Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Thăng Long: "Vùng Đất Huyền Sử"

Sau ba tuần lễ, tìm lại những dấu chân còn đậm nét của Tổ Tiên, trên vùng đất “Văn Hoá Sông Hồng” tôi trở về nhà, lòng tràn ngập xúc động vui sướng và biết ơn. Tôi tạ ơn Trời Đất đã tạo ra cơ hội và cho phép tôi trở về với Đền Tháp Cổ Loa, đền thờ Thánh Gióng, Hồ Hoàn Kiếm và Đầm Xác Cáo ở Hồ Tây… sau gần 70 tuổi đời thao thức, tìm kiếm, sưu tầm và mộng mơ… cuối cùng, tôi đã đến tận nơi, đã thấy tận mắt, đã thầm thì khấn nguyện với bao nhiêu vong linh đang còn hiện diện rõ nét, trong từng nắm đất, trên từng viên gạch và mái ngói đã đóng lớp rêu phong của tháng ngày.
***

1. Lưỡi gươm của Thần Kim Qui:
Trên Hồ Gươm phải chăng Thần Kim Qui vẫn còn có mặt, như một hôm nào đã hiện lên trao ban thanh kiếm “ Cứu Nước Cứu Nhà” cho một vài vị vua, thuộc nhà Lý, nhà Trần và nhà Lê…?
Nhiều lần đi quanh Hồ Hoàn Kiếm, tôi vẫn còn đặt ra cho mình câu hỏi: phải chăng thanh gươm của Thần Kim Qui chỉ là một huyền thoại vu vơ, không có thực, hay là đã bị đánh mất một cách vĩnh viễn?
Và rồi ngồi xuống trên một ghế đá, nhìn mặt hồ, tôi từ từ đi vào một giấc mơ: tôi đi theo Thần Kim Qui… vào trong các gia đình của người Việt Nam ở Bắc, cũng như ở Nam. Ở trong nước cũng như ở ngoài nước.
Cụ già tới đâu cũng đưa mắt tìm kiếm thanh kiếm ngày xưa. Cụ chỉ thấy tủ lạnh, máy vi tính, đài truyền hình và bao nhiêu vật dụng tối tân và quí giá. Thế rồi, sau bao nhiêu năm bôn ba, cụ phải trở về Hồ Gươm với hai bàn tay trắng. Không một nơi nào, một nhà nào, thậm chí các chùa chiền, đền thờ… còn giữ lại thanh kiếm mà C? đã trao ban. Hôm ấy, bừng tỉnh dậy, tôi buồn một nỗi buồn thấm thía, cơ hồ cụ là tôi và tôi cũng là cụ. Từ hôm ấy, tôi hứa với cụ là sẽ tiếp tục đi tìm thanh gươm trong đáy sâu tâm hồn của những đứa bé “ xấu số” chưa được lưu tâm và chăm sóc, trong lòng quê hương. Hoạ may, trong cái hoạ, vẫn còn cái phúc đang được cất giấu ở dưới những vùng sâu thăm thẳm của nội tâm?

2. Thánh Gióng được gọi lên đường đánh tan giặc Ân:
Theo Sử Sách, giặc từ phía bắc tràn vào xâm chiến Nước Non mang tên là giặc Hán, giặc Nguyên, giặc Minh và giặc Thanh. Không một loại giặc nào mang tên là giặc Ân, tuy dù có một nhà vua của Trung Quốc mang tên là Ân, vào khoảng năm 200 sau công nguyên.
Vậy giặc Ân được Thánh Gióng đánh tan tành là loại giặc nào?
Đến tận vùng núi Sóc Sơn, nơi có Đền Thờ của Ngài, chứng kiến những vết chân ngựa to tướng và bây giờ là những hồ nước chung quanh đền thờ. Tôi mới nhận thức được rằng: giặc Ân đã khởi phát từ trung tâm của Đồng Bằng Sông Hồng.
Thánh Gióng đã dẹp tan giặc Ân ở nơi ấy và bay lên trời từ nơi ấy, chứ không phải ở tận biên thuỳ và từ biên thuỳ xa xôi.
Chừng ấy dữ kiện cho tôi thấy rõ: giặc Ân đã khởi phát ở giữa lòng quê hương, trong thâm cung cõi lòng của con Hồng cháu Lạc. Giặc Ân, trong lối nhìn ấy, là giặc Tình, giặc Nghĩa, giặc quan hệ giữa cha mẹ và con cái, cũng như giữa anh chị em đồng bào. Theo cách nói của Ca Dao, đó là loại giặc giữa “ gà một nhà bôi mặt đá nhau”.
Nguồn gốc phát sinh loại giặc Ân này là tinh thần nhị nguyên đang len lõi nằm vùng, ăn đời ở kiếp, trong chính tâm hồn của mỗi người. Tình anh chị em đồng bào bị chà đạp, vì những lời khẳng định vô căn cứ như:
- Tao tốt, mày xấu,
- Tao hơn, mày thua,
- Tao yêu nước, mày bán nước,
- Tao đúng, mày sai,
- Tao có chân lý, mày phi lý, mày sai lạc.
Vì loài giặc nay đang tung hoành ngang dọc, cho nên người đánh người, người chà đạp, bóc lột, ức hiếp người. Cha mẹ đánh đập con cái. Cho nên, chính chúng ta đã và đang sản xuất những đoàn lủ người trẻ bỏ nhà đi lang thang, cao bồi du đãng, hút xách, nghiện ngập, xì ke, ma tuý, xi đa, cờ bạc, hối lộ, tham tàn, mua bằng cấp, bán chức tước địa vị.
Nhằm đánh tan loại giặc Ân này, Thánh Gióng đã được bà con xa gần nâng đỡ, đóng góp, bằng cách cung cấp “ ngựa sắt, roi sắt, mủ sắt…” nghĩa là ý chí quyết tâm và lòng can đảm vô bến bờ.
Không học lại một lối nhìn, không nghe lại với vành tai xôn xao, không học yêu thương với quả tim của Quan Thế Âm, không mang một tấm lòng cao cả và bao la của trời và đất, làm sao chúng ta có khả năng xây dựng những quan hệ chia sẻ và đồng hành với mỗi người anh chị em đồng bào trên khắp những nẻo đường của Đất Nước?

3. Mỵ Châu không có đầu
Đằng sau Đền Thờ tại Cổ Loa, Mỵ Châu được tôn kính như một vị thần đích thực. Những bức tượng của Mỵ Châu không có đầu, đằng sau những lớp áo quần trang sức rất sang trọng và quí giá.
Đứng trước bức tượng này, tôi đã rất xúc động tưởng nghĩ đến nàng công chúa, đứa con độc nhất của vua An Dương Vương, bị vua cha rút gươm chém mất đầu, trên đường tránh nạn.
Ai là nguyên nhân gây ra tấn bi kịch hãi hùng và khủng khiếp này? Vua An Dương Vương, Trọng Thuỷ, Mỵ châu hay là Triệu Đà?
Theo tôi, tất cả bốn nhân vật đều “ đồng trách nhiệm” nghĩa là đã đóng góp phần mình, một cách tích cực để gây ra sự cố vô ích và vô nghĩa ấy:
- Mỵ châu vì nhẹ dạ, thiếu suy nghĩ, nên đã bộc lộ bí mật quốc phòng cho ngoại lai.
- Trọng Thuỷ đã phản bội quan hệ vợ chồng để rồi phải mất người yêu và mất tất cả ý nghĩa của cuộc sống.
- Triệu Đà nhận được gì khi đánh mất lòng liêm sĩ của mình và tính mạng của đứa con thân yêu?
- An Dương Vương tạo được gì khi rút gươm chém đầu đứa con gái độc nhất của và yêu quí của mình trước khi đi vào con đường tự vẫn vì thất vọng?
Nếu ai ai cũng ý thức một cách sáng suốt, đến vai trò và trách nhiệm đóng góp của mình, trong điều lành cũng như việc xấu, chắc họ đã tạo cho mình một tầm nhìn tòan diện và xây dựng hơn.
Đất Nước sẽ như thế nào, nếu ai ai cũng hiểu rõ trách nhiệm đóng góp và chia sẻ của mình trong lời ăn tiếng nói?
Ai buồn mà lòng tôi không tìm lời ủi an?
Ai đói rách mà tôi không tìm cách đùm bọc với tất cả tấm lòng?
Hẳn thực đất nước là một bãi tha ma, chết chốc, điêu tàn và tuyệt vọng, nếu mỗi người khẳng định “ Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi”

4. Đầm xác Cáo ở Hồ tây
Từ đời Lạc Long Quân cho đến ngày hôm nay, thuộc thời đại nghìn năm thứ ba, ba con yêu tinh đang tàn phá Đất Nước và giết hại anh chị em đồng bào .Đó là Mộc Tinh, một cây Chiên Đàn mất gốc và mất rễ, không còn khả năng toả bóng mát giữa trưa hè đứng ngọ.
Ngư tinh là con cá làm ô nhiễm và tê liệt mọi dòng sông và đường nước của quê hương, khả dĩ đầu độc mọi mầm sống trong hàng ngủ giới trẻ.
Con yêu tinh nguy hại hơn tất cả là những con cáo, con chồn mang tên là Hồ Tinh ẩn núp trong các hang động u tối. Đêm đêm chúng nó hiện hình thành người, đi ra các thôn xóm, bắt cóc đàn bà và trẻ con đem về thoả mản tình dục của mình.
Nếu chúng ta không tàn diệt những con yêu tinh “ mất gốc, mất rể”, đầu độc và làm ô nhiễm giới tre, cũng như đàn áp và bóc lột anh chị em đồng bào, công việc xây dựng Đất Nước của chúng ta chỉ là: “ Nước rơi đầu vịt” hay là “ Dả tràng xe cát biển đông”. Tất cả kỳ vỉ của Lạc Long Quân đã bắt đầu từ đo, bằng cách mở bờ đê Yên Phụ cho nước sông Hồng ùa vào hồ Tây và làm tràn ngập mọi hang động ẩn núp của Hồ Tinh. Chính vì lý do này, Hồ tây còn mang tên là Đầm Xác Cáo. Đó là nơi Hồ Tinh bị tiêu diệt.
Để xây dựng đất nước và phục vụ anh chị em đồng bào một cách thiết thực và hữu hiệu, phải chăng ngày hôm nay chung ta cần quyết tâm hội nhập văn hoá Sông Hồng vào trong cuộc sống cụ thể hằng ngày, nghĩa là khước từ mọi tư duy bốc lột và đàn áp người anh chị em trên khắp mọi hang cùng ngỏ hẻm của đất nước. Khi tôi chia sẻ một nửa bát cơm, tôi còn giữ lại một nửa bát. Khi tôi chia sẻ căn nhà cho một người qua đêm, căn nhà trọn vẹn vẫn thuộc về tôi. Khi tôi chia sẻ một tấm lòng như Nguyễn Trãi, con người tôi trở nên “ Vạn Xuân” nghĩa là bất tử và bất diệt. Nhờ đó Đất Nước và Quê Hương sẽ trưởng tồn muôn thế hệ.

5. Lãnh đạo trong lòng Quê Hương:
Bước chân lên những vùng đất như Chương Dương, Thiên Trường, Mê Linh… hình ảnh thân thương của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng lại hiện về trong tâm tương và nhớ thương.
- Bài Hịch Tướng Quân, trước khi xuất trận của Tướng Nhà Lý: “ Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Vương” (Nước non của Xứ Nam do người Nam xây dựng và làm chủ) …
- Câu trả lời của Tướng Nhà Trần, khi nhà vua đến tham vấn “ nên đánh hay đầu hàng” để cho dân khỏi lầm than cơ cực: “ Xin Bệ Hạ hãy chém rơi đầu Trẩm, trước khi ra hàng”…
- Thái độ “ nắm gai nếm mật” của Hai Bà Trưng với binh sỉ và dân chúng…
Ba tấm gương sáng ngời ấy đã chứng minh rõ ràng: Văn Hoá sông Hồng có khả năng tôi luyện và tạo dựng những vị lãnh đạo chiều ngang ( lateral leadership): biết lắng nghe người dân, biết đồng hành và chia sẻ với người ở dưới, trong mọi tình huống thuận lợi cũng như bất lợi. Hơn là rót xuống những mệnh lệnh từ trên và từ ngoài.
Trong suốt gần 3 tuần lễ, tôi đã có nhiệm vụ điều hợp một khoá học căn bản cho các cha mẹ có con cái mang trên mình một vài dấu hiệu tự kỷ (autism). Tôi được ở trọ trong ngôi nhà của Tổng giám Mục Hà Nội. Ngôi nhà này không phải là một toà nhà cửa đóng then gài. Suốt ngày ngôi nhà mở rộng cửa cho mọi người dân, đón tiếp mọi tầng lớp xã hội, thậm chí những cha mẹ đem con lên Thủ Đô khám bệnh, nhưng không có đủ tiền thuê quán trọ nghỉ đêm.
Điều làm cho tôi xúc động rất mạnh là khi vị Tổng Giám Mục dâng lể ban sáng, một thầy phó tế là người có nhiệm vụ chia sẻ tin mừng cho vị chủ tế và toàn thể cộng đoàn dự lễ. Người lớn nhất khiêm cung lắng nghe người nhỏ nhất rao giảng Tin Mừng cho mình. Lại một lần nữa, tôi có dịp chứng nghiệm thế nào là lãnh đạo chiều ngang, trên vùng đất thuộc văn hoá Sông Hồng, trong lãnh vực sống Đức Tin giữa lòng dân tộc con Rồng cháu Tiên.

***

Em thân mến,
Tôi đã xúc động bày tỏ cho em về những trải nghiệm của mình trên suốt chặng đường trở về với chiếc nôi văn hoá Sông Hồng. Tôi đã kể lại những gì mắt thấy, tai nghe, và hai tay tiếp cận cũng như cảm nhận về vùng đất Huyền Sử là Thủ Đô Hà Nội và các vùng kế cận. Để em có thể lãnh hội thế nào là “ vùng đất Huyền Sử”, tôi đề nghị em hãy tìm xem cuốn phim của walt Disney đang được trình chiếu ở Việt Nam trong suốt mùa hè này. Cuốn phim bắt nguồn từ tác phẩm của tác giả người Anh là Carl Lewis “ the chromicles of Narnia”
Cô bé Lucy vào một ngày mưa, đã tham dự trò chơi trốn tìm với chị và hai anh. Vào ẩn núp đằng sau một cánh cửa của tủ áo quần, Lucy đã từ từ tiến lên và khám phá một vùng đất huyền thoại. Trong xứ sở ấy, loài vật biết nói, những hàng cây lam công việc đưa tin từ địa điểm này qua địa điểm khác, bằng cách gửi đi những trận mưa hoa trắng tinh và nhẹ nhàng. Một con Sư Tử sẳn sàng xuất hiện, để bên vực những người anh chị em bị đe doạ và áp bức. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ, con sư tử lại ra đi một cách thầm lặng và kín đáo. Ngược lại, một bà phù thuỷ rảo quanh khắp nơi để rình rập, đe doạ, đàn áp, trừng phạt, bắt bớ. Chỗ nào bà phù thuỷ đi qua, chỗ ấy tuyết rơi tràn ngập, mùa đông len lỏi vào trong mọi cuộc sống và làm khô cứng những tiếp xúc và trao đổi
Cô bé Lucy đã mang đến niềm hy vọng và niềm tin cho vùng đất khô cứng và tê liệt ấy. Với nước mắt và nụ cười, cô bé đã chuyển biến mùa đông bất tận thành mùa xuân vĩnh cữu. Chuyển biến huyền thoại đầy lớp rêu phong thành thực tại sôi động muôn màu, muôn sắc. Chuyển biến những con thú kỳ dị, lạ lùng, hì hợm… thành những người bạn thiết thân, những anh chị em biết chia sẽ và đồng hành.
Tất cả vấn đề còn lại đang đợi chờ em và tôi là khám phá và sáng tạo một cánh cửa, để “ vượt qua” và có khả năng “ thấy những điều vô hình” trên vùng đất huyền sử thuộc nền văn hoá Sông Hồng.

Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2006
Tác giả: Nguyễn Văn Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét