự giao thoa
       Giữa Thập giá và Tình yêu,
       Có sự kết nối
       Giữa Hi tế và Mầu nhiệm Phục sinh.

       Những ngọn nến nơi Thánh đường
       Những ngàn năm vẫn cháy trong thinh lặng
       Cái biên giới vô cùng của Sự sống
       Mọi lý lẽ đều không dò thấu được!

                                   ntt, 2005

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2008

Mùa Chay

Từ ngữ tiếng Việt "Mùa Chay" lấy từ tiếng Latinh Quadragesima, chỉ định thời gian Phụng vụ trước Mùa Phục sinh, có nghĩa là 40, một từ gồm nhiều biến cố quan trọng, được Kinh thánh nói tới nhiều lần. Bốn mươi ngày của Mùa Chay gợi nhớ đến 40 ngày Chúa Giêsu chay tịnh và chịu cám dõ trong sa mạc. Nhưng khi chúng ta đọc những bản văn tường thuật của Phúc âm về các cơn cám dỗ của Chúa, luôn được công bố vào Chúa nhật đầu Mùa Chay, hướng chúng ta về nhiều chủ đề khác. Những cơn cám dỗ Chúa chịu cũng còn gợi lại 40 năm dân Israel chịu thử thách trên đường tiến về Đất Hứa... Nối tiếp con só 40 này chúnh ta cùng tìm hiểu thêm những chủ đề khác.
Bốn Mươi
Bốn mươi là con số khá quen thộc trong Kinh thánh. Trong câu chuyện Nôe và nạn Hồng thuỷ, trời mưa 40 ngày và 40 đêm. Sau khi kí Giao ước tại núi Sinai, ông Môse đã ở với Thiên Chúa 40 ngày và 40 đêm. Khi tiên tri Êlia bị hoàng hậu Giêsaben rượt đuổi, ông phải trốn chạy thục mạng và trải qua 40 ngày và 40 đêm cho đến khi đến được núi của Thiên Chúa tại Hôrep (Sinai). Chúa Giêsu lên trời sau 40 ngày Người sống lại. Một đoạn văn khác trong Kinh thánh thuật lại cảnh dân Israel đóng trại tại sa mạc phía nam, rất gần với Đất Hứa. Những người do thám đi trước để thị sát vùng đất, họ đã đi trong thời gian 40 ngày. Họ đã đem lại tin tức sáng sủa về miền đất mới, nhưng cũng cho biết rằng dân cư tại đó đều là những con người cao lớn và hùng mạnh. Dù Giôsuê và Clép ra sức trấn an dân chúng, họ đều ngao ngán và khiếp sợ khi tiến về vùng đất. Sự khiếp nhược cùng những lời chê bai của dân là một thất bại thảm hại về niềm tin và lời hứa Thiên Chúa ban đất riêng cho họ. Như một sự trừng phạt, họ phải lang thang trên hành trình ròng rã 40 năm, mỗi năm được kể là một ngày theo số ngày người Do Thái đã đi.
Các con số trong Kinh thánh không được hiểu theo nghĩa đen, nó chỉ mang tính cách biểu tượng. Nhưng lòng hiếu kì và sự ngờ vực lại thường khơi dậy trong chúng ta nhiều câu hỏi về con số 40. Đâu là ý nghĩa biểu trưng của con số 40? Xét theo một khía cạnh thì nó biểu thị một thời gian lâu dài và cùng với thời gian ấy nó hàm chứa bao sự việc khác: đó là thời gian của những đòi hỏi, của phấn đấu và thử thách. Đúng ra là ý nghĩa ngoại vi của cách dùng chữ số trong Kinh thánh. Lại còn một ý nghĩa khác, có thể gọi là ý nghĩa thứ ba: Bốn mươi biểu thị một thời gian chuẩn bị cho một hành động đặc biệt nào đó của Thiên Chúa: đó là thời gian của ân sủng. Sau Hồng thuỷ là bắt đầu một tạo vật mới. Sau khi Môse đàm đạo với Thiên Chúa, Giao ước được kí kết. Sau hành trình gian khổ trong sa mạc, dân Israel tiến vào Đất hứa. Sau khi trốn chạy ông ông Êlia được Thiên Chúa gia tăng sức mạnh và tiếp tục sứ mệnh tiên tri. Sau khi chịu cám dỗ, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai. Sau biến cố Thăng thiên, chúng ta bắt đầu kỉ nguyên của Giáo hội. Và sau khi kết thúc Mùa Chay, chúng ta cử hành Tuần Thánh và Đại lễ Phục sinh.
Sa mạc
Như đã nói, con số thời gian chỉ là biểu trưng. Vậy còn nơi chốn? Dân Israel biết rõ sa mạc ở đâu, bởi vì bản văn chỉ rõ hướng nam, vùng tây nam và đông, xuyên qua sông Giocđan. Sa mạc là nơi thiếu nước, thiếu thực phẩm, cây cỏ rất ít, cũng là nơi cư trú của nhiều loài vật nguy hiểm. Như vậy sa mạc là nơi khắc nghiệt, là nơi thách thức sự sống còn. Sa mạc nói tới đây cũng mang ý nghĩa biểu trưng. Trong tôn giáo của dân Canaan, có một vị thần đặc biệt tên là Mot (một từ có nghĩa là sự chết) cai quản chỗ nóng, khô, đất hoang là sa mạc, và thời gian của mùa hạ nóng bức, khô cạn và cằn cỗi. Khi ngừng mưa, cây cỏ nơi đây khô héo rồi tàn tạ chết. Sa mạc là nơi phủ định, là nơi ngự trị của Thần Chết - Mot - là nơi phải đối diện với những vấn đề cốt thiết nhất. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu chịu thử thách trong sa mạc để trở thành một Đấng Mêsia khác, một Đấng chọn đi theo vinh quang và quyền lực thay vì chọn hi sinh và phục vụ trong thiên hạ. Cám dỗ này vẫn bám theo Người suốt hành trình sứ vụ cho đến lúc chết, nhất là khi Người bị khiêu khích bước xuống khỏi thập giá.
Nhiều nhà tu đức hôm nay nói về những "trải nghiệm trong sa mạc". Đây là những kinh nghiệm tĩnh tâm, một thời gian dành riêng ra để hồi tâm, để tra vấn, để xem xét, để trả lời cho những vấn đề nền tảng của đời sống thiêng liêng. Dĩ nhiên không cần thiết cần có "một nơi chốn sa mạc" hiểu theo nghĩa đen, nhưng vẫn cần đến một không gian thích hợp. Mùa Chay là thời gian Giáo hội sống "kinh nghiệm sa mạc" hằng năm để tự vấn về những vấn đề nền tảng trong sứ vụ của mình.
Hành Trình
Thời gian Israel đi trong sa mạc còn là một thời gian lang thang vô định, một chuyển hành không định hướng. Thật ra họ đã khởi đầu từ Ai Cập và kết thúc tại bình nguyên Môap. Có hai cám dỗ xẩy ra chống lại cuộc hành trình và chúng ta cần tìm hiểu. Cám dỗ thứ nhất là muốn dừng lại, muốn ổn định. Họ nói: "Thôi đủ rồi! chúng ta ở lại đây thôi!". Vẫn có những nơi tạm dừng trên lộ trình, chẳng hạn ở ốc đảo Kadesh (Ds 13:26), nhưng thời gian trôi qua mau, họ được lệnh phải nhổ trại tiếp tục lên đường, và họ bước đi "theo lệnh của Đức Chúa" (Ds 9: 17- 18). Trong sách Đệ Nhị luật, Môse nhớ lại cuộc khởi hành từ núi Sinai: Chúa phán, "Các ngươi ở núi này đã lâu rồi... Hãy chuyển hướng và lên đường..." (Dnl 1:6-7). Cộng đoàn được lệnh không dừng lại chỗ nào quá lâu. Một chuyện tương tự cũng được sách Phúc âm ghi nhận trong trình thuật về sự biến hình của Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, chúng con ở lại đây thì thật là hay. Nếu Thầy muốn, chúng con sẽ dựng ba lều" (Mt 17: 4). Nhưng rồi họ phải xuống núi. Có phải đây cũng là một cám dỗ mà Giáo hội và mỗi người Kitô hữu chúng ta phải đối diện? Thiên Chúa của Kinh thánh là một vị Thiên Chúa luôn kêu gọi chúng ta đi ra khỏi chỗ an toàn, chỗ tiện nghi để đi vào miền tương lai vô định, có ý nghĩa liều lĩnh.
Cám dỗ thứ hai còn bi đát hơn: "Và họ oán trách Môse... Tại sao ông đưa chúng tôi đi khỏi Ai Cập? (Xh 14: 11). Họ không chỉ muốn dừng lại mà còn muốn quay ngược trở lại. Họ muốn "quy cố hương". Dù được chứng kiến những dấu chỉ và phép lạ Thiên Chúa thực hiện cho họ, họ cũng không màng. Họ chỉ muốn trở lại Ai Cập! Cám dỗ thứ hai về ngẫu tượng, về ham muốn và nó rất bình thường. Đó là nỗi nhớ về quá khứ. Qúa khứ xem ra hấp dẫn hơn, an toàn hơn. Do đó nó trở thành chỗ dựa an ủi, nhưng cũng có thể là một trở ngại cho bước chân đi tới.
Chúng ta không ngạc nhiên lắm bởi vì chúng ta đều sống như vậy. Điều làm cho quá khứ trở nên hấp dẫn hơn vì nó là quá khứ, đã lùi xa hiện tại. Nỗi lưu luyến quá khứ tuỳ thuộc vào khoảng cách thời gian và một sự quên lãng có chọn lọc. Chúng ta nhớ lại quá khứ, đó là điều cần thiết. Nhưng hồi tưởng quá khứ phải đưa chúng ta về hiện thực và giúp chúng ta hướng về tương lai. Ngược lại, trong nỗi nhớ về quá khứ, chúng ta lại muốn đưa hiện tại trở ngược về quá khứ để trốn tránh tương lai.
Trong mỗi cuộc đời, mỗi người chúng ta đều có những "lâu đài vang bóng một thời", chúng ta muốn trở về đó để gặm nhấm thời vàng son và tiếc nuối một tự ảnh đầy oai hùng, nhưng chúng ta lại biếng trễ trong giây phút hiện tại và bỏ quên những lời mời gọi đầy thúc bách của ngày mai. Trong Kinh thánh, chúng ta sẽ tìm thấy một Thiên Chúa luôn đi trước chúng ta, luôn kêu gọi chúng ta đi về nơi bất định, bước vào tương lai xa thẳm. Có phải đây cũng là một cám dỗ mà chúng ta luôn phải đối diện trên hành trình của đời sống Kitô hữu?
Chúng ta đã nói tới một vài điểm trong kinh nghiệm sa mạc của dân Israel. Gìơ đây chúng ta cùng tìm hiểu những gì xẩy ra trong sa mạc. Đó là Giao ước, sự Thử thách và sự Hiện diện.
Giao Ước
Điều chính yếu xẩy ra trong sa mạc đối với dân Israel đó là giao ước kí kết với Giavê tại núi Sinai. Nhưng điều trước tiên chúng ta có thể tự hỏi: ''Tại sao Chúa không dẫn Dân đi thẳng từ lúc vượt qua Biển đỏ về đất Canaan?". Đây là mục tiêu cuối cùng, nhưng cũng có nhiều mục đích trung gian khác có tầm quan trọng đặc biệt. Ông Môse đã lặp lại nhiều lần với Pharaon: ''Đức Chúa, Thiên Chúa của người Hipri đã sai tôi nói với bệ hạ: "Hãy thả dân ta ra, để chúng đi thờ phượng ta trong sa mạc" (Xh 7: 16). Dân của Giavê đến núi Sinai để học biết thờ phượng Giavê. Nhưng chúng ta cần đi xa hơn một chút. Trong hoàn cảnh bị thống trị, một vấn đề hai mặt xuất hiện: người ta chịu thống trị vì bị người khác thống trị. Lịch sử đã chứng minh một cách hùng hồn rằng khi người ta được giải phóng khỏi ách thống trị, họ lại mau chóng trở thành kẻ thống trị người khác. Hôm nay là kẻ bị trị, ngày mai trở thành kẻ thống trị. Vấn đề ở chỗ là cả hai cùng chia sẻ một số giá trị chung, cùng thống nhất một số vấn đề nền tảng nào đó. Nếu có sự bất đồng nhỏ nhoi nào thì đó chỉ là cách sắp đặt các sự vật hiện hữu mà thôi. Do đó, cái xâu chuỗi của ách thống trị vẫn cứ dài thêm mắt nối. Chế độ nô lệ vẫn cứ tiếp diễn. Nếu dân Israel mới được giải phóng khỏi Ai Cập đi thẳng đến Canaan để thiết lập quyền lực tại đó, họ cũng không đi khác vết rãnh này. Thay vì đến thẳng Canaan, họ phải tiến về Sinai để chịu một thời gian "chỉnh huấn''. Thiết lập Giao ước với Giavê, Thiên Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ, họ được chỉ dạy một cái nhìn khác một cái nhìn khác hẳn về thực tại, đón nhận một hệ thống giá trị mới, và điều chỉnh một lối sống hoàn toàn khác. Sống Giao ước một cách đích thực là tôn thờ Thiên Chúa và quan tâm đến quyền lợi và nhu cầu của người khác. Cách duy nhất để bẻ gẫy xiềng xích nô lệ là trở thành người phụng sự Giavê. Trong các cám dỗ nơi sa mạc, Chúa Giêsu cũng chịu đưa dẫn để đi tìm các giá trị hoàn toàn khác với ý Chúa Cha. Người sẽ là một vị Mêsia được Thiên Chúa kêu gọi, hay trở thành một người quyền thế, vinh quang và oai hùng? Chúng ta đều biết.
Trong Mùa Chay chúng ta được mời gọi để kiểm điểm đời sống trong ánh sáng của sự tham dự vào Giao ước của Chúa Kitô. Chúng ta được hướng dẫn để nhận ra một thực tại mới, để sống các giá trị có khi khác xa với bối cảnh văn hoá hiện tại. Chúng ta có thực sự đón nhận và thể hiện trong đời sống chúng ta không?

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2008

Niềm Vui Phản Chiếu

Châm ngôn có câu: " Lòng khoái lạc làm cho mặt mày vui vẻ". Gương mặt đúng là chiếc phong vũ biểu để đo khí hậu trong tâm hồn ta. Gương mặt cho ta thấy có cảm nghĩ gì bên trong.
Ngày xưa khi người ta còn đổ xô đi tìm vàng. Một trong bọn bảo rằng: "Ta phải giữ bí mật, đừng để cho ai biết cả, như thế mình sẽ đào được nhiều hơn". Mọi người cùng đồng ý giữ kín không hé răng.
Nhưng vì không đủ dụng cụ đào, nên phải ra phố mua thêm, sau khi mua đủ đồ nghề, họ mới trở lại vùng mỏ để tìm đào. Nhưng một đám người tìm vàng khác cũng đã theo sát chân họ. Vì nét mặt quá vui mừng của họ chứng minh rằng họ đã tìm ra một nơi có nhiều vàng.
Đúng là trong lòng nghĩ sao ngoài mặt lộ ra vậy.
Ngày xưa lãnh tụ Môise lên núi tiếp kiến Chúa, lúc xuống núi mặt ông sáng rực. Cũng vậy, nếu ta thực sự dành nhiều thời giờ tương giao mật thiết với Chúa, người ta sẽ thấy được qua nét mặt và đời sống chúng ta.
Thế gian tăm tối quanh ta đang cần có những ánh sáng phản chiếu từ gương mặt của chúng ta, để mọi người thấy được đường đi.
Mặt khác, nếu chúng ta sống trong những tham muốn xấu xa, hay nuôi những tư tưởng xấu trong lòng, nét mặt cũng sẽ nói lên đầy đủ.
Mỗi ngày ta sống mong sao phản ánh vẻ đẹp của Chúa thay vì những xấu xa của thế gian này.

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2008

Con Rắn Đã Nói Gì Với Eva

Tôi có đọc bài thơ Nói với Giuđa của Trần Phương Nhã đăng trên Bản tin Tháp Chuông số 31 của Nhà thờ Chính toà Hải Phòng. Tôi tin rằng Nhã không có ý gỡ tội cho Giuđa, mà chủ đích của Nhã là nhằm khai thác cái đề tài mà chúng ta vẫn luôn yêu thích: Đó là Tình Yêu Thương của Chúa. Bài thơ có đại ý thế này: "Chúa nói với Giuđa: Giuđa ơi! Ta chẳng lên án con vì con đã nộp ta lấy túi bạc đâu. Đáng lẽ ra con cứ ung dung mà sống, có trở ngại gì đâu, sao con phải đi tìm cái chết? Con dại khờ và ngốc nghếch quá! Há con chẳng biết Ta đến thế gian này là để yêu thương chứ đâu có đoán phạt gì?"

Thú thật, sau khi đọc bài thơ tôi cũng không ngạc nhiên lắm, bởi lẽ cái "tư duy đổi mới" như thế này bây giờ không phải là cá biệt. Nhã có hiểu hay không cái hành động của một kẻ bán linh hồn cho quỷ dữ như Giuđa, có lẽ cũng không cần phải bàn đến. Dù sao thì hắn cũng đã thuộc về quá khứ và cũng không còn khả năng gây hại cho ai được nữa. Nhưng qua bài thơ của Nhã tôi nhận ra một thực trạng rất đáng được quan tâm, đó là chúng ta đang ra sức khai thác cái Tình Yêu Thương của Chúa theo một hướng mà chúng ta tưởng rằng chúng ta được hưởng lợi nhiều nhất. Ngày hôm nay chắc hẳn mọi người chúng ta chẳng còn ai xa lạ gì với câu nói thế này: ''Chúa là Tình Yêu Thương, Chúa chẳng phạt gì ai đâu". Thật là mãn nguyện! Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì tuỳ ý, sống một đời sống thế nào tuỳ ý, và chúng ta ứng xử với Chúa như thế nào cũng tuỳ ý. Chẳng có gì phải sợ hãi, chẳng có gì phải dè chừng, như Giuđa trong thơ Nhã, Chúa cũng có lên án gì hắn đâu!?

Đời sống Đạo của chúng ta ngày hôm nay có quá nhiều thứ thay đổi đến ngỡ ngàng. Cách sống thực dụng từ bên ngoài đang có rất nhiều cơ hội để tục hoá lẽ Đạo. Những tệ nạn xã hội cũng đang từng bước dạo những gót chân của nó tới những xứ Đạo mà từ bao đời nay rất đỗi yên lành. Phải chăng vì chúng ta đang sống Đạo với cái lối "tư duy đổi mới" như hiện nay?

Chẳng lẽ Chúa mang Tình Yêu Thương đến thế gian này để làm một cuộc dạo chơi thôi sao? Chúa đã phải giang hai tay trên thập giá để giải nghĩa Tình Yêu. Máu của Chúa đổ ra trên đồi Gôlgôtha là để cho được thấm vào tâm hồn chúng ta, là để cho chúng ta được biến đổi, và là để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Đó là chuẩn đích tốt lành của Chúa! Đó là Cứu Độ! Chúng ta đã quá say sưa khai thác Tình Yêu Thương của Chúa, và có lẽ chính vì vậy mà chúng ta có thể quên đi một thuộc tính khác của Chúa là Công Bình và Thánh Khiết.

Ngày xưa, đứng trước trái cấm nơi Vườn Địa Đàng, con rắn quỷ quyệt đã nói những lời rất lọt tai Eva: "Cứ ăn đi, chẳng chết đâu". Ngày hôm nay, thời mở cửa ồ ạt của Công Giáo, đến lượt chúng ta truyền tin cho nhau: "Chúa là Tình Yêu Thương, Chúa chẳng có phạt gì ai đâu". Cũng thật lọt tai chúng ta! Chẳng biết có sự liên hệ gì không giữa hai câu nói này, nhưng tôi đoan chắc rằng nó rất giống nhau.

ntt'