Phẩm hạnh hay nhân cách của một người được tạo dựng qua nhiều giai đoạn, từ lúc còn là trẻ sơ sinh cho đến khi trưởng thành.
Theo nhà tâm lý học Lawrence Kohlberg, có tất cả sáu giai đoạn phát triển nhân cách. Trẻ con không trải qua tất cả các giai đoạn một cách tự động. Có trẻ dừng lại ở giai đoạn 2 cho đến hết cuộc đời. Có trẻ từ giai đoạn 4 trở lại giai đoạn 3 và dừng lại luôn ở đó. Thời gian trải qua những giai đoạn, mau hay chậm cũng tùy thuộc vào cá nhân mỗi em.
Sau đây là những nguyên tắc căn bản của mỗi giai đoạn mà tất cả mọi người đều phải trải qua trên bước đường tạo dựng nhân phẩm.
Giai đoạn thứ nhất
Đây là giai đoạn đầu tiên của ấu nhi. Em bé chỉ biết đến mình mà thôi. Chúng muốn được chú ý và được thỏa mãn các yêu cầu ngay lập tức. Các em đòi hỏi những tiện nghi trong cuộc sống, như ăn cho no, mặc cho ấm, được ngủ yên, được chú ý đến khi cần. Đó là những yêu cầu rất tự nhiên của một em bé, chúng tập sinh tồn bằng cách nghĩ đến mình trước tiên.
Giai đoạn thứ hai
Khi trẻ tiến vào giai đoạn thứ hai, em bắt đầu nới rộng thế giới của mình, và có một khái niệm tổng quát vầ Đúng và Sai.
Nhưng phải là "Đúng và Sai" theo quan điểm của chúng. Nghĩa là tất cả những điều đứa bé làm đều đúng. Nếu có chuyện gì xẩy ra thì chúng ta thường nghe câu, "Con không cố ý làm như vậy." Một đứa trẻ không cảm thấy mình có tội làm vỡ cửa kính, bởi vì nó không có ý ném trái bóng vào cửa kính, nó chỉ muốn chơi bóng mà thôi.
Bạn có thể rất ngạc nhiên khi biết rằng, rất nhiều người tuy đã trưởng thành, nhưng lại đứng ở giai đoạn phát triển tâm lý này và không tiến thêm nữa. Tất cả quyết định của họ đều quy về một trọng tâm, đó chính là "cái tôi". Chỉ có ý nghĩ của tôi mới đúng, việc làm của tôi mới có ý nghĩa, tình cảm của tôi mới đáng được lưu ý.
Nếu có bất cứ chuyện gì xẩy ra giữa họ và người khác, thì người khác nhất định là sai, là người có lỗi. Những người này tuyệt đối tin tưởng cá nhân mình là quan trọng, và mọi người phải lưu tâm. Khái niệm "Đúng và Sai" của họ bị giới hạn trong tâm tánh của một đứa trẻ con. Nhân cách của họ được thiết lập ngay trong giai đoạn 2 và dừng lại luôn ở đó.
Giai đoạn 2 vẫn còn là một giai đoạn ấu trĩ trong tiến trình tạo dựng nhân cách. Cho nên vấn đề làm thế nào để cho một đứa trẻ con hiểu được ý nghĩa của sự "Đúng và Sai" theo tiêu chuẩn của luật pháp, đạo đức, phong tục, là một điều hầu như không thể làm được.
Giai đoạn thứ ba
Tiến thêm một bậc thang nữa, trẻ con bắt đầu nghĩ đến người khác. Nhưng "ý muốn" của chúng trong giai đoạn này là một yếu tố rất quan trọng. Trẻ con cảm thấy thích làm điều này, điều nọ cho người khác. Chúng tập làm công việc nhà giúp mẹ và phụ vào công việc của người khác.
Nhưng những công việc này đều được điều động bởi ý thích của nó. "Làm bếp giúp mẹ vì thấy vui". "Gắng học cho giỏi vì được ba khen thưởng thì sung sướng lắm." "Trang hoàng tiệc sinh nhật cho anh chị vì thấy đẹp". Sự lưu tâm đến người khác, hoàn toàn dựa trên cảm giác của riêng mình. Nếu thấy vui thì làm, không vui thì thôi. Việc làm hoàn toàn tùy theo hứng.
Trẻ con ở giai đoạn này thường được cha mẹ khuyến khích bằng những lời khen hay phần thưởng.
Người trưởng thành mà nhân cách bị đóng khung trong giai đoạn này thường bị phê bình là "Thiếu trách nhiệm", "Không có lập trường" hay "Ham vui". Muốn những người này làm việc gì, thì hoặc là phải khen ngợi, theo dõi khuyến khích từng chút một, hoặc là phải ép buộc hay cưỡng chế họ.
Giai đoạn thứ tư
Qua giai đoạn thứi tư, đứa trẻ thâu nhận vào trong thế giới của nó nhiều người hơn. Trẻ con bắt đầu thấy sự quan trọng của tập đoàn. Nó ít muốn ở trong nhà, và không muốn giới hạn sinh hoạt của mình ở trong giai đình nữa.
Trẻ ở giai đoạn này, có khuynh hướng muốn tham gia vào những hoạt động của đoàn thể, muốn làm chung, chơi chung. Trẻ gia nhập vào một nhóm bạn, hoặc các đoàn thể thanh thiếu niên.Trong xã hội, cũng có không ít những người trưởng thành chưa hề tiến đến giai đoạn này, hoặc đã từ những giai đoạn trưởng thành hơn trở lui lại giai đoạn 4 và đứng luôn tại đây.
Những người này ưa thích đám đông và rất khó bắt buộc họ ở nhà. Họ chỉ muốn tiệc tùng, nhóm họp với bạn bè, và chỉ cảm thấy vui vẻ thoải mái thật sự khi được ra ngoài đường và tụ họp với người khác.
Giai đoạn thứ 5
Giai đoạn thứ 5 là giai đoạn rất quan trọng của tuổi dậy thì. Ở giai đoạn này, con cái của bạn có nhu cầu cần diễn đạt những tư tưởng cũng như hành động của mình. Nói một cách khác, trẻ biết cân nhắc ý kiến của người khác và phân tách, đối chiếu với tư tưởng của nó.
Trong giai đoạn này, mặc dầu các em còn trẻ và không có nhiều kiến thức, kinh nghiệm cũng như khôn ngoan; nhưng các em vẫn có một nhu cầu tự nhiên và rất "người", đó là nhu cầu được trở thành một con người độc lập.
Nếu bạn muốn con cái nhu mì, luôn luôn nghe theo lời cha mẹ thì các bạn cũng không nên ngạc nhiên nếu sau này ra ngoài đời chúng dễ bị dụ dỗ hay thuyết phục. Những đứa trẻ không có tính phản kháng thường là đối tượng của những sự áp đảo, lợi dụng, sai khiến của người khác.
Người làm cha mẹ nên cảm thông sự đối kháng của con cái miễn là vẫn ở trong vòng lễ giáo và khuôn phép. Đây là một giai đoạn rất khó khăn cho cha mẹ vì phải chấp nhận sự kiện con cái đang từ từ rời xa mình để tập đứng một mình.
Đây cũng là một giai đoạn còn rất khó khăn cho con cái. Bởi vì tuổi đời non nớt, trẻ con chưa đủ khéo léo, tế nhị, kiên nhẫn, và khôn ngoan để trình bày ý kiến của mình một cách rõ ràng mạch lạc, mà không bị hiểu lầm hay ngộ nhận.
Nhưng xét cho kỹ, ngay cả chính bản thân của các bậc phụ huynh, cũng không có mấy người có đủ sự tế nhị, kiên nhẫn, khôn ngoan, và khéo léo khi nói chuyện với con cái. Bởi vì nếu người lớn chúng ta, thật sự nắm được những bí quyết giao tế trong sự liên hệ giữa người và người, thì chúng ta đã không có những vấn đề khó khăn với con cái.Hiểu được điều này, cha mẹ sẽ khoan dung hơn, đối với những sự đụng chạm trên tư tưởng đối với đứa trẻ vị thành niên. Chúng đang trải qua thời kỳ tập làm người trưởng thành, cha mẹ nên tha thứ và bỏ qua những vụng về sơ hở của con cái trong lời ăn tiếng nói, hành động và cách cư xử.
Phương pháp hiệu nghiệm nhất để đối phó với đứa trẻ trong giai đoạn này là chỉ dẫn cho chúng biết cách bày tỏ ý kiến riêng một cách lễ độ, bình tĩnh và thành thật với cha mẹ.
Đây là giai đoạn thường được mệnh danh là giai đoạn "Nổi loạn" của tuổi dậy thì. Vượt qua được giai đoạn này một cách thông suốt, trẻ sẽ tiếp tục con đường phát triển nhân cách. Không vượt qua được, trẻ sẽ trở thành những người bất mãn, "gàn dở", luôn luôn có khuynh hướng chống đối mọi người và xã hội.
Giai đoạn thứ sáu
Đây là giai đoạn sau cùng của sự trưởng thành trong nhân cách. Người thanh niên đạt đến giai đoạn này, đã gây dựng được một hệ thống tư tưởng và hành động vững mạnh trên một nền móng đạo đức bền bỉ và chính xác.
Người ở giai đoạn này tôn trọng kỷ luật và nguyên tắc. "Tôi làm điều này, vì đó là điều đúng. Không kể tôi có thích hay là không. Không kể tôi có được lợi lộc gì không. Không kể bạn bè tôi có đồng ý hay không."
Trong tinh thần hiểu biết giữa Đúng và Sai, Tốt và Xấu, người thanh niên trau dồi những đức tính cần thiết cho cuộc sống một cách nghiêm chỉnh và có ý thức. Tất cả những hành động đều có ý nghĩa và được suy nghĩ trong một chiều hướng nào đó.
Nói chung, đây là mẫu người trẻ tuổi có trách nhiệm, sẵn sàng gia nhập vào đời sống cộng đồng với một tinh thần xây dựng, và anh ta có khả năng thực hiện được lý thưởng cao đẹp của mình.
Giáo sư Kohlberg nói rằng, cái khó nhất của cha mẹ trong sự giúp đỡ con cái vượt qua những giai đoạn phát triển tính hạnh, là sự làm gương. Người làm cha mẹ, không thể nào bắt buộc con cái phải đạt đến một trình độ đạo đức cao, trong khi chính bản thân mình vẫn cứ đứng lại ở các nấc thang dưới thấp.
Nhưng cha mẹ và con cái có thể cùng nhau học và cùng nhau tiến. Tập cảm thông và giúp đỡ con trẻ phát triển nhân cách, có nghĩa là chúng ta cũng tự trau dồi thêm cá tính của mình nữa.Bởi vì đào tạo một nhân cách tốt đẹp, là công trình của cả cuộc đời. Trong sự học hỏi của người đã trưởng thành, có cái lợi của kinh nghiệm và hiểu biết. Trong sự học hỏi của người trẻ, có cái lợi của sự trong trắng đơn sơ.
Trẻ học để xây dựng nhân phẩm. Người trưởng thành học để trau dồi thêm phẩm hạnh của mình. Cả hai sự học đó đều rất tốt đẹp và rất cần thiết.
Tina Nguyễn