Một thiền sư nổi tiếng đã kể gia thoại sau đây về cuộc đối thoại dí dỏm giữa Đức Phật và ác thần Mara:
Ngày nọ, Đức Phật đang bận việc dưới hầm, còn Ananda, đệ tử thân tín của Ngài đứng ngoài cửa. Thình lình Ananda thấy Mara xuất hiện. Ananda cứ tưởng rằng Mara bị lạc lối. Nhưng Mara tiến lại gần Ananda và yêu cầu cho được gặp Đức Phật, Ananda ngạc nhiên trước yêu cầu của Mara nên hỏi lại:
- Ngươi còn đứng đây để làm gì? Ngươi không nhớ là Đức Phật đã nhiều lần đánh bại ngươi dưới gốc cây bồ đề rồi sao? Ngươi không biết xấu hổ sao? Cút đi, Đức Phật không muốn thấy mặt ngươi nữa đâu, người là đồ ác, ngươi là kẻ thù của Ngài.
Nghe thế, Mara liền cười ngất:
- Sao, ngươi bảo là sư phụ ngươi cũng có kẻ thù ư?
Ananda cảm thấy bối rối, anh biết Đức Phật chưa bao giờ nói rằng Ngài có kẻ thù. Đuối lý, Ananda liền xuống hầm báo tin cho Đức Phật biết Mara xin được gặp Ngài. Anh hy vọng Đức Phật sẽ sai anh lên nói với Mara rằng: Ngài đang bận, không thể tiếp hắn được. Nhưng trái với những dự đoán của Ananda, Đức Phật rất vui mừng khi nghe tin có Mara muốn gặp, cứ như thể hắn là một người bạn chí thân của Ngài, và Ngài liền thân hành đến gặp Mara. Ananda hết sức thất vọng khi thấy Đức Phật đến trước mặt Mara cung kính bái chào hắn, rồi nhiệt tình bắt tay hắn. Ngài niềm nở:
- Chào ông bạn, ông có khỏe không? Mọi việc đều tốt đẹp cả chứ?
Nhưng Mara im lặng, không trả lời. Đức Phật mời hắn xuống hầm và sai Ananda pha trà. Ananda bực bội lắm, anh nghĩ trong bụng: ta có thể pha trà cho sư phụ mỗi ngày một trăm lần cũng được, nhưng pha trà cho Mara, ta thấy không vui chút nào, nhưng vì đó là lệnh của Đức Phật thì làm sao có thể từ chối được. Trong câu chuyện nghe lỏm giữa Đức Phật và Mara, Ananda nghe Mara thú nhận một cách chán ngán như sau:
- Mọi việc diễn ra không tốt đẹp chút nào, tôi quá mệt mỏi vì phải làm Mara, tôi muốn được làm một cái gì khác cơ. Ngài biết đấy: đóng vai Mara không phải là chuyện dễ, có nói thì nói gian, nói dối, còn có làm thì làm điều dữ, điều ác. Tôi mệt mỏi lắm rồi. Nhưng điều làm tôi mệt mỏi hơn cả chính là các môn sinh của tôi. Ngày nay, cứ mỗi lần mở miệng ra thì họ nói tới công bình xã hội, hòa bình, bình đẳng, giải phóng, bất bạo động. Tôi nghe qua nhàm tai rồi, tôi nghĩ đã đến lúc tôi xin bàn giao lại chúng cho Ngài, tôi chỉ muốn làm một cái gì khác thôi.
Đức Phật lắng nghe với tất cả chú ý và cảm thông. Cuối cùng Ngài nói:
- Bộ anh tưởng làm Phật thì dễ hơn sao? Anh không thấy những gì môn sinh của tôi làm cho tôi sao? Họ đặt trên miệng tôi những lời mà tôi chưa bao giờ thốt ra, họ xây chùa chiền cho tôi, tạc tượng tôi, và đặt tôi lên bàn thờ để thu nhặt cam chuối, tiền bạc cho riêng họ. Tôi và giáo huấn của tôi đã trở thành đối tượng để đổi chác. Này ông bạn Mara, nếu ông biết được thế nào làm làm Phật, tôi tin chắc ông chẳng muốn làm Phật chút nào đâu".
Giai thoại trên cho thấy một nghịch lý trớ trêu, nhưng khốn nỗi trong rất nhiều trường hợp đó lại là một thực tế bi thảm: môn đệ của ác thần thì nói toàn chuyện nhân nghĩa, còn đệ tử của Đức Phật lại chỉ mải mê nghĩ đến chuyện khấn vái và cũng tế để thu nhặt cam chuối và tiền bạc, thay vì chuyên tâm tự giác giác tha. Sự thiếu nhất quán và óc thực dụng này đã bóp méo và làm biến chất không biết bao nhiêu giáo huấn tôn giáo cao siêu! Không phải vô lý mà một tư tưởng gia đã nhận định: Giáo lý tôn giáo dù thâm sâu và cao đẹp đến đâu chăng nữa, khi rơi vào tay con người đều bị biến chất!