Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

Nếu Chúa Giêsu Không Đến

Trong các mẫu thiệp Giáng Sinh, người ta thấy có một mẫu với tựa đề như sau: "Nếu Chúa Giêsu không đến". Thiệp này kể lại câu chuyện của một vị Linh mục ngủ gục trên bàn làm việc của mình trong buổi lễ Giáng Sinh, rồi mơ mình đi vào một thế giới nơi Chúa Giêsu không bao giờ sinh ra.
Trong giấc mơ ông thấy mình đang đi qua ngôi nhà quen thuộc của ông, nhưng khi nhìn vào ông không thấy có cây Giáng Sinh, chẳng có hoa đèn và dĩ nhiên không có Chúa Giêsu để sưởi ấm tâm hồn và cứu độ chúng ta.
Ông đi dọc theo những con đường quen thuộc nhưng không thấy có bất cứ một ngôi giáo đường nào. Ông trở về văn phòng làm việc của ông và đi vào thư viện, ông không còn thấy bất cứ một quyển sách nào viết về Chúa Giêsu nữa.
Trong giấc mơ ông lại nghe tiếng chuông cửa reo lên. Có người mời ông đi thăm mẹ của người bạn đang hấp hối. Ông liền đi! Tại đây ông thấy người bạn của mình đang khóc, ông nói với bạn: "Tôi có mang theo điều mà tôi nghĩ là có thể an ủi cho ông".
Ông mở quyển Kinh Thánh ra để khả dĩ tìm thấy một lời an ủi nâng đỡ bạn; nhưng tuyệt nhiên không có Tân Ước nên không có bất cứ lời hứa hay niềm hy vọng nào. Trong giây phút ấy, tất cả những gì vị Linh mục có thể làm là cúi đầu cùng khóc với người bạn và người mẹ đang hấp hối trong thất vọng.
Hai ngày sau, ông thấy mình đứng bên cạnh quan tài của bà, ông chủ sự nghi lễ an táng nhưng không thể đọc bất cứ một lời an ủi nào. Không có niềm hy vọng sống lại, không có sự sống vĩnh cửu, không có Thiên đàng, chỉ còn lại câu nói quen thuộc: "Tro bụi trở về tro bụi" với một lời từ giã buồn bã và dài lê thê.
Cuối cùng ông biết rằng Chúa Giêsu đã không bao giờ đến. Trong cơn thất vọng ông đã khóc nức nở.
Thình lình ông choàng tỉnh dậy và trong phản ứng tự nhiên ông la hét vui mừng khi nghe ca đoàn trong nhà thờ cất tiếng hát: "Hỡi các tín hữu hãy đến thờ lạy Chúa Giêsu, Vua các Thiên Thần, người đã sinh ra tại Bê lem".
Bạn thân mến!Mùa Giáng Sinh đang đến gần, với bầu khí Giáng Sinh, tin hay không tin, tín hữu hay không tín hữu, khó có thể thờ ơ với niềm vui chung của mọi người; vui với niềm vui của đoàn tụ gặp gỡ, vui với niềm vui của chia sẻ và trao ban. Quả thật nhân loại không thể nào loại bỏ Chúa Giêsu ra khỏi lịch sử của mình. Muốn hay không muốn Ngài đã đến trong lịch sử ấy, mãi mãi ghi vào lịch sử ấy một dấu ấn không bao giờ tàn phai. Thế giới in dấu chân Ngài đi qua. Ngài đến để mang lại hòa bình, hy vọng và niềm vui đích thực cho con người. Dẫu thế giới có là một nghĩa trang, thì nghĩa trang ấy cũng toát lên sự thánh thiện, niềm an bình và hy vọng khi Thánh giá vẫn còn in bóng trên các ngôi mộ. Ngài không đến để đẩy lui những giới hạn của kiếp người, Ngài không đến để cất bỏ khổ đau; nhưng chính vì Ngài đã đến, mà dù có giới hạn và chồng chất khổ đau, cuộc sống con người vẫn có ý nghĩa.

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2009

Tiếng Chuông Giáng Sinh

 

  
  

       Hỡi Belem kinh thành bé nhỏ
       Ta thấy ngươi sao vẫn im lìm
       Trên giấc ngủ say sưa vô tận
       Những vì sao lặng lẽ trôi đi.

       Đêm Thánh, đêm thanh bình yên tịnh
       Hỡi sao lạ cho ta mượn ánh sáng
       Để cùng Thiên thần ta ca ngợi
       Tới Chúa ta:
Alleluia!
       Giêsu, Đấng Cứu Thế nơi đây.

       Ta nghe chuông đổ hồi ngày Giáng Sinh,
       Dạo những bản nhạc xưa quen thuộc
       Và dịu dàng và cuồng nhiệt
       Nhắc cho ta bao lời:
       "Bình an dưới thế cho người lòng ngay".

                                  St.




Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2009

Cảm Nhận Đêm Giáng Sinh

       Lòng đã thức một đêm đông
       đắp sẵn một máng cỏ
       ngắm ngôi sao vừa hé rạng bầu trời.

       Ôi phương Đôngphương Đông trong lồng ngực
       tuyết không bay trong triết lí trái tim
       nhạc Thiên thần không hề cao sang lắm
       mà ở bên Hài nhi tã vải lạnh lùng.

       Tôi nhìn Người bằng xác thịt
       và kính cẩn bằng tri giác
       Hình hài là đường
       và tri giác là tình yêu.

       Người đã yêu tôi ư?
       từ tôi không hề biết!
       Nhưng tôi đã nghe từ vũ trụ nghiêng vào
       dòng suối nguồn thông tuệ
       bởi những đớn đau trong mỗi phận người.

       Đường Người là Phúc âm
       tôi là kẻ lãnh đầy ân sủng mặt trời
       như hạt muối kia
       rồi sẽ ta ra
       Nhưng đã đầy sáng láng.

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2009

Ánh Sáng Bừng Lên Trong Đêm Tối

1.Thánh Lễ đêm
Thánh Lễ chính của Lễ Giáng sinh thường được cử hành ban đêm. Phải chăng vì đó là thời gian thuận tiện cho mọi người dự lễ? Phải chăng vì bầu khí ban đêm làm cho cuộc lễ thêm phần huyền diệu và thánh thiện (như lời ca đêm thánh vô cùng)? Phải chăng để cho đúng với sự kiện lịch sử ngày xưa Chúa Giêsu sinh ra ban đêm?Các lý do trên đều có phần đúng. Nhưng lý do chính là: Chúa Giêsu là ánh sáng, Ngài sinh xuống trần gian như ánh sáng bừng lên trong đêm tối.
Đêm tối tượng trưng cho tội lỗi, bất hạnh, buồn sầu; ánh sáng tượng trưng cho ân sủng, hạnh phúc, mừng vui.
Khi sinh xuống trần gian, Chúa Giêsu mang lấy trên mình tất cả tăm tối của loài người với bao tội lỗi, bất hạnh và buồn sầu, nhưng để: ban lại cho loài người ánh sáng của Thiên Chúa bao gồm mọi ân sủng, hạnh phúc và mừng vui.
Các sử gia đến nay vẫn còn chưa xác định được Chúa Giêsu sinh ra vào ngày nào tháng nào. Các Giáo hội Cơ Đốc giáo chọn ngày 25 tháng 12 để cử hành Lễ sinh nhật của Ngài vì hai lý do: a/ Đây là ngày mà mặt trời chiếu sáng nhất và là ngày dài nhất trong năm; b/ xưa kia ngày này là lễ mừng Thần Mặt trời của người Rôma ngoại giáo. Với những lý do đó người Cơ Đốc giáo muốn truyền tải một thông điệp: Chúa Giêsu chính là Mặt Trời đích thực đánh tan tối tăm của tội lỗi và sự gian tà.

2. Lễ của người giàu hay của người nghèo?
Trong dịp Lễ Giáng sinh, người ta chi tiêu rất nhiều: trang hoàng, tiệc mừng, thiệp chúc, quà tặng... Xem ra đây là lễ của người giàu.
Nhưng Đấng mà người ta mừng sinh nhật thì rất nghèo: cỏ rơm, hang súc vật, tã lót sơ sài... Những khách mời ưu tiên cũng là những người chăn chiên nghèo... Dấu chỉ mà thiên thần cho những người chăn chiên ấy dựa vào để nhận ra Chúa cũng là dấu hiệu nghèo: "Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Ngài: các ngươi sẽ thấy một Hài nhi mới sinh bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ". Vậy đây phải là lễ của người nghèo mới đúng.
Để cho Lễ Giáng sinh có ý nghĩa nghèo, người ta tổ chức thăm viếng, tặng quà, khám bệnh, phát thuốc cho người nghèo.
Thực ra tất cả những việc ấy chỉ mặc cho lễ Giáng sinh một chút dáng vẻ nghèo mà thôi. Tinh thần nghèo của Lễ Giáng sinh và của Đấng giáng sinh phải thấm sâu vào và thể hiện ra:
-Bằng một lối sống không thượng tôn tiền bạc như chúa tể.
-Bằng một thái độ đối xử tôn trọng và yêu thương người nghèo.
-Bằng một cách nhìn mới hẳn, thấy chính Chúa trong người nghèo: "Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Ngài: các ngươi sẽ thấy một Hài nhi mới sinh bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ".

3. Khởi đầu của một cuộc cách mạng
Những cuộc cách mạng thường khởi đầu một cách rất rầm rộ. Biến cố Chúa Giêsu giáng sinh khởi đầu cho một cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong tất cả các cuộc cách mạng. Tuy nhiên sự khởi đầu này rất im lìm, nhỏ bé, bình thường: một đứa trẻ con nhà nghèo, sinh ra trong thiếu thốn, vào thời điểm âm thầm giữa đêm khuya, tại một nơi hẻo lánh hiu quạnh.
Nhưng suy cho kỹ thì sẽ thấy khởi đầu như vậy mới đúng hướng và vững chắc, vì điều mà Thiên Chúa muốn làm cách mạng thay đổi chính là cách sống ồn ào, vật chất, cao ngạo, tham lam.
Rồi đây, nhà cách mạng Giêsu sẽ tiếp tục lớn lên trong khiêm hạ, sẽ chiêu mộ những đệ tử khiêm hạ, rao giảng một Tin Mừng khiêm hạ... Cuộc cách mạng của Ngài sẽ biến đổi cả thế giới.

4. Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta
Một người kia không thể nào tin được việc Ngôi Hai Thiên Chúa cao sang mà xuống thế mang lấy thân phận con người hèn hạ. Vì thế, đêm lễ Giáng sinh ông không cùng vợ con đi nhà thờ dự lễ, mà ở lại nhà.
Sau khi vợ con đã ra đi được ít lâu thì gió thổi mạnh và có một cơn bão tuyết. Khi nhìn ra cửa sổ, ông chỉ thấy toàn là tuyết. Bỗng một tiếng "thịch" thật lớn, rồi tiếp theo là một tiếng nữa, và nhiều tiếng nữa, giống như có ai đó ném tuyết vào cửa sổ. Ông mở cửa nhà bước ra xem. Thì ra là một đàn chim đang lao đao trong mưa tuyết muốn bay vào cửa sổ nhà ông để tìm chỗ trú.
-"Tội nghiệp những chú chim nhỏ bé. Mình phải tìm cách giúp chúng mới được''. Ông chợt nghĩ đến nhà kho của mình. Ông mặc áo ấm vào, đi ra cái kho sau nhà, mở cửa và gọi chúng vào. Nhưng bầy chim vẫn đứng im.
-"Hay là chúng không thấy lối". Ông bật đèn nhà kho lên rồi trở ra gọi chúng. Chúng vẫn đứng im.
-"Lạ thế! Hay mình đi lùa chúng vào". Thế là ông đi đến chỗ cửa sổ, đưa tay lùa. Lũ chim chẳng những không bay theo hướng ông lùa, mà còn bay trốn tán loạn.
Cuối cùng ông mới hiểu ra: "Chúng sợ mình, vì chúng lạ với mình. Phải chi mình giống như chúng thì khi mình đến gần chúng sẽ không sợ nữa".
Đúng lúc đó, một lời Tin Mừng từ nhà thờ vọng đến tai ông: "Ngôi Lời đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta". Ông quỳ gối xuống và thưa: "Lạy Chúa, bây giờ con đã hiểu tại sao Chúa giáng sinh làm người như chúng con".

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2009

Lịch Sử Cây Giáng Sinh

Truyền thuyết về thánh Boniface, một thầy tu người Anh, người đã sáng lập ra nhà thờ đạo Cơ Đốc ở Pháp và Đức kể rằng, một hôm trên đường hành hương ngài tình cờ bắt gặp một nhóm những kẻ ngoại đạo sùng bái đang tập trung quanh một cây sồi lớn, dùng một đứa trẻ để tế thần. Để dừng buổi tế thần và cứu đứa trẻ, Boniface đã hạ gục cây sồi chỉ bằng một quả đấm!. Tại nơi đó đã mọc lên một cây thông nhỏ. Vị thánh nói với những kẻ ngoại đạo rằng cây thông nhỏ là cây của sự sống và nó tượng trưng cho cuộc sống vĩnh hằng của Chúa cứu thế.
Theo một tương truyền khác cho rằng : Một lần kia Martin Luther, người sáng lập đạo Tin Lành dạo bước qua những cánh rừng vào một đêm Noel khoảng năm 1500. Trời quang và lạnh. Hàng triệu vì sao sáng lấp lánh qua kẽ lá. Ngài thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một loài cây nhỏ, trên cành cây tuyết trắng phủ đầy, lung linh dưới ánh trăng. Cảnh vật hôm đó đã làm Luther thực sự rung động. Vì thế, khi trở về ngài đã đặt một cây thông nhỏ trong nhà và kể lại câu chuyện này với lũ trẻ. Để tái tạo ánh sáng lấp lánh của muôn ngàn ánh sao ngài đã treo nến lên cành cây thông và thắp sáng những ngọn nến ấy với lòng tôn kính ngày Chúa giáng sinh.

Một truyền thuyết khác lại kể rằng, vào một đêm Noel đã rất lâu rồi có một người tiều phu nghèo khổ đang trên đường trở về nhà thì gặp một đứa trẻ bị lạc và lả đi vì đói. Mặc dù nghèo khó nhưng người tiều phu đã dành lại cho đứa trẻ chút thức ăn ít ỏi của mình và che chở cho nó yên giấc qua đêm. Vào buổi sáng khi thức dậy, ông nhìn thấy một cái cây đẹp lộng lẫy ngoài cửa. Hoá ra đứa trẻ đói khát tối hôm trước chính là Chúa cải trang. Chúa đã tạo ra cây để thưởng cho lòng nhân đức của người tiều phu tốt bụng.

Nguồn gốc thực của cây Giáng sinh có thể gắn liền với những vở kịch thiên đường. Vào thời Trung Cổ, những vở kịch về đạo đứcđược biểu diễn khắp Châu Âu, thông qua các vở kịch ấy người ta có thể truyền bá các bài Kinh thánh. Những vở kịch nói về nguồn gốc của loài người và sự dại dột của Adam và Eve ở vườn Eden, thường được diễn vào ngày 24 tháng 12 hàng năm. Cây táo là một đạo cụ trong vở kịch, nhưng vì các vở kịch được diễn vào mùa đông, các loài cây đều chưa kết trái nên các diễn viên phải treo những quả táo giả lên cành cây.

Phong tục cây Giáng sinh trở nên phổ biến ở Đức vào thế kỷ 16. Người theo đạo Cơ đốc mang cây xanh vào trong nhà và trang hoàng cho chúng trong dịp lễ Giáng sinh. Ở những vùng vắng bóng cây xanh, mọi người tạo ra các đồ vật hình chóp từ gỗ và trang trí cho nó các cành cây xanh và nến. Chẳng bao lâu sau, phong tục cây Giáng sinh đã trở nên phổ biến ở các nước Châu Âu.

Theo một truyền thuyết của nước Mỹ, một cuộc vui tổ chức xung quanh cây Giáng sinh vào một đêm Noel lạnh lẽo ở Trenton, New Jersey trong thời gian nội chiến đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến. Những người lính phe Liên Bang quá nhớ nhà, nhớ những ngọn nến được thắp sáng treo trên các cành thông Giáng sinh, đã bỏ nơi canh gác để ăn uống vui vẻ. Washington đã tấn công và đánh bại họ trong đêm đó.

Vào giữa thế kỷ 19, Hoàng tử Albert chồng tương lai của nữ hoàng Victoria ra đời. Chính ông đã phổ biến rộng rãi phong tục cây Giáng sinh vào nước Anh. Năm 1841, đôi vợ chồng Hoàng gia này đã trang hoàng cây Giáng sinh đầu tiên của nước Anh tại lâu đài Windson bằng nến cùng với rất nhiều loại kẹo, hoa quả và bánh mỳ gừng. Khi cây Giáng sinh trở thành thời thượng ở Anh thì những gia đình giàu có đã dùng tất cả những đồ vật quý giá để trang trí cho nó. Vào những năm 1850, theo sự mô tả của đại văn hào Charles Dickens thì cây Giáng sinh ở Anh được trang hoàng bằng búp bê, những vật dụng nhỏ bé, các thiết bị âm nhạc, đồ trang sức, súng và gươm đồ chơi, hoa quả và bánh kẹo. Sau khi đã tồn tại ở Anh thì phong tục cây Noel cũng trở nên phổ biến trên khắp các vùng thuộc địa của đế chế Anh, tới cả những vùng đất mới như Canada.

Cây Giáng sinh lần đầu tiên được dân chúng ở Mỹ biết đến là vào những năm 1830. Khi hầu hết người dân Mỹ đều coi cây Giáng sinh là một điều kỳ cục thì những người Đức nhập cư ở Pennsylvania thường mang cây Giáng sinh vào các buổi biểu diễn nhằm tăng tiền quyên góp cho nhà thờ. Năm 1851 một mục sư người Đức đặt một cây Giáng sinh trước nhà thờ của ông làm cho những người dân xứ đạo ở đó đã bị xúc phạm và buộc ông phải hạ nó xuống. Họ cảm thấy đó là một phong tục ngoại đạo.

Tuy nhiên vào những năm 1890 nhiều đồ trang trí bắt đầu được nhập từ Đức vào và từ đó tục lệ về cây Giáng sinh trở nên phổ biến tại Canada và Mỹ. Có một sự khác biệt lớn giữa cây Giáng sinh của Châu Âu và Bắc Mỹ, cây của Châu Âu nhỏ, hiếm khi cao hơn một mét rưỡi, chỉ khoảng 4 hoặc 5 feet trong khi cây của Bắc Mỹ cao tới trần nhà.

Năm 1900, cứ 5 gia đình ở Bắc Mỹ thì có một gia đình có cây Giáng sinh, và 20 năm sau phong tục này trở nên khá phổ biến. Vào những năm đầu thế kỷ 20, người dân Bắc Mỹ thường trang trí cây thông bằng đồ trang trí do chính tay họ làm ra. Đồ trang trí truyền thống của người Ca-na-đa và người Mỹ gốc Đức gồm có quả hạnh nhân, quả hạch, bánh hạnh nhân với nhiều hình dạng thú vị khác nhau. Những hạt bắp chiên nhiều màu sắc, được trang trí cùng những quả phúc bồn tử và các chuỗi hạt. Cũng vào thời gian này bắt đầu xuất hiện những dây đèn trang trí trên cây Giáng sinh, nhờ nó cây thông rực rỡ hơn nhiều lần. ánh sáng trang trí bằng đèn điện kéo dài hơn và an toàn hơn rất nhiều so với ánh sáng toả ra từ những ngọn nến.

Mỗi năm khi ngày Giáng sinh tới, một cây Giáng sinh lộng lẫy được đặt tại quảng trường trung tâm Bentall thành phố Vancouver, phía nam BritishColumbia. Và dân chúng tập trung xung quanh cây Giáng sinh đầu tiên vừa được dựng lên và chưa được trang hoàng lộng lẫy kia. rồi ở cuối thành phố cây thông sáng bỗng bừng lên với muôn vàn ánh đèn đầy màu sắc, cùng lúc đó đội hợp xướng nhà thờ ca vang bài hát mừng lễ Giáng sinh. Tại ngọn đồi Parliament ở Ottawa, một cây Giáng sinh rực rỡ ánh đèn màu được đặt cạnh ngọn đuốc thế kỷ của Canada cùng với âm vị ngọt ngào của giai điệu Giáng sinh tuyệt vời từ tháp Hoà Bình Carillon vang đến.

Hàng thủy tùng Ailen mười sáu cây toả sáng lung linh trước quảng trường Union của Prancisco.Tại trung tâm Rockefeller ở NewYork, một cây Giáng sinh khổng lồ luôn lấp lánh bên cửa ra vào trước sân trượt băng. Tại thủ phủ Wasington, chính tổng thống đã thắp sáng cây vân sam trên bãi cỏ trước cửa nhà Trắng, 50 quả bóng bay lớn nhiều màu sắc được trang hoàng trên cây tượng trưng cho 50 bang. Một cây thông Nauy cao lớn đã tôn thêm vẻ duyên dáng cho quảng trường Trafalgar ở London. Đối với dân trong các thành phố thì lễ trang hoàng cây thông Nô-en báo hiệu một mùa Giáng sinh đã đến.

Từ năm 1947, những người ở Oslo hàng năm thường tặng một cây vân sam Na-uy cho những công dân của London, đối với mọi người ở những thành phố này cũng như những thành phố khác thì lễ thắp đèn cho cây đánh giấu sự bắt đầu của một lễ Giáng sinh.

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2009

Mùa Vọng & Giáng Sinh

Theo một câu nói rất chí lí: Lễ Giáng sinh không gì khác là một chiếc sàng vĩ đại, lọc lấy tất cả những gì là tinh hoa nhất, trọng yếu nhất, hiệu năng nhất, cả bên ngoài lẫn Cơ đốc giáo, còn tất cả những gì là nhỏ nhen và vô nghĩa, còn sót lại, thì bị lọt xuống dưới sàng và bị cuốn đi. Lễ này đã trở thành ngày lễ lớn của cả một năm, ngày trọng đại nhất đã thu hết cả những nghi lễ và biểu tượng của tất cả các ngày hội.

Trước 2000 năm Chúa giáng sinh, các dân tộc trên thế giới đều có những ngày lễ khác nhau vào tháng 12. Ở Ägyptern/ Egypt mừng sinh nhật Horus, Ấn Độ mừng chúa Ánh sáng (Lichtgotte), người La Mã cổ mừng ngày hội Saturnalien. Các quốc gia có nhiều lễ lộng lẫy riêng biệt. Người ta không được biết chính xác về ngày sinh của Chúa Cứu Thế, và trên dưới 200 năm, trong thời gian các tín đồ Cơ đốc giáo sống dưới sự bách hại, Giáo hội thời đó không tổ chức lễ Giáng sinh. Ít lâu sau năm 200, lễ này mới được cử hành theo những nhật kì khác nhau: ngày 6/1, 25/3 và 25/12.
Năm 217 Giáo Hoàng Hyppolist chọn 25/12 làm ngày kỷ niệm Chúa giáng sinh, sau những ngày mùa Vọng.
Mùa Vọng, ngày xưa thường gọi là mùa Áp (theo tiếng Latinh là Adventus, ra tiếng Anh là Advent; từ động từ Advenire, có nghĩa là "đến gần"). Mùa Vọng với ý nghĩa là mùa "trông đợi", "mong chờ". Ngay từ thời Cựu Ước, nhân loại đã mong đợi Đấng Cứu Thế ra đời.

Vòng hoa mùa Vọng
Vòng hoa mùa Vọng là vòng tròn kết bằng cành lá xanh. Trên vòng lá đặt 4 cây nến: 3 cây màu tím tượng trưng cho sám hối và một cây màu hồng nói lên niềm vui, sự chờ đợi và hy vọng ngày Chúa đến.
Vòng lá hình tròn nói lên tính cách vĩnh hằng và tình yêu thương vô tận của Thiên Chúa. Màu xanh lá nói lên hi vọng rằng Đấng Cứu Thế sẽ đến cứu con người. Vòng hoa mùa Vọng với bốn cây nến cũng tượng trưng cho cuộc chiến chống lại bóng tối. Tục lệ này khởi xướng bởi các tín hữu Tin lành ở Đức vào thế kỷ 16. Thần học gia Tin lành Johann Wichern tại Hamburg vào năm 1838 đã thắp lên mỗi ngày trong mùa Vọng một cây nến và cắm trên một giá gỗ hình tròn.
Vào ngày Lễ Giáng sinh căn phòng rực sáng với ánh nến, ánh sáng nến tượng trưng cho Chúa Giêsu. Các năm sau đó người ta trang trí bức tường nhà bằng những nhánh thông xanh. Năm 1860 người ta cũng trang trí khung gỗ tròn bằng những cành thông, 28 cây nến gom lại còn 4 cây tượng trưng cho 4 tuần. Và thế là vòng hoa mùa Vọng được phát sinh. Đầu tiên phong tục này được các gia đình Tin lành thực hành,sau đó vòng hoa Mùa Vọng được treo trong nhà thờ Công giáo năm 1925 tại Köln. Phong tục này đã phổ biến từ miền Bắc nước Đức và ngày nay đã lan truyền đến nhiều nơi trên thế giới.

Ông già Giáng sinh Père de Noel /Nikolaus/ Santa Claus/Sinterklass/ Nikola
Hình ảnh rất quen thuộc trong mùa Giáng sinh là ông già Noel. Ông mặc quần áo đỏ, đội mũ đỏ kiểu xứ lạnh, đi giầy đen, tóc bạc phơ và râu trắng như tuyết, đeo đai lưng mầu đen, vai mang nhiều quà. Đó chính là hình ảnh của vị thánh Giám mục Nicôla, thành Myra, xứ Lixia.
Thánh Nicôla sống vào thế kỉ thứ 4, viết nhiều tác phẩm nổi tiếng về tôn giáo, được nhiều người biết đến bởi lòng bác ái. Ngài được coi là người bạn đặc biệt và là vị thánh phù trợ nhi đồng.
Ông già Noel theo tiếng Pháp Père de Noel, tiếng anh Santa Claus, tiếng Hòa-Lan Sinterklass.Theo tài liệu trước khi được phong thánh ông Nikolaus là người giầu có, nhân từ. Vào đêm Giáng sinh, ông được Thiên Chúa mặc khải, đem hết của cải riêng mình ban phát cho những người nghèo khổ và trẻ con. Ông biến những giấc mơ của họ thành sự thực, bằng cách mua quà bánh để biếu những kẻ nghèo khổ, mang lại cho họ những sung sướng bất ngờ.
Theo truyền thuyết, vào đêm Giáng sinh ông già Noel thường theo đường ống khói lò sưởi vào mỗi gia đình, để đồng tiền hay bánh kẹo vào trong chiếc vớ hay chiếc giày cho trẻ con treo gần giường ngủ hay lò sưởi, đem lại giấc mơ đẹp với tuổi thơ trong đêm Giáng sinh. Bởi thế cha mẹ thường mua qùa bỏ vào đôi vớ để cạnh lò sưởi, lúc trẻ con thức dậy vui mừng với món quà của ông già Noel tặng. Phong tục này khuyến khích trẻ em nên làm điều thiện để được ông già Noel tặng quà.

Ðêm Thánh vô cùng / Heiligabend /silent night
Lễ Giáng sinh thường giống nhau, nhưng có sự thay đổi chi tiết tùy mỗi địa phương trên thế giới. Tại Việt Nam, các thành phố hay giáo phận Công giáo thường cử hành Thánh lễ Giáng sinh vào đêm 24 tháng 12 hàng năm.
Tại nước Anh, ngày lễ này được gọi là Christes Masse (Lễ Misa của Chúa Cứu Thế), vì một lễ Misa đặc biệt đã được cử hành trong ngày này. Người Pháp đặt tên là Noel, người Tây Ban Nha gọi là Nativdad, và người Ý lấy tên là Natab có nhĩa là "Sinh nhật". Người Đức gọi là Wehrachten, nghĩa là "Đêm Thánh".
Bài thánh ca "Đêm Thánh Vô Cùng" của nhạc sĩ thiên tài người Áo Franz Xaver Grubert (1787-1863) là một trong số những bài thánh ca hay nhất và được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất. Năm 1840 nhạc sĩ Franz Grubert là người đệm dương cầm cho Giáo đường nằm cạnh bờ sông Danube. Grubert báo cho cha Sở Joseph biết rằng vào giờ chót đàn dương cầm hư, không thể sửa được, xin cha chọn bài hát khác không cần đệm dương cầm.
Cha Josep viết liền lời thánh ca và nhạc sĩ Grubert phổ nhạc ngay tại chỗ. Đêm Giáng sinh năm 1840, bài thánh ca Weihnachtslied "Silent Night/ Đêm Thánh Vô Cùng" ra đời và được hợp ca với một cây đàn nhỏ phụ họa. Đó là bài thánh ca bất hủ, lưu truyền đến bây giờ.
„ Đêm thánh vô cùng giây phút tưng bừng. Đất với trời xe chữ đông; Đêm nay Chúa Con thần thánh tôn thờ. Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa, ơn châu báu không bờ bến, Biết tìm kiếm của chi đến. Ôi Chúa Thiên đàng cam mến cơ hàn, nhấp chén phiền vương phong trần. Than ôi Chúa thương người đến quên mình, bỏ vô chốn quê nhà lúc sinh thành. Ai ham sống trong lạc thú. Nhớ rằng Chúa đang đền bù. Tinh tú trên trời. Sông núi trên đời với Thánh Thần mau kết lời, Cao rao Hóa công đã khéo an bài . Sai Con hiến thân mong cứu nhân loại. Hang chiên máng rêu tạm trú bốn bề tuyết sương mịt mù.. „
Người Tây phương mừng Giáng sinh vào đêm 24/12 nhưng mỗi quốc gia có phong tục văn hoá khác nhau. Xứ Đức thời tiết lạnh, tuyết rơi nên sinh hoạt Giáng sinh khác với Việt Nam. Đường phố từ chiều 24 yên lặng, tiệm quán đều đóng cửa đúng với nghiã đêm yên lặng (silent night). Từ thế kỷ thứ 8 người Ðức đã mừng Giáng sinh. Ngày 24 làm việc chỉ nửa ngày, 14 giờ các siêu thị đóng cửa, hãng xưởng nghỉ việc, chiều tối các nhà Thờ đều có Thánh lễ . Sau Thánh lễ họ về nhà gia đình vui chơi bên cây thông, hang đá nhấp nháy đèn màu, dưới gốc thông là những gói quà để tặng nhau .
Các bữa tiệc Giáng sinh hay ăn Reveillon thường có ngỗng quay, tiếng Đức gọi là Weihnachtsgans theo truyền thống (tradition) không ăn gà tây như lễ Tạ ơn Thanhsgiving của người Mỹ. Ngoài ra có các loại bánh Giáng sinh Weihnachtstollen, Lebkuchen, Weihnachtsplätzchen, Weihnachtgebäck rượu nho v. v... Giống như Tết của người Việt Nam phải có bánh chưng, bánh tét, các loại mứt, hạt dưa. Tuy nhiên sinh hoạt những vùng quê người Đức họ có tập quán riêng, dù tuyết rơi giá lạnh nhưng nhà Thờ vẫn làm lễ lúc 22 giờ cho đến khuya. Họ không ăn tiệc nửa đêm, nhưng ngày 25 đại gia đình, phải có mặt đầy đủ ăn tiệc không riêng gì ngỗng quay còn những món khác do các bà khéo tay trổ tài trong dịp này. Những người lớn tuổi như ông bà nội, bà ngoại phát quà cho các cháu (giống như tục lì xì cuả người Việt trong dịp đầu năm), sau đó mọi người trao quà cho nhau. Họ vui chơi ăn nhậu suốt ngày 25.
Miền New England dân chúng ăn tiệc mừng Giáng sinh theo người Anh. Trong bữa ăn "Réveillon" nửa đêm, luôn luôn tổ chức trọng thể có một loại rượu đặc biệt, chế bằng nước trái cây ép với vài hương liệu Đông phương như đinh hương đậu khấu và rượu nho. Thứ rượu đặc biệt trên phải hâm nóng, uống như rượu saké của Nhật, để chống lại cái lạnh bên ngoài. Tại Ðức cũng có loại rượu nho Gluehwein hâm nóng bán tại các chợ trong mùa Giáng sinh.
Người Island mùa Vọng từ ngày 12 đến 24, mỗi ngày thường bỏ những món quà nhỏ trong giày tượng trưng quà của Nikolaus dành cho trẻ con. Chiều 24 bắt đầu bữa tiệc mừng Giáng sinh, sau đó họ đi thăm nghiã trang mang đến những tràng hoa và đốt nến trên mộ phần người thân. Ở Ý người ta không dùng cây thông trang điểm cho mùa Giáng sinh, nhưng họ làm hang đá và ăn tiệc đêm 24./12 cho đến lễ Ba Vua 6/1 năm mới. Họ bỏ kẹo bánh vào chiếc vớ hay giày làm qùa cho trẻ con. Người Tây Ban Nha và Bồ Đồ Nha chỉ tặng qùa vào lễ Ba Vua.
Người Mỹ đoàn tụ gia đình ngày thứ năm cuối tháng 11 mừng Thanksgiving/ Danke schöne hàng năm, để tạ Thượng Đế, tạ ơn đời và ơn người. Trong đêm Giáng sinh mọi gia đình cũng tổ chức ăn uống, trao đổi quà tặng cùng những lời chúc tốt đẹp nhất cho Giáng sinh và Năm mới.
Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm là khuyến chúc của Ngày Lễ trọng đại nhất nhất hành tinh này.

(Tổng hợp từ những nguồn tư liệu & bài viết về Giáng sinh)

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2009

Trịnh Công Sơn - Một Nhà Thơ Lớn

Thế là trên bầu trời nghệ thuật Việt Nam một vì sao sáng đã tắt. Khoảng trống này không có gì lấp được.
Tôi ra tù năm 1976, nhưng còn bị quản thúc bằng lệnh miệng của nhà cầm quyền mãi cho tới mùa thu năm 1980 mới được phép vào Nam. Ở Sài Gòn người đầu tiên tôi tới thăm là Trịnh Công Sơn. Nhà thơ Dương Tường vào trước đã kể về tôi cho Sơn nghe, Sơn đã biết tôi là thế nào nên anh đón tôi không chút e dè. Chúng tôi nói chuyện với nhau cả một buổi sáng. Bên bàn trà, như một cuộc hàn huyên giữa hai người bạn sau thời gian dài xa cách, chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện, nhiều nhất là về sáng tác, về thiên chức của nghệ sĩ, chỗ đứng của anh ta trong lòng dân tộc... Giữa câu chuyện tôi hỏi Sơn tại sao anh không đi ra nước ngoài, mà ở lại để sống trong kìm kẹp? Sơn trầm ngâm:
- Mình có nghĩ tới chuyện đó chứ. Nhưng mình không thể đi. Người nghệ sĩ không thể sống xa quê hương. Xa nó, anh ta sẽ cạn nguồn cảm hứng, mà cái đó thì chẳng khác gì cái chết.
Sơn nghĩ đúng. Mặc dầu ở lại Sơn phải sống trong một thế giới xa lạ, ở đó không còn cách nào khác là hoặc tự nguyện nhập vào nó, hoặc tự tạo ra một thế giới tự do cho mình. Mà tạo ra cái thế giới đó, ai cũng biết, chẳng dễ gì. Cần phải có cái tâm của đạo sĩ mới có thể thiền giữa chợ.
Cũng trong lần gặp ấy, Sơn đọc cho tôi nghe một số bài thơ anh mới viết, mở băng cho tôi nghe một số ca khúc mới làm xong. Nhiều bài tôi được nghe hôm ấy, có bài rất hay, có bài không đặc sắc cho lắm, về sau tôi không thấy Sơn cho chúng ra đời. Ở Văn Cao cũng vậy. Số lượng những gì mà các nghệ sĩ mà chúng ta yêu mến đã sáng tác thường lớn hơn rất nhiều so với những gì mà chúng ta được biết. Có trời biết số phận chúng ra sao? Rất có thể chúng đã làm mồi cho lửa trong một cơn buồn cô quạnh, khi nghệ sĩ lấy rượu để dập tắt nó, và chán chường tất cả, không trừ chính mình. Người ta dễ biết con số người bị giết hơn là số những sáng tác bị bách hại, bị bức tử. Ở đâu tội ác vẫn cứ là tội ác.
Cũng hôm đó Sơn nói với tôi:
- Mình nhiều lúc ngã lòng, nhất là khi mình thấy người ta chẳng hiểu gì về mình, chửi bới mình, hành hạ mình. Ðến nỗi muốn thoả hiệp cho xong. Nhưng nghĩ lại thấy không được. Nghệ sĩ không thể thoả hiệp với cái Xấu, cái Ác. Có thể tạm lui bước, nhưng thoả hiệp thì không bao giờ.
Và Sơn đã không thoả hiệp. Anh sáng tác ít hơn. Những ca khúc mất dần tính triết lý. Sơn sợ những hiểu lầm. Rồi anh quay sang vẽ tranh. Những bức tranh siêu thực, tặng nhiều hơn bán. Và vùi nỗi buồn trong rượu. Bè bạn khuyên can, Sơn bỏ rượu, nhưng không ngừng uống bia. Rồi quay lại rượu lúc nào không biết.
Tôi yêu Trịnh Công Sơn - con người có dễ nhiều hơn Trịnh Công Sơn - nhạc sĩ. Nhưng là nói thế thôi, chứ ở anh ranh giới này gần như không có. Trường hợp tương tự không nhiều, khi con người nhân thế và con người nghệ sĩ nhập làm một.
Cha tôi cũng rất yêu Sơn. Một lần ra Hà Nội, nghe tin cha tôi lâm bệnh, Sơn đã vác đàn đến bên giường hát cho ông nghe. Cha tôi nói rằng ông cảm thấy hạnh phúc khi được nghe Sơn hát. Những ca khúc của Sơn hoá ra còn có tác dụng chữa bệnh. Bởi vì chúng là những lời chân thành của con người nói với con người, những lời tâm tình, những lời an ủi, những lời chia sẻ...
Có một sự nhất trí hình như không được đúng lắm, rằng nhạc Trịnh Công Sơn chỉ là nhạc phản chiến. Tôi nghĩ nhạc của anh là một cái gì hơn thế. Nó là lời chia sẻ những suy ngẫm về ý nghĩa nhân sinh, về tình thương yêu giữa con người và con người. Anh nói với mọi người những lời này vào mọi lúc, mọi nơi, chứ không phải chỉ trong chiến tranh để trở thành phản chiến.
Xét cho cùng, Trịnh Công Sơn là một nhà thơ. Một nhà thơ lớn. Nhạc là cái xe tải anh lắp lấy để chở thơ anh đến với chúng ta.
Khi tôi viết những dòng này thì Sơn đã an nhiên trở về với cát bụi, như anh đã nói trước. Mộ anh phủ đầy hoa của những người hiểu anh và yêu mến anh. Khi anh qua đời, có những kẻ đã coi thường anh, đã hành hạ anh khi anh còn sống, đến nghiêng mình trước linh cữu anh, và có cả những kẻ vẫn hát lời anh viết, bây giờ nhai nhải chửi anh là nhạc tặc, là tên phản quốc trên những bài báo không ai muốn đọc. Nhưng nếu Sơn còn biết những chuyện đó, anh cũng sẽ an nhiên mỉm cười. Và không nói gì hết.


Warszawa 4.2001 Vũ Thư Hiên