Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Để Tự Do Và Hạnh Phúc Hơn

Bỗng nhác thấy bóng ngựa phóng qua. Nhà đạo sĩ bàng hoàng vì kẻ trên lưng ngựa chính là người bạn thuở xưa cùng nhau tầm thầy học đạo. Cất tiếng gọi, mà bóng ngựa cứ nước kiệu phóng đi như bay.

Băn khoăn về người bạn cũ thuở nào, nhà đạo sĩ lên đường xuôi phương nam tìm ngọn núi có am thất của kẻ đồng môn. Tới nơi, nhân gian cho ông biết am thất không còn ai trông coi. Kẻ trụ trì đã chết rồi. Tính ra, nhà đạo sĩ thấy ngày chết của kẻ đồng môn đúng là đêm có bóng ngựa hiện về. Ngày xưa hai người có một lời hứa: Ai chết trước sẽ về báo cho kẻ ở lại biết thế giới bên kia thế nào.

Đêm đó, bên am thất, vào lúc ánh trăng bạc hạ tuần mềm mại trên rừng cây, bỗng có bóng người cầm tay nhà đạo sĩ dắt đi. Lại chính hồn người bạn đồng môn hiện về! “Này bạn cũ, xin nói cho tôi biết thế giới bên kia thế nào”. Hồn người chết không trả lời, lẳng lặng kéo nhà đạo sĩ theo mình. Qua khu rừng, rồi một hoang địa. Có tiếng nói từ đâu đó: “Đi về phía đông mươi trượng. Vào đường hầm. Xuống trăm bước. Đi lên. Về phía nam.” Thoát chốc, hồn người bạn đồng môn biến bất ngờ như khi hiện đến, đẩy nhà đạo sĩ vào thế giới kỳ quái.

Lạc trong hoang tưởng mộng mị, con đường về thế giới bên kia bắt đầu. Cứ theo tiếng gọi huyền bí dẫn đi, nhà đạo sĩ hỏi tiếng vọng: “Thiên đàng đâu?” Tiếng vọng dẫn ông qua nhà, qua cửa. Ông nghe có tiếng cầu kinh. Trời đổ mưa. Ngoài cánh đồng có người làm việc. Hoàng hôn xuống, bình minh lên. Bé thơ ngồi xem mẹ xay bột bên khuông cửa. Êm ả, thanh bình. Một quang cảnh tương tự như cuộc sống bình thường trên dương thế đang diễn ra. “Đó, ngươi đang đi qua thiên đàng đó.” Nhà đạo sĩ không thấy chi thần tiên người ra nói. Không có vũ công vũ khúc nghê thường, không có yến tiệc linh đình. Kỳ lạ quá. “Thiên đàng có vậy thôi sao? Còn hoả ngục thế nào?” Ông ngạc nhiên về những hình ảnh thiên đàng mà ông vẫn dạy trong những bài thuyết giảng của ông. Ông ngỡ rằng thiên đàng phải là chốn yến tiệc vui chơi chứ.

Qua thiên đàng rồi, tiếng vọng dẫn ông sang thế giới khác. Chập chờn, nhà đạo sĩ lạc vào một vùng như hoang tưởng. Khắp cả là những toà nhà sang trọng. Người ta ca hát, nhảy múa thâu đêm suốt sáng. Yến tiệc tưng bừng. Chỗ nào cũng là xa hoa, phấn hương. “Có phải đây mới là thiên đàng chứ?” Ông ngạc nhiên không hiểu nơi này là gì mà tưng bừng thế. Nhưng có tiếng bí mật trả lời ông: “Không! Đây là hoả ngục!”

Qua sảnh đường, nhà đạo sĩ nhác thấy có người quen, thì ra chính hồn người bạn cũ năm xưa! Người bạn đồng môn ấy đang ngậm miệng, cố nuốt những dòng rượu chảy nhễ nhại. Trên nền cẩm thạch bóng láng, đoàn vũ nữ nhảy múa không ngừng. Nhóm người khác đang chia nhau tiền bạc. Tiền đâu mà nhiều thế. Họ đếm thâu suốt sáng không hết. Chỗ nọ, đoàn nhạc công mồ hôi nhễ nhại oằn oại trên tiếng đàn. Họ ăn chơi không ngơi nghỉ. “Thế này nghĩa là gì? Đâu là thiên đàng? Đâu là hoả ngục?”

&

Được giác ngộ, nhà đạo sĩ thấy những gì hiểu về thiên đàng, hoả ngục của ông xưa kia non nớt quá. Ông vẫn nghĩ rằng thiên đàng là nơi không phải làm việc, chỉ có ăn chơi, tung tăng nhàn nhạ suốt ngày. Hoả ngục là nơi cực hình, không có ăn chơi, chỉ quần quật làm việc. Bây giờ trái ngược lại. Nhưng ông đã hiểu. Cái bi thương hệ tại là thiên đàng có tự do, hoả ngục là đường một chiều, không có chọn lựa.

Ông thấy người bạn cũ sống trong căn nhà lộng lẫy, không phải làm việc gì, chung quanh là nhạc khúc dập dình. Mới đầu ông nghĩ thế thì hạnh phúc quá. Nhưng hồi lâu, lâu nữa, một ngày, hai ngày, rồi một năm, hai năm, nếu dòng rượu cứ suốt ngày đêm tuôn chảy và người bạn cũ của ông cứ phải oằn oại uống như thế suốt năm này qua năm nọ thì sao? Ông ớn đến lạnh người. Nhìn chung quanh, ông thấy quả là một thế giới kinh khủng. Tốp người đang khiêu vũ kia cứ oằn oại trong điệu nhạc, ngày này qua ngày nọ. Họ không được đi đâu, không phải làm gì, đời họ bây giờ chỉ là khiêu vũ, ngày, đêm. Ông đứng nhìn những khuôn mặt thất thần. “Họ đã ở đây bao lâu? Họ đã phải đếm tiền kia từ thế kỷ nào?” Chung quanh ông không còn là hạnh phúc vì tiếng đàn, vì những khăn bàn bằng lụa quý, những chén ngà chạm vàng nữa. Ông thấy một thế giới cô độc khủng khiếp. Nhìn người bạn cũ, nhà đạo sĩ thấy đôi mắt đỏ ngàu, lờ đờ, nhưng ông ta không nghỉ được, dòng rượu cứ chảy và ông cứ ừng ực mà uống. Một thế giới không còn tự do.

&

Những ngày còn lại cuối đời của nhà đạo sĩ, ông nhìn lại những lời giảng thuyết của ông ngày xưa thế nào là hạnh phúc, thế nào là đau khổ. Ông thấy những suy tư ấy non yếu quá. Trầm ngân hơn, ông viết cho người môn sinh của mình về thiên đàng và hoả ngục như sau:

-Con thân mến, Thiên đàng là nối tiếp hạnh phúc chúng ta sống trên cõi trần. Hoả ngục là xây tiếp những nô lệ nội tâm chúng ta đang xây dựng dở dang lúc chết.

Tội là đưa một đam mê lên thành lý tưởng để theo. Hạnh phúc là sự hài hoà của mọi thứ say mê.

Tình yêu, tình dục, lòng thèm muốn, ghen tương, nhan sắc, tiền bạc, giận hờn, sức khoẻ, trí tuệ, vật chất, tinh thần… tất cả làm nên con người chúng ta. Hạnh phúc là khi ta quân bình và hài hoà nó. Chẳng hạn như nhan sắc, đó là nghệ thuật, nó đem lại hạnh phúc cho người, cho mình. Nhưng nó phải hài hoà trong nhân đức, thật thà, đoan trang. Khi con người đưa nhan sắc thành lý tưởng cao nhất để theo thì giống như một bức tranh thêu lạc màu, nhan sắc sẽ tiêu diệt những đường chỉ thêu khác. Lúc ấy, lòng thương xót sẽ chết trước cửa nhà người nghèo khó, lòng bao dung chìm dần, niềm tự kiêu dâng lên. Con sẽ dùng mọi tiền bạc cho tấm thân thôi, những tốn phí có thể lỗi công bình, vì con không còn lòng thương xót cho những kẻ phải sống không đúng phẩm giá con người chỉ vì nghèo.

Không có một chút ghen, có lẽ cuộc sống cũng khô lắm. Không có tình dục, con người sẽ đi về đâu. Giận hờn là thế, nó cho người ta những giây phút “đau thương êm ái”, nhưng chúng phải hài hoà.

Con thấy đó, hoả ngục là nơi không còn hài hoà. Kẻ nhảy múa là thấy đêm suốt sáng nhảy múa. Kẻ uống rượu là phải uống triền miên. Khi sống, họ chọn một đam mê rồi đưa lên thành lý tưởng để theo, thì khi chết họ cũng theo lý tưởng đó mà sống. Hoả ngục hệ tại là đó.

Tội làm con người mất hạnh phúc. Nhưng mất hạnh phúc bằng cách nào? Tội là thần tượng hoá một đam mê. Khi một đam mê lên cao thành thần tượng thì nó thống trị mọi suy tư khác. Kẻ ấy, lúc nào cũng bị ám ảnh bởi đam mê đó. Đam mê độc tài này đẩy con người vào hành động không có chọn lựa. Lúc đó, con người mất tự do. Bị đam mê điều khiển thì cuộc sống thành đường một chiều. Trên đường một chiều này, hễ ca múa là thâu đêm suốt sáng ca múa. Hễ say đắm tình dục thì ngụp lặn trong dục tính. Hài hoà bị tan vỡ. “Nô lệ là kẻ để cho bất cứ sự gì đó không trị mình” (2 Phêrô 2:19).

&

Khi của cải bị cô lập một mình, xa cách sự độ lượng, lòng thật thà, tâm tình bao dung, thì nó không còn bè bạn, nó trở nên độc tài. Lúc ấy, nó trả thù lại kẻ đã cắt đi những liên hệ mà nó phải có bằng cách nô lệ hoá người làm chủ nó.

Nghi ngờ đi với thành thật và độ lượng sẽ thành khôn ngoan. Có sức mạnh nhưng thiếu tâm hồn sẽ thành hung bạo. Tình dục đi với lề luật sẽ phong phú tình yêu. Tự bản chất, tất cả nó đã được sinh ra trong những liên hệ hài hoà ấy. Khi ta chọn một mà thôi đời sống sẽ nghiêng đổ.

Nhà đạo sĩ thấy nơi ông đi qua mà tiếng nói nhiệm mầu bảo ông là thiên đàng, có gì đặc biệt đâu. Cũng đồng lúa. Mưa và nắng. Có người tát nước bên dòng sông. Bây giờ hiểu ý xâu xa mà tiếng nói nhiệm mầu dạy ông. Thiên đàng, nơi ông đã đi qua đó, bình thường thôi, có em bé rong chơi, có con diều bay. Ý nghĩa của sự bình thường đó là ở đấy không có cưỡng chế độc đoán. Thiên đàng là sự tự do nội tâm. Hoả ngục là tiếp tục cái thú vui độc đoán lúc còn sống, như người mê rượu sẽ suốt ngày đêm phải uống rượu tiếp, người mê nhảy múa sẽ suốt tháng cứ nhảy múa liên miên, kẻ mê tiền thì khi chết rồi không được làm gì cả, cứ đếm tiền hết năm này qua năm nọ.

Nhà đạo sĩ muốn nói cho người môn sinh của ông về thiên đàng là gì, hoả ngục là gì trong cái nhìn suy tư về tự do và độc đoán của đam mê. Đọc kỹ những gì đã viết, ông thấy những suy tư đó cũng chẳng có gì mới. Kinh Thánh đã nói đến rồi. Nhìn lại những trang chữ viết, ông lại nhớ tới lời Kinh Thánh: “Nếu họ không tin lời của Maisen và các tiên tri, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu” (Lc 16:31). Điều ấy làm nhà đạo sĩ ngẫm nghĩ là không biết người môn sinh có chấp nhận những điều ông viết, vì lời Kinh Thánh mà nếu người môn sinh không suy tư thì lời ông viết này có ý nghĩa gì.

Ông trầm ngân, phân vân không biết có nên gởi cho người môn sinh những gì ông viết hay là thôi.


Nguyễn Tầm Thường



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét