Thứ Tư, 27 tháng 1, 2010

Mùa Xuân Đầu Tiên

Mùa Xuân Đầu Tiên - Thanh Thúy

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn.


Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.


Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.


Từ đây người biết quê người.

Từ đây người biết thương người.

Từ đây người biết yêu người.


Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về.

Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.

Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu.

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông.

Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.


Nhạc sỹ Văn Cao đến với âm nhạc từ rất sớm và thành công rực rỡ từ rất sớm: năm 16 tuổi với "Buồn tàn thu", 17 tuổi với: "Thiên thai". Những nhạc phẩm như: "Trương Chi", "Thu cô liêu", "Bến Xuân", "Suối Mơ" đều được viết khi tuổi đời ông còn rất trẻ. Nhạc của ông "sang trọng như một ông hoàng" (Trịnh Công Sơn).
"Văn Cao là một viên ngọc trên bức khảm
văn hoá - nghệ thuật của dân tộc Việt Nam"
Đặng Thai Mai
"Mùa xuân đầu tiên" là ca khúc cuối cùng của người nghệ sỹ tài hoa. Đây là một ca khúc rất nhẹ nhàng, êm đềm, và thấm đẫm tình người.

Cuộc đời của người nghệ sỹ Văn Cao là những cung bậc thăng trầm với hào quang, cay đắng và những nỗi niềm "không thể sẻ chia"... Với những bài ca đẹp đến quyến rũ, đẹp đến nồng nàn, đẹp đến xa vắng, (Suối mơ, Buồn tàn thu, Cung đàn xưa, Bến Xuân, Thiên thai, Trương Tri, Thu cô liêu) nhạc sỹ Văn Cao đã đi qua đời sống âm nhạc như một bậc tài danh của thế kỷ XX.

Tài năng sáng tạo của Văn Cao đã rực sáng cả trong thơ, nhạc và họa. Vừa là nhạc sĩ, vừa là hoạ sĩ, vừa là nhà thơ, trong mỗi lĩnh vực ông đều có những đóng góp giá trị. Ông là người đa tài mà thành ra đa... hệ lụy. Thơ của ông, nhạc của ông, họa của ông thăng hoa bao tâm hồn, nâng đỡ bao số phận nhưng chính ông lại chua xót đến nỗi: "Có lúc nước mắt không thể chẩy ra ngoài được".

Hiểu một chút về những thăng trầm của ông để thấy được "Mùa xuân đầu tiên" hướng thiện như thế nào. Sau vụ "Nhân văn giai phẩm", nhạc sỹ Văn Cao không viết nhạc nữa. Giai đoạn đầy dằn vặt và đau khổ vì những sai lầm: "người anh em dẹt như một con dao, gây nhiều vết thương cho bạn hữu", Văn Cao đã thốt lên: " Giữa sự sống và sự chết, tôi chọn sự sống. Để bảo vệ sự sống, tôi chọn sự chết".

Những biến cố nơi cuộc đời có thể làm cho một tài năng bị che khuất, bị chìm xuống bẽ bàng, nhưng không dễ lấy đi nhân cách một con người, không dễ lấy đi cái giá trị của tình yêu thương:

Từ đây người biết thương người.

Từ đây người biết yêu người.


Nhạc sỹ Văn Cao đã có hai ca khúc rất hay về mùa xuân: "Cung đàn xưa" và "Bến xuân". "Mùa xuân đầu tiên" là ca khúc dạt dào tình cảm và đậm nét tâm hồn con người Việt Nam:


Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về.

Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.

Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu.

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông.

Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.


"Mùa xuân đầu tiên" được viết vào khoảng cuối năm 1975, từ chiếc đàn Piano cũ kỹ nơi góc khuất 108 Yết Kiêu, Hà Nội. Ca khúc được giới thiệu với giới nghệ thuật vào mùa xuân năm 1976, nhưng bị phê bình là không đi đúng đường lối của Đảng, không phục vụ cho Cách mạng, bản nhạc vừa mới phát hành đã bị tịch thu (nhưng vẫn được dịch và trình diễn tại Nga và trên các chương trình Việt Ngữ tại Moscow). Mãi sau này khi Văn Cao từ giã chúng ta, "Mùa xuân đầu tiên" mới được ghi âm và phát hành qua tiếng hát Thanh Thúy.

Có không ít những bản nhạc này, bài hát kia vừa viết ra đã được đưa đón, được tung hô, nhưng sức sống của nó chẳng bao lâu. ''Mùa xuân đầu tiên" tự thân trường tồn, tự thân còn mãi với thời gian như tất cả những giá trị nghệ thuật khác của Văn Cao.

Hải Phòng, Xuân Canh Dần 2010




Mùa Xuân Đầu Tiên - Thanh Thúy


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét