Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

Bản Lạ Nơi Thung Lũng Mai Châu

Tôi chọn thung lũng Mai Châu, bản Lác, một bản người Thái (Hòa Bình) cho chuyến du Xuân đầu năm. Những nếp nhà sàn xinh xắn lấm tấm nắng Xuân vàng đẹp như thơ, như tranh vẽ. Cô con gái của tôi vô cùng thích thú ngắm nghía những dẫy phố nhà sàn lạ mắt và tung tăng dạo chơi không biết mệt. (Bản Lác giống giống như một khu phố nhỏ).

IMG_2392 by you.

Là một địa danh du lịch khá nổi tiếng, và cả bản Lác này sống bằng nghề khai thác du lịch nhưng con người nơi đây rất đơn sơ, mộc mạc và ngay lành. Những ngôi nhà sàn khang trang được dựng lên để đón khách, để kinh doanh, rất nhiều những mặt hàng thổ cẩm và những đặc sản khác của vùng này được bày bán và (dĩ nhiên) mong được đắt hàng... Nhưng tuyệt nhiên không hề có một sự chèo kéo hay một lời mời mọc nào đeo bám du khách.
Không một barie, không một cửa soát vé, không một bóng "an ninh bản" (như kiểu an ninh xã, phường đeo cái băng đỏ đứng ra thu tiền này nọ thường thấy ở những nơi có thăm quan, du lịch).
Không có những dịch vụ "ăn theo" đáng ngờ và dễ gây phản cảm như gội đầu, xoa bóp, karaoke...
Du khách đến đây hoàn toàn có thể tận hưởng một không khí thật sự trong lành.

IMG_2540 IMG_2504 by thaithanhhf
IMG_2311 IMG_2309

Bản Lác không rộng, đường nội bản chỉ khoảng 1km chia thành nhiều nhánh từa tựa kiểu ô bàn cờ với những hộ gia đình rất gọn gàng, sạch sẽ. Khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ, dễ chịu.
Lác tiếng Thái nghĩa là lạ. Bản Lác: Bản Lạ! Cái lạ trong cảm nhận của tôi là cảnh sắc và con người đều mang chứa những nét nguyên sơ rất đẹp, rất xưa, và rất đỗi yên bình. (Có thể người khác hiểu khác và cảm nhận khác về từ lạ này).

IMG_2397 IMG_2496
IMG_2502 by t.hopthu IMG_2503

Bao quanh thung lũng Mai Châu là những cánh rừng xanh ngút ngàn miền Tây Bắc. Tôi cho con gái đi dạo chơi thỏa thích bên những bờ suối, bên những tảng đá và trên những đường mòn nho nhỏ... Ở đây có thể lang thang cả ngày trong rừng vắng mà không phải sợ có một thứ tai họa nào rình rập.
IMG_2427 by thaithanhhf.
IMG_2454 IMG_2448
IMG_2445 IMG_2429

Đêm vui lửa trại với rượi cần và với những điệu múa Xoan, múa Xòe của các cô gái Thái đã làm nên nét hấp dẫn du lịch rất riêng ở bản Lác này. Tôi nhớ câu thơ rừng rực cảm xúc của nhà thơ Quang Dũng trong bài "Tây Tiến": "...bừng lên hội đuốc hoa. Kìa em xiêm áo tự bao giờ". Các cô gái Thái nơi thung lũng Mai Châu này quả là rất đẹp, và đẹp cách rực rỡ trong những điệu múa truyền thống.

IMG_2324 by you.
IMG_2339 by you.

Nhớ đến "Tây Tiến" của nhà thơ Quang Dũng tôi lại nhớ đến một câu thơ rất hay khác: "Mai Châu mùa em cơm nếp xôi". Giờ đây giống lúa nương Mai Châu đã có phần mai một, người Thái ở Mai Châu mải làm du lịch nên không mấy chú tâm đến làm lúa nữa. Cũng hơi tiếc. Tôi nói điều này với một cô gái Thái, cô cười: "Anh không phải tiếc đâu, ở đây không bao giờ hết nếp nương. Bây giờ còn có thêm món cơm lam nữa, cũng được nấu từ những hạt nếp nương và cũng rất đặc sản Mai Châu. Đến Mai Châu mà anh không thưởng thức món cơm lam thì mới thật là đáng tiếc...". Tôi hơi ngạc nhiên bởi cách "quảng bá" nhanh nhạy và rất có cảm tình này! Là những người tiếp xúc thường xuyên với khách du lịch, các cô gái ở đây cũng rất khéo léo, nhưng là cái khéo léo hoàn toàn yên tâm chứ không hề ẩn chứa sự ranh ma, lọc lõi.


Tạm biệt thung lũng Mai Châu, tạm biệt bản Lác, tạm biệt những cánh rừng xanh ngút ngàn miền Tây Bắc, tôi mang về một cảm tình đặc biệt với lối làm du lịch ngay lành và rất thu hút du khách của người Thái. Cảnh sắc thanh bình cùng với lòng người lương thiện nơi bản Lạ xa xôi ấy đã cho tôi một chuyến du Xuân đầy ấn tượng.

Mùa Xuân 2010 - ntt


Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Nữ Sĩ Huyền Thoại Của Thơ Ca Mỹ

Emily Elizabeth Dickinson (1830- 1886), sinh ra ở Amherst, Massachusetts, trở thành một nữ sĩ bí ẩn của thể kỷ 19, với biệt danh " Huyền Thoại" (Myth), được coi là một trong số rất ít các nhà thơ lớn của Mỹ, và có ảnh hưởng đáng kể đến thơ ca hiện đại. 

Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Emily, gần 1.800 bài thơ, ở giữa lưng chừng thế kỷ 19, nhưng thơ của Emily lại thuộc vào thế kỷ 20, bởi vì đến khoảng năm 1955, nó mới được ấn hành hầu như toàn bộ. Sinh thời Emily chỉ cho in có 7 bài thơ của mình.

Những bài thơ của Emily đều ở dạng lời ngắn gọn, cô đọng, tinh tế, không xa hoa, giầu vẻ đẹp thiên nhiên, kinh nghiệm về tình yêu và mất mát...  
 
 dickinson.jpg, 175 KB 
  Emily Elizabeth Dickinson   
Người ta còn gọi Emily là "Ẩn sĩ ở Amherst" hay có khi là "Người đẹp ở Amherst" vì suốt cả tuổi đôi mươi  Emily  đã sống ẩn mình trong ngôi nhà ở Amherst, hầu như không làm gì hết ngoài làm thơ.

Bạn bè  nhận xét về Emily: "không đẹp, nhưng có vẻ đẹp tuyệt vời", còn Emily, tự họa chân dung mình: "Tôi không có ảnh. Tôi bé nhỏ, tựa như chim chích. Tóc tôi sẫm tối, màu hạt dẻ. Và đôi mắt tôi thì giống giọt rượi sherry còn sót lại trong đáy cốc của khách".

Emily tin rằng:
Thiên đàng ai không tìm thấy
Dưới thế gian này
Sẽ không tìm được ở trên cao


Những đứa trẻ thường chờ dưới cửa sổ nhà Emily để Emily thả xuống cho chúng những bánh kẹo đựng trong một chiếc giỏ xinh xắn.

Coi là một lập dị của người dân địa phương, Emily đã trở thành nổi tiếng với sở thích của mình cho quần áo màu trắng và rất miễn cưỡng chào đón khách hoặc đi ra ngoài. Emily rất ít bạn bè và người quen. Những người bạn lâu năm cũng hiếm khi được nhìn thấy Emily.

Emily không bao giờ kết hôn với bất cứ ai nhưng đã rơi vào tình yêu với một ai đó.

Giữa những người ít ỏi mà Emily giao lưu thâm tình là Mục sư Charles Wadsworth mà cô gọi là "người bạn thân yêu nhất trần gian" đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống và thơ của Emily nhưng rồi cũng chia xa trong cay đắng. Emily viết: " Tôi mang một nỗi kinh hoàng không biết ngỏ cùng ai và thế là tôi ca hát, như đứa bé hát ca ngoài bãi tha ma..."

Còn có một tình bạn đặc biệt và là rất quan trọng với Emily khi Emily ở vào độ tuổi chưa đầy 20 và bắt đầu viết thơ: Benjamin Franklin Newton, một nhân viên trẻ trong văn phòng luật sư của cha Emily, đã giúp hướng dẫn Emily trong sự phát triển sáng tác, và cũng là người đầu tiên nhận ra tài năng của Emily. Ngay cả sau khi Benjamin kết hôn và chuyển đi khỏi Amherst, tình bạn giữa Emily và Benjamin cũng vẫn được duy trì qua những thư từ trao đổi.

Emily sống cùng thời với nhà thơ vĩ đại Whitman, nhưng cả hai không biết gì về nhau, dù cả hai đều trở thành hai dòng chảy mãnh liệt nhất của thơ ca Mỹ. Emily và Whitman đồng hành mà tách biệt, đối lập về thi học cũng như phong cách, nhân cách...

Có người gọi Emily là "Đóa hoa toàn bích nhất của tư tưởng siêu nghiệm New England".

Thơ Emily phản ảnh sự cô đơn và tâm trạng thiếu thốn tình cảm, nhưng cũng ghi nhận những khoảnh khắc đầy cảm hứng, chứa chan sức sống và hứa hẹn một tương lai hạnh phúc. Emily chịu ảnh hưởng rõ rệt từ những nhà thơ Siêu hình của Anh quốc thế kỷ 17, cùng với ảnh hưởng của Thanh giáo New England và Sách Khải Huyền (trong Kinh Thánh).

Từ khung cửa nhỏ hẹp ở Amherst, cái nhìn của Emily chiếu lên thế giới nội tâm một ánh sáng diệu kỳ khiến cho con ong, chiếc lá, ngọn núi, giọt sương, cái chết, sự bất tử, niềm tin... như quần tụ lại, như "gia đình hóa", và mở ra một cửa sổ thần tiên.

Emily không chú ý gì đến danh vọng, thích làm một người "không là ai", chỉ viết thơ như thể cho riêng mình. Gần 1800 bài thơ của Emily (ngoại trừ 7 bài thơ Emily cho in lúc sinh thời) ẩn dật hàng thế kỷ như chính cuộc đời huyền thoại đầy bí ẩn của người nữ sĩ, để rồi đột nhiên tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời thi ca Mỹ thế kỷ 20.

         HP tháng 8/2010, ntt



  
  

      Thơ Emily Elizabeth Dickinson  
                    Nhật Chiêu
chuyển ngữ


       KHÓC

       Khóc chỉ là chuyện nhỏ
       Thở dài là cái thoáng qua
       Nhưng đi hết những chiều kích ấy
       Gái trai sẽ chết thôi mà



       KHÔNG AI

       Tôi là không ai cả!
       Còn anh, anh là ai?
       Anh cũng là không ai chứ?
       Chúng ta thành đôi
       Và cùng nhau sánh bước
       Trong cuộc lưu đầy

       Đáng sợ phải là ai đó
       Phơi mặt giữa đời
       Như là chú ếch xưng tên tuổi
       Trước một ao đầm bái phục ngươi!



       TÔI SẼ MANG ĐẾN ĐẤY

       Khi đến với người tôi sẽ
       Không mang theo bản thân mình
       Nhỏ nhoi gánh hàng ấy
       Mang đến cũng bằng không

       Tôi sẽ mang đến đấy
       Diệu kỳ một trái tim
       Mà tôi không đủ sức
       Mang chứa ở trong mình

       Trong tôi từng ấp ủ
       Trái tim ấy mênh mông
       Và tim tôi từ đó
       Cũng lớn lên không ngừng

       Tim tôi càng lớn rộng
       Người trở lên lạ lùng
       Trái tim này bát ngát
       Người làm sao bao dung? 



       NGÔI NHÀ CỦA HOA HỒNG

       Xin anh đừng đến gần quá
       Ngôi nhà của đóa hoa hồng
       Bạo tàn cơn gió nhẹ
       Lũ lụt giọt sương con
       Xô tường nhà nghiêng ngả
       Xin anh đừng đến quá gần

       Cánh bướm xin đừng buộc lại
       Mê cuồng xin chớ leo song
       Và trong nỗi mong manh ấy
       Là nơi vui mãi đọng nguồn
 
  
 

   KHÔNG BAO GIỜ AI HIỂU

   Chúng ta học tất cả
   Mọi điều về tình yêu
   Những vần và những chữ
   Không thiếu một chương nào,
   Học đến toàn bộ sách
   Kết thúc luôn nhiệm màu!

   Nhưng sao trong ánh mắt
   Vẫn dại hơn bao giờ
   Nỗi dại khờ huyền bí
   Còn hơn cả trẻ thơ

   Ai cũng là đứa bé
   Cố nói lên những điều
   Không bao giờ ai hiểu
   Trong cuộc tìm ra nhau

   Cái biết kia bát ngát
   Sự thật ôi muôn màu!



   KHI TRÍ NHỚ
   KHÔNG CÒN CỘI RỄ

   Khi trí nhớ không còn cội rễ
   Không làm sao bắt nó lên xanh
   Chung quanh đất dù nện kỹ
   Và đem dựng thẳng cây cành

   Có thể anh lừa vũ trụ
   Hồi sinh cây trái, đừng hòng
   Ký ức như chân tùng bách
   Âm thầm mang đế kim cương

   Khi trí nhớ một lần đã mọc
   Không làm sao đốn hạ đời cây
   Vẫn vươn lên chồi thép mới
   Cây ngã còn ra lộc đầy.



   MỖI CON CHIM

   Mỗi con chim
   Chúa đều cho ổ bánh
   Còn tôi vụn bánh rơi,
   Mà tôi đâu dám nếm
   Dẫu đói lòng Chúa ơi!

   Tôi xa hoa đau xót
   Xem mình như chủ nhân
   Có vụn bánh thừa như có một kỳ công!

   Tôi xiết bao hạnh phúc
   Vì đã được chia phần
   Của loài chim sẻ
   Nào dám ước mong hơn... 
  

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

Mùa Thương


                                               
  
              
                    Ta lạc vào mùa thương
                    Mới hay thiên đường chín rục
                    Trái cấm tình yêu có tự bao giờ
                    Ta một mình hái những ước mơ
                    Giấu nỗi nhớ khi tình xa cách
                    Lạc vào mùa thương
                    Mới hay tình là khách
                    Khi đến khi đi thật bất ngờ
                    Thuở yêu người chợt thấy ngu ngơ
                    Và vụng dại như thời mới lớn
                    Lạc vào mùa thương
                    Là chìm trong cõi nhớ
                    Là triền miên trong khắc khoải đợi chờ
                    Rồi một ngày rời khỏi bến mơ
                    Luyến tiếc mãi cho một thời đi lạc.

                                                        
(Không biết tác giả)


                 
                Về Chốn Thiên Đường - Mỹ Tâm 

Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

Con Số Một

Có những thứ trên đời mình chỉ có thể có một. Trăm ngàn triệu triệu số một chỉ tạo nên có một cuộc đời...
Chỉ có một người mẹ, một người ông, một người bà... để mà yêu thương. Chỉ có một trái tim, một cái đầu, một bộ óc... để mà suy nghĩ, mà chứa đựng cuộc sống cả trăm điều vạn điều vào đó. Chỉ có một lần đầu tiên chui ra từ bụng mẹ để bắt đầu một cuộc thăng trầm. Chỉ có một lần được nghỉ ngơi một cách êm đềm nhất, bỏ hết những âu lo và cả những yêu thương lại phía sau.Có những thứ trên đời tưởng chừng rất nhiều nhưng xét cho cùng cũng chỉ có một.
Thời gian là vô tận nhưng mỗi khoảnh khắc chỉ trôi qua một lần. Chỉ có một ngày sinh nhật tuổi 15, một ngày sinh nhật tuổi 20... Chỉ có một lần bước chân vào trường tiểu học, một lần đầu tiên gặp một ai đó, một lần sau cùng chia tay ai đó... Dù là sau này có thể gặp rất nhiều lần đầu tiên nữa nhưng đã là với người khác mất rồi.
Có những thứ trên đời rất nhiều, nhưng chỉ có thể chọn một. Người ta thường chọn món ăn xong rồi lại thèm món của người bên cạnh, vì một lần chỉ nên ăn một bữa ăn. Dạ dày con người thường hẹp. Trái tim con người vốn cũng rất hẹp, chỉ có thể chứa được một người.
Hoàng tử Bé chỉ có một. Trăm năm ngàn năm sẽ không bao giờ có một hoàng tử bé thứ hai. Hoa hồng của hoàng tử cũng chỉ có một. Dù trên thế gian có triệu triệu khu vườn, mỗi khu vườn có trăm ngàn đóa hồng giống hệt nhau, cuối cùng cũng chỉ có một đóa hồng cậu đã chăm sóc, đã yêu thương, đã giận hờn...Thế gian thì vô cùng. Ước mơ thì vô tận. Hoàng tử bé đi chu du khắp các thiên hạ cuối cùng vẫn đau đáu nhớ về cái hành tinh bé nhỏ của mình.
Số một cũng có nghĩa là nhất. Có cái nhất vì có nhiều. Có cái nhất vì không thể đồng đều. Mặc dù không phải lúc nào cũng dễ quyết định cái nào là nhất. Có những cái nhất chỉ có trong một khoảnh khắc, bước sang khoảnh khắc khác đã phải nhường ngôi. Vị trí cao nhất thường là vị trí bấp bênh nhất.
Bạn yêu thương điều gì nhất trong đời?
Cái làm cho tôi tò mò nhất từ bé đến giờ là lý thuyết về lỗ đen vũ trụ. Cái gì phía sau đó? Không ai biết. Đã rơi vào đó, không thứ gì, kể cả ánh sáng, có thể thoát ra.
Giả sử, chỉ là giả sử thôi, có ai đó đoan chắc với bạn, rơi vào lỗ đen vũ trụ bạn sẽ không chết mà trở nên hạnh phúc nhất đời, cảm thấy được những niềm vui trên đời này không có, sống được một cuộc sống khác mà mỗi khoảnh khắc cũng đáng giá cả một cuộc đời. Chỉ có điều là vĩnh viễn không thể quay lại được. Bạn có bước vào đó không?
99,99% sẽ trả lời là không. Tôi cũng vậy, tôi trả lời không. Mặc dù cuộc sống bây giờ chỉ tạm bình thường.Giả sử ngược lại, bạn rơi vào đó người bạn yêu thương nhất sẽ được hưởng cuộc sống thần tiên ấy, niềm hạnh phúc bất tận ấy, bạn có bước vào không?
Tôi gật đầu. Nhưng rồi tôi phải suy nghĩ xem chọn ai để làm người được hưởng hạnh phúc ấy.
Thật khó. Hóa ra bạn không thể mang cả cuộc sống mà trao hết cho một người.
Số một là duy nhất, là độc đoán, là bướng bỉnh, là cố chấp.
Mọi thứ bắt đầu ở nó. Nhưng không thể mãi là nó.
Có khi phải là nó. Có khi tự hỏi vì sao phải là nó.
Cuộc đời chứa đầy những số một.
Trăm ngàn triệu triệu số một chỉ tạo nên có một cuộc đời...

Trích: Tâm Linh Vào Đời

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Thăng Long: "Vùng Đất Huyền Sử"

Sau ba tuần lễ, tìm lại những dấu chân còn đậm nét của Tổ Tiên, trên vùng đất “Văn Hoá Sông Hồng” tôi trở về nhà, lòng tràn ngập xúc động vui sướng và biết ơn. Tôi tạ ơn Trời Đất đã tạo ra cơ hội và cho phép tôi trở về với Đền Tháp Cổ Loa, đền thờ Thánh Gióng, Hồ Hoàn Kiếm và Đầm Xác Cáo ở Hồ Tây… sau gần 70 tuổi đời thao thức, tìm kiếm, sưu tầm và mộng mơ… cuối cùng, tôi đã đến tận nơi, đã thấy tận mắt, đã thầm thì khấn nguyện với bao nhiêu vong linh đang còn hiện diện rõ nét, trong từng nắm đất, trên từng viên gạch và mái ngói đã đóng lớp rêu phong của tháng ngày.
***

1. Lưỡi gươm của Thần Kim Qui:
Trên Hồ Gươm phải chăng Thần Kim Qui vẫn còn có mặt, như một hôm nào đã hiện lên trao ban thanh kiếm “ Cứu Nước Cứu Nhà” cho một vài vị vua, thuộc nhà Lý, nhà Trần và nhà Lê…?
Nhiều lần đi quanh Hồ Hoàn Kiếm, tôi vẫn còn đặt ra cho mình câu hỏi: phải chăng thanh gươm của Thần Kim Qui chỉ là một huyền thoại vu vơ, không có thực, hay là đã bị đánh mất một cách vĩnh viễn?
Và rồi ngồi xuống trên một ghế đá, nhìn mặt hồ, tôi từ từ đi vào một giấc mơ: tôi đi theo Thần Kim Qui… vào trong các gia đình của người Việt Nam ở Bắc, cũng như ở Nam. Ở trong nước cũng như ở ngoài nước.
Cụ già tới đâu cũng đưa mắt tìm kiếm thanh kiếm ngày xưa. Cụ chỉ thấy tủ lạnh, máy vi tính, đài truyền hình và bao nhiêu vật dụng tối tân và quí giá. Thế rồi, sau bao nhiêu năm bôn ba, cụ phải trở về Hồ Gươm với hai bàn tay trắng. Không một nơi nào, một nhà nào, thậm chí các chùa chiền, đền thờ… còn giữ lại thanh kiếm mà C? đã trao ban. Hôm ấy, bừng tỉnh dậy, tôi buồn một nỗi buồn thấm thía, cơ hồ cụ là tôi và tôi cũng là cụ. Từ hôm ấy, tôi hứa với cụ là sẽ tiếp tục đi tìm thanh gươm trong đáy sâu tâm hồn của những đứa bé “ xấu số” chưa được lưu tâm và chăm sóc, trong lòng quê hương. Hoạ may, trong cái hoạ, vẫn còn cái phúc đang được cất giấu ở dưới những vùng sâu thăm thẳm của nội tâm?

2. Thánh Gióng được gọi lên đường đánh tan giặc Ân:
Theo Sử Sách, giặc từ phía bắc tràn vào xâm chiến Nước Non mang tên là giặc Hán, giặc Nguyên, giặc Minh và giặc Thanh. Không một loại giặc nào mang tên là giặc Ân, tuy dù có một nhà vua của Trung Quốc mang tên là Ân, vào khoảng năm 200 sau công nguyên.
Vậy giặc Ân được Thánh Gióng đánh tan tành là loại giặc nào?
Đến tận vùng núi Sóc Sơn, nơi có Đền Thờ của Ngài, chứng kiến những vết chân ngựa to tướng và bây giờ là những hồ nước chung quanh đền thờ. Tôi mới nhận thức được rằng: giặc Ân đã khởi phát từ trung tâm của Đồng Bằng Sông Hồng.
Thánh Gióng đã dẹp tan giặc Ân ở nơi ấy và bay lên trời từ nơi ấy, chứ không phải ở tận biên thuỳ và từ biên thuỳ xa xôi.
Chừng ấy dữ kiện cho tôi thấy rõ: giặc Ân đã khởi phát ở giữa lòng quê hương, trong thâm cung cõi lòng của con Hồng cháu Lạc. Giặc Ân, trong lối nhìn ấy, là giặc Tình, giặc Nghĩa, giặc quan hệ giữa cha mẹ và con cái, cũng như giữa anh chị em đồng bào. Theo cách nói của Ca Dao, đó là loại giặc giữa “ gà một nhà bôi mặt đá nhau”.
Nguồn gốc phát sinh loại giặc Ân này là tinh thần nhị nguyên đang len lõi nằm vùng, ăn đời ở kiếp, trong chính tâm hồn của mỗi người. Tình anh chị em đồng bào bị chà đạp, vì những lời khẳng định vô căn cứ như:
- Tao tốt, mày xấu,
- Tao hơn, mày thua,
- Tao yêu nước, mày bán nước,
- Tao đúng, mày sai,
- Tao có chân lý, mày phi lý, mày sai lạc.
Vì loài giặc nay đang tung hoành ngang dọc, cho nên người đánh người, người chà đạp, bóc lột, ức hiếp người. Cha mẹ đánh đập con cái. Cho nên, chính chúng ta đã và đang sản xuất những đoàn lủ người trẻ bỏ nhà đi lang thang, cao bồi du đãng, hút xách, nghiện ngập, xì ke, ma tuý, xi đa, cờ bạc, hối lộ, tham tàn, mua bằng cấp, bán chức tước địa vị.
Nhằm đánh tan loại giặc Ân này, Thánh Gióng đã được bà con xa gần nâng đỡ, đóng góp, bằng cách cung cấp “ ngựa sắt, roi sắt, mủ sắt…” nghĩa là ý chí quyết tâm và lòng can đảm vô bến bờ.
Không học lại một lối nhìn, không nghe lại với vành tai xôn xao, không học yêu thương với quả tim của Quan Thế Âm, không mang một tấm lòng cao cả và bao la của trời và đất, làm sao chúng ta có khả năng xây dựng những quan hệ chia sẻ và đồng hành với mỗi người anh chị em đồng bào trên khắp những nẻo đường của Đất Nước?

3. Mỵ Châu không có đầu
Đằng sau Đền Thờ tại Cổ Loa, Mỵ Châu được tôn kính như một vị thần đích thực. Những bức tượng của Mỵ Châu không có đầu, đằng sau những lớp áo quần trang sức rất sang trọng và quí giá.
Đứng trước bức tượng này, tôi đã rất xúc động tưởng nghĩ đến nàng công chúa, đứa con độc nhất của vua An Dương Vương, bị vua cha rút gươm chém mất đầu, trên đường tránh nạn.
Ai là nguyên nhân gây ra tấn bi kịch hãi hùng và khủng khiếp này? Vua An Dương Vương, Trọng Thuỷ, Mỵ châu hay là Triệu Đà?
Theo tôi, tất cả bốn nhân vật đều “ đồng trách nhiệm” nghĩa là đã đóng góp phần mình, một cách tích cực để gây ra sự cố vô ích và vô nghĩa ấy:
- Mỵ châu vì nhẹ dạ, thiếu suy nghĩ, nên đã bộc lộ bí mật quốc phòng cho ngoại lai.
- Trọng Thuỷ đã phản bội quan hệ vợ chồng để rồi phải mất người yêu và mất tất cả ý nghĩa của cuộc sống.
- Triệu Đà nhận được gì khi đánh mất lòng liêm sĩ của mình và tính mạng của đứa con thân yêu?
- An Dương Vương tạo được gì khi rút gươm chém đầu đứa con gái độc nhất của và yêu quí của mình trước khi đi vào con đường tự vẫn vì thất vọng?
Nếu ai ai cũng ý thức một cách sáng suốt, đến vai trò và trách nhiệm đóng góp của mình, trong điều lành cũng như việc xấu, chắc họ đã tạo cho mình một tầm nhìn tòan diện và xây dựng hơn.
Đất Nước sẽ như thế nào, nếu ai ai cũng hiểu rõ trách nhiệm đóng góp và chia sẻ của mình trong lời ăn tiếng nói?
Ai buồn mà lòng tôi không tìm lời ủi an?
Ai đói rách mà tôi không tìm cách đùm bọc với tất cả tấm lòng?
Hẳn thực đất nước là một bãi tha ma, chết chốc, điêu tàn và tuyệt vọng, nếu mỗi người khẳng định “ Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi”

4. Đầm xác Cáo ở Hồ tây
Từ đời Lạc Long Quân cho đến ngày hôm nay, thuộc thời đại nghìn năm thứ ba, ba con yêu tinh đang tàn phá Đất Nước và giết hại anh chị em đồng bào .Đó là Mộc Tinh, một cây Chiên Đàn mất gốc và mất rễ, không còn khả năng toả bóng mát giữa trưa hè đứng ngọ.
Ngư tinh là con cá làm ô nhiễm và tê liệt mọi dòng sông và đường nước của quê hương, khả dĩ đầu độc mọi mầm sống trong hàng ngủ giới trẻ.
Con yêu tinh nguy hại hơn tất cả là những con cáo, con chồn mang tên là Hồ Tinh ẩn núp trong các hang động u tối. Đêm đêm chúng nó hiện hình thành người, đi ra các thôn xóm, bắt cóc đàn bà và trẻ con đem về thoả mản tình dục của mình.
Nếu chúng ta không tàn diệt những con yêu tinh “ mất gốc, mất rể”, đầu độc và làm ô nhiễm giới tre, cũng như đàn áp và bóc lột anh chị em đồng bào, công việc xây dựng Đất Nước của chúng ta chỉ là: “ Nước rơi đầu vịt” hay là “ Dả tràng xe cát biển đông”. Tất cả kỳ vỉ của Lạc Long Quân đã bắt đầu từ đo, bằng cách mở bờ đê Yên Phụ cho nước sông Hồng ùa vào hồ Tây và làm tràn ngập mọi hang động ẩn núp của Hồ Tinh. Chính vì lý do này, Hồ tây còn mang tên là Đầm Xác Cáo. Đó là nơi Hồ Tinh bị tiêu diệt.
Để xây dựng đất nước và phục vụ anh chị em đồng bào một cách thiết thực và hữu hiệu, phải chăng ngày hôm nay chung ta cần quyết tâm hội nhập văn hoá Sông Hồng vào trong cuộc sống cụ thể hằng ngày, nghĩa là khước từ mọi tư duy bốc lột và đàn áp người anh chị em trên khắp mọi hang cùng ngỏ hẻm của đất nước. Khi tôi chia sẻ một nửa bát cơm, tôi còn giữ lại một nửa bát. Khi tôi chia sẻ căn nhà cho một người qua đêm, căn nhà trọn vẹn vẫn thuộc về tôi. Khi tôi chia sẻ một tấm lòng như Nguyễn Trãi, con người tôi trở nên “ Vạn Xuân” nghĩa là bất tử và bất diệt. Nhờ đó Đất Nước và Quê Hương sẽ trưởng tồn muôn thế hệ.

5. Lãnh đạo trong lòng Quê Hương:
Bước chân lên những vùng đất như Chương Dương, Thiên Trường, Mê Linh… hình ảnh thân thương của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng lại hiện về trong tâm tương và nhớ thương.
- Bài Hịch Tướng Quân, trước khi xuất trận của Tướng Nhà Lý: “ Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Vương” (Nước non của Xứ Nam do người Nam xây dựng và làm chủ) …
- Câu trả lời của Tướng Nhà Trần, khi nhà vua đến tham vấn “ nên đánh hay đầu hàng” để cho dân khỏi lầm than cơ cực: “ Xin Bệ Hạ hãy chém rơi đầu Trẩm, trước khi ra hàng”…
- Thái độ “ nắm gai nếm mật” của Hai Bà Trưng với binh sỉ và dân chúng…
Ba tấm gương sáng ngời ấy đã chứng minh rõ ràng: Văn Hoá sông Hồng có khả năng tôi luyện và tạo dựng những vị lãnh đạo chiều ngang ( lateral leadership): biết lắng nghe người dân, biết đồng hành và chia sẻ với người ở dưới, trong mọi tình huống thuận lợi cũng như bất lợi. Hơn là rót xuống những mệnh lệnh từ trên và từ ngoài.
Trong suốt gần 3 tuần lễ, tôi đã có nhiệm vụ điều hợp một khoá học căn bản cho các cha mẹ có con cái mang trên mình một vài dấu hiệu tự kỷ (autism). Tôi được ở trọ trong ngôi nhà của Tổng giám Mục Hà Nội. Ngôi nhà này không phải là một toà nhà cửa đóng then gài. Suốt ngày ngôi nhà mở rộng cửa cho mọi người dân, đón tiếp mọi tầng lớp xã hội, thậm chí những cha mẹ đem con lên Thủ Đô khám bệnh, nhưng không có đủ tiền thuê quán trọ nghỉ đêm.
Điều làm cho tôi xúc động rất mạnh là khi vị Tổng Giám Mục dâng lể ban sáng, một thầy phó tế là người có nhiệm vụ chia sẻ tin mừng cho vị chủ tế và toàn thể cộng đoàn dự lễ. Người lớn nhất khiêm cung lắng nghe người nhỏ nhất rao giảng Tin Mừng cho mình. Lại một lần nữa, tôi có dịp chứng nghiệm thế nào là lãnh đạo chiều ngang, trên vùng đất thuộc văn hoá Sông Hồng, trong lãnh vực sống Đức Tin giữa lòng dân tộc con Rồng cháu Tiên.

***

Em thân mến,
Tôi đã xúc động bày tỏ cho em về những trải nghiệm của mình trên suốt chặng đường trở về với chiếc nôi văn hoá Sông Hồng. Tôi đã kể lại những gì mắt thấy, tai nghe, và hai tay tiếp cận cũng như cảm nhận về vùng đất Huyền Sử là Thủ Đô Hà Nội và các vùng kế cận. Để em có thể lãnh hội thế nào là “ vùng đất Huyền Sử”, tôi đề nghị em hãy tìm xem cuốn phim của walt Disney đang được trình chiếu ở Việt Nam trong suốt mùa hè này. Cuốn phim bắt nguồn từ tác phẩm của tác giả người Anh là Carl Lewis “ the chromicles of Narnia”
Cô bé Lucy vào một ngày mưa, đã tham dự trò chơi trốn tìm với chị và hai anh. Vào ẩn núp đằng sau một cánh cửa của tủ áo quần, Lucy đã từ từ tiến lên và khám phá một vùng đất huyền thoại. Trong xứ sở ấy, loài vật biết nói, những hàng cây lam công việc đưa tin từ địa điểm này qua địa điểm khác, bằng cách gửi đi những trận mưa hoa trắng tinh và nhẹ nhàng. Một con Sư Tử sẳn sàng xuất hiện, để bên vực những người anh chị em bị đe doạ và áp bức. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ, con sư tử lại ra đi một cách thầm lặng và kín đáo. Ngược lại, một bà phù thuỷ rảo quanh khắp nơi để rình rập, đe doạ, đàn áp, trừng phạt, bắt bớ. Chỗ nào bà phù thuỷ đi qua, chỗ ấy tuyết rơi tràn ngập, mùa đông len lỏi vào trong mọi cuộc sống và làm khô cứng những tiếp xúc và trao đổi
Cô bé Lucy đã mang đến niềm hy vọng và niềm tin cho vùng đất khô cứng và tê liệt ấy. Với nước mắt và nụ cười, cô bé đã chuyển biến mùa đông bất tận thành mùa xuân vĩnh cữu. Chuyển biến huyền thoại đầy lớp rêu phong thành thực tại sôi động muôn màu, muôn sắc. Chuyển biến những con thú kỳ dị, lạ lùng, hì hợm… thành những người bạn thiết thân, những anh chị em biết chia sẽ và đồng hành.
Tất cả vấn đề còn lại đang đợi chờ em và tôi là khám phá và sáng tạo một cánh cửa, để “ vượt qua” và có khả năng “ thấy những điều vô hình” trên vùng đất huyền sử thuộc nền văn hoá Sông Hồng.

Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2006
Tác giả: Nguyễn Văn Thành

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

Lời Cản Ngăn Trên Lối Về

Ngại ngùng quá nếu bây giờ đến với Chàng. Biết nói sao? Đã đoan hứa rằng: Vâng, xin Chàng cứ đến, căn nhà tôi đây. Chẳng có gì ngọt ngào êm ái bằng cung điệu yêu thương Người phổ vào tim tôi. Ôi, Chàng biết hồn tôi tha thiết trông mong. Trí khôn tôi mòn mỏi đợi chờ. Biết nói sao đây. Ôi, ngại ngùng quá nếu bây giờ đến trước mặt Chàng.
***
Chàng bảo Chàng sẽ đến thăm. Tôi đã ríu rít căn dặn: Hoàng Tử ơi, xin đem theo những cơn mưa trĩu nặng yêu thương, xin đem theo ánh sáng. Chàng nhìn tôi ấm cúng. Tôi chẳng hiểu gì trong đôi mắt thinh lặng ấy.
Chàng ơi, dù khuya khoắt chong đèn tôi vẫn hằng tha thiết. Dù giấc ngủ dỗ dành, tôi vẫn kiên nhẫn đợi chờ. Hoàng Tử Chàng ơi, Chàng có biết tình yêu của tôi đối với Chàng thấm thía dường bao. Chàng nhìn tôi ấm cúng. Tôi chẳng hiểu gì trong đôi mắt thinh lặng ấy.
Tôi lại ríu rít căn dặn: Hoàng Tử ơi, khi đến thăm, xin đem theo khúc nhạc bình yên. Xin đem theo mật ong và rượi nồng túy lúy, để tôi ngủ say trong tay. Chàng lại nhìn tôi ấm cúng. Tôi vẫn chẳng hiểu chi trong đôi mắt thinh lặng ấy.
Rồi Chàng đã đến. Cửa nhà tôi đóng. Giấc ngủ Lọc Lừa và Tình Yêu Lãng Quên đưa tôi vào Lỗi Phạm. Trên cánh cửa chỉ vỏn vẹn một vuông giấy nhỏ: Đức Vua và Ta đã đến, nhưng chẳng ai có nhà. Ôi, Chàng đã nhìn tôi ấm cúng, còn tôi, tôi đã chẳng hiểu gì trong đôi mắt thinh lặng ấy!
Bây giờ biết nói sao. Ngại ngùng quá nếu đến trước mặt Chàng. Tôi nghĩ ngợi quá chừng. Nhưng tôi chẳng thể xa Chàng được. Tình yêu đã gắn bó từ thuở nào, tôi không biết. Tôi chỉ thấy rằng xa Chàng là nhớ thương. Mất Chàng là Cô Đơn. Tôi biết tôi đã thất hứa, nhưng yếu tính của tình yêu là tha thứ cơ mà. Nghĩ thế, tôi ngập ngừng bước chân đi tìm Chàng. Tôi bồi hồi bước vào Hoàng Cung.
Thưa Đức Vua, từ cung lòng mẹ, con đã là người bất chính. Từ Địa Đàng thuở xưa cha con đã là Lỗi Phạm, và tương lai con, từ đấy phảng phất tình buồn. Đức Vua nhìn tôi ấm cúng. Tôi chẳng hiểu gì trong đôi mắt trĩu nặng trầm thương ấy.
Tôi cất tiếng gọi: Hoàng Tử ơi, nếu Chàng yêu tôi tha thiết sao chả gọi tên. Người biết từ thuở trăm năm tên tôi là Yếu Đuối, nếu Chàng yêu tôi tha thiết sao chẳng gõ cửa gọi tên.
Hoàng Tử ơi, xin đừng chê tôi nghèo nàn xấu xí. Ôi, Người biết tình yêu của tôi dành cho Người. Chàng lại nhìn tôi ấm cúng. Tôi chẳng hiểu gì trong đôi mắt trĩu nặng trầm thương ấy.
Xin hãy đến một lần nữa. Và nếu thấy ngủ say, xin gõ cửa gọi tên. Hoàng Tử, Người có hiểu tình tôi dành cho Người?
- Hiền Nương ơi, tình người có chân thật?
- Ôi, Hoàng Tử, tôi tha thiết yêu.
- Ta e sợ tình Hiền Nương chẳng đủ.
- Hoàng Tử ơi, cánh tay Chàng cho tôi Bình Yên. Hình bóng Chàng khỏa lấp nỗi cô đơn hồn tôi. Hoàng Tử, tôi sẽ buồn biết bao nếu người nghi ngờ tình tôi.
- Hiền Nương, ta sẽ đem theo mật ong và rượi nồng, ánh sáng và nhạc vui. Ta sẽ tặng người tình yêu bằng cả trái tim ta.
Ôi, ai diến tả được hạnh phúc hồn tôi. Tôi nghe như vũ trụ cùng say. Chung quanh đây là yêu thương ngây ngất. A, ha ta sẽ uống rượi nồng và nhạc khúc réo rắt bao quanh. Tôi reo lên như thế. Chàng nhìn tôi ấm cúng. Nhưng tôi, tôi vẫn chẳng hiểu chi trong đôi mắt trĩu nặng xa xôi ấy.
***
Từ đấy tôi cất tiếng hát rong chơi, hí hửng chờ đợi Chàng. Từ đồi cao lộng gió, tôi thấy tình Chàng mênh mông. Từ biển rộng sóng ầm, tôi thấy tình Chàng uy dũng đánh ngã quân thù tôi. Tôi thênh thang trong niềm vui cứu độ. Với giọng hát Người dạy, tôi ngâm nga những bản diễm tình ca và các chàng trai trẻ đã tặng tôi những lời quý mến. Bác nông phu cho tôi lúa miến và bánh thơm. Với cây đàn và cung điệu hiền hòa bên nương dâu, bạn bè đã thêu dệt cho tôi những áo choàng quý giá. Những trưa hè êm ả, tôi đọc cho vị hiền sĩ những bản thơ sầu của thánh vương Đa Vít và người đã tặng tôi pho sách người viết bằng cả cuộc đời. Với áo đẹp, tôi nghiêng mình bên dòng suối và mỉm cười. Với bánh thơm và rượi nho của bác nông phu, tôi chẳng lo kiếm tìm ngày mai. Với pho sách của vị hiền nhân, tôi ngồi bên dòng suối lần giở từng trang thư tịch.
Vòng tay ngắn tôi đã ôm trọn địa cầu. Với tiếng ca, tôi ru đời hạnh phúc vào những tấm lụa thời gian mát tươi.
Ôi, ta sẽ uống rượi nồng và nhạc khúc réo rắt bao quanh. Ôi, Chàng sẽ quàng tay ta và ta mềm mại tựa đầu bên trái tim ngập như tình yêu của Chàng. Chàng bảo nếu có ngủ say thì Chàng sẽ gọi. Với ý nghĩ ấy tôi bồi hồi quá lắm.
2
Những bản tình ca buồn thường ra đời trong mùa thu. Vì mùa thu thường là mùa của những tình yêu không trọn vẹn. Mùa của lá vàng bâng khuâng. Của mây trắng cô đơn. Của những chân trời tím lao xao vô định. Mùa của những đốm hoa nắng mỏng manh. Gió thu không mạnh nhưng lá thu rất dễ dàng buông cánh. Nên tình yêu trong mùa thu thường là những tình yêu nức nở. Vâng, vào một chiều thu ấy tình yêu tôi đã khóc. Một chiều thu mà có người thanh niên lạ đến hỏi.
- Xin chào Hiền Thư, Hiền Thư đi đâu mà như vui quá lắm?
- Ô, ta đợi Đức Vua và Hoàng Tử.
- Đẹp biết bao! Đẹp biết bao!
Gã kêu lên như thế. Với cung cách lạ lẫm hắn làm quen:
- Từ đâu mà Tiên Nương có những áo đẹp quý phái thế. Lại với tiếng ca tuyệt vời nữa. Chắc là Hoàng Tử phải ưng ý lắm.
- Ô kìa, sao ngươi biết ta đang đợi Hoàng Tử?
- Bóng Tiên Nương đã làm sao xuyến bạn bè ta. Cỏ lá và chim hoa đã mãi luyến nhớ bước chân Hiền Thư đi qua.
Chẳng quen biết gì hắn. Tự nhiên tôi cũng thấy vui vui khi nghe lời hắn khen. Rồi nữa, tôi thấy một chút gì hơi gần gũi, dường như hắn chẳng phải là quá xa lạ nữa. Tôi nhìn người thanh niên rồi nói.
- Thôi chào nhé, tôi đi đây.
- Hiền Thư đi đâu mà vội vã?
Hắn mời gọi níu kéo. Nhưng tưởng đến niềm vui gặp gỡ, tôi ứ trào hạnh phúc trong ý nghĩ thầm thì: Ta đi đón Đức Vua. Ta sẽ uống rượi nồng và mật ong ngọt ngào. Tôi giã từ rồi đi.
3
Thời gian êm đềm như giòng suối nhỏ, mịn màng như dải lụa hồng nắng thu. Ngày ngày, tháng tháng tôi bình yên ca hát. Cỏ xanh trên đồi chở rộng niềm vui. Những bát ngát của khung trời chờ mong cho tôi phiêu lãng vào hạnh phúc mênh mông. Với trái tim an bình, tôi tựa đầu bên nắng chiều nhìn từng đàn chim dịu hiền buông cánh qua tháp chông giáo đường. Tôi thì thầm lời cầu nguyện thiết tha.
Rồi một ngày kia. Cánh đồng vàng ối lúa mùa. Các bác nông phu nhễ nhãi mồ hôi trong niềm vui hoan hỉ. Lẫn lộn trong đãm người trên cánh đồng tôi lại gặp hắn. Người thanh niên lạ lẫm đã gọi tên tôi là hiền nương thuở xưa. Hôm đó cũng là một buổi chiều thu.
- Xin chào Hiền Thư, Hiền Thư đi đâu mà như vui quá lắm?
- Ô, ta đợi bước chân Hoàng Tử, ta sẽ uống rượi nồng và nghe nhạc khúc réo rắt bao quanh.
- Hiền Thư ạ, chắc Hoàng Tử đánh lừa đấy thôi.
Lời hắn nho nhỏ. Hắn nhìn tôi trong ánh mắt u trầm. Giọng hắn nghĩ ngợi xa xôi. Tôi thấy hắn như có lo lắng cho tôi thật nhiều. Hắn nói tiếp se sẽ:
- Đã bao ngày tháng sao Hoàng Tử chẳng đến. Hay là... Hoàng Tử đánh lừa đấy thôi... Ta thấy Hiền Thư vẫn mãi hoài cô đơn.
Tôi thấy tổn thương khi hắn nghi ngờ tình yêu của Hoàng Tử. Tôi đáp trả lại hắn.
- Không. Ta chẳng cô đơn. Đợi chờ là khởi điểm của gặp gỡ, mà gặp gỡ là hạnh phúc thì chờ đợi là yêu thương bắt đầu.
- Ôi, cuộc đời Hiền Thư đẹp quá. Ta xin góp lời mừng vui. Cầu mong Hoàng Tử chóng tới đem theo ánh sáng và nhạc vui phổ đầy căn nhà nhỏ xinh xinh.
Tôi chưa kịp nhận định lời hắn, thì gã lạ mặt, với một chút nuối tiếc hỏi tôi:
- Mà này, sai Hiền Thư mãi chẳng trở về căn nhà nhỏ? Ôi, từ ngày Hiền Thư bỏ đi căn nhà nhỏ buồn bã làm sao. Mỗi lần đi ngang đấy tôi bùi ngùi nhìn thềm hoa rêu phong. Khu vườn đã úa tàn rồi Hiền Thư ạ. Bao người đều nuối tiếc thương mến Hiền Thư.
Người thanh niên u sầu trong ánh mắt như chân thành và thiết tha. Một ý nghĩ nho nhỏ thoáng về trong tôi. Những nhớ nhung mờ ảo đâu đó về gần.
Căn nhà nhỏ? Ừ nhỉ, căn nhà nhỏ. Từ ngày ta bỏ đi đến nay không biết bây giờ ra sao. Căn nhà của bao nhiêu năm tháng quen thuộc. Của buồn vui hạnh phúc. Cánh cửa gỗ ấy Hoàng Tử đã gõ. Trên vuông của sổ ấy đã từng đêm ta ngồi đọc sách, thì thầm lời nguyện yêu thương gửi Chàng. Cây đèn đồng với ánh lửa thật ấm đã bao mùa hiu quạnh? Biết bao kỉ niệm. Căn nhà nhỏ. Ừ nhỉ, căn nhà của đợi chờ, mà cũng của... Lỗi Phạm...
Tôi thương nhớ bồi hồi.
Gã lạ mặt tiếp lời:
- Hiền Thư ạ, thế nào lần này Hiền Thư cũng gặp Hoàng Tử. Vì Chàng đã đoan hứa cho dù Hiền Thư ngủ say thì Chàng cũng gõ cửa gọi tên?
- Nhưng người ạ, tôi chẳng muốn trở về căn nhà đó nữa, căn nhà của sợ hãi vì u mê Lỗi Phạm.
- Ô kìa, vì sao vậy?
Chẳng trả lời câu hỏi của gã thanh niên, tôi bùi ngùi run mình khi nghĩ đến đêm u hoài lỗi hẹn. Tôi nghĩ đến buổi sáng dầy đặc đau buồn khi nhìn thấy mảnh giấy tạ từ của Tình Quân: Đức Vua đã đến nhưng chẳng ai có nhà. Tôi muốn òa khóc. Rồi thành thực tôi kể cho người khách lạ nghe:
- Chàng ạ, vì lãng quên say sưa trong căn nhà Tập Quán ấy mà ta đã Lỗi Phạm. Đã để Hoàng Tử gõ cửa đợi chờ và Người đã bỏ đi. Ta chẳng thể thiếu Người. Đời ta đã gắn bó với Chàng từ thuở mù khơi. Căn nhà quen thân nhưng làm ta sợ hãi. căn nhà Trú Ngụ nhưng cũng là Ngục Tối giam hãm đời ta.
- Tôi hiểu lòng Hiền Thư. Nhưng sau lần ấy Hoàng Tử đã đoan hứa, cho dù Hiền Thư có vì chờ đợi mỏi mệt ngủ say thì Hoàng Tử sẽ gõ cửa gọi tên. Chàng nói Chàng yêu Hiền Thư. Vậy đâu là minh chứng của tình yêu? Hãy trở về căn nhà xưa đi. Mảnh vườn hoa cũ đang chờ mong. Bao người thương nhớ hỏi thăm.
4
Tôi trở về chờ đợi trong căn nhà Tập-Quán-Yêu-Dấu. Nghĩ đến vòng tay Hoàng Tử mà lòng tôi chơi vơi. Tôi tưởng tượng tiếng vó ngựa reo vui. Bước chân dịu hiền. Giọng đàn ông trầm ấm. Nụ cười thiên thư. Bàn tay chiều chuộng gõ lên cửa: "Hiền Nương." Tôi chạy ra mở cửa. Ôi hạnh phúc ùa ập. Mật ong. Rượi nồng. Ánh sáng. Nhạc vui.
Căn nhà đã hồng mát sau bao ngày phai nắng đong mưa. Giàn hoa Ảo Tưởng bắt đầu trổ nụ. Mầu tím dịu của nhánh Đam Mê đã lan rợp vuông của nhỏ bên bàn viết. Thời gian đợi chờ là tháng ngày sửa soạn. Tôi đã đem về đủ mọi sắc hoa, cỏ quý. Mầu trắng dịu của khóm Thờ Ơ. Mầu xanh lá mạ của đóa Nhan Sắc. Tất cả như một nụ cười mát tươi. Nắng rung rinh trên khóm hoa Dấu Diếm. Nắng trải rộng bên vườn bông Kiếm Tìm. Khóm hoa Kiêu Sa than thở trước gió như lãng mạn với thời gian.
Có cả một loài hoa rất buồn, loài hoa mà mỗi lần ngắm nhìn là mỗi lần hoài cảm. Hoa hiền hòa, sắc hoa mầu trầm. Hoa xinh xinh để mỗi lần nhìn là tôi thương mến. Hương hoa thoang thoảng, để tôi nhẹ nhàng yêu dấu. Hoa có tên buồn như chính dáng hoa: Hoa Chia Ly.
Căn nhà nhỏ và vườn hoa ngủ dịu trong tháng ngày đợi chờ. Những con trăng 16, 18, 20... đã buông cánh đậu bình yên trên thềm cửa chờ mong.
Khi tôi rất hài lòng nhìn ngắm công trình của mình thì cũng là lúc người thanh niên thuở xưa đi qua. Vẫn dáng điệu ấy, một mái tóc bồng. Nụ cười kín đáo. Đôi mắt tinh anh.
Bên nắng hanh chiều gã nhìn khu vườn thầm lặng. Dáng cao ngạo tự tin. Gã đứng nhìn cho tới khi tôi lên tiếng hỏi:
- Chào người.
Gã mỉm cười nhìn tôi quen thuộc:
- Khu vườn đẹp quá Hiền Thư ơi... Nhưng...
Gã bỏ lửng câu nói yên lặng. Tôi nhìn. Thắc mắc, tôi hỏi gã:
- Nhưng rồi sao?
Hắn trả lời chậm rãi. Không nhìn lên tôi. Như hắn nói một mình:
- Hoa là biểu tượng của úa tàn!
- Sao người nói vậy?
- Đây là ý của riêng tôi. Hiền Thư muốn biết vì sao tôi nghĩ thế?
- Nếu được xin người góp ý.
Gã thanh niên bứt một nhánh cỏ non. Nhánh cỏ mềm mại ngủ yên thân phận trong lòng bàn tay. Hắn thủng thẳng nói, trầm ấm, tự nhiên:
- Hiền Thư thấy đó, bên ngày cưới, người con gái nào cũng ôm một bó hoa tươi: Hoa và tiếng cười. Ngày u ám bên nghĩa trang, người ta đem trả lại nàng: Hoa và tiếng khóc. Bước vào yêu, tình nhân cài lên tóc nhau một bông hoa trắng. Thì thầm lời ngọt yêu đương. Yêu em dáng đẹp thiên thần. Nhưng Hiền Thư ơi, mầu trắng có là mầu của tang chế hắt hiu?
Người ta bảo rằng mầu hồng là mầu của tình yêu chín mọng. Nhưng Hiền Thư ạ, khi cánh hồng úa tàn chính là mầu hồng của máu khô.
Tặng nhau một đóa hoa là gửi cho nhau nỗi úa tàn khi cánh hoa rũ bã. Đấy, Hiền Thư có thấy ly biệt đã khởi đầu trong hạnh phúc chập chững.
Hiền Thư ạ, khi Eva chưa đến thì Ađam cô độc nhưng không cô đơn. Nàng đến như một cánh hoa nhưng chính là lúc Ađam thấm thía đau khổ là gì, và nỗi cô đơn của chàng mênh mông.
Lời gã thanh niên ngọt ngào. Hắn nói bằng cả tâm hồn. Trông hắn mà dễ thương. Trái tim hắn như đang trĩu nặng tâm tư của gã nghệ sĩ đã khóc vì yêu. Tôi nhìn giàn hoa Chia Ly dập dờn theo gió. Một vài đốm lá rơi rơi, nằm im lìm trong khe dậu thưa. Gã yên lặng. Tôi hỏi:
- Thật như thế sao?
- Đấy là ý nghĩ của riêng tôi. Nhưng chắc chắn: Cành hoa nào cũng phải tàn!
- Làm sao để hoa sống mãi?
- Chẳng làm thế nào được đâu, chỉ có một loài hoa bất tử: Hoa Tình Yêu. Nhưng để hoa đẹp mãi thì chính người trồng hoa phải chết. Hoa Tình Yêu rực rỡ bởi Hy Sinh. Mà Hy Sinh là đóng đinh chính mình. Ôi khó quá, tôi chẳng nói được đâu. Tôi chỉ có thể cho Hiền Thư biết một chút tri thức. Nhưng sự hiểu biết trong Tình Yêu chính là Sống và Cảm Nghiệm...
Dường như tôi đã quá lời? Xin lỗi Hiền Thư nhé. Tôi đi đây. Chúc Hiền Thư những ngày đẹp. Nhưng vườn hoa úa tàn trước khi Tình Quân đến thì sao? Cẩn thận...
Hắn rảo bước, để lại cho tôi ánh nhìn cảm thông. Tôi thoáng thấy mỏi mệt. Buổi chiều như đang vương tơ. Bóng gã đi xuống dáng chiều. Nụ cười của hắn vẫn còn đâu đây, e dè khó hiểu. Và lời của hắn: Hiền Thư ơi, hãy cẩn thận!
Rồi bóng gã xa khuất. Mầu lam tím ở chân trời đậm hơn. Lời nói của gã theo bóng tối dâng lên mung lung, âm u. "Cánh hoa nào rồi cũng phải tàn". "Hoa và tiếng khóc". "Chỉ có một loài hoa bất tử: Hoa Tình Yêu". "Nhưng để hoa Tình Yêu đẹp mãi thì chính người trồng hoa phải chết". "Hoa Tình Yêu rực rỡ bởi Hy Sinh".
Đêm xuống, tôi bước vào giấc ngủ chập chờn. Lời gã nói làm tôi mất an vui. Băn khoăn và dằn vặt đưa tôi vào giấc ngủ có bóng dáng gã. Trong giấc mộng ngoài tầm hiểu biết ấy, giọng gã quyến rũ nói bên tai tôi:
- Hiền Thư ơi, Hoàng Tử sẽ vui biết bao khi thấy Hiền Thư đón Chàng bằng những sửa soạn chăm chú. Tình yêu cần minh chứng. Minh chứng xác định giá trị tình yêu. Nhưng mà kìa, sao tôi chẳng thấy Hiền Thư thêu gấm hoa trên rèm cửa để Hoàng Tử đi qua. Hiền Thư đã sắm bình vàng để uống rượi quý chưa? Ồ, mật ong do chính ong mẹ đã làm thì phải uống bằng chén ngọc thạch bích vân. Với khúc nhạc réo rắt bao quanh thì phải có hương trầm trong lò sưởi hồng tí tách chiều đông. Chỉ có những dây đàn bằng vàng ròng mới xứng đáng cho Hoàng Tử đặt tay so phím.
Đấy là tất cả minh chứng của tình yêu. Mà này Hiền Thư, đừng quên khóa cửa cho chắc, cài then cẩn thận, kẻo kẻ trộm lẻn vào lấy hết, và Hoàng Tử đến thì căn nhà trống trơn.
Dường như tôi đã quá lời? Xin lỗi Hiền Thư nhé. Tôi đi đây. Chúc Hiền Thư những ngày đẹp. Hãy cẩn thận. Khóa cửa cho chắc Hiền Thư ơi.
Giấc mơ đi qua đưa tôi vào bàng hoàng hỗn độn. Bóng người thanh niên ám ảnh trong tâm trí tôi. Lời hắn nói u huyền kín đáo. Tôi dè dặt với những đề nghị mới. Nhưng trong tôi như khấp khểnh với niềm vui khám phá, "bình vàng để uống rượi quý". Ừ, gã nói có lí lắm. Phải sắm bình vàng. Phải tìm trầm hương...
5
Cánh cửa căn nhà nhỏ đã được thay thế bằng gỗ trắc bá lấy từ rừng già Cám Dỗ. Nghe theo lời người thanh niên dặn dò, những ổ khóa đã được đúc, những then sắt đã được cài.
Vâng, những ổ khóa đã đúc, những then sắt đã được cài.
Nửa đời nhìn xuống đôi tay, ngón áp út thon nhỏ vẫn đợi chờ. Thời gian nhẹ nhàng phổ nhạc đi qua. Chờ mong với rung cảm bồi hồi. Bao giờ thì Chàng sẽ đến. Lâu hay mau. Mùa xuân này hay mùa thu tới. Biết đâu chiều nay? Ngày tháng như cuốn lụa tròn, êm ả nhẹ nhàng. Tôi đợi chờ cho đến một đêm lạ nhất trong đời. Một đêm không ngờ xét đoán. Trong giấc ngủ bồi hồi với một chút bối rối trong cơn say, tôi nghe mơ màng tiếng gọi.
- Hiền Nương! Hiền Nương!
Tôi giật mình bàng hoàng nghe ngóng.
- Hiền Nương! Hiền Nương!
Đúng rồi Hoàng Tử của tôi. Không gian như mất ý niệm. Tôi sung sướng quá đỗi. Tôi cuống quýt để cho hạnh phúc sóng sánh. Đúng rồi, tiếng gọi của Chàng. Linh cảm cho tôi thêm xác tín. Nhiệm mầu của con tim cho tôi thêm sự thật. Chính là Tình Yêu tôi đợi chờ. Chàng đã đến. Ôi, ai diễn tả được hồn tôi. Muốn ra khỏi giấc ngủ, căn nhà phủ đầy bóng đen. Rượi hồng cho tôi vào cơn say mộng mị. Tôi lại nghe tiếng nghi hoặc của lòng mình. Có phải tiếng Chàng vẫy gọi?
- Hiền Nương, sao mãi ngủ say. Có nghe rộn ràng tình yêu bước chân ta đến.
Tôi muốn réo tên Chàng: Hoàng Tử ơi. Nhưng lạnh lùng, tiếng tôi mất hút trong không gian. Âm thanh không vang thành tiếng. Tiếng gọi của tôi như đầu kim nhỏ lao vào không gian vô tận. Tôi bập bùng trong thế giới nghi hoặc, u uẩn. Tôi nghe như có nốt nhạc sắc vi trên cổ con tuấn mã mà Hoàng Tử đã cỡi. Tôi cũng nghe như có gió bão cát bay. Tôi không phân biệt được âm nhạc và bão tố. Tiếng gọi của Chàng, vang vang, uy nghiêm. Âm thanh của tôi hụt hẫng. Tôi sợ hãi réo gọi. Tiếng gọi mất hút. Hoàng Tử chẳng nghe thấy gì. Dường như Chàng lại vẫy gọi:
- Hiền Nương, sao mãi ngủ say. Có nghe rộn ràng tình yêu bước chân ta đến.
Căn nhà tôi là một thế giới đen mênh mông, không chân trời, bóng tối mút mút. Tôi ghê rợn vùng chạy. Đâu là lối ngõ. Chiếc đèn đồng đã tắt. Dầu đã cạn. Tôi vấp ngã. Chung quanh là mù ảo chơi vơi. Tôi bấp bênh trong không gian vô xác định. Bước chân sa hút. Những chiếc bình ngọc va đập vào nhau rớt đổ. Từng mảnh thủy tinh sắc bén rơi vãi trên nền thảm mù đen. Máu đã vương vấn trên riềm the lụa gấm. Tôi quờ quạng để cho mảnh thủy tinh miết ngang dọc trên đôi tay. Bóng đen. Máu. Sợ hãi. Tôi đưa tay vuốt mặt. Những dòng máu nhờn chẩy nhờn loang lổ chẩy xuống môi.
Những cám dỗ lo âu, những sợ kẻ trộm lén vào chờ đêm khuya mở cánh cửa đánh cắp bình bạc, chén vàng nên tôi đã cất giấu mỗi chìa khóa một góc tối hiểm hóc. Bao nhiêu vòng khóa đã khép chặt? Bây giờ ở đâu những chìa khóa đồng?
Tôi bùng chạy. Đổ vỡ. Tôi khóc.
- Hiền Nương, sao mãi ngủ say. Có nghe nhiệm mầu tình yêu bước chân ta đến?
Tôi nghe như đúng tiếng Chàng. Tôi xô vào bóng đêm. Có phải thật sự tiếng Chàng hay chỉ là giấc ngủ mộng mị? Men nồng và giấc ngủ chập chùng đưa tôi bơi trong không gian dị kì. Những bình hoa sứ đập vào nhau loảng xoảng ghê rợn. Bàn tay ê ẩm. Máu. Tôi cố tìm phương hướng nhưng dường như men say ban chiều đưa tôi vào vùng biển bập bềnh. Nhấp nhô thực hư.
Không còn nghe tiếng gọi nữa. Hình như nốt nhạc con tuấn mã cũng đang mờ nhạt. Xa dần. Hình như Hoàng Tử sau khi gõ mà cửa không mở, Chàng đã bỏ đi.
Một tiếng cười sặc sụa của Satan vang lên. Bóng gã đàn ông hiện ra. Chính gã thanh niên thuở xưa. Vẫn khuôn mặt ấy. Nhưng không còn lời nói nhẹ nhàng êm dịu. Hắn nhăn mặt cười ngạo nghễ trong ánh sáng xanh lẹt của loài quỷ dữ. Tóc rối bù. Đôi mắt ngầu đục. Hắn nhìn tôi rồi lại cất tiếng cười rừng rú. Tay xách trái tim rực màu đỏ, máu còn chẩy liễu thễu.
Hắn hiện ra giữa căn nhà, cười sặc sụa từng cơn. Bấy giờ tôi mới hiểu rõ hắn là ai, tại sao hắn đã theo dõi tôi mãi trong đời.
Nguyễn Tầm Thường

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2010

Ngưòi Khách Và Con Tầu

Chiều đã xuống bên kia rừng. Mầu tím loang dần ở chân trời. Thấp thoáng trên những lớp lá già bụi mốc một vài tia nắng cuối. Người khách đứng nhìn lãng đãng, tâm tư đáo dức. Dáng điệu của hắn có nỗi buồn riêng giống như ngọn đồi chiều nay im lìm trong hoàng hôn trước mặt hắn.


Con đường sắt trầm mặc dài hút mù, bò qua chân đồi, rẽ vào khu rừng thưa rồi đi xa thẳm.


Trên bến ga nhỏ người thanh niên không hành lí đứng dựa vào gốc si già. Đôi mắt dõi nhìn phía xa, tha thiết. Chàng lẩm bẩm:


- Bao giờ thì tầu sẽ tới?
Đêm nay hay đêm mai?
Hôm nay hay còn lâu?


Những sợi nắng cuối cùng đang tan. Sân ga cô độc. Chàng chờ đợi một mình. Bụi lau lưa thưa ngả nghiêng mệt mỏi. Một vài làn gió xuống theo triền đồi đưa những chiếc lá úa lìa cành, như những cuộc đời lẻ loi lặng lẽ giã từ cuộc sống. Trên khu đồi lam xám, những cánh chim đêm bay về phía bắc.


Bên bờ đá, chàng ngồi chống khuỷu tay lên đầu gối. Gương mặt lúc nào cũng nghĩ ngợi. Vài bóng chuồn chuồn bay lượn lờ, rồi cũng bỏ lại sân ga, buông cánh vào một không gian xạm tối.


Đôi mắt băn khoăn nhìn về phía cuối rừng, nơi tuyến đường đi qua, chỗ mà con tầu sẽ tới. Đôi lúc hắn lững thững trên bến ga nho nhỏ, nhưng rồi lại trở về bờ đá, ngồi đợi chờ.


Hắn từ đâu đến? Chẳng ai biết. Người ta chỉ đoán được rằng, chắc hắn đã về từ phía thành phố. Hắn có vẻ thư sinh, ngoài phía cuối rừng hắn hay trầm ngâm về phía tây, nơi ánh điện tỏa sáng. Hắn nhìn nhiều lần, lần nào cũng kết thúc bằng một cái quay mặt, như nuối tiếc nơi vừa bỏ đi mà vẫn cương quyết từ chối không trở lại. Có lúc hắn đang nhìn tha thiết về hướng thành phố, bỗng nhiên hắn giật mình ngó vội theo con đường như chợt nghe tiếng hú còi tầu. Dường như hắn đang chờ đợi con tầu tha thiết lắm.


Nét mặt hiện những nét tài ba đặc thù. Gió đưa vài sợi tóc lòa xòa xuống vừng trán làm khuôn mặt chàng pha điểm chút mềm mại. Lúc lững thững trên bến ga, lúc đứng bất động nhìn lên khu đồi, hắn có hồn của một nghệ sĩ. Lúc ngồi thầm lặng, người ta lại thấy hắn như một tù nhân rũ bã. Nhưng vùng trán tự tin, dáng hao gầy, hắn có nét đẹp của một gã thanh niên tuấn tú. Tuy nhiên, đôi tiếng thở dài cho ta thấy sự yếu đuối của một trái tim đa cảm.


- Bao giờ thì tầu mới tới?
Đêm nay hay đêm mai?
Hôm nay hay còn lâu?
Bên kia chuyến tầu là gì?
Vực-Sâu-Phiền-Trược hay Núi-Cao-Bình-Minh?


Trên bến ga, hắn vẫm một mình, lẩm bẩm. Đêm càng đêm thì ánh sáng của thành phố càng hồng. Tiếng hát của đường xưa và chiều mây lá ngủ. Bạn bè và niềm vui. Giấc mơ và ý nguyện. Hắn đang nghĩ ngợi. Hắn nhớ một vùng quen thân vừa bỏ lại.


Sân ga có mình hắn. Nhưng có lẽ không phải hiu quạnh của bến ga làm hắn buồn phiền, mà với từng lúc ngồi thừ, bàn tay xoa mặt, cái nhìn xa xôi, người ta có cảm tưởng rằng hắn đang bị dầy vò từ những ý nghĩ kín đáo gợn sóng mà trùng trùng sẽ sàng mà mãnh liệt, có an ủi nhưng cũng đau thương. Dáng háo hức đợi con tầu của hắn là một háo hức dường như có đe dọa sợ hãi hơn là mong chờ. Khảng khái bỏ lại phố thị tìm về đây là dũng cảm nhưng dường như vẫn là dũng cảm ngại ngùng. Cuộc chiến nội tâm giằng co giữa tiếng gọi của con tầu định mệnh mà chàng xác quyết là sẽ có và tiếng gọi của thành phố bảo chàng về là cuộc chiến không biên giới. Trong chiến trận mà kẻ chiến đấu là chính mình thì lưỡi gươm chinh phạt không dám thẳng tay chém xuống. Trong cuộc cam go mà những tiếng gọi giằng co xẩy ra trong một con tim thì bất hạnh của người nghe thấy tiếng gọi là muốn nghe đó, đồng thời lại mong cho nghe đừng rõ. Bởi, nếu nghe càng rõ thì lựa chọn càng phải dứt khoát.


Không gian yên tịnh trên vùng trời vắng. Bờ đá im lìm. Con tầu chưa thấy bóng. Rừng cây vô tư. Hắn ngồi im, dường như hắn bắt đầu quay quắt trong dòng lệ khô. Bóng đêm làm cho hắn có vẻ gầy hơn dáng người thật của hắn. Bờ cỏ dại nhẫn lại bình thản. Nhưng chúng nghe như có lời than:


- Thượng Đế của tôi,
Tôi xin trung thành và tha thiết.
Nhưng đâu là giờ tôi đến.
Xin chỉ bước tôi đi.
- Hãy vào sa mạc, ở đấy Ta sẽ nói cho ngươi phải làm gì.
Trong thinh lặng và tin tưởng ngươi sẽ tìm được sức mạnh cho tâm hồn.
Hắn thưa lại:


- Thượng Đế của lòng tôi,
Nhưng sự im vắng chiều nay làm tôi sợ hãi.
Bạn bè còn tha thiết.
Giấc mơ còn miết xanh.
Bỗng dưng cơ hồ như vang tiếng gọi.
Tôi đã về đây: Ôi bến tầu vắng.
Khi nào thì tầu sẽ tới: Đêm nay hay đêm mai? Hôm nay hay còn lâu?


Hắn vừa im thì từ rất xa, có tiếng vang. Hắn lắng nghe, sẽ sàng:


- Cuộc đời là những lựa chọn tiếp nối
Lựa chọn nào cũng bao hàm từ bỏ.
Từ bỏ đưa đến tiếc nuối.
Tiếc nuối thì ray rứt.
Nhưng lại là định luật: Sống là lựa chọn.
Con yêu,
Có những lựa chọn tương đối. Nhưng đời con còn một
lựa chọn tuyệt đối: Gian- Nan hay Hạnh-Phúc.
Lựa chọn hệ trọng: Thiên-Đường hay Hỏa-Ngục.
Bên kia cuộc đời:
Vực-Sâu-Phiền-Trược hay Núi-Cao-Bình-Minh.


- Vâng!


Hắn thưa như vậy rồi lặng thinh. Hắn muốn nói thêm một điều gì ngay nhưng lại thôi. Sẽ lắc đầu, hắn lấy tay che mặt. Trong tâm tưởng, hắn nhìn thấy biên giới sống và chết thật mong manh. Tuổi trẻ như sóng đang mùa nước lớn. Tung bót trắng xóa ngày đêm xô đổ thách đố những bờ đá cứng. Dường như cuộc chiến sẽ trường cửu. Lòng kiên nhẫn của sóng là vô cùng. Niềm kiêu hãnh của bờ đá cũng vô biên. Thế rồi, từ xa xa, tiếng hú của còi tầu. Rồi sóng cũng yên, bờ đá cứng như nghìn thu từ từ sụp xuống. Hắn thấy rõ cái không thể giải thích được đến và đi của sự sống. Cứ đến mùa là cây cối chồi sinh lộc non. Người ta có thể đếm những tờ lịch mà gieo mạ, cấy lúa. Nhưng Chuyến-Tầu-Định-Mệnh không nằm trong thời khóa biểu. Chàng không thể giải thích được, nhưng lại quá rõ ràng, chàng phải đối diện với chuyến tầu này. Và cơ hồ như đâu đây, có dáng dấp của con tầu.


Đêm mênh mông. Khu rừng thầm lặng vẫn thầm lặng. Tiếng quốc kêu rất thương vang vọng từ xa, lẻ bóng bên bìa đồi. Con đường sắt vẫn nằm yên đấy.


- Vâng!


Hắn lặp lại tiếng ấy một lần nữa. Không nhìn lên, khuôn mặt trong lòng bàn tay, hắn thưa:
- Thượng Đế của lòng tôi,
Tôi hằng chập chùng lo lắng...
những chiếc áo quan khép lại...
Một chiều thu xám lá rơi... một canh bạc tàn...
Ôi, tôi vẫn tự hỏi. Bên kia cuộc đời là gì:
Vực-Sâu-Phiền-Tược hay Núi-Cao-Bình-Minh.
Tôi vẫn giật mình sợ hãi khi đêm khuya đổ về.
Nhưng Người ơi,
bao giờ thì tầu sẽ tới, chuyến tầu của riêng tôi.


Từ bìa rừng lại có tiếng vọng về:


- Tình yêu tha thiết sẽ bao ngợp thời gian.
Niềm tin thực hành sẽ sẵn sàng chờ đợi miên trường.
Nghe xong hắn lắng đọng đợi chờ. Nhưng tiếng ấy không nói nữa. Khẩn khoản như một lời kinh, hắn ngậm ngùi thưa:


- Thượng Đế của lòng tôi.
Tôi xin trung thành và tha thiết.
Tôi muốn chờ đợi tiếng còi tầu để mở cửa căn nhà.
Nhưng kìa, Người có hay sự Lãng-Quên của tôi thì lớn hơn Trí-Nhớ
và sự Yếu-Đuối của tôi thì cao hơn tầm với.


Hắn chưa dứt lời thì đã vang vọng một tiếng đáp trả:


- Yếu đuối là ánh sáng để ngươi biết mình.
Biết mình yếu đuối là tiếng gọi bảo ngươi đến với Tình-Yêu.
Thật đấy, với Tình-Yêu chỉ cần một tư tưởng phản bội
cũng đủ để Tình-Yêu bỏ đi. Nhưng cũng với
Tình-Yêu, chỉ cần một giọt nước mắt ăn năn cũng đủ
để Tình-Yêu tha thứ gọi về.


Sau lời ấy chàng thanh niên đưa tay gạt lệ. Trong tiếng nghẹn ngào hắn thưa:


- Thượng Đế của lòng tôi,
Khiếu từ cuộc vui, trả lại lời ca cho phố chợ, tôi đã đến
đây chiều nay. Nhưng nếu Người chẳng tới. Nhưng
nếu tầu chẳng đến. Và bên kia cuộc đời không có
Vực-Sâu chẳng có Núi-Cao chỉ là miên viễn chiêm bao
thì Gió và Mây sẽ bảo tôi rằng: Buổi chiều dại dột.
Một hi sinh thừa.


Vô hình mà rạo rực cả núi đồi rừng sâu, tiếng mầu nhiệm đó đáp trả:


- Không có niềm tin, kiên nhẫn là thừa.
Niềm tin không kiên nhẫn là địa chỉ sai đường.


Nghe xong, tựa đầu lên bờ đá. Không gian cô đọng. Trăng bắt đầu ló bên đồi. Lá ngàn nằm mơ màng dưới ánh vàng của mầu trăng Giêtsimani. Sương không nhiều, nhưng sương khuya nên làm thấm lạnh người viễn khách. Khu rừng sâu đen thẫm. Bên đồi, ánh trăng mềm bàng bạc bắt đầu nhẹ nhàng thấm xuống ngàn cây. Thỉnh thoảng tiếng cuốc kêu thương. Tiếng kêu cô độc nhất của một con cuốc lẻ loi đang tìm đường. Tiếng kêu mỗi lúc một xa, nhỏ dần, như đang lên cao phía đỉnh đồi.


Chàng trai viễn khách quỳ tựa mặt vào bờ đá lạnh. Thời gian bình thản trôi xuôi. Im vắng. Hắng ray rứt suy tư. Hắn chưa bao giờ thẩm định kĩ niềm tin và kiên nhẫn là một hay là hai đấu thủ đối chọi nhau. Kiên nhẫn là dấu chỉ của lòng tin đã có hay chỉ là mệt mỏi gắng gượng của một chờ đợi không xác định. Khi tin rồi thì kiên nhẫn sẽ đến hay phải vất vả kiên nhẫn để niềm tin lớn.


Cây si già in bóng lên hình cỏ thưa. Ánh trăng mới nở, chỉ làm cho bóng si thành một đám mây mờ. Nhưng cũng đủ để bờ đá sáng lên, in rõ hình người thanh niên.


Bất giác, hắn chống tay ngẩng mặt dậy làm bóng trăng chao động, đổ dài trên nền cỏ. Phía sườn đồi những bụi lau đang rung rinh, lao xao.


Vừa lắc đầu, hắn vừa gọi thì thầm:


- Cuộc đời ơi, hãy đợi chờ. Ta sẽ trở lại...


Tâm tư hắn tràn về như dòng sông vừa mở cửa đập. Chàng ngó lại tháng ngày xây đắp công danh mà tiếc xót. Trong dòng nước mở đập trôi chẩy về tâm trí chàng ào ào, có ánh sáng của thành phố thôi thúc gọi chàng trở lại. Có bóng người đi trong rừng cờ giữa tiếng kèn hoan hô. Tại sao không phải là chàng? Nhớ lại những ly thủy tinh chạm vàng với rượi nồng và nhạc quý, chàng hối hận đã đến sân ga chiều nay. Bao nhiêu pho sách chàng đã góp nhặt trong đời. Tại sao lại một chiều bỏ ra đi? Người viễn khách trẻ nhìn về phái tây đang rực đèn. Linh hồn chàng lại réo gọi trở về.


Xô qua mấy lùm cây nhỏ, hắn tìm lối tắt băng ra khỏi sân ga. Bỏ lại ý nghĩ chờ đợi con tầu. Chàng không thể buông tay cho rơi xuống công danh đang dang dở. Nhưng chỉ chạy được một quãng ngắn, hắn ngã. Cố gượng dậy trong thế quỳ để giữ bước chân thăng bằng, ngoái cổ lại nhìn về phía rừng rồi hắn lập bập đứt quãng:


- Chuyến-Tầu-Duy-Nhất? Chyến-Tầu-Định-Mệnh?


Hình ảnh con tầu đang lao vun vút làm chàng rùng mình. Hắn nhìn thấy con tầu tàn bạo, vô cùng dã man đâm thẳng vào tương lai. Bên bờ rừng một gã đàn ông giơ tay gào thét vì trễ tầu. Con tầu không dừng lại. Gã đàn ông đập mình cúi lạy nhưng con tầu không cần biết. Tiếng gã đàn ông khan cổ gào thét nhưng con tầu phóng ga không một chút xót thương. Bến bờ định mệnh hun hút xa thẳm. Và khi con tầu đã lao đi thì tất cả chung quanh từ từ loãng ra như một đám khói mỏng. Đền đài, thành quách, những con đường ngàn dặm từ từ rút nhỏ rồi chẩy tan như thỏi nước đá dưới mặt trời. Chàng nhìn rõ cuộc đời mình và tất cả ước mơ vô cùng bền bỉ thế mà chúng tụ lại chỉ bằng một hạt bắp, rồi một tiếng nổ nhẹ, hạt bắp vỡ tung. Trong cùng giây lát không phải chỉ có bóng hình người đàn ông lỡ tầu gục đầu gào thét mà vất vưởng đó đây, khi chàng nhìn kĩ, có từng lũ người cũng đang vất vưởng vô vọng. Họ như những hồn ma khốn đốn không nơi cư trú.


Hình ảnh hãi hùng làm chàng lảo đảo, gượng dậy, chạy trở lại bờ đá cũ. Vừa tới nơi, hắn quỵ xuống, giang tay ôm miết lấy tảng đá gồ ghề. Bóng con tầu lao vun vút như sắp bỏ rơi hắn làm hắn càng bấu chặt vào vách núi. Gục đầu trên bờ đá khô cứng, hắn sợ hãi thưa:


- Thượng Đế của lòng con ơi,
Không! Không thể như thế được... Con không thể bỏ lỡ con tầu...


Trong lúc thổn thức, hắn còn nói thêm một điều gì nữa, rất khẽ, dường như lời ấy làm hắn sợ hãi.
Đất trời bình thản. Trên sân ga vẫn im lặng. Ở phía tây, thành phố vẫn lên đèn dặt dìu tiếng nhạc. Trong im vắng của một chờ đợi, chàng thấy tất cả chỉ xẩy ra trong thế giới thiêng liêng của linh hồn. Gió đến dạt dào rung rừng cây lao xao. Gió như sứ giả đem theo lời hắn, xuyên qua núi đồi làm nên những âm vọng uy nghiêm vang dội từng tiếng một. Chàng lại nghe rõ, cũng trong thế giới linh hồn. Lời hắn nói với lòng mình vang lên trùm cả khu đồi, âm vọng chẩy suốt theo đường tầu:


CHUYẾN TẦU DUY NHẤT.
CHUYẾN TẦU ĐỊNH MỆNH...


Thời gian trôi. Ánh trăng mỗi lúc mỗi lên. Bầu trời mênh mông. Rừng cây vời vợi không tiếng còi. Trên cao, xa thẳm, ngàn sao đang lấp lánh, và càng vào khuya sao trời càng thêm sáng.


Nguyễn Tầm Thường