Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2008

28. Hãy Xem Hoa Huệ Ngoài Đồng

Vì vậy, Ta bảo các con, đừng lo lắng về đời sống
của mình... hãy nhìn chim chóc trên trời...
hãy xem hoa huệ ngoài đồng...
Mt 6: 25-28
Vào một lúc nào đó, mọi người sẽ trải qua những cảm nghiệm về sự bất an. Bạn cảm thấy bất an về số tiền bạn gửi trong ngân hàng, hoặc về mức độ cảm tình của bạn đang được nhận từ những bạn bè, hoặc về căn bản nền học vấn của bạn. Hoặc bạn cảm thấy một sự bất an về tình trạng sức khỏe của bạn, tuổi tác của bạn, ngoại hình của bạn. Nếu có ai hỏi bạn câu hỏi này, "Điều gì làm cho bạn cảm thấy bất an?" Gần như chắc chắn bạn sẽ trả lời sai. Có thể bạn sẽ đáp, "Tôi không nhận được tình yêu đáp trả từ phía bạn tôi," hoặc "Tôi không có đủ học thức cần thiết," hoặc những câu đại loại như thế. Nói cách khác, bạn sẽ đề cập đến những điều kiện bên ngoài mà không nhận ra rằng cảm giác bất an không phải được sinh ra từ bất cứ cái gì bên ngoài bạn, nhưng căn bản là do xúc cảm được lập trình trong bạn, do một cái gì đó bạn đang tự nhủ trong đầu.
Nếu bạn thay đổi chương trình của bạn, những cảm giác bất an của bạn sẽ tan biến trong giây lát, mặc dù tất cả những gì thuộc thế giới bên ngoài ấy vẫn y nguyên như trước. Người này cảm thấy hoàn toàn thanh thản vì chẳng có đồng nào gửi trong ngân hàng, trong khi người kia lại cảm thấy bất an mặc dù có đến hàng triệu. Không phải là số tiền, nhưng là cái chương trình đã lập sắn tạo nên sự khác biệt. Người này không có bạn bè, nhưng vẫn cảm thấy hoàn toàn bình yên giữa lòng yêu thương của mọi người. Người kia lại cảm thấy bất an giữa sự kính trọng và rất nhiều tương giao thân thuộc và độc quyền. Một lần nữa, sự khác biệt là ở cái chương trình đã được lập sẵn trong chúng ta.
Nếu muốn giải quyết những cảm giác bất an trong bạn, bạn phải học hỏi và hiểu biết cho cặn kẽ bốn điều.
Thứ nhất, thật vô ích khi ra sức làm tan biến những cảm giác bất an bằng cách cố gắng thay đổi những vật bên ngoài bạn. Những nỗ lực của bạn cũng có thể thành công, nhưng đa số trường hợp sẽ là thất bại. Chúng có thể đem lại chút ít nhẹ nhõm, nhưng sự nhẹ nhõm này không bền lâu được. Vì thế, bạn đừng mất thời giờ và năng lực một cách vô ích vào việc làm tăng vẻ hấp dẫn ngoại hình của bạn, hoặc kiếm thêm tiền bạc, hoặc đạt được nhiều sự bảo đảm hơn nữa trong tình yêu của bè bạn.
Thứ hai, bạn phải đương đầu với vấn đề cho đúng chỗ, tức là trong đầu óc của bạn. Bạn hãy nghĩ về những người trong cùng một hoàn cảnh giống như bạn nhưng giờ đây họ không cảm thấy bất an chút nào. Vẫn có những người như thế. Vì vậy, vấn đề không nằm ở thực tại bên ngoài bạn, mà là ở bạn, ở trong chương trình đã được lập sẵn trong bạn.
Thứ ba, bạn phải hiểu rằng chương trình đã được lập sẵn đó là do những con người bất an, những con người mà khi bạn còn thơ ấu, đã dạy bạn bằng lối sống và những phản ứng sợ hãi của họ, rằng mỗi khi thế giới bên ngoài không phù hợp với một khuôn mẫu nào đó, bạn phải tạo ra một xao động cảm xúc trong bạn được gọi là sự bất an. Và bạn phải làm tất cả những gì có thể tái lập trật tự của thế giới bên ngoài - tức là làm thêm tiền, tìm thêm những bảo đảm, xoa dịu và làm hài lòng những người đã xích mích với bạn - để làm cho cảm giác bất an kia biến mất. Nguyên việc nhận thức rằng bạn không cần phải làm như thế, rằng việc làm như thế thực ra cũng chẳng giải quyết được gì, và xao động xúc cảm chỉ là do bạn và nền văn hóa của bạn tạo ra - nguyên việc nhận thức này cũng đủ làm cho bạn đoạn tuyệt với vấn đề và đem lại một tình trạng thư thái đáng kể cho bạn.
Thứ bốn, mỗi khi cảm thấy bất an về những gì thuộc về tương lai, bạn chỉ cần nhớ lại: bạn cũng đã từng cảm thấy bất an về những biến cố trong vòng sáu tháng hoặc một năm qua. Nhưng đến khi các biến cố ấy xẩy ra, bạn mới có thể giải quyết được chúng, nhờ những năng lực và khả năng của giây phút hiện tại đã đem lại cho bạn, chứ không phải nhờ những lo lắng trước đó, những điều chỉ khiến bạn phải quằn quại một cách không cần thiết và yếu nhược về mặt xúc cảm. Vì thế, bạn hãy tự nhủ: "Nếu có gì mà tôi có thể làm được ngay lúc này cho tương lai của tôi, thì tôi sẽ làm ngay. Vậy, tôi hãy kệ mặc và cứ vui hưởng giây phút hiện tại, bởi vì tất cả kinh nghiệm của đời tôi đã cho tôi thấy rằng chỉ có thể giải quyết các sự việc khi chúng đang trong hiện tại, chứ không phải trước hay sau đó. Và giây phút hiện tại luôn đem lại những khả năng và năng lực cần thiết để cho tôi giải quyết chúng."
Những cảm giác bất an sau cùng sẽ biến tan chỉ khi nào bạn đạt được cái khả năng diễm phúc của đàn chim trên bầu trời và những bông hoa ngoài đồng nội, để sống trọn vẹn cho giây phút hiện tại, cho từng giây phút một. Giây phút hiện tại dù đau đớn đến đâu, nhưng cũng không phải là không thể chịu nổi. Điều không thể chịu nổi là điều bạn tưởng sẽ xẩy đến trong vòng năm giờ nữa hoặc năm ngày nữa; và những lời mà bạn cứ lặp đi lặp lại trong đầu, chẳng hạn, "Điều này kinh khủng quá, việc này không thể chịu nổi, chuyện này không biết kéo dài đến bao giờ," và những câu đại loại như thế. Chim chóc và hoa cỏ có phúc hơn con người ở chỗ là chúng không biết nghĩ về tương lai, không có một suy tư nào trong đầu chúng, không có một ưu tư nào về bạn bè của chúng nghĩ gì về chúng. Vì thế, chúng là những hình ảnh tuyệt vời của Nước Chúa.
Vậy, bạn đừng lo lắng áy náy về ngày mai, ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khó của ngày ấy. Tiên vàn hãy nghĩ đến Nước Chúa, và mọi sự khác sẽ được thêm cho bạn.
Nguyên tác: The Way To Love
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2008

27. Lửa Cho Thế Gian

Ta đã đến đem lửa xuống cho thế gian;
và mong nó được cháy lên biết bao!
Lc 12:49
Nếu bạn muốn biết hạnh phúc có nghĩa gì, bạn hãy nhìn một nụ hoa, một cánh chim, một em nhỏ; chúng là những hình ảnh hoàn hảo về Nước Chúa. Bởi vì chúng sống từng giây phút này sang giây phút khác trong cái hiện tại vĩnh cửu, không có quá khứ mà cũng chẳng có tương lai. Vì thế, chúng thoát được mọi tội lỗi và ưu tư đang hành hạ nhân loại, và chúng được tràn ngập niềm vui thanh thản trong yêu mến, không phải vui thích vì người này vật nọ cho bằng chính cuộc sống.
Bao lâu hạnh phúc của bạn được tạo ra và được duy trì nhờ một vật hoặc một người nào bên ngoài bạn, thì khi ấy bạn vẫn còn trong miền đất của kẻ chết. Ngày nào bạn hạnh phúc không vì một lý do nào cả, đó là ngày bạn thấy mình vui hưởng tất cả mà không vui hưởng gì hết, bạn hãy biết rằng bạn đã tìm thấy miền đất của niềm vui bất tận, được gọi là Nước Chúa.
Tìm được Nước Chúa là điều dễ dàng nhất nhưng cũng là điều khó khăn nhất trên trần gian. Dễ dàng - bởi vì nước ấy ở chung quanh và ở ngay trong lòng bạn, và tất cả những gì bạn phải làm là vươn ra và chiếm lấy. Khó khăn - bởi vì nếu bạn muốn chiếm hữu nước ấy, có thể bạn không còn được sở hữu gì khác nữa. Tức là tận trong lòng, bạn phải từ bỏ tất cả việc cậy dựa vào một người hay một vật nào, mãi mãi lấy lại từ họ cái năng lực làm cho bạn phải hồi hộp, phải kích động, cái năng lực tạo cho bạn một cảm giác an toàn hoặc lợi ích. Để đạt được điều này, trước tiên bạn cần phải nhìn thấy một cách rõ ràng và không nao núng sự thật đơn giản nhưng gây choáng váng này: Ngược với những điều mà nền văn hóa đã dạy cho bạn, không có gì, tuyệt đối không có gì có thể làm cho bạn được hạnh phúc cả. Ngay khi bạn nhìn thấy sự thật này, bạn sẽ không còn bỏ công việc này để tìm công việc khác, bỏ người bạn này để chơi với người bạn kia, rời nơi này để đến nơi nọ, chê bỏ kỹ thuật này để áp dụng kỹ thuật kia, giã từ pháp sư này để tìm đến pháp sư kia. Không một ai, không một sự gì trong những sự ấy có thể đem lại cho bạn một phút hạnh phúc thực sự. Họ chỉ đem lại cho bạn một chút xao xuyến nhất thời, một sự vui khoái mà lúc đầu rất mãnh liệt, nhưng rồi biến thành nỗi đau nếu như bạn đánh mất nó, và trở thành chán ngán nếu như bạn giữ nó lại.
Bạn hãy nghĩ về vô số người và vật đã từng làm cho bạn phớn phở trong quá khứ. Điều gì đã xẩy ra? Trong mọi trường hợp, cuối cùng, họ đều gây cho bạn đau đớn, hoặc chán chường, phải không? Điều tuyệt đối cần thiết là bạn phải nhìn thấy điều này, bởi vì một khi bạn còn nhìn thấy, thì thế nào cũng bạn sẽ tìm được vương quốc của niềm vui. Người ta hầu như không được chuẩn bị trước để nhìn thấy cho đến khi họ phải trải qua thảm cảnh vỡ mộng và phiền não nhiều lần. Và ngay đến lúc đó, cũng chỉ có một trong muôn vàn người thực sự muốn nhìn thấy mà thôi. Họ cứ tiếp tục đi gõ các cửa thụ tạo một cách thê thảm, cầm bát sành hành khất, mong xin được chút tình cảm, tán đồng, hướng dẫn, quyền lực, danh giá, và thành công, bởi vì họ cứ ngoan cố không chịu hiểu rằng hạnh phúc không ở trong những sự ấy.
Nếu tìm trong lòng mình, bạn sẽ thấy ở đó một điều có thể làm cho bạn hiểu ra: đó là một tia lửa của tình trạng không thỏa và vỡ mộng. Nếu được thổi bùng lên thành một ngọn lửa, thì tia lửa ấy sẽ trở thành một đám cháy lồng lộn thiêu hủy tất cả cái thế giới ảo tưởng mà bạn đang sống trong đó. Và nhờ đó, tỏ ra trước cặp mắt kinh ngạc của bạn vương quốc mà cho đến lúc này bạn vẫn sống trong đó mà không ngờ. Đã có bao giờ bạn cảm thấy tởm ngớm cuộc đời, ngán ngẩm tận đáy lòng việc không ngừng lẩn tránh các nỗi sợ hãi và ưu tư, mệt nhoài vì những vòng hành khất, uể oải tuyệt vọng vì bị những dính bén và nghiện ngập kéo lê hay không? Đã có khi nào bạn cảm thấy thật vô nghĩa khi phải nhọc nhằn vất vả để kiếm cho được một mảnh bằng, đi tìm một công việc, rồi sau đó ổn định cuộc sống trong nỗi chán chường hay không? Nếu như bạn là một người thành công, bạn có ổn định được cuộc sống xôn xao những cảm xúc bằng những điều mà bạn lúc nào cũng theo đuổi ấy hay không? Và nếu bạn đã có một ngọn lửa không thỏa nổi lên trong tâm hồn, thì liệu có ai thoát được hay chăng? Đây là thời gian để nuôi ngọn lửa ấy trước khi nó bị dập tắt vì những công việc chán chường của cuộc sống thường nhật. Đây là Mùa Chay thánh, bạn phải tìm thời giờ để ra đi và nhìn vào cuộc sống của bạn, để ngọn lửa ấy bừng lên và chiếu sáng cho bạn nhìn thấy, để không còn làm bạn xao lãng công việc này.
Đây là lúc phải nhìn thấy rằng không thụ tạo bên ngoài có thể đem lại cho bạn một niềm vui bất tận. Nhưng khi nhìn thấy điều đó, bạn sẽ nhận ra một nỗi sợ hãi trong lòng bạn. Bạn sợ rằng nếu bạn cứ sống trong cảnh không thỏa ấy, nó sẽ trở thành tham dục cuồng nộ nắm bắt và khiến bạn nổi dậy chống lại tất cả những gì nền văn hóa của bạn vẫn tin tưởng; chống lại toàn bộ lối suy nghĩ, cách cảm nghiệm, và nhận thức thế giới mà nền văn hóa đã tẩy não và khiến bạn phải chấp nhận. Ngọn lửa hung hãn này sẽ làm cho con thuyền bạn không những bị tròng trành, mà còn bị cháy thành tro. Bỗng nhiên bạn sẽ thấy mình sống giữa một thế giới hoàn toàn xa lạ. Bạn bị bứng khỏi cái thế giới của những người chung quanh, bởi vì tất cả những người khác quý trọng, tất cả những gì tâm hồn kêu gào: danh giá, quyền lực, sự tán đồng, chấp thuận, an toàn, giầu có, đối với bạn thực chất chỉ là một đống rác tanh tưởi mà thôi. Nó kinh tởm và gây buồn nôn. Và tất cả những gì mà người khác lúc nào cũng tránh né, thì cũng không còn làm bạn sợ hãi nữa. Bạn đã trở nên thanh thản, can đảm, và tự do, bởi vì bạn đã bước ra khỏi cái thế giới ảo tưởng của bạn để đi vào Nước Chúa.
Bạn đừng nhầm lẫn trạng thái không thỏa mãn thánh thiện này với tình trạng tuyệt vọng, chán nản mà đôi khi vẫn thúc đẩy người ta đến cảnh cuồng dại và tự sát. Tình trạng đó không phải là động lực thần bí đưa đến sự sống mà là động lực điên cuồng đưa đến chỗ tự hủy diệt. Bạn cũng đừng nhầm lẫn trạng thái không thỏa này với sự ta thán của những người lúc nào cũng kêu trách mọi sự. Những người này không phải là những nhà thần bí, nhưng là những kẻ chán nản vì chỉ ước muốn cải thiện các điều kiện nhà tù, trong khi điều họ cần làm là phải phá tung cái nhà tù ấy để được tự do.
Hầu hết những người cảm nghiệm trong tâm hồn nỗi da diết của sự không thỏa hoặc sẽ trốn chạy khỏi nó và say sưa theo đuổi các công việc, đời sống xã hội và tình thân hữu; hoặc sẽ tràn đổ sự không thỏa ấy vào công tác xã hội, văn chương, âm nhạc, những cuộc truy tìm được gọi là sáng tạo làm cho họ đồng ý với cải tổ, trong khi điều họ cần làm là phải khởi dậy. Những người này mặc dù đầy những hoạt động, nhưng thực ra lại không sống động chút nào: Họ đã chết, họ bằng lòng sống trong miền đất của kẻ chết. Nếu tình trạng không thỏa của bạn thực sự thánh thiện thì không có dấu vết gì của sự buồn bã hoặc cay đắng với bản thân. Mặc dù thường khơi lên nỗi sợ hãi trong tâm hồn bạn, nhưng nó luôn đi kèm với niềm vui, niềm vui của Nước Chúa.
Và đây là một dụ ngôn về Nước Chúa: Nước Chúa giống như một kho tàng được chôn giấu dưới thửa ruộng. Một người kia tìm được kho tàng ấy đã chôn nó xuống trở lại. Trong niềm hân hoan, ông ra về và bán tất cả những gì ông có để tậu lại thửa ruộng ấy. Nếu bạn chưa tìm được kho tàng ấy, bạn đừng hoang phí thời giờ tìm kiếm nó. Người ta có thể phát hiện ra kho tàng ấy, nhưng không thể đi kiếm tìm. Bạn không có một chút ý niệm nào về kho tàng ấy cả. Tất cả những gì bạn đã quen là sự hạnh phúc mê mẩn trong cuộc sống hiện tại của bạn. Vậy bạn phải tìm kiếm cái gì? Và tìm ở đâu. Bạn hãy tìm kiếm ngay trong tâm hồn bạn tia lửa của sự không thỏa, hãy chăm chút ngọn lửa cho đến khi nó trở thành một khối lửa, và thế giới của bạn bị đốt cháy thành một đống tàn hoang.
Dù trẻ hay già, chúng ta hầu hết đều không được thỏa nguyện chỉ vì chúng ta thiếu thốn một cái gì đó - nhiều kiến thức hơn nữa, công việc tốt hơn nữa, chiếc xe hơi cáu cạnh hơn nữa, khoản lương hậu hĩnh hơn nữa. Sự không thỏa của chúng ta được dựa trên khát vọng chúng ta cứ muốn hơn mãi. Chỉ vì chúng ta muốn một cái gì hơn nữa cho nên đa số chúng ta không được thỏa nguyện. Chính sự khát khao muốn cái hơn nữa ấy đã cản trở khả năng suy nghĩ sáng suốt. Trong khi đó, chúng ta không được thỏa nguyện, không phải vì chúng ta muốn một cái gì, nhưng vì chúng ta không biết điều chúng ta muốn là gì. Nếu chúng ta không thỏa mãn với công việc của mình, với việc làm tiền, với việc tìm kiếm địa vị và quyền lực, với tập tục, với những gì chúng ta có và những gì có thể có; nếu chúng ta không thỏa, không phải với một cái gì cụ thể, mà với mọi sự, khi ấy tôi cho rằng chúng ta sẽ thấy sự không thỏa của chúng ta đem lại sự sáng suốt. Khi ấy chúng ta không chấp nhận hoặc bước theo, nhưng chất vấn, điều tra, nghiên cứu, khi ấy sẽ có một kiến thức, và từ đó sẽ có sự sáng tạo và niềm vui.
Chủ yếu tình trạng không thỏa mà bạn cảm thấy không xuất phát từ việc không có đủ một điều gì - bạn không thỏa bởi bạn nghĩ rằng bạn không đủ tiền bạc, quyền lực, thành công, danh giá, nhân đức, tình yêu hoặc sự thánh thiện. Đây không phải là sự không thỏa đưa đến niềm vui của Nước Chúa. Nguồn gốc của nó là tính tham lam và tham vọng, và kết quả là sự bất an và bế tắc. Ngày nào bạn không thỏa không phải vì muốn nhiều hơn một cái đó, nhưng vì không biết bạn muốn gì, khi ấy bạn sẽ ngán ngẩm tận đáy lòng tất cả những gì mà bạn vẫn hằng đeo đuổi và ngán ngẩm ngay cả việc đeo đuổi, khi ấy tâm hồn của bạn sẽ đạt được một sự sáng suốt lớn lao, một tri thức sẽ tạo cho bạn một niềm vui màu nhiệm trong mọi sự, mà lại không trong một sự gì.
Nguyên tác: The Way To Love
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2008

26. Đau Khổ Và Vinh Quang

Nào Đức Kitô đã chẳng phải chịu khổ hình như
thế rồi mới vào vinh quang của Ngài hay sao?
Lc 24:26
Bạn hãy ngẫm nghĩ về những biến cố đau đớn trong đời bạn. Bạn đã phải mang ơn bao nhiêu biến cố trong số đó, bởi vì nhờ chúng mà hôm nay bạn mới được biến đổi và thăng tiến? Đây là một sự thật đơn giản của cuộc đời mà hầu như ai cũng nhận thấy. Những biến cố hạnh phúc làm cho cuộc sống tươi vui, nhưng không đưa đến việc biết mình, thăng tiến, và tự do. Đặc quyền này được dành riêng cho những sự vật, những con người, và những hoàn cảnh đã làm chúng ta phải đau khổ.
Mỗi biến cố đau thương hàm chứa một hạt mầm tăng trưởng và giải thoát. Dưới ánh sáng của sự thật này, bạn hãy hồi tưởng cuộc đời mình và lần lượt nhìn lại từng biến cố mà bạn hiện vẫn chưa mang ơn chúng. Và xem thử bạn có thể khám phá một tiềm năng thăng tiến nào hàm chứa trong đó mà bạn vẫn chưa nhận ra, và do đó, chưa rút tỉa được những lợi ích. Bạn hãy nghĩ đến một biến cố nào đó mới đây đã làm cho bạn đau đớn, tạo ra nơi bạn những cảm xúc tiêu cực. Bất cứ ai hoặc bất cứ sự gì tạo ra những cảm xúc như thế đều là thầy dạy của bạn, bởi vì chúng tỏ cho bạn biết rất nhiều về bản thân của bạn mà có lẽ trước đó bạn chưa hề biết. Chúng còn gửi đến cho bạn một lời mời gọi và thách đố để tự biết mình, tự khám phá mình, và qua đó mà đạt đến sự thăng tiến, sự sống, và sự tự do.
Giờ đây, bạn hãy thử nghiệm lại điều ấy, hãy nhận ra cảm xúc tiêu cực mà biến cố kia đã tạo ra nơi bạn. Phải chăng đó là ưu tư hoặc bất an, ghen tức, giận dữ hoặc tội lỗi? Cảm xúc ấy nói gì với bạn về bản thân của bạn, về những giá trị của bạn, về cách bạn nhận thức thế giới, về cuộc sống, và trên hết là những gì bạn đã bị lập trình và bị điều kiện hóa? Nếu bạn thành công trong việc khám phá này, bạn sẽ bỏ được một ảo tưởng nào đó mà cho đến lúc này bạn vẫn còn bám chặt; hoặc bạn sẽ thay đổi cách tri thức méo mó; hoặc sửa sai một điều yên trí sai lầm. Hoặc bạn sẽ biết tách mình khỏi nỗi đau khổ, khi nhận ra đau khổ là do những gì đã được lập trình nơi bạn, chứ không phải do thực tế. Bạn bỗng nhiên thấy mình hết sức biết ơn đối với những cảm xúc tiêu cực kia, và cả với những người hoặc những biến cố đã tạo nên chúng.
Bây giờ, bạn hãy tiến thêm một bước nữa. Hãy nhìn vào tất cả những gì bạn suy nghĩ và cảm nghiệm, nói và làm mà bạn không thích nơi bản thân mình: những cảm xúc, những khuyết điểm, những tàn tật, những sai lầm, những dính bén, những khó chịu, những bất thường, và phải nói, ngay cả những tội lỗi của bạn nữa. Bạn có thể thấy điều nào trong đó như một phần thiết yếu cho sự thăng tiến của bạn hay không? Nguyên do là vì nó đã đưa ra một hứa hẹn về sự tiến bộ và ơn thánh cho bạn hoặc cho người khác, những điều mà có lẽ không bao giờ xẩy đến, nếu không nhờ điều mà bạn không thích kia. Và nếu bạn đã gây ra đau khổ và những cảm xúc tiêu cực cho người khác, phải chăng lúc ấy bạn không phải là thầy dạy của họ, một khí cụ đem đến cho một hạt mầm khám phá bản thân họ và sự thăng tiến hay sao? Bạn có thể trung thành trong việc quan sát này, trong việc quan sát của bạn cho đến khi nhìn thấy tất cả điều này như một sai lỗi hồng phúc, một tội lỗi cần thiết để đem đến rất nhiều ích lợi cho bạn và cho thế giới hay không?
Nếu bạn có thể làm được điều ấy, thì tâm hồn của bạn sẽ tràn ngập an bình, biết ơn, yêu mến, và chấp nhận tất cả cũng như từng biến cố, từng sự việc. Và có lẽ bạn đã khám phá được điều mà thiên hạ khắp nơi đang tìm kiếm và chẳng bao giờ tìm được. Đó chính là nguồn mạch sự an bình, đó là niềm vui đang tiềm ẩn trong mọi tâm hồn con người.
Nguyên tác: The Way To Love
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2008

25. Hãy Móc Mắt

Nếu tay ngươi là cớ cho ngươi sa ngã,
thì chặt nó đi, thà cụt một tay mà được vào cõi
sống còn hơn có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục...
Và nếu mắt ngươi làm cớ cho ngươi sa ngã,
thì móc nó đi, thà chột mắt mà được vào Nước
Thiên Chúa còn hơn có đủ hai mắt
mà bị ném vào hỏa ngục.
Mc 9:43-47
Khi tiếp xúc với những người mù, bạn dần dà phát hiện ra họ thích nghi được với những thực tại mà bạn chưa hề biết đến. Cảm thức của họ về thế giới xúc giác, vị giác, khứu giác, và thính giác rất rõ ràng, cả thế giới mà đối với hầu hết chúng ta dường như chỉ là những cục đất trơ lì. Chúng ta thương hại những người khiếm thị, nhưng ít khi xét đến những điều phong phú mà các giác quan khác đã bù lại cho họ. Thật đáng tiếc vì những điều phong phú kia lại được trả bằng cái giá mù lòa đôi mắt. Và như thế, cũng hoàn toàn dễ hiểu nếu chúng vẫn có thể sống và thích nghi được với thế giới này, giống như những anh chị em khiếm thị, nhưng chúng ta không mất đi đôi mắt của mình. Nhưng thật không thể, và không thể nào tưởng tượng được, rằng bạn chỉ cảm thức được thế giới tình yêu trừ khi bạn phải móc, phải chặt bỏ những thành phần trong con người tình cảm của bạn, những điều được gọi là Dính Bén.
Nếu bạn không thực hiện việc này, bạn sẽ không kinh nghiệm tình yêu, và đánh mất điêu duy nhất đem lại ý nghĩa cho cuộc sống con người. Bời vì tình yêu là tấm hộ chiếu để vào niềm vui, bình an, và tự do bất tận.
Có một vật cản lối vào thế giới ấy, và tên của vật cản ấy là Dính Bén. Dính Bén được sinh ra từ con mắt ham hố và bàn tay tham lam, con mắt kích động sự thèm thuồng trong lòng; bàn tay vươn ra để cưỡng đoạt, chiếm hữu, lấy làm của riêng, và không chịu để cho đi. Con mắt này là con mắt phải bị móc đi, bàn tay kia là bàn tay phải bị chặt đứt, để cho tình yêu được sinh ra. Với những bàn tay bị chặt lìa như thế, bạn không còn khả năng chiếm đoạt bất cứ vật gì nữa. Với những hốc mắt khuyết lõm như thế, bạn bỗng nhiên trở nên tinh tế với những thực tại vẫn hiện hữu mà bạn chưa bao giờ ngờ đến.
Bây giờ, sau cùng bạn đã có thể yêu. Cho đến lúc này, tất cả những gì bạn có chỉ là từ tâm và nhân ái, cảm thương và quan tâm dành cho tha nhân mà bạn lầm tưởng là tình yêu, mặc dù chúng có rất ít điểm chung với tình yêu, giống như ngọn lửa lập lòe của ngọn nến sánh với ánh sáng của thái dương.
Tình yêu là gì? Đó là một cảm thức về mọi thành phần của thực tại trong bạn và ngoài bạn, cùng với một sự đáp ứng hết tâm hồn trước thực tại ấy. Đôi khi bạn sẽ ôm trọn thực tại ấy, đôi khi bạn tấn công nó, đôi khi bạn phớt lờ nó, và có những lúc bạn dành cho nó tất cả sự quan tâm, nhưng lúc nào cũng đáp ứng không phải theo nhu cầu, mà theo cảm thức.
Vậy dính bén là gì? Đó là một nhu cầu, một sự đeo bám làm cùn nhụt cảm thức của bạn, một thứ ma túy che khuất cảm nhận của bạn. Vì vậy, bao lâu bạn còn một dính bén nhỏ mọn nào đó với một vật hoặc một người nào, thì lúc ấy tình yêu không thể sinh ra. Bởi vì tình yêu là một cảm thức, và nó bị phá hỏng khi một phần nhỏ nhất của nó bị hủy diệt. Cũng giống như một bộ phận chính yếu nào đó của chiếc rađa hoạt động sai lệch, thì độ ghi nhận bị méo dạng, và làm lệch lạc sự phản ứng của bạn trước những gì bạn cảm nhận.
Không bao giờ hiện hữu những thứ tình yêu khiếm khuyết, hoặc tình yêu bất toàn, hoặc tình yêu một phần. Tình yêu giống như sự cảm nhận, hoặc sẽ trọn đủ hoặc không có gì. Hoặc là bạn có sung mãn hoặc là không. Vì thế, khi nào những dính bén không còn nữa, bạn mới bước chân vào lãnh giới vô biên của sự tự do tinh thần được gọi là tình yêu. Khi ấy bạn mới được giải thoát để nhìn thấy và đáp ứng. Nhưng bạn không được lẫn lộn sự tự do này với tình trạng hững hờ của những người chưa bao giờ trải qua giai đoạn dính bén. Làm sao bạn có thể móc một con mắt hoặc chặt một bàn tay mà bạn không có? Sự hững hờ mà rất nhiều người tưởng lầm là tình yêu này (bởi vì họ không bị quyến luyến với một ai, nên họ lầm tưởng họ yêu hết mọi người) không phải là sự cảm nhận, nhưng là sự trơ lì của một con tim hoặc đã bị khước từ, hoặc do vỡ mộng hoặc do luyện tập từ bỏ.
Chúng ta phải sẵn sàng đương đầu với những biển giông tố dính bén nếu muốn đến được miền đất tình yêu. Một số người chưa bao giờ giong buồm ra khơi vì họ tưởng rằng họ đã đến nơi. Chúng ta phải ở trong trạng thái sung sức và mắt phải sáng trước khi thanh gươm có thể thực hiện nhiệm vụ của nó để thế giới tình yêu có thể hiện lên trong sự nhận thức của chúng ta. Và chúng ta đừng sai lầm, điều này chỉ có thể đạt đến qua bạo lực. Chỉ có những người mạnh mẽ mới chiếm được Nước Trời.
Tại sao lại là bạo lực? Bởi vì nếu để kệ nó với những nết xấu, cuộc sống sẽ chẳng bao giờ phát sinh tình yêu. Nó chỉ đưa bạn đến sự hấp dẫn, từ hấp dẫn đến hoan lạc, rồi đến dính bén, rồi đến thỏa mãn, sau cùng là chán chường và ê chề. Sau đó là một giai đoạn tạm ổn. Rồi một lần nữa lại xoay về chu kỳ cũ: hấp dẫn, hoan lạc, dính bén, thỏa mãn, chán chường. Tất cả những thứ này trộn lẫn với ưu tư, ghen tương, chiếm đoạt, buồn phiền, đau đớn.
Khi đã trải qua chu kỳ như thế nhiều lần, sau cùng bạn sẽ đến chỗ ngao ngán và muốn ngưng lại tất cả quá trình. Và nếu may mắn không bị va đụng vào vật gì hoặc không bị người nào cuốn hút, ít ra bạn cũng sẽ có được một bình an mỏng manh. Cuộc sống có thể đem đến cho bạn cùng lắm là như thế. Bạn có thể tưởng lầm tình trạng này là tự do, và bạn chết mà vẫn chưa biết tự do và tình yêu đích thực là gì.
Nếu muốn thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn kia để bước vào thế giới của tình yêu, bạn phải mạnh tay ngay lúc sự dính bén đang sống và hung hăng, chứ không phải khi bạn đã chán chường nó. Bạn phải mạnh tay không phải bằng thanh gươm từ bỏ, bởi vì hình thức chặt bỏ ấy chỉ làm trơ lì, nhưng bằng thanh gươm nhận thức.
Bạn phải nhận thức những điều gì?
Gồm ba điều sau đây: Thứ nhất, bạn phải nhìn thấy nỗi khổ do thứ ma túy này đang gây ra cho bạn. Đó là những thăng trầm, những xao xuyến, những ưu tư, và những thất vọng.
Thứ hai, bạn phải nhận thức rằng thứ ma túy này đang đánh lừa bạn, lôi kéo bạn ra khỏi miền tự do yêu mến và hoan hưởng mọi giây phút và mọi sự trong cuộc đời.
Thứ ba, bạn phải hiểu rằng vì tình trạng nghiện ngập và bị điều kiện hóa của bạn, bạn đã mặc cho đối tượng dính bén của bạn một vẻ đẹp, một giá trị mà nó không có. Bạn đã quá u mê vì đầu óc của bạn, chứ không phải vì người hoặc vật mà bạn dính bén. Bạn hãy nhìn ra điều này và thanh gươm nhận thức sẽ chặt đứt phăng chiếc bùa mê của bạn.
Người ta thường tin rằng chỉ khi nào bạn cảm thấy bản thân mình được yêu mến thật sâu xa, khi ấy bạn mới có thể vươn ra để yêu mến người khác. Điều này không đúng. Quả thực một người đang yêu có vươn đến thế giới, nhưng không trong tình yêu, nhưng trong trạng thái phớn phở. Đối với họ, thế giới phủ một màu hồng, siêu thực, nhưng khi màu sắc ấy nhạt nhòa, thì trạng thái phớn phở cũng chết theo. Cái được gọi là tình yêu của họ được tạo ra không phải do sự cảm nhận rõ ràng về thực tại, nhưng do sự xác tín, có thể đúng mà cũng có thể sai, rằng họ được một người nào đó yêu mến - một xác tín mỏng manh rất nguy hiểm, bởi vì dựa trên những con người không thể tin được, những con người hay thay đổi nhưng đương sự lại tin ràng họ yêu mình. Và họ cũng là những người bất cứ lúc nào cũng có thể bật và tắt sự phớn phở của đương sự. Bởi thế, không có gì lạ khi những người đi trên con đường này thực sự đều cảm thấy bất an.
(Khi bạn vươn đến với thế giới bởi vì tình yêu của một người nào đó dành cho bạn, bạn rạng rỡ không phải vì sự cảm nhận của bạn về thực tại, nhưng vì tình yêu mà bạn đã nhận được từ con người kia; người ấy kiểm soát chiếc công tắc, và khi chiếc công tắc bị tắt đi, thì cái rạng rỡ của bạn cũng phai tàn).
Khi bạn sử dụng thanh gươm nhận thức để đi từ sự dính bén đến với tình yêu, bạn cần phải nhớ một điều: Đừng khắt khe, bất nhẫn, hoặc khinh ghét bản thân bạn. Làm sao tình yêu có thể lớn lên từ những thái độ như thế? Tốt hơn, bạn hãy có sự cảm thông và sự vững vàng như bác sĩ giải phẫu cầm con dao mổ. Khi ấy, bạn có thể thấy bạn trong điều kiện yêu thương tuyệt vời đối với đối tượng dính bén của bạn, và mọi người khác cũng như thế, và bạn vui hưởng còn hơn trước kia nữa.
Đó là một cuộc trắc nghiệm khả tín để tìm ra nơi bạn có tình yêu thực sự hay không. Bạn không hững hờ lãnh đạm, giờ đây bạn vui hưởng mọi sự và mọi người, giống như bạn vui hưởng đối tượng dính bén của bạn trước kia. Chỉ đến lúc này bạn mới không còn hồi hộp, và do đó, cũng không còn đau đớn và căng thẳng. Thực vậy, có thể nói bạn đang vui hưởng mọi sự mà cũng không vui hưởng một sự gì. Bởi vì. Bởi vì bạn đã thực hiện được một cuộc khám phá vĩ đại, rằng điều bạn đang vui hưởng mỗi vật và mỗi người là một cái gì đó ở trong bạn. Dàn nhạc ở trong bạn, bạn mang theo mỗi khi đi bất cứ đâu. Những sự vật và những người bên ngoài bạn chỉ xác định giai điệu nào cho dàn nhạc tấu lên. Và khi không có người nào hoặc vật nào gợi hứng cho bạn, thì dàn nhạc sẽ tấu lên khúc nhạc của riêng nó. Nó không cần một gợi hứng bên ngoài nào cả. Bây giờ bạn mang trong tâm hồn một niềm hạnh phúc mà không gì bên ngoài có thể áp đặt vào lòng bạn, mà cũng không gì có thể cướp đi được.
Đây là một cuộc trắc nghiệm khác nữa về tình yêu. Bạn hạnh phúc nhưng không biết vì sao bạn hạnh phúc. Tình yêu này có bền vững không? Không có gì đảm bảo rằng tình yêu ấy bền vững. Bởi vì trong khi tình yêu không thể hiện hữu một phần, nhưng vẫn có thể kéo dài nhất thời. Tình yêu đến và đi tùy mức độ tâm trí của bạn tỉnh thức và nhận thức, hoặc đã mê ngủ trở lại. Nhưng điều này rất chắc chắn, là một khi bạn đã từng nếm hưởng được tình yêu, bạn sẽ biết rằng không có giá nào là quá cao. Không có hy sinh nào là quá lớn, ngay cả khi bạn đành mất một con mắt, hoặc một bàn tay, nếu như bạn có thể đánh đổi chúng để lấy được một điều độc nhất trên đời này có thể làm cho cuộc đời bạn trở nên đáng sống.
Nguyên tác: The Way To Love
Tác giả: Anthony de Mello, S.J

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2008

Sự Thánh Thiện

Một người nọ sống đạo đức đến nỗi thậm chí các thiên thần phải nhảy mừng khi trông thấy anh. Nhưng bất chấp sự thánh thiện của mình, anh chẳng bao giờ nghĩ mình thánh thiện. Anh chỉ vô tư làm các công việc bình thường hàng ngày, tỏa hương đạo đức cách tự nhiên như hoa tỏa hương, như đèn chiếu sáng.
Đây là căn bản của sự thánh thiện: Anh quên hết quá khứ của người ta và nhìn người ta như sự thực của họ trong hiện tại. Anh nhìn vượt quá vẻ bề ngoài của người ta để thấy tận thâm sâu hữu thể của họ - trong chỗ thâm sâu ấy, người ta đơn sơ, hồn nhiên và quá chất phác không biết gì về điều họ đang làm. Vì thế, anh yêu thương và tha thứ mọi người anh gặp - và anh chẳng thấy chi là phi thường trong chuyện này cả, đấy chỉ là cách anh nhìn con người - thế thôi!
Ngày nọ, một thiên thần nói với anh: "Tôi được Thiên Chúa sai đến với anh. Anh hãy xin bất cứ điều gì anh muốn và anh sẽ được mãn nguyện. Anh có muốn được ơn chữa bệnh không?"
"Không" - anh ta trả lời - "Việc ấy Thiên Chúa tự làm lấy thì hay hơn."
"Hay là anh muốn được ơn đưa các tội nhân trở về đường ngay chính?"
"Không" - anh ta trả lời - "Đánh động trái tim con người không phải là việc của tôi. Đó là việc của các thiên thần."
" Có phải anh muốn trở thành tấm gương nhân đức để mọi người có thể bắt chước anh?"
"Không" - anh đáp - "Làm thế tôi sẽ trở thành tiêu điểm chú ý của của người ta mất!"
"Vậy anh muốn gì?" Thiên thần hỏi.
"Tôi muốn ân sủng của Thiên Chúa. Có ân sủng, tôi sẽ có tất cả."
"Không được. Anh phải xin một phép lạ nào đó cơ. Nếu anh không xin, anh sẽ bị ép phải nhận đấy."
"Ôi, vậy thì tôi sẽ xin điều này: Xin cho những điều tốt lành được thực hiện qua tôi sao cho tôi không hề biết về những điều ấy.
"Thế là Thiên Chúa quyết định rằng chiếc bóng của con người thánh thiện này sẽ có năng lực chữa bệnh bất cứ khi nào nó đổ xuống, miễn là lưng anh quay về phía đó, thì những bệnh nhân được chữa lành, đất trở nên màu mỡ, các dòng suối làm nẩy sinh sự sống, và vẻ sinh động trở về với nét mặt vốn rầu rĩ do những gánh nặng cuộc đời.
Nhưng con người thánh thiện ấy không hề biết gì về điều này, bởi vì người ta quá tập trung chú ý đến chiếc bóng của anh đến nỗi họ không chú ý gì đến anh.
Thế là ước mơ đã hoàn toàn trở thành hiện thực: những điều tốt lành được làm qua anh, còn chính anh thì được lãng quên!

Anthony de Mello

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2008

24. Đừng Xét Đoán

Đừng xét đoán, để các người khỏi bị xét đoán.
Mt 7:1
Thật là một ý tưởng có sức an ủi, vì hành vi đẹp nhất của tình yêu mà bạn có thể thực hiện được không phải là một hành vi phục vụ, mà là hành vị chiêm ngưỡng, hành vi nhìn xem. Khi phục vụ người khác, bạn giúp đáp, nâng đỡ, an ủi, làm vơi đi nỗi đớn đau của họ. Khi bạn nhìn thấy họ trong vẻ đẹp và sự tốt lành nội tại của họ, bạn biến đổi và sáng tạo.
Bạn hãy nghĩ về một vài người bạn ưa thích, và họ được hấp dẫn để đưa đến với bạn. Bạn hãy nhìn vào từng người như thể bạn vừa gặp gỡ họ lần đầu, bạn đừng để bị chi phối vì tri thức hoặc kinh nghiệm quá khứ của bạn về họ, cho dù họ tốt hay xấu. Bạn hãy tìm kiếm nơi họ những gì bạn đã bỏ sót vì quá quen thuộc, bởi vì sự quen thuộc nuôi sống cái nhàm chán, cái mù lòa, và ngán ngẩm. Bạn không thể yêu cái mà bạn không khám phá thấy luôn luôn mới lạ.
Sau khi đã thực hiện xong điều ấy, giờ đây bạn hãy chuyển sang những người bạn không ưa thích. Trước tiên, bạn hãy quan sát những gì nơi họ làm bạn khó chịu, hãy xem xét những khuyết điểm của họ một cách vô tư, khách quan. Điều này có nghĩa là bạn không thể dùng những lớp nhãn như kiêu ngạo, lười biếng, ích kỷ, hợm hĩnh để gán vào lưng họ. Tấm nhãn là hành vi khườn lười của đầu óc, bởi vì dán một tấm nhãn vào ai là một hành vi hết sức dễ làm. Còn việc nhìn xem một người trong vẻ cá biệt độc đáo của họ mới là một hành vi thật khó khăn và đầy thách đố.
Bạn phải xem xét những khuyết điểm của tha nhân một cách lãnh đạm, tức là trước tiên, bạn phải đảm bảo cho được tính khách quan. Bạn hãy xét đến khả năng điều bạn coi là khuyết điểm nơi tha nhân có thể không phải là khuyết điểm gì cả, nhưng thực sự do sự ăn học và tình trạng điều kiện hóa của bạn đưa đẩy bạn đến chỗ không ưa thích mà thôi. Nếu sau đó, bạn vẫn còn thấy khuyết điểm nơi tha nhân, bạn hãy hiểu rằng nguồn gốc khuyết điểm là ở những kinh nghiệm thời thơ ấu, những điều kiện quá khứ, lối suy nghĩ và cảm nhận sai lạc của họ; và trên hết là sự vô ý, chứ chưa hẳn đã là ác ý.
Khi bạn thực hiện điều này, thái độ của bạn sẽ biến thành tình yêu và tha thứ, bởi vì tìm hiểu, quan sát, cảm thông là để tha thứ.
Sau khi đã thực hiện việc kiểm điểm trên, giờ đây, bạn hãy tìm kiếm những kho tàng tiềm ẩn nơi con người mà trước kia thái độ không ưa thích của bạn đã cản trở bạn không nhìn thấy được. Và những khi làm điều này, bạn hãy quan sát sự biến đổi về thái độ hoặc cảm tình của bạn xuất hiện nơi bạn, bởi vì thái độ không ưa của bạn trước kia đã che khuất tầm nhìn và cản trở không cho bạn nhìn thấy.
Bây giờ, bạn hãy tiếp tục chuyển sang từng con người mà bạn đang sống và làm việc với họ. Bạn hãy quan sát từng người được biến đổi trước con mắt của bạn, khi bạn nhìn họ theo cách thức này. Nhìn thấy họ như thể là một món quà đáng quý hơn hết mà bạn có thể dành cho họ, hơn bất kỳ một hành vi phục vụ nào khác. Bởi vì khi làm như vậy, bạn đã biến đổi, đã sáng tạo họ trong tâm hồn bạn, và sau một số lần tiếp xúc giữa bạn và họ, họ còn được biến đổi trong thực tế cuộc sống nữa.
Và rồi, bạn hãy thực hiện món quà này cho chính bạn. Nếu bạn đã có thể thực hiện điều ấy cho người khác, thì đến khi bạn làm cho bản thân cũng rất dễ dàng. Bạn hãy nhìn xem. Bạn hãy cứ theo một trình tự như thế: Đừng xét đoán hoặc kết án bất kỳ một khuyết điểm nào, một rồ dại nào. Bạn đã không xét đoán người khác, giờ đây bạn sẽ thấy ngỡ ngàng vì chính bạn cũng không bị xét đoán. Những khuyết điểm đã được xét tìm, được nghiên cứu, được phân tích, chỉ cốt đưa đến một sự cảm thông, đến tình yêu và tha thứ, và bạn sẽ cảm thấy trong niềm vui rằng bạn đang được biến đổi nhờ thái độ yêu thương lạ lùng trổi dậy trong lòng bạn với đối tượng mà bạn gọi là chính bạn. Một thái độ đã xuất hiện trong lòng bạn, và sau đó chuyển dần từ bạn sang tạo vật khác.
Nguyên tác: The Way To Love
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2008

23. Núi Cầu Nguyện

Sau khi đã giải tán đám đông,
Ngài lên núi và cầu nguyện một mình.
Mt 14:23
Đã có bao giờ bạn nghĩ rằng bạn chỉ có thể yêu khi bạn ở một mình hay chưa? Tình yêu có ý nghĩa gì?
Tình yêu có nghĩa là nhìn thấy một người, một vật, một trạng huống, nhưng phải đúng thực là một người, một vật, một trạng huống, chứ không phải như bạn tưởng tượng, và bạn dành cho đối tượng ấy một sự đáp ứng tương xứng. Bạn không thể yêu những đối tượng mà bạn không nhìn thấy bằng một cách nào đó.
Điều gì cản ngăn không cho bạn nhìn thấy? Đó là những tư tưởng, những tiêu chuẩn, những thiên kiến, những dự phóng, những nhu cầu và những dính bén của bạn, những chiếc nhãn bạn đã rút ra từ những hoàn cảnh và những kinh nghiệm quá khứ của bạn. Nhìn xem là hành vi nhọc nhằn nhất mà con người phải thực hiện. Bởi vì hành vi này đòi hỏi phải có một kỷ luật, một tâm trí tỉnh thức, trong khi hầu như mọi người đều ưa thích sống trong một tình trạng khườn lười tâm trí hơn là chịu khó nhìn từng con người và từng sự vật một cách mới mẻ trong cái mới mẻ của từng giây phút hiện tại.
Vượt thắng tình trạng điều kiện hóa của bạn để có thể nhìn xem là một điều khá vất vả. Nhưng việc nhìn xem lại đòi hỏi một điều còn vất vả hơn nữa. Đó là việc vứt bỏ cái ách kiểm soát của xã hội đang đè nặng trên bạn; một sự kiểm soát với tất cả chiếc vòi đã xuyên thấu đến tận cội rễ hữu thể của bạn, thành ra từ bỏ nó tức là phải xét nát bạn ra.
Nếu muốn hiểu biết điều này, bạn hãy nghĩ đến một đứa trẻ được người ta cho nếm thử ma túy. Khi ma túy đã thấm vào cơ thể rồi, đứa trẻ sẽ nghiền và kêu khóc đòi cho kỳ được chất ma túy. Không có ma túy, đứa trẻ phải chịu một cực hình không thẻ tưởng tượng được, đến nỗi nó thà chết còn hơn.
Đây chính là điều mà xã hội đã làm cho bạn khi bạn còn là một đứa trẻ. Bạn chưa được phép hưởng dùng những thức ăn cứng và bổ dưỡng của cuộc sống: tức là làm việc, chơi đùa, kết thân với người khác, và những niềm vui giác quan và tâm trí. Bạn được người ta cho nếm thử một thứ ma túy có tên là Tán Thưởng, Trân Trọng, Chú Ý, Thành Công, Uy Tín, Thế Lực. Sau khi đã nếm hưởng những thứ ấy, bạn đã bị nghiền và bắt đầu lo sợ sẽ thiếu chúng hoặc đánh mất chúng. Bạn cảm thấy hoảng sợ khi nghĩ đến những thất bại, những lỗi lầm, và sự chỉ trích của người khác. Vì thế, bạn bị lệ thuộc một cách đê hèn vào người khác và đánh mất tự do bản thân.
Tha nhân giờ đây đã có một năng lực có thể làm cho bạn hạnh phúc hoặc khổ sở. Bạn ghét những đau khổ bao nhiêu, thì lại thấy mình bất lực bấy nhiêu. Không một phút giây nào, dù khi ý thức hay vô thức, bạn lại không điều chỉnh cho hợp với những phản ứng của người khác, không bước đi cho phù hợp với nhịp trống những yêu sách của người khác. Khi bị phớt lờ hoặc bị chê trách, bạn cảm thấy một nỗi cô đơn không sao chịu nổi, đến độ bạn đành phải bò đến với người ta để nài xin sự an ủi. Thứ ủi an có tên là Nâng Đỡ, Khuyến Khích, Trấn An. Sống với tha nhân trong tình trạng như thế lúc nào cũng căng thẳng; nhưng sống mà thiếu những sự ấy lại là một nỗi cô đơn đắng cay. Bạn đã đánh mất khả năng nhìn thấy tha nhân rõ ràng như con người đích thực của họ và không còn phản ứng với họ một cách thích hợp, bởi vì cảm nhận của bạn về họ hầu như đã bị che phủ vì nhu cầu của bạn về thứ ma túy họ sẽ ban cho bạn.
Hậu quả của tất cả điều này thật kinh sợ và không sao tránh nổi: Bạn đã đến chỗ không còn khả năng để yêu ai và yêu sự gì nữa. Nếu bạn muốn yêu, bạn phải học lại cho biết nhìn xem. Và nếu muốn nhìn xem, bạn phải cai thứ ma túy của bạn. Bạn phải tách mình khỏi những gốc rễ của xã hội đã ăn sâu vào tận cốt tủy của bạn.
Bạn phải từ bỏ. Tất cả những gì thuộc về thế giới bên ngoài vẫn tiếp tục như trước và bạn vẫn tiếp tục sống giữa trần thế, nhưng không còn thuộc về trần thế nữa. Và trong tâm hồn, giờ đây sau cùng bạn đã được tự do, nhưng hoàn toàn cô độc. Chính trong sự hoàn toàn cô độc, hoàn toàn cô tịnh này, tính dựa dẫm và thói tham vọng sẽ chết, và khả năng yêu thương được sinh ra. Bởi vì chúng ta không còn nhìn người khác như những phương tiện để làm thỏa mãn cơn nghiện của mình nữa.
Chỉ có những ai đã trải nghiệm điều này mới biết nỗi hãi hùng của quá trình ấy. Nó giống như kêu mời bạn đi vào chỗ chết. Nó giống như yêu cầu một con nghiện tội nghiệp hãy dứt bỏ niềm vui độc nhất của anh ta và thay thế bằng cách ăn bánh mỳ, trái cây, hít thở không khí trong lành buổi sáng, uống ngụm nước ngọt lịm từ dòng suối nước trên ngàn, trong khi anh ta đang vật vã với cơn nghiện đang cào cấu, và với nỗi trống vắng mà tâm hồn anh ta đang trải qua vì ma túy đã cạn. Đối với khối óc cuồng quẫn này, không có gì có thể khỏa lấp nỗi trống vắng, ngoại trừ ma túy của anh ta. Bạn có thể nào tưởng tượng một cuộc sống, trong đó, bạn khước từ mọi lời tán dương, mọi cử chỉ trân trọng, hoặc không cần dựa dẫm vào cánh tay của ai cả; trong đó, bạn không phải lệ thuộc vào một ai trên phương diện tình cảm, bởi vì không ai có khả năng làm cho bạn được hạnh phúc hoặc khổ sở nữa; bạn khước từ không cần một ai, không muốn trở nên đặc biệt đối với một người nào, hoặc gọi bất kỳ ai là người thân của bạn nữa? Ngay cả chim trời cũng còn có tổ ấm và loài cáo cũng còn có hang, nhưng bạn sẽ chẳng còn một chỗ nào để dựa đầu trong quãng hành trình cuộc sống này.
Nếu đạt đến tình trạng này, thế nào bạn cũng biết hành vi nhìn xem - với một cái nhìn rõ ràng, không bị che khuất vì những nỗi sợ hãi hoặc những tham vọng - mang một ý nghĩa gì. Nhưng để đến được miền đất tình yêu này, bạn phải vượt qua những đớn đau của cái chết. Bởi vì yêu người là đã chết cho nhu cầu cần đến họ và hoàn toàn cô đơn.
Liệu có cách nào để bạn đạt đến được nơi đó hay không? Bằng sự nhận thức không ngừng, bằng sự kiên nhẫn và cảm thông vô giới hạn mà bạn dành cho một người nghiện ma túy. Điều ấy sẽ giúp bạn thực hiện những hành vi mà bạn có thể làm với tất cả khả năng, những công việc bạn rất thích làm, để trong khi đang thực hiện những công việc ấy, thành công hay tán dương sẽ chẳng còn ý nghĩa gì đối với bạn nữa.
Và nếu bạn biết trở về với Tự Nhiên, thì điều này cũng là một trợ giúp cho bạn: Bạn hãy giải tán đám đông và lên núi, rồi thầm lặng thông hiệp với cây cối, với hoa cỏ, với thú vật và chim muông, với biển cả và bầu trời, với mây ngàn và tinh tú. Khi đó, bạn sẽ biết tâm hồn bạn đã đưa bạn vào một hoang mạc bao la của sự cô tịch. Ở đó, không có ai bên cạnh bạn, tuyệt đối không có một ai. Lúc đầu, việc này xem ra không thể chịu nổi, nhưng nguyên nhân là vì bạn chưa quen với cảnh cô tịch mà thôi. Nhưng nếu như bạn cố gắng lưu lại đó thêm một chút nữa, hoang mạc sẽ bỗng nhiên nở rộ Tình Yêu. Tâm hồn của bạn sẽ trổi lên một bài ca. Và đó sẽ là mùa xuân bất tận.
Nguyên tác: The Way To Love
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2008

22. Hãy Tỉnh Thức

Phúc cho đầy tớ nào khi chủ trở về
và thấy còn tỉnh thức.
Lc 12:37
Nơi nào trên thế giới người ta cũng đi tìm kiếm tình yêu, bởi vì mọi người đều tin rằng chỉ có tình yêu mới có thể cứu được thế giới, chỉ có tình yêu mới có thể làm cho cuộc đời có ý nghĩa và đáng sống. Nhưng có rất ít người hiểu được tình yêu thực sự là gì, và nó xuất hiện trong tâm hồn con người như thế nào.
Người ta thường nhầm lẫn tình yêu với thiện cảm, với lòng nhân ái, với bất bạo động, hoặc với việc phục vụ dành cho người khác. Nhưng những điều này thực ra không phải tình yêu. Tình yêu phát sinh từ sự nhận thức. Bởi vì chỉ có khi nào bạn nhìn thấy một người nào thực sự là gì, tại đây và lúc này - chứ không phải trong ký ức, hoặc trong ước muốn, hoặc trong trí tưởng tượng, hoặc trong dự phóng của bạn - khi ấy bạn mới có thể thực sự yêu mến họ. Còn không, đó không phải là con người bạn yêu mến, nhưng chỉ là ý tưởng bạn đã tạo ra về con người ấy, hoặc con người ấy như là đối tượng khát khao của bạn, chứ không phải đích thân con người ấy.
Vì thế, hành vi trước tiên của tình yêu là phải nhìn thấy con người này, hoặc đối tượng này, nhìn đúng là thực tại của họ. Và điều này liên quan đến một kỷ luật khắt khe là phải từ bỏ những khát khao, những thiên kiến, những ký ức, những dự phóng, những cách nhìn hẹp hòi của bạn.
Đây là một kỷ luật khắt khe đến nỗi hầu hết mọi người đều thích lao đầu vào vào việc thực thi các việc lành và phục vụ còn hơn phải suy phục ngọn lửa bừng cháy của con đường đạo hạnh này. Khi bắt tay phục vụ một người nào mà bạn không chịu nhìn thấy họ, thực ra bạn đang đáp ứng nhu cầu của người ấy hay nhu cầu của chính bạn? Vậy yếu tố trước tiên của tình yêu là phải thực sự nhìn thấy đối tượng.
Yếu tố thứ hai cũng quan trọng như vậy là phải nhìn thấy bản thân, không ngừng chiếu giãi ánh sáng nhận thức lên những động lực, những xúc cảm, những nhu cầu của bạn, cũng như tình trạng thiếu thành thật, thói tìm mình, khuynh hướng thích kiểm soát vàg xúi giục của bạn. Như vậy nghĩa là phải thấy rõ đích thực các vấn đề, cho dù khám phá ấy và các hậu quả có đau đớn đến đâu.
Nếu đã có nhận thức về đối tượng bạn yêu và chính bản thân bạn, bạn sẽ biết tình yêu là gì. Bởi vì bạn đã có một tâm trí và một con tim tỉnh táo, thức tỉnh, nhanh nhạy, rõ ràng, nhạy cảm. Một cảm nhận sáng suốt và tinh tế sẽ đưa bạn đến chỗ đáp ứng chính xác, phù hợp với mọi hoàn cảnh trong mọi giờ phút. Đôi khi bạn bị thúc bách phải hành động không sao chống lại được, nhưng đôi khi bạn bị giữ lại và phải kiềm chế. Đôi khi bạn bị buộc phải làm ngơ người khác, và đôi khi bạn lại phải dành cho họ sự chú ý họ đang tìm kiếm. Đôi khi bạn phải sống hòa nhã và nhường nhịn, nhưng đôi khi phải khó khăn, không khoan nhượng, quyết đoán, và thậm chí phải dùng bạo lực. Nguyên do là vì tình yêu được sinh ra từ cảm nhận có nhiều hình thức bất ngờ và không theo những đường hướng hoặc những nguyên tắc có sẵn, nhưng theo thực tế hiện tại, cụ thể.
Lần đầu tiên khi cảm nghiệm loại cảm nhận này, có thể bạn cảm thấy hoảng sợ. Bởi vì tất cả những hàng rào bảo vệ của bạn sẽ bị triệt hạ, tính bất trung của bạn sẽ bị phơi bày, những bức tường lũy chung quanh bạn sẽ bị cháy rụi.
Bạn hãy nghĩ về nỗi kinh hoàng ập đến với một người giầu có khi ông ta đột nhiên nhìn thấy thảm trạng đáng thương của những người nghèo khổ; hoặc một nhà độc tài đói khát quyền lực khi chứng kiến cảnh khốn cùng của người dân bị chính ông đàn áp; hoặc một kẻ cuồng tín khi thực sự nhìn thấy sự giả trá trong niềm tin của mình không phù hợp với chân lý; hoặc một người si tình lãng mạn khi nhìn thấy rõ ràng đối tượng mình yêu không phải là người yêu, nhưng là hình ảnh do mình tạo ra về người ấy. Vì thế, hành vi đau đớn nhất, đáng sợ nhất mà con người có thể thực hiện chính là hành vi nhìn thấy. Chính trong hành vi nhìn thấy mà tình yêu được sinh ra, hoặc chính xác hơn, hành vi nhìn thấy là Tình Yêu.
Một khi bạn đã nhìn thấy, sự cảm nhận của bạn sẽ đưa bạn đến chỗ nhận thức, không phải chỉ những gì bạn muốn thấy, nhưng là tất cả mọi sự. Cái tôi đáng thương của bạn sẽ cố gắng một cách tuyệt vọng để làm nhụt đi sự cảm nhận ấy bởi vì những hành rào bảo vệ nó đang bị tháo dỡ. Nó không còn gì che chở và không còn gì để bám víu.
Nếu có một lúc nào bạn để mình nhìn thấy, đó sẽ là giờ chết của bạn. Và vì thế, tình yêu là điều đáng sợ, bởi vì yêu là nhìn thấy, và nhìn thấy là chết.
Nhưng đó cũng là kinh nghiệm hân hoan vui sướng nhất trên cõi đời này. Bởi vì trong sự chết của cái tôi là tự do, bình an, thanh thản, và niềm vui.
Nếu bạn thực sự khát khao tình yêu, bạn hãy lập tức khởi sự công việc nhìn xem, coi đây là một công việc nghiêm chỉnh. Bạn hãy nhìn vào người bạn không ưa thích và hãy thực sự nhìn ra sự thiên kiến của bạn. Bạn hãy nhìn vào những người hoặc những vật bạn quyến luyến, và bạn sẽ thực sự nhìn ra tình trạng đau khổ, vô ích, mất tự do vì dính bén. Bạn hãy nhìn thật kỹ và trìu mến vào những khuôn mặt nhân loại và thái độ của họ. Bạn hãy dành thời giờ để chăm chú nhìn Tự Nhiên, nhìn đàn chim bay, nhìn bông hoa nở, nhìn lá khô rụng và rữa thành bụi đất, nhìn dòng sông lững lờ trôi, nhìn cảnh trăng lên, nhìn bóng ngọn núi vắt qua bầu trời. Và khi bạn làm điều ấy, chiếc vỏ bọc bảo vệ chung quanh tâm hồn bạn sẽ mền nhũn, tan chảy, và tâm hồn bạn sẽ sinh động trở lại trong sự cảm nhận và nhanh nhạy. Bóng đen trong con mắt bạn sẽ bị rớt ra và cái nhìn của bạn sẽ trở lên rõ ràng, xuyên suốt, và bạn sau cùng sẽ biết tình yêu là gì.
Nguyên tác: The Way To Love
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2008

21. Những Người Thu Thuế Và Những Người Tội Lỗi

Các người Biệt Phái nói với các môn đệ
của Ngài rằng, "Tại sao Thầy của các ông lại ăn
uống chung với những bọ thu thuế và phường tội lỗi?"
Mt 9: 11
Nếu bạn muốn tiếp xúc với thực tại của một sự vật, trước tiên bạn phải biết rằng, mọi ý tưởng đều bóp méo thực tại và là một rào cản che khuất không cho chúng ta nhìn thấy thực tại.
Ý tưởng không phải là thực tại, ý tưởng "rượi" không phải là rượi, ý tưởng "phụ nữ" không phải là người phụ nữ. Nếu tôi thực sự muốn tiếp xúc với thực tại và phụ nữ này, tôi phải vứt bỏ ý tưởng của tôi về phụ nữ, hoặc về phụ nữ Ấn Độ, và tôi phải nhìn bà ấy trong cái cá biệt, cái cụ thể, cái này đây riêng của bà ấy.
Thật không may, hầu như lúc nào người ta cũng không chịu khó cho đủ để nhìn các sự vật trong cái cá biệt của chúng. Họ chỉ nhìn những ngôn từ hoặc những ý tưởng. Họ không bao giờ nhìn vào sự vật cụ thể, cá biệt, mịn màng, sống động trước mắt họ bằng con mắt của trẻ thơ. Họ chỉ nhìn thấy một con chim sẻ, họ không bao giờ nhìn thấy kỳ quan tuyệt vời về con người cá biệt này, đang ở đây, ngay trước mắt họ. Họ chỉ nhìn thấy một người phụ nữ nông dân Ấn Độ. Vì thế, ý tưởng là một rào cản đối với việc nhận thức về thực tại.
Còn một rào cản khác nữa đối với việc nhận thức thực tại, đó là sự phán đoán. Người này hoặc vật này tốt hoặc xấu, khó coi hoặc xinh đẹp. Mang sẵn một ý tưởng về người Ấn Độ, hoặc về phụ nữ, hoặc về người nông dân khi nhìn vào từng cá nhân cụ thể này đã là một rào cản rồi. Nhưng bây giờ lại thêm một phán đoán nữa, và tôi nói, "bà ấy tốt", hoặc, "bà ấy xấu", hoặc, "bà ấy hấp dẫn và xinh đẹp", hoặc, "bà ấy khó coi và xấu xí." Thế là lại thêm một rào cản nữa không cho tôi nhìn ra bà ấy, bởi vì bà ấy chẳng tốt mà cũng chẳng xấu. Bà ấy là "bà ấy" với tất cả các cá biệt của bà ấy.
Con cá sấu và con cọp không tốt cũng chẳng xấu, chúng là cá sấu và cọp. Tốt và xấu là tương quan với một điều gì bên ngoài chúng. Nếu chúng hợp với mục đích hoặc vừa mắt tôi, hoặc giúp đỡ tôi, hoặc đe dọa tôi, tôi gọi chúng là tốt hoặc xấu.
Giờ đây, bạn hãy nghĩ về bản thân khi bạn được người ta gọi là tốt lành, hoặc hấp dẫn, hoặc xinh đẹp. Hoặc là bạn sẽ làm cho mình ra trơ lì bởi vì bạn thực sự nghĩ rằng bạn xấu xí, và bạn tự nhủ, "Nếu họ thực sự biết đúng con người của tôi, có lẽ họ sẽ không khen tôi tốt đẹp." Hoặc là bạn mở toang mình ra trước những lời của người ấy, bạn thực sự tưởng rằng bạn tốt đẹp, và bạn để mình xao xuyến trước lời khen tặng ấy. Trong cả hai trường hợp, bạn đều sai lầm, bởi vì bạn chẳng tốt đẹp mà cũng chẳng xấu xí. Bạn là bạn.
Nếu bạn quá bận tâm vào những phán đoán của người chung quanh, là bạn đang ăn trái căng thẳng, bất an, và ưu tư, bởi vì hôm nay, họ khen bạn xinh đẹp, và bạn hoan hỉ; ngày mai, họ chê bạn xấu xí, và bạn sẽ chán nản.
Vì thế, câu trả lời chính xác và phù hợp khi có ai khen bạn xinh đẹp là thế này. "Người này với sự cảm nhận và trạng thái tâm hồn của họ ngay lúc này nhìn tôi xinh đẹp, nhưng điều này chẳng nói lên một chút gì về tôi. Một ai đó ở vào địa vị của người này sẽ tùy theo gia cảnh, tâm trạng, và sự cảm nhận của họ mà thấy tôi xấu xí. Nhưng điều ấy cũng chẳng nói lên được chút nào về tôi."
Chúng ta dễ dàng bị vướng vào phán đoán của người khác, và sau đó, chúng tạo nên một hình ảnh về mình dựa trên phán đoán ấy. Để thực sự được giải thoát, bạn cần phải lắng nghe những điều được gọi là tốt hoặc xấu mà người khác nói về bạn, nhưng đừng cảm xúc gì cả trước phản hồi của họ, giống như một chiếc vi tính khi nhận các dữ liệu được nạp vào. Bởi vì những gì người ta nói về bạn thực sự tỏ ra con người của họ nhiều hơn là về con người của bạn.
Quả thật, bạn còn phải ý thức về những phán đoán của bạn về bản thân mình, bởi vì những phán đoán đó thường dựa vào những hệ thống giá trị bạn thu thập được từ những người chung quanh. Nếu bạn phán đoán, kết án, tán đồng, bạn đã thực sự nhìn thấy thực tại hay chưa? Nếu bạn nhìn thực tại những sự vật bằng con mắt phán đoán, hoặc tán đồng, hoặc kết án, phải chăng đó không phải là một rào cản với sự hiểu biết và quan sát sự vật đúng như bản chất của chúng?
Bạn hãy thư thả khi có ai bảo bạn rằng bạn rất đặc biệt đối với họ. Nếu bạn chấp nhận lời khen tặng ấy, bạn đã ăn phải trái căng thẳng. Tại sao bạn lại muốn trở nên đặc biệt đối với người ấy và chấp nhận lời tán đồng và sự phán đoán ấy? Tại sao bạn lại không thỏa nguyện khi bạn là bạn?
Khi có ai đó bảo bạn rằng bạn thật đặc biệt biết bao, tất cả những gì bạn có thể nói lên một cách chính xác sẽ là" "Con người này - với những sở thích, những nhu cầu, những ước muốn, những khát vọng, và những dự phóng của anh ta - có một ước muốn đặc biệt về tôi, nhưng điều ấy chẳng nói lên về tôi một chút gì cả. Một người nào khác sẽ thấy tôi không đặc biệt, và điều này cũng chẳng nói lên về tôi một chút gì cả."
Vì thế ngay khi bạn chấp nhận những lời khen tặng và để mình xao xuyến, là bạn đã nhường quyền kiểm soát bản thân bạn cho người khác. Bạn sẽ phải vất vả để tiếp tục làm một người đặc biệt đối với người này. Bạn sẽ luôn phải sống trong nỗi lo âu vì người kia biết đâu sẽ gặp được một ai khác cũng đặc biệt đối với anh ta, và như thế bạn bị mất vị trí đặc biệt mà bạn đã có trong cuộc sống của anh ta. Và bạn lúc nào cũng phải nhẩy theo điệu của anh ta, sống theo những kỳ vọng của anh ta, và khi làm như thế, bạn đã đánh mất tự do của bản thân. Bạn đã làm cho mình lệ thuộc vào người khác vì hạnh phúc của bạn, vì bạn đã để hạnh phúc của mình lệ thuộc vào phán đoán của người khác về bạn.
Khi ấy, bạn có thể làm cho sự việc càng tệ hơn nữa bằng cách bắt đầu tìm kiếm những người khác, những người cũng bảo với bạn rằng bạn rất đặc biệt đối với họ. Và bạn dành nhiều thời giờ và năng lực để đảm bảo rằng họ sẽ không đánh mất hình ảnh mà họ đang có về bạn. Thật là một cuộc sống nhọc nhằn biết bao! Bỗng nhiên, nỗi sợ hãi ập xuống cuộc sống của bạn, bạn sợ hãi rằng hình ảnh của bạn trong đầu óc người khác sẽ bị hủy hoại.
Nếu như bạn tìm kiếm sự can đảm và sự tự do, thì bạn phải từ bỏ lối sống cũ ấy đi. Bỏ bằng cách nào? Bằng cách đừng tưởng thật khi có ai bảo với bạn rằng bạn đặc biệt biết bao đối với họ. Những lời "bạn đặc biệt đối với tôi" đơn thuần chỉ nói lên một điều gì đó về tâm trạng hiện tại của tôi về bạn mà thôi, sở thích của tôi, tình trạng tâm trí và sự phát triển của tôi mà thôi. Chúng chẳng nói lên được một điều gì khác. Vậy, bạn hãy chấp nhận những lời ấy như một sự kiện và đừng hoan hỉ vì chúng. Điều bạn có thể hoan hỉ là sự có mặt của tôi, chứ không phải là lời khen ngợi của tôi. Điều bạn có thể vui mừng là sự tương giao hiện thời của tôi với bạn, chứ không phải lời chúc tụng của tôi dành cho bạn. Và nếu bạn khôn ngoan, bạn sẽ thúc giục tôi hãy đi tìm nhiều người đặc biệt khác để bạn khỏi bị cám dỗ phải giữ chặt cái hình ảnh mà tôi đang có về bạn. Không phải vì hình ảnh của tôi về bạn làm bạn vui mừng, bởi vì bạn luôn biết rằng hình ảnh của tôi về bạn có thể thay đổi một cách dễ dàng. Vậy điều bạn vui mừng là giây phút hiện tại, bởi vì nếu bạn vui vì hình ảnh của bạn ở nơi tôi, thì tôi sẽ kiểm soát bạn, và bạn sẽ sợ không dám sống đúng là bạn nữa kẻo bạn làm tôi đau khổ. Bạn sợ không dám sống thật với bản thân bạn kẻo làm cho tôi phải khổ sở. Bạn không dám làm hay dám nói điều gì có thể làm hủy hoại hình ảnh của bạn nơi tôi.
Giờ đây, bạn hãy áp dụng điều ấy vào tất cả những hình ảnh người khác có về bạn. Họ nói với bạn rằng bạn là thiên tài, hoặc bạn khôn ngoan, hoặc bạn tốt lành, hoặc bạn thánh thiện. Bạn thích thú với những lời khen tặng và ngay lúc ấy, bạn đã đánh mất tự do của mình. Bởi vì giờ đây, bạn sẽ không ngừng cố gắng để giữ lại ý kiến ấy. Bạn sợ những sai lỗi, sợ không dám sống thật là bạn, sợ làm và sợ nói bất cứ điều gì có thể làm hủy hoại hình ảnh kia. Bạn đã đánh mất tự do, không dám tự chế giễu, sợ bị cười chê và trở thành trò cười cho thiên hạ, sợ làm và sợ nói bất cứ điều gì đối với bạn là đúng, nhưng không phù hợp với hình ảnh mà người khác đang có về bạn.
Làm cách nào để thoát khỏi điều này? Nhờ những giờ kiên nhẫn học hỏi, ý thức, quan sát, về những hình ảnh ngớ ngẩn này đem đến cho bạn. Nó đem đến cho bạn cảnh trạng hồi hộp cùng với rất nhiều nỗi bất an, mất tự do, cũng như đau khổ. Nếu bạn thấy điều này một cách rõ ràng, có lẽ bạn không còn thú vị, không còn muốn làm một người đặc biệt đối với bất kỳ ai, hoặc được bất kỳ ai coi trọng nữa. Bạn sẽ dám đi lại với những tội nhân hoặc những người xấu nết, dám làm và dám nói những gì bạn cho là đúng, bất chấp người khác nghĩ gì về bạn.
Bạn sẽ nên giống như những cánh chim và những bông hoa, hoàn toàn không nghĩ gì về bản thân. Chúng không quá bận rộn với việc trau chuốt từng li từng tí về những gì người khác nghĩ về chúng, về việc chúng có đặc biệt đối với người khác hay không. Và sau cùng, bạn sẽ trở nên can đảm và tự do.
Nguyên tác: The Way To Love
Tác giả: Anthony de Mello, S,J.

Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2008

20. Hãy Yêu Thương Kẻ Thù

Còn Ta nói với các ngươi, hãy yêu thương kẻ thù
của các ngươi, làm ơn cho những kẻ ghét các ngươi.
Lc 6: 27
Khi đang yêu, bạn thấy mình nhìn mọi người bằng một cặp mắt hoàn toàn khác; bạn trở nên quảng đại, khoan dung, từ tâm ở những nơi trước kia bạn vẫn tỏ ra khó khăn và bẳn gắt. rõ ràng người ta vẫn đối xử với bạn như trước, vậy mà bây giờ bạn lại thấy như đang sống trong một thế giới đáng yêu do chính bạn tạo ra.
Rồi bạn hãy nghĩ đến những lúc bạn khó chịu và thấy dễ cáu giận, bủn xỉn, nghi ngờ, thậm chí còn đa nghi. Liền đó bạn cũng thấy mọi người phản ứng với bạn một cách tiêu cực, và bạn thấy mình sống giữa một thế giới thù nghịch cũng do đầu óc và những cảm xúc của chính bạn tạo ra.
Làm cách nào bạn có thể tạo ra được một thế giới hạnh phúc, đáng yêu, và bình yên?
Bằng cách học cho biết một nghệ thuật đơn giản, xinh đẹp, nhưng đau đớn, được gọi là nghệ thuật nhìn xem. Bạn hãy làm như thế này: Mỗi khi bạn thấy cáu gắt hoặc giận dữ với một ai đó, đối tượng để bạn nhìn vào không phải là người kia, nhưng chính là bản thân của bạn. Câu hỏi được nêu lên không phải là, "Con người kia sai quấy ở chỗ nào?" nhưng là, "Tình trạng khó chịu này cho tôi biết gì về bản thân?"
Bạn hãy thực hiện điều ấy ngay bây giờ. Bạn hãy nghĩ về một người thật khó chịu đối với bạn rồi hãy tự nhủ câu nói đau đớn nhưng có sức giải thoát này: "Nguyên nhân tình trạng khó chịu của tôi không phải là người này, nhưng là chính tôi."
Sau Khi bạn nói ra những lời ấy, bạn hãy bắt đầu tìm hiểu bạn đang tạo ra tình trạng khó chịu ấy như thế nào.
Trước tiên, bạn hãy nhìn vào khả năng thực tế này: chính bạn cũng có những khuyết điểm, hoặc những cái được gọi là khuyết điểm làm bạn khó chịu nơi con người kia. Nhưng bạn đã chèn ép chúng, và do đó, bạn vô tình văng đổ chúng trên con người kia. Thực tế này hầu như lúc nào cũng đúng, nhưng rất khó cho bạn nhận ra được. Vì thế, bạn hãy tìm những khuyết điểm của con người kia ở ngay trong tâm hồn và trong tâm trí vô thức của bạn. Và sự khó chịu của bạn sẽ biến thành niềm tri ân, vì thái độ của người kia đã đưa bạn đến chỗ tự nhận biết mình.
Đây là một điều khác nữa để cho bạn nhìn xem: Có thể bạn khó chịu vì điều người kia nói hoặc làm chỉ vì những lời ấy hoặc lối sống ấy đang làm lộ ra một điều gì đó trong cuộc sống của bạn, nhưng chính bạn lại khước từ không chịu nhìn nhận? Bạn hãy giả sử con người khó ưa kia sẽ như thế nào trước mặt một nhà thần bí hoặc một vị ngôn sứ, những người nhìn xa trông rộng bằng tầm nhìn thần bí và ngôn sứ, đang khi bạn lại bị khó chịu trước những lời nói và lối sống của con người ấy.
Một điều khác nữa cũng rất hiển nhiên: Bạn bị bực tức khó chịu với con người này bởi vì ông ấy hoặc bà ấy không sống theo những kỳ vọng đã được cài đặt sẵn trong bạn. Có thể bạn được quyền yêu cầu ông ấy hoặc bà ấy sống theo chương trình của bạn, nếu như họ tỏ ra tàn nhẫn hoặc bất công, nhưng sau đó, bạn đừng nghĩ mãi về điều này nữa. Nếu bạn muốn tìm cách biến đổi con người này hoặc ngưng lối sống của họ lại, nếu như bạn không cảm thấy khó chịu, biết đâu bạn sẽ dễ dàng thành công hơn?
Sự khó chịu chỉ làm nhụt đi khả năng cảm nhận của bạn và làm cho hành vi của bạn bớt đi hiệu quả. Mọi người đều biết khi một vận động viên hoặc một võ sĩ bị mất bình tĩnh, cuộc tranh tài của họ sẽ khó thành công bởi vì không còn sức hỗ trợ của đam mê và nhiệt huyết. Phải nói trong hầu hết mọi trường hợp, bạn không có quyền đòi hỏi người khác phải sống phù hợp với những kỳ vọng của bạn. Một người nào đó nếu ở vào trường hợp của bạn mà gặp phải lối cư xử thế này, có lẽ họ không thấy khó chịu gì cả. Chỉ cần bạn ngẫm nghĩ về sự thật này, rồi sự khó chịu của bạn sẽ biến tan. Thật ngớ ngẩn biết bao khi bạn đòi hỏi người khác phải sống đúng theo những tiêu chuẩn và những qui tắc mà cha mẹ của bạn đã lập trình vào đầu óc của bạn.
Và đây là sự thật sau cùng cho bạn suy tư: nếu xét đến nề nếp gia cảnh, đến kinh nghiệm cuộc sống, và sự vô tình của con người kia, nhất định họ sẽ phải cư xử như thế. Người ta đã nói rất đúng: hiểu biết tất cả là tha thứ tất cả. Nếu bạn thực sự hiểu biết con người này, có lẽ bạn sẽ nhìn anh ấy như một người tàn tật đáng thương chứ không đáng trách, và sự khó chịu của bạn sẽ lập tức tan biến. Và sau đó, bạn sẽ đối xử với anh ấy hoặc chị ấy một cách yêu thương, và anh ấy hoặc chị ấy cũng sẽ đáp lại một cách yêu thương. Và bạn nhìn nhận ra mình đang sống giữa một thế giới đáng yêu mà bạn đã tự tạo ra cho chính mình.
Nguyên tác: The Way To Love
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.