Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2009

Xuất Phát Từ Đức Kitô

Bài chia sẻ tại Đại Hội Truyền Giáo Á Châu: (Bài chia sẻ của LM Nguyễn Ngọc Sơn nhân dịp Đại Hội truyền giáo Á Châu, 18-22/10-2006 tại Chang Mai, Thái Lan)

Nhập đề
Một câu hỏi khiến lòng tôi trăn trở từ nhiều năm qua đó là: “Ta phải làm gì để có thể loan báo Tin Mừng Đức Kitô cách hiệu quả trên cánh đồng truyền giáo Á Châu?”.
Khi nêu lên nhận xét công cuộc truyền giáo tại nước tôi hình như không mấy hiệu quả từ vài chục năm nay, nhiều vị lãnh đạo trong Giáo Hội cũng như một số anh em linh mục, nam nữ tu sĩ không bằng lòng với nhận xét này và cảm thấy hoạt động tích cực truyền giáo của họ bị xem thường. Tôi không có ý coi nhẹ hoạt động tông đồ của các ví ấy, nhưng những thống kê về số người theo đạo hay bỏ đạo Công giáo ở VN cũng như ở châu Á và toàn thế giới khiến ta phải quan tâm và đặt vấn đề cho việc truyền giáo của mình.

Những con số chất vấn
1. Nhìn vào Giáo hội Việt Nam trong suốt 45 năm qua, tỷ lệ người có đạo ngày càng giảm so với dân số cả nước: vào năm 1960, tỷ lệ đó là 7,17%, cuối năm 2005 chỉ còn 7,04%. Chúng ta sống đạo như thế nào mà không làm tăng thêm được 1% dân số Công giáo? Giáo Hội châu Á cũng không phát triển hơn trong suốt 40 năm khi mà dân số Công giáo vẫn chỉ ở mức 3% dù có biết bao nỗ lực của hàng trăm ngàn thừa sai, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân đủ loại. Dân số Công giáo hiện nay ở Á Châu có khoảng 140 triệu người trong số gần 3,5 tỷ dân. Theo thống kê của Toà Thánh, dân số Công giáo toàn cầu tăng từ 757 triệu vào năm 1978 lên 1.071 triệu người vào cuối năm 2003 (x. Thống kê Toà Thánh 2005). Mỗi năm có khoảng 2,5 triệu người lớn và hơn 14 triệu trẻ em được rửa tội trong ít năm gần đây, tuy nhiên nếu tính theo tỷ lệ dân số, vào năm 1978, người Công giáo chiếm 17,99% dân số thế giới, đến năm 2002 chỉ còn 17,2%.
Dù những con số không nói lên hoàn toàn sức sống năng động của người Công giáo nhưng việc giảm sút số người tin theo Đức Kitô đã nói lên phần nào công cuộc truyền giáo toàn cầu cũng như ở châu Á và ở Việt Nam không mấy thành công.
2. Trong khi đó công cuộc truyền giáo của anh em Hội thánh Tin Lành lại đáng cho chúng ta suy nghĩ. Ở Việt Nam từ 400.000 tín hữu vào năm 1999 đã tăng lên 1.200.000 vào năm 2005, nghĩa là tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng 6 năm. Trong Hội nghị Hợp nhất Kitô hữu mới tổ chức vào tháng 7-2006, tại Seoul Hàn Quốc của Hội đồng Giáo hoàng về hợp nhất Kitô hữu do Liên Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC) và Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc tổ chức, các tham dự viên được nghe báo cáo về sự phát triển vượt bậc của phái Ngũ Tuần. Từ một vài người cách đây 100 năm giáo hội Ngũ Tuần đã phát triển tới con số 600 triệu người hiện nay, trong đó có 165 triệu đang sống tại châu Á. Nếu so sánh hơn hai ngàn năm truyền giáo tại châu Á, Giáo hội Công giáo đang có 140 triệu người, trong khi anh em phái Ngũ Tuần chỉ mất 100 năm để có 165 triệu người, thì chúng ta phải tự hỏi về kết quả truyền giáo và động lực truyền giáo của cả đôi bên.
Đi tìm câu trả lời cơ bản
3. Đã có rất nhiều những hội nghị, hội thảo thuộc đủ các cấp được tổ chức để tìm hiểu và nghiên cứu sâu xa vấn đề truyền giáo của Giáo hội Công giáo nhưng kết quả chưa thu được là bao. Nhiều tài liệu hướng dẫn cho các thành phần dân Chúa học hỏi về công cuộc truyền giáo đã được soạn thảo và phân phối cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân ưu tuyển nhưng hình như chúng vẫn chưa tạo nên những kết quả thiết thực. Vậy chúng ta phải làm gì? Hy vọng Đại hội Truyền giáo châu Á tổ chức ở Chang Mai, Thái Lan từ ngày 18 đến 22-10-2006, có thể giới thiệu một đường hướng thiết thực và hiệu quả hơn.
Tông huấn Giáo Hội tại châu Á của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày 6-11-1999 là một bản tổng kết những định hướng cơ bản cho hoạt động truyền giáo của Giáo Hội tại lục địa mênh mông này. Tông huấn ấy đã mở ra những chân trời bao la thuộc mọi lĩnh vực xã hội, kinh tế, chính trị, văn hoá và cả đối thoại với những nền văn hoá và tôn giáo khác nhau tại Á Châu sau khi nhấn mạnh đến việc kết hợp với Chúa Ba Ngôi và hợp nhất với Giáo Hội. Tuy nhiên, điểm cơ bản mà chúng tôi muốn nhắc đến là Đức Thánh Cha mời gọi từng người chúng ta phải phát xuất lại từ Đức Giêsu Kitô vì Người là món quà quý giá nhất mà Chúa Cha gửi tặng cho châu Á (x. ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội châu Á, số 10).
4. Thực trạng sống đạo như mời gọi ta phải trở lại với Đức Giêsu Kitô và xuất phát lại từ Người.
Nhìn vào đời sống người Kitô hữu hiện nay chúng ta thấy có một khoảng cách khá lớn giữa điều người ta hiểu và điều người ta sống. Đời sống đạo tập trung vào các nghi lễ, hoạt động bên ngoài hơn là vào niềm xác tín, cảm nghiệm bên trong. Nhiều người có trách nhiệm trong cộng đồng như linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân ưu tuyển chưa được đào tạo để suy tư một cách có hệ thống về Đức Giêsu Kitô qua bộ môn Kitô học, chưa có cảm nghiệm sống động và mạnh mẽ về Đức Kitô để dấn thân làm chứng cho Ngài, chưa dám chết đi cho những tham vọng và dục vọng của chính mình để sống hoàn toàn cho Đức Kitô trong một châu Á có nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau.
Dân chúng Thái Lan và nhiều nước theo Phật giáo vẫn dành nhiều thiện cảm cho các nhà sư với chiếc đầu cạo trọc, bộ áo cà sa giản dị và chiếc bình bát mộc mạc, bình thản đón nhận những đồ cúng dường, xem họ như là biểu tượng của tinh thần xả kỷ hy sinh hơn các linh mục, tu sĩ Công giáo. Dân chúng Nam Á và Đông Nam Á với gần 1 tỷ người theo Hồi giáo lại cảm thấy được trợ lực bởi những giờ kinh đều đặn nhiều lần mỗi ngày của cả cộng đồng dù ở bất cứ nơi nào. Rồi qua lời kinh cầu nguyện, anh em Hồi giáo càng thêm gắn bó chặt chẽ với nhau trong cuộc sống. Đây là nét đẹp rất cuốn hút trong một xã hội châu Á đã từng bị các thế lực ngoại xâm áp dụng chính sách “chia để trị” khiến người ta luôn nghi ngờ và đóng kín với nhau, trong khi rất nhiều cộng đồng Công giáo vẫn giữ tinh thần cục bộ bè phái để chỉ biết có phe nhóm, giáo xứ, giáo hạt, giáo phận, giáo miền của mình. Hơn 1 tỷ người Trung Quốc và hàng trăm triệu người Nhật Bản dưới ảnh hưởng của Thần giáo lại cảm thấy những lời dạy của Đức Giêsu chưa đủ mức khôn ngoan và sâu sắc nếu so sánh với lời dạy của đức Khổng Tử, Lão Tử và nhiều bậc thánh hiền trong văn hoá Đông Phương. Họ chưa nhận ra lời Người có giá trị tuyệt đối vì Người là lời cứu độ của Thiên Chúa, có sức đưa họ vào cuộc sống vĩnh hằng và chia sẻ cho họ thần tính của Thiên Chúa.
Châu Á có rất nhiều người trẻ, hơn 50% dân số dưới tuổi 30. Những người trẻ này đang say mê học hỏi khoa học kỹ thuật để tìm biết sự thật ẩn chứa trong thiên nhiên, con người cũng như xã hội. Nhưng hình như Giáo hội Công giáo, qua trình độ học vấn của các bậc chức sắc, và thái độ ít dấn thân của họ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, chưa thuyết phục được người trẻ hiểu rằng Đức Giêsu chính là con đường dẫn tới sự thật và sự sống, là nguồn của sự khôn ngoan và Người sẵn sàng khai mở tâm trí để con người hiểu biết những sự thật mầu nhiệm ẩn chứa trong con người và vạn vật. Hơn nữa, những người trẻ này cũng đang chạy theo cái đẹp qua sự say mê cuồng nhiệt đối với những cầu thủ, diễn viên, người mẫu, văn nghệ sĩ, với thời trang, âm nhạc… Nhưng hình như Giáo hội Công giáo lại chưa giới thiệu cho họ một Thiên Chúa là chủ của cái đẹp mà lại hô hào họ hãy xoá bỏ thần tượng, sống đơn giản, nghèo khó và quên giới thiệu cho họ một Đức Giêsu hoà mình vào đám đông dân chúng, ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, khám phá ra cái đẹp trong từng nhánh cỏ, bông hoa của đồng nội cũng như giới thiệu tinh thần nghèo khó thật sự là gì.

Muốn xuất phát lại từ Đức Kitô trước hết cần trở lại với Người
5. Trở lại với Đức Kitô là chúng ta tìm lại cảm nghiệm sống động của các tông đồ về Đức Giêsu Phục Sinh như là tâm điểm cho mọi hoạt động và suy tư của mình. Đức Giêsu không phải là một mớ thông tin mà ta đã thu thập được trong những giờ học giáo lý hay qua những bài giảng, bài kinh nhưng là một con người đang sống giữa chúng ta và sống trong ta để có mối tương quan mật thiết với Người. Để hiểu trọn vẹn về một con người đang sống, ta không phải chỉ cần thông tin mà còn phải gặp gỡ, tiếp xúc, yêu thương và nếu cần, có thể hoà nhập thành một trong nhau “để tôi sống không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (x. Gl 2,20).
Sống trong một đất nước có nhiều tính cách đối nghịch vừa tìm tòi khoa học và coi trọng kỹ thuật, vừa chạy theo những bùa phép với những tác động của quỷ ma ta cần phải trở lại với Đức Kitô và hoà nhập thành một với Người để Người chuyển thông quyền năng làm chứng cho Tin Mừng qua các dấu lạ như chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, nói được thứ ngôn ngữ mới lạ của tình thương mà Thánh Thần thúc đẩy trong lòng ta (x. Mc 16,16-20). Đó cũng là một trong những chìa khoá thành công của anh em Giáo hội Ngũ Tuần khi họ gắn bó với Đức Kitô và thở được Thần Khí của Người.
Sống trong một châu lục với nhiều dân tộc có các nền văn hoá và tôn giáo khác nhau, ta cần trở lại với Đức Kitô để thấy Người không phải là của riêng Kitô giáo nhưng là Đấng Cứu Độ của toàn thể nhân loại và vũ trụ. Cha trên trời muốn cứu độ tất cả con cái mình nên đã ban Người Con Một cho chúng ta và Chúa Thánh Thần vẫn đang chuẩn bị cho việc Đức Kitô đến với mọi người cũng như không ngừng nói trong các tôn giáo (x. Tuyên ngôn của CĐ. Vat. II, Nostra aetate, số 1; Giáo hội tại châu Á, số 15,18). Học lại thái độ khoan dung của Đức Kitô, ta sẽ biết phân biệt những hình thức mê tín dị đoan đồng thời biết đánh giá đúng các nghi thức phụng vụ, lời kinh và cách sống của những người không cùng tôn giáo với mình, thậm chí ngay trong việc trừ ma diệt quỷ của họ (x. Mc 9,39-40).
Trở lại với Đức Kitô ta sẽ khám phá ra mầu nhiệm Nhập Thể luôn gắn liền với mầu nhiệm Nhập Thế để can đảm dấn thân vào xã hội trần thế hôm nay. Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành Đức Giêsu Nazareth, đã đi vào dòng lịch sử con người, đã đón nhận những yếu tố của vũ trụ vật chất qua thân xác của mình. Người đã đưa tính cách tuyệt đối, vĩnh hằng, thánh thiện, vô cùng của Thiên Chúa vào trong cái tương đối, nhất thời, tội luỵ, hữu hạn của con người và vũ trụ để từ nay tất cả đều được biến đổi và thần hoá. Từ đấy, mỗi con người đều có giá trị vô song dù họ già nua, tàn tật, xấu xa đến đâu chăng nữa. Từ đấy, mỗi công việc đều có giá trị vĩnh hằng, đem lại ơn cứu độ dù nó chỉ kéo dài một vài giây như nụ cười, dù có vẻ tầm thường như các chậu quần áo ta giặt mỗi ngày, dù có vẻ nhơ bẩn như làm vệ sinh, rửa mặt, đánh răng mỗi bữa.
Trở lại với Đức Giêsu Kitô để thấy rằng qua việc Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành con người, thì con người trở thành con đường của Thiên Chúa và cũng là con đường của Giáo Hội để tập trung mọi cố gắng lo cho hàng tỷ con người trong vùng đất châu Á, nhất là những con người nghèo khổ, yếu kém, bị bóc lột và bị gạt ra ngoài lề xã hội, như Đức Giêsu đã tất bật từ sáng sớm đến tối mịt để rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ cho con người.
Lời dạy của Đức Giêsu: “Con người làm chủ ngày Sabbat” như mời gọi các người có trách nhiệm xây dựng cơ sở vật chất trở về với tinh thần nghèo khó thật sự của Người. Những ngôi nhà thờ đồ sộ, những tu viện to lớn với cách bày trí sang trọng, sừng sững giữa các túp lều tranh rách nát, mái tôn han rỉ, cống nước thải lộ thiên trở thành những pháo đài kiên cố khiến người ta ngại ngùng không dám tìm gặp Đức Kitô ở đó. Những buổi lễ phụng vụ dài lê thê, với hàng chục ngàn tín hữu tham dự, ngồi bó gối bất động hay đứng chật như nêm cối giữa trời nắng chan chan hay mưa phùn gió bấc để đón tiếp một vị chức sắc quan trọng nào đó, có thể làm cho người chưa tin đạo cảm thấy sợ hãi trong cách diễn tả lòng sùng kính, tôn thờ. Những cuộc hành hương với vài trăm ngàn người trong các đại hội Thánh Thể, hay Đức Mẹ La Vang, Lộ Đức, Tà Pao, trong đó mỗi người ở xa tiêu hàng triệu đồng, người ở gần tốn vài chục ngàn cho việc đi lại ăn ở và nếu tính tổng cộng có thể lên tới hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ đồng, trong khi học sinh vẫn còn thiếu lớp, thiếu trường, trong khi nhiều bệnh nhân chưa cầm được bát cháo giúp đỡ như anh em Phật giáo Hoà Hảo ở Long Xuyên thì có khi ta phải nhìn lại cách thức bày tỏ lòng đạo của chúng ta đối với Chúa và Đức Mẹ cho âm thầm, khiêm tốn hơn chăng?

Lời kết
Có lẽ còn rất nhiều điều, nhiều việc trong nếp sống đạo của người tín hữu ở Việt Nam cũng như ở châu Á cần được nhận định và sửa đổi lại dưới ánh sáng của Đức Giêsu Kitô để biểu lộ được sự thật, sự sống và tình yêu của Người cho các dân tộc đang sống quanh mình. Chúng ta hy vọng sẽ có nhiều người tìm đến với Đức Kitô không phải chỉ qua những nghi lễ trang trọng, việc bác ái từ thiện của người tín hữu nhưng họ gặp được nguồn của tình yêu, của chân thiện mỹ là chính Đức Kitô khi các Kitô hữu tìm về với Người và xuất phát lại từ Người.

Lm. Nguyễn Ngọc Sơn

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2009

Người Đàn Bà Ngoại Tình

Người ta kể rằng, dưới thời các hoàng đế trị vì xưa kia cứ sau Mùa Chay Phục Sinh, bên cạnh cây nến Phục Sinh cháy sáng, hoàng đế cho thắp thêm một cây nến lớn khác, gọi là cây nến "Ân Xá Phục Sinh" cho tới khi nào ánh nến còn cháy, thì tất cả những người có tội nặng đáng phải xử tử mà đến đặt tay trên cây nến ấy, xưng thú tội lỗi mình thì được ân xá, không phải án phạt.
Từ phía cửa hông nhà thờ, các tội nhân xếp hàng dài, nào là những kẻ cướp của giết người, ngoại tình, phá thai, gian dối, lừa đảo, làm tiền bạc giả…. Sau khi đặt tay trên cây nến "Ân Xá Phục Sinh" xưng thú lỗi lầm công khai trước mặt hoàng đế và đông đảo tín hữu tò mò đứng xem. Họ sang chiếc bàn bên cạnh ghi tên tuổi và nhận chứng thư tha tội, trong đó có các lời khuyên phải "cải tà quy chánh". Người sau cùng tiến đến cây nến "Ân Xá Phục Sinh" là một phụ nữ trong sắc phục sám hối. Trong số các tín hữu tò mò đứng xem có cả ông chồng, tay cầm tờ đơn tố cáo tội của vợ và xin hoàng đế đừng khoan hồng đối với bà.
Trong nhà thờ im lặng như tờ, người đàn bà giơ tay lên chạm đến cây nến "Ân Xá Phục Sinh" và lớn tiếng thú tội:
- Tôi đã phạm tội ngoại tình với tất cả những người đàn ông nào tôi ưa thích, tôi không xứng đáng được khoan hồng.
Nói xong, bà thổi cây nến "Ân Xá Phục Sinh" tắt ngấm. Rồi bà nhắm mắt nói về đứa con mà bà đã có với một sinh viên, sau cùng bà kết luận:
- Tội tôi quá lớn, không đáng được tha thứ.
Bà mở mắt ra thì ô kìa, cây nến "Ân Xá Phục Sinh" đã lại cháy sáng. Chồng bà đứng gần đó đã dùng tờ đơn tố cáo bà đốt trở lại cây nến "Ân Xá Phục Sinh" mà chính bà đã thổi tắt. Thấy thế, hoàng đế nghiêm nghị hỏi:
- Ngươi là ai mà dám tự tiện thắp lại nến Phục Sinh.
Ông ta thưa:
- Tâu hoàng đế, hạ thần là chồng của phụ nữ này. Với tờ đơn cáo tội tự tay mình viết, hạ thần đốt bỏ nó trên ánh nến Phục Sinh và lấy lại ánh sáng cho cây nến "Ân Xá Phục Sinh" đã tắt.
Nghe vậy, hoàng đế nghiêng mình trước người chồng và nói:
- Ngươi đã hành động rất đúng theo mẫu gương của Chúa Giêsu Kitô.

***

Không kết án, không vào hùa bắt tội người khác, đốt đơn tố cáo, bỏ đá xuống đất, mỗi người chúng ta hãy nhìn sâu vào trong tâm hồn mình để nhận ra các tội lỗi, lầm lẫn và thiếu sót của mình trong cuộc sống. Thống hối, ăn năn và cải thiện đời sống, quay về với lòng thương xót của Thiên Chúa đó là sứ điệp trong Mùa Chay.
Trình thuật người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình trong bài Phúc Âm hôm nay là một thí dụ chứng minh cho chúng ta thấy cung cách hành xử và lòng nhân từ tha thứ của Chúa Giêsu đối với người tội lỗi cũng như đối với tất cả mọi người chúng ta. Chiếu theo luật Do Thái thì phụ nữ có chồng bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình sẽ bị ném đá cho đến chết cùng với người đàn ông phạm tội ngoại tình ấy. Đây là cách thức người xưa khử trừ tội lỗi gian dâm khỏi cộng đoàn.
Chúa Giêsu không chối bỏ cái nặng nề và những hệ lụy nghiêm trọng của tội ngoại tình trong cuộc sống con người. Nhưng Ngài muốn ném cho người phạm tội một sợi dây cứu thoát, giúp họ leo lên khỏi vực thẳm của tội lỗi và đam mê dục vọng. Đó là sợi dây của lòng cậy trông. Bởi vì, đối với Thiên Chúa quá khứ tội lỗi của con người không quan trọng, điều chính yếu là nỗ lực tìm lại sự trong trắng thơ ngây vô tội của tâm hồn từ giây phút này trở đi. Nói cách khác, trước mặt Thiên Chúa điều quan trọng duy nhất là ý chí hoán cải tâm hồn và làm lại cuộc sống của chúng ta.
Kiểu cách giải quyết vấn đề của Chúa Giêsu là một tiếng sét cách mạng quật ngã mọi người hiện diện. Theo sách Đệ Nhị Luật những ai đã bắt quả tang người phụ nữ ngoại tình thì phải ném viên đá đầu tiên khai mào cuộc xử tử kẻ có tội. Nhưng lòng nhân từ thứ tha của Chúa Giêsu đã đưa ra cho họ câu hỏi: "Nếu ai không có tội, hãy ném đá chị này trước đi". Mà có ai trong gia đình nhân loại là người vô tội đâu? Bởi vì ai trong chúng ta cũng phạm tội cả và phạm tội mỗi ngày. Đủ mọi thứ tội và đủ cỡ đủ cấp, tội lớn tội nhỏ, tội công khai tội kín đáo. Linh hồn và thân xác chúng ta rỗ chằng rỗ chịt, đầy mọi thứ vi trùng tội, lớp dưới đùm lớp trên, lớp trên đè lớp dưới.
Sau giây phút thinh lặng vì choáng váng mặt mày, mọi người tố cáo người đàn bà ngoại tình đều bỏ viên đá cầm tay xuống đất, và từ từ rút lui có trật tự, từ người lớn tuổi đến người ít tuổi. Được phép và cần phải sửa dạy tội lỗi người khác, nhưng mỗi người hãy bắt đầu với chính mình trước.
Nếu Chúa Giêsu đã mở ra cho người đàn bà ngoại tình con đường mới của cuộc sống là hãy hoán cải: "Tôi cũng không kết án chị đâu. Hãy về và đừng phạm tội nữa" thì Ngài cũng chỉ cho tất cả những người tố cáo và muốn ném đá xử tử chị một con đường mới, con đường của lòng khiêm tốn, đó là từ nay hãy nhận biết mình là người có tội. Hãy đứng trước tấm gương của lương tâm mình để nhìn thấy cái lọ lem, cái tâm hồn đen đủi xấu xa của mình. Hãy cầm lấy viên đá không phải để ném người khác, mà là để vạch lên ngực, lên tim của mình cho chảy máu ăn năn sám hối rồi hãy bỏ nó xuống đất.
Chúa Giêsu cũng mở cho chúng ta một cái nhìn mới, tâm hồn dù có tội lỗi xấu xa đến đâu đi nữa cũng vẫn còn có một góc nhỏ xíu tinh tuyền để mở rộng tâm hồn cho những người biết thương mến họ. Và con đường duy nhất giúp tiến bước vào đó là con đường biết kính trọng, cảm thông, chấp nhận và yêu thương. Đó là phương thế duy nhất giúp con người biến đổi từ bên trong, để bắt đầu một cuộc xuất hành mới, ra khỏi tình trạng cuộc sống tội lỗi và tiến bước trên con đường công chính thánh thiện.

***

Lạy Chúa, chính chúng con là những kẻ tội lỗi hơn ai hết, chỉ khác điều là chưa bị bắt gặp quả tang nên vẫn còn hung hăng đứng trong đám đông reo hò đòi kết án người anh em mình. Xin giúp chúng con nhận thức tội lỗi của mình, bỏ viên đá xuống và cúi đầu xin ơn tha thứ từ Thiên Chúa, từ người anh em mà con mải miết kết án lâu nay. Amen