Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2009

Ý Thức Tha Nhân

Cho đến nay, tất cả những thao luyện bạn thực hành đều đặt nền tảng trên ý thức của bản thân và ý thức Thiên Chúa ngang qua bản thân; bởi lẽ, với bạn, không thực thể nào gần gũi Ngài hơn chính bản thân bạn. Bạn sẽ cảm nghiệm không gì gần gũi Thiên Chúa hơn chính bạn. Bởi đó, thánh Augustinô có lý khi nhấn mạnh, chúng ta phải phục hồi con người cho chính nó, nghĩa là phải trở về chính mình; để rồi từ đó, mỗi người làm cho chính mình trở nên một lối bước dẫn đến Thiên Chúa. Thiên Chúa chính là nền tảng của hữu thể tôi, là Bản Thân của bản thân tôi, và tôi không thể đi sâu vào bản thân mình mà không chạm đến Ngài.

Ý thức về bản thân cũng là một tiềm lực cho việc triển nở ý thức về người khác. Vì chỉ khi nào tôi hoà hợp với những tình cảm của mình, tôi mới có thể ý thức đến tình cảm của những người khác. Vì chỉ khi nào tôi ý thức những phản ứng của mình đối với những người khác, tôi mới có thể đi đến với họ trong yêu thương mà không gây cho họ một tổn hại nào. Khi tôi ý thức bản thân tôi một cách nhạy bén, tôi cũng làm triển nở một ý thức tinh ròng về người anh em của tôi. Nếu tôi gặp khó khăn trong việc ý thức thực tại gần gũi tôi nhất, là bản thân tôi, làm sao tôi có thể tránh được khó khăn trong việc ý thức Thiên Chúa và người anh em của tôi?

Thao luyện ý thức về tha nhân mà tôi sắp đề nghị không đề cập đến việc ý thức anh em đồng loại của chúng ta như bạn có thể nghĩ. Tôi sắp lấy một điều gì đó vốn dễ dàng hơn: ý thức phần còn lại của thế giới các tạo vật. Từ đó, bạn tiến đến ý thức con người. Trong thao luyện này, tôi muốn bạn nhìn nhận một thái độ kính trọng và trân trọng đối với các vật vô tri vô giác, các đồ vật chung quanh. Một vài nhà thần nghiệm bậc thầy nói với chúng ta rằng, khi đạt đến trạng thái giác ngộ, một cách bí nhiệm, họ trở nên sung mãn với một cảm thức kính trọng sâu sắc. Kính trọng Thiên Chúa, kính trọng sự sống trong tất cả dạng thức của nó, kính trọng cả những vật vô tri vô giác. Và họ có khuynh hướng nhân cách hóa toàn thể tạo vật. Họ không còn coi người khác như những đồ vật. Họ không còn coi đồ vật như đồ vật – dường như đồ vật nay trở thành những ngôi vị đối với họ – và kết quả là, lòng kính trọng và tình yêu của họ đối với những con người ngày càng gia tăng.

Thánh Phanxicô Assisi là một trong những nhà thần nghiệm đó. Ngài nhận ra anh em, chị em của mình trong mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú, cây cối, chim chóc và muông thú. Chúng là những thành viên của gia đình ngài, và ngài trò chuyện với chúng một cách yêu thương. Đi xa hơn, thánh Antôn Pađua giảng cho cá! Dĩ nhiên, dưới cái nhìn duy lý của chúng ta, điều ấy thật điên rồ. Một cách sâu sắc, dưới cái nhìn thần nghiệm, điều đó lại thật khôn ngoan, nhân bản và thánh thiện.

Tôi ước ao bạn cảm nghiệm một vài điều này cho chính mình hơn là chỉ đọc qua nó. Vì lý do đó, chúng ta mới có thao luyện này. Nhưng trước hết, bạn hãy tạm quên mình là người lớn để trở nên một trẻ thơ sắp trò chuyện nghiêm túc với con búp bê của mình; hoặc như thánh Phanxicô Assisi đã làm điều tương tự với mặt trời, mặt trăng và các muông thú. Nếu bạn trở nên một em bé, ít nữa là tạm thời, bạn sẽ khám phá một vương quốc của Nước Trời – và học biết những bí nhiệm mà Thiên Chúa thường giấu kín với hạng khôn ngoan và thông thái.

Bạn hãy chọn một vài đồ vật quen dùng: một cây viết, một cái tách… tốt hơn là một vật mà bạn có thể dễ dàng nắm trong tay…

Để vật đó trong lòng hai bàn tay trên đôi tay duỗi thẳng của bạn. Bây giờ, hãy nhắm mắt và cảm nhận nó từ lòng hai bàn tay… Ý thức đến nó nhiều ngần nào có thể. Trước hết, ý thức trọng lượng của nó… tiếp đến là ý thức cảm giác nó tạo ra trên lòng bàn tay bạn…

Đoạn, bạn hãy khám phá nó với những ngón tay hoặc đôi tay mình. Điều quan trọng là hãy làm việc này một cách nhẹ nhàng và trân trọng. Khám phá cái sần sùi, cái nhẵn nhụi, độ cứng, độ mềm, độ ấm, độ lạnh của nó… Bây giờ, hãy chạm nó vào những phần khác trên cơ thể và xem coi có gì khác không. Hãy chạm nó vào môi… vào cổ… vào trán… vào mu bàn tay bạn…

Bạn đã làm quen với đồ vật của bạn qua cảm giác đụng chạm… Bây giờ hãy làm quen với nó, ý thức nó ngang qua thị giác. Bạn hãy mở mắt và nhìn nó từ nhiều góc độ khác nhau. Hãy nhìn thật kỹ từng chi tiết có thể nhìn thấy: màu sắc, hình dạng và những phần khác nhau của nó…


Hãy ngửi nó… nếm nó, nếu có thể… Hãy nghe nó, bằng cách đặt nó cạnh tai bạn…

Bây giờ, bạn hãy nhẹ nhàng đặt vật ấy trước mặt hay trên đùi và chuyện trò với nó… Hãy bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi với nó về chính nó… cuộc đời của nó, nguồn gốc của nó, tương lai của nó… Và lắng nghe nó tỏ bày cùng bạn bí mật tồn tại và vận mệnh của nó… Hãy lắng nghe đang khi nó giải thích cho bạn, với nó, đâu là ý nghĩa của hiện hữu…

Vật dụng của bạn vẫn có những khôn ngoan giấu ẩn để mặc khải cho bạn chính con người của bạn… Hãy tra hỏi và lắng nghe những gì nó phải nói… Có thể có một cái gì đó khiến bạn sẽ đem vật này tặng cho người khác… Đó sẽ là cái gì? Nó muốn gì ở bạn?…

Bây giờ, hãy đặt chính mình và vật này trước sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa; trong Người và cho Người, mọi sự được tác thành. Hãy lắng nghe những gì Người sẽ phải nói với bạn và với vật kia… Cả hai sẽ trả lời Người thế nào?… Bây giờ hãy nhìn vật kia một lần nữa… Thái độ của bạn đối với nó có thay đổi không?… Có thay đổi nào trong thái độ của bạn đối với những vật dụng khác chung quanh bạn?…

NHỮNG ÍCH LỢI CÁ NHÂN TỪ VIỆC Ý THỨC
Lần đầu tiên, khi bắt đầu đi vào loại hình chiêm niệm được gợi ý trong những thao luyện vừa qua, có thể bạn có một cái nhìn ngờ vực về giá trị của chúng. Xem ra, chúng không phải là suy niệm, cũng chẳng phải là cầu nguyện theo ý nghĩa truyền thống của các từ ngữ. Nếu cầu nguyện được hiểu là nói với Thiên Chúa, thì ở đây, nói rất ít hoặc không nói gì cả. Nếu suy niệm được coi là suy tư, chiếu soi, hiểu biết và quyết tâm, thì hầu như nó chẳng có một cơ hội nào trong những thao luyện này.

Bạn kết thúc những bài thao luyện mà chẳng thấy điều gì cụ thể cho những nỗ lực đã đặt vào đó. Không có gì để bạn ghi vào nhật ký thiêng liêng – không gì, ít nữa ngay lúc đầu và có lẽ, sẽ không bao giờ có. Bạn thường ra khỏi đó với cảm giác khó chịu là đã không làm gì và cũng chẳng đạt được gì. Hình thức cầu nguyện này nhọc nhằn cách riêng với người trẻ và với những ai đặt nặng vào thành quả – những người mà với họ, nỗ lực quan trọng hơn tư cách.

Tôi nhớ rất rõ một bạn trẻ, mà với anh ta, xem ra không đạt được gì từ những thao luyện này. Anh cảm thấy bực bội khi phải ngồi bất động và phó mình cho hư không, mặc dầu anh thừa nhận rằng, anh chỉ không suy nghĩ và không sử dụng lý trí trong bất cứ hình thức nào đang khi cầu nguyện. Anh tiêu tốn hầu hết thời giờ đã dành cho những thao luyện này hầu chỉ giải quyết những lo ra chia trí – cách chung, không thành công – và anh xin tôi chỉ cho anh một điều gì đó vốn làm cho thời giờ và nỗ lực của anh sinh ích hơn trong giờ cầu nguyện. May thay, anh đã kiên trì với những thao luyện xem ra chán ngắt này; và sau chừng sáu tháng, anh trở lại, kể cho tôi vô vàn ơn ích anh đã nhận được từ chúng – vượt quá những gì anh từng đạt được từ những giờ cầu nguyện và suy niệm, từ những giác ngộ và những quyết tâm của anh trước đây. Điều gì đã xảy ra? Chắc hẳn anh đã tìm được một sự bình an lớn lao trong những thao luyện này. Những lo ra chia trí của anh không giảm bớt, các thao luyện vẫn chán ngắt như trước. Không có gì thay đổi trong các thao luyện. Điều đã thay đổi, chính là cuộc sống của anh!

Chính nỗ lực liên lỉ, khó nhọc hầu loại bỏ lo ra chia trí này – mà anh đã cố gắng ngày này qua ngày khác để bộc lộ chính mình cho những gì xem ra không là gì cả và trống trơn hầu chỉ cố gắng làm lặng yên tâm trí và có được một vài thinh lặng mơ hồ qua việc tập trung vào những cảm xúc từ thân xác, hơi thở hoặc những âm thanh – đã mang lại cho anh một sức mạnh mới mẻ trong đời sống mỗi ngày, một sức mạnh mà anh chưa bao giờ nhận ra trong đời mình trước đây – và sức mạnh đó, ở một mức độ lớn lao đến nỗi sự hiện diện của nó thì không thể nhầm lẫn với một cái gì khác trong cuộc sống của anh được. Đây là một trong những ơn ích lớn nhất của hình thức cầu nguyện này: một sự thay đổi bên trong mỗi người, mà dường như không cần nỗ lực. Tất cả những nhân đức bạn đã cố gắng để đạt được trước đây qua việc vận dụng sức mạnh ý chí của bạn, giờ đây, xem ra đang đến với bạn mà không cần một nỗ lực nào – sự trung tín, sự đơn sơ, lòng nhân từ và sự nhẫn nại… Những xu hướng xấu xem ra đã rơi rụng mà chẳng cần đến những quyết tâm và nỗ lực về phía mỗi người: những nghiện ngập với thể chất như hút thuốc và lạm dụng rượu; mê muội với con người như những say đắm, cuồng si.

Một khi điều này xảy đến với bạn, bạn hãy biết rằng, việc đầu tư thời gian của bạn vào những thao luyện này đang trổ sinh hoa trái.


NHỮNG ÍCH LỢI CỦA NHÓM TỪ VIỆC Ý THỨC


Nếu thực hành những thao luyện này trong một nhóm, bạn cũng sẽ thấy những lợi ích của nhóm mà chúng mang lại. Một trong những lợi ích lớn nhất là gia tăng lòng mến giữa các thành viên. Ngày nay, bao nỗ lực đang được thực hiện cùng với những nỗ lực rất đáng ca ngợi để đem lại sự hiệp nhất đáng kể hơn giữa các tâm hồn của các thành viên trong các cộng đoàn tu sĩ và các gia đình ngang qua việc đối thoại, chia sẻ trong nhóm, và gặp gỡ huynh đệ. Bên cạnh đó, còn có một phương thế khác để đạt đến thành quả này: qua việc chiêm niệm cùng nhóm, khi tất cả thành viên ngồi với nhau ít là nửa giờ mỗi ngày, tốt nhất là thành một vòng tròn (tôi không hiểu tại sao điều này đem lại lợi ích, nhưng nó như thế) trong thinh lặng hoàn toàn. Điều quan trọng ở đây, là không chỉ thinh lặng bên ngoài – không di chuyển trong phòng, không nhúc nhích, không cầu nguyện lớn tiếng – nhưng cả bên trong, nghĩa là mọi thành viên của nhóm cố hết sức để tạo một sự im ắng ngôn từ và ý tưởng bên trong chính mình qua những thao luyện tương tự với những bài đã được đề nghị từ trước đến nay.

Một người đàn ông đã kết hôn tâm sự với tôi, ông và vợ ông dành mỗi ngày một giờ vào buổi sáng cho hình thức chiêm ngắm này bằng cách đối diện nhau, mắt nhắm nghiền. Như một kết quả, sau mỗi giờ, họ cảm nghiệm một sự hợp nhất của hai tâm hồn và một tình yêu dành cho nhau vốn vượt quá bất cứ điều gì mà họ đã từng cảm nhận trước đó, ngay cả khi họ yêu nhau một cách lãng mạn. Tôi phải nói thêm, đôi vợ chồng này đã trở thành những chuyên gia của nghệ thuật chiêm niệm và của việc làm lặng yên tâm trí.

Một linh mục – người được tôi hướng dẫn tĩnh tâm ba mươi ngày cùng bốn mươi linh mục khác, mà với họ, ngài hoàn toàn xa lạ, thậm chí cả tên gọi của ngài – đã tâm sự với tôi rằng, sau cuộc tĩnh tâm, ngài cảm thấy gần gũi với nhóm này hơn bất cứ nhóm nào khác mà ngài đã từng sống chung trong đời mình. Tất cả những gì xảy ra trong cuộc tĩnh tâm để làm cho ngài cảm nhận sự nên một này là: nhóm gặp nhau mỗi tối khoảng chừng bốn mươi lăm phút và cùng nhau chiêm niệm trong thinh lặng hoàn toàn.

Thinh lặng, một khi sâu lắng, có thể kiến tạo hiệp nhất. Ngôn từ, đôi khi, có thể cản trở thông hiệp! Một thiền sư bậc thầy – người hướng dẫn những cuộc tĩnh tâm, rất giống với những cuộc tĩnh tâm của phái Thiền, ở đó, những người tham dự cùng nhau trải qua hàng giờ trong thinh lặng hoàn toàn và trong việc làm rỗng tâm trí khỏi tất cả các nội dung ý tưởng – nói với tôi rằng, ông luôn luôn cho những người tĩnh tâm thực hành chiêm niệm chung trong một đại sảnh. Lý do, điều đó rất tiện lợi cho việc tập hợp tất cả những người này với nhau – có thể đến tám mươi, cách chung họ hoàn toàn không quen biết nhau – và cho họ một cảm nhận sâu sắc về việc hiệp nhất cùng nhau.


CHIÊM NIỆM TRỞ NÊN DỄ DÀNG HƠN TRONG MỘT NHÓM


Có lẽ bạn sẽ thấy dễ dàng hơn trong việc tập trung và thực hành hiệu quả những thao luyện này khi cùng làm với một nhóm gồm những người vốn cùng cố gắng đạt đến sự thinh lặng mà những thao luyện này mang lại.

Điều quan trọng là mọi thành viên của nhóm cùng nỗ lực nghiêm túc để thực hành hình thức chiêm niệm này. Sự biếng nhác hay uể oải tinh thần của một ai đó sẽ là một trở ngại cho cả nhóm, cũng như những nỗ lực của một vài “nhà chiêm niệm” trong nhóm sẽ là một trợ lực lớn lao cho những người khác. Rất nhiều lần, những người tham dự tĩnh tâm nói với tôi về hiệu quả khác biệt trong chiêm niệm khi họ cùng làm với một nhóm hơn là khi họ làm một mình trong phòng. Dĩ nhiên, đây không phải là quy luật chung mang tính tuyệt đối, nhưng chắc chắn tôi đã rất ấn tượng bởi sự kiện này: Tại một cuộc tĩnh tâm của những anh em Phật tử mà tôi tham dự, khi người này hay người kia trong nhóm thấy khó khăn cách riêng trong việc tập trung, vị thiền sư sẽ mời anh ta đến ngồi gần ông – và điều đó xem ra luôn luôn công hiệu!


Phải chăng có một vài loại thông hiệp vô thức nào khác đang hoạt động khi những cá nhân đạt đến thinh lặng sâu sắc đang lúc họ ở cạnh nhau? Hoặc phải chăng, có “những sự rung cảm” được tạo ra qua thao luyện vốn đem lại một tác động hữu ích cho những ai ở gần chúng đủ để mở lòng mình ra hầu đón nhận những rung cảm đó? Đó là lý thuyết của vị thiền sư hướng dẫn tĩnh tâm nhà Phật kia. Ông còn nóng lòng khuyến khích một thực hành khác mà tôi thấy cũng hữu ích: chừng nào có thể, bạn hãy thực hành việc chiêm niệm của mình mỗi lần trong cùng một chỗ, cùng một góc; một góc hay một căn phòng được dành riêng chỉ cho mục đích này mà thôi. Hoặc bạn thực hành việc chiêm niệm của mình ở một nơi đã được những người khác sử dụng cho việc cầu nguyện và chiêm niệm của họ. Lý do: một lần nữa, theo ông, những rung cảm tốt lành ấy vốn đã được tạo nên qua việc thực hành chiêm niệm và xem ra, chúng còn tiếp tục lưu lại ở đó sau khi buổi chiêm niệm kết thúc. Tôi không biết lý do ấy có chính xác không, nhưng theo kinh nghiệm của tôi và của nhiều người, điều đó lại hữu ích cho việc cầu nguyện, vì những nơi “thánh” đó đã được thánh hiến nhờ sự thực hành chiêm niệm thường xuyên.

GIÁ TRỊ ĐẶC BIỆT CỦA Ý THỨC TỪ THÂN XÁC

Tôi thường xuyên đề nghị bạn hãy chọn ý thức việc hít thở hay ý thức những âm thanh, hoặc những cảm giác từ thân xác cho buổi chiêm niệm của mình. Vậy thì tất cả những điều này có giá trị ngang nhau? Theo tôi, ý thức cảm giác từ thân xác lợi thế hơn so với ý thức những âm thanh hoặc việc hít thở. Bên cạnh những lợi ích tinh thần mà ý thức cảm giác từ thân xác mang lại, còn nhiều lợi ích tâm lý khác cho những ai thực hành ý thức này mãi đến khi chẳng phần nào trên cơ thể người ấy không đem lại những cảm giác cho ý thức của họ.

Có một sự liên hệ rất chặt chẽ giữa thể xác và tinh thần. Bất cứ tác hại nào gây cho thể xác, xem ra cũng ảnh hưởng tới tinh thần. Ngược lại, một sự gia tăng nào cho sức khoẻ thể xác, xem ra cũng tác động hữu ích cho tinh thần. Khi ý thức của bạn trên thân thể mình trở nên sắc bén, đến nỗi mọi phần của nó trở nên sống động với những cảm giác, thì những căng thẳng sẽ được giải toả rất nhiều – những căng thẳng thể lý và tình cảm. Vì thế, tôi biết nhiều người được giải toả khỏi những chứng bệnh thần kinh – như hen suyễn kinh niên và chứng đau nửa đầu, cả những ức chế tình cảm như giận dữ hay sợ hãi do rối loạn thần kinh – nhờ thực hành đều đặn thao luyện ý thức những cảm giác này.

Đôi khi, thao luyện này dẫn đến việc khai mở vô thức, và như thế, bạn có thể bị ngập tràn bởi những cảm xúc mạnh và những tưởng tượng phóng túng liên quan đến những gì đã bị ức chế, thông thường là những cảm xúc vàtưởng tượng liên quan đến nhục dục và giận dữ. Không có gì thật sự nguy hại ở đây, miễn là bạn cứ tiếp tục thao luyện ý thức của mình và đừng cho nó là quan trọng hay đặt chú ý vào những tưởng tượng và những cảm xúc đó. Chỉ nhớ một điều như tôi đã nói trước đây, bạn đừng để mất nhiều thời giờ cho việc ý thức hít thở, trừ phi ở đó có một người hướng dẫn đủ khả năng.


Vậy, nếu bạn ước ao cam kết thực hành những thao luyện này một cách nghiêm túc và có hệ thống, tôi khuyến khích bạn hãy khởi sự với thao luyện ý thức việc hít thở và những âm thanh trong vài phút đầu của mỗi bài; sau đó, chuyển sang ý thức những cảm giác từ thân xác. Hãy coi ý thức cảm giác từ thân xác là điều quan trọng đáng kể hơn. Hãy chuyển dịch đến mọi phần cơ thể cho đến khi toàn thân bạn trở nên một khối dẫy đầy những cảm giác. Sau đó, hãy nghỉ ngơi trong ý thức rằng, thân xác bạn là một toàn thể cho đến khi bạn thấy mình chia trí và cần chuyển ý thức từ chỗ này sang chỗ khác một lần nữa. Điều này sẽ mang cho bạn những ơn ích thiêng liêng trong việc mở rộng Con Tim mình ra cho Đấng Thần Linh, cùng với những lợi ích cho tinh thần và thể xác mà thao luyện này mang lại.

Một lời khích lệ cuối cùng: Bình an và niềm vui mà tôi đã hứa với bạn như một phần thưởng cho việc trung thành thực hành những thao luyện này là một tâm tình mà hầu như chắc chắn bạn chưa quen – một cái gì thoạt đầu quá tinh tế đến nỗi dường như nó không giống một cảm xúc hay một tình cảm nào. Nếu không nhận ra điều này, bạn cũng có thể nản chí một cách dễ dàng.

Việc vui hưởng bình an và niềm hân hoan này là một sở thích dần dần mới có. Khi một cậu bé nghe nói, uống bia thật thú vị, rất có khả năng nó sẽ tiếp cận cốc bia với kinh nghiệm riêng của nó về những gì mà thú vị muốn nói; rồi nó sẽ ngạc nhiên và thất vọng khi bia không chứa vị ngọt như các loại nước giải khát của nó. Nó nghe nói uống bia sẽ rất thú vị – ý niệm thú vị của nó giới hạn ở chỗ bia ngọt. Cũng vậy, bạn đừng đến với thao luyện chiêm niệm này với bất kỳ ý niệm nào đã có trước đây. Hãy tiếp cận nó và sẵn sàng khám phá những kinh nghiệm mới (mà buổi đầu chẳng giống “kinh nghiệm” nào cả) để thưởng thức những hương vị mới mẻ.


SADHANA - MỘT NẺO ĐƯỜNG DẪN TỚI THIÊN CHÚA