Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Những Ý Tưởng Về Giáng Sinh

Giáng Sinh chính là mỗi khi bạn để Chúa yêu thương tha nhân thông qua bạn… Giáng Sinh chính là mỗi khi bạn cười với người anh em của bạn và sẵn sàng giúp đỡ họ. - Mẹ Têrêsa

***

Bạn nên làm cho Mùa Giáng Sinh trở thành một dịp không phải chỉ để cho đi những món quà vật chất nhưng là dịp cho đi điều ý nghĩa hơn rất nhiều - cho đi chính bản thân bạn. - J.C. Penney

***

Lẽ dĩ nhiên, Giáng Sinh là mùa của niềm vui, nhưng cũng là thời gian đúng lúc để nghĩ về những ai không có được niềm vui. - Helen Valetine

***

Tinh thần của Giánh Sinh - tình yêu - thay đổi con tim và cuộc sống. - Pat Boone

***

Chính Giáng Sinh nơi tâm hồn làm lan toả Giáng Sinh trên không trung. - W.T. Ellis

***
 
Giáng Sinh chính là khi tình yêu ngự trị,
Và tình yêu có thể làm bất cứ điều gì! - Khuyết danh

***

Nhân loại là một đại gia đình với mọi chủng tộc và tín ngưỡng. Mỗi một Giáng Sinh, khi chúng ta suy ngẫm về tình yêu của Chúa, chúng ta được gợi nhớ rằng chúng ta chính là anh em của nhau. - V. Kaskow

***

Giáng Sinh không chỉ là thời điểm của tiệc tùng và vui chơi. Giáng Sinh mang ý nghĩa nhiều hơn thế. Đó chính là dịp suy tư về những gì vĩnh hằng. Tinh thần của Giáng Sinh chính là tinh thần cho đi và tha thứ. - J.C. Penny

***

Hãy hỏi con cái của bạn hai câu hỏi vào dịp Giáng Sinh này: Câu hỏi thứ nhất: “Con muốn cho người khác những gì vào Giáng Sinh này?”. Câu hỏi thứ hai: “Con muốn gì vào Giáng Sinh này? Câu hỏi đầu tiên khuyến khích một trái tim quảng đại và biết chú ý đến người xung quanh. Câu hỏi thứ hai có thể làm nảy sinh sự ích kỷ của con bạn nếu nó không được làm lắng dịu bởi câu hỏi thứ nhất. - Khuyết danh

***
Giáng Sinh sẽ là một Giáng Sinh thật sự nhất khi bạn kỷ niệm nó bằng cách mang ánh sáng tình yêu đến với những ai cần nó nhất. - Ruth Carter Stapleton

***

Cho đi và không cảm thấy mình đã cho đi chính là cách cho đi tốt nhất trong tất cả các cách cho đi. - Max Beerbohm

***

Kích cỡ của món quà không quan trọng, nhưng điều quan trọng chính là tấm lòng trao tặng món quà ấy. - Eileen Elias Freeman

***

Hãy là một thiên thần đối với ai đó khi bạn có thể, đó chính là cách tạ ơn Chúa về sự giúp đỡ mà một thiên thần khác đã mang đến cho bạn. - Eileen Elias Freeman
 

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Mỉm cười để đón nhận tất cả...

Khi tất cả mọi chuyện đau buồn đổ lên đầu bạn, hãy mỉm cười để đón nhận nó, vì chỉ có như thế, bạn mới có thêm dũng khí để bước tiếp con đường đời mà mình đã chọn…

Khi có một chuyện thật vui đến với bạn, hãy mỉm cười để đón nhận nó, để niềm vui, niềm hạnh phúc được nhân đôi, để mọi người có thể vui cùng niềm vui của bạn…

Khi có một ai đó rời xa cuộc đời của bạn, hãy mỉm cười để chia tay họ, vì dù cho đó là một cái kết thúc vui hay buồn, thì nó cũng là một cái kết thúc, và ngay sau nó là một khởi đầu mới cho cả hai người, mỉm cười để chúc cho cái khởi đầu ấy sẽ thật tươi sáng và vui vẻ…

Khi có một ai đó đến với cuộc đời bạn, hãy mỉm cười để chào đón họ, để chúc cho tình cảm giữa hai người sẽ thật tốt đẹp, để họ sẽ không bao giờ phải nói lời chia tay với bạn như bao người trước đó…

Khi bạn đánh mất niềm tin vào một người nào đó, hãy mỉm cười để chấp nhận điều ấy. Ai cũng là con người, cũng có lúc sai lầm, có lúc vấp ngã, và hãy mỉm cười để biết rằng mình đã hiểu họ thêm một phần…

Khi bạn cảm thấy quá mệt mỏi vì cuộc sống, hãy mỉm cười để cảm nhận tình yêu mới sẽ lại đến với mình. Bạn sẽ không thể đón nhận tình yêu cuộc sống khi trong lòng bạn ngập tràn trong thù hận hay đớn đau. Và một nụ cười sẽ xoá đi tất cả…

Khi bạn chợt nghĩ về tương lai mù mịt phía trước, và bạn không biết cuộc đời bạn sẽ đi về đâu, hãy mỉm cười để cho mình một phút hy vọng. Mỉm cười để nhận ra rằng chúng ta có cả một ngày hôm nay để chuẩn bị thật tốt cho ngày mai, hãy sống thật tốt, thật hạnh phúc, vì chẳng ai dám chắc mình còn có ngày mai…

Khi tình yêu không đến với bạn, hãy mỉm cười để chào tạm biệt nó. Vì đơn giản là tình yêu đó chưa chọn bạn để ở lại mà thôi. Và dù cho người bạn yêu không đáp lại tình cảm của bạn, thì bạn cũng hãy mỉm cười vì biết rằng trong trái tim bạn đã có nó rồi…

Khi mỗi ngày mới đến với cuộc đời bạn, hãy mỉm cười để cảm ơn cuộc đời đã cho bạn thêm một ngày để được yêu thương, để có thêm thời gian nói với những người bạn yêu quý rằng bạn dành cho họ nhiều tình cảm đến mức nào…

Khi bạn gặp một vấn đề thật khó khăn để giải quyết, hãy mỉm cười để giữ cho tinh thần mình được bình tĩnh. Và như thế vấn đề sẽ dễ hơn trước nhiều…

Khi một người nào đó đang buồn và muốn tâm sự với bạn, hãy mỉm cười với họ để cho họ thêm một chút niềm tin vào cuộc sống. Những người không thể cười là những người cần nụ cười hơn bao giờ hết. Một nụ cười sẽ không làm nghèo đi người cho nó, nhưng sẽ làm người nhận nó giàu thêm. Đó là cái vốn quý nhất mà Thượng Đế ban tặng cho mỗi chúng ta…

Khi bạn bị tổn thương, hãy mỉm cười để hàn gắn nó lại. Thời gian sẽ là liều thuốc tốt nhất để làm lành vết thương ấy, nhưng dù gì thì nó cũng đề lại vết sẹo trong cuộc đời bạn. Hãy mỉm cười để xoá đi vết sẹo ấy. Vì chỉ khi tha thứ cho người khác, ta mới có thể tha thứ cho chính mình, để cái quá khứ đau thương kia chìm vào dĩ vãng…

Vậy, nếu bạn buồn đau hay hạnh phúc, thất vọng hay hi vọng, mệt mỏi hay tràn đầy niềm tin, hãy luôn luôn mỉm cười, mỉm cười để nhận ra rằng tất cả những cảm xúc ấy chính là món quà mà cuộc đời đem đến cho bạn. Và chính từ những món quà ấy mà chúng ta cảm nhận được chúng ta thật hạnh phúc khi được làm một con người, được biết thế nào là vui buồn, là xúc động. Hãy trân trọng và nâng niu từng phút giây của cuộc đời mình, sống thật tốt, thật xứng đáng ngay từ ngày hôm nay, để khi nó qua đi, để khi ngày mai đến, bạn sẽ không bao giờ phải dùng đến 2 từ “hối tiếc”… Và hãy cười, cười nhiều hơn nữa, vì ít nhất thì trong mắt một ai đó, nụ cười của bạn đáng giá hơn ngàn lần những nỗi đau khổ mà họ đã từng phải trải qua trong cuộc đời...

Sưu tầm

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

CHÚNG TA LÀ NHỮNG CỨU TINH CỦA CHÍNH MÌNH (CHẾT TRONG AN BÌNH)

TỳKheo Visuddhacara – Thích dịch.
Ðôi khi là một nhà sư tôi được yêu cầu đến tụng kinh cho tang lễ. Tôi cảm thấy buồn cho gia quyến của người chết nhưng đôi khi tôi cũng cảm thấy không giúp được gì vì có quá nhiều khó xử trong vai trò của một nhà sư đi tụng kinh đám tang.
Một ngày nọ, một phụ nữ trẻ tuổi đến gặp tôi. Cha cô mới chết sáng hôm đó. Ông mới chỉ 42 tuổi. Cô nói với tôi bằng tiếng Phúc Kiến: “Xin mời thầy đến tụng kinh. Xin thầy mở con đường cho cha tôi”. Tôi nhìn cô ta với tất cả tấm lòng từ bi mà tôi có thể tập trung. Tôi có thể cảm thấy sự bối rối và đau khổ của cô. Cô khoảng chừng 20 tuổi và là một người con gái có hiếu. Trong thâm tâm tôi nói thầm với mình: “Trời ơi tôi sẽ mở đường cho người như thế nào đây? Con đường tưởng tượng nào tôi sẽ vẽ trong không khí cho hồn tưởng tượng đặt chân lên? Làm sao tôi có thể nói với người phụ nữ trẻ tuổi tội nghiệp đang ở trong tình trạng buồn phiền và bối rối rằng:” không có con đường nào như cô có lẽ đã tưởng tượng như thế?”.
Ðức Phật cũng có lần ở trong tình thế như vậy và Ngài đã trả lời ra sao?
Một hôm một người trẻ tuổi lại gần Ðức Phật và hỏi Ngài: “Bạch Thế Tôn, cha con chết. Xin mời Ðức Phật đến và cầu nguyện cho cha con, cứu độ linh hồn ông ấy để ông ấy có thể đi lên thiên đàng. Những người Bà La Môn cử hành những nghi thức này nhưng Ðức Phật lại còn mạnh hơn họ nhiều. Nếu Ngài sẽ làm điều đó, chắc chắn hồn cha con sẽ bay thẳng về thiên đàng”.
Ðức Phật trả lời, “Rất tốt, hãy đi ra chợ và đem về cho ta hai cái bình đất và một ít bơ”. Người trẻ tuổi sung sướng vì Ðức Phật đã hạ cố thi hành một số thần thông để cứu linh hồn cha của mình. Anh ta vội vã đi ra phố và mua các thứ mà Ðức Phật bảo. Ðức Phật chỉ dẫn cho anh ta để bơ vào một bình và để đá vào bình kia. Rồi ném cả hai bình đó xuống ao. Người trẻ tuổi làm theo và cả hai bình đều chìm xuống đáy ao. Rồi Ðức Phật tiếp tục: “Bây giờ hãy lấy một cái gậy và đập vỡ hai bình đó ở dưới ao”. Người trẻ tuổi làm theo. Hai cái bình bị đập vỡ và bơ thì nhẹ đã nổi lên còn hòn đá vì nặng nên vẫn ở dưới đáy ao.
Rồi Ðức Phật nói: “Bây giờ nhanh lên đi tập họp tất cả những thầy tu. Hãy nói với họ đến và tụng kinh để bơ chìm xuống và viên đá nổi lên.” Người trẻ tuổi nhìn Ðức Phật, sửng sốt, nói, “Bạch Ðức Thế Tôn, Ngài có nói thật không ạ. Chắc chắn Ngài không thể trông chờ bơ nhẹ mà chìm và đá nặng mà nổi. Ðiều đó ngược lại với qui luật tự nhiên.”
Ðức Phật mỉm cười và nói: “Này con, con đã thấy nếu cha con có một cuộc đời LƯƠNG THIỆN thì những HÀNH VI của ông cũng nhẹ như bơ cho dù thế nào thì ông cũng lên thiên đàng. Không ai có thể cản được, ngay cả đến ta. Không ai có thể chống lại NGHIỆP luật thiên nhiên.
Nhưng nếu cha ngươi có một cuộc đời BẤT THIỆN thì cũng giống như hòn đá nặng, cha ngươi sẽ bị chìm vào địa ngục. Dù tụng kinh nhiều đến đâu đi nữa bởi tất cả các thầy tu trên thế giới này cũng không thể gây thành khác được.”
Người trẻ tuổi hiểu rõ. Anh chữa lại quan niệm sai lầm của anh và ngừng đi loanh quanh đòi hỏi cái không thể được.
Nụ cười của Ðức Phật đã đi tới điểm: Không ai có thể cứu chúng ta, tối thiểu của tất cả sau khi chúng ta chết. Theo NGHIỆP luật, chúng ta là sở hữu chủ của những hành vi của chúng ta, chúng ta là người thừa hưởng những hành vi của chúng ta. Những hành vi của chúng ta thực sự là tài sản của chúng ta. Chúng là chỗ nương tựa thực sự của chúng ta, là những thân nhân thực sự của chúng ta. Chúng là trung tâm từ đó chúng ta xuất phát.
Khi chúng ta chết, chúng ta không mang được dù chỉ có một xu với chúng ta, hay bất cứ thứ đồ gì của cá nhân chúng ta. Cũng chẳng có thể mang được một trong những người thân để cùng đi với chúng ta. Giống như chúng ta đến một mình theo NGHIỆP của chúng ta thì chúng ta cũng phải ra đi một mình.
Nếu chúng ta hiểu rõ NGHIỆP luật, thì chúng ta sẽ cảm niệm thấy sống một cuộc đời LƯƠNG THIỆN quan trọng đến như thế nào trong khi chúng ta còn sống. Ðợi đến lúc chết thì sẽ quá muộn. Có một chút gì đó có thể làm được..

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

CHO CÁI CŨ, NHẬN CÁI MỚI

NGUYÊN TẮC: 
Cố giữ thì sẽ không thể cho đi. Cất mãi cái cũ thì không còn dịp để nhận thêm điều mới... 
 
Bạn có thói quen cất giữ những đồ vật vô ích, khi nghĩ rằng một ngày nào đó, bạn sẽ có thể cần đến chúng ?
Bạn có thói quen cất kỹ tiền bạc và không tiêu xài đến nó, bởi vì bạn nghĩ rằng bạn có thể thiếu thốn trong tương lai ?
 
Bạn có thói quen để dành những quần áo, những đôi giày, những bàn ghế, những đồ gia dụng mà bạn đã không sử dụng từ lâu rồi ?
Và trong tâm hồn bạn, bạn có thói quen lưu giữ những lời trách mắng, những mối thù hận, những nỗi buồn, những nỗi sợ hãi và cả nhiều thứ khác nữa ?
  
Bạn ơi, đừng làm như thế nhé ! Bạn đang đi ngược lại sự giàu sang rồi đấy ! 
Bạn cần phải dọn chỗ, cần dành một khoảng trống để cho phép những sự việc mới mẻ sẽ đến trong đời bạn nữa chứ.

Bạn cần phải vứt bỏ những thứ vô ích đang hiện diện trong bạn và nơi cuộc đời bạn để sự giàu sang còn có thể tìm đến nữa chứ.

Sức mạnh của sự trống rỗng đó là một sức mạnh sẽ thu hút và lôi kéo tất cả mọi thứ bạn mong ước.

Chừng nào bạn còn níu giữ những món đồ, ấp ủ những tình cảm quá xưa cũ và vô ích, khi đó bạn sẽ chẳng có chỗ cho những cơ may.

Của cải tiền bạc cần phải được lưu chuyển...

Hãy dốc sạch những ngăn kéo, dọn trống mấy cái tủ đứng, các phân xưởng, nhà xe… Hãy cho đi những gì bạn không còn sử dụng nữa…

Thái độ cất giữ một đống những thứ vô ích đang trói buộc đời bạn ở trần gian này đấy.

Không phải những vật dụng mà bạn cất giữ làm cuộc đời bạn đình trệ… nhưng chính là thái độ bo bo cất giữ… 
Khi chúng ta cất giữ, chúng ta dự liệu tới lúc mình có thể bị túng thiếu…
Chúng ta cứ nghĩ biết đâu mai này mình sẽ cần đến những thứ ấy, và khi đó mình sẽ lôi chúng ra mà dùng.

  
Và như thế, bạn đã nạp vào đầu óc mình, vào cuộc đời mình hai thông điệp:
Một là bạn không còn tin tưởng vào tương lai. Hai là bạn cho rằng những điều mới mẻ và hay ho nhất sẽ không dành cho mình đâu.

Chính vì lẽ đó, bạn tự an ủi bằng cách cất giữ những thứ cũ kỹ vô ích. Bạn hãy loại bỏ đi những thứ đã phai màu và mất độ bóng…

  
Hãy để những gì là mới mẻ bước vào nhà bạn, ùa vào tâm hồn bạn… 

Vì thế, sau khi đọc xong bài này…Ðừng cất giữ nó, nhưng hãy chuyển ngay đi cho người khác…

Have a Nice day

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Không Ai Sung Sướng Cả

Hai vợ chồng nhà nọ nuôi một con trâu và một con chó. Con chó được ở trong nhà còn con trâu phải ở riêng ngoài chuồng.  Mỗi ngày trâu ra đồng cày bừa từ sáng sớm đến chạng vạng tối mới về, còn chó chỉ việc nằm ở cổng rào canh chừng cửa.
Một hôm nọ trâu đi làm về, thấy chó nằm trước cửa nhà phe phẩy cái đuôi trông thật sướng, đang lúc mệt nhoài nó nổi cáu bảo:
-  Không có ai sung sướng bằng mày, chỉ ăn rồi nằm.  Thật là đồ vô tích sự!
Con chó nghe con trâu hậm hực nặng nhẹ mình thì buồn bã trong lòng, nghĩ trâu tuy to xác nhưng không có trí.  Nó bèn nói với trâu:
-  Anh trâu không hiểu đâu, tôi nào có sung sướng như anh tưởng.  Anh tuy làm lụng nặng nhọc ngoài đồng nhưng có giờ có giấc, sáng ra đồng, chiều lại về, tối còn được nghỉ ngơi, cứ lăn ra mà ngủ.  Còn tôi, tuy nằm canh cửa giữ nhà trông có vẻ nhàn hạ hơn anh, nhưng thật sự thì mệt cầm canh đâu có ai biết.  Nằm lim dim mà lòng không yên, phải để tâm canh giữ cửa nhà, không dám lơ là công việc.  Nếu ngủ quên hoặc bất cẩn để xảy ra mất trộm thì tôi khó mà sống được.  Đêm đêm trong khi mọi người ngon giấc, tôi có được nghỉ ngơi đâu, tôi phải lắng tai nghe ngóng, đưa mắt nhìn trông, hễ nghe có động tĩnh gì thì phải sủa to để cảnh báo.  Lúc chủ nhà vui thì tôi còn được ăn no, chứ khi họ có chuyện buồn bực trong lòng thì bỏ mặc tôi đói khát, không ai để mắt quan tâm.  Những lúc sân si nổi lên họ còn trút giận lên đầu tôi không thương tiếc, họ đánh họ đá, xua đuổi, chửi mắng tôi.  Mỗi khi bạn bè, người thân của họ đến chơi mà tôi không biết, tôi sủa tôi vồ thì họ đánh tôi, chửi tôi là đồ ngu.  Bạn bè họ đến chơi thì không sao, còn bạn bè tôi đến chơi thì bị họ đuổi đi, ném đá đến toạc đầu đổ máu.   Ngẫm lại coi, anh và tôi ai sướng hơn ai chứ?
Con trâu nghe nói mới hiểu tình cảm của con chó, nghĩ mà thương nên an ủi:
- Đúng là mày cũng không sung sướng gì. Tao với mày ở chung nhà mà chưa một lần trò chuyện với nhau nên không hiểu nhau.  Bây giờ tao đã hiểu nỗi khổ của mày, mày cho tao xin lỗi. Nghe mày nói tao mới biết cả hai chúng ta đều khổ cả.
Đang nói con trâu bỗng nghe tiếng chim ríu rít trên cành cây cao, nó nhìn nên rồi than thở:
- Bọn chim trời cá nước sung sướng làm sao!  Chúng có thể tự do tự tại bên ngoài, không bị ai giam cầm quản thúc, không phải làm việc nặng nhọc vất vả, không phải chịu nỗi khổ của kiếp tôi đòi.  Giá mà chúng ta có được cuộc sống vui vẻ như thế.
Khi ấy một chú chim nghe thấy lời trâu, bèn đáp lên lưng trâu nói:
-  Anh trâu ơi, anh không biết đâu, tôi cũng không sung sướng hơn các anh đâu.  Tuy loài chim chúng tôi không phải giữ nhà, không phải đi cày ruộng, không phải chịu cảnh tù túng bó buộc, nhưng chúng tôi cũng có nỗi khổ của mình.  Hiểm họa luôn rình rập chúng tôi, những kẻ thợ săn có thể bắn chết chúng tôi bất cứ lúc nào.  Tổ của chúng tôi làm khó khăn vất vả biết bao, chưa chắc ở được lâu vì sự phá hại của con người.  Trứng chúng tôi sinh ra chưa kịp nở con thì đã bị con người lấy mất.  Loài người biết thương con của mình nhưng nào biết thương con của kẻ khác.  Các anh chỉ bị hành hạ, còn tôi bị cướp đi mạng sống của mình, chết rồi còn bị nhổ lông, xẻ thịt,nấu nướng, thân thể không vẹn toàn.  Loài người ỷ mạnh hiếp yếu, nào biết tôn trọng sự sống muôn loài.  Các anh có cái khổ của các anh, chúng tôi cũng có cái khổ của chúng tôi, không có ai sung sướng cả.
Bày cá đang ở dưới mé nước nghe trâu nói mình sướng cũng không đồng tình:
-  Còn loài cá chúng tôi cũng không sung sướng đâu.  Nhà cá chúng tôi thường bị loài người đánh bắt, mỗi lần bị sát hại chết đến cả bầy đàn.  Không nơi nào là nơi để chúng tôi yên tâm mà sống, đâu đâu cũng có lưới bủa câu giăng, đâu đâu cũng có bàn tay con người truy bắt.
Trâu nghe chim và cá nói thì ngao ngán thở dài não nuột:
-   Hóa ra tụi mày cũng khổ.  Hiểu biết của tao hạn hẹp quá nên không biết còn nhiều nỗi khổ trên đời này.
Nói như thế rồi trâu buồn bã đi vào chuồng, nó nằm mông lung suy nghĩ về thân phận của nó và bạn bè.  Nó nghĩ, loài nào cũng bị con người hiếp đáp, làm hại.  Cuộc đời thật bất công, loài người đối xử tệ bạc với các loài khác mà lại được sung sướng, không phải chịu sự khổ sở nào.
Đang lúc đó bỗng trâu nghe tiếng quăng bát ném đĩa trong nhà vọng ra.  Nó lắng tai nghe kỹ mới biết ông bà chủ đang gây gổ.  Tiếng ông chủ gào lên:
- Sao tôi khổ đến thế này, không bằng con trâu con chó nữa!  Con trâu đi cày còn được nghỉ, còn tôi suốt tháng quanh năm phải bận bịu với nhà cửa, vợ con, cơm áo gạo tiền, làm quần quật đêm ngày không lúc nào rảnh rỗi.  Tôi khổ sở như vậy là vì ai?  Vậy mà bà vẫn không để cho tôi yên, hễ thấy mặt là hạch sách, càm ràm, đay nghiến.  Vừa phải thôi, làm quá tôi cho cả nhà ra chuồng trâu mà ở!
Nghe chủ nhà nói thế trâu bỗng giật mình, bất giác than rằng:
 Hóa ra sống ở trên đời đâu có ai không khổ!
Trong chúng ta, mỗi người có một hoàn cảnh, xuất thân, có một hoàn cảnh sống, có thể là vui, có thể là khổ, nhìn chung là như thế, song nếu xét cho kỹ thì không ai hoàn toàn hạnh phúc, chỉ khác nhau là ít, nhiều những nỗi vui, khổ mà thôi.  Khổ và vui đan xen, chồng chéo nhau như một mạng lưới vô hình giăng bủa cuộc đời chúng ta, không một ai thoát cả.  Người trẻ có những cái khổ của người trẻ, người già có những cái khổ của người già, người giàu có cái khổ của người giàu, người nghèo có cái khổ của người nghèo.  Dù trong hoàn cảnh nào cũng có những điều không như ý, cũng có những nỗi khổ thân, khổ tâm, hoặc cả thân tâm đều khổ.  Có ai không lo lắng, không hối tiếc, không trông mong, hy vọng điều gì?  Có ai chưa bao giờ buồn phiền, thất vọng, hay bất mãn, chán nản?  Có ai hoàn toàn khỏe khoắn, thoải mái cả về thể xác lẫn tinh thần?  Chắc chắn là không có ai!  
"Tất cả những ai đang vất vả mang gáng nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.  Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.  Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.  Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."  (Mt 11:28-30)

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Điều gì làm nên con người ?

VRNs (28.05.2012) – IgnitumToday.com – Bạn có biết übermensch (siêu nhân – Đức ngữ) của Nietzsche? Hơi khó để xác định điều đó thực sự có ý nghĩa gì, nhưng để bắt đầu thì phải nói đến một siêu nhân – và theo triết lý của ông, siêu nhân là người tạo nên các giá trị mới – những điều xuất hiện khi Chúa chết hoặc ngừng hiện hữu.
Tôi không biết có nên lắng nghe một triết gia vô thần hay không, hoặc có nên tin ông ta nói về con người hay không. Ngày nay, những gì tạo nên một con người thì thường bị che khuất bởi các ý tưởng của con người theo lối sống tình dục và ưa mua sắm. Không phải là không có gì sai với điều đó.
Vấn đề là yếu tố cá nhân của con người hiện đại đã che giấu những gì mình theo đuổi sự hiệp nhất với Thiên Chúa. Giống như một người theo đuổi khái niệm trở thành “siêu nhân cá thể”, quên chính trách nhiệm của mình là một Kitô hữu. Con người hiện đại nghĩ rằng Kitô giáo làm nên con người!
Phụ nữ có thể muốn như vậy. Tôi tin rằng nam giới và nữ giới được tạo dựng khác nhau nhưng bình đẳng trong cách nhìn của Thiên Chúa, tôi muốn nói về các Kitô hữu và xác nhận là huynh đệ trong Đức Kitô! Cái gì có thể “con người” hơn Kitô giáo? Đối với các thế hệ, chúng ta đã có nhiều các thánh bị giết, bị sư tử xé xác và bị hành hạ vì Chúa.
Trải qua lịch sử, những người đàn ông đã hướng dẫn Giáo hội: Ambrose ở Milan, Augustine ở Hippo và Cyril ở Alexandria, bằng ý chí sắt thép của mình, họ đã rao giảng chân lý của Kitô giáo trong thế giới văn minh, tiếp tục những gì các Tông đồ đã làm. Còn thời Trung cổ, khi Thập tự quân đã chiến đấu bảo vệ Tây phương chống lại quân xâm lăng Saracen và Seljuk, thì sao? Ttinh thần thượng võ và sự tôn trọng luôn là một phần của Kitô giáo, đặc biệt là Công giáo.
Trong lịch sử, có nhiều người Công giáo đã sống xứng đáng danh xưng của mình. Chẳng hạn chúng ta đã có Don John của Áo quốc, người đã hướng dẫn Liên Đoàn Thánh (Holy League) chống lại các hạm đội Ottoman trong trận Lepanto. Rồi chúng ta còn có Chân phước GH Gioan Phaolô II, một trong những người chính đã góp công làm suy sụp chế độ Cộng sản và gọi là “thế giới thứ hai”. Con người thực sự là vậy!
Không lạ gì khi người khác thường gán cho Giáo hội là “dị ứng phụ nữ” (misogynous), dù không phải vậy: Vì Giáo hội nâng đàn ông lên mức một siêu nhân, là mục đích của nhân loại. Nhưng khái niệm về việc là một siêu nhân không là cái mà Nietzsche và các triết gia theo thuyết hiện sinh hoặc thuyết hư vô (existentialist/nihilist philosophers) muốn đưa vào viễn cảnh!
Hiệp sĩ Vô nhiễm (The Knight of the Immaculata) và Thánh Auschwitz, Thánh Maximilian Kolbe viết: “Con người tiến bộ theo Ý Chúa thực sự là siêu nhân, siêu nhân này hơn cả các thiên tài”. Đúng vậy. Quan niệm của Thánh Maximilian về siêu nhân khá khác với quan điểm vô thần của Nietzsche.
Cũng vậy, cái gì “con người” hơn những người theo ý của Chúa Cha và hơn những người theo ý của Đức Kitô, Đấng vượt trên “tính trượng phu” nhưng đã chịu khổ nạn và chịu chết để tha tội cho chúng ta?
Sự theo đuổi của con người không thể bắt đầu từ chính mình, nhưng phải có sự hỗ trợ của Thiên Chúa, Đấng toàn năng, toàn trí và hiện hữu khắp nơi. Ngài thấy chúng ta trong mỗi động thái nhỏ nhất. Ngài biết chúng ta yếu đuối – khi chúng ta than khóc. Ngài thấy chúng ta khi chúng ta sợ hãi. Ngài thấy chúng ta khi chúng ta mất ý chí.
Vậy điều gì làm nên con người? Đó là sự can đảm: Can đảm bắt chước Đức Kitô, đức khiêm nhường của Ngài, tính hiền lành của Ngài và đức tuân phục của Ngài đối với Chúa Cha; can đảm cảm thấy đau đớn của khổ hình và can đảm chấp nhận đau khổ.
Tôi không biết cách nào để trở nên “con người” hơn. Chúng ta tới gần sự hoàn thiện hơn khi chúng ta làm theo Ý Chúa và đứng vững trong đức tin mà Chúa Thánh Thần đã tạo nên trong chúng ta. Trong mọi việc chúng ta làm, chúng ta đều làm vì sáng danh Chúa, luôn nghĩ rằng những điều đó sẽ biến chúng ta thành con người tốt hơn – như một nam nhi đại trượng phu (macho-man), rất giống Thập tự quân, các Giáo phụ, và các vĩ nhân trong quá khứ.
Bạn có là người có niềm tin Kitô giáo? Hãy nghĩ mình là con-người-thật, như một tông đồ, theo bước Đức Kitô, làm theo Ý Chúa Cha và được Chúa Thánh Thần linh hứng để trở thành một “siêu nhân” theo huấn lệnh của Thiên Chúa.
JARED DALE COMBISTA
TRẦM THIÊN THU
(Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Bài Diễn Văn Của Ông Trùm Da Đỏ Seattle

Seattle (1786-1866) là ông trùm các bộ lạc da đỏ Duwamish và Suquamish lúc đó sinh sống bên vùng đông nước Mỹ. Sau khi đã tạo nên Khu vực Washington năm 1853, chính phủ Wahington « đề nghị » người da đỏ ký các hiệp định để mua đất của họ.
Người da đỏ biết là không thể nào từ chối được.

alt
(trùm gia đỏ Seattle)

Dưới đây là bài diễn văn hùng hồn và đau đớn của ông Seattle, trùm da đỏ, đọc trước thống đốc Isaac Stevens. Nhiều ý và căn dặn được nhắc đi nhắc lại, đọc lên thấy rất thấm thiết. Bài diễn văn này được coi là một bài học, một gia tài văn học thiêng liêng để đời và đã được dịch sang nhiều thứ tiếng.


BÀI DIỄN VĂN CỦA ÔNG TRÙM DA ĐỎ SEATTLE

Làm sao các người có thể mua bán khung trời và hơi ấm của đất ?
Ý nghĩ đó đối với chúng tôi thật kỳ lạ. Thế nếu chúng tôi không sở hữu cái mát mẻ của không khí và cái lung linh của mặt nước, thì các người làm sao mà mua ?
Mỗi mẩu đất này đều thiêng liêng cho dân tộc chúng tôi.


Mối cái kim óng ánh của lá thông, mỗi bờ cát, mỗi mảnh sa mù trong khu rừng âm u, mỗi bờ suối, mỗi tiêng vo vo của côn trùng đều là thiêng liêng trong ký ức và từng trải của chúng tôi.
Nhựa chấy trong thân cây mang đầy kỷ niệm của người dân da đỏ.

Linh hồn những người da trắng đã quên xứ mình sinh ra khi đi vào giữa các vì sao. Linh hồn những người chết chúng tôi không bao giờ quên trái đất tuyệt vời này, vì trái đất là mẹ của người da đỏ. Chúng tôi là thành phần của đất và đất là thành phần của chúng tôi. Hoa thơm là em gái chúng tôi, con hươu, con ngựa, con đại bàng là anh em chúng tôi. Các đỉnh núi, các chất ngọt trong đồng ruộng, hơi ấm con ngựa nhỏ, và con người, tất cả đều cùng một gia đình.

Cho nên khi ông Sếp Lớn ở Hoa Thịnh Đốn cho người tới nói ông muốn mua đất của chúng tôi, thì ông đã đòi hỏi rất nhiều ở chúng tôi. Ông Sếp cho nói là ông sẽ dành một nơi để chúng tôi có thể sống thoải mái với nhau. Ông sẽ là cha chúng tôi và chúng tôi sẽ là con cái của ông. Chúng tôi cũng phải xét đề nghị mua đất của ông. Nhưng cái đó quả thật là rất khó. Bởi vì đất này thiêng liêng đối với chúng tôi.

Nước lung linh chảy trong các giòng suối và giòng sông không phải chỉ là nước mà còn là máu của tổ tiên chúng tôi. Nếu chúng tôi bán đất cho các ông, thì các ông phải nhớ đất là của thiêng và mỗi phản chiếu đầy mấu sắc của mặt nước trong dưới hồ luôn nhắc nhở những biến cố và kỷ niệm cúa dân tộc chúng tôi. Tiêng nước suối thì thầm là tiếng của người cha của cha tôi.

Các con sông là anh em chúng tôi, đã cho chúng tôi đỡ khát. Các giòng sông mang thuyền chèo và nuôi các con tôi. Nếu chúng tôi bàn đất cho các ông, thì từ đây các ông phải nhớ, và phải dậy cho con các ông, là các giòng sông là anh em chúng tôi và cũng là anh em các ông, và các ông phải thân thương giòng sông như các ông thân thương huynh đệ các ông. Chúng tôi biết người da trắng không hiểu tập quán chúng tôi. Đối với họ, mảnh đất này cũng như mảnh đất kia, họ là người ngoại xứ ban đêm đến lấy của đất cái gì họ cần. Đất không phải là anh em họ, mà là kẻ thù, khi họ lấy được thì họ tiến nữa. Họ bỏ mồ mả của tổ tiên mà không trăn trở gì. Họ lấy đất của con cái mà không trăn trở gì. Mồ mả của tổ tiên và gia tài của con cái họ bị rơi vào quên lãng. Họ coi mẹ, đất đai, anh em, trời đất, như là đồ vật mua bán, cướp phá, bán đi như bán những con cừu, hay những hạt ngọc óng ánh. Lòng tham lam sui họ nghiến ngấu đất đai và chỉ còn để lại một cái sa mạc.

Không có nơi nào an bình trong các tỉnh của người da trắng. Không có chỗ nào để nghe tiếng lá cuộn mình trong mùa xuân, hay tiếng cọ sát của cánh những con bọ. Cũng có thể vì tôi là người man rợ nên tôi không hiểu. Những tiếng động đó hình như chỉ nhức tai họ. Sống làm chi nếu con người không nghe thấy tiếng kêu lẻ loi của con én hay tiếng trò chuyện tào lao của các con ếch trong cái ao ban đêm ? Chắc tôi là người da đỏ nên tôi không hiểu. Người chúng tôi ưa tiếng gió êm ru lườn trên mặt hồ, ngay cả mùi của gió đã được nước mưa trưa nay rửa sạch, hay đã được lá thông đã cho thêm hương thơm.

Không khí rất trân quí cho người da đỏ, vì mọi sự đều chia nhau một hơi thở.

Súc vật, cây cối, con người. Đều chung với nhau một hơi thở.

Người da trắng hình như không để ý đến không khí họ thở. Như người phải để ra mấy ngày mới tắt thở, họ không biết mùi hôi thối. Nếu chúng tôi bán đất này cho các ông, các ông phải nhớ là không khí rất trân quý cho chúng tôi và nhớ là không khí chia xẻ hồn nó với những sinh vật nó nuôi sống. Cơn gió đã cho ông cha chúng ta hơi thở đầu cũng là cơn gió đã nhận ở ông cha chúng ta hơi thở cuối cùng. Nếu chúng tôi bán đất này cho các ông, các ông phải giữ riêng nó và coi nó là thiêng liêng, là nơi mà cả người da trắng các ông cũng được đến để hưởng làn gió đã được dịu lại với hương hoa của đồng nội. Chúng tôi phải xét đề nghị của ông. Nhưng nếu chúng tôi nhận lời, thì tôi cho các ông một điều kiện : người da trắng phải coi các sinh vật trên mảnh đất này như những anh em !

Tôi là người man rợ, tôi không biết cách sống khác !

Tôi đã thấy xác một ngàn con bò rừng thối rữa trên cánh đồng, bỏ lại khi các người da trắng từ trên các chuyến tầu hỏa đi qua bắn chúng nó chết. Tôi là một người man rợ, tôi không hiểu tại sao con ngựa sắt phun khói của các ông lại quan trọng hơn những con bò rừng mà chúng tôi chỉ giết để sinh sống.

Con người là gì nếu không còn thú vật ? Nếu tất cả thú vật đều mất hết, con người sẽ chết trong một tâm linh lẻ loi. Bởi vì cái gì đến cho thú vật rồi sẽ đến với con người. Mọi sự trên đời đều liên can với nhau.

Các ông phải dạy cho con cháu là đất chúng bước lên được tạo bởi tàn hương của tổ tiên. Dạy cho chúng biết tôn trọng đất, bảo chúng là đất được giầu có bởi đời sống của giòng giõi. Dạy cho con cái các ông những điều mà chúng tôi dạy cho con cái chúng tôi, là đất là người mẹ. Cái gì xẩy đến cho đất sẽ xẩy đến cho con cái của đất. Ai khạc nhổ lên đất là khạc nhổ lên chính mình !
Ít nhất chúng tôi cũng biết điều này : là đất không thuộc về người mà người thuộc về đất. Điều đó chúng tôi biết. Mọi điều đều liên đới với nhau như máu mủ trong một gia đình. Mọi sự đều liên đới với nhau.

Cái gì đến với đất sẽ đến với con cái của đất.

Không phải con người đã xây lên cái khung của cuộc đời. Người chỉ là một sợi giây. Cái gì người làm cho cái khung của cuộc đời là họ làm cho chính mình.


Dù người da trắng được thượng đế của họ đi cùng và nói chuyện như những người bạn, họ cũng không thể vượt qua được số mạng chung. Nói cho cùng, chúng ta và người da trắng có thể cũng là anh em. Để rồi xem sao. Có một điều chúng tôi biết, điều mà người da trắng có thể một ngày kia sẽ khám phá ra, là chúng ta có cùng một thượng đế. Có thể bây giờ các người cho là đã có được thượng đế của các người như các người muốn sở hữu đất đai của chúng tôi. Nhưng các người không làm được điều đó. Vì thượng đế là của mọi người và lòng từ bi dành cho người da trắng và cho người da đỏ đều như nhau. Đất là của quý của trời. Phá hại đất là mang nặng khinh khi với đấng tạo hóa đã sinh ra đất. Rồi người da trắng cũng sẽ bị tiêu diệt, có thể trước các bộ lạc khác. Làm lây trùng cái giường, các người đêm sẽ ngủ trong xu uế của chính mình.

Rồi khi chết các người sẽ huy hoàng với đầy sức mạnh của thượng đế đã đem các người đến vùng đất này, rồi vì một sứ mạng nào đó, đã giúp các người ngự trị vùng đất này và ngự trị dân da đỏ. Cái định mệnh đó là một bí hiểm cho chúng tôi, vì chúng tôi không hiểu khi tất cả những con bò rừng đã bị tàn sát, các con ngựa đã bị chế ngự, những góc bí mật của các khu rừng đã mang đầy hơi của những nhóm người, và các ngọn đồi đầy hoa đã bị tàn lụi bởi những người đến nói bi bô.

Thì dẫy rừng đâu ? Đã biến mất. Và con đại bàng đâu ? Đã biến mất.

Ngày tận cùng của sự sống, ngày bắt đầu của sự sống còn.

Trùm da đó Seattle, 1854.


Dịch giả Blogger Nguyễn Vạn An dịch từ bản đã dịch sang Pháp Ngữ

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

Người Hà Nội sợ

Người Hà Nội mặc áo “na tô” di dép lốp đội mũ cối (trước đây) và người Hà Nội đầu trọc lóc xăm trổ đầy mình cưỡi xe SH (hiện nay), những “quân khu thủ đô” ấy tạo ra ấn tượng về những con người có khả năng không biết sợ là gì. Nhìn chung người Hà Nội thường ghê gớm, đã thế lại còn nói năng hiểm hóc, vòng vèo, đang rất trơn tru hiền dịu bỗng đâu nảy ra một cái ý gì đó thật là xỏ xiên, mai mỉa, gây choáng váng cho cả những “đầu gấu” của những miền khác.

Thế người Hà Nội sợ gì?

Có thể họ sợ sáng ngủ dậy Hồ Gươm của họ bị bứng đi đâu mất, hoặc bị công ty xây dựng nào đấy san phẳng xây cao ốc mấy chục tầng chăng? Hay sợ sáng ngủ dậy không có phở mà ăn (vào “thời phoóc-môn” vẫn có khối người Hà Nội mặt mũi lầm lì vào quán phở, không khác nào các chiến sĩ trên bức tượng “Quyết Tử”), sợ tối về góc phố không còn quán nước mà ngồi (giờ thì không còn là “trà đá hóng gió” nữa mà mốt đang triền miên “trà chanh chém gió”), sợ đêm thì hàng quán cháo gà miến ngan bị công an phường chạy xe thùng tới dẹp bỏ? Hay họ sợ gió Lào, sợ gió mùa Đông Bắc, sợ cúp điện và sợ thất tình?

Cũng có thể họ sợ đi ngoài phố bị sa xuống ổ gà. Đi trên phố phường Hà Nội mà khôn ngoan ra thì cố mà cúi đầu xuống nhìn đường, phố rộng nhất thủ đô cũng có những cái hố sâu hoắm như ở một khu đầm lầy trong rừng nhiệt đới, nơi sang trọng nhất cũng có thể có một nắp cống không hiểu từ bao giờ đã ngạo nghễ hé lên.

Nhưng hiểm họa đáng sợ nhất ở Hà Nội không phải là từ mặt đất. Hiểm họa từ trên trời rơi xuống mới thật là kinh khủng.

Nhìn những cô gái, và cả những bà già, nói tóm lại là phụ nữ sống ở Hà Nội, cứ ra phố là bịt mặt mặc áo chống nắng thì biết: cái áo chống nắng qua nhiều mùa giờ đã cải tiến rõ rệt, có những loại áo dài đến tận mắt cá chân, biến phụ nữ Hà Nội thành những con chiên đạo Hồi tình cờ và tự nguyện. Điều quái lạ là rất nhiều khi những bộ quần áo ấy mở ra, ta thấy bước ra từ bên trong không phải là một giai nhân da trắng như tuyết mà lại là một người phụ nữ da rất đen. Da đen thế thì sao lại phải cố giữ cho trắng? Chẳng biết, chỉ biết mặt trời là một hiểm họa đương nhiên. Điều này nhìn chung là nghĩ mãi thì cũng hiểu được: ở ngoài biển giờ đây phụ nữ (và cả đàn ông, tất nhiên) vẫn hay mặc nguyên quần áo nhảy xuống vầy nước, thì tại thành phố cái sự quần áo có hơi phi logic một chút thì cũng đâu có vấn đề gì.

Một lưu ý quan trọng với người đi lại ở thành phố Hà Nội: hãy cố mà bảo vệ mặt trận trên cao của mình. Một cành cây to tướng rơi trúng vào đầu người đi xe máy hoặc khách bộ hành là chuyện không hề hiếm. Rồi còn có thể rơi từ cành cây xuống những thứ gì thật lạ, thường là túi rác nhà trên tầng cao ném xuống, ông chủ nhà tối làm tí bia rồi nên hơi yếu tay, túi rác không xuống được đến lòng đường mà mắc lại ở lưng chừng không gian. Thậm chí có những lúc cả đoạn dây điện dài loằng ngoằng như rắn rết thuồng luồng chụp xuống; vốn dĩ người Hà Nội đã không còn lạ những câu chuyện về điện giật trên đường từ rất lâu rồi. Điều này còn kinh hãi hơn nữa: Hà Nội là công trường xây dựng trường thiên của hàng chục năm nay, điều đó ai cũng rành lắm, nhưng kinh nghiệm của hàng chục năm trời vẫn không giúp cho người ta hiểu rằng những cái cần cẩu xoay xoay tít trên cao kia có thể dội những trận bom sắt và bê tông đích thực xuống dưới phố, vì cần cẩu luôn luôn cần những khối bê tông chặn đằng sau đít cho “cân”. Đứng đợi đèn đỏ, nhiều lúc bạn sẽ giật mình khi nhìn thấy bóng cần cẩu hắt xuống mặt đường, hăm dọa còn hơn những con diều hâu vùng núi.

Và cũng đừng vừa đi vừa ngửa cổ nhìn lên trời (nhất là đừng há miệng). Một là “bọn xấu miệng” sẽ nói bạn là người “mắt đếm lá chân đá ống bơ” (nghĩa là bị dở người), hai là bạn rất dễ bị ve tè vào mặt. Rất nhiều chuyên gia xã hội học đã đau đầu tìm hiểu mà không biết tại sao dân Hà Nội đầu gấu thế mà lại răm rắp tuân thủ luật quy định đội mũ bảo hiểm. Thì tự dưng có một cái cớ khiến người ta không phải mất mặt mà vẫn bảo vệ được từ phía trên đầu, quá là tiện. Đội mũ bảo hiểm rồi, dân phố cổ rất hiên ngang đi qua bên dưới cầu chui kể cả lúc có đoàn tàu chạy qua bên trên. Trước đây, có khi toàn bộ người đi đường dừng cả lại khi xảy ra hiện tượng ấy, vì ai mà biết được từ trên cao kia có thể rơi xuống cái gì vào đầu.

Ai mà biết được cái gì sẽ rơi trúng đầu mình, đó là triết lý sống của người Hà Nội. Ai mà biết được từ trên trời rơi xuống cái gì trúng vào xóm cô đầu Khâm Thiên xưa kia. Ai mà biết sự bất ngờ có thể đáng sợ đến như thế nào.

Nguồn: Nhị Linh

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Thói hư tật xấu của người Việt: Ích kỷ, khôn vặt, vụng nói chuyện, học để kiếm gạo, ...

Vương Trí Nhàn - Thói hư tật xấu người Việt

Ích kỷ và khôn vặt
(Nguyễn Đỗ Mục, Đông dương tạp chí, 1914)


Cái tật ích kỷ vốn là một thứ hay lây: Trông thấy những vườn hoa cây cảnh ở sân nhà trường hay ở nơi đền chùa, hoặc cạnh đường đi lối lại, đã không biết giữ gìn để làm một cái cảnh vườn chung thì chớ, nhiều người lại còn đang tay bẻ tàn bẻ hại, để đem về nhà mà chơi thích chí lấy một mình. Cái chứng ích kỷ đã mọc ra, đến lúc lớn lên thành ra một người đi đến đâu phá hủy đến đấy. Cũng vì lẽ đó mà dân An Nam không mấy khi có được cảnh vui chung (1), ai có muốn chơi cảnh thì lại phải xây một vài cái bể cạn hay là bầy mươi lăm cái chậu con để làm một khu vui riêng mà không chung chạ với ai cả. Dần dần nảy ra một cái tư tưởng đáng cười, đáng khinh, đáng ghét, đáng sợ là hai chữ ích kỷ, mà một câu "ăn cỗ đi trước lội nước đi sau" đủ vẽ hết được ruột gan.

(1) tức là không có các loại công viên hoặc khu giải trí công cộng


---------------------------------------------------
Vụng nói chuyện
(Nguyễn Văn Vĩnh, Đông dương tạp chí, 1914)


Ai có ý đến những nơi họp tập, hoặc là chỗ chơi bời thì thực là buồn thay cho cái trí dục của những người đời nay. Ngoại giả chuyện cô đầu, chuyện cờ bạc, chuyện hát tuồng, chuyện chim chuột, chuyện quần áo còn thì không mấy khi được nghe những câu chuyện lý thú, làm tỏ được học vấn kẻ nói, lợi được trí khôn người nghe.


Mà xem như trong cách nói chuyện, thì thiếu niên (1) ta nghe lại có ý thích những câu chuyện tầm thường, nói chuyện để mà khoe cho người nọ người kia biết cát cách của ta chơi xa xỉ hoặc là kỳ khu... Ai ăn nói có tư tưởng cô tỏ học vắn thì thường người nghe thích nhưng ít cầu, vì câu chuyện cô nghĩa, làm cho phải nghĩ, phải đối đáp nhọc mệt... Người nói chuyện hay, cũng có kẻ phục là người có ích, nhưng trong cái phục có cái ghen cô cát ghét. Ghen là vì ở đâu đến cướp mất tai kẻ nghe, ghét là vì ở đâu đến làm tỏ cái nhàm của câu cười cợt tầm thường người ta đang thú.


(1) Hồi đầu thế kỷ XX, chữ thiếu niên không phải dùng để chỉ lớp thiếu nhi từ l0 đến 14 tuổi như bây giờ. Mà có nghĩa là người trẻ tuổi, tức lớp thanh niên 18 tuổi trở lên.


---------------------------------------------------
Học để kiếm gạo
(Phan Bội Châu, Lời hỏi các bạn thanh niên, 1928)


Đi học để kiểm gạo (1), tệ hại lớn lắm. Vì cốt kiểm gạo thời cái mục đích đã dở hoặc nhân vì mục đích đó mà sinh ra hay giả dối, hay tham lợi riêng, cốt được gạo thời thôi, đạo đức mà chi, hợp quần mà chi, ái quốc mà chi, trăm việc hỏng trớt.


(1) hiểu theo nghĩa rộng: chỉ cốt sinh lợi, có tiền.


Theo: Báo Thể thao & Văn hóa

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Phần Quan Trọng Nhất.

image


Hnh phúc không ch là n cười,
Mà còn là git nước mt trên b vai tin cy.

Khuyết danh.


Hồi nhỏ có lần mẹ hỏi tôi: “Con có biết phần nào của cơ thể con người là quan trọng nhất?”.

Tôi ngước nhìn mẹ, mẹ đã một mình tần tảo nuôi nấng chị em tôi khi cha qua đời. 
Tôi chợt nghĩ đôi bàn tay là cần thiết nhất đối với con người, bởi mẹ đã làm tất cả mọi việc chỉ với đôi bàn tay ấy.

image

Mẹ trầm ngâm:
_ Có thể con có lý nhưng đó chưa phải câu trả lời đúng nhất.

Trong một lần đi thăm trường khiếm thị, tôi cho rằng việc nhìn thấy được là điều quan trọng nhất, vì thế câu trả lời của tôi là đôi mắt. 
Mẹ nhìn tôi nói:
_ Vẫn chưa đúng con ạ.

image

Mãi đến một hôm, khi tôi cùng mẹ đi dự đám tang của một bác hàng xóm bị tai nạn. 
Những người con khóc ngất trước linh cửu người cha đã bất ngờ vĩnh viễn ra đi. 
Mọi người chung quanh xúc động cùng dìu đỡ và chia sẻ với những người con trong cơn đau mất mát.

Trên đường về, mẹ chợt khẽ nói:
_ Con ạ, đôi vai chính là phần quan trọng nhất của con người.
_ Vì đó là nơi nâng cái đầu phải không mẹ?
_ Không phải thế, bởi đó là nơi con người có thể tựa vào để khóc mỗi khi buồn, bị tổn thương hay gặp bất hạnh trong cuộc sống. 

Ai cũng cần có một “bờ vai” để nương tựa trong tinh thần. Mong sao con có thể tìm được cho mình những bờ vai để cùng sẻ chia sau này. Và con cũng sẽ là một bờ vai cho ai đó tựa vào những khi cần thiết con ạ.

image

Sau này lớn lên, tôi mới hiểu hết ý nghĩa của câu nói đó, biết bao lần tôi đã cần đến một bờ vai như thế. 

Và cuộc sống sẽ hạnh phúc biết bao nếu chúng ta biết cảm thông, chia sẻ với nỗi đau của ai đó bằng tình cảm chân thật của mình.


BM

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Núi Chẳng Dời Thì Ta Dời!

Một ngày nọ đám đệ tử ham thích thần thông hỏi sư phụ:
- Đệ tử: Thầy ơi, thầy chỉ tụi con thuật di sơn đảo hải (dời non lấp biển) đi.
- Sư phụ: Được, vậy các con hãy đứng đây, chú tâm nhìn vào ngọn núi đằng kia... Thầy sẽ làm cho nó xích lại gần ta.
Đám đệ tử tập trung dòm núi suốt 3 ngày 3 đêm mà chẳng thấy có tác dụng gì cả,... khi thấy sư phụ từ trong nhà thong thả đi ra thì liền nhao nhao lên:
- Đệ tử: Thầy ơi, sao chẳng thấy ngọn núi đó động đậy gì cả vậy?
- Sư phụ: Vô dụng, vô dụng! Các con tu tập bao lâu rồi mà vẫn còn chấp cái ngọn núi!?!
- Đệ tử: Dạ chúng con không hiểu ạ.
- Sư phụ: Vậy thì đi theo ta, ta sẽ chỉ cho thấy.
Sau khi dẫn đám đệ tự cố chấp đến chân núi, sư phụ dừng lại bảo:
- Sư phụ: Các con đã thấy núi xích lại gần ta chưa?
- Đệ tử: Dạ gần, nhưng đó là do Thầy đi đó chứ...
- Sư phụ: Cố chấp, cố chấp! Chẳng phải là núi không thể dời đi, nhưng để dời nó đi một li, ta phải tốn năng lượng gấp tỉ lần ta đi tới nó. Vậy sao cứ phải cố chấp vào việc núi dời chi vậy?!


Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Mười hai năm trong địa ngục Bắc Triều Tiên

Eunsun Kim
-

(Paris Match) – Cha bị chết đói, Eunsun Kim cùng với mẹ và chị đã chịu đựng bao gian nan khốn đốn để trốn khỏi chế độ của Kim Jong Il. Trong cuốn sách « Bắc Triều Tiên, chín năm để trốn khỏi địa ngục » vừa được nhà xuất bản Pháp Michel Lafont phát hành tuần qua, cô gái 26 tuổi này đã kể lại cuộc sống ở Bắc Triều Tiên cũng như sau khi đào thoát. Sau đây là lược dịch bài trả lời phỏng vấn Eunsun Kim của tuần báo Paris Match.

Paris Match : Cô có nghĩ rằng cuộc sống khốn khổ mà cô đã trải qua trong thập niên 90 đến nay vẫn còn kéo dài, và tại Bắc Triều Tiên người dân vẫn tiếp tục chết đói ?

Eunsun Kim : Không còn là các trận đói khủng khiếp đã sát hại nhiều trăm ngàn người trong đó có ba tôi, nhưng, vâng, tình trạng bần cùng vẫn kéo dài tại Bắc Triều Tiên. Ngày nay có ít người chết đói hơn, vì những người yếu sức nhất đều đã chết hết cả rồi. Hơn nữa, việc cung ứng thực phẩm từ phía Trung Quốc đã được cải thiện.

Do chế độ không còn khả năng nuôi nổi dân chúng, nên mỗi người phải tự bươn chải, đặc biệt là ở chợ đen. Những khó khăn kinh tế vẫn tiếp diễn, nhiều người sống rất thiếu thốn. Khủng hoảng không chỉ dẫn đến nạn đói kém, mà còn làm giảm đi các giá trị. Đó là việc mạnh ai nấy sống. Một người tị nạn vừa mới đến được Seoul cho tôi biết là một số thanh niên nay đã tìm đến với ma túy, hay là chọn đó làm nghề nghiệp, như là tương lai duy nhất. Khi biết được điều này tôi thực sự nản lòng.

Tại sao không có ai nổi dậy cả ?

Cần phải hiểu rằng chúng tôi đã bị tẩy não từ khi còn bé, các lãnh tụ họ Kim được giới thiệu như là các ân nhân của dân chúng. Lúc mới sinh ra thì không có ai ngu ngốc cả, nhưng do bị tuyên truyền dồn dập, người ta mới trở thành ngu, vì không được biết gì về thế giới bên ngoài ! Ở Bắc Triều Tiên, chúng tôi không hề biết được tự do nghĩa là gì, còn nhân quyền thì lại càng khó hình dung được. Đó là một cái vòng lẩn quẩn, vẫn tiếp tục diễn ra với thế hệ thứ ba của họ nhà Kim.

.

Sinh viên BTT tị nạn tại Hàn Quốc biểu tình ngày 21/2/12 đòi TQ không trả người tị nạn về nước. Các thanh niên biểu tình đều đeo khẩu trang để tránh bị nhận diện, liên lụy đến người thân còn sống tại BTT.

Người dân có thể truy cập internet không ?

Internet được dành riêng cho các cán bộ cấp cao của chế độ, những người này thì họ biết được những gì đang diễn ra ở thế giới bên ngoài. Điện thoại di động đã xuất hiện từ vài năm qua, nhưng bị hạn chế ở các cuộc gọi nội hạt. Tuy vậy nhờ phát triển nhanh chóng, một số người hy vọng một ngày nào đó điện thoại di động sẽ trở thành một công cụ nổi dậy để làm lung lay chế độ. Nhưng đồng thời đây cũng lại là một phương tiện để kiểm soát, giúp công an nghe được các cuộc đàm thoại và định vị được người sử dụng. Với lại điện thoại di động vẫn luôn rất đắt tiền, đa số dân chúng không thể mua nổi.

Vận chuyển công cộng đang trong tình trạng thê thảm, và các phương tiện thông tin thì cứ như thuộc về thế kỷ trước. Cùng một tuyến đường nếu ở Hàn Quốc tôi đi tàu cao tốc mất hai giờ, thì bên kia biên giới phải mất đến hai ngày. Để liên lạc với nhau, người ta gởi thư, nhưng chắc ăn nhất là gởi ai đó đến đưa tin. Vì ngay cả một lá thư cũng phải đi một tháng mới đến nơi, nếu mà nó đến được !

Chủ tịch trẻ tuổi Kim Jong Un vừa lên thay cha hồi tháng 12, có sẽ hiện đại hóa đất nước ?

Tôi từng nuôi hy vọng mong manh là người kế vị này có thể mang lại những ý tưởng mới, nhờ trẻ tuổi và đã từng học tại Thụy Sĩ, nhưng tôi đã nhanh chóng thất vọng. Và tôi lại còn có cảm giác là chế độ ngày một tệ hại thêm. Vì thế mà những ai thành công trong việc trốn thoát khỏi Bắc Triều Tiên như tôi đều có trách nhiệm và cần phải đấu tranh cho nhân quyền, cho dân chủ hóa tại đất nước này.

.

Nông thôn Bắc Triều Tiên

Có sự khác biệt lớn giữa nông thôn và thủ đô Bình Nhưỡng ?

Vâng, có một sự khác biệt hết sức lớn lao. Thủ đô là một đô thị với 2,5 triệu dân được ưu đãi, đó là gia đình có liên quan đến Đảng Lao động hay quân đội. Bình Nhưỡng là một thành phố sạch sẽ, với các tòa nhà chọc trời, được sử dụng như tủ kính mặt tiền mà các nhà độc tài muốn trưng ra trước khách nước ngoài.

Cũng có một sự ngăn cách rất lớn giữa hai thế giới : người dân một tỉnh nghèo có thể chết vì đói trong khi dân Bình Nhưỡng không hề hay biết. Chế độ nuông chiều dân chúng thủ đô, vốn là lực lượng hỗ trợ chủ yếu của họ. Tiêu chuẩn thức ăn do chính quyền phân phối cao hơn nhiều và cũng thường xuyên hơn, so với phần còn lại của đất nước vốn thường bị mất tiêu chuẩn. Tại các vùng nông thôn, mỗi người đều học được cách tồn tại mà không trông cậy vào nhà nước.

Có những thành phố lớn phát triển tại Bắc Triều Tiên không ?

Ngoài Bình Nhưỡng còn có các thành phố lớn như Rajin, Sinuiju hay Hyesan, gần đây đã phát triển nhờ ở gần biên giới Trung Quốc. Thương mại với Trung Quốc tăng lên từ đầu những năm 2000 đã giúp các thành phố này giàu lên. Nhưng lợi tức từ thương mại lại lọt vào tay của Đảng, vì không có việc kinh doanh nào thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ của hệ thống.

.

Lính biên phòng BTT canh gác bên bờ sông Áp Lục.

Ngày nay rời khỏi Bắc Triều Tiên dễ hơn hay là khó hơn trước ?

Tôi thuộc về làn sóng tị nạn đầu tiên, sau các trận đói kinh hoàng cuối thập niên 90. Số người đào thoát không ngừng tăng lên, nhưng chế độ đã tăng cường kiểm soát biên giới vào đầu những năm 2000. Tôi nhận ra điều đó sau khi vượt biên lần thứ hai và bị công an Trung Quốc gởi trả về Bắc Triều Tiên. Kể từ năm ngoái và từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền, vượt thoát khỏi Bắc Triều Tiên lại càng khó khăn hơn.

Nhà độc tài mới muốn ngăn chận làn sóng vượt biên – một sự chối bỏ chế độ – bằng mọi giá. Ông ta đã ra lệnh cho biên phòng nổ súng vào tất cả những ai muốn vượt qua biên giới một cách bất hợp pháp. Vài ngày sau khi Kim Jong Un nhậm chức, nhiều người tị nạn đã bị bắn hạ trong lúc đang vượt qua con sông lạnh giá, là ranh giới giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Hiện nay vùng biên giới đang bị giám sát hết sức nghiêm ngặt.

Theo: Blog Thụy My


Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Phép Màu Giá Bao Nhiêu?

Một cô bé tám tuổi nghe cha mẹ mình nói chuyện về đứa em trai nhỏ. Cô bé chỉ hiểu rằng em mình đang bị bệnh rất nặng và gia đình cô không còn tiền. Chỉ có một cuộc phẫu thuật rất tốn kém mới cứu sống được em trai cô bé, và cha mẹ em không tìm ra ai để vay tiền. Do đó, gia đình em sẽ phải dọn đến một căn nhà nhỏ hơn vì họ không đủ khả năng tiếp tục ở căn nhà hiện tại sau khi trả tiền bác sĩ.
Cô bé nghe bố nói với mẹ bằng giọng thì thầm tuyệt vọng: “Chỉ có phép màu mới cứu sống được Andrew”. Thế là cô bé vào phòng mình, kéo ra một con heo đất được giấu kỹ trong tủ. Em dốc hết đống tiền lẻ và đếm cẩn thận.
Rồi cô bé lẻn ra ngoài bằng cửa sau để đến tiệm thuốc gần đó. Em đặt toàn bộ số tiền mình có lên quầy.
Người bán thuốc hỏi: “Cháu cần gì?”
Cô bé trả lời: “Em trai của cháu bệnh rất nặng và cháu muốn mua phép màu.”
- Cháu bảo sao? – Người bán thuốc hỏi lại.
- Em cháu tên Andrew. Nó bị một căn bệnh gì đó trong đầu mà ba cháu nói chỉ có phép màu mới cứu được nó. Phép màu giá bao nhiêu ạ?
- Ở đây không bán phép màu, cháu à. Chú rất tiếc – Người bán thuốc nở nụ cười buồn và tỏ vẻ cảm thông với cô bé.
- Cháu có tiền trả mà. Nếu không đủ, cháu sẽ cố tìm thêm. Chỉ cần cho cháu biết giá bao nhiêu?
Trong cửa hàng còn có một vị khách ăn mặc thanh lịch. Sau khi nghe câu chuyện, ông cúi xuống hỏi cô bé: “Em cháu cần loại phép màu gì?”
- Cháu cũng không biết nữa – Cô bé trả lời, rơm rớm nước mắt. “Nhưng em cháu rất cần phép màu đó. Nó bị bệnh nặng lắm, mẹ cháu nói rằng nó cần được phẫu thuật, và hình như phải có thêm loại phép màu gì đó nữa mới cứu được em cháu. Cháu đã lấy ra toàn bộ số tiền để dành của mình để đi tìm mua phép màu đó.”
- Cháu có bao nhiêu? – Vị khách hỏi. Cô bé trả lời vừa đủ nghe: “Một đô la mười một xu.”
Người đàn ông mỉm cười: “Ồ! Vừa đủ cho cái giá của phép màu”.
Một tay ông cầm tiền của cô bé, tay kia ông nắm tay em và nói: “Dẫn bác về nhà cháu nhé. Bác muốn gặp em trai và cha mẹ cháu. Để xem bác có loại phép màu mà em cháu cần không.”
Người đàn ông thanh lịch đó là Bác sĩ Carlton Armstrong, một phẫu thuật gia thần kinh tài năng. Ca mổ được hoàn thành mà không mất tiền, và không lâu sau Andrew đã có thể về nhà, khỏe mạnh.
Mẹ cô bé thì thầm: “Mọi chuyện diễn ra kỳ lạ như có một phép màu. Thật không thể tưởng tượng nổi. Thật là vô giá!”. Cô bé mỉm cười. Em biết chính xác phép màu giá bao nhiêu. Một đô la mười một xu, cộng với niềm tin chân thành của một đứa trẻ, và lòng tốt của người bác sĩ.

Tessmiracle2
Hình thật của cô bé và em trai cùng vị bác sĩ giàu lòng nhân ái.