Thứ Tư, 5 tháng 5, 2010

Nhân Đạo Khổng Giáo

Cơ sở, động lực và tư tưởng căn bản của Khổng giáo là đức Nhân, một đức Nhân bắt rễ thâm sâu tự đáy bản thể con người, một đức Nhân mở rộng ra trong mọi lãnh vực sinh sống của xã hội, và một đức Nhân vươn lên những chiều cao siêu việt của cuộc sống. Đức Nhân là cái tổng hợp, kết tinh và quán xuyến tất cả đạo lý của Khổng Tử như chính ông đã nói: "Ngô đạo nhất dĩ quán chi". Chữ Nhân là một chữ hội ý gồm chữ người và chữ số hai, ngụ ý nói về tương quan giữa người với nhau, thực hiện đến một mức lý tưởng. Chữ nhân thường được diễn tả qua những tiếng: có tính người, có tình người, con người có lòng, con người có bụng dạ. Nội dung gồm: tâm tình quý, trọng, kính, mến, yêu người, tự trọng đối với chính mình và quý trọng cuộc sống; từ đó có thái độ bao dung, đại lượng, tin cậy, cảm thông, liên đới, giúp giùm, có khuynh hướng đặt mình vào địa vị của người và tìm hiểu người như hiểu chính mình.
Một số bình phẩm thường cho rằng đức Nhân trong Khổng giáo là tiêu cực, có thứ bậc hay chỉ giới hạn trong vòng người thân, không biết thương kẻ thù nghịch, nhất là khi so sánh với Mặc Tử với thuyết Kiêm ái chủ trương yêu thương mọi người không phân biệt, với Phật giáo qua giáo lý Từ bi dạy yêu thương tất cả vạn vật chúng sinh cũng không phân biệt, với Cơ Đốc giáo chủ trương yêu thương đến cả những người thù nghịch, với Lão Tử chủ trương lấy đức báo oán, lấy điều lành mà ăn ở cả với những kẻ không lành (Đạo Đức Kinh). Những bình phẩm trên đây có thể có phần đúng, nhất là sau này khi Khổng giáo đã bị chi phối bởi nhiều trường phái và các chính thể nặng pháp lý, quyền hành và tư lợi. Nhưng một tìm hiểu đầy đủ, chính xác và khách quan về đức Nhân trong Khổng giáo nguyên thuỷ sẽ đưa ta tới những khám phá không kém sâu xa, bao la và cao cả.
Cái đức Nhân quán xuyến tất cả đạo lý của Khổng Tử, đi từ bản thân, qua người đồng loại, rồi vươn lên những chiều cao siêu việt, được diễn tả cô đọng trong những câu sau đây. Bắt đầu từ việc điều chế bản thân: "khắc kỷ, phục lễ vi nhân": chế thắng lòng tư dục và theo về lễ tiết nguồn gốc, đó là nhân (Luận Ngữ 12:1). Đối với người đồng loại thì có 5 đức tính diễn tả đức Nhân, đó là "cung, khoan, tín, mẫn, huệ": kính cẩn, khoan dung độ lượng, trung tín, siêng năng giúp giùm, ban biểu ơn huệ (LN 17:6). Tránh cho kẻ khác những điều mà mình không muốn kẻ khác làm cho mình: ''Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" (LN 15:23). Không những thế, mà còn rất tích cực xem người như chính mình, để làm cho họ cũng được thành nhân và thành đạt: "Kỷ dục lập nhi lập thân, kỷ dục đạt như đạt nhân". Đức Nhân đó lại còn đi rất xa và mở lòng ra rất lớn, không những kiêm ái một vài người hoặc trong vòng dăm ba người thân, nhưng là đi đến hết mọi người và không còn phân biệt thân sơ, không những giúp giùm trong đôi ba công việc, nhưng là độ lượng và tận tụy đến kỳ cùng: "bác thí ư nhân, nhi năng tể chúng": thi ân bổ đức cho khắp cả dân gian, lại hay cứu tế cho đại chúng; được như thế thì theo Khổng Tử không những phải gọi là bậc nhân mà còn xem là bậc thánh nữa kia (LN 6:28).
Mạnh Tử cũng cùng một đạo lý đức Nhân như Khổng Tử, đôi khi lại còn diễn tả một cách có thể hiểu xa hơn, như về đức Nhân đối với kẻ thân cũng như người sơ: "nhân giả ái nhân": người có nhân thì yêu người (Mạnh Tử), và "nhân giả vô bất ái dã": người có nhân không thể không yêu người (Mạnh Tử). Hoặc khi nói về thái độ đối với kẻ tốt người xấu không phân biệt: "nhân giả dĩ kỳ sở ái, cập kỳ sở bất ái": người nhân giúp đỡ từ chỗ thân ái đến chỗ chẳng thân ái (Mạnh Tử). Với thí dụ với một đứa bé rơi xuống giếng, ai nấy đều động lòng trắc ẩn mà ra tay cứu vớt, không phân biệt đứa bé là ai, cũng không chờ khen chê.
Ngoài ra, đức Nhân không chỉ có nghĩa trong lãnh vực luân lý mà còn thấu suốt bao trùm các lãnh vực văn hoá và tinh thần. Trong lãnh vực văn hoá, đức Nhân phải đi cùng với trídũng. Có lòng nhân muốn cứu một người rơi xuống giếng, không có nghĩa là cứ nhẩy ào xuống giếng, nhưng là phải suy nghĩ tìm phương cách đưa nạn nhân lên. Lòng nhân cũng không có nghĩa là mềm yếu thụ động, gặp hoạn nạn nguy hiểm thì ngồi bó tay than thở, nhưng là nghĩa liệt can đảm và thực hiện những điều phải làm dẫu có gặp khó khăn. Có văn hoá, còn là kẻ có nhân cách: biết suy nghĩ khách quan, chính xác, độc lập. Khổng Tử gọi những người này là người quân tử. Người quân tử biết hoà nhã nhưng không đồng tình việc làm quấy: "quân tử hoà nhi bất đồng" (LN 13:23), biết hợp quần mà không bè đảng: "quần nhi bất đảng" (LN 15:21). Có văn hoá, cũng còn là có tâm hồn thẩm mỹ, biết rung cảm trước những cảnh đẹp, thi văn, âm nhạc. Có lần Khổng Tử nghe nhạc Thiều (thời vua Thuấn) thích thú đến ba tháng không còn biết đến miếng ăn mùi thịt (LN 7:13). Ai không hiểu chút gì về nghệ thuật thì Khổng Tử cho là còn nửa con người mà thôi.
Đức Nhân còn bao gồm cả lãnh vực tinh thần, mà ngày nay ta gọi là bản vị, là tính danh. Đó là bản sắc riêng biệt của một con người, một nền văn hoá, một dân tộc, mà con người có đức Nhân cảm gắn bó liên hệ và có bổn phận duy trì và phát huy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét