Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Núi Chẳng Dời Thì Ta Dời!

Một ngày nọ đám đệ tử ham thích thần thông hỏi sư phụ:
- Đệ tử: Thầy ơi, thầy chỉ tụi con thuật di sơn đảo hải (dời non lấp biển) đi.
- Sư phụ: Được, vậy các con hãy đứng đây, chú tâm nhìn vào ngọn núi đằng kia... Thầy sẽ làm cho nó xích lại gần ta.
Đám đệ tử tập trung dòm núi suốt 3 ngày 3 đêm mà chẳng thấy có tác dụng gì cả,... khi thấy sư phụ từ trong nhà thong thả đi ra thì liền nhao nhao lên:
- Đệ tử: Thầy ơi, sao chẳng thấy ngọn núi đó động đậy gì cả vậy?
- Sư phụ: Vô dụng, vô dụng! Các con tu tập bao lâu rồi mà vẫn còn chấp cái ngọn núi!?!
- Đệ tử: Dạ chúng con không hiểu ạ.
- Sư phụ: Vậy thì đi theo ta, ta sẽ chỉ cho thấy.
Sau khi dẫn đám đệ tự cố chấp đến chân núi, sư phụ dừng lại bảo:
- Sư phụ: Các con đã thấy núi xích lại gần ta chưa?
- Đệ tử: Dạ gần, nhưng đó là do Thầy đi đó chứ...
- Sư phụ: Cố chấp, cố chấp! Chẳng phải là núi không thể dời đi, nhưng để dời nó đi một li, ta phải tốn năng lượng gấp tỉ lần ta đi tới nó. Vậy sao cứ phải cố chấp vào việc núi dời chi vậy?!


Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Mười hai năm trong địa ngục Bắc Triều Tiên

Eunsun Kim
-

(Paris Match) – Cha bị chết đói, Eunsun Kim cùng với mẹ và chị đã chịu đựng bao gian nan khốn đốn để trốn khỏi chế độ của Kim Jong Il. Trong cuốn sách « Bắc Triều Tiên, chín năm để trốn khỏi địa ngục » vừa được nhà xuất bản Pháp Michel Lafont phát hành tuần qua, cô gái 26 tuổi này đã kể lại cuộc sống ở Bắc Triều Tiên cũng như sau khi đào thoát. Sau đây là lược dịch bài trả lời phỏng vấn Eunsun Kim của tuần báo Paris Match.

Paris Match : Cô có nghĩ rằng cuộc sống khốn khổ mà cô đã trải qua trong thập niên 90 đến nay vẫn còn kéo dài, và tại Bắc Triều Tiên người dân vẫn tiếp tục chết đói ?

Eunsun Kim : Không còn là các trận đói khủng khiếp đã sát hại nhiều trăm ngàn người trong đó có ba tôi, nhưng, vâng, tình trạng bần cùng vẫn kéo dài tại Bắc Triều Tiên. Ngày nay có ít người chết đói hơn, vì những người yếu sức nhất đều đã chết hết cả rồi. Hơn nữa, việc cung ứng thực phẩm từ phía Trung Quốc đã được cải thiện.

Do chế độ không còn khả năng nuôi nổi dân chúng, nên mỗi người phải tự bươn chải, đặc biệt là ở chợ đen. Những khó khăn kinh tế vẫn tiếp diễn, nhiều người sống rất thiếu thốn. Khủng hoảng không chỉ dẫn đến nạn đói kém, mà còn làm giảm đi các giá trị. Đó là việc mạnh ai nấy sống. Một người tị nạn vừa mới đến được Seoul cho tôi biết là một số thanh niên nay đã tìm đến với ma túy, hay là chọn đó làm nghề nghiệp, như là tương lai duy nhất. Khi biết được điều này tôi thực sự nản lòng.

Tại sao không có ai nổi dậy cả ?

Cần phải hiểu rằng chúng tôi đã bị tẩy não từ khi còn bé, các lãnh tụ họ Kim được giới thiệu như là các ân nhân của dân chúng. Lúc mới sinh ra thì không có ai ngu ngốc cả, nhưng do bị tuyên truyền dồn dập, người ta mới trở thành ngu, vì không được biết gì về thế giới bên ngoài ! Ở Bắc Triều Tiên, chúng tôi không hề biết được tự do nghĩa là gì, còn nhân quyền thì lại càng khó hình dung được. Đó là một cái vòng lẩn quẩn, vẫn tiếp tục diễn ra với thế hệ thứ ba của họ nhà Kim.

.

Sinh viên BTT tị nạn tại Hàn Quốc biểu tình ngày 21/2/12 đòi TQ không trả người tị nạn về nước. Các thanh niên biểu tình đều đeo khẩu trang để tránh bị nhận diện, liên lụy đến người thân còn sống tại BTT.

Người dân có thể truy cập internet không ?

Internet được dành riêng cho các cán bộ cấp cao của chế độ, những người này thì họ biết được những gì đang diễn ra ở thế giới bên ngoài. Điện thoại di động đã xuất hiện từ vài năm qua, nhưng bị hạn chế ở các cuộc gọi nội hạt. Tuy vậy nhờ phát triển nhanh chóng, một số người hy vọng một ngày nào đó điện thoại di động sẽ trở thành một công cụ nổi dậy để làm lung lay chế độ. Nhưng đồng thời đây cũng lại là một phương tiện để kiểm soát, giúp công an nghe được các cuộc đàm thoại và định vị được người sử dụng. Với lại điện thoại di động vẫn luôn rất đắt tiền, đa số dân chúng không thể mua nổi.

Vận chuyển công cộng đang trong tình trạng thê thảm, và các phương tiện thông tin thì cứ như thuộc về thế kỷ trước. Cùng một tuyến đường nếu ở Hàn Quốc tôi đi tàu cao tốc mất hai giờ, thì bên kia biên giới phải mất đến hai ngày. Để liên lạc với nhau, người ta gởi thư, nhưng chắc ăn nhất là gởi ai đó đến đưa tin. Vì ngay cả một lá thư cũng phải đi một tháng mới đến nơi, nếu mà nó đến được !

Chủ tịch trẻ tuổi Kim Jong Un vừa lên thay cha hồi tháng 12, có sẽ hiện đại hóa đất nước ?

Tôi từng nuôi hy vọng mong manh là người kế vị này có thể mang lại những ý tưởng mới, nhờ trẻ tuổi và đã từng học tại Thụy Sĩ, nhưng tôi đã nhanh chóng thất vọng. Và tôi lại còn có cảm giác là chế độ ngày một tệ hại thêm. Vì thế mà những ai thành công trong việc trốn thoát khỏi Bắc Triều Tiên như tôi đều có trách nhiệm và cần phải đấu tranh cho nhân quyền, cho dân chủ hóa tại đất nước này.

.

Nông thôn Bắc Triều Tiên

Có sự khác biệt lớn giữa nông thôn và thủ đô Bình Nhưỡng ?

Vâng, có một sự khác biệt hết sức lớn lao. Thủ đô là một đô thị với 2,5 triệu dân được ưu đãi, đó là gia đình có liên quan đến Đảng Lao động hay quân đội. Bình Nhưỡng là một thành phố sạch sẽ, với các tòa nhà chọc trời, được sử dụng như tủ kính mặt tiền mà các nhà độc tài muốn trưng ra trước khách nước ngoài.

Cũng có một sự ngăn cách rất lớn giữa hai thế giới : người dân một tỉnh nghèo có thể chết vì đói trong khi dân Bình Nhưỡng không hề hay biết. Chế độ nuông chiều dân chúng thủ đô, vốn là lực lượng hỗ trợ chủ yếu của họ. Tiêu chuẩn thức ăn do chính quyền phân phối cao hơn nhiều và cũng thường xuyên hơn, so với phần còn lại của đất nước vốn thường bị mất tiêu chuẩn. Tại các vùng nông thôn, mỗi người đều học được cách tồn tại mà không trông cậy vào nhà nước.

Có những thành phố lớn phát triển tại Bắc Triều Tiên không ?

Ngoài Bình Nhưỡng còn có các thành phố lớn như Rajin, Sinuiju hay Hyesan, gần đây đã phát triển nhờ ở gần biên giới Trung Quốc. Thương mại với Trung Quốc tăng lên từ đầu những năm 2000 đã giúp các thành phố này giàu lên. Nhưng lợi tức từ thương mại lại lọt vào tay của Đảng, vì không có việc kinh doanh nào thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ của hệ thống.

.

Lính biên phòng BTT canh gác bên bờ sông Áp Lục.

Ngày nay rời khỏi Bắc Triều Tiên dễ hơn hay là khó hơn trước ?

Tôi thuộc về làn sóng tị nạn đầu tiên, sau các trận đói kinh hoàng cuối thập niên 90. Số người đào thoát không ngừng tăng lên, nhưng chế độ đã tăng cường kiểm soát biên giới vào đầu những năm 2000. Tôi nhận ra điều đó sau khi vượt biên lần thứ hai và bị công an Trung Quốc gởi trả về Bắc Triều Tiên. Kể từ năm ngoái và từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền, vượt thoát khỏi Bắc Triều Tiên lại càng khó khăn hơn.

Nhà độc tài mới muốn ngăn chận làn sóng vượt biên – một sự chối bỏ chế độ – bằng mọi giá. Ông ta đã ra lệnh cho biên phòng nổ súng vào tất cả những ai muốn vượt qua biên giới một cách bất hợp pháp. Vài ngày sau khi Kim Jong Un nhậm chức, nhiều người tị nạn đã bị bắn hạ trong lúc đang vượt qua con sông lạnh giá, là ranh giới giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Hiện nay vùng biên giới đang bị giám sát hết sức nghiêm ngặt.

Theo: Blog Thụy My


Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Phép Màu Giá Bao Nhiêu?

Một cô bé tám tuổi nghe cha mẹ mình nói chuyện về đứa em trai nhỏ. Cô bé chỉ hiểu rằng em mình đang bị bệnh rất nặng và gia đình cô không còn tiền. Chỉ có một cuộc phẫu thuật rất tốn kém mới cứu sống được em trai cô bé, và cha mẹ em không tìm ra ai để vay tiền. Do đó, gia đình em sẽ phải dọn đến một căn nhà nhỏ hơn vì họ không đủ khả năng tiếp tục ở căn nhà hiện tại sau khi trả tiền bác sĩ.
Cô bé nghe bố nói với mẹ bằng giọng thì thầm tuyệt vọng: “Chỉ có phép màu mới cứu sống được Andrew”. Thế là cô bé vào phòng mình, kéo ra một con heo đất được giấu kỹ trong tủ. Em dốc hết đống tiền lẻ và đếm cẩn thận.
Rồi cô bé lẻn ra ngoài bằng cửa sau để đến tiệm thuốc gần đó. Em đặt toàn bộ số tiền mình có lên quầy.
Người bán thuốc hỏi: “Cháu cần gì?”
Cô bé trả lời: “Em trai của cháu bệnh rất nặng và cháu muốn mua phép màu.”
- Cháu bảo sao? – Người bán thuốc hỏi lại.
- Em cháu tên Andrew. Nó bị một căn bệnh gì đó trong đầu mà ba cháu nói chỉ có phép màu mới cứu được nó. Phép màu giá bao nhiêu ạ?
- Ở đây không bán phép màu, cháu à. Chú rất tiếc – Người bán thuốc nở nụ cười buồn và tỏ vẻ cảm thông với cô bé.
- Cháu có tiền trả mà. Nếu không đủ, cháu sẽ cố tìm thêm. Chỉ cần cho cháu biết giá bao nhiêu?
Trong cửa hàng còn có một vị khách ăn mặc thanh lịch. Sau khi nghe câu chuyện, ông cúi xuống hỏi cô bé: “Em cháu cần loại phép màu gì?”
- Cháu cũng không biết nữa – Cô bé trả lời, rơm rớm nước mắt. “Nhưng em cháu rất cần phép màu đó. Nó bị bệnh nặng lắm, mẹ cháu nói rằng nó cần được phẫu thuật, và hình như phải có thêm loại phép màu gì đó nữa mới cứu được em cháu. Cháu đã lấy ra toàn bộ số tiền để dành của mình để đi tìm mua phép màu đó.”
- Cháu có bao nhiêu? – Vị khách hỏi. Cô bé trả lời vừa đủ nghe: “Một đô la mười một xu.”
Người đàn ông mỉm cười: “Ồ! Vừa đủ cho cái giá của phép màu”.
Một tay ông cầm tiền của cô bé, tay kia ông nắm tay em và nói: “Dẫn bác về nhà cháu nhé. Bác muốn gặp em trai và cha mẹ cháu. Để xem bác có loại phép màu mà em cháu cần không.”
Người đàn ông thanh lịch đó là Bác sĩ Carlton Armstrong, một phẫu thuật gia thần kinh tài năng. Ca mổ được hoàn thành mà không mất tiền, và không lâu sau Andrew đã có thể về nhà, khỏe mạnh.
Mẹ cô bé thì thầm: “Mọi chuyện diễn ra kỳ lạ như có một phép màu. Thật không thể tưởng tượng nổi. Thật là vô giá!”. Cô bé mỉm cười. Em biết chính xác phép màu giá bao nhiêu. Một đô la mười một xu, cộng với niềm tin chân thành của một đứa trẻ, và lòng tốt của người bác sĩ.

Tessmiracle2
Hình thật của cô bé và em trai cùng vị bác sĩ giàu lòng nhân ái.

Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

Tồn tại vận tốc hơn ánh sáng (Hạt Neutrino)

Thế giới đang xôn xao về kết quả thí nghiệm OPERA ở Italy của các nhà vật lý. Thí nghiệm OPERA đo vận tốc của chùm hạt neutrino từ CERN (Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu) ở Geneva, xuyên qua đường hầm qua dãy Alps, đến một máy thu ở Gran Sasso nằm ở miền trung Italy trên quãng đường dài 730km. Kết quả được các nhà vật lý thông báo là vận tốc của neutrino đo được lớn hơn vận tốc ánh sáng một lượng bằng 25 phần triệu vận tốc của ánh sáng. Đây là một kết quả chấn động thế giới, bởi vì từ trước đến nay vận tốc ánh sáng vẫn được coi là tuyệt đối.

Lý thuyết tương đối hẹp của Einstein được xây dựng trên hai tiên đề cơ bản. Một là các định luật vật lý là như nhau trong tất cả các hệ quy chiếu quán tính. Hai là vận tốc ánh sáng trong chân không là như nhau. Tiên đề đầu dễ hiểu hơn. Nó khẳng định các quy luật vật lý không phụ thuộc vào người quan sát ở trong các hệ quy chiếu quán tính khác nhau. Tất nhiên tự nhiên là phải như thế. Không thể nào xảy ra được chuyện hiện tượng vật lý trở nên khác nhau khi người quan sát đứng yên hay đang chuyển động với vận tốc không đổi. Tiên đề thứ hai có vẻ khó hiểu hơn. Nếu chúng ta đang ở trong một toa tàu đang chuyển động và ném một quả bóng thì một người đứng bên lề đường quan sát sẽ thấy vận tốc của quả bóng bằng khoảng vận tốc của con tầu cộng với vận tốc của quả bóng bay trong toa tầu. Nếu chúng ta không ném quả bóng mà phát ra một chùm tia sáng, thì vận tốc mà người quan sát đứng bên lề đường quan sát được tia sáng cũng bằng chính vận tốc mà người ở trong toa tầu quan sát được tia sáng, chứ không phải bằng tổng vận tốc của tia sáng trong toa tầu cộng với vận tốc con tàu chuyển động, như trường hợp của quả bóng. Tiên đề thứ hai có vẻ không khớp với cảm quan vật lý mà chúng ta quan sát thấy trong cuộc sống thường nhật. Sở dĩ chúng ta không cảm giác được tiên đề thứ hai vì vận tốc của ánh sáng rất lớn, gấp cỡ triệu lần vận tốc của máy bay dân dụng. Mặc dù vậy, tất cả các thí nghiệm đo đạc được đều khẳng định tính đúng đắn của tiên đề thứ hai. Lý thuyết tương đối hẹp cho nhiều hiện tượng lạ kỳ. Chẳng hạn vật chuyển động đều có độ dài và thời gian co lại so với vật đứng yên. Chúng ta không cảm giác được những hiện tượng như vậy trong cuộc sống thường nhật một lần nữa lại do vận tốc của ánh sáng quá lớn so với vận tốc của những vật trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Nếu như có một vật chuyển động với vận tốc lớn hơn vận tốc ánh sáng thì điều gì sẽ xảy ra? Nguyên lý nhân quả sẽ bị vi phạm. Nguyên lý nhân quả thể hiện nhân phải xảy ra trước quả. Đây là một nguyên lý phổ quát. Giả sử như có một mũi tên phát ra từ một cái cung bắn vào một quả táo. Mũi tên phải được bắn ra trước thời điểm mũi tên cắm vào quả táo. Bắn mũi tên là nhân, mũi tên cắm vào quả táo là quả. Nếu vận tốc của mũi tên nhỏ hơn vận tốc ánh sáng, nguyên lý nhân quả luôn duy trì: mũi tên cắm vào quả táo luôn luôn sau khi mũi tên được bắn ra. Nhưng nếu vận tốc mũi tên lớn hơn vận tốc ánh sáng, trong một hệ quy chiếu quán tính nhất định, người quan sát sẽ thấy thời điểm mũi tên được bắn và thời điểm mũi tên cắm vào quả táo trùng nhau. Ở một hệ quy chiếu quán tính khác có vận tốc tương đối lớn hơn , người quan sát lại thấy mũi tên cắm vào quả táo trước khi nó được bắn ra khỏi cái cung. Như vậy nguyên lý nhân quả bị vi phạm. Nguyên lý nhân quả bị vi phạm thì con người có khả năng trở về quá khứ như trong các bộ phim viễn tưởng của Hollywood, hay như câu ca dao của người Việt: Sinh con rồi mới sinh cha / Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông. Chính vì những nghịch lý như vậy mà phát hiện vận tốc nhanh hơn ánh sáng trở thành tâm điểm xôn xao trên toàn cầu.

Nhưng thực ra thí nghiệm OPERA không phải là thí nghiệm đầu tiên trên thế giới phát hiện ra vận tốc lớn hơn vận tốc ánh sáng. Năm 2007, thí nghiệm MINOS ở Mỹ, cũng bắn một chùm neutrino từ Phòng thí nghiệm Fermi ở Chicago tới một máy thu ở Minnesota, và kết quả thí nghiệm cũng từa tựa như kết quả thí nghiệm OPERA vừa mới thông báo. Nhưng thí nghiệm MINOS có kết quả không được chắc chắn, sai số lớn, do vậy nó không được công nhận. Các nhà vật lý của thí nghiệm OPERA cho biết kết quả của họ tốt hơn các thí nghiệm trước đây, và kết quả là xác quyết. Tuy vậy, cộng đồng khoa học vẫn chưa chấp nhận kết quả thí nghiệm OPERA, và đợi chờ các thí nghiệm độc lập khác để kiểm chứng. Đó là nguyên tắc chung của khoa học.

Mặc dù kết quả thí nghiệm OPERA có thể khiến chúng ta suy nghĩ về nguyên lý nhân quả bị vi phạm, nhưng thực ra vẫn còn có những lý thuyết khác, chấp nhận một số hạt hạ nguyên tử có vận tốc lớn hơn vận tốc ánh sáng và không vi phạm nguyên lý nhân quả. Loại hạt như vậy được gọi là hạt tachyon. Giả thuyết về loại hạt tachyon đã có từ lâu, nhưng từ trước đến nay chúng mới chỉ tồn tại trên giấy, trong các nghiên cứu lý thuyết. Vậy liệu có phải kết quả thí nghiệm OPERA chỉ là một khẳng định neutrino là hạt tachyon và nguyên lý nhân quả vẫn OK? Điều này vẫn đòi hỏi thêm các nghiên cứu tiếp theo để khẳng định. Hạt neutrino kể từ lúc được khai sinh cho đến nay đã cho thấy chúng là một loại hạt rất đặc biệt. Neutrino được Pauli tiên đoán trong lý thuyết trước khi thực nghiệm tìm ra chúng. Thoạt đầu neutrino được coi là loại hạt không có khối lượng, giống như hạt photon mang ánh sáng. Sau đấy các thí nghiệm khẳng định neutrino là hạt có khối lượng. Neutrino cũng được nghi là hạt fermion Majorana, tức là loại hạt mà bản thân chúng cũng đồng thời là phản hạt, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Giờ đây, với kết quả thí nghiệm OPERA, nếu được kiểm chứng là chính xác, thì neutrino lại là một ứng cử viên cho hạt tachyon. Là tachyon, hay vi phạm nguyên lý nhân quả, hay gì khác, câu trả lời vẫn ở thì tương lai.

Khoa học luôn vận động không ngừng, luôn hấp dẫn, cuốn hút và mời gọi chúng ta trong bí ẩn lớn lao, diệu kỳ và tuyệt mỹ của Tạo hóa.


Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Chuyến Xe Đò

Dịch giả Hoàng Hưng đã chuyển ngữ câu chuyện thương tâm có thật đã xảy ra tại Trung Quốc như sau.[1]

Một chiếc xe bus chở đầy khách đang chạy trên đường đồi. Giữa đường, ba thằng du côn có vũ khí để mắt tới cô lái xe xinh đẹp. Chúng bắt cô dừng xe và muốn “vui vẻ” với cô. Tất nhiên là cô lái xe kêu cứu, nhưng tất cả hành khách trên xe chỉ đáp lại bằng sự im lặng. Lúc ấy một người đàn ông trung niên nom yếu ớt tiến lên yêu cầu ba tên du côn dừng tay; nhưng ông đã bị chúng đánh đập. Ông rất giận dữ và lớn tiếng kêu gọi các hành khách khác ngăn hành động man rợ kia lại nhưng chẳng ai hưởng ứng. Và cô lái xe bị ba tên côn đồ lôi vào bụi rậm bên đường. Một giờ sau, ba tên du côn và cô lái xe tơi tả trở về xe và cô sẵn sàng cầm lái tiếp tục lên đường…

“Này ông kia, ông xuống xe đi!” Cô lái xe la lên với người đàn ông vừa tìm cách giúp mình.

Người đàn ông sững sờ, nói: “Cô làm sao thế? Tôi mới vừa tìm cách cứu cô, tôi làm thế là sai à?”

“Cứu tôi ư? Ông đã làm gì để cứu tôi chứ?” Cô lái xe vặn lại, và vài hành khách bình thản cười.

Người đàn ông thật sự tức giận. Dù ông đã không có khả năng cứu cô, nhưng ông không nên bị đối xử như thế chứ. Ông từ chối xuống xe, và nói: “Tôi đã trả tiền đi xe nên tôi có quyền ở lại xe.”

Cô lái xe nhăn mặt nói: “Nếu ông không xuống, xe sẽ không chạy.”

Điều bất ngờ là hành khách, vốn lờ lảng hành động man rợ mới đây của bọn du côn, bỗng nhao nhao đồng lòng yêu cầu người đàn ông xuống xe, họ nói: “Ông ra khỏi xe đi, chúng tôi có nhiều công chuyện đang chờ và không thể trì hoãn thêm chút nào nữa!”

Một vài hành khách khỏe hơn tìm cách lôi người đàn ông xuống xe. Ba tên du côn mỉm cười với nhau một cách ranh mãnh và bình luận: “Chắc tụi mình đã phục vụ cô nàng ra trò đấy nhỉ!”

Sau nhiều lời qua tiếng lại, hành lý của người đàn ông bị ném qua cửa sổ và ông bị đẩy ra khỏi xe. Chiếc xe bus lại khởi tiếp hành trình. Cô lái xe vuốt lại tóc tai và vặn radio lên hết cỡ. Xe lên đến đỉnh đồi và ngoặt một cái chuẩn bị xuống đồi. Phía tay phải xe là một vực thẳm sâu hun hút. Tốc độ của xe bus tăng dần. Gương mặt cô lái xe bình thản, hai bàn tay giữ chặt vô lăng. Nước mắt trào ra trong hai mắt cô. Một tên du côn nhận thấy có gì không ổn, hắn nói với cô lái xe: “Chạy chậm thôi, cô định làm gì thế hả?” Cô tài xế vẫn không đáp lại lời nào. Tên du côn tìm cách giằng lấy vô lăng, nhưng chiếc xe bus lao ra ngoài vực như mũi tên bật khỏi cây cung.

Hôm sau, báo địa phương loan tin một tai nạn bi thảm xảy ra ở vùng “Phục Hổ Sơn”. Một chiếc xe cỡ trung rơi xuống vực, tài xế và 13 hành khách đều thiệt mạng.

Người đàn ông đã bị đuổi xuống xe đọc tờ báo và khóc. Không ai biết ông khóc cái gì và vì sao mà khóc!

* * *

Mời bạn đặt mình vào chuyến hành trình ấy để thử nhìn xem mình phản ứng ra sao trong sự kiện trên.

Quan sát hoàn cảnh, ta có thể nhận thấy có ba giai đoạn xảy ra sự kiện trong câu chuyện. Hoàn cảnh thứ nhất, bạn chứng kiến cảnh cô gái kêu cứu bạn, nhưng bạn không đáp trả lời kêu cứu ấy. Cảnh thứ hai, bạn chứng kiến người đàn ông đã can đảm một mình đứng lên bênh vực cho người yếu thế. Ông cũng kêu gọi sự trợ giúp của bạn, nhưng bạn cũng làm ngơ. Cảnh thứ ba, bạn chứng kiến cảnh cô tài xế đuổi người đàn ông ra khỏi xe (theo suy nghĩ thông thường, cô tài xế đã hành xử bất công, nhẫn tâm), trong cảnh này, bạn cũng lại im lặng, và thậm tệ hơn, có khi bạn lại nằm trong số hùa theo đám đông xô người đàn ông ra khỏi xe để xe chạy cho tới nơi của bạn.

* * *

Người sống đúng với giá trị làm người của mình thường phải lội ngược dòng. Động cơ nào mà người đàn ông trong câu chuyện trên đã sống ngược dòng như vậy? Khi con người trở về với căn tính thật của mình, họ sẽ có khả năng nhận ra ý nghĩa và mục đích của đời họ. Tự trong sâu thẳm lương tâm của mỗi người, tiếng gọi sống vì lý tưởng công bằng luôn luôn mạnh mẽ. Hay nói cách khác, người sống căn tính thật với lòng mình họ sẽ dễ nhạy bén nhận ra sự bất công đang xảy ra xung quanh họ. Khi đã nhận ra tiếng lương tâm này, họ có sức mạnh phi thường để đứng lên bảo vệ cho người bị bất công mà không hề nghĩ tới hậu quả sẽ xảy đến với chính mình. Đây chính là đặc điểm cao quí của loài người mà các loài thú vật không có được (hoặc nếu chúng có, thì chúng cũng chỉ phản ứng theo bản năng của mối liên hệ mẹ-con).

Vấn đề đặt ra là làm sao chúng ta luyện lương tâm chúng ta nhạy bén được như thế? Hằng ngày, nếu bạn tập nghĩ đến người khác, nếu bạn lắng nghe hoàn cảnh người khác với trái tim thông cảm, nếu bạn đặt hoàn cảnh của mình vào những con người đang đau khổ mà chúng ta gặp thấy hằng ngày qua báo chí, truyền hình, một lúc nào đó lương tâm cũa bạn sẽ nhạy bén hơn đối với vấn đề bất công, nghèo đói trong xã hội loài người. Vậy rào cản nào đã làm cho chúng ta ít suy nghĩ tích cực và cảm thông với người khác? Thưa, đó là vì chúng ta tập trung suy nghĩ về chúng ta thái quá; và chúng ta cũng thường xét đoán về người khác. Hoặc quá bận tâm lo cho chính ta, hoặc xét đoán “đúng sai” về người khác là cản trở lớn cho chúng ta vươn ra khỏi cái tôi để học chia sẻ với người khác – đó cũng chính là lối suy nghĩ tiêu cực, nhỏ nhen mà ít khi chúng ta để ý tới.

Mục Sống Sao Cho Đẹp mời bạn ví thử đời mình là một người hành khác trong chuyến xe đò của môi trường mình đang làm việc, của cộng đồng mình đang sinh hoạt, của đất nước mình đang sinh sống. Bạn có thấy hoàn cảnh tương tự như câu chuyện trên không? Nếu bạn không thấy, mời bạn tập suy nghĩ về người khác, tập quan tâm về người khác, tập đặt minh trong hoàn cảnh của những người đang bị bất công, bị đau khổ mà chúng ta gặp được trong cuộc sống. Nhưng nếu bạn đã thấy những cảnh bất công tương tự như trong câu chuyên, bạn sẽ làm gì sau khi đọc câu chuyện này?

Br. Huynhquảng


Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Đạo Và Đời

Khi nói “Đạo và Đời” thường người ta nghĩ đến mối quan hệ giữa tôn giáo và đời sống thế tục. Tuy nhiên danh từ Đạo ở đây còn có thể mang một ý nghĩa khác. Nghĩa này minh triết Đông phương cho nó là một thực tại không thể nói , không thể gọi tên “Đạo khả Đạo phi thường Đạo, Danh khả Danh phi thường Danh” (Lão Tử ĐĐK chương một ) Đạo mà có thể nói, giải nghĩa thì đó không phải Đạo thường, Danh mà có thể gọi thì đó không phải là Danh Thường. Chữ THƯỜNG có nghĩa là thường hằng đời đời bất diệt. Cái thực thể thường hằng ấy tuy không thể nói, không thể gọi nhưng phải được truyền giảng. Không truyền giảng thì chân lý làm sao mà có thể hiện thực có nghĩa đưa Đạo vào Đời ? Làm cho Đạo có thể nhập được vào Đời đó phải là sứ mạng chân chính duy nhất của tôn giáo. Ngược lại đó không phải là Đạo “Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo” (Đạo không xa bản tính người, nếu theo đạo để cho xa cái bản tính người thì đó không phải là Đạo)

Đức Giêsu Kitô là sự sáng soi để cho con người có thể nhận biết hầu thể nhập với Đạo “Ban đầu có Đạo, Đạo ở cùng Đức Chúa Trời và Đạo là Đức Chúa Trời. Đạo ấy ban đầu ở cùng ĐCT, muôn vật bởi Ngài dựng nên, phàm vật dựng nên ngoài Ngài chẳng thể có vật gì được dựng nên. Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người . Sự sống soi trong tối tăm mà tối tăm chẳng tiếp nhận” (Ga 1, 1-5) Đức Kitô xuống thế để mở ra một mối Đạo nhưng muốn thực sự sống cái mối Đạo ấy thì phải dám bỏ mình “Ai muốn theo Ta thì phải bỏ mình vác thập tự giá hàng ngày mà theo”(Mt) Phải bỏ mình đi mới có thể sống Đạo và sống Đạo không phải là sống cái chi khác mà là sống cái bản tính mình.

Sống Đạo là sống cái bản tính, hiểu như vậy thì vấn đề quan trọng cần phải đặt ra , vậy bản tính đích thực của con người là gì ? Trong suốt 25 thế kỷ qua , có thể nói toàn bộ tư tưởng Tây phương trong đó cố nhiên bao gồm cả Kitô giáo đã bị thống ngự bởi câu định nghĩa của Aristote “Người là con vật biết suy lý” (l’homme est l’animal raisonable). M. Heidegger đã nặng lời kết án câu định nghĩa đó là thú vật(zoologique) “ Chính trong khung cảnh của câu định nghĩa trên mà đã được kiến tạo nên quan niệm về con người của Âu Tây tất cả những gì là tâm lý, luân lý tri thức luận và nhân bản. Đã từ lâu chúng ta bị xiêu bạt trong mớ lộn xộn những ý tưởng và khái niệm từ trong các môn đó là vì cứ sự nó đã đặt nền trên một câu định nghĩa sa đọa” (Kim Định – Nhân Bản )

Đạo là thực thể tuy không thể nói, không thể gọi tên, nhưng đây mới chính là cái nền tảng, là bản tánh của muôn loài muôn vật, kể cả vô tình lẫn hữu tình. Ở loài vô tình thì đó là Tánh Không, còn ở loài hữu tình thì Đạo Phật cho nó là giác tánh (Tánh Biết). Đạo Chúa cho là Thiên Chúa Tình Yêu”( 1Ga 4, 16.)

Cái Thể tức ĐẠO là hoàn toàn trống không (chân không) nhưng chính do nơi cái trống không đó nên mới có thể có được muôn vàn diệu dụng. Này nhé, bất kể thứ gì từ những cái vật dụng sử dụng thường ngày, cái ly ,chén bát, xe cộ…..cho đến sự sống muôn loài đều được quyết định bởi cái KHÔNG trống rỗng ấy. Một cái nhà để ở thì cần phải có cửa sổ, cửa ra vào mà hễ đã gọi là cửa thì đó chẳng phải là để mở thông từ khoảng trống bên trong là cái phòng ra đến bên ngoài hay sao? Mặt khác chúng ta có sống, có tồn tại được cũng là do trong thân thể có những khoảng không. Không có những khoảng không trong phổi, trong tim, trong miệng, trong mũi, trong ruột….thì chúng ta có thở ra hít vào, có thể ăn uống tiêu tiểu được không ?Tánh KHÔNG ấy xét về mặt vĩ mô,không gì có thể ở ngoài nó còn xét về mặt vi mô không gì có thể ở trong nó.

Ở nơi vạn vật Tánh KHÔNG là THỂ, còn ở nơi con người nó là Tánh BIẾT. Tánh BIẾT này bất sinh bất diệt và không ai lại không đầy đủ dù là hạng thông minh bác học xuất chúng hay là kẻ ngu si thất học. Tánh BIẾT ấy thể hiện qua mắt gọi là Thấy, qua tai gọi là Nghe, qua mũi gọi là Ngửi, qua lưỡi gọi là Nếm, qua thân gọi là Xúc, qua ý gọi là Thức. Ta sống là sống với Tánh BIẾT dù khi ngủ hay khi thức.Hằng ngày ta vẫn sống với Tánh BIẾT , dù đi, đứng, nằm ngồi, tắm giặt ăn ngủ….và nếu ta biết là ta đang đi đứng nằm ngồi….thì đó là Thiền là tỉnh thức còn trái lại là mê. Ta đi đứng, nằm ngồi… là đi đứng nằm ngồi….chứ chẳng có ai phải suy tư nghĩ ngợi rồi mới có thể đi đứng nằm ngồi….Tuy nhiên , thực tế thì sao ? Có ai trong khi đi đứng nằm ngồi , đọc kinh lần chuỗi…mà chỉ có đi đứng nằm ngồi đọc kinh lần chuỗi…hay là cứ rong ruổi lan man nghĩ ngợi hết chuyện này việc kia ? Có khi đang ăn mà có việc nghĩ ngợi lại quên cả ăn, mất cả ngủ đó là chuyện thường tình của người thế gian…. Danh từ nhà đạo chúng ta gọi cái việc đọc kinh mà cứ suy nghĩ vẩn vơ gọi là chia lòng chia trí. Chia lòng chia trí có nghĩa là phân tâm mà phân tâm tức là phân cái tâm ra làm hai. Đang là chân tâm vô phân biệt bất sinh bất diệt lại biến nó thành ra cái tâm phân biệt vọng tưởng sinh diệt. Tâm vô phân biệt là tâm tỉnh giác là ĐẠO, còn tâm phân biệt là tâm mê muội là ĐỜI.. ĐẠO và ĐỜI chỉ khác biệt nhau ở chỗ tỉnh và mê đó mà thôi.

Trong câu chuyện nguyên tổ sa ngã đầy tính minh triết ấy ta thấy Adam đã “Ăn”phải trái cấm phân biệt và đã bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng để rồi cứ mãi trôi lăn trong kiếp phù sinh bọt bèo đau khổ “Đất sẽ sanh chông gai và cây trái đắng đót. Ngươi sẽ ăn rau cỏ của ruộng đồng. Phải đổ mồ hôi trán rán mồ hôi bụng mới có cái để ăn cho đến ngày nào ngươi trở về đất là nơi mà ngươi đã được sinh ra. Vì ngươi là cát bụi thì sẽ trở về với cát bụi” Stk 3, 18-19.

Con người được sinh ra giống “Hình ảnh Thiên Chúa”(Stk 1, 26) tức cội nguồn của nó là Thiên Chúa chứ không phải đất bụi, thế nhưng dường như sau khi bị đuổi khỏi Địa Đàng thân phận của nó đã bị thay đổi “cát bụi lại trở về cát bụi”. Chắc chắn thân phận của nó sẽ mãi mãi là như thế nếu không có Lời Hứa của Thiên Chúa Giave “Ta sẽ làm cho mi cùng Người Nữ, dòng dõi mi cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ dày đạp đầu mi còn mi thì sẽ rình cắn gót chân Người” (Stk 3, 15).

Người Nữ ai cũng biết ám chỉ Đức Nữ Trinh MARIA, người đã được tiên báo trong Kinh Thánh “ Kìa Nữ Đồng Trinh sẽ thọ thai sinh một con trai. Người ta sẽ gọi con trẻ đó là Emmanuel nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” Is 7,14. Còn Đấng Thiên Chúa ở cùng đó chính là Đức Giesu KiTô, Ngài đã từ nơi Đạo để vào ĐỜI, từ chỗ vô hình vô tướng không thể nói không thể gọi tên để vào nơi hữu hình hữu tướng có thể nghe , có thể xúc tiếp “Đạo đã trở nên xác thịt, đóng trại giữa chúng ta, đầy ân sủng và lẽ thật” (Ga 1, 14.) Đức KiTo đã từ nơi Đạo vào Đời không phải là để ở lại cái cõi sinh diệt , diệt sinh vô thường khổ não này làm gì, sứ mạng một khi đã hoàn tất, Ngài về cùng CHA “Ta từ CHA mà đến thế gian, lại lìa thế gian mà về cùng CHA” (Ga 16,, 28.) Sứ mạng cứu nhân độ thế của Chúa Giesu là để dẫn đưa con người về với Đấng CHA và sự trở về ấy không phải chỉ dành cho con người mà là của toàn thể sinh linh vạn vật. Lão Tử nói “Vạn vật tịnh tác ngô dĩ quan phục. Phù vật vân vân các phục quy kỳ căn, quy căn viết tịnh, thị viết phục mạng, phục mạng viết thường”(vạn vật cùng đều sinh ra, ta lại thấy nó trở về gốc. Ôi mọi vật trùng trùng đều trở về gốc của nó.Trở về cội rễ gọi là tịnh, ấy gọi là phục mạng, phục mạng gọi là THƯỜNG –ĐĐK, chương 16 )

Vạn vật sinh nhưng sinh là để trở về chứ không phải để cứ mãi biền biệt ra đi. Bao lâu đi mà chưa về được thì vẫn chưa thỏa. Tản Đà thi sĩ ngóng ngày về của nước với non “…nước đi đi mãi chưa về cùng non”. Đức Khổng Tử thở than “thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ ?(đêm ngày cứ trôi chảy mãi thế này ư? (Luận ngữ- Tử Hãn ) Còn Thánh Augustin lại thiết tha van nài với CHÚA “Lạy Chúa ,Chúa đã dựng nên con vì Chúa, nên tâm hồn con còn xao xuyến mãi cho tới khi được nghỉ yên nơi Ngài

Làm sao để “VỀ” đó là ước vọng tha thiết của những con người tôn giáo. Tuy nhiên khát vọng tâm linh ấy chỉ có thể nhen nhúm để rồi bùng cháy khi nào ta nhận thức được tính chất khổ của mình, của người và của toàn thể cuộc sống này. Càng thấy mình, thấy người khổ, thấy đời khổ bao nhiêu thì càng có cơ thoát khổ bấy nhiêu. Ngược lại không thấy đời là bể khổ, thế gian là chốn khách đầy thì chẳng đời nào muốn về. Mà đã không muốn thì chẳng bao giờ có thể về. Hãy thử xem đứa con hoang đàng kia nếu nó không khổ sở nhục nhã đói rách bị người ta dày đạp bắt đi chăn heo “mong lấy vỏ đậu của heo ăn mà thồn cho đầy bụng nhưng chẳng ai cho” Gạ 15, 12.thì y ta có tỉnh ngộ được chăng ? Thấy khổ không phải để rồi bi quan yếm thế chán người chán đời. Chúa xuống thế đưa Đạo vào Đời không phải để dạy cho chúng ta bài học làm người chi chi đó nhưng là để trao ban giới răn yêu thương “Điều răn của Ta đây này, các con hãy yêu thương nhau cũng như Ta đã thương yêu các con” Ga 15, 12.

Giới răn của CHÚA đòi hỏi chúng ta phải yêu như CHÚA yêu.. Có yêu như thế mới là yêu thật. Ngoài ra chỉ là môi mép đãi bôi Thế nhưng mối Đạo một khi đã mở tất nhiên cũng phải có lối vào. Lối vào ấy thế này “Như CHA đã thương yêu Ta thế nào thì Ta cũng thương yêu các ngươi thể ấy. Hãy cứ ở trong sự thương yêu của TA .Nếu các ngươi giữ các điều răn của Ta thì sẽ cứ ở trong sự thương yêu của Ta cũng như chính Ta đã giữ các điều răn của Cha Ta và cứ ở trong sự thương yêu của Ngài” Ga, 15, 9-10

Cứ ở trong sự thương yêu” đó là cái cốt yếu của Đạo. Thế nhưng thế nào là cứ ở trong sự thương yêu ? Đức KITÔ vì yêu thương nhân loại đến nỗi hiến cả mạng sống mình để mở ra con đường thoát khổ bằng cách truyền dạy nhiều điều và nhất là đã lập ra các Bí Tích hầu cho chúng ta được ơn cứu rỗi. Tuân giữ các giới răn với tất cả lòng tin yêu đó chính là “cứ ở trong sự thương yêu”. Chúa dạy “ Khi làm xong mọi việc được giao phó, hãy nói chúng tôi chỉ là đầy tớ vô dụng” Lc17, 10. đó là ở trong sự thương yêu. Chúa dạy “Khi các con cầu nguyện hãy vào phòng kín đóng cửa lại rồi cầu nguyện Cha ngươi” Mt 6, 6. thì những việc đọc kinh lần hạt dự lễ đều phải quy hướng về Ngài đó là cứ ở trong sự thương yêu. Tóm lại “ở trong sự thương yêu tức là làm mọi việc vì CHÚA chứ không phải vì mình. Làm vì CHÚA thì ở trong CHÚA còn làm vì mình thì ở ngoài CHÚA. Ở trong CHÚA thì như cành được tháp vào thân cây tươi tốt thu đoạt vô kể công phúc. Trái lại không ở trong CHÚA thì giống như cành lìa cây bị khô héo chỉ có nước quăng vào lửa “Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta thì bị ném ra như nhánh kia khô héo rồi người ta lượm lấy quăng vào lửa mà đốt đi .Ví bằng các ngươi cứ ở trong Ta và Lời Ta cứ ở trong các ngươi thì hễ điều gì các ngươi muốn hãy xin thì Ta sẽ làm điều đó cho các ngươi Ga, 15, 6-7.
Ở trong CHÚA tức ở trong ĐẠO mà ĐẠO thì hằng miên viễn tràn đầy khoái hoạt và tự do. ĐẠO không thể cưỡng cầu nhưng cũng không thể không hết lòng tìm và một khi đã tìm được dù chỉ một phần rất nhỏ thôi thật cũng đáng để cho biết rằng mình chẳng uổng công bấy lâu. Vì vậy nên nói:
Đạo chi tôn
Đức chi quý
Phù mạc chi mạng nhi thường tự nhiên
” (Đâu phải tôn đạo quý đức là một phận sự bắt buộc mà là một chiều hướng tự nhiên) Lão Tử.ĐĐK chương 51)

Phùng Văn Hóa