Đức Phật trong thời gian bỏ nhà đi tìm đạo được gọi là sa môn Gotama, ròng rã 6 năm trời đi học đạo với các lễ sư Balamôn cũng như thực tập các môn ăn chay phạt xác rất nghiệt ngã. Cuối cùng ông thấy giáo lý Balamôn cũng như các việc ăn chay phạt xác đều là vô nghĩa. Ông bèn tìm đến một gốc cây pippala (sau này gọi là cây Bồ đề) rồi suốt nhiều ngày trầm tĩnh nhiếp tâm theo dõi hơi thở và thiền định. Bỗng một buổi sáng sớm kia, khi sao mai vừa mọc, thì Gôtama quán chiếu được vạn vật là vô ngã, nhưng đồng thời muôn loại chúng sinh đều có mặt trong nhau trong một tương quan đồng sinh đồng tử đồng hiện hữu - gọi là tương tức, tương nhập, tương tác -, và vạn pháp của vũ trụ, thế giới và lịch sử được thường tồn bất sinh bất diệt, giống như sóng chỉ là hiện tượng mà trước sau vẫn thật chính là nước. Với cái thấy này, sa môn Gôtama cảm thấy không còn bị ràng buộc vào lưới sinh tử; và do đó, ông đạt được một tâm trạng an ổn, không còn lo âu sợ hãi. Gôtama bừng sáng, giác ngộ; ông bất giác mỉm cười, nụ cười của ông như một bông hoa khi sao mai vừa mọc và khi trời vừa sáng. Gôtama nay được gọi là Bụt (buddha) nghĩa là người giác ngộ.
Kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật là gì? Đó là kinh nghiệm về sự vô ngã, cái vọng ngã của lòng tham: tham sinh tham ái tham dục tham thân suy tôn mình là chủ thể và chủ tể biệt lập, đó còn là kinh nghiệm về pháp giới (dharma) nghĩa là về chân lý muôn vật có mặt trong nhau, nương tựa vào nhau và thường tồn bất sinh bất diệt. Giác ngộ đây chính là đạt tới chân thức, chân tâm, nghĩa là được tham dự vào một thực tại lớn lao, thường tồn, bao trùm tất cả chúng sinh vạn vật. Nhưng một khi Sakyamâuni (mâuni là danh hiệu của người có lòng nhân ái) thấy được chân lý, thì ông đồng thời cũng cảm được lòng thương xót đối với chúng sinh đang lặn ngụp trong mê lầm, trong đau khổ. Nếu muôn loài chúng sinh là một, thì không ai có thể thực sự hạnh phúc, bao lâu mà chưa phải tất cả mọi người mọi loài trong vũ trụ và thế giới cũng được hạnh phúc. Do đó mà đức Phật đã trở về lại với các bạn đồng nghiệp sa môn ngày trước để trao đưa tin vui giải thoát, trở về lại với chúng sinh khắp nước mọi miền - và như thế trên 40 năm trường - để chỉ bày con đường chân thức, giác ngộ và giải thoát. Hai lời thệ nguyện của những người theo chân đức Phật đã nói lên mối tương quan giữa thấy chân lý và lòng thương xót: Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Hiểu biết và thương xót, chân lý và từ bi, đó là những hệ quả thiết yếu của sự giác ngộ về chân tâm và chân thức.
Kinh nghiệm của đức Phật đã đưa Ngài tới chân tâm, chân thức không phải qua giáo lý trừu tượng, cũng không phải qua ăn chay hành xác nghiệt ngã, nhưng là qua trầm tĩnh quán chiếu và thiền định. Thật là một điều lạ lùng, vô cùng lạ lùng: Làm thế nào mà thiền định lại có thể đưa đến sự nhìn nhận được chân tâm, chân thức? Đứng về tri thức luận mà bàn, thì ta có thể nói lên một chân lý như sau: Bạn chỉ biết trà ngon khi bạn đích thân uống trà, chứ không phải bạn nghe kẻ khác nói trà ngon. Đây là vấn đề tri thức và cảm nghiệm, tri thức phân biện trừu tượng và trí huệ thấu thị trực kiến. Dĩ nhiên thiền định trọn nghĩa không chỉ là trong khi ngồi, nhưng còn là trong trọn cả cuộc sống, không chỉ là tập trung tư tưởng, nhưng còn là gồm cả khắc kỷ tu thân, ý thức trên mọi hành động và hợp thông với chân lý tối cao cũng như với muôn loại chúng sinh; thiền định như thế gồm cả cuộc sống trong Giới, Định và Tuệ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét